Trong một số năm ở tuổi thiếu niên tại Sawyer có vẻ như tôi đã làm chủ được cuộc đời mình. Tôi không hiểu hết mọi việc diễn ra quanh mình, nhưng trong một thời gian ngắn, tôi đã có một cái gì đặc biệt để tạo cho mình cảm giác về sức mạnh của bản thân. Nó làm cho tôi thấy mình lớn hơn, năng động hơn trước đây. Dù không bị hắt hủi, xa lánh ở nhà trường nhưng vẫn chưa có tiến triển gì trong các quan hệ xã hội. Bạn bè trong lớp cho rằng tôi là đứa lạnh lùng, xa cách. Một số nói là tôi làm cao, và chẳng có điều gì khiến tôi phiền lòng bởi vì trong mấy năm liền, ngày nào từ Angelus trở về nhà, tôi cũng đều ấp ủ một điều bí ẩn khiến cho mình thấy dễ chịu. Tôi đã làm những việc mà những người khác không làm nổi, những chuyện mà họ hẳn đã không mơ tưởng tới. Tôi thuộc về một câu lạc bộ đặc biệt mà tâm điểm là một con người vô cùng từng trải, dạn dày, và một đứa bạn thường làm kinh hãi mọi người. Thậm chí trong hàng ngũ những người lướt sóng, chúng tôi cũng có một địa vị bí hiểm. Mỗi khi đến vùng Mũi đất, chúng tôi có thể cảm nhận được sự nể nang của những người khácề Những người cao tuổi, kể cả người có uy tín như ông Slipper, cũng phải buộc lòng bày tỏ sự kính trọng, nhất là khi có sự hiện diện của ông thầy tôi. Nếu có một anh chàng ngựa non háu đá nào căn vặn chúng tôi về chuyện ông Sando thì liền bị một người trong số những người lớn tuổi bắt phải im miệng. Giờ đây, họ mới biết rằng ông đã một mình lướt sóng ở Old Smoky từ nhiều năm. Ông ta thuộc một đẳng cấp khác, chúng tôi đều nhận biết điều đó theo bản năng. Ông Sando toát lên một phẩm chất cao quí. Và tôi chẳng lạ gì với năng lực liên kết của ông.
Nhưng khi ông Sando lần đầu tiên dẫn Loonie ra các miền đảo xa thì ông đã bỏ tôi lại với cái nghĩa đen hoàn toàn. Ít nhiều tôi đã bị lọt lại đằng sau. Tôi không còn tin vào vị trí và giá trị của mình nữa. Có thể một phần ý thức bị giáng cấp của tôi là do tưởng tượng hoặc do hậu quả của sự xấu hổ, nhưng tôi có thể chắc chắn rằng ông Sando đã không còn xem trọng tôi nữa, rằng Loonie không còn xem tôi là đứa ngang hàng với nó, và cảm giác mình được quan tâm săn sóc cũng không còn. Lần đầu tiên trong đời, tôi cảm thấy mình cô đơn hơn là cô độc.
Không lâu sau lễ Phục sinh, trong tuần lễ đầu của thời kỳ xả hơi, thì một đợt lạnh nghiệt ngã bất ngờ ập vào bờ biển. Gió nhổ bật các gốc cây, thổi bay các mái tôn vào tận trong rừng, và khi đã suy yếu thì cơn lốc để lại một đợt sóng nhồi phát triển nhanh chóng khiến tôi thức giấc nửa đêm với sự pha trộn kỳ quặc giữa nỗi náo nức và sự lo âu.
Tôi nằm chờ nghe tiếng xe Volkswagen nhưng chẳng thấy Loonie và ông Sando đâu cả. Khoảng tám giờ sáng, khi cha mẹ tôi đã đi xuống phố, tôi lấy xe đạp chạy ra bờ biển.
Nhìn qua bên kia, tôi thấy các màn bụi nước hiện rồ nơi cửa sông.
Ở nhà ông Sando, chiếc xuồng và chiếc xe đa dụng đã đi rồi. Các thứ này được đưa tới mũi Nautilus. Tôi không thể trách họ đã gạt tôi ra, nhưng chuyện này gợi ra một điều gì đó trong tôi. Con chó không sủa om lên khi nó từ trên nhà chạy xuống, và tôi thấy nhẹ nhõm vì tôi muôn đi vào đi ra mà không làm Eva thức dậy. Con chó theo tôi vào trong nhà hầm, tôi kéo lấy tấm ván Brewer mà trước đây vài tuần tôi đã bị xấu hổ vì nó. Tôi đánh bóng tấm ván bằng sáp lấy trong hộp thiếc Milo trên chiếc ghế dài rồi ôm tấm ván đi trở ra đường. Vì không cách gì vừa đạp xe vừa vác một tấm ván dài như vậy, nên tôi phải vác bộ đi ra Mũi đất, và khi tôi băng qua gờ đất để đi tới đỉnh vách đá nhìn xuống Old Smoky thì mặt trời đã chiếu rọi chói chang, người tôi ướt đẫm mồ hôi. Cánh tay phải tôi bị sai khớp vì ôm tấm ván đi quá xa. Tôi duỗi tay vài cái trong khi con sóng vỡ ra và sáng loà trên mặt biển đầy nắng.
Tôi không hiểu sao mình lại ra biển một mình như thế này. Tôi đã bị xúc phạm và tấm tức, tôi cảm thấy làm như thế này là một cách chứng tỏ mình. Tôi biết rằng Old Smoky đã có nhiều người lướt sóng một mình trước đó. Nhưng không phải là việc của đứa con trai mười lăm tuổi. Với sự cách biệt như vậy thì đây có vẻ như là một hành động tuyệt vọng hoặc - tệ hơn thế nữa - một cách lao vào cõi lãng quên. Cho đến ngày nay, tôi cũng khó tin được mình đã làm như thế.
Trước khi đi được nửa đường tới vỉa đá ngầm, tôi nhận thấy rằng lúc này trên bãi Old Smoky sóng vỗ mạnh hơn là tôi từng thấy. Giữa những cơn lắng dịu đánh lừa, những ngọn sóng dựng cao lên tới hai mươi bộ hoặc hơn thế nữa, và khi đến gần thì tôi mới thấy là mình đã đánh giá thấp một cách nghiêm trọng tầm cỡ của con sóng nhồi này. Với kích thước ấy, thật lạ lùng là con sóng vẫn còn vỗ bờ một cách dịu êm.
Tai tôi lùng bùng. Tôi nói lớn lên một mình. Tôi tìm cách đứng trên vỉa đá ngầm, nhiều lần xác định vị trí của mình như đã được dạy. Ngọn gió từ ngoài khơi thổi vào từng cơn đều đều, và nước biển lao xao bên dưới bề mặt.
Tôi đang đứng ngay trên tảng đá khi một đợt sóng nhồi mới từ hướng tây nam ùa vào. Khi vào đến vùng nước cạn, chúng đi nhanh hơn và chẳng mấy chốc tôi đã phải hì hụp nhô lên nhiều lần để thoát ra ngoài các con sóng này. Con sóng sau dường như to hơn con sóng trước, và mỗi lần hét lên rồi ngã nhào xuống vùng trũng phía sau thì tôi lại bị những hạt nước làm cho tối tăm mày mặt. Trong cơn hỗn loạn với đám bọt trắng này, cho đến khi tôi nhìn thấy được con sóng tiếp theo thì đã quá muộn. Nó đã réo sôi, bắt đầu vỡ ra, và khi ấy thì vấn đề là phải cưỡi lên nó hoặc đội lấy nó, cho nên tôi đã xoay người và đi tới.
Suốt chặng đường, tấm ván lớn va đập lốp bốp vào những ngọn sóng trên mặt; tôi có thể nghe được những tiếng róc rách rì rào của nó qua đợt sấm rền phía sau mình. Khi con sóng dựng lên tới chiều cao tối đa, tạo nên bức tường cao hàng trăm mét phía trước trong khi tôi đáp xuống dưới thì dường như nó đang tạo ra một thứ thời tiết riêng. Đột nhiên không còn có gió nữa, và hễ càng xuống thấp, nước càng lặng hơn. Toàn thể lâu đài cuồn cuộn này sáng lên lấp lánh. Có một lúc - một thời khắc ngắn đê mê - tôi cảm thấy mình như không còn trọng lượng, một con bướm đêm cưỡi trên ánh sángế Thế rồi tôi đột ngột xoay người và gia tăng tốc độ, gây ra một lực đẩy trên hai đầu gối, cặp đùi, cái bụng tôi, khiến tôi ngã lui lại trên đỉnh ngọn sóng và cảm thấy làn gió từ trong đất liền thổi vào mặt mình, rồi tôi va phải một vách đá và lặn xuống trở lại. Cứ qua mỗi lần nhào lộn, mỗi lần rơi xuống, tôi lại thấy tự tin hơn. Đến chặng cuối của con sóng thì tôi đã biết cách ứng biến. Tôi lao vào trong eo biển, bấn loạn vì niềm vui nên phải ngồi yên một lát để đầu óc thanh thản.
Tôi thấy mình thật kỳ điệu và hết sức phấn khởi. Tôi đã không phải là kẻ nhút nhát hay gàn dở. Tôi biết những gì mình làm, và nó không phải ở trong phạm vi tầm thường.
Hồi tưởng lại, tôi thấy là lẽ ra mình nên ngồi đấy mà hãnh diện lâu hơn chút nữa, để xác nhận đầy đủ mọi cảm giác cho đến khi làm chủ được chính mình và cười nhạo chính mình. Như vậy thì tôi đã có thể trì hoãn hành động để tập trung suy nghĩ, chuyển sang một phương pháp nào đó. Nhưng vì quá hăng say náo nức nên tôi cứ nhốn nháo, rồi bơi trở vào trong vùng biển động và đáp lấy con sóng đầu tiên của đợt tiếp đó. Cộng chung cái sai lầm thứ nhất và cái sai lầm thứ hai, tôi lao vào con sóng ấy thay vì chờ cho nó đến chỗ mình, vì thế nên tôi chẳng bao giờ ở trong tư thế thuận lợi và phải bò xuống để lấy đà. Khi con sóng đạt tới đỉnh cao nhất thì tôi phải quờ quạng thật vất vả, và cảm thấy mình lao tới đằng trước, loạng choạng trước đỉnh con sóng, chỉ nhào tới được vài thước để rồi cảm thấy là con sóng lao tới đằng trước mà chẳng có mình.
Ngay trước khi ngồi dậy và nhìn ngoái ra sau, tôi đã thấy mình đang ở trong tình trạng hỗn loạn. Tôi để cho mình sa vào đường đi của con sóng tiếp theo - càng lớn hơn nữa và đang chực vỗ vào bờ. Trong mấy giây còn lại, tôi lao hết tốc lực tới nơi eo biển rồi mới thấy mình chẳng bao giờ tới đó được. Tôi hít thật nhiều hơi, thở sâu vội vã, và đến thời điểm cuối cùng có thể được, khi bức tường trắng rào rào đổ xuống thì tôi đứng lên trên tấm ván và lao xuống thật sâu. Tôi nhún chân mạnh, nhưng tức thời khối nước trắng ập vào, giạt tôi qua một bên và ném tôi xuống dưới. Tôi thấy hình thù lờ mờ của những hòn đá. Những mảng tảo bẹ bay qua bên tôi. Hai bên tai tôi bị va đập mạnh nhưng tôi không thể tránh đươc, rồi sau đó tôi bị phóng từ đầu này qua đầu kia trong đáy biển sâu, vụt qua những vật cứng và mềm cho đến khi, giống như một cơn bão yếu dần, khối nước giảm tốc độ lại xung quanh tôi, và tôi loạng choạng trồi lên trong vùng ánh sáng.
Tôi trồi lên một mình giữa một lớp váng bọt biển, và chưa kịp thở thì một tháp nước trắng xoá khác đã ập xuống, và cơn vùi giập thứ hai này càng tồi tệ hơn trước. Tôi khởi động với ít không khí hơn mà phải vùng vẫy nhọc nhằn hơn, lâu hơn. Khi vừa nhảy được lên thì lại rơi vào đường đi của con sóng thứ ba, và rồi thì con sóng thứ tư. Hơi thở càng lúc càng gấp hơn, và mỗi cuốc lặn càng lúc càng cạn hơn. Tôi bị hoảng loạn và mất phương hướng đến nỗi lao đầu xuống đáy biển mà tưởng là mình đang lao lên mặt nước. Hai chân tôi rát bỏng và tê rần. Tôi thấy ánh sáng ở nơi không có ánh sáng. Bụng tôi quặn đau. Mọi thứ như bị thu hẹp lại - giống như nhìn qua khe một hộp thư - và ngoài kia, ở đầu kia của khe hẹp ấy là cả một khối nước trắng đang muốn giết tôi.
Nhưng khi biển đã lắng xuống và nước đã trong ra thì tôi quờ quạng bơi về phía trên. Trong một lúc, ở trên mặt nước, cổ họng tôi như bị bịt kín. Tôi không thở được nữa, và rồi tôi rơi vào một cơn co giật dữ dội, tôi mửa ra mật vàng cùng với nước, và không khí trở nên nóng vô cùng.
Chẳng thấy tăm hơi tấm ván Brewer đâu cả. Khi đã tỉnh táo lại, tôi thấy mình đã bị ủi đi xa cả tón trăm mét, phần lớn là ở dưới nước. Cách duy nhất để trở về nhà là phải bơi.
Phải mất khoảng một giờ tôi mới bơi tới các vách đá, và có lẽ thêm ba mươi phút nữa mới leo được lên. Tôi đã bị say sóng trong khi bơi đứng, chống chỏi với dòng nước ngược. Cuối cùng khi không biết còn sức để cầm cự được bao lâu nữa thì tôi nhập được vào phía sau một cuộn sóng lớn nhẹ nhàng, nó đặt tôi xuống một gờ đá, và từ đó tôi đã có thể chầm chậm bò đến nơi an toàn.
Về đến nhà ông Sando, tôi cố gắng để đừng động đến những gì trong nhà này, nhưng tôi khát quá. Bà Eva bắt gặp tôi đang ừng ực uống nước lấy từ trong bồn nước mưa.
- Pikelet đấy à?
- Tôi vừa mới đến - Tôi đáp khàn khàn.
- Thấy cái xe đạp của cậu. Đi đâu về vậy?
Tôi nhún vai, nhưng tôi đang đứng đây với bộ đồ lặn và hai đầu gối rỉ máu.
- Tôi đi đây.
- Vào đây đã.
- Không, tôi phải đi mà.
- Trời ơi, cậu có nghe tôi không, nhìn cậu kìa. Hãy lên nhà đi.
Tôi chậm chạp bước lên các bậc thang để tới nơi hàng hiên.
- Cậu đi ra đó một mình, phải không?
- Tôi bị mất tấm Brewer rồi. Tấm ván màu vàng ấy.
- Có nghĩa là cậu phải bơi vào bờ? Để tôi nhìn cậu xem.
- Khát nước quá. Tôi thấy buồn vì chuyện tấm ván.
- Ồ, hãy quên cái tấm ván chết tiệt ấy đi. Ngồi xuống đây, để tôi kiếm cái gì ăn cho cậu.
Ngồi ở đây, tôi mới thấy mình đuối mệt. Có lẽ tôi đã ngủ gật vì khi nhìn lên tôi thấy bà đã đứng đấy với một lon cô ca và một dĩa bánh kẹp. Tôi ăn và uống nhồm nhoàm trong khi bà ta ngồi nhìn.
- Cậu đã coi trọng ông ta quá mức đấy - Sau cùng bà nói.
- Ai hở?
- Cậu biết rồi đấy. Để tôi đi lấy cái gì chữa các vết thương. Ngồi đấy nhé.
Nhưng tôi không ngồi ở đấy, vì sợ lại ngủ gục nữa. Tôi đi theo bà vào nhà và tựa người trên chiếc ghế dài nhà bếp trong khi bà ta lục tìm trong cái tủ ly.
- Ngồi xuống kẻo ngã bây giờ, bà nói. Cậu hãy chờ cho đến khi họ trở về. Bộ dạng thế này cậu không thể đạp xe về nhà được đâu.
- Tôi đi được mà - Tôi nói - Tôi không muốn mình còn ở đây khi ông Sando trở về.
- Hãy ngồi xuống đây đã nào.
Tôi làm theo lời bà. Bỗng nhiên tôi muốn khóc.
- Ông ấy nói với cậu là họ đi Java, phải không?
Tôi lắc đầu, không nói gì được.
Chẳng có gì vui vẻ nữaế Tôi không biết là mình còn ở đây khi ông ta trở về nữa không.
Bà ta cầm đến một nắm bông gòn và một cái chai đựng một thứ gì có màu nâu đen. Tôi nhắm mắt lại.
- Chúa ơi, sao tôi lại nói với cậu chuyện này?
Tôi chỉ có thể nhún vai.
- Này, Pikelet - Bà nói khe khẽ. Cậu không nói gì hết chứ?
- Không.
Bà nhìn tôi khen ngợi, và khi bà mở nắp cái chai, rót thuốc sát trùng vào miếng bông gòn, tay bà run run. Bà đỡ lấy cằm tôi, nghiêng cái đầu để áp một miếng bông lạnh vào lông mày tôi và tôi cố không nhăn mặt.
Bà đặt lọ thuốc xuống, sờ soạng mấy ngón tay trên tóc tôi một lát để tìm cục u trên sọ. Tôi nhìn vào mớ lông vàng hoe dưới rốn của bà, nơi chiếc áo gió bị kéo lên.
- Cậu sẽ không sao đâu.
Bà đứng cách tôi chỉ vài tấc. Người bà toả ra mùi bơ và dưa leo cùng với mùi cà phê và thuốc sát trùng. Tôi muốn áp mặt mình vào cái bụng ấy và ôm ngang người bà, nhưng tôi cứ ngồi yên ở đấy cho đến khi bà bước đi. Đến lúc ấy tôi mới đứng lên và ra về. Tôi chẳng buồn nghe những gì bà nói. Tôi chậm rãi đạp xe về nhà với thân mình trầy trụa và bôi đầy những thuốc.
Tối hôm ấy, trong khi hơi ấm ban ngày rút dần vào dưới tán rừng, tôi ngồi tựa người vào một gốc cây karri và hút điếu bồ đà mà Loonie đã mang đến cho tôi. Đến bữa tối, tôi ăn miếng thịt sườn một cách thận trọng, lo lắng mỗi khi bắt gặp cái nhìn giễu cợt. Tôi thấy mình như bị phơi trần, soi rọi và khó chịu. Ban đêm, tôi nằm mơ thấy mình bị chết đuối. Khi ấy tôi lại một lần nữa thấy cái đầu mình kẹp chặt vào trong vỉa đá ngầm, và khi thức dậy, sờ tay vào chỗ đang đau ở chân mày và xương sọ của mình, phải mất một lúc, tôi mới tin rằng mình chỉ bị thương thôi.
- Con đã đánh nhau phải không? - Cha tôi hỏi lúc ăn sáng.
- Không ạ - Tôi nói.
- Nhìn con kìaẻ Con phải nói cho cha biết.
- Không có gì đâu, cha.
- Mặt con như là trái táo chim mổ vậy đó - Mẹ tôi nói.
- Con làm sao mà ra thế này hả? - Cha tôi nói với vẻ ngạc nhiên hơn là giận dữ.
- Con bị ngã trên mấy hòn đá - Tôi nói khe khẽ.
- Ngoài bờ biển hả?
- Dạ.
- Đã bao nhiêu lần cha bảo con là…
- Cha kể con nghe chuyện ông Snowy Muir đi - Tôi nói.
- Ông cụ chộp lấy cái nón và cái túi đồ nghề của ông.
- Cha chẳng bao giờ nói cho con nghe câu chuyện ấy
- Tôi nói nhẹ nhàng.
- Ai có việc của người nấy - Ông nói. Ông hôn mẹ tôi, chụp chiếc mũ lên cái đầu hói rồi bước ra cửa.
Loonie đã ra đứng bên ngoài cửa hàng thịt giữa đám mưa phùn khi tôi bước xuống xe buýt. Nó còn mang dấu tích lờ mờ trên con mắt thâm đen, và môi nó bị chẻ ra theo một cách mới. Tôi chẳng thèm hỏi. Tôi biết các dấu vết này là của cha nó.
- Mày đã một mình ra bãi Old Smoky phải không? - Nó nói.
Tôi nhún vai và kéo cái túi lên trên vai.
- Mẹ kiếp - Nó lẩm bẩm - Ông ấy bực mình lắm về chuyện mất tấm ván đấy.
- Thì mày cũng đã làm mất hai tấm rồi kia - Tôi nói. Mà ai nói cho mày biết vậy?
- Bà ấy.
- Eva? Bà ấy nói chuyện với mày à?
- Không. Tao nghe họ cằn nhằn với nhau. Bà ấy đã buột miệng nói ra. Bà ấy nói là mày đã đi một mình. Và tấm ván bị mất, phải không?
- Tao phải bơi vào đấy.
- Mẹ kiếp.
- Hai người đi Nautilus phải không? - Tôi hỏi bất đắc dĩ.
- Ồ, chuyện nhỏ mà. Tao đã đến đấy. Lần nào cũng với tốc độ cao.
- Ông ấy à?
- Ông ấy chỉ làm có một lần. Ông ý sợ bỏ mẹ đi.
- Tao chẳng thèm biết chuyện đó.
- Úi dào - Loonie nói.
Trong cái cười tự đắc của nó có một cái gì đó tàn nhẫn.
- Rồi sau đó ông ấy dẫn mày đi Java - Tôi nói.
- Ai nói cho mày biết?
- Bà Eva - Tôi nói với một ánh mắt mãn nguyện.
Nó lầu bầu rồi tự vấn cho mình một điếu thuốc, và tôi nhận thấy rằng chúng tôi không còn là bạn bè nữa. Đến ngã tư, nơi quán ăn thấp thoáng hiện ra bên kia nhà máy điện, chúng tôi mỗi đứa rẽ theo hướng riêng của mình, thậm chí chẳng nói một lời tạm biệt. Không đứa nào trong chúng tôi biết rằng chúng tôi sẽ không bao giờ gặp lại nhau nữa.
Ông Sando lái xe vào tận sân trường giữa giờ ăn trưa trong khi tôi đang đá banh với một đám con trai nhỏ mà tôi không quen biết lắm. Tiếng máy quen thuộc của chiếc Volkswagen đã khiến tôi chú ý. Tôi thấy ông đậu xe đàng kia, phía sau các trụ gôn nhưng tôi không chạy đến đó ngay. Cho đến lúc tôi bớt giận thì chỉ còn vài phút là tiếng chuông nhà trường lại vang lên.
Ông ta ngồi ôm tay lái như một tài xế xe buýt. Ông mặc chiếc áo khoác ngắn bằng vải da bò, một chiếc sơ mi lụa xanh óng ánh. Mái tóc, bộ râu và đôi khoen tai của ông ánh lên trong ánh sáng ngày đầu mùa đông. Ông nhướng mày lên có vẻ ngạc nhiên khi nhìn thấy tôi. Tôi đứng yên đấy trong bộ đồng phục màu nâu nhếch nhác.
- Ông sắp ra biển hả?
- Phải - Ông đáp - Ngày mai.
Tôi gật đầu và nhìn qua bên kia các mái nhà của Angelus.
- Tôi nghĩ cậu có thể đi chơi một chuyến để tiễn chúng tôi. Chúng ta sẽ không gặp nhau nhiều nữa đâu.
Tôi liếc nhìn lại mấy đứa con trai đang chuyền bóng cho nhau đằng sau.
- Tôi không đi được. Cha mẹ tôi không cho phép.
Ông ta gật đầu, vuốt vuốt bộ râu một cách trầm ngâm.
- Này, có người đã tìm thấy tấm ván Brewer màu vàng.
- Thật ư?
- Một người đánh cá. Trôi ra xa khoảng hai mươi lăm dặm, anh ta đoán thế.
- Rồi anh ta trả lại?
Ông Sando gật đầu. Tôi thấy nhẹ nhõm và vui mừng.
- Eva nói là lúc cậu trở về trông rất tả tơi.
- Nhọc nhằn thật - Tôi nói - Chuyến bơi thật là dài.
- Một nỗ lực sắt đá, cần phải nói như thế. Đáng khen lắm đấy.
Tôi nhún vai.
- Không, tôi nói thật đấy. Phải ngả nón đấy.
Tôi thọc hai bàn tay vào trong túi áo để từ chối sự khen ngợi của ông ta. Chúng tôi im lặng một hồi lâu rồi tiếng chuông reng. Ông Sando nổ máy chiếc xe.
- Vậy thì từ biệt nhé.
- Vâng - Tôi đáp.
Khi tôi về nhà thì tấm Brewer màu vàng đang được dựng bên nhà kho với chiếc bánh lái lớn màu đen của nó trông như cánh con quạ.
- Ông ta bảo là cho con đấy - Mẹ tôi nói - Ông ấy giống như là dân Gypsy nhỉ. Ông ấy bảo con cứ lấy mà dùng.
Tôi vừa gật đầu vừa hạ nó xuống và ôm vào trong cánh tay mình. Một tấm ván đẹp, sản phẩm của một tay thợ mộc bậc thầy.
- Con làm công việc gì ở đó vậy? - Mẹ tôi hỏi.
- Thường thôi. Chẻ củi.
- À - Bà nói - Và tôi có thể thấy là bà đã tin như thế.
Truyện đánh dấu
Nhấn để xem...Truyện đang đọc
Nhấn để xem...