Dịch: Minh Nguyệt Châu Sa
Biên: Chưởng Thiên
***
“Đợi một lát, đợi một lát, để ta lật cá…”
Một gã thư sinh thấy nửa trên của con cá hấp trong mâm đã bị ăn hết thì vội vàng muốn lật cá. Nhưng gã lại phun ra từ "lật" khiến cho hai cha con thuyền phu cực kỳ không vui.
“Nói bậy bạ gì đó! Là chỉnh cá lại! Là ‘Chỉnh’. Vị công tử thư sinh này, điều ngài vừa nói chính là điềm xấu với những người kiếm ăn trên sông nước chúng tôi đấy!”
Giọng điệu của lão thuyền phu rõ ràng có vẻ phật ý. Gã thư sinh lập tức nắm được điểm mấu chốt, vội vàng xin lỗi.
“Ai da, ai da, xem cái miệng của ta kìa. Nhà thuyền chớ trách. Tiểu sinh không hiểu chuyện sông nước, phạt một chén rượu!”
“Hắc hắc, thư sinh nhà ngươi thèm rượu chứ gì! Để ta rút xương cá ra, không cần làm gì cả, cứ ăn thôi.”
Trong khoang thuyền, tiếng trêu đùa huyên náo không ngừng, xen lẫn tiếng cười “ha ha ha” trong trẻo của hài tử. Ngẫu nhiên còn có người ăn cá quá nhanh nên bị hóc xương, phải nhờ nhà thuyền giúp đỡ.
Rượu gạo của ngư dân không quá nặng lại còn rất thơm. Hơn nữa, tối nay có khá nhiều thịt cá làm đồ nhắm, mọi người cũng là lần đầu tiên gặp nhau, nên bữa cơm đã kéo dài gần nửa canh giờ mà vẫn chưa thấy đã.
“Cha, con đi vệ sinh đây!”
Gã thuyền phu trẻ tuổi cảm thấy bụng dưới căng tròn nên muốn đi tiểu.
“Đi đi, đi đi, nhớ xa một chút biết không!”
“Vâng!”
Gã thuyền phu trẻ tuổi đáp, rồi đặt đũa xuống và đứng dậy ra khỏi khoang thuyền.
Tuy gã uống khá nhiều, nhưng vốn dĩ rượu này không nặng, vả lại thể trạng của một thanh niên làm việc trên thuyền thường rất tốt, nên không đến mức đi không nổi.
Gã đứng vững vàng ở gần mạn thuyền, cởi dây lưng quần xuống rồi thả lỏng toàn thân. Một dòng nước nhỏ rót thẳng xuống sông.
“Phù…”
Tiểu xong, gã cảm thấy cực kỳ khoan khoái dễ chịu. Nhưng lúc buộc lại dây lưng quần, đột nhiên gã nghe thấy tiếng quẫy nước, quay đầu nhìn lại thì chỉ thấy một đám gợn sóng lăn tăn trên mặt sông.
“ào ào…”
Lần này, tiếng quẫy nước truyền đến từ mũi thuyền.
Gã thuyền phu hơi hoảng, vừa đi về phía mũi thuyền vừa cẩn thận quan sát. Nhưng mặt sông chỉ toàn những gợn sóng lăn tăn như trước. Cảm thấy sợ hãi, gã vội vàng chạy về khoang thuyền.
Đám người bên trong vẫn đang ăn uống. Tuy phát hiện sắc mặt của gã thuyền phu trẻ tuổi không được tốt, nhưng chẳng ai hiểu đã có chuyện gì xảy ra.
“Cha… Hình như có Thủy Công…”
Gã nhỏ giọng kể lại cho lão thuyền phu. Lúc đi tiểu, gã cảm thấy tiếng quẫy nước kia cực kỳ khác thường, rất giống với một vài chuyện trong lời đồn.
Lão thuyền phu nghe vậy liền nghiêm mặt lại, liếc nhìn những người xung quanh trong thoáng chốc, nhưng không nói gì cả. Lão chỉ lẳng lặng cầm ly rượu, rồi bước ra khỏi khoang thuyền.
Mấy người kia đương nhiên chẳng hiểu mô tê gì. Chỉ có ông lão dẫn theo đứa cháu trai dường như vừa nghĩ tới điều gì đó liền giữ cháu mình lại, không cho nó ra ngoài xem náo nhiệt.
Ở thế giới này, có hiệp khách võ lâm đỉnh phong tìm kiếm cơ hội đột phá, cũng có người si mê tìm kiếm Tiên Duyên, nhưng đã mấy ai gặp được thần tiên? Còn những chuyện yêu ma quỷ quái kinh khủng mà nhân gian vẫn đồn đại thì lại chẳng hiếm gặp.
Thậm chí, có người đã từng gặp mà không hề hay biết. Có người chỉ nghe tin đồn từ miệng người khác đã cảm thấy sợ hãi. Cũng có những kẻ vô tri, chết mà không ai hay.
Nói thẳng ra, chuyện này là do nhu cầu của mỗi bên vốn khác nhau. Phàm nhân rất sợ yêu tinh tà mị, vì bọn chúng thèm muốn hồn xác, nguyên dương của con người. Mà việc phàm nhân cầu xin thần tiên rốt cuộc cũng chỉ vì dục vọng cá nhân. Hai vướng mắc này chung quy bù trừ lẫn nhau. Ngay cả Tu tiên giả cũng có dục vọng. Tuy nhiên, phần lớn những người ôm lòng cầu xin đều bị trói buộc bởi tâm tư của chính mình.
Cho dù là Thành Hoàng, lúc bận rộn thì không nói, nhưng bao năm tháng ngự tại miếu đường, bọn họ đã nghe được vô số tham lam dục vọng, đê hèn dơ bẩn từ miệng người đời. Điều này quả thật vừa đáng ghét lại vừa phiền phức. Nếu là chuyện không quan trọng, liệu có ai rảnh mà để ý đến ngươi.
Khái niệm thời gian của mỗi người cũng vô cùng khác biệt. Không cần nói đến tu tiên giả hay các vị thần tiên, ngay cả yêu quái cũng động một tý là tu luyện nhiều năm trời, cho nên thông tin về chúng lại càng bị giới hạn. Hơn nữa, thiên hạ to lớn, còn số người hiểu biết quả thực rất ít. Vì vậy, những chuyện phát sinh không được lưu truyền rộng rãi. Về sau, số người có thể tìm ra vết tích lại càng thêm ít ỏi. Nhưng ngược lại, vẫn có một ít điển cố được hương nhân lưu truyền trong dân gian.
Ở Tiểu Thuận Hà và Xuân Mộc Giang, những người quanh năm chèo thuyền không ít thì nhiều đều đã gặp phải chuyện quái lạ liên quan đến sông nước. Thứ gọi là “Thủy Công” chính là xưng danh tôn quý người ta đặt cho Thuỷ Quỷ.
Tuy lúc nãy những người ở trong khoang thuyền mơ hồ không hiểu, nhưng bây giờ bọn họ đã dường như nhận ra điều gì đó. Cả đám chăm chú quan sát lão thuyền phu bưng rượu đến mạn thuyền, rồi tưới rượu xuống sông.
“Ngài không phạm ta, ta không phạm ngài. Một chén rượu này bày tỏ lòng tôn kính. Thủy Công, Thủy Công mau mau rời đi!”
Vừa tưới rượu, lão vừa lầm bẩm tới lui mấy câu kia. Tuy mắt thường không phát hiện được gì khác biệt nhưng dường như dưới nước vừa có gợn sóng bỏ đi.
“Được rồi, chúng ta ăn cơm tiếp nào. Chỉ cần không xuống nước là sẽ không sao. Lúc ra khỏi Xuân Mộc Giang, mọi người nhớ bái biệt Giang Thần Miếu là được.”
Vừa rồi, dù không phát hiện ra điều gì nhưng đã khiến cho vài người nổi da gà. Cả đám rối rít trở lại khoang thuyền. Chỉ còn Kế Duyên vẫn đứng lặng một chỗ, híp mắt quan sát mặt nước.
Loại hán tử khí huyết sung mãn như Lý Đại Ngưu nếu có bị Thủy Công kéo xuống sông thì quỷ nước bình thường cũng chẳng thể làm gì gã. Nhưng nếu gã không biết bơi thì lại là chuyện khác, có khi lại chết chìm dưới sông chưa biết chừng.
Chẳng qua, Kế Duyên biết rõ thứ ở dưới sông lúc này không phải là Thủy Công, mà chỉ là một con cá trắm đen thèm rượu thôi.
“Ha ha, mọi người đều đi tiểu ở mạn thuyền, vậy mà ngươi còn tới đây đòi uống rượu sao?”
Kế Duyên cười nói một câu. Gợn sóng lại nhộn nhạo lần nữa. Con cá trắm đen lớn ở dưới nước cũng quẫy đuôi bơi đi.
“Nếu yêu quái đều đáng yêu như vậy thì tốt!”
…
Sáng hôm sau, khách nhân lục đục tỉnh giấc, đều phát hiện trời đã sáng rõ. Riêng Kế Duyên đã ngồi tĩnh tọa ở mũi thuyền từ lâu. Lão thuyền phu cũng đã dậy từ lúc trời còn chưa sáng. Đợi ăn điểm tâm xong, lão sẽ lái thay con trai để gã được ngủ bù.
Lúc này, Kế Duyên không đọc sách mà giữ một thẻ bạch ngọc trong tay. Đây chính là Câu Thần Tàn Chương được Cừu Phong tặng.
Diệu pháp Câu Thần này có hai tầng. Một tầng có thể giúp người tu luyện học cách khống chế tâm thần, phụ trợ cho việc tu hành. Còn một tầng hắn thấy lợi hại hơn nhiều, thật sự có thể “Câu Thần”.
Trong phim Tây Du Ký ở kiếp trước, Tôn Ngộ Không thường nói: “Lão thổ địa ở đâu?” thì sẽ có thổ địa công hiện thân. “Câu Thần” chính là ý tứ này.
Nhưng việc này vốn nên kiêng kị mười phần. Dù là người có năng lực cũng phải xem xét tình huống cụ thể trước khi vận dụng. Nói đơn giản, nếu như hiện tại Kế Duyên có thể học hết Câu Thần, sau đó lại đứng trên thuyền đòi Giang Thần của Xuân Mộc Giang đến gặp...
Có thể được, nhưng nhiều khả năng là hắn đi tìm chết. Đoán chừng thân thể Giang Thần không bị ảnh hưởng, ngược lại còn nổi giận dâng sóng dìm chết hắn.
Vậy dùng thuật này ở đâu mới phù hợp?
Chẳng hạn như các nơi sông núi, đầm lầy hoặc vùng đất tươi đẹp nào đó thai nghén nên một vài tồn tại thần kỳ. Sau đó, thông qua thiên phú hoặc nỗ lực mỗi ngày, những tồn tại này ít nhiều sẽ câu thông được với địa mạch, thủy mạch. Từ đó, có thể miễn cưỡng xem chúng là những vị thần không chính thức hoặc những tiểu Thổ địa được người dân địa phương cúng bái…
“Kế tiên sinh ~~~ Đến ăn cháo nào…!”
Từ trong khoang, gã thuyền phu trẻ tuổi hét lớn một tiếng, cắt đứt dòng suy nghĩ của hắn.
“Đến đây!”
Dứt lời, hắn liền phủi mông đứng dậy, đi vào ăn điểm tâm.
Đó là một chén cháo trắng với chút rau khô rắc bên trên. Kế Duyên bưng chén đũa, rồi lại đi ra ngoài. Hắn vừa đứng hóng gió chờ cháo nguội bớt, vừa dùng đũa ăn cháo. Chợt thuyền nhỏ lắc lư khiến hắn hơi chao đảo, sau đó mới đứng vững lại được.
Nhờ gió đông nam trợ giúp, lại thêm ưu thế nhỏ nhẹ, nên chiếc thuyền của Kế Duyên chậm rãi vượt qua chiếc lâu thuyền to lớn kia. Đôi bên chỉ hơn kém nhau vài chục trượng.
Trên lâu thuyền đang có không ít người quan sát chiếc thuyền nhỏ, cũng phát hiện mấy người khách trên đó đang húp cháo. Đồng thời, người ở thuyền nhỏ bên này cũng nhìn sang chiếc lâu thuyền to lớn.
Một gã công tử áo trắng đang tựa vào mạn thuyền, vừa ngẩng đầu nhìn thấy chiếc thuyền nhỏ trên mặt sông liền ngẩn người. Gã trông thấy một vị tiên sinh áo xám đứng lặng trước mũi thuyền nhỏ nhìn về phía mình. Nếu bỏ đi chén cháo trong tay thì chắc chắn người, thuyền và sông nước đã tạo thành một bức tranh vô cùng tự nhiên.
Truyện đánh dấu
Nhấn để xem...Truyện đang đọc
Nhấn để xem...