Lâm Nam

Tám giờ tối, chuyến xe buýt từ thành phố về huyện đúng giờ vào bến, chiếc xe cồng kềnh chầm chậm lăn bánh vào ô đỗ, “kít” một tiếng, như tiếng thở dài nặng trĩu khi xe phanh lại.

“Đến rồi!”, bác tài xế nhắc một câu như thường lệ, rồi xuống xe rời đi.

Đồ Nam đứng dậy khỏi dãy ghế sau cùng, nhấc túi đi xuống xe, một tay còn cầm điện thoại.

Ra khỏi trạm, ven đường chỉ có hai ba biển hiệu là còn sáng đèn, số người qua lại cũng có thể đếm trên đầu ngón tay. Dù sao cũng là nơi huyện nhỏ, đến cả đèn đường cũng chẳng sáng bằng đèn ở thành phố. Trong thành phố đã tạnh mưa, mà nơi này hình như còn chẳng có mưa, không khí oi bức, xung quanh như bị bao phủ bởi một tầng áp suất nặng nề.

Đồ Nam vừa đi vừa nhìn xem trên đường có taxi không, đúng lúc này, điện thoại bỗng có cuộc gọi đến.

Cô lập tức bắt máy, người ở đầu bên kia nói: “Xin lỗi phải thông báo với cô, ông Đồ Canh Sơn đã tự ý rời viện rồi ạ.”

Đồ Nam hỏi: “Tình hình của ông ấy nghiêm trọng lắm không?”

“Bị ngã, bị thương ngoài da và gãy xương, không tính là quá nghiêm trọng, nhưng vì ông ấy hôn mê trong lúc được đưa đến bệnh viện, nên tốt nhất là vẫn nên kiểm tra tổng quát. Cô là người nhà, hy vọng cô có thể khuyên ông ấy quay lại bệnh viện.”

Cuộc gọi kết thúc.

Cũng giống cuộc gọi cô nhận khi nãy, cuộc gọi này cũng đến từ phía bệnh viện.

Bệnh viện thông báo Đồ Canh Sơn gặp sự cố, cô phải vội vàng về đây.

Ai mà ngờ dự cảm của Phương Tuyết Mai lại chuẩn như thế, bà sợ bố cô có chuyện, vậy mà ông lại có chuyện thật.

Đồ Nam từ bỏ ý định bắt xe, tuy đã nhiều năm không về lại nơi này, nhưng vẫn quen thuộc đường sá, chỉ tầm mười phút đã đi được đến một con ngõ nhỏ.

Huyện nhỏ này nổi tiếng với những con ngõ chằng chịt, đan vào nhau như mê cung, nhưng chỉ cần đi đúng là có thể tiết kiệm đến mười phút.

Tới khi ra khỏi con ngõ cuối cùng, trước mắt Đồ Nam đã hiện ra một ngôi nhà.

Cổng nhà không khóa, chỉ khép hờ.

Cô đẩy cổng đi vào, trong sân sáng đèn, bốn phía đều được thắp sáng, trong bồn ở góc sân có trồng một cây đa, qua bao nhiêu năm, càng ngày tán lá càng um tùm.

Đồ Nam đứng lại dưới tán cây, hai tay nhấc bình nước lên, đang tưới nước vào bồn thì nghe thấy tiếng động, bèn ngoảnh đầu lại.

Trong nháy mắt, hai bố con nhìn nhau.

Chẳng có ngạc nhiên, cũng chẳng có vui mừng.

Đồ Nam nhìn thấy rõ, chỗ bị thương của ông là ở chân, chân phải đang bó thạch cao.

“Sao bệnh viện lại gọi mày đến?”, Đồ Canh Sơn đặt ấm nước xuống, chống nạng đi từng bước vào nhà.

Đồ Nam cũng im lặng vào theo.

Trong nhà có một bộ sofa cũ, trải một bộ đệm trắng, trên bàn bày la liệt túi thuốc, xem ra ông cũng mới quay lại chưa lâu.

Cô đặt đồ xuống, đi vào bếp, không ngoài dự đoán, lạnh tanh lạnh ngắt. Trong tủ lạnh chỉ còn lại một ít mì, mấy cọng rau xanh, còn chẳng có trứng gà.

Đồ Nam bật bếp đun nước, trong lúc đợi nước sôi thì nghe thấy bố ở ngoài nhận một cuộc điện thoại, cứ liên tục nói “Không sao!”, “Ổn mà!”, chẳng cần đoán cũng biết chắc chắn là do Phương Tuyết Mai gọi đến.

Tính Đồ Canh Sơn lập dị, không hề dễ gần, bao nhiêu năm nay đã chẳng còn qua lại với họ hàng thân thích, chỉ có nhà họ Phương là người quen thân thiết nhất ở thành phố này.

Cô vẫn luôn muốn bố sớm ngày nhận lời Phương Tuyết Mai thì tốt biết bao, nếu vậy thì người đến đây giờ này đã là Phương Tuyết Mai rồi. Chắc chắn dì Phương sẽ vô cùng vui sướng, bất kể là đau lưng mỏi gối thế nào cũng sẽ vội vàng qua đây chăm sóc ông.


Đáng tiếc là ai cũng nhìn ra được, Đồ Canh Sơn với Phương Tuyết Mai vẫn chưa đến được bước ấy. Đồ Nam cũng biết, nếu như hồi nhỏ cô không nhận được sự chăm sóc chu đáo từ Phương Tuyết Mai, không nhận từng ấy ân tình, thì ông còn chẳng tỏ thái độ tốt như bây giờ.

Thế nên, trong chuyện tình cảm, bất kể là đến độ tuổi nào cũng khó mà lý giải được, cô cũng chỉ đành mặc kệ mà thôi.

Nước sôi, Đồ Nam bỏ mì vào, nhìn chằm chằm ngọn lửa.

Nước sôi, cuộn tròn những sợi mì lên.

Lúc cô bưng mì ra, Đồ Canh Sơn đã nói chuyện điện thoại xong, đang uống thuốc. Ngoài bọc to bọc nhỏ thuốc mới, còn có thuốc đau dạ dày ông hay uống, lòng bàn tay đầy một vốc thuốc, ông bỏ cả vào miệng, rồi bưng cốc lên uống một ngụm nước lớn.

Đồ Nam đặt mì xuống trước mặt ông, lại chẳng nói gì cả.

Đồ Canh Sơn cất thuốc đi, nhìn vào bát, trên vắt mì xếp mấy cọng rau xanh mướt.

Ông không động đũa, chỉ lạnh lùng hỏi: “Mày chạy về đây làm gì? Không phải mày đang vào làm trong công ty game à, còn tự vẽ được bích họa cơ mà, thế mà còn rảnh rỗi về đây hả?”

Sắc mặt Đồ Nam lạnh đi, cô cười khẩy, “Bố nói xem vì sao, chỉ vì bố là bố con, con là con gái bố!”

Mặt Đồ Canh Sơn biến sắc, ông bất giác ngậm miệng lại.

“Phiền bố nhanh chóng quay về bệnh viện.”, nói xong, Đồ Nam liền rời khỏi phòng khách.

***

Đồ Canh Sơn có quay về bệnh viện hay không Đồ Nam cũng không biết, dù sao thì sáng hôm sau cũng chẳng thấy ông đâu nữa.

Đồ Nam ăn xong bữa sáng, đi từ trong nhà ra ngoài sân cũng không thấy bóng dáng ông đâu, lại gọi điện thoại cho bệnh viện, bên đó nói không thấy Đồ Canh Sơn đến.

Chứng tỏ là không đi.

Cúp điện thoại, Đồ Nam do dự một hồi, cuối cùng vẫn đi vào phòng bố.

Cửa phòng không đóng, cô đứng bên ngoài ngó vào trong, lại phát hiện ra ông chẳng hề nằm nghỉ trong đó. Vừa định đi thì ánh mắt bỗng chạm phải một khung ảnh, cô bèn nán lại.

Ánh nắng sớm mai len qua khung cửa sổ hình thoi rọi vào, vừa vặn kết thành một chùm, hắt lên khung ảnh.

Bức ảnh trong khung là bức bích họa Phi Thiên thời Đường, có lẽ là cắt từ bản in trong một cuốn sách nào đó. Một dàn Phi Thiên[1], xiêm y lộng lẫy, cánh tay cuốn lụa, bay quanh đỉnh đầu Đức Phật. Có vị sà xuống, có vị bay lên, có vị tay cầm hoa, rải hoa, ca múa, tán tụng trong khi Đức Phật thuyết giảng.

[1] Phi Thiên (Tiên nữ, thiên nhân tán hoa) là biểu tượng của nghệ thuật Đôn Hoàng. Theo Phật giáo, Phi Thiên là hóa thân của Càn Thát Bà (Thần Thiên ca) có nhiệm vụ dâng hương, hoa, tán hoa, dâng đồ báu cúng dàng lên chư Phật, và Khẩn Na La (Thần Thiên nhạc) có nhiệm vụ ca múa, tấu nhạc trong thế giới Cực Lạc.

Tuy chẳng biết vì lý do gì, nhưng đây là bức bích họa mà bố cô thích nhất.

Đồ Nam nhìn một lúc thì nghe thấy ngoài sân có tiếng động, bèn đi ra khỏi phòng.

Cổng mở, Đồ Canh Sơn đã quay về, nhưng là được một người đàn ông trung niên đeo kính dìu về.

Đồ Nam đứng ở cửa nhìn, có chút ấn tượng, hình như là đồng nghiệp của bố cô.

“Đã ngã thành ra thế này rồi mà vẫn còn chạy ra ngoài, thôi ông đừng đến triển lãm nữa, cùng lắm thì để tòa soạn cử người khác đi là được rồi.”

Đồ Canh Sơn nói: “Sự kiện do một tay tôi chuẩn bị, tôi không đi thế nào được?”

“Thôi thôi, ông vì lo chuyện đấy nên mới bị ngã thành ra thế này đấy, không phải khoe tài ra nữa.”, vị đồng nghiệp đang nói thì nhìn thấy Đồ Nam, “Đây là con gái ông phải không? Đã lớn thế này rồi cơ à?”


“Ừ.”, Đồ Canh Sơn liếc Đồ Nam một cái, sắc mặt chẳng hiện rõ là ổn hay không.

“Ớ, tôi nhớ là con gái ông làm về bích họa mà, thế để con bé đi thay ông là được, con bé hiểu mà.”

Đồ Nam hỏi: “Đi đâu thế ạ?”

“Bố cháu ấy à…”, vị đồng nghiệp chỉ vào Đồ Canh Sơn, “Dạo trước bận sấp bận ngửa làm một cái triển lãm về bích họa liên kết với tòa soạn của bọn chú, kết quả là ngất xỉu, chân cẳng thành ra thế này đây. Ông ấy không đi được nữa, cháu lại hiểu về bích họa, thay bố cháu đi chuyến này là được rồi.”

Đồ Nam đã hiểu, đây đích thực là việc mà bố cô vô cùng đam mê.

“Triển lãm vào hôm nay ạ?”

“Ừ, đúng hôm nay luôn.”

Đồ Canh Sơn hừ một tiếng không nặng không nhẹ, “Nó không làm bích họa nữa rồi, bảo nó đi triển lãm game may ra còn được.”

Tính phản nghịch trong cốt tủy Đồ Nam lại bỗng bị móc ra bởi tiếng hừ lạnh này, cô nói với vị đồng nghiệp kia: “Vừa hay cháu đang rảnh, cháu đi được ạ, phiền tòa soạn đưa bố cháu quay về bệnh viện là được ạ.”

Đồ Canh Sơn trợn mắt nhìn cô, nhưng ngại có người ngoài nên nhịn không nói gì.

Vị đồng nghiệp kia lấy làm lạ bởi bầu không khí giữa hai bố con họ, gượng gạo cười, lại chẳng biết phải nói gì, chỉ đành dìu Đồ Canh Sơn vào nhà.

Đồ Nam nghe thấy Đồ Canh Sơn nhỏ giọng giải thích với đồng nghiệp: “Đừng nghe con bé nói linh tinh, tôi không sao đâu.”

Vị đồng nghiệp nói: “Thế thì ông cũng phải nghỉ cho khỏe đi, không phải lo chuyện khác nữa.”

Một lát sau, ông ấy đi ra, bắt tay với Đồ Nam, “Cháu là Đồ Nam phải không?”

“Vâng ạ.”

“Rồi, lát nữa qua bên đấy thì ăn mặc lịch sự một chút là được.”

***

Vùng trung tâm của huyện này như một vòng tròn, đường đi quanh co, xung quanh là lớp lớp công trình, xen lẫn trong đó là một tòa kiến trúc mái cong phong cách giả cổ, trước cửa treo biển phòng triển lãm của huyện.

Hai giờ chiều, Đồ Nam xuống khỏi xe của tòa soạn, đi thẳng vào cửa.

Vị đồng nghiệp kia dẫn theo người của tòa soạn vào, có hai người khiêng thiết bị quay chụp xem chừng khá nặng, thoạt nhìn trông rất chuyên nghiệp.

Đồ Nam không ôm quá nhiều kỳ vọng, kiểu triển lãm như thế này sẽ chẳng có nhiều người tới xem, tầng lớp phổ thông thường không mấy hứng thú, huống hồ lại còn là khu vực huyện nhỏ.

Đi vào bên trong, quả nhiên lác đác bóng người.

Cả một sảnh rộng lớn, vậy mà hầu như trống trơn.

Bích họa thực thụ rất khó để mang đi triển lãm, đương nhiên các bức bích họa ở đây đều là sản phẩm sao chép.

Bốn mặt tường treo đầy tác phẩm, có bức được đặt trong tủ kính, tính ra phải có đến hai ba chục bức. Đồ Nam quét hết một lượt thì phát hiện ra đây đều là bản sao chép của các tác phẩm nổi tiếng, xem ra để tổ chức được buổi triển lãm này, phải bỏ không ít công sức.

Trong lòng Đồ Nam có chút ý riêng, nhưng nhìn một vòng mà chẳng hề thấy một bức sao chép nào từ tổ của Từ Hoài cả.


Cũng phải thôi, người trong tổ của ông đều là nhân tài, tác phẩm luôn được đánh giá hàng đầu, được đưa đến những nơi cao quý, đương nhiên không thể nào xuất hiện ở chốn đìu hiu này được.

Không xem đến cuối cùng, bởi chẳng còn hứng thú, Đồ Nam đang định đi ra thì vị đồng nghiệp kia lại mang bút ghi âm đến, “Đồ Nam, đợi một chút, làm phỏng vấn thay bố cháu đi.”

Đồ Nam nói: “Ngắn gọn thôi ạ, cháu không rành chuyện này lắm đâu.”

“Không sao, chỉ cần nói vài câu về bích họa thôi, hôm nay có một nhân vật đặc biệt từ trong thành phố tới, lát nữa bọn chú còn phải qua đó phỏng vấn cảm nhận của anh ta, tốn của cháu vài phút thôi.”

Đồ Nam đành gật đầu.

Còn chưa hỏi đến ba câu, thì từ đầu bên kia đã có người chạy đến gọi: “Người đến rồi, đi thôi.”

Vị đồng nghiệp kia thu bút ghi âm lại, “Vậy thế này thôi, cháu cứ xem tiếp đi, lát nữa gặp.”

Không đợi Đồ Nam đáp lời, ông ấy đã vội vàng rời đi.

Đồ Nam đi ra khỏi sảnh triển lãm, phát hiện bên ngoài mặt đất ẩm ướt, bầu trời xám xịt, ánh sáng hắt xuống phản chiếu một tầng ảnh mờ mờ, có lẽ vừa rồi mới mưa một trận.

Điện thoại của cô đổ chuông.

Đồ Nam nhìn tên người gọi, bắt máy nhưng cố ý không nói gì.

Đối phương “alo” hai tiếng, có vẻ do dự, “Sao thế nhỉ? Không có kết nối à?”

Lúc này cô mới lên tiếng: “Kết nối rồi.”

“Cô…”, An Bội gào lên từ đầu bên kia: “Cô bị làm sao đấy?”

“Làm sao?”

“Thôi, không nói với cô chuyện này nữa.”

“Thế cô định nói chuyện gì với tôi?”

“Tôi hỏi cô, rốt cuộc cô muốn như nào?”

Câu này nghe như đàm phán trong một vụ bắt cóc tống tiền vậy, Đồ Nam buồn cười, “Như nào cái gì cơ?”

“Cô muốn như nào mới chịu quay về? Dự án phiên bản mới dừng lại rồi, cả công ty quay về xuất phát điểm, thật sự là sắp điên mất thôi.”

“Dừng rồi?”, Đồ Nam bất giác lặp lại một lần.

“Dừng rồi! Cô vừa đi là dừng lại luôn!”

Rõ ràng đã xong bản thảo, sao lại dừng?

“Đến giờ tôi thậm chí còn chẳng tìm thấy vị CEO của bọn tôi đây này!”

“…”, Đồ Nam thầm nói, chuyện này không liên quan đến tôi mà.

“Với lại, cô mà không quay về, vụ tăng lương 10% của tôi…”

“Hả?”

“Không có gì.”

Đồ Nam nhìn điện thoại, cuộc gọi đột nhiên kết thúc rồi.

Cô cất điện thoại đi, nhìn về phía cửa vào sảnh triển lãm, thấy mấy người nhân viên lom khom nhường lối, vị đồng nghiệp kia thì cầm bút ghi âm đi theo một người đàn ông từ bên trong ra.

Lúc người đàn ông vận bộ đồ âu phục đi ra, một tay đút vào túi quần, sải từng bước rộng, hai chân bước đi thoăn thoắt.

Trong nháy mắt, bên tai lại như văng vẳng câu nói không tìm thấy CEO của An Bội.


Rất nhanh, người đàn ông kia chỉ còn cách cô một khoảng chừng vài mét.

Anh thả chậm bước chân, ánh mắt thẫm lại, bàn tay đút trong túi cũng bỏ ra ngoài.

“Đồ Nam.”

Chỉ có một tiếng gọi, ngắn gọn mà mạnh mẽ.

***

Thạch Thanh Lâm đi ra khỏi khu triển lãm mới dần thoát được cuộc phỏng vấn của đám phóng viên.

Quay người lại đợi một lát, Đồ Nam cũng chầm chậm bước đến.

“Sao anh lại đến đây?”, Đồ Nam chỉ nghĩ đến một khả năng, cô nhíu mày, “Lẽ nào lại là Phương Nguyễn?”

Thạch Thanh Lâm khẽ cười, “Lần này thật sự không liên quan đến Phương Nguyễn.”

Đồ Nam nhớ đến lời vị đồng nghiệp kia nói, “Anh đừng nói với tôi là anh đến xem triển lãm đấy nhé?”

“Không sai, tôi đến xem triển lãm, người tổ chức sự kiện là Đồ Canh Sơn, tôi cảm thấy nên đến xem một chút.”

Vậy mà lại liên quan đến cô.

Ngày hôm qua Thạch Thanh Lâm đọc được tin thì lập tức liên hệ đến tòa soạn, hẹn thời gian tới, có điều là không ngờ lại nhận được sự đón tiếp nồng hậu như thế này.

Mà có thể gặp được cô ở đây, lại là một niềm vui bất ngờ khác.

“Sao cô cũng ở đây?”

Đồ Nam im lặng hai giây, “Chuyện nhà.”

Thạch Thanh Lâm gật đầu, không hỏi nữa.

Đồ Nam quay đầu lại, chầm chậm đi dọc con đường.

Mặt đường sau cơn mưa vừa trơn vừa ướt, trải đá chuyên dụng rồi mà vẫn đầy chỗ lồi lõm. Vì sự kiện này, trước khi đến đây, cô phải đi mua một đôi giày cao gót, khiến bước đi lúc này đã có phần loạng choạng.

Thạch Thanh Lâm nhìn từ phía sau, tầm mắt cũng như chao đảo theo, “Biết hôm nay tôi xem những tác phẩm kia xong có cảm tưởng gì không?”, đây là câu hỏi mà vừa rồi phóng viên có hỏi đến.

Đồ Nam chớp mắt, “Cảm tưởng gì?”

“Đều không bằng cô.”

“…”, cảm giác này rất kỳ diệu, khiến Đồ Nam nhớ lại lúc anh đến chùa Linh Đàm. An Bội nói công ty lại quay về xuất phát điểm, cảm giác như thật sự quay lại lúc khởi đầu, anh lại tới xem tác phẩm. Cô thủ thỉ hỏi: “Không phải anh đã duyệt xong bản thảo rồi ư? Còn đến xem triển lãm làm gì?”

Thạch Thanh Lâm đút hai tay vào túi quần, “Chắc là vì cảm giác của tôi có thể còn tốt hơn nữa.”

Ngày hôm qua, lúc nói chuyện với nhà đầu tư, anh đã nói hết những gì nên nói, cuối cùng phải triển khai game thế nào, quyền quyết định cuối cùng vẫn ở anh.

Thương nhân theo đuổi lợi ích, nhà sản xuất theo đuổi sự hoàn mĩ, hai loại người này không hẳn là không thể kết hợp được, nhưng rất khó.

Hiện giờ anh vẫn đang phải chịu áp lực rất lớn.

“Tại sao?”, Đồ Nam không ngờ anh sẽ làm thế, lại còn đến đây xem triển lãm, chẳng qua chỉ là để tìm một điểm thu hút cho game, cũng đâu cần phải nghiêm trọng hóa tới vậy.

Suy nghĩ đến nỗi thất thần, cô giẫm phải một hòn gạch lồi ra, bất thình lình bị trẹo chân.

Cánh tay được bàn tay anh nắm chặt, Đồ Nam mới không bị ngã xuống đất.

Thạch Thanh Lâm nhìn chân cô, cười một tiếng, “Cô cần gì phải thế?”

“…”


Truyện đánh dấu

Nhấn để xem...

Truyện đang đọc

Nhấn để xem...
Nhấn Mở Bình Luận
Quảng Cáo: Coin Cua Tui