-"Cái con ôn nghiệt kia! Tối rồi mà không về nấu cơm đứng ưỡn ẹo trên đấy làm cái gì? Chị tính để bu chết đói chị mới vừa lòng hả?"
Giọng bu Phúc oang oảng từ phía bờ sông bên kia.
Dâu với chả con loại mất nết, sáng không thấy đằng sáng trưa mất tăm đằng trưa, cả ngày hôm nay bu lê la ngoài chợ, hết bánh tẻ tới bánh rán, nào đã được hột cơm nào vào bụng? Gớm chả biết ăn phải bả gì, chửi cho không biết tiếp thu thì thôi, cái mặt cứ hầm hầm như đâm lê.
Hồn mợ chắc treo trên trời? Kho cá quên giềng, nấu canh rau ngót thì chẳng thèm bỏ tôm khô, canh xuông húp loãng thềnh thệch, nhà ba bu con sắp lên có đôi bát.
-"Chưa già đã lẫn thế này thì chết!"
Bu gõ đũa cành cạch xuống mâm, bĩu môi xỉa xói, mợ ngược lại bình thản đáp.
-"Cậu hai đi làm ăn xa rồi, chắc năm sau mới về."
-"Hả? Đi đâu? Dưới phố huyện hử? Ai thuê?"
Bu sửng sốt hỏi lại, mợ xới cơm cho bu, bịa bừa.
-"Có cái xưởng mộc họ thuê người, đúng là dưới phố huyện, nhưng huyện khác chớ không phải huyện mình.
Nên là đi xa lắm, chắc không về thường xuyên được."
Thường ngày mợ Trâm chỉ đanh đá thôi chứ tính tình thẳng thắn có gì nói nấy nên bu tin liền, bu khấp khởi dặn dò.
-"Ừ, cơ mà làm xưởng mộc chắc giàu lắm ha? Không về cũng chẳng sao, đi lại vất vả tốn kém, có điều hàng tháng nhớ nhắn cậu gửi tiền về.
Rồi Tết được thưởng nhiều dặn cậu đừng mua linh tinh, để đấy bu còn cắt cái áo tứ thân mới...Ờ mà thôi, kêu cậu mua vải luôn trên đó đi, mua hai xấp, một của bu một của cậu cả nghe!"
-"Tiền của cậu cực khổ làm ra thì cậu xài, mắc mớ gì phải cho ai."
Mợ Trâm lủng ba lủng bủng, khổ nỗi tai bu thính quá, bu nghe thấy liền, bu mắng mợ bất hiếu.
Mợ kệ, bu nhòm mâm cơm một hồi, đoạn cầm cái bát đưa mợ, hắng giọng sai.
-"Chạy sang nhà bu Trinh xin ít dưa cà đi, nhai kèm cho đỡ ngấy."
-"Thôi, bu thích ăn mai con ra chợ mua về muối bu ăn, cứ xin hoài con ngại lắm."
-"Ôi dào, nhà bu chị có cả vườn, mua làm gì lãng phí? Với chả phải ngại ai sất, không xin thì lén xúc trộm về, chỗ bu con với nhau không lẽ nó lôi chị ra đình bêu riếu."
Bu nhì nhèo khản cổ mà mợ nhất định không đi, bu điên tiết ném thẳng cái bát vào mặt mợ.
Mợ tránh được nhưng bị mảnh sành sượt qua trán làm da rơm rớm máu.
Có vết xước nhẹ thôi mà mợ khóc rấm rứt, bu bĩu môi móc mỉa.
-"Gớm, có mấy quả cà làm gì mà căng? Sống ích kỉ nhỏ nhen nó quen, bu nào con nấy đến chán đời."
-"Bu im ngay!"
Mợ mất bình tĩnh gào lên, thầy mợ mất sớm, bu mợ một mình tần tảo nuôi ba đứa con biết bao cực khổ, lo trăm thứ bà dần nhưng nào có để chị em mợ chịu thiệt thòi.
Cu Trí bu thuê thầy dạy đàng hoàng đã đành, đằng này ngay cả mợ với con Trang, phiên chợ nào bu gặp bu chả cho cái này cái kia, có lần nào về bu không thịt gà?
Nhưng tất cả những điều đó, bu Phúc lại không biết.
Bu mở miệng ra là nhiếc mợ, nhiếc bu mợ nông dân hèn không biết dạy con.
Cậu đi vắng nên khẩu khí bu lớn lắm, vênh lắm, bu với cái quạt nan ra sức ghè mợ.
Bu biết một mà chẳng biết hai, trước kia mợ nhịn bu, cắn răng để cho bu tẩn, bu có biết vì ai không? Vì cậu hai đó, vì mợ thương cậu, nên mợ không muốn cậu phải khó xử, chớ bu đừng tưởng mợ dễ bị bắt nạt.
-"Tui nói bu nghe, tui là con người chứ không phải là con chó nghe! Bu còn dám quật tui thêm cái nữa là tui xách đồ về ở với bu tui liền.
Cậu hai đi cả năm cơ, để xem còn con nào cơm bưng nước rót tới tận miệng cho bu?"
Bu sốc, mợ dám trừng mắt lại bu cơ đấy, mợ cũng ghê thật.
Doạ bu cơ à? Láo nha láo nháo!
-"Được, chị được lắm! Để tôi về tui méc cậu hai, xem cậu có trị mợ không?"
-"Bu giỏi bu cứ méc, tui cũng muốn xem cậu biết bu đánh tui thì cậu xót tui hay xót bu?"
Mợ cãi cứ nhem nhẻm, bu tưởng bu lên cơn đau tim rồi chứ.
Ôi chao ôi, ở đâu có cãi ngữ con dâu đè đầu cưỡi cổ mẹ chồng thể hả? Bu uất nghẹn họng mà không làm được gì sất, cũng chẳng dám đập mợ thêm cái nào nữa, nhỡ đâu mợ về thật mất thì còn ai hầu bu? Lần đầu tiên cãi nhau với mợ bu khóc, không phải để ăn vạ, mà khóc vì ấm ức thực sự.
Mợ thì chả quan tâm, mợ cố ăn nốt bát cơm lấy sức.
Cậu vắng nhà nên mợ là người quyết, bu thích ăn gì mợ thường cố gắng chiều bu, nhưng tiền tiêu vặt mợ chẳng cho bu đồng nào cả, cơm trưa của bu mợ nấu từ sáng.
Mợ giờ bận lắm, ai thuê gì cũng làm, hết cắt cỏ tới xới đất, từ vụ chiêm qua vụ mùa, ngay cả hôm Tết Trung Thu, người người rước đèn nhà nhà hát hò, mợ vẫn ngoài ruộng cùng con Trang, men theo ánh trăng chăm chỉ cắt lúa.
Sáng mợ đi gặt thuê cho người ta, đêm thì lại tranh thủ qua giúp ông bà thông gia.
Tất bật như con thoi cả ngày, người nhức vai mỏi, nhưng nghĩ xót em gái nên lại cố gắng.
-"Em bảo, tuần sau hong xong em đem cho hai yến Bắc thơm."
-"Ôi dào, mi điên, tao bảo giúp là giúp.
Mà con Phụng sao lười chảy thây thế? Chả thấy bóng dáng tăm hơi đâu?"
Cái Trang cười cười nói đỡ con nhỏ vừa mới ở đây lúc chiều, chắc nóng quá về tắm, nhưng xong chột dạ thế nào nó lại kêu bác làm nốt em về có tý việc.
Đúng như nó linh tính, con bé đã gói ghém quần áo cẩn thận, đang lén lút chạy lên phố huyện.
-"Phụng rồ hả? Tui đã nói hết nước hết cái cả đêm qua rồi mà? Cái thằng khốn nạn đó nó đâu có thương Phụng, nó ốm mặc nó, cho nó chết cha nó đi! Thầy thằng Thóc cưng Phụng như vậy sao Phụng nỡ lòng nào? Thời tiết trở trời thầy nó cũng đang sốt sình sịch, mở mắt ra không thấy Phụng lại buồn, lại ôm chó ngồi khóc tu tu, Phụng không xót sao Phụng?"
-"Trang làm gì mà nghiêm trọng vậy? Có Trang rồi mà, với tui đi vài ba ngày tui về thôi, Trang không hiểu đâu, tui lo lắm, cái ruột tui nó cứ bồn chồn không yên, không đi tui chẳng ngủ được đâu."
Con Phụng phân trần, dứt lời nó cắn tay cái Trang đau điếng rồi lừa lừa chuồn mất.
Thằng Toàn thức giấc không thấy vợ bé buồn thối ruột, nó hỏi thì con Trang cứ chối quanh, nó cáu tiết ép vợ cả thề độc, rằng nếu nói sai thì tương lai cu Thóc thi đâu cũng rớt.
Trang sợ tái mặt, rốt cuộc đành khai thật, Toàn nghe xong đầu óc choáng váng chân tay rụng rời, loạng choạng thế nào trượt chân ngã ngửa xuống cái ao sau nhà.
Ao đang tát để bắt cá nên nó cũng chả chết chìm được, chỉ là, bao nhiêu thống khổ giận hờn nó đổ hết lên đầu con Trang, nó chỉ thẳng vào mặt bu thằng Thóc quát ầm ĩ.
-"Sao không giữ nó ở lại cho tui? Sao giấu tui mấy bữa liền? Tại bu nó đó, tất cả là tại bu nó! Tui chán cái mặt bu nó rồi, bu nó cút về nhà bu Trinh đi!".
Truyện đánh dấu
Nhấn để xem...Truyện đang đọc
Nhấn để xem...