...Thấy mình len lén liếc trộm em Thủy, chú Đoàn nửa đùa nửa thật bảo "Huy nầy, tuy cái mặt mi nhìn ngu ngu nhưng cách nói chuyện hóm với lại mi vô tư, nên chú quý mi. Đó, nhà chú có 2 đứa con gái đó, mi thích mần rể thì cứ siêng đi lại, có chi tau quyết cho". Mình gãi gãi đầu rồi tẽn tò nhe răng cười trừ. Chú nói, cười cái đ.éo chi bí hiểm rứa, hay chê con gái chú quê mùa thì nói rấp đi. Mình bảo thôi để cháu đi rửa chân tay át cấy đã, giếng mô chú hè?
Chú Đoàn dẫn mình ra giếng, đưa cho cái khăn mặt mốc đen như bánh đa vừng rồi trở vào nhà. Nước giếng khơi mát như kem. Mùi khói rơm, mùi ai đó gội lá hương nhu, mùi hoa nhài đầu ngõ...thoang thoảng theo gió khiến mình lặng người vì cảm giác thanh bình.
Rửa mặt xong mình thủng thẳng vào nhà dưới. Vợ chú Đoàn đã về, trên tay lủng lẳng túi trứng vịt lộn (chắc mua thêm vì nhà có khách). Hai đứa con gái chú Đoàn lăng xăng kéo ghế, dọn mâm bát, chả đứa nào cười với mình. Chú Đoàn giục ngồi xuống đi, ta làm chén cho ấm chơ cơm bựa ni nỏ có chi mô. À mà giới thiệu với mẹ mi với lại 2 đứa đây là anh Huy, nhà trên thị trấn (rồi bồi thêm) "Nhìn ngơ ngơ rứa chơ giỏi thơ lắm đó". Vợ chú gắt, ăn với nói vô duyên, ông ngơ thì có, cháu hè! Mình dạ. Hai cô em quay mặt bụm miềng cười.
Bữa cơm có cà muối, canh rau ngót, thịt kho (chắc sót lại từ bữa trưa), đía tép rang với chục trứng lộn. Chú Đoàn lấy chai rượu nhung hươu lúc chiều ra, rót 2 ly nhỏ, miệng hề hề "Thôi mần đi Huy, nhung mới ngâm đó, ngọt lịm!" Mình làm 2 ly, ăn một quả trứng với bát cơm. Chả phải khách khí cơ mà tự nhiên không muốn ăn. Em Thủy vẫn chiến đều, cà cắn rôm rốp nghe rất sinh động. Em Liên chốc chốc lại cúi xuống gầm bàn thò tay đập bốp vào đùi rồi lẩm nhẩm "Muỗi cắn đau quáaa...". Mình nghĩ thầm bọn muỗi thật là diễm phúc...
Sắp xong bữa thì có ánh đèn pha xe máy dọi thẳng vào sân. Chú Đoàn thì thầm bên tai mình "Bạn của Thủy đó, kệ hắn mình cứ ăn đi". Thủy và nốt bát cơm, xong bỏ bát đi ra. Chú Đoàn bảo thằng ni mần bên huyện Đoàn (hay thị Đoàn chi đó, chả nhớ rõ) nghe nói săp đi học thạc sỹ rồi đó, giỏi lắm, chi cụng biết". Mình ừ à cho qua chuyện, rồi ngậm tăm đứng dậy, không quên khen rượu nhung ngọt, uống tí mà tê hết cả rốn. Chú Đoàn với theo "Đạ nói mà..."
Ăn xong chú Đoàn bảo ta lên nhà trên uống nác, nỏ ngại mô.
Nhà trên. Chú khách tầm 27 - 28 tuổi, áo sơ mi đóng thùng, giày đen bóng láng, tóc bổ đôi, cái mũi tẹt dí... đang mần mò với cái Q. Mobile M45 trên tay, đối diện là em Thủy (đã kịp bôi son cho quả môi đỏ sẫm lên, trông như sắp bước ra sân khấu cải lương). Mình và chú Đoàn kéo ghế ngồi chung. Chú Đoàn hỏi thanh niên kia "Bựa ni có đi làm về không cháu?". Lắc cái đầu bổ đôi cho tóc rẽ ra, (từ nay gọi là Bổ đôi cho tiện) nói, dạ có chú ạ, cuối tuần công việc ngập đầu làm không hết, bao nhiêu là kế hoạch hoạt động, mệt lắm chú ơi.
Trên ti vi đưa bản tin vụ tranh chấp mấy hòn đảo giữa Nhật và Trung, chú Đoàn hỏi bâng quơ "Răng lại gọi là Điếu Ngư hè?". Bổ đôi bảo, dạ vì hình dáng của cấy đảo nớ giống cái điếu bát hút thuốc lào đó chú, ngày xưa ngư dân Trung Quốc ra khơi đánh cá thường ghé vào đảo nớ nghỉ ngơi hút điếu bát, đó cụng là nguyên nhân nữa chú ạ. Chú Đoàn ghé tai mình bảo "Giỏi lắm đó, chi cụng biết!" Chú Đoàn hỏi tiếp, rứa cấy đảo nớ thật ra là của ai? Bổ đôi gật gù "Một câu hỏi hay và đầy tính thời sự đây...Thực ra hấn là của Nhật chú ạ". Chú Đoàn thắc mắc, răng lại của Nhật hè? Bổ đôi bảo "Vì cháu ghét thằng Tàu!".
Mình bảo, cái này chú cứ hỏi Gu gồ là ra cả. Chú Đoàn nhăn trán "Cu Gồ là thằng mô mà biết rõ rứa?". Em Liên ở trong buồng thò cổ ra bảo bố ơi, nó là mạng internet, chớ thằng mô. Bổ đôi chen ngang "Thằng Nhật hắn nỏ sợ mô, vũ khí với phương tiện của nó hiện đại gấp 5 lần thằng Tàu. Cháu có thằng bạn du học bên đó, hắn viết thư về kể, hàng ngày hắn đi học bằng tài điện ngầm, gọi là Mê trô đó, đi từ Sen ca cu tới Ma đa gát xì ca là 350 cây chỉ hết nửa tiếng đồng hồ. Hiện đại cực kỳ luôn..." Chú Đoàn lại gật gù vào tai mình "Giỏi thật, chuyện mô cụng biết, thạc sỹ có khác!". Em Thủy cũng gật đầu ra chiều ngưỡng mộ lắm. Mình điên hết cả người..
Truyện đánh dấu
Nhấn để xem...Truyện đang đọc
Nhấn để xem...