Kính vạn hoa - Tập 47 - Ngủ quên trên đồi


Chương 2.
Hoá ra mẹ thằng Hiện là mẹ ghẻ. Khác với thằng Lượm, Hiện không kêu vợ sau của ba nó bằng dì. Nó vẫn kêu bằng mẹ. Mẹ ruột của nó thì đã qua đời từ lúc nó còn bé tí. Dì ghẻ nó trước đây đã có chồng con, sống ở miệt ngoài. Chồng của dì theo người ta đi đào vàng trên núi bị sụp hầm mà chết. Suốt nhiều năm hai mẹ con đùm bọc lẫn nhau, cày cuốc sống qua ngày. Cho tới trận bão năm ngoái, mùa màng thất bát, hai mẹ con nó đành bỏ xứ dắt díu ra đi. Trôi dạt thế nào mà gặp ba thằng Hiện.
Lúc mẹ nó trở ra sau vườn, Hiện kể cho hai đứa bạn nó biết như vậy. Quý ròm định hỏi: “Thế ra mày mới có mẹ từ năm ngoái?” nhưng chợt thấy hỏi thế bất lịch sự quá, nó nín thinh, tính đổi sang câu khác. Nhưng ngay cả câu tiếp theo “Hèn gì mày và mẹ mày trông chẳng giống nhau chút nào!” đã trồi ra tới cửa miệng rồi, Quý ròm cũng lật đật nuốt trở vô. Nó sợ nói như vậy, thằng Hiện sẽ nghĩ là nó chê thằng này xấu xí. Mà nó thì không muốn làm thằng Hiện buồn.
Quý ròm và Tiểu Long ngồi thêm một lát thì em gái thằng Hiện về tới. Con nhỏ quảy bao củi khô trên lưng, mặt mày đỏ lơ đỏ lưỡng, tóc dính bết vào hai bên tháí dương. Thấy có người lạ trong nhà, nó vội vội vàng vàng lẩn tuốt ra phía sau.
- Em gái tao đó. Nó tên Hường. Nó tội nghiệp lắm.
Tuy chỉ nhác thấy nhỏ Hường đi thoáng qua trước sân, Quý ròm đã biết ngay nó là con riêng của mẹ kế thằng Hiện. Vì tuy lam lũ nhưng trông nó rất xinh. Mũi nó không hếch, và cằm nó không lẹm. Quý ròm chỉ không biết thằng Hiện bảo nó “tội lắm” là có nghĩa gì.
Như để giải đáp thắc mắc trong đầu Quý ròm, Hiện rầu rầu nói:
- Hết hè này, em gái tao tình xin vô học lớp bảy.
Tiểu Long tròn mắt:
- Em gái mày lớn tồng ngồng rồi mà học lớp bảy?
- Ờ, nó bằng tuổi với tụi mày đấy. Nhưng đang học lớp bảy, nó nghỉ ngang. Nó nghỉ học mấy năm nay rồi.
Tiểu Long không hỏi nữa. Cũng như Quý ròm, nó bùi ngùi hình dung ra hoàn cảnh khó khăn của hai mẹ con nhỏ Hường. Ờ, gia đình nó như thế, nó đâu có điều kiện đi học như những đứa trẻ bình thường khác. Hiếm có đứa con gái thôn quê nào mặt mày sáng sủa, xinh xắn như nó, vậy mà nhỏ Hường không được ôm cặp tới trường như chúng bạn. Suốt ngày nhỏ Hường phải lang thang trên đồi nhặt củi khô. Tội nó ghê!
Bên tai tụi nó, giọng thằng Hiện vẫn buồn thiu:
- Em gái tao thèm đi học lại lắm. Học bạ cũ vẫn còn nhưng chắc nó phải học bổ túc.
Quý ròm ngước nhìn thằng Hiện, thấy mặt bạn dàu dàu. Lại thêm một đứa anh thương em nữa! Quý ròm xốn xang nhủ bụng, tự nhiên nhớ tới thằng Thời và nhỏ Gái. Nhưng nhỏ Hường đâu phải là em ruột thằng Hiện. Và cũng chỉ mới trở thành em thằng Hiện môt năm nay thôi. Thế mà Hiện vẫn thương. Y như mình thương nhỏ Diệp.
Quý ròm nghĩ lan man một hồi, bất giác nghe cay cay nơi sống mũi. Nó ngó lơ chỗ khác để thằng Hiện không nhìn thấy vẻ mặt khác lạ của nó, chép miệng hỏi:
- Thế mày định nhờ tao giúp gì à?
Thực ra, ngay từ khi được thằng Hiện rủ về nhà, rồi hái ổi đãi đằng như thượng khách, Quý ròm đã nghi nghi. Lúc thằng Hiện tìm đủ mọi cách giữ chân nó và Tiểu Long, Quý rỏm từ nghi nghi chuyển qua ngờ ngợ. Đến khi thằng Hiện tỉ tê tâm sự về mơ ước của em gái nó thì Quý ròm đã hiểu ra thằng Hiện muốn gì.
Hiện đỏ mặt trước câu hỏi huỵch toẹt của Quý ròm. Nó bối rối xoay xoay chiếc mâm trước mặt, ngượng ngập:
- Đúng ra thì tao chẳng định gì hết. Tụi mày xuống đây chơi là tao vui rồi. Nhưng nhỏ Hường bỏ học lâu quá, nó quên béng hết bài vở.
- Thế sao mày không chỉ cho em mày học? - Tiểu Long khụt khịt mũi – Nghe nói năm ngoái mày học lớp tám cơ mà.

- Tao học lớp tám nhưng tao học dốt nhất lớp - Rồi sợ tụi Quý ròm không tin, Hiện liếm môi, hùng hổ - Tao không nói dóc đâu. Tụi mày hỏi thằng Dế Lửa thì biết. Ở xóm này không ai học dốt bằng tao.
Thấy thằng Hiện như có vẻ muốn giơ tay lên chuẩn bị thề, Quý ròm lật đật:
- Được rồi. Tụi tao tin mày mà.
Thấy Quý ròm tin mình học dốt, mặt thằng Hiện rạng rỡ cứ như thể Quý ròm tin nó là học sinh xuất sắc nhất trường. Nó sung sướng nói:
- Vì vậy mà tao chẳng bày vẽ gì cho em tao được.
- Tao hiểu rồi – Quý ròm cảm động nói – Do đó mày muốn nhờ tao giúp cho em mày ôn lại chương trình lớp bảy...
- Đúng rồi - Hiện hớn hở, mắt nó bừng lên như cùng lúc phản chiếu hàng trăm tia nắng mặt trời – Mày thông minh ghê!
Quý ròm nhìn sững thằng Hiện. Nhưng chỉ nhìn một chốc thôi. Quý ròm bắt gặp lòng mình đang rưng rưng nên ánh mắt nó vội vã chuyển ra ngoài sân trước, nơi những cành huỳnh mai đang vàng rực trong nắng trưa. Trong mắt Quý ròm lúc này, thằng Hiện không còn xấu xí nữa. Cằm nó vẫn lẹm, mũi nó vẫn hếch, nhưng tâm hồn nó thật đẹp đẽ. Nó sẵn sàng khen người khác thông minh. Cũng như nó sẵn sàng nhận mình dốt nát. Chỉ để Quý ròm xiêu lòng mà nhận lời kèm học cho em gái nó. Nó tốt ghê!
~o0o~
Từ hôm đó, Quý ròm chỉ lên nhà thằng Thời vào buổi sáng. Trưa, nó về nhà ăn cơm qua loa rồi lật đật đi xuống nhà thằng Hiện.
Nhà thằng Hiện xa ơi là xa, nhưng đi vài lần, Quý ròm bớt ngán. Con ngõ tre râm mát và sâu hun hút bây giờ đã trở nên quen thuộc với nó lắm rồi. Cả ruộng khoai nở bông tim tím, ngậm vào thấy ngọt ngọt, say say, cả bãi đất cày đi giữa trưa phỏng rộp cả chân, đối với Quý ròm đã vô cùng thân thiết.
Thằng Hiện đi chăn bò dưới bãi thả xa lắc, thường khi tối mịt mới đánh bò về. Nhưng từ ngày Quý ròm đến nhà kèm học cho nhỏ Hường, một ngày nó chạy về nhà bốn năm lần. Nó chạy về, miệng thở hồng hộc chỉ để hỏi:
- Mày đói bụng chưa Quý? Tao hái ổi cho mày ăn nha?
- Khỏi.
- Vậy tao luộc khoai nha?
- Khỏi.
- Mày ăn đu đủ chín không?
- Không.
- Thế mày muốn gì?
Quý ròm tỉnh bơ:
- Tao muốn mày để yên cho tao dạy em mày học.

Quý ròm nói như liệng đá, nhưng Hiện vẫn nhe răng cười hì hì:
- Thôi, để tao nấu nước sôi pha chè mới cho mày uống vậy.
Quý ròm không khoái uống chè. Ở thành phố, nó chỉ uống trà đá. Chè thôn quê đậm đặc, uống vào một hồi người như say thuốc. Nhưng Quý ròm không phản đối, sợ Hiện buồn. Bao giờ cũng vậy, thằng Hiện vừa đi khỏi là nó kêu nhỏ Hường lấy nước sôi chế vô ly chè.
- Chi vậy hở anh? – Hôm đầu tiên nhỏ Hường thắc mắc.
- Uống vậy mới ngon! – Quý ròm không dám nói mình không thích uống chè đặc vì sợ say.
Nhỏ Hường tò mò:
- Cho em uống thử miếng đi!
Con nhỏ đón ly nước từ tay Quý ròm, uống một ngụm, rồi hai ngụm, rồi chép miệng xuýt xoa:
- Ờ, ngon ghê!
Quý ròm nheo mắt nhìn cô học trò vừa đẹp vừa ngoan, bụng khoái tỉ. Nhỏ Hường ngoan nhất là Quý ròm nói gì làm gì nó cũng khen hay khen phải. Dễ hiểu thôi, nhỏ Hường thèm đi học. Nó mơ ước được trở lại như ngày xưa, lúc ba nó còn sống và ngày ngày nó được cắp sách đến trường như những đứa trẻ cùng lứa. Mơ ước của nhỏ Hường vô cùng giản dị. Nhưng mơ ước giản dị đó một thời gian dài vẫn nằm ngoài tầm tay nó.
Số phận đã run rủi cho mẹ nó gặp được ba thằng Hiện. Tự nhiên mà nó có một mái nhà. Tự nhiên mà nó có một người cha tốt bụng. Tự nhiên nó có một người anh yêu thương nó như em ruột. Và bây giờ tự nhiên nó có một “ông thầy”. Trong ý nghĩ đơn giản của nhỏ Hường, đã là thầy thì dĩ nhiên nói gì làm gì cũng là đúng. Cho nên thứ nước chè nhạt thếch mà thầy nó thích uống dứt khoát phải “ngon ghê”, cũng như những gì thầy nó nói nhất định phải “hay ghê”, “đúng ghê”!
Quý ròm từng có lắm “học trò”: Tiểu Long, nhỏ Diệp, Quỳnh Dao, Tỉ Tỉ, Muội Muội, thằng Thời, nhỏ Gái. À quên, hai chị em Tỉ Tỉ Muội Muội không thể liệt kê là “học trò” của Quý ròm được! Hai con nhỏ tinh quái này học bằng lớp với Quý ròm nhưng năm ngoái vờ khai đang học lớp năm để tìm cách trêu chọc nó, thằng ròm chưa xếp tụi nó vào diện “kẻ thù” là may! Trong những đứa học trò còn lại, con nhỏ Quỳnh Dao thì quá nghịch ngợm, học trò gì mà suốt ngày cứ xúi thầy đánh nhau bươu đầu sứt trán và chiu rào nhà hàng xóm hái trộm. Nhưng như vậy vẫn còn đỡ hơn Tiểu Long và nhỏ Diệp. Bị thầy mắng, nhỏ Diệp ngoác miệng khóc bù lu bù loa và dọa méc ba thầy, mẹ thầy để ba mẹ thầy đánh thầy bét đít chơi. Còn Tiểu Long thì học mười buổi đã có đến chín buổi đùng đùng quơ sách quơ tập nhét túi quần rồi hầm hầm xách đít bỏ về.
Trong cuộc đời dạy kèm khốn khổ của mình, thằng Quý ròm chỉ thấy mỗi anh em thằng Thời là ngoan ngoãn. Nhưng anh em thằng Thời vẫn thua xa nhỏ Hường.
Nhỏ Hường không những ngoan ngoãn mà còn rất thích học, lại ham nghe chuyện.
Quý ròm ôn cho nó định lý Pythagore, nó cứ theo hỏi hoài:
- Pythagore là ai vậy hả anh?
- Ổng là một nhà toán học.
- Anh có biết ổng không ?
- Anh lạ gì ông này !
Thế là nhỏ Hường tròn mắt say sưa nghe Quý ròm kể về ông Pythagore. Quý ròm bảo ông này giỏi ơi là giỏi. Ổng không những giỏi toán, mà còn giỏi cả âm nhạc, thiên văn, địa lý, y học, triết học.

- Em muốn trở thành học sinh xuất sắc thì phải học giỏi đều các môn như ông Pythagore này nghe, Hường ? – Quý ròm ngưng lại một chút để “giáo huấn”.
- Dạ.
Nhỏ Hường lễ phép đáp. Nó tò mò :
- Thế ông Pythagore này về sau thế nào hả anh ?
- Về sau hả ? Về sau thì ổng bị...chết cháy.
Thấy nhỏ Hường rụt cổ, Quý ròm vội vàng nói thêm :
- Nhưng cái chuyện chết cháy và chuyệ học giỏi đều các môn hổng có liên quan gì với nhau hết á.
Nhỏ Hường đã học qua định lý Pythagore cách đây mấy năm nhưng bao nhiêu kiến thức nó đều đem trả lại thầy cô hết sạch rồi. Bây giờ nghe Quý ròm giảng, đầu nó ù ù như xay thóc.
- Em chỉ nhớ công thức thôi.
- Dạ.
- Ông Pythagore có nhiều công trình nổi tiếng. Về toán học, hai phát hiện quan trọng nhất của ông đều liên quan đến hình tam giác. Một, ông chứng minh được tổng các góc trong một hình tam giác bao giờ cũng bằng 180oC. Hai, ông đã tìm ra hệ thức giữa các cạnh trong một tam giác vuông.
- Đó là công thức a2 + b2= c2 em đang học đây hở anh ?
- Đúng rồi. Người ta gọi nó là định lý Pythagore.
Nhỏ Hường gãi đầu :
- Công thức này mấy năm trước em học rồi nhưng không làm sao nhớ nổi ? Em cũng chẳng biết nhớ nó để làm gì ?
Quý ròm mỉm cười độ lượng :
- Tại em còn nhỏ, em chưa thấy hết công dụng của nó. Chẳng hạn khi dựng kèo dựng cột hay khi đổ móng lúc xây nhà, muốn kiểm tra các trụ chống trụ đỡ hay các phần móng có vuông góc với nhau hay không, các bác thợ đều phải vận dụng định lý Pythagore.
Nhỏ Hường ngẩn mặt :
- Các bác thợ mộc thợ hồ cũng biết định lý Pythagore hả anh ?
- Có thể họ không biết Pythagore là ai. Nhưng cách đo đạc của họ chắc chắn là đúng theo công thức mà Pythagore đã tính toán.
Thấy nhỏ Hường cứ nghệt mặt ra nhìn mình, Quý ròm tót ra khỏi bàn, chạy ra sân :
- Em chờ anh chút.
Lát sau Quý ròm đem vào một nhánh cây nhỏ. Nó đặt nhánh cây xuống trước mặt nhỏ Hường :
- Đây nhé. Bây giờ em bẻ nhánh cây này làm ba đoạn. Bẻ như thế nào mà khi ráp ba đoạn cây lại em sẽ có được một tam giác vuông.

Nhỏ Hường chỉ áng chừng bằng mắt. Nó bẻ, nó ghép, và những hình tam giác của nó cứ xộc xệch. Nó bẻ đến khi nhánh cây trên bàn chỉ còn một mẩu cụt ngủn, vẫn chưa ghép được một tam giác vuông nào.
Quý ròm lại chạy ra vườn. Nó đặt nhánh cây mới bẻ xuống bàn và đẩy cây thước đến trước mặt cô học trò :
- Bây giờ em áp dụng định lý Pythagore vào việc tạo ra một tam giác vuông đi.
- Áp dụng thế nào hở anh ?
- Bây giờ em bẻ một đoạn 3 cm làm cạnh ngắn.
- Rồi.
- Bẻ thêm một đoạn 4 cm nữa làm cạnh dài.
- Dạ rồi.
- Dựng thành một góc vuông.
- Rồi.
- Đã có độ dài của hai cạnh góc vuông rồi, em tính ra độ dài của cạnh huyền được không ?
- Dùng công thức a2 + b2 = c2 hả anh?
Nhỏ Hường không phải là con bé kém thông minh. Nó chỉ không biết cách thôi. Được Quý ròm chỉ vẽ, nó tìm ra con số 5 cm trong nháy mắt. Nó ráp ba đoạn cây lại, hí hửng reo lên:
- Được rồi nè anh!
- Thì được chứ sao không được – Quý ròm cười khì – Pythagore mà lại.
Nhỏ Hường ngước nhìn Quý ròm:
- Anh dạy hay ghê!
- Hay gì đâu!
- Hay thiệt mà - Nhỏ Hường long lanh mắt – Bây giờ trở đi cứ mỗi lần nhìn thấy ba khúc cây là em lập tức nhớ ngay đến định lý này.
Được học trò khen, ông thầy lâng lâng như đang ngồi trên mây.
Ông thầy ngồi trên mây, nhưng ông thầy quay mặt đi chỗ khác.
Ông thầy không dám nhìn vào mắt học trò.
Không hiểu sao mỗi khi đôi mắt học trò long lanh là ông thầy lại đâm ra bối rối.


Truyện đánh dấu

Nhấn để xem...

Truyện đang đọc

Nhấn để xem...
Nhấn Mở Bình Luận