Kính vạn hoa - Tập 45 - Kính vạn hoa


46
Còn lắm chuyện xảy ra với bọn Quý ròm trong những ngày tôi đi xa.
Lần này thì chính nhỏ Hạnh kể. Đó là câu chuyện về cô bé Thơ Hoa.
Kể từ khi nghe Thơ Hoa thú nhận là mình đi đứng không tiện, nhỏ Hạnh rất hay gọi điện thoại trò chuyện với cô bé.
Hai chị em có vẻ càng ngày càng thân nhau. Thân đến mức một hôm Thơ Hoa cười khúc khích trong ống nghe:
- Có thật là sau này em sẽ mở tiệm bán bò viên không hở Hạnh?
Nhỏ Hạnh bẽn lẽn:
- Đó chỉ là mơ ước của em khi còn bé. Hồi còn bé, em rất ham ăn. Bây giờ thì khác rồi.
- Thế bây giờ thì em mơ ước những gì?
- Em cũng không rõ nữa. Nhưng chắc là không phải mở tiệm bò viên rồi! - Nhỏ Hạnh cười, rồi hỏi - Thế còn chị? Những mơ ước của chị là gì?
- Chị ấy à? Mơ ước của chị đơn giản lắm...
Thơ Hoa ngừng lại và giữa khoảng lặng, nhỏ Hạnh mơ hồ nghe thấy một tiếng thở dài, hoặc ít ra nó có cảm giác như thế.
- Chị ao ước được đi đây đi đó để thưởng thức những cảnh đẹp khắp nơi, chị cũng thích ra sân xem bóng đá, vào rạp xem phim... - Thơ Hoa nói tiếp bằng giọng gần như thì thầm, càng lúc càng nhỏ như đang thủ thỉ trong một giấc mơ.
Nhỏ Hạnh thốt nhiên nghe lòng mình chùng xuống. Những ao ước kia quá đỗi bình thường, nhưng với chị Thơ Hoa thì thật là xa vời quá đỗi. Chị bị liệt hai chân, suốt ngày ngồi dán mình bên cửa sổ, chỉ nội việc đi xuống đường mua một que kem cũng đã khó, nói gì đến chuyện vào rạp xem phim, ra sân xem bóng đá, lại còn đi đó đi đây!
Nhỏ Hạnh bất giác nhớ lại cuộc sống sôi nổi của mình. Nó muốn đi đâu thì đi. Nó cùng Tiểu Long và Quý ròm đi Vũng Tàu tắm biển, lên Đà Lạt hóng gió cao nguyên, xuống Bến Tre "truy tìm" thằng nhóc Triều, thậm chí theo nhóm Mèo Rừng ra tận miền Trung, lên tuốt trên núi cao lặn lội thăm dò "kho báu". Những chuyến đi chơi thú vị đó đối với chị Thơ Hoa chẳng khác nào một giấc mơ. Ừ, mà chị cũng đang nói về những mơ ước đơn sơ của mình như thể nói về những giấc mơ đấy thôi!
Hôm đó, nhỏ Hạnh kết thúc cuộc trò chuyện bằng lời hứa hẹn:
- Ít hôm nữa tụi em sẽ tặng chị một món quà.
- Quà ư? Các em định tặng chị quà gì thế?
- Kính vạn hoa.
- Kính vạn hoa? Lại tặng sách nữa ư?
- Không, không phải sách! - Nhỏ Hạnh mỉm cười - Lần này là một cái kính vạn hoa chứ không phải truyện Kính vạn hoa của chú Ánh!
Giọng Thơ Hoa lộ vẻ ngạc nhiên:
- Có một cái kính như thế sao?
Tới phiên nhỏ Hạnh sửng sốt:

- Chị chưa từng thấy cái kính vạn hoa bao giờ à?
- Chưa. Thậm chí chị cũng chưa từng nghe nói tới. Thế cái kính đó nó như thế nào?
- Cái kính đó tuyệt lắm! - Nhỏ Hạnh lim dim mắt, giọng mơ màng - Nhìn vào ống kính, chúng ta sẽ thấy một bông hoa rất đẹp, rực rỡ muôn màu. Khẽ lắc cổ tay một cái, bông hoa đó mất đi và trong ống kính hiện ra một bông hoa khác. Cứ như thế, nếu chúng ta lắc một triệu cái thì sẽ nhìn thấy một triệu bông hoa. Tuyệt nhất là không bông hoa nào giống bông hoa nào. Không bao giờ có hai bông hoa giống nhau.
- Đúng là tuyệt vời! - Thơ Hoa reo lên - Chị không thể nào hình dung có một thứ đồ chơi lý thú như thế trên đời.
- Tụi em sẽ tặng cho chị! - Nhỏ Hạnh vui vẻ nói - Rồi chị sẽ thích mê.
- Chắc chắn rồi! - Giọng Thơ Hoa hào hứng - Ngày nào chị cũng sẽ lấy ra xem. Chị sẽ tưởng tượng mình đang đứng trước một rừng hoa.
- Hẳn là thế rồi! - Nhỏ Hạnh hân hoan tiếp lời.
Cứ thế, hai chị em mê say nói về cái kính vạn hoa kỳ diệu, với muôn ngàn vẽ vời, muôn ngàn mơ mộng trong trí tưởng.
47
Tôi ngắt lời nhỏ Hạnh:
- Thế cháu đã tặng cho chị Thơ Hoa cái kính đó chưa.
- Rồi ạ. Cháu nhờ nhỏ Xảo đem tới.
- Nhỏ Xảo vẫn đặt ống kính ở chiếc ghế chỗ cửa phòng chứ?
- Vẫn thế. Đặt lên ghế rồi sè sẹ lui ra.
Nhỏ Hạnh đáp, rồi nó hớn hở khoe:
- Chị Thơ Hoa thích lắm. Ngày nào cũng xem.
Tôi nhìn vào đôi mắt long lanh của nó:
- Sao cháu biết?
- Chính chị Thơ Hoa nói. Chị bảo những bông hoa thật là đẹp.
Nhỏ Hạnh đẩy gọng kính trên sống mũi:
- Hơn nữa, lần nào đi ngang qua con đường đó, ngước mắt trông lên, tụi cháu cũng đều nhìn thấy chị Thơ Hoa...
Tôi gật đầu:
- Vẫn ngồi bên cửa sổ?
- Vâng ạ. Ngồi bên cửa sổ, với ống kính vạn hoa trên tay.
Tôi cắn chặt môi, lòng thầm cảm ơn bọn trẻ của tôi quá chừng. Tôi viết bộ truyện lấy tên là Kính vạn hoa nhưng không nghĩ ra chuyện tặng thứ đồ chơi tuyệt vời đó cho cô bé Thơ Hoa tội nghiệp. Với một người ngồi bất động một chỗ, cái kính vạn hoa thật là món quà quí giá biết bao!

Chiều đó, không nói gì với bọn Quý ròm, tôi một mình lẳng lặng quay trở lại con phố ngắn và hẹp chạy ngang trước chung cư Thơ Hoa ở. Tôi lại dựng xe dưới tàng cây trứng cá bên này đường, ngồi bệt xuống vỉa hè, ngẩng đầu nhìn lên ô cửa sổ ở tầng lầu bên kia.
Thơ Hoa ngồi đó, mái tóc đen nhánh xõa trên vai làm nổi bật khuôn mặt trắng trẻo. Bên cạnh cô, vẫn chậu hồng vàng mà tôi đã nhìn thấy hôm trước. Và đúng như nhỏ Hạnh nói, trên tay cô bé lúc này có thêm chiếc kính vạn hoa.
Tôi thấy Thơ Hoa cứ chốc chốc lại đưa chiếc kính lên, thận trọng kê mắt vào ống kính, say sưa ngắm nghía, thỉnh thoảng lại lắc khẽ cổ tay. Tôi ngồi xa quá nên không trông rõ những biểu hiện trên mặt cô bé nhưng tôi đoán hẳn cô rất thích thú khi được nhìn ngắm hằng trăm bông hoa thay nhau xuất hiện sau mỗi rung động dưới tay mình.
Tôi ngồi bên vệ đường lâu thật lâu, lòng miên man bao nhiêu là ý nghĩ. Cho đến khi một người phụ nữ đứng tuổi, có lẽ là mẹ cô bé, xuất hiện bên cạnh Thơ Hoa thì tôi mới đứng dậy thong thả dắt xe đi.
48
Cái ý định đó chập chờn trong đầu tôi suốt dọc đường về. Rằng sẽ có một ngày tôi cùng Quý ròm, Tiểu Long và nhỏ Hạnh kéo nhau đến thăm Thơ Hoa. Sẽ đến thăm cô, ở bên cạnh cô như những người bạn gần gũi bằng xương bằng thịt chứ không chỉ là những tiếng nói vọng ra từ ống nghe.
Bọn trẻ của tôi sợ rằng Thơ Hoa không muốn tiếp xúc với người lạ. Tụi nó sợ cô bé sẽ ngượng nghịu, sẽ mặc cảm khi phơi bày sự tật nguyền của mình. Tôi không nghĩ thế. Chính sự xa lánh, dù với động cơ tốt đẹp thế nào đi chăng nữa, mới dễ khiến cô bé thu mình vào vỏ ốc cô đơn. Đến gặp Thơ Hoa, cư xử với cô như với một người bình thường, xem chuyện không may của cô là điều vẫn đôi khi xảy đến cho người này người nọ, điều đó giúp cô tự tin và cởi mở hơn trong cuộc sống.
Tôi suy nghĩ trong đầu như thế, nhưng vin vào cớ gì để bốn chú cháu có thể đàng hoàng, hiên ngang đến thăm cô bé thì thực tình tôi chưa nghĩ ra.
Chính bọn Quý Hồ đã gián tiếp gợi ý cho tôi.
Phải thừa nhận rằng Quý Hồ và Đức Long không ưa bọn trẻ của tôi ra mặt, nhưng sự quý mến tụi nó dành cho tôi vẫn không hề thay đổi.
Cho nên tôi không chút ngạc nhiên khi một hôm tụi nó đến tòa soạn báo Sài Gòn Giải Phóng tìm tôi. Lúc bấy giờ cảnh quay cuối cùng của phim Nhà ảo thuật đã kết thúc hơn hai tháng và có lẽ đã sắp xong phần hậu kỳ.
Chúng tôi vẫn ngồi ở quán nước quen thuộc kế tòa soạn.
- Lâu lắm tụi cháu mới đến thăm chú! - Khánh Ly nói giọng vẻ như biết lỗi.
Tôi cười:
- Không lâu lắm đâu. Hơn nữa, tụi cháu còn phải đi học nữa mà.
Rồi để bọn trẻ khỏi áy náy, tôi hỏi lảng qua chuyện khác:
- Phim các cháu đóng đã lồng tiếng xong chưa?
- Xong hết rồi chú! - Quý Hồ hớn hở - Hôm nay tụi cháu đến gặp chú cũng vì chuyện ấy đấy.
Tôi nhìn bọn trẻ, im lặng chờ nghe tiếp.
- Đúng mười hôm nữa, phim sẽ chiếu trên đài truyền hình thành phố.
Tôi tròn mắt:
- Nhanh đến thế cơ à?
- Vâng ạ! Tụi cháu muốn báo cho chú biết để chú bật tivi lên xem. Chú đừng rầy nếu tụi cháu làm chú thất vọng nghe chú!
- Chú tin là các cháu không làm chú thất vọng đâu. Quý ròm, Tiểu Long và nhỏ Hạnh đã kể với chú tất cả rồi. Tụi nó khen các cháu đóng hay lắm.

Lần đầu tiên tôi lơ đãng khi nhắc đến tên bọn Quý ròm. Chỉ một thoáng hớ hênh đó thôi đủ làm Quý Hồ nhăn mặt bất bình:
- Chú vẫn gọi các bạn ấy là Quý ròm, Tiểu Long và Hạnh hở chú?
- Thật chẳng công bằng tí nào! - Đức Long lắc đầu - Cháu nghĩ chính tụi cháu mới xứng đáng với những tên gọi đó hơn!
Khánh Ly tỉm tỉm:
- Các bạn ấy bây giờ đã là Kiếng Cận, Tăm Tre và Trư Bát Giới rồi kia mà.
Tôi chưa kịp phân bua, Quý Hồ đã hậm hực "xổ" tiếp một tràng:
- Nếu tự trọng, các bạn ấy đã không nhận vơ vào như thế. Ai lại vào tận trường quay rồi mà vẫn cứ tự tiện xưng hô lung tung, chẳng "biết người biết ta" chút xíu nào!
Đức Long giận lẫy phụ họa:
- Cháu chẳng hiểu tại sao chú có thể thân thiết với các bạn ấy được!
Thôi rồi, tôi giật mình nhủ bụng, hóa ra xưa nay hai ông mãnh này sở dĩ ác cảm với bọn Quý ròm hẳn là vì thấy tôi hay cặp kè với bọn trẻ, chắc thế!
Như để chứng minh sự phỏng đoán của tôi, Đức Long nói tiếp bằng giọng cay đắng:
- Chính tụi cháu mới là những người thể hiện các nhân vật Quý ròm, Tiểu Long và nhỏ Hạnh của chú lên phim. Còn các bạn kia chẳng qua chỉ biết trổ vài tài lẻ!
Quý Hồ hạ một câu độc địa:
- Lại khéo nịnh nọt và giỏi tài bám lẵng nhẵng theo chú thôi!
49
Sự ghen tị đã khiến bọn nhóc trước mặt tôi tối tăm mặt mũi. Nhận xét cay độc của Quý Hồ làm tôi bất ngờ đến sửng sốt.
Thấy tôi ngồi im nhìn đăm đăm vào mặt nó, Quý Hồ có vẻ ngượng; nó bối rối ngó lơ chỗ khác, và căn cứ vào cái cách nó vừa quay đi vừa ngúc ngoắc đầu, tôi chắc nó cũng chợt nhận ra vừa rồi nó đã để sự tức tối dắt đi quá xa.
Vẻ mặt của tôi lúc đó chắc nom kỳ dị ghê lắm. Cho nên không chỉ Quý Hồ, mà cả Đức Long và Khánh Ly đều lấm la lấm lét. Nhìn cái kiểu tụi nó liếc trộm tôi như các cô cậu học trò phạm lỗi thập thò liếc trộm thầy cô, tôi đoán tụi nó đang lo lắng chờ tôi thốt ra một lời quở trách nặng nề.
Nhưng tôi đã không quở trách. Cũng chẳng nói một lời nặng nhẹ. Tôi chỉ trầm ngâm buông một tiếng thở dài:
- Thực ra không phải các bạn ấy bám theo chú mà chính chú đã bám theo các bạn ấy!
- Chú nói sao? - Đức Long vọt miệng, nó nói nhanh đến mức có cảm tưởng câu hỏi tự động bật ra trước khi nó kịp ý thức nó đang hỏi gì.
- Chú không đùa đấy chứ? - Câu hỏi của Quý Hồ thốt ra gần như đồng thời. Cũng như Đức Long, rõ ràng nó không tin một cái tai nào trong hai cái tai của mình.
Khánh Ly không hỏi, không phải vì không muốn hỏi, mà vì các bạn nó đã nhanh miệng quá. Lúc này nó đang giương cặp mắt tròn xoe, chờ câu xác nhận của tôi.
- Chú không đùa! - Tôi thở dài lần thứ hai - Không đùa một chút nào!
Lần này thì Khánh Ly kịp mở miệng trước hai bạn:
- Tại sao chú lại phải bám theo các bạn ấy hở chú? Tụi cháu không hiểu gì cả!
- Bởi vì... - Tôi ngập ngừng một thoáng, và phải nhắm mắt lại để cố nói hết câu - bởi vì các bạn ấy chính là... Quý ròm, Tiểu Long và nhỏ Hạnh.
- Là sao ạ? - Cả ba cái đầu trước mặt tôi cùng chồm tới trước, ba cái miệng cùng ré lên.
- Còn sao nữa! - Tôi cố nặn một nụ cười và mở mắt ra - Ba bạn ấy là ba nhân vật chính trong truyện Kính vạn hoa của chú chứ là sao!

Gương mặt của bọn Quý Hồ khi nghe tôi tiết lộ điều bí mật trọng đại đó tạo cho tôi cảm tưởng tụi nó vừa nhìn vào chiếc đầu của con yêu Méduse. Trong thần thoại Hy Lạp, bất cứ ai, kể cả thần Atlas, nếu dại dột nhìn vào chiếc đầu của Méduse đều tức khắc biến thành đá, không sai chạy vào đâu được!
50
Quý ròm, Tiểu Long và nhỏ Hạnh không hay biết tí gì về câu chuyện vừa xảy ra giữa tôi và nhóm Quý Hồ nên đúng mười ngày sau cuộc gặp gỡ lịch sử đó, vừa lò dò đến nhà tôi theo lời hẹn, tụi nó vô cùng kinh ngạc khi thấy Quý Hồ, Đức Long và Khánh Ly đã ngồi sẵn ở phòng khách.
- Chà! - Quý ròm gãi gáy - Lại cả gan lần mò đến tận đây nữa cơ đấy!
Tiểu Long đưa tay quẹt mũi:
- Chắc lại định kiện cáo gì với chú Ánh đây!
Đang nói, như sực nhớ ra, Tiểu Long vội bỏ tay xuống:
- Xin lỗi nhé! Trư Bát Giới này quẹt mũi là do thói quen, chứ không phải cố tình giả làm Tiểu Long đâu đấy!
Mọi lần, nghe Quý ròm và Tiểu Long xỏ xiên như vậy, Quý Hồ và Đức Long đã nóng mặt phản ứng ngay lập tức.
Nhưng hôm nay, chẳng có chút gì giống mọi lần. Mặc Quý ròm và Tiểu Long thay nhau giễu cợt, hai thằng nhóc ngồi tỉnh khô. Còn toét miệng ra cười. Cứ như thể Quý ròm và Tiểu Long vừa khen tụi nó chứ không phải là châm chọc.
Quý ròm tròn mắt nhìn tôi:
- Chú ơi, bữa nay có "chuyện lạ bốn phương" hở chú?
Tôi tủm tỉm chưa kịp đáp thì Quý Hồ đã đứng bật dậy và tiến tới trước mặt Quý ròm, chìa tay ra:
- Rất hân hạnh được làm quen!
- Ối chà! - Quý ròm bật kêu - Chuyện gì nữa đây? Thách đấu kiểu hiệp sĩ châu Âu chăng?
Nó thò tay nắm tay Quý Hồ, gật gù:
- Được thôi! Hiệp sĩ Tăm Tre sẵn sàng phục vụ ngài, thưa hiệp sĩ Quý ròm!
Quý Hồ cúi đầu, lịch sự:
- Kẻ hèn này đã biết ngài là ai rồi, ngài đừng giả bộ nữa! Ngài mới chính là hiệp sĩ Quý ròm!
Quý Hồ nói năng ôn tồn, nhỏ nhẹ nhưng Quý ròm có cảm giác đối phương vừa phóng ra một nhát kiếm vô hình. Nó bất giác thót bụng lại, mặt ngẩn ra:
- Gì thế này? Chẳng lẽ...
Quý ròm ném sang tôi một cái nhìn dò hỏi:
- Chú...
- Đúng thế! - Tôi chưa kịp mở miệng, Đức Long đã mau mắn - Chú Ánh đã cho bọn này biết tất cả rồi!
Quay sang Tiểu Long, Đức Long cười hề hề:
- Bây giờ thì tôi đã biết cái động tác quẹt mũi của bạn là "bản chính" chứ không phải "bản sao"! Và những cú đá đẹp mắt ở trường quay là "sản phẩm" của "võ sư vô địch đại lực sĩ song phi cước thiết đầu công" chính hiệu!
Khánh Ly nhìn nhỏ Hạnh, tươi cười phụ họa:
- Và bạn mới đúng là Hạnh, "bộ từ điển biết đi", còn mình chỉ là Khánh Ly thôi!


Truyện đánh dấu

Nhấn để xem...

Truyện đang đọc

Nhấn để xem...
Nhấn Mở Bình Luận
Quảng Cáo: Coin Cua Tui