Kính vạn hoa - Tập 44 - Quà tặng ba lần


Chương 9
Ăn cơm tối xong mới sáu giờ chiều. Từ sáu giờ chiều đến mười hai giờ khuya, kim đồng hồ còn phải quay mệt nghỉ. Nói tóm lại, là còn lâu lắm. Nhưng đó là với người khác. Với ai kia. Chứ với thằng Hưng sún thì nó cảm thấy cái khoảnh khắc mà nó chờ đợi đã cận kề quá rồi.
Cho nên, vừa rời khỏi bàn ăn là nó tót lại đằng tủ, lôi chiếc giày bata ra.
- Uống nước đã con! – Cô Bốn Loan nhắc.
- Lát nữa con uống.
Hưng sún vừa đáp vừa xách chiếc giày leo lên gác, lúi húi cột vào cái oen sắt trên bục cửa sổ.
Xong xuôi đâu đó, nó bước lại giường ngủ, loay hoay sắp xếp mền gối.
Thường, Hưng sún ngủ quay đầu ra cửa sổ. Nhưng hôm nay nó quyết định đổi chiều. Nó đẩy chiếc gối tuốt về đầu giường bên kia. Nằm như vậy, mắt nó sẽ hướng ra phía cửa sổ.
Ý là nó muốn được nhìn thấy Ông già Noel leo vào nhà đó mà.
Ngồi nhấp nha nhấp nhổm trên mép giường, chốc chốc Hưng sún lại liếc đồng hồ, bực bội thấy mấy cây kiim sao tự dưng bò chậm quá.
Chẳng biết làm gì, Hưng sún đành ngồi vào bàn lôi tập ra coi. Nhưng đầu óc nó lúc này như một cái hộp bị bịt kín, chẳng thể nhét vô lấy một chữ. Nó học trước quên sau, học sau quên trước. Chữ nghĩa cứ tuột đi đằng nào.
Chán quá, Hưng sung gấp tập lại và leo xuống khỏi gác. Nhưng rồi nó cũng chẳng nghĩ ra việc gì để làm, cứ loanh quanh đi tới đi lui trong nhà.
Thấy thằng nhóc chắp tay sau lưng đi long vòng như một cụ già mất ngủ, cô Bốn Loan tức cười quá nhưng cố nén. Cô biết tại sao thằng con cô bồn chồn làm vậy nhưng cô không muốn trêu nó. Cô sợ nó xấu hổi.
Có một lúc có thấy Hưng sún kéo chiếc ghế xếp ở góc nhà ra, leo lên nằm. Nó nằm nhưng mắt vẫn mở thao láo.
Cô đinh ninh nó sẽ nằm như vậy rất lâu nên yên tâm bỏ xuống bếp.
Nhưng đến khi cô rửa xong thau chén quay lên thì thằng nhóc đã biến mất.
Cô nhìn quanh, chép miệng:
- Lại chạy đi đâu rồi không biết!
Nói vậy thôi chứ cô biết thừa thằng nhóc đi đâu. Ai mà chả biết lúc này Hưng sún đang ở trên nhà thằng Tùng. Sốt ruột quá, nó không thể nằm yên một chỗ nên tót lên nhà bạn.
- Sao? Mày đã treo chiếc giày lên cửa sổ chưa? – Vừa nhác thấy thằng TÙng sún ló đầu vào, Tùng hỏi ngay.
- Rồi! Thế còn mày?
Tùng cười hì hì:
- Tao treo từ sáng sớm lận.
Tùng dẫn Hưng sún lên gác. Nó chỉ chiếc giày đang toòng teng nơi cửa sổ:
- Kìa!
Hưng sún bước lại gần, miết ngón tay lên chiếc giày:

- Bóng quá há?
- Còn phải nói! – Tùng toét miệng, kiêu hãnh. – Cả tuần nay tao đánh mỏi cả tay.
Hưng sún tò mò ngó quanh:
- Tối mày ngủ đâu?
Tủng chỉ bức vách ngăn sau lưng:
- Trong kia.
Cặp long mày Hưng sún nhíu lại:
- Mày không ngủ ngoài này à?
- Không! – Tùng ngạc nhiên – Sao phải ngủ ngoài này?
- Phải ngủ ngoài này mới trông thấy Ông già Noel trèo qua cửa sổ chứ!
- Ối dào! – Tùng nhún vai – Tụi mình chả bao giờ thấy ông ta đâu.
Nhìn vẻ mặt ngơ ngác của bạn, Tùng tặc lưỡi giải thích:
- Những năm trước, đêm Giáng sinh nào tao cũng kê giường sát cửa sổ. Nhưng chả lần nào tao trông thấy Ông già Noel cả. Bao giờ tao cũng thiếp ngủ trước khi ông ấy leo vào.
Hưng sún chớp mắt:
- Lạ quá há?
- Ừ! – Tùng cắn môi – Tao chán Ông già Noel. Ông già Noel không muốn trẻ con nhìn thấy mình. Bao giờ ông cũng đợi tụi mình đi ngủ mới bắt đầu tặng quà.
- Chắc thế? – Hưng sún gục gặc đầu. – Có lẽ ông ấy sợ bọn trẻ quấy rầy. Trẻ con là chúa lộn xộn. Nếu tóm được ông ấy, thế nào cũng có đứa vòi thêm quà.
Tùng đồng tình:
- Lại còn đòi đổi thứ này thứ nọ nữa!
Thấy bạn nhanh nhẩu phụ họa, Hưng sún hào hứng huơ tay:
- Đó là chưa kể những đứa khóc lóc mè nheo …
Cứ thế, hai ông nhóc thi nhau lên án trẻ con, quên mất chính mình cũng ở trong cái đám trẻ con nhí nhố đó.
Tung qua hứng lại một hồi, ánh mắt Hưng sún chợt dừng lại nơi chiếc đồng hồi báo thức đặt trên bàn học cạnh cửa sổ.
- Chết! Chín giờ rồi! Tao phải về nhà đi ngủ đây!
Hưng sún hốt hoảng kêu lên. Rồi không đợi bạn kịp nói tiếng nào, nó phóng vội xuống cầu thang và ba chân bốn cẳng chạy vù ra cửa.
Nhưng dù sao chín giờ vẫn còn quá sớm để Hưng sún nhìn thấy ông già Noel, nếu quả thực ông cố tình để nó bắt gặp. Cho nên khi về đến nhà, trèo lên gác và chui vào giường nằm kéo chăn tận cằm rồi, Hưng sún chợt có cảm giác nó không thể thức đến mười hai giờ khuya nổi. Mọi hôm, cứ đến chín giờ rưỡi tối là Hưng sún đã ngủ khò. Bây giờ phải thao láo mắt đến tận khuya, thực tình là chuyện quá sức nó.
Hưng sún cũng biết vậy. Nên cứ chốc chốc nó lại nhỏm dậy, leo xuống khỏi gác, chạy ra nhà sau vốc nước áp lên mặt, ý chừng là để cho tỉnh ngủ.

Hưng sún tỉnh ngủ thật. Nó chạy lên chạy xuống chừng tám lần, kim đồng hồ đã nhích gần tới con số mười một. Nhưng vòi nước máy sau nhà bếp cũng chỉ giúp Hưng sún được có thế. Sau lần thứ chín, Hưng sún đánh một giấc thẳng cẳng.
Hưng sún ngủ, và không biết là mình đã ngủ. Và trong giấc mơ, nó thấy Ông già Noel với chiếc áo choàng đỏ và chỏm râu trắng quen thuộc leo qua cửa sổ và đến bên giường ngồi xuống cạnh nó. Rồi ông thò tay vào túi quà căng phồng, lục lọi một hồi và lấy ra một gói quà to ơi là to, đẹp ơi là đẹp …
Ngay trong lúc con nhà Hưng sún đang sung sướng nhận quà trong giấc mơ thì Tiểu Long ôm gói quà trong tay thò đầu ra cửa sổ nhà bác Đực, ngần ngừ nhìn xuống dưới.
Thập thò ngay sau lưng nó là Quý ròm và nhỏ Hạnh.
- Thế nào hở Long? Leo xuống được không? – Nhỏ Hạnh nói giọng thấp thỏm.
- Hạnh yên tâm. Chỗ này rất dễ trèo.
- Tao cũng xuống nữa! – Quý ròm thình lình cất giọng.
- Không được! – Tiểu Long ngoảnh phắt lại – Chỉ để mình tao xuống thôi. Mày xuống là té liền.
Bác Đực đến sau lưng bọn trẻ, nhướn mắt:
- Cẩn thận các cháu!
- Không sao đâu, bác!
Tiểu Long đáp. Và đưa gói quà cho Quý ròm giữ, nó bám bục cửa sổ từ từ leo xuống.
Cả ba người đứng bên trên hồi hộp theo dõi từng động tác của Tiểu Long.
Nó nhoài người đặt chân lên trụ sắt sát tường, nơi bác Đực chăng lưới mắc cáo để dây cát đằng có chỗ bò lên.
Xoay xoay bàn chân để lấy thế, Tiểu Long bắt đầu thò chân kia qua khoảng tường vỡ ngăn đôi nhà cô Bốn Loan và nhà hàng xóm.
Loay hoay một hồi, cuối cùng Tiểu Long cũng chui qua được bên kia.
Nhưng như vậy chưa phải là xong. Lúc này, khó nhất là làm sao đặt chân xuống đất một cách êm thắm, vì chỗ lỗ hổng và mặt đất vẫn còn khá xa. Tất nhiên, Tiểu Long có thể buông tay để người rơi xuống. Nhưng làm như thế, chắc chắn sẽ gây nên tiếng động. Làm như thế cô Bốn Loan sẽ thức dậy. Sẽ chạy ra. Rồi cô sẽ hô hoán lên.
Nhưng điều đó vẫn chưa đáng sợ. Điều kinh khủng nhất là mọi thứ hỗn độn ồn ào đó sẽ lôi thằng Hưng sún ra khỏi giấc ngủ, dựng nó dậy. Lúc đó, kế hoạch của bọn nó coi như hỏng bét. Không, nhất định tụi nó sẽ cột bằng được gói quà vào chiếc giầy của Hưng sún một cách bí mật. Tụi nó không thể làm hỏng niềm vui mà thằng oắt con đang chờ đợi.
Tiểu Long vừa nghĩ ngợi vừa đu đưa chân tìm chỗ tựa.
Thấy thằng mập cứ nhấp nhô chỗ lỗ hổng cả buổi, không chịu leo xuống, Quý ròm ngạc nhiên:
- Mắc chứng gì thế hở mập? Sao chưa chịu nhảy xuống?
Tiểu Long không đáp lời Quý ròm, vẫn tiếp tục đưa chân quều quào tứ phía. Và nó mừng rơn khi chạm phải một vật gì cứng cứng.
Tiểu Long liếc nhìn xuống. Nhưng trời tối đen nên nó chẳng trông rõ đó là vật gì.
Tiểu Long đành bặm môi buông tay đứng lên vật đó. Sau một lúc lấy chân rà qua rà lại, nó mới biết đó là chiếc lu. Chiếc lu đổ đầy đất nhưng chẳng có chiếc cây nào, chắc là cô Bốn Loan chưa kịp mua về trồng.
Khi đã đứng vững trên chiếc lu rồi, Tiểu Long nhón chân thò tay qua lỗ hổng ngoắt ngoắt:
- Ê, ròm! Đưa đây!

Tiểu Long vừa ngoắt vừa thì thào. Dĩ nhiên ai chẳng biết nó giục Quý ròm đưa gói quà qua lỗ hổng cho nó. Một đứa thông minh như Quý ròm càng không thể không biết.
Nhưng thay vì đưa gói quà cho thằng mập, Quý ròm xoay qua đưa cho nhỏ Hạnh. Rồi hai tay bám gờ cửa sổ, nó sè sẹ đặt một chân lên đầu trụ sắt, chân kia thò qua chỗ bức tường vỡ.
- Mày làm gì thế? – Tiểu Long sửng sốt bật kêu, phải cố lắm nó mới không hét tướng lên.
- Tao qua với mày!
Quý ròm thản nhiên đáp, lúc này nó đã luồn được thân người qua lỗ hổng.
Tiểu Long đưa tay ra đỡ bạn nhưng răng thì nghiến ken két:
- Mày ngồi bên đó uống miếng nước, ăn miếng bánh đi, qua đây làm chi!
Theo thỏa thuận ban đầu giữa ba đứa, công việc khó khăn này chỉ giao cho một mình Tiểu Long đảm trách. Tiểu Long là con nhà võ, giỏi leo trèo, lại nhanh tay lẹ mắt. Phải tài nghệ cỡ nó mới có thể cột gói quà vào chiếc giầy của Hưng sún mà không bị ai phát giác. Hơn nữa, những hành động bí mật kiểu này bao giờ cũng càng ít người càng tốt.
Đã thống nhất với nhau như thế rồi, tới phút chót thằng ròm lại nổi hứng chui theo, bảo làm sao Tiểu Long không nổi quạu cho được!
Biết bạn bực mình, Quý ròm tìm cách pha trò:
- Bên bác Đực có nước nhưng không có bánh …
Quý ròm chọc cười nhưng Tiểu Long chẳng thấy buồn cười chút nào. Nó lo quá, mép chẳng nhếch một tí ti.
Trong bóng tối, Quý ròm không nhìn thấy vẻ mặt nhăn nhó của Tiểu Long nhưng không nghe bạn ứ hừ gì, nó biết thằng mập vẫn chưa hết bực, bèn lựa lời trấn an:
- Mày đừng lo! Tao nhẹ hơn mày mà.
Nhẹ hơn không có nghĩa là ít hậu đậu hơn. Tiểu Long biết vậy nên trong lòng chẳng thấy phấn khởi tẹo nào. Nhưng đã đến nước này, nó đành phải đứng xê qua một bên:
- Mày đặt chân xuống cạnh tao nè.
Chân Quý ròm vừa đặt lên chiếc lu thì chân nhỏ Hạnh cũng vừa kịp đặt lên chỗ tường vỡ.
- Cho Hạnh qua với!
Tiểu Long nhác thấy bàn chân của nhỏ bạn như nhìn thấy rắn độc. Nó giật bắn người lên:
- Trời ơi!
Nhưng Tiểu Long không đủ sức thốt hết câu cảm thán. Vì ngay lúc đó nó muốn xỉu quá chừng.
- Hạnh đâu có định đi theo, nhưng Quý đã chui qua rồi chẳng lẽ Hạnh ở lại một mình!
Trong khi nhỏ Hạnh thấy áy náy phân trần thì Quý ròm ôm ngang lưng Tiểu Long:
- Bình tĩnh, mập!
Cho đến khi bác Đực tuồn gói quà qua lỗ hổng cho nhỏ Hạnh và cả ba đứa đều đã đứng xúm xít trên chiếc lu, Tiểu Long vẫn chưa hết bàng hoàng:
- Thế này là thế nào hở trời?
- Mày không biết thật đấy hả? – Quý ròm chép miệng, giọng tỉnh rụi – Thế này là cả ba đứa cùng đứng trên một chiếc lu chứ còn thế nào!
Lần thứ hai, Tiểu Long nghiến răng:
- Tao không giỡn!
Nhỏ Hạnh đập tay lên vai Tiểu Long.
- Không sao đâu, Long ơi! Tụi này sẽ cẩn thận mà.

Khi nói câu đó, có thể tin chắc là nhỏ Hạnh hoàn toàn thành thật. Nhưng khổ nỗi, vì thành thật quá nên nó quên khuấy mất nó là đứa tay chân rất đỗi vụng về.
Vì thế, nếu nó đứng yên may ra còn đỡ, đằng này nó vừa xoay người đập tay lên vai Tiểu Long, gói quà bên tay kia tuột ra rơi đánh “bộp” xuống đất.
- Cái gì thế?
Nghe tiếng động, Tiểu Long lẫn Quý ròm đều bật kêu. Và gần như cùng lúc, cả hai hốt hoảng chồm qua phía nhỏ Hạnh.
Nhỏ Hạnh chưa kịp lên tiếng, cái lu không chịu nổi trọng lượng của cả ba đứa đang dồn về một phía, ngã đánh uỵch.
Tất nhiên một khi cái lu đã ngã, không có lý gì bọn Tiều Long không lần lượt ngã theo.
Khổ nỗi, những tiếng té lụi đụi lác đác vang lên lúc ban ngày thì không sao, có khi chẳng ai để ý, nhưng giữa đêm hôm khuya khoắt những tiếng động đó phát ra nghe rõ mồn một chẳng khác nào tiếng vỗ ngực xưng tên: “Chúng tôi là trộm đây, bà con ơi!”.
Cho nên cô Bốn Loan có tức tốc xông cửa chạy ra cũng là điều quá chừng dễ hiểu.
Đang bò lóp ngóp, nghe “rầm” một tiếng, bọn Quý ròm ngước mắt trông lên đã thấy cô Bốn Loan đứng ngay trước mắt. Sau lưng cô, cửa mở toác, đèn trong nhà không biết bật lên từ lúc nào chiếu ra sáng trưng.
Và nhờ ánh đèn hắt ra mà bọn Quý ròm điếng hồn nhận thấy cô Bốn Loan không xuất hiện tay không.
Trên tay cô là cái chày đâm tiêu. Cái chày khủng khiếp đó lúc này giơ cao trên đầu bọn trẻ kèm theo tiếng hét đầy đe dọa:
- Ai?
Thấy cái chày có vẻ như sắp sửa giáng xuống, Quý ròm xanh mặt lắp bắp:
- Dạ, dạ … cháu … đây …
Tiểu Long cung vội vàng lên tiếng:
- Dạ, tụi cháu không phải là trộm …
Cô Bốn Loan nhận ngay ra giọng trẻ con, vì thế mà cái chày vẫn lơ lửng trên không.
Cô cứ giữ tay như thế, đôi mắt quét từ Quý ròm Qua Tiểu Long, rồi quét ngược từ Tiểu Long qua Quý ròm, thấy hai đứa trẻ này quen quen, hình như cô có nhìn thấy ở đâu rồi nhưng không nhớ ra là con cái nhà ai.
- Cô ơi cô …
Tiếng nhỏ Hạnh thình lình cất lên từ sau lưng Tiểu Long.
Nhỏ Hạnh nãy giờ bò lòm cồm dưới đất nên cô Bốn Loan không để ý.
- Ơ, cháu Hạnh đây mà! – Nhìn thấy nó, cô Bốn Loan kêu lên đầy ngạc nhiên, cánh tay cầm “vũ khí” thõng xuống. Cô chồm tới trước như để nhìn cho rõ, mũi cô cơ hồ dài ra thêm một tấc – Cháu … cháu … làm gì ở đây thế?
Nhỏ Hạnh “giải đáp thắc mắc” cho người hàng xóm bằng cách chìa ra trước mắt gói quà nó vừa nhặt từ dưới đất lên:
- Tụi cháu … đem quà Noel cho em Hưng.
Cặp lông mày cô Bốn Loan nhíu lại:
- Tặng quà cho em, sao các cháu không đến từ chiều? Sao không vào cửa trước? Sao các cháu …
Đang hỏi dồn, cô Bốn Loan chợt khựng lại. Cô chớp mắt, “à” lên một tiếng:
- Thôi, cô hiểu rồi.
Rồi cô ngoắt bọn trẻ:
- Các cháu vào nhà đã.
Nói xong, chủ nhà quay mình đi trước, “bọn trộm” nhìn nhau thở đánh thượt và riu ríu theo sau.


Truyện đánh dấu

Nhấn để xem...

Truyện đang đọc

Nhấn để xem...
Nhấn Mở Bình Luận
Quảng Cáo: Coin Cua Tui