Chương 3
Thằng Bá đi học về, vừa đút đầu vô cửa đã nhận ra không khí khang khác trong nhà.
Khi mẹ nó hỏi nó, nó nhận ra sự khang khác đầu tiên:
- Đi học về đó hả con?
Câu hỏi tất nhiên không khác, vẫn là câu hỏi quen thuộc, nhưng những lần trước, khi hỏi cái câu đó mẹ nó bao giờ cũng vui vẻ nhìn thẳng vào mặt nó bằng đôi mắt rõ ràng là chứa rất nhiều âm yếu chứ không vừa hỏi vừa ngoảnh mặt đi như bữa nay.
Cái khang khác thứ hai mang hình thù ba nó. Giờ này ba nó có mặt ở nhà là lạ lắm. Bá biết rõ, giờ này là ba nó có thể có mặt ở bất cứ đâu, trừ ở nhà. Thế mà ba nó lại đang ngồi đằng bàn, lại không có vẻ gì khật khừ nữa mới quái dị.
Cái khang khác thứ ba là sau khi phát hiện hai cái khang khác kia, Bá cảm thấy chờn chợn, bèn xốc tập rón rén đi vào phòng thì ba nó bỗng gọi giật:
- Bá, lại đây con!
Bá dè dặt bước lại, mặt mày không giấu vẻ hoang mang. Nó không nói gì nhưng ánh mắt nó hiện lên bao dấu hỏi.
Bắt gặp cái nhìn dò hỏi của con, dượng Năm “e hèm” một tiếng như để che giấu sự bối rối. Nhưng ông không ngoảnh mặt đi như dì Năm.
Hai cha con im lặng nhìn vào mắt nhau như thế có đến một lúc.
- Bá nè! – Cuối cùng dượng Năm cũng khó nhọc cất tiếng – Thằng Triều em con ấy mà …
- Ông …
Tiếng dì Năm thình lình vang lên khiến hai cha con dượng Năm ngoảnh mặt nhìn sang.
Bắt gặp vẻ mặt lo lắng của mẹ, Bá nghe tim mình đập thình thịch. Nó linh cảm có một chuyện gì đó vừa xảy ra trong nhà mình. Và chắc chắn đó không phải là chuyện tốt lành.
Mặt ngây ra, Bá hết nhìn sang ba lại quay sang mẹ, thấp thỏm chờ đợi.
Dượng Năm trầm ngâm một lúc rồi gật gù:
- Phải cho thằng Bá biết chuyện này, bà à!
Biết dì Năm vẫn chưa hết e ngại, dượng thủng thỉnh nói tiếp:
- Bà đừng lo! Bọn chúng chỉ không cho chúng ta tiết lộ với người ngoài thôi!
Thấy dì Năm không phản ứng gì, dượng chỉ chiếc ghế trước mặt, bảo Bá:
- Con ngồi xuống đây!
Bá líu ríu ngồi xuống, không rõ mình vừa ngồi lên ghế hay vừa đặt mông lên một cái quạt lò. Nó sờ tay vào trong cổ áo, thấy mồ hôi đang chảy thành dòng.
- Chiều nay em con đã mất tích …
Tất nhiên là dượng Năm chỉ mới mở đầu câu chuyện. Nhưng vừa nghe đến đó, Bá đã kêu “Ối” một tiếng và bật ngửa người ra ghế, hệt như bị đá rớt trúng đầu.
Lúc này dì Năm đã đi vòng ra phía sau con trai. Dì đứng sau lưng ghế, đặt tay lên đầu con:
- Bình tĩnh đi con! Cũng chưa có gì tồi tệ lắm đâu!
Bàn tay của dì Năm như truyền hơi ấm sang Bá. Nó ngọ nguậy người, cố ngồi thẳng người lên. Lần này nó không ngả ra sau mà chồm tới trước:
- Đầu đuôi như thế nào hả ba?
Bất chấp vẻ nôn nóng của con trai, dượng Năm kể lại câu chuyện bằng giọng cố tình làm ra chậm rãi. Rồi trước ánh mắt đau đáu của Bá, dượng kết thúc lời tường thuật bằng cách moi một tờ giấy trong túi ra đưa cho nó:
- Đây, con đọc đi!
Đó là lá thư của bọn bắt cóc.
Bá đọc, thoạt đầu rất khiếp hãi nhưng đến khi nhớ ra em mình dù sao cũng còn sống và được bình yên, nó dần dần trấn tĩnh.
- Bây giờ mình phải làm gì hở ba?
Bá ngước nhìn ba nó, bồn chồn hỏi.
- Ba định đi báo công an, nhưng mẹ con không cho! – Dượng Năm thở dài – Đành phải chờ tin tức của bọn chúng thôi con à.
Dì Năm căn dặn:
- Con chớ có nói chuyện nàyho người nào biết đấy nhé! Nếu ai hỏi, con bảo ba mẹ đã gửi em con xuống nhà cô Tám.
Cô Tám là em ruột của dượng năm, lập nghiệp ở Mỏ Cày, Bến Tre, sinh sống bằng nghề làm vườn. Bao giờ xuống chơi nhà cô, Bá cũng mê tít các vườn mận trĩu trái và lang thang suốt ngày trong đó để khoái trá tưởng tượng mình là Tôn Ngộ Không lạc giữa vườn đào.
Bây giờ, nếu bảo thằng Triều xuống ở chơi với cô Tám, thật không có gì hợp lý hơn, và quan trọng là chẳng ai có thể xác minh được điều đó có thật hay không.
- Dạ, con nhớ.
Bá buồn bã gật đầu. Lúc đó, thật tình nó thấy sao nó bất lực quá. Nó mong phải chi nó có được phép thần thông, nó sẻ lần ra nơi trú ngụ của bọn bắt cóc, sẽ vạch mặt chúng, sẽ giao nộp chúng cho công an và nhất là sẽ giải cứu được đứa em đáng thương của nó.
Nghĩ đến thằng Triều, mắt Bá bất giác rưng rưng. Triều nhỏ hơn Bá sáu tuổi, đối với Bá đó chỉ là thằng oắt hỉ mũi chưa sạch, thường ngày Bá chẳng bao giờ chịu chơi chung. Bây giờ, khi Triều đã mất tích rồi, Bá mới nhận ra là nó thương em nó biết ngần nào. Nó tự hỏi không biết bây giờ em nó đang sống ra sao. Cho dù bọn bắt cóc không hành hạ Triều, chỉ riêng nỗi sợ hãi khi rơi vào tay kẻ lạ đủ khiến thằng oắt khóc hết nước mắt. Nhớ đến những gì mình đối xử không phải với thằng Triều trước đây, Bá thấy cổ họng bỗng dưng nghèn nghẹn.
Tiếng chuông điện thoại đột ngột vang lên khiến Bá như bừng tỉnh. Chắc bọn chúng gọi tới! Bá hồi hộp nhủ bụng và nín thở dõi mắt theo từng cử động của mẹ nó.
- A lô! À, cô giáo hả? Dạ, à … dạ, cháu đã về nhà rồi cô giáo. Vâng, chính ba cháu đón cháu! – Tới đây, dì Năm hơi ấp úng, rõ ràng dỉ phải vừa nói vừa loay hoay sắp xếp những ý nghĩ trong đầu – Dạ … thưa cô … sắp tới tôi xin phép cô cho cháu nghỉ một thời gian. Cháu đi Bến Tre … Dạ, cháu dự đám giỗ của ông cháu … Dạ, cảm ơn cô. Chào cô.
Vừa buông ống nghe, dì Năm đã hai tay ôm lấy ngực, như thể vừa thoát khỏi một cuộc tra tấn.
Vẫn giữ tay như thế, dì quay nhìn dượng:
- Tôi quên mất cô bảo mẫu lớp thằng Triều. Suýt một chút nữa đã lộ chuyện. May quá!
Bá không quan tâm đến cô bảo mẫu cho lắm. Khi biết người gọi điện tới không phải là bọn bắt cóc, nó thở ra một hơi đầy thất vọng và uể oải đứng dậy, vớ lấy chiếc cặp rồi lệt bệt bước vào phòng trong.
Đêm đó, Bá trằn trọc mãi, cứ chợp mắt là thấy thằng Triều hiện ra, hai tay bị trói chặt và nước mắt nước mũi tèm lem. Cả chục lần như vậy. Sáng ra, cặp mắt Bá đỏ kè.
Khi người ta mất ngủ, không những con mắt đỏ kè mà cái đầu cũng phụ họa bằng cách gật gà gật gù như con nghiện lên cơn. Thằng Bá rơi ngay chóc vào trường hợp đó. Nó ngồi trong lớp, bộ dạng lừ đừ, cái đầu trên cổ nó bữa nay dường như quá nặng so với cái cổ, lúc nào cũng như sắp sửa đổ gục xuống bàn.
Khổ nỗi, Bá ngồi ngay chiếc bàn trên cùng, lại ngay đầu bàn cạnh lối đi, tức là ngay tầm mắt của cô Vĩnh Bình dạy văn hai tiết đầu. Ngồi ở vị trí đó mà gật gà chẳng khác nào muốn nói “Cô ơi, kiếm giùm em cái gối đi cô!”.
Thằng Bá làm nhỏ Xuyến Chi ngồi ngay sau lưng nó sợ xanh mặt. Xuyến Chi vừa là lớp trưởng, vừa là tổ trưởng của Bá, trách nhiệm trên vai nó nặng nề lắm, đặc biệt là vào những lúc gay cấn như lúc này.
- Bá! – Xuyến Chi chồm người tới trước, thì thào – Bạn làm sao thế? Ngồi thẳng dậy đi!
Bá ngồi thẳng dậy, tự nó, nó cũng thấy một học sinh gương mẫu thì không nên cúi đầu sát mặt bàn như thế.
Nhưng Bá chỉ khôi phục lại tư thế ngay ngắn được có một lúc. Nhỏ Xuyến Chi mới vừa thở ra nửa chừng đã lại phải hít hơi vào. Vì cái đầu thằng Bá một lần nữa lại nghiêng qua một bên. Mặc dù Bá đã khôn khéo chống tay lên cằm theo cái cách người ta vẫn chống một cái giá đỡ vào bức tường sắp đổ nhưng lúc này rõ ràng cái giá đỡ đó có vẻ quá mỏng manh so với sức nặng của cái đầu cứ mỗi lúc mỗi chúi xuống kia.
Nhỏ Xuyến Chi nơm nớp nhìn tên tổ viên vô kỷ luật của mình, biết rằng không có gì vô nghĩa cho bằng sử dụng lời lẽ trong lúc này.
Sau một thoáng ngần ngừ, nó đưa tay đập đập lên lưng Bá, mắt không ngừng canh chừng nhất cử nhất động của cô Vĩnh Bình đang viết bài học trên bảng:
- Bá! Bạn muốn điểm thi đua của tổ mình tháng này tụt xuống hạng bét hở?
Rồi thấy đem một cái chuyện cao cả là nghĩa vụ đối với tập thể rót vào tai của một đứa nửa thức nửa ngủ là chuyện vừa lãng phí vừa vô ích, Xuyến Chi đổi chiến thuật:
- Tỉnh dậy đi! Cô Vĩnh Bình nhìn xuống kìa!
Câu hù dọa của nhỏ Xuyến Chi hiệu nghiệm như thần. Bá giật nảy người như bị ong chích. Nó ngẩng phắt đầu và mở choàng mắt ra. Ngay lập tức, nó biết là mình bị lừa. Cô Vĩnh Bình vẫn đang cặm cụi đè viên phấn trên mặt bảng, những tiếng kin kít không ngừng vang lên dưới bàn tay cô.
Nhưng Bá không tức. Vì nó biết là nó sai đứt đuôi rồi.
Thằng Đặng Đạo ngồi cạnh quay sang:
- Bộ tối hôm qua mày thức học bài khuya lắm hở?
- Ừ.
Bá gật đầu, tự nhiên thấy buồn chi lạ.
Đặng Đạo không hiểu tâm sự bạn, lại nheo mắt:
- Chắc suốt buổi chiều mày chạy lông nhông ngoài phố nên khuya phải è cổ ngồi tụng bài chứ gì!
Bá muốn hét vào mặt Đặng Đạo đến chết được: “Chạy lông nhông cái đầu mày! Nếu em tao không bị bọn bắt cóc đem đi mất, khiến tao phải thao thức suốt đêm, còn lâu tao mới gà gật như thế này!”. Nhưng vừa mấp máy môi, Bá đã kịp dừng lại. Nhớ đến lời hăm dọa của bọn bắt cóc, Bá cố nuốt nỗi ấm ức chực trào lên ngang cổ họng, cảm thấy khó khăn như nuốt phải một cục xương quá lớn.
Cơn giận giúp Bá tỉnh ra được một chút. Nhưng khi Đặng Đạo quay sang bên phải trò chuyện với nhỏ Vành Khuyên thì sự hậm hực nhanh chóng rời bỏ Bá. Lòng nó bỗng dưng nguội ngắt và tất cả những gì nó cảm thấy trong lúc này là mí mắt nó đang từ từ díp lại.
Cô Vĩnh Bình đã viết xong dàn ý của bài Lục Vân Tiên gặp nạn và quay mặt xuống lớp, lật cuốn sách trên tay và bắt đầu bài giảng. Trong tình huống này thì bất cứ một đầu óc kém tưởng tượng nào cũng có thể hình dung lời giảng êm như ru của cô Vĩnh Bình sẽ giúp Bá đi vào giấc ngủ nhanh chóng như thế nào, dẫu thực tình không ai rõ như vậy là sướng thân hay khổ thân nó.
Ngay cả Bá, khi cô Vĩnh Bình vừa cất lời, nó cũng đã biết một cách chắc chắn rằng lời giảng êm ái của cô sẽ dễ dàng đánh quỵ nó. Cho nên trước khi đầu hàng, nó cẩn thận mở cuốn tập đặt ngay ngắn trước mặt, tay phải cầm viết lăm lăm như sẵn sàng lượm lặt những ý hay rơi ra từ bài giảng, còn tay trái thì chống lên trán, theo cái kiểu những học trò chăm chỉ thường làm khi đang mê mải suy tư.
Xong xuôi đâu đó, nó yên tâm khép mắt như người ta yên tâm khép cửa trước khi đi ngủ.
Nhỏ Xuyến Chi tất nhiên không bị thằng Bá lừa. Năm ngoái thằng Đặng Đạo trong tổ nó chuyên ngủ gục trong giờ học. Đặng Đạo ngủ giờ này qua giờ khác, ngày này qua ngày khác, đến nỗi các thầy cô than trời như bộng và Hội đồng Kỷ luật nhà trường buộc phải mời mẹ nó lên.
Cho nên, Xuyến Chi chẳng lạ gì mánh khóe của những “chuyên gia ngủ gục”. Với kinh nghiệm đầy mình, nhìn thoáng qua cái thế ngồi đăm chiêu bất thường của thằng Bá, nó biết ngay thằng này đang thả hồn vào cõi một ít ra cũng mười lăm, hai chục phút rồi.
Xuyến Chi lo ngay ngáy, không biết phải xoay xở như thế nào. Cô Vĩnh Bình đang nhìn đăm đăm xuống lớp, có cho vàng nó cũng không dám đụng vào người thằng Bá. Thằng này đang say sưa giấc điệp, bất thần đụng vào nó, nhỡ nó giật mình hét toáng lên hay sẩy tay đập mặt đánh cốp” xuống bàn thì tình cảnh càng tồi tệ hơn.
Rốt cuộc, nhỏ Xuyến Chi đành thấp thỏm đưa mắt ngó, vừa lầm bầm nguyền rủa vừa tự an ủi rằng dù sao tên tổ viên láu cá của mình cũng đã thành công rực rỡ trong việc đánh lứa cô giáo.
Quả thực, cô Vĩnh Bình hoàn toàn bị thằng Bá qua mặt. Cô cứ đinh ninh nó đang nghiền ngẫm từng lời vàng ngọc của cô. Thỉnh thoảng lướt mắt qua dãy bàn của tổ 3, bắt gặp dáng vẻ trầm tư của Bá, cô cảm động quá chừng.
Lòng cô lâng lâng, mắt cô ngời sáng, giọng nói của cô đầy phấn khích và cô có cảm giác rõ rệt là bữa nay cô giảng bài hay hơn mọi bữa rất nhiều.
Cuối cùng, không ngăn được những xúc cảm đang trào dâng, cô kết thúc bài giảng bằng cách nhìn xuống chỗ Bá ngồi, cất giọng trìu mến:
- Bá! Em hãy cho cô biết, tuy Trịnh Hâm đối xử với Lục Vân Tiên độc ác như vậy, nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu có mất lòng tin ở con người không?
Tất nhiên là còn khuya Bá mới nghe được lời cô giáo hỏi. Trước mấy chục con mắt đổ dồn vào chỗ nó, Bá vẫn tiếp tục “trầm tư”, không mảy may động đậy, cứ như thể nó sợ ngước lên sẽ vô tình làm hỏng cái tư thế mà nó đã tốn công sắp xếp.
Ở tổ 3, thằng Đặng Đạo mặt xám ngoét,tổ trưởng Xuyến Chi lúc này đang cố làm sao để đừng nấc lên. Những đứa còn lại trong tổ cũng nhanh chóng nhận ra trời sắp sập xuống đầu tụi nó.
- Bá! Em có nghe cô hỏi không?
Cô Vĩnh Bình lại cất tiếng và bọn học trò có thể thấy rõ mày cô đang nhíu lại.
Lần này thì Bá không hoàn toàn làm thinh như khi nãy. Khi nãy cả lớp nhốn nháo nên ai cũng tưởng Bá ù lì. Bây giờ, lớp học lặng phắt như tờ nên mọi đôi tai đều có thể nghe rõ Bá đang dõng dạc đáp lại câu hỏi của cô giáo bằng những tiếng “khò khò” đều đặn.
Những tiếng cười rúc rích lập tức vang lên từ các dãy bàn. Trừ các thành viên của tổ 3, gần như cả lớp không đứa nào nhịn được cười. Thằng Lâm không bỏ lỡ cơ hội ứng khẩu:
- Tưởng chàng nghe giảng say mê
Hóa ra chàng đã đi về cõi âm!
Cô Vĩnh Bình trừng mắt nhìn Lâm rồi không nói một tiếng nào, cô chậm rãi đi xuống chỗ thằng Bá ngồi.
Nhỏ Xuyến Chi không dám nhìn những bước chân đầy đe dọa của cô. Nó quay mặt đi chỗ khác, nghe bụng thót lại. Nó không biết cô Vĩnh Bình còn đau khổ hơn nó nhiều. Nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu chắn chắn là không đánh mất lòng tin vào con người nhưng lúc này thực tình cô mất lòng tin vào thằng Bá quá xá.
Truyện đánh dấu
Nhấn để xem...Truyện đang đọc
Nhấn để xem...