Kính vạn hoa - Tập 43 - Khách sạn hoa hồng


Chương 2
Chưa bao giờ dì Năm phóng Honđa với tốc độ chóng mặt đến thế. Và cũng chưa bao giờ dì thấy chiếc xe chạy chậm đến thế. Dì bất lực khi muốn làm cho chiếc xe bay lên, làm cho chiếc xe đáp xuống trước nhà ngay lập tức theo ý muốn.
Đang nôn nóng, bất ngờ dì thắng “rét” một cái. Đường trơn trượt, dì lại thắng gấp nên bánh xe trượt đi, chiếc xe loạng choạng, đảo vòng, suýt ngã.
Ấy là vì dì nhác thấy tấm bảng “điện thoại công cộng” bên cạnh đường. Tấm bảng nhắc dì nhớ ra dì có thể biết ngay tình hình ở nhà mà không cần chiếc xe phải mọc cánh.
Dì lật đật tấp xe vào lề.
Nhưng đầu dây bên kia không có ai nhấc máy. Tiếng “u” dài vang lên bất tận khiến dì sốt ruột kinh khủng. Như vậy là không có người ở nhà. Thằng Bá, anh thằng Triều, giờ này chắc chắn đang ở lớp học thêm. Dượng Năm dù nhắm mắt dì cũng biết đang khật khà bên chiếu rượu. Vậy là thằng Triều không biết đi đâu. Ý nghĩ đó làm dì muốn khóc quá.
Nhưng đến khi leo lại lên xe, dì lại cố bắt mình nghĩ theo hướng khác. Có thể bữa nay dượng Năm không say xỉn. Một năm ba trăm sáu mươi lăm ngày, đâu phải ngày nào người ta cũng nhúng môi vào rượu. Một bợm nhậu cũng thế. Cũng có một ngày không ngửi đến hơi men, ít ra là vì ngày đó hắn ta không có xu nào trong túi. Và khi một người say chợt tỉnh, việc đầu tiên là hắn ta nhớ đến vợ con. Tệ lắm, hắn cũng nhớ đến con, nghĩa là trong trường hợp không mảy may nhớ đến vợ.
Dì Năm hy vọng ngày hôm nay dượng Năm ở trong trường hợp đó. Dì hình dung giờ này dượng đang dắt tay thằng Triều và hai cha con đang trên đường về nhà. Vì đã lâu lắm dượng Năm mới đến trường đón con, đã lâu lắm hai cha con mới có dịp đi bát phố cùng nhau nên cả hai không tránh khỏi đủng đỉnh hơn thường lệ.
Dì Năm khấp khởi với ý nghĩ trong đầu. Dì giảm ga, cho xe chạy chầm chậm, vừa đi vừa quét mắt hai bên lề, hy vọng sẽ bắt gặp hai hình bóng thân yêu quen thuộc.
Cho đến khi cửa nhà hiện ra trước mắt mà vẫn chẳng thấy hai cha con đâu, dì lại thấp thỏm cho rằng họ đã vào nhà.
Ngay cả khi đã vào nhà, thấy nhà cửa vắng tanh, dì vẫn cố nghĩ hai cha con đang nấp ở đâu đó để chờ dịp bất ngờ nhảy xổ ra làm cho dì ngạc nhiên chơi.
Dì nhìn quanh, tủm tỉm cười:
- Thôi, ra đi! Tôi đã biết hai cha con nấp ở đâu rồi.
Nhưng chẳng có ai nhảy ra cả. Ngay cả một tiếng động cũng không.
Dì kiên nhẫn lặp lại câu nói trên môi, đến lần thứ ba thì giọng đã nhòe nước mắt:
- Ra … đi … mà …
Cuối cùng thì dì Năm buộc phải đưa tay chùi nước mắt và đứng lên.
Dì thẫn thờ tiến về phía chiếc bàn con đặt điện thoại. Dì đã quyết định rồi. Dì phải gọi ngay cho cô bảo mẫu lớp thằng Triều. Dì phải đến ngay nhà cô để cùng cô đến đồn công an. Không thể chần chừ thêm một giây nào nữa.
Nhưng đúng vào lúc dì cầm chiếc ống nghe lên, chưa kịp quay số, tay dì đột ngột cứng đờ.

Dì giữ tay ở tư thế lơ lửng đó có đến một phút, mắt bị hút chặt vào lá thư nhét ở kẹt cửa.
Trước nay, thỉnh thoảng dì Năm vẫn nhận được thư của bà con. Khi đến mà không có người ở nhà, nhân viên bưu điện vẫn nhét thư vào khe cửa. Nghĩa là chuyện một lá thư nằm ở vị trí đó không phải là điều quá lạ lùng đối với dì.
Nhưng lần này sự phát hiện đó khiến tim dì tự nhiên thắt lại. Bằng linh cảm của một người mẹ, ngay lập tức dì biết chắc lá thư đó liên quan mật thiết đến sự mất tích của con dì.
Dì Năm buông ống nghe xuống, thấy bụng nhộn nhạo khác thường.
Dì tiến về phía cửa bằng những bước rón rén, cứ như thể có một cặp mắt nấp trong lá thư đang rình rập dì.
Đến lúc đã cầm lá thư trên tay, dì vẫn nữa muốn nửa không muốn mở ra xem, lòng đau đớn nghĩ đến sự chẳng lành.
Dì đắn đo lật tới lật lui lá thư trên tay, mặt mày căng thẳng tột độ. Phong bì để trắng, không một dòng chữ. Cũng không tem, không bưu ấn. Như vậy thư không đến bằng đường bưu điện mà do một kẻ nào đó bí mật nhét vào.
Dì Năm cứ đứng trơ như vậy, nhìn lá thư run rẩy theo tay mình không biết đến bao lâu.
Rồi thì những ngón tay dì cũng phải nhúc nhích. Vì dì không thể không biết đến tung tích và số phận của con dì, dù số phận đó có hẩm hiu đến mấy chăng nữa.
Bì thư không dán như lật bật mãi dì mới rút được lá thư bên trong ra. Gọi là thư nhưng thật ra đó chỉ là mẩu giấy nhỏ gấp tư.
Giấy xé ra từ tập học trò, xé làm đôi thêm một lần nữa và trên cái diện tích toen hoẻn đó nguệch ngoạc mấy dòng chữ: “Con của ông bà đang ở chỗ chúng tôi. Rất bình yên. Bình tĩnh chờ chúng tôi liên lạc. Nếu ông bà tiết lộ chuyện này cho bất cứ ai, tính mệnh thằng bé sẽ không bảo đảm.”
Thư không ký tên, lời lẽ cố tỏ ra lịch sự nhưng không giấu được sự đe dọa. Dì Năm đọc xong, mắt hoa lên, nghe bụng quặn đau như có ai đang xoắn lấy.
Dì cắn chặt môi, lưng tựa vào tường cho khỏi ngã. Thậm chí dì nhắm mắt lại để cố trấn tĩnh nhưng óc dì mỗi lúc một quay cuồng. Hàng chục câu hỏi hiện ra trong đầu dì gần như cùng lúc: Ai đã bắt cóc thằng Triều? Họ bắt cóc thằng bé làm gì? Tống tiền? Dọa dẫm? Gây áp lực? Dì Năm cố lục lọi trong trí nhớ, xem trong chuyện làm ăn buôn bán, dì có đụng độ với ai không, có ai thù oán với dì đến mức rắp tâm bắt cóc thằng con dì để rửa hận không, nhưng quả tình dì không tài nào nhớ ra. Và vào lúc thần trí hỗn độn như thế này mà bắt dì phải phăng ra ngay manh mối thì thật khổ thân cho dì quá.
Cuối cùng, mệt mỏi vì lo âu và bất lực, dì Năm uể oải ngồi phệt xuống nền nhà và cố tự an ủi là dù sao dì cũng đã biết được thằng Triều vẫn còn sống, dù tất nhiên là không rõ nó sống ở đâu và sống trong tay ai. Dì cũng mừng là đã kịp trông thấy lá thư của bọn bắt cóc trước khi gọi điện thoại cho cô bảo mẫu. Nếu dì không phát giác ra lá thư, cùng cô bảo mẫu xộc đến đồn công an thì chẳng biết chuyện khủng khiếp gì sẽ giáng xuống đầu thằng con bé bỏng của dì. Chỉ mới nghĩ đến thôi, dì đã nghe lưng nổi đầy gai ốc và tay chân run bần bật như người mắc chứng động kinh.
Dượng Năm bước vào nhà vào lúc dì Năm vẫn còn đang ngồi dán lưng vào tường.
- Úy, sao bà lại ngồi đây?
Dượng trợn cặp mắt đỏ kè lên, hơi rượu phun ra theo câu hỏi. Nói chính xác thì câu hỏi phu ra theo hơi rượu, vì dì Năm ngửi thấy hơi men nồng nặc trước khi ý thức được dượng Năm muốn nói gì.
- Thằng Triều bị người ta đem đi mất rồi!
Dì Năm không buồn đứng lên, cũng có thể không đủ hơi sức để đứng lên. Dì cứ ngồi phệt dưới đất, ngước nhìn chồng, mếu máo đáp.
Rồi như không nén được nữa, dì òa ra khóc.

- Khóc, khóc cái gì! – Dượng Năm quát lên – Bình tĩnh nói nghe thử nào! Ai đem thằng Triều đi? Mà đem đi đâu?
Dì Năm đáp lại hàng loạt câu hỏi của chồng bằng ba chữ gọn lỏn:
- Bọn bắt cóc.
- Bọn bắt cóc? – Dượng Năm lặp lại, dường như ngay tức khắc dượng chưa kịp hiểu ra ý nghĩa của ba chữ đó.
Dì Năm trả lời chồng bằng cách khóc to hơn. Tiếng khóc của dì tuôn ra xối xả, nếu không tràn ngập được căn nhà thì rõ ràng cũng đã ít nhiều làm ướt được dượng Năm.
Dượng Năm như tỉnh hẳn rượu. Và khi tỉnh rượu thì dượng ý thức ngay hoàn cảnh mà vợ chồng dượng đang lâm vào.
Dượng bước lại ghế, ngồi xuống, quay mặt về phía vợ, và hỏi bằng giọng cố làm ra vẻ bình tĩnh:
- Bà có chắc không đó?
Bây giờ thì dì Năm lóp ngóp đứng lên, dĩ nhiên phải vịn tay vào tường. Lẽ ra, dưới sức nặng của nỗi hoảng sợ không ngừng gia tăng, dì không đứng dậy được ngay như thế. Nhưng nếu như không đứng dậy thì dì không đưa được lá thư tận tay chồng.
Dượng Năm đón lấy mẩu giấy, xoay ngang xoay dọc, có lẽ đầu óc đang rối tinh rối mù nên mãi một lúc dượng mới xoay tờ giấy đúng chiều.
Đọc xong lá thư, dượng thần người ra, không nói một tiếng nào, mẩu giấy rồi khỏi tay lúc nào dượng cũng chẳng hay.
Tiếng khóc của dì Năm lúc này đã chuyển qua thành rền rĩ, rì rầm nho nhỏ.
Lâu thật lâu, dượng Năm mới ngước mắt lên:
- Thằng Triều bị bắt cóc lúc nào?
- Lúc tan học! – Dì Năm sụt sịt đáp.
- Ngay trước mũi bà à?
- Lúc đó tôi chưa tới?
Giọng dì Năm đượm hối hận. Rồi dì ấp úng thuật cho chồng nghe những gì đã xảy ra trong cái buổi chiều mưa gió đáng nguyền rủa đó.
- Tại bà cả thôi! – Dượng Năm rít lên khi vợ nói xong – Đón con không lo đón, cứ ngồi cà kê với mấy con mụ dở hơi!

Dì Năm cúi mặt xuống, và khi cúi gằm như vậy ánh mắt dì chạm phải lá thư của bọn bắt cóc đang nằm tênh hênh trên nền nhà, lúc đó thật tình dì thấy rằng sự lên án của chồng không xa sự thật là bao.
Trong khi dì Năm cúi mặt xuống đất thì dượng Năm hếch mặt lên trời. Vì dượng đang khoái quá. Trong khoảnh khắc đó, dượng tạm thời cho phép mình quên đi nỗi lo lắng về đứa con mất tích để tận hưởng niềm vui trách cứ người bạn đời, vốn là điều xưa nay vẫn thường xảy ra trong nhà dượng như với vai trò hoàn toàn đảo ngược.
Nhưng nếu dượng Năm bằng lòng dừng lại ở đó thì có thể dượng được thưởng thức cái hương vị khoái trá đó lâu thêm một chút.
Đằng này, dượng để cho sự phấn khích dắt đi hơi xa. Quát lần thứ nhất, thấy vợ nhũn như con chi chi, dượng ra oai quát lần thứ hai:
- Phận làm cha làm mẹ mà chẳng thèm để mắt để mũi đến con cái, thật tôi chẳng thấy ai tệ như bà!
Lần này dượng quát lớn hơn, lời lẽ cũng khoa trương hơn.
Nhưng lần này thì lời quở trách khá tùy tiện của dượng không còn đủ sức nặng để buộc dì Năm phải cúi gằm đầu xuống nữa. Ngược lại, dì ngẩng phắt lên như bị ong chích:
- Ông nói thế mà không xấu hổ à! Sao ông không nhìn lại mình xem, suốt ngày chè với chén, có biết gì đến nhà cửa, vợ con. Thật tôi có chồng cũng như không.
Nhưng động mối thương tâm, nói xong, đã nín, dì lại khóc tồ tồ. Vừa khóc dì vừa nức nở oán trách:
- Nếu ông không bê tha nhậu nhẹt thì bữa nay thằng Triều đâu có bị bắt cóc dễ dàng như thế! Con người ta, mẹ không đi đón được thì có ba đi đón, đâu có bơ vơ như con nhà mình.
Những tiếng nói của dì tìm cách chen chúc và len lỏi qua tiếng khóc để tuôn ra nên nghe đứt nối và chảy nhão như những miếng bơ bị hơ nóng, thật tình là rất khó nghe.
Nhưng dượng Năm nghe được hết. Dượng đã quá quen với những lời chì chiết của dì. Quen đến mức dượng không những nghe rõ mồn một những lời dì Năm đang nói mà còn biết chính xác những điều dì đang nghĩ trong đầu và sắp sửa nói ra.
Cho nên dượng vội quay lại cái đề tài nóng bỏng đang nung nấu trái tim dì:
- Vụ thằng Triều bây giờ tính sao?
Quả nhiên, nỗi lo lắng về đứa con lập tức xóa mất sự bực bội về người chồng, dì Năm khẽ rùng mình, tiếng khóc ngưng bặt và đôi mắt dì rõ ràng là đang hết sức hoang mang:
- Tôi … tôi …
- Theo tôi, mình nên báo ngay cho công an!
Dượng Năm bày tỏ ý kiến bằng giọng quả quyết. Rồi không đợi dì Năm có đồng ý hay không, dượng đứng phắt lên khỏi ghế và đi xăm xăm ra cửa.
Dì Năm chắc chắn là bị bất ngờ trước hành động quyết liệt của dượng Năm. Cho nên dì khựng lại mất mấy giây trước khi kịp tái mặt kêu lên:
- Khoan đã, ông ơi! Khoan đã!
Vừa kêu dì vừa đuổi theo dượng Năm, níu chặt tay dượng đề phòng dượng khăng khăng làm theo ý mình.
- Bà làm sao thế. – Dượng gạt tay vợ ra – Bộ bà không muốn giải thoát cho thằng Triều à?
- Ông nói gì lạ vậy? – Dì Năm phản ứng bằng cách ho lên một tiếng – Chẳng lẽ ông quên bọn bắt cóc đã viết gì trong thư sao. “Nếu ông bà tiết lộ chuyện này cho bất cứ ai, tính mệnh thằng bé sẽ không bảo đảm”.

- Bọn bắt cóc nào mà chả viết những câu nhăng nhít như vậy! – Dượng Năm hừ mũi, vẻ khinh miệt – Toàn là dọa dẫm!
Dượng thu nắm đấm:
- Tôi không tin công an không tóm cổ được bọn chúng. Xưa nay cả khối vụ ghê gớm hơn, người ta vẫn phăng ra nữa là.
- Nhưng tóm cổ bọn chúng để làm gì nếu lúc đó con mình … con mình …
Dì Năm không đủ can đẠnói hết câu nhưng nhìn khuôn mặt méo đi vì lo lắng của dì, dượng Năm biết thừa những ý tưởng rùng rợn nào đang nhảy múa trong đầu dì. Dượng gạt đi:
- Bà chỉ toàn nghĩ quẩn! “Nếu” sao được mà “nếu”!
Để khẳng định chỉ có dì Năm quẩn chứ dượng không quẩn, một lần nữa dượng lại đâm bổ ra cửa:
- Tôi đi đây!
Dì Năm vội vã chạy theo, lần này không níu tay mà tóm cứng lấy vạt áo dượng:
- Không được đâu, ông ơi!
Dượng Năm quay ngoắt lại:
- Làm gì bà cứ cản tôi hoài vậy? Thế bà đã nghĩ ra cách nào hay ho chưa?
Dì Năm thận trọng kéo dượng Năm vô nhà:
- Vào nhà đã, rồi từ từ mình tính!
Dượng Năm khua chân một cách miễn cưỡng:
- Đúng là đàn bà!
Dì Năm vờ như không nghe câu nói của dượng Năm. Dì ngồi xuống ghế, kéo dượng ngồi xuống theo.
Dượng ngồi, có sửa soạn một tí để ra vẻ oai vệ. Vì đã lâu lắm rồi, chưa bao giờ dì Năm “lệ thuộc” dượng ra mặt như vậy. Thực sự thì bữa nay dì Năm có trách móc dượng một tí, có phản đối dượng một tẹo, nhưng trước thái độ cứng rắn, quyết đoán của một người chồng sực nhớ mình là chồng như dượng, ắt cái phần nể trọng nó phải chiếm một phần lớn lắm trong lòng dì.
Dượng nghĩ thế, và cất tiếng dõng dạc:
- Thế bà tính sao, nói nghe coi!
Dì Năm rụt rè nói, sợ dượng gạt ngang nên giọng nghe như van lơn, năn nỉ:
- Họ đã dặn mình bình tĩnh chờ họ liên lạc, vậy mình cứ thử chờ coi sao, ông à!


Truyện đánh dấu

Nhấn để xem...

Truyện đang đọc

Nhấn để xem...
Nhấn Mở Bình Luận
Quảng Cáo: Coin Cua Tui