Kính vạn hoa - Tập 13 - Khu vườn trên mái nhà

Chương 5
Thằng Tùng chờ đến ngày hai con chim vàng anh thực sự quen lồng. Nó chờ đến ngày nó sẽ “biểu diễn” cho đám bạn trên trường lé mắt.
Nhưng dù nôn nóng đến mấy, Tùng cũng chưa dám ra tay. Ba dặn rồi. Ba bảo thời gian đầu chỉ nên cho bọn chim ra ngoài mỗi ngày một lần thôi.
Mỗi sáng, trước khi đi làm, ba mở cửa lồng cho bọn chim ra ngoài bay nhảy khoảng nửa tiếng đồng hồ. Sau đó, lại nhốt bọn chim vào như cũ.
Tùng muốn lén thả bọn chim ra lắm. Nhưng nó không dám. Nó sợ hai con vàng anh cao hứng bay đi luôn, không trở vào lồng. Nếu thế thì chí nguy!
Hơn nữa trong thời gian này, Tùng cũng không còn đầu óc nào để nghĩ đến chuyện mạo hiểm. Nó đang phải đối phó với những đòn tấn công của Hưng sún.
Sau một thời gian trốn kĩ trong nhà, gần đây Hưng sún lại xuất hiện.
Lần này Hưng sún nghĩ ra “chiêu” mới. Nó không kiện cáo về chuyện chị em thằng Tùng đi lại trên mái tôn làm nhà nó mất ngủ trưa nữa. Mà gầm gừ hoạnh hoẹ:
- Tụi mày làm gì mà hôm nào cũng đổ nước tung toé xuống sân nhà tao vậy?
- Xạo đi mày! – Tùng “xì” một tiếng – Ai thèm đổ nước xuống sân nhà mày làm gì!
- Còn cãi bướng nữa hả! – Hưng sún hầm hầm – Nếu không phải nước thì là cái gì đây?
Tùng thò đầu ra ngoài mái tôn nhìn theo tay chỉ của đối phương. Quả có một ít nước chảy xuống sân nhà Hưng sún thật. Đó là nước tưới cây.
Tùng bĩu môi:
- Có chút xíu mà cũng la om sòm!
- Vậy mà chút xíu?
- Chứ gì nữa! – Tùng hừ mũi – Mọi lần trời mưa nước chảy tràn cả sân nhà mày thì sao!
Hưng sún hếch mặt:
- Trời mưa khác, còn tụi mày đổ nước xuống lại khác! Tao không thích ai làm ướt sân nhà tao!
Rồi để khoá miệng Tùng, Hưng sún đe:
- Mẹ tao nói rồi, nhà mày còn tiếp tục làm ướt sân nhà tao, mẹ tao sẽ báo với ông tổ trưởng tổ dân phố!
Lời doạ dẫm của Hưng sún có hiệu lực ngay tức khắc. Bụng ấm a ấm ách nhưng nghe Hưng sún lôi ông tổ trưởng ra hù, Tùng hết dám đôi co. Trong khi nó đang lóng ngóng chưa biết tính sao thì một giọng nói đầm ấm chợt vang lên bên tai:
- Đừng lo! Không ướt sân thì mình sẽ làm cho không ướt sân!
Tùng quay phắt lại. Nhận ra Tiểu Long, mắt nó sáng rỡ:
- A, anh Tiểu Long! Anh đi với ai vậy?
- Đi với tao chứ với ai!
Quý ròm đứng chỗ ngách cửa vọt miệng đáp, vừa nói nó vừa đủng đỉnh bước ra. Rồi không để Tùng lên tiếng, Quý ròm hỏi ngay:
- Chị Hạnh mày đâu rồi?
- Chỉ đi công chuyện với mẹ em!
Quý ròm nheo mắt nhìn hai con vàng anh đang nhảy tưng tưng trong lồng:
- Hai con chim này đã hót được chưa?
- Chưa! Ba em bao phải một thời gian nữa! – Đang nói, Tùng chợt lo âu – Nhưng em không biết có thể đợi đến lúc đó không?
- Sao thế?
Tùng chỉ tay xuống tầng trệt:
- Những người ở dưới không muốn nhà em trồng cây trên này!
Quý ròm liếc mái tôn:
- Chắc họ sợ mái tôn này sập xuống đầu họ chứ gì?
Tiểu Long lắc đầu:
- Những đà ngang to chắc thế kia, mái tôn này không thể sập được!
Tùng tặc lưỡi:
- Thằng Hưng sún bảo em tưới cây làm chảy nước xuống sân nhà nó!
- Không sao! – Tiểu Long gật gù – Tao sẽ gắn cho mày một cái máng xối! Thế là xong!
Nói là làm ngay, chiều hôm sau Tiểu Long khệ nệ chở đến một cái máng xối bằng thiếc.
- Ôi, ở đâu anh có ngay vậy? – Tùng chưng hửng.
- Tao nhờ anh Tuấn tao đóng giùm đấy! Ảnh chỉ gõ nhoáng một cái là xong!
Tiểu Long và Tùng hì hục khiêng máng xối ra vườn và loay hoay gắn vào dưới mái tôn.
Nghe động, Hưng sún chạy ra. Nó nghển cổ ngắm ngó một hồi rồi liếm môi hỏi:
- Mày làm gì thế hở Tùng?
- Tao làm theo yêu cầu của mày!
Hưng sún không hiểu:
- Là sao?
Tùng nhướn mắt:
- Tao gắn cái máng xối này cho nước khỏi chảy xuống sân nhà mày chứ còn là sao!
Dòm bộ tịch nghênh nghênh của Tùng, Hưng sún muốn gây sự lắm. Nhưng lại không tìm ra cớ gì. Mãi một lúc nó mới nghĩ ra lí do:
- Mày không được gắn cái máng xối ở chỗ đó!
- Sao thế? – Tùng ngơ ngác.
Hưng sún thản nhiên:

- Mày gắn chỗ đó rủi nó rớt xuống trúng đầu tao thì sao?
- Mày đừng có kiếm chuyện! Rớt sao được mà rớt!
- Rớt! – Hưng sún mím môi.
- Tao nói không rớt!
- Tao nói rớt!
Tùng cười khảy:
- Nếu mày sợ rớt thì cái gì cũng có thể rớt được! Ngay cái mặt trời kia cũng có thể rớt trúng đầu mày đấy!
Thấy tình hình có vẻ căng thẳng, Tiểu Long nhìn Hưng sún, hắng giọng nói:
- Em đừng lo! Anh buộc chặt lắm, không rớt được đâu!
Thấy có “người lớn” chen vào, Hưng sún làm thinh. Nó không nói gì nhưng mặt mày lộ vẻ bất phục.
Nhìn thái độ của Hưng sún, Tùng biết thừa thằng này sẽ không chịu dừng lại ở đây.
Quả nhiên, một tuần lễ sau, Hưng sún lại oang oang:
- Cái máng xối của nhà mày chẳng ăn thua gì cả! Nước vẫn chảy xuống sân nhà tao đây này!
- Lại xạo đi! – Tùng cười hê hê – Nước chảy trên máng xối thì có!
Hưng sún vẫn lải nhải:
- Không tin mày thò đầu ra mà xem! Tao thèm vào nói xạo!
Nghe đối phương nói bằng giọng quả quyết, Tùng liền “thò đầu ra mà xem”. Dáo dác một hồi, nó chả thấy gì cả:
- Nước đâu mà nước?
Hưng sún dí chân xuống mặt sân:
- Mày nhìn kĩ đi! Đây chẳng là nước thì là gì!
Tùng trố mắt nhìn kĩ. Lần này phải cố lắm nó mới nhìn thấy mảng sân bị ngấm nước. Mảng sân bị ướt bé tẹo, nhỏ bằng bàn tay, nếu Hưng sún không dí chân vào Tùng chẳng tài nào nhìn ra.
- Ối trời ơi! – Tùng ôm bụng cười – Ướt có tí xíu mà cũng bắt đền!
Hưng sún sầm mặt:
- Ướt có tí xíu thì cũng là ướt!
- Thôi được rồi! – Biết càng giằng co càng bất lợi, Tùng tìm cách làm hoà – Chắc là máng xối nhà tao bị rò, để ngày mai tao nhờ anh Tiểu Long tao vá lại!
Tiểu Long vá lại cái máng xối được chừng hai ngày, nó lại rò chỗ khác. Miếng thiếc anh Tuấn đóng máng xối là miếng thiếc cũ nên ngấm nước một thời gian, nó gỉ hết chỗ này đến chỗ khác.
Thế là Hưng sún lại được dịp hoạnh hoẹ và lôi ông tổ trưởng ra hù thằng Tùng xanh mặt. Thế là Tùng rối rít hứa hẹn. Thế là Tiểu Long ngày nào cũng xách búa tới gõ cồm cộp.
Cho tới ngày Quý ròm sốt ruột vác tới một cái máng xối bằng nhựa thay cho cái máng xối cũ thì thằng Tùng mới thở phào nhẹ nhõm.
Nhưng Tùng chỉ nhẹ nhõm được có ba ngày. Tới ngày thứ tư, Hưng sún làm ngực Tùng nặng chình chịch trở lại:
- Nhà mày chuyên xả rác xuống sân nhà tao đấy nhé!
- Đừng có đặt điều – Tùng tím mặt – Nhà tao có thùng rác đàng hoàng, chả ai lại vứt rác bừa bãi xuống nhà mày!
- Thế mà có đấy! – Giọng Hưng sún rặt khiêu khích.
- Láo! – Tùng quát lớn.
- Mày láo thì có! – Hưng sún quát còn lớn hơn, rồi nó chỉ tay xuống sân – Đây mà không phải là rác hả?
Tùng ngó xuống.
- Đấy đâu phải là rác! – Miệng nó dở cười dở mếu – Chỉ là những chiếc lá vàng thôi mà!
Hưng sún nhún vai:
- Lá vàng cũng là rác! Sáng nào mẹ tao cũng quét mỏi cả tay!
Rồi để tăng thêm phần nghiêm trọng, nó khịt mũi đế thêm:
- Tay mẹ tao sắp gãy rồi đấy!
Biết đối phương “trộ” mình nhưng Tùng không nói gì, chỉ đưa mắt lo lắng nhìn xuống sân nhà Hưng sún. Nhà chung cư ít gió, lá trong vườn chỉ rụng xuống mái tôn. Chỉ lác đác dăm chiếc lá bay xuống sân nhà bên dưới. Vậy mà Hưng sún bảo mẹ nó quét lá đến gãy cả tay, xạo ơi là xạo! Nhưng dù biết Hưng sún ba hoa một tấc đến trời, Tùng vẫn cảm thấy thấp thỏm.
Từ khi có khu vườn đến giờ, Hưng sún đã bao phen tìm cách soi mói, hăm he, hạch sách. Nhưng chị em Tùng đều vượt qua hết. Mẹ từng bảo “một sự nhịn chín sự lành”. Để làm gương cho con cái, mẹ lúc nào cũng nhường nhịn những người chung quanh, tất nhiên trừ ba. Ba là một ngoại lệ. Chỉ có ba nhường mẹ. Nhớ lời mẹ dạy, Tùng luôn luôn nhịn Hưng sún. Nhất là từ khi Hưng sún doạ méc ông tổ trưởng dân phố, Tùng lại càng nhịn.
Tùng đã cố làm mọi cách để Hưng sún thôi quấy phá. Nhưng lần này thì Tùng chịu thua. Lá vàng ở trên cây, Tùng chẳng biết lúc nào chúng rơi và cũng chẳng có cách nào bảo chúng đừng rơi xuống khoảnh sân bên dưới được.
Tùng nhìn Hưng sún, hoang mang hỏi:
- Thế theo mày tao phải làm sao bây giờ?
- Dễ ợt! – Mặt mày Hưng sún nom “gian ác” không thể tả – Cứ dẹp khu vườn đi là xong!
- Không được! – Tùng đau khổ – Gì thì gì chứ không thể dẹp khu vườn!
Bỗng một ý nghĩ thoáng hiện trong đầu, Tùng bèn ngập ngừng đề nghị:
- Hay để tao với chị tao thay phiên nhau mỗi ngày xuống nhà mày quét lá!
- Hay đấy!
Hưng sún gật gù nhưng rồi nó lại lắc đầu ngay:
- Nhưng mà không được!
Tùng chớp mắt:
- Sao không được?
- Không được là không được chứ sao! – Hưng sún phẩy tay – Làm như vậy người ta sẽ bảo nhà tao “bóc lột” nhà mày!

- Chả ai bảo thế đâu! – Tùng trấn an.
- Người ta sẽ bảo! – Hưng sún dứt khoát – Chỉ có cách là dẹp khu vườn!
Tùng nuốt nước bọt.
- Không được! Tao đã bảo là không thể dẹp khu vườn!
- Sao không được? – Hưng sún lặp lại đúng cái câu Tùng vừa hỏi nó – Tao thấy đám cây lá của mày có gì hay ho đâu!
Như được gãi trúng chỗ ngứa, mắt Tùng sáng trưng:
- À, thế thì mày không biết rồi! Đối với con người ta, cây xanh cực kì quan trọng!
Hưng sún nhếch môi:
- Cực kì quan trọng?
Phớt lờ vẻ giễu cợt của đối phương, Tùng nhíu mày cố nhớ những lời chị Hạnh giảng giải hôm trước, nghiêm nghị hỏi:
- Mày biết con người ta sống được là nhờ cái gì không?
- Tất nhiên là nhờ thức ăn!
- Thế ngoài thức ăn ra?
- Ngoài thức ăn là nước uống!
Thấy Hưng sún đáp hai lần vẫn chưa đúng ý mình, Tùng sốt ruột:
- Thế ngoài nước uống?
- Ngoài nước uống hả?
Hưng sún nhăn mày nhíu trán một hồi vẫn không nghĩ ra ngoài thức ăn và thức uống, con người ta còn sống nhờ cái gì nữa! Nó nhìn Tùng, tặc lưỡi:
- Hết rồi!
Tùng hừ mũi:
- Thế con người ta không thở à?
Hưng sún reo lên:
- À, nhờ thở nữa!
Tùng gục gặc đầu, hệt thầy giáo lúc giảng bài:
- So với ăn và uống, thở còn quan trọng hơn nhiều! Con người ta có thể nhịn ăn suốt năm tuần lễ hoặc nhịn uống liền tù tì năm ngày vẫn không chết, nhưng nếu nhịn thở khoảng năm phút, “ngoẻo” là cái chắc!
Hưng sún đồng tình ngay:
- Ừ, hôm trước đi bơi, tao lặn xuống nước có một chút xíu đã phải trồi lên liền!
- Đó, thấy chưa! Tao đã nói mà! – Tùng cười tít mắt, rồi nó nghiêm giọng hỏi tiếp – Thế con người ta thở bằng gì?
- Tất nhiên là bằng mũi!
Hưng sún trả lời lạc đề khiến mặt Tùng méo xẹo:
- Ai chả biết là thở bằng mũi! Chứ chả lẽ con người ta thở bằng mắt hoặc bằng tai?
Rồi để Hưng sún khỏi tiếp tục nghĩ vớ nghĩ vẩn, Tùng đành gợi ý trắng trợn:
- Thế khi thở, con người hít cái gì vào phổi?
- À, hít không khí!
Tới đây, Hưng sún đã đi vào “chính đề”. Nhưng Tùng vẫn chưa thoả mãn. Hai chữ “không khí” vẫn còn mơ hồ quá, vẫn chưa có gì dính dấp trực tiếp tới cây xanh.
Tùng tiếp tục “dò bài”:
- Thế mày có biết trong không khí có gì không?
Htthg sún cười hê hê:
- Đã là không khí thì còn có gì nữa! Trong không khí chỉ có không khí thôi!
Tùng bĩu môi:
- Nói vậy mà cũng nói! Trong không khí có nhiều thứ lắm!
Hưng sún sực nhớ ra:
- À, có bụi!
Tùng “xì” một tiếng:
- Bụi thì nói làm gì! Tao hỏi là hỏi các thành phần hoá học kia!
- “Thành phần hoá học” hả?
Hưng sún tròn mắt, cái từ này đối với nó sao mà bí hiểm quá.
Tùng gật đầu:
- Ừ, thành phần hoá học!
Hưng sún gãi gáy:
- Thế thì tao không biết!
Tùng “e hèm” một tiếng, nó cố tỏ ra đạo mạo bằng cách đưa tay đẩy gọng kính trên sống mũi, nhưng sực nhớ ra mình không phải là chị Hạnh, liền thở dài bỏ tay xuống và hắng giọng giảng giải:

- Trong không khí có rất nhiều chất khác nhau như nitơ, hyđrô, ôxy, cacbônic… Con người nói riêng và động vật nói chung sở dĩ sống được chính là nhờ khí ôxy. Chúng ta hít vào khí ôxy và thở ra khí cacbônic. Không có ôxy, tao với mày sẽ “ngủm cù đeo” ngay tắp lự!
- Đúng rồi! – Hưng sún hào hứng huơ tay – Hèn gì hôm trước ông tao vào bệnh viện cấp cứu, tao thấy các bác sĩ cho ông tao thở bình ôxy!
Thấy đối phương nhanh nhảu phụ hoạ, Tùng mừng rơn:
- Chính thế! Vậy mày có biết chất ôxy quan trọng kia ở đâu ra không?
Hưng sún ngẩn ngơ:
- Thì chúng có sẵn trong không khí chứ đâu!
- Bậy! – Tùng rùn vai – Hầu hết ôxy chính nhờ cây xanh mà có! Nhờ chất diệp lục, cây xanh hấp thu ánh sáng, phân giải nước và nhả ra khí ôxy!
- Ai bảo mày vậy? – Hưng sún nhìn Tùng bán tín bán nghi, nó không tin một đứa bằng tuổi nó mà biết được nhiều chuyện “siêu đẳng” như thế.
Sợ giảm oai phong, Tùng không dám thú thật sở dĩ nó biết được những chuyện đó là nhờ chị Hạnh nó giảng. Nó gật gù ra vẻ ta đây:
- Tao đọc được ở trong sách! Trong sách người ta còn nói nhiều thứ lắm!
Hưng sún liếm môi:
- Thế trong sách có nói trước khi có cây xanh thì con người ta thở bằng cái gì không?
Hưng sún đột ngột hỏi một câu cắc cớ khiến Tùng đâm cà lăm:
- Cái đó thì sách có nói nhưng… tao… tao không nhớ! Để tao xem kĩ lại đã, rồi trả lời mày sau!
- Ha ha! Xạo ơi là xạo!
Tràng cười của Hưng sún làm Tùng đỏ mặt. Nó gầm gừ:
- Mày đợi đấy! Tao quay vào rồi sẽ trở ra ngay!
Nói phứa một câu, không đợi Hưng sún cười dứt, Tùng tức tối phóng vụt vào nhà.
Chương 6
Tùng xăm xăm đi thẳng lên gác, bụng tức sôi. Đang diễn thuyết trơn tru về vai trò quan trọng của cây xanh trong đời sống và chuẩn bị chuyển qua liên hệ với lợi ích của khu vườn trên mái tôn, Hưng sún chợt hỏi đâm ngang khiến kế hoạch của Tùng bỗng nhiên vỡ lở.Mà Hưng sún xét kĩ đâu phai là đứa lòng gang dạ sắt. Tùng thấy rõ Hưng sún sắp sửa bị thuyết phục. Hưng sún sắp sửa hiểu ra khu vườn trên mái tôn không chỉ cung cấp ôxy cho nhà Tùng mà còn cho cả nhà nó nữa. Hưng sún sắp sửa hiểu được trong một thành phố ô nhiễm đủ thứ khói bụi như hiện nay, cây xanh hữu ích cho con người biết chừng nào.
Vậy mà đúng vào lúc Hưng sún đang bùi tai và sửa soạn mở miệng xin lỗi nó về những trò quấy rối lâu nay thì đột nhiên nó lại đâm tắc tị trước câu hỏi hóc búa của Hưng sún. Thế là mọi cố gắng trước đó của nó trong một phút bỗng sụp đổ tan tành.
Càng nghĩ, Tùng càng tiếc. Càng tiếc lại càng tức. Không rõ nên tức ai, Tùng hầm hầm với bà chị:
- Chị giảng cho em chuyện gì đâu không!Nhỏ Hạnh đang ngồi học bài trên gác, ngớ ra khi thấy ông em tự nhiên mặt sưng mày sỉa với mình:
- Ơ, em nói gì thế?
- Còn nói gì nữa! – Mặt Tùng vẫn như cái bánh bao – Tại chị mà ra hết!
- Ơ, lạ chưa kìa! – Nhỏ Hạnh ngơ ngác – Sao tự dưng lại gây sự với chị? Có chuyện gì thế?
Đang dồn dập hỏi, như nghĩ ra chuyện gì, nhỏ Hạnh chợt nhoẻn miệng cười:
- A, chị hiểu rồi! Lại “đụng độ” với Hưng sún nữa phải không?
- Chứ còn gì nữa! – Tùng làu bàu – Nhưng không phải là “đụng độ”! Chỉ là…
Thấy ông em ngập ngừng, nhỏ Hạnh giương mắt tò mò:
- Chỉ là sao?
Tùng liếm môi:
- Chỉ là trò chuyện về… khoa học thôi!
- Ghê nhỉ! Trò chuyện về khoa học cơ đấy! – Nhỏ Hạnh cố nén cười – Nhưng trò chuyện về khoa học gì lại quạu quọ ghê thế?
Trước sự vặn hỏi của bà chị, Tùng ngần ngừ một thoáng rồi tặc lưỡi kể lại câu chuyện vừa xảy ra ngoài vườn. Kể xong, nó ấm ức kết luận:
- Em nói hệt như chị nói, rốt cuộc Hưng sún hỏi một câu làm em cứng họng! Bây giờ chị trả lời em đi! Trước khi có cây xanh thì con người ta thở bằng gì?
Rõ ràng Tùng có ý bắt bí bà chị. Nó đinh ninh nhỏ Hạnh giải thích sai, khiến nó giải thích sai nốt giúp Hưng sún có dịp “kê tủ đứng” vào miệng nó. Nào ngờ nhỏ Hạnh thản nhiên:
- Trước khi có cây xanh thì con người chưa xuất hiện! Cây cối có trước, loài người mới có sau!
Câu trả lời vô cùng đơn giản của bà chị làm Tùng nghệt mặt ra, không thốt được tiếng nào. Sau một thoáng ngẩn ngơ, Tùng thở đánh phào một cái và lật đật quay trở ra vườn. Mình sẽ cho Hưng sún biết tay! Chuyện dễ ợt thế mà nó cũng bày đặt làm khó mình. Tùng hí hửng nhủ thầm. Nhưng Hưng sún đã không còn đứng ở dưới sân nhà nó nữa.
- Hưng sún!
Tùng ngoác miệng kêu lớn. Nó lặp đi lặp lại hai, ba lần, Hưng sún vẫn biệt tăm.Đang bực bội, Tùng bỗng giật mình quay nhìn vào lồng chim, vểnh tai nghe ngóng. Ôi, tiếng gì như tiếng chim vừa hót! Phải tụi mày vừa hót đấy không? Tùng láo liên nhìn cặp vàng anh nhảy nhót, trống ngực đập thình thịch.Như để “giải đáp thắc mắc” cho cậu chủ nhỏ, một trong hai chú vàng anh ngửa cổ hót một tràng ngắn.
- A ha, chị Hạnh ơi! Hai con chim này biết hót rồi nè!
Tùng reo lớn và ngoảnh cổ nhìn lên gác.
Nhỏ Hạnh thò đầu ra cửa sổ tự bao giờ, nheo nheo mắt:
- Chị nghe nãy giờ rồi chứ bộ!
Dì Khuê cũng chạy ra, dáo dác:
- Chim nhà mình vừa hót phải không Tùng?
Tùng hớn hở:
- Dạ, nó vừa hót! Giọng nó vang ghê là!
- Sao nó hót có một chút xíu thế?
Nhỏ Hạnh đáp vọng xuống:
- Mới tập hót nó chỉ hót thế! Ít hôm nữa nó sẽ hót cả một tràng dài cho dì xem!
Dì Khuê không hỏi nữa. Mắt dì dán mắt vào chiếc lồng, chờ đợi.Nhưng lần này, chim vàng anh không buồn hót nữa. Cả ba dì cháu chờ lâu thật lâu vẫn chẳng thấy gì. Tùng lo lắng:
- Hay là nó bị sao rồi!
- Nó chả bị gì đâu! – Nhỏ Hạnh hắng giọng – Ngày mai nó sẽ lại hót tiếp! Và có khi cả con kia cũng sẽ bắt chước hót theo!
Buổi tối, nghe ba dì cháu thuật lại chuyện chim vàng anh tập hót, ba và mẹ vô cùng thích thú. Nhất là ba. Ba nhìn mẹ, cao hứng:
- Em thấy chưa! Anh đã bảo chúng ta sẽ được mắt xem hoa nở, tai nghe chim hót, vậy mà em cứ một mực không tin!
- Thôi đi! – Mẹ nguýt ba một cái dài – Lúc đó anh bảo chim sẽ về làm tổ trong vườn chứ đâu phải chim nhốt trong lồng!
- Chuyện đó chẳng có gì khó! Chừng nào những con vàng anh này đã quen với khu vườn, anh sẽ thả chúng ra. Và chúng sẽ làm tổ trên cây ngọc lan cho em xem!
- Như thế là ăn gian! – Mẹ hứ một tiếng – Phải tự chúng ở nơi khác bay đến hót mới là hay!
Ba tỉnh khô:
- Sẽ có chim ở nơi khác bay đến hót, nếu em nhất định muốn thế!
Mắt mẹ tròn xoe:
- Anh không đùa đấy chứ?

- Chả đùa tí ti nào, nhất là khi anh có hai con vàng này trong tay! Chừng nào chúng quen hơi khu vườn, anh sẽ đem chúng sang nhà hàng xóm và tháo lồng cho chúng bay về nhà ta.
- Thế nghĩa là sao? – Mẹ vẫn chưa hiểu.
- Còn nghĩa là sao nữa! Nghĩa là đôi chim này lúc đó sẽ là “chim ở nơi khác bay đến” đúng theo yêu cầu của em chứ là sao!
- Nơi khác nào?
Ba nheo nheo mắt, hóm hỉnh:
- Thì nhà hàng xóm ấy! Nhà hàng xóm không phải là “nơi khác” sao?
Nghe đến đây, biết ba nãy giờ cố tình trêu mẹ, nhỏ Hạnh không nhịn được liền phá ra cười. Cả dì Khuê cũng tủm tỉm. Còn mẹ thì lườm ba, nhăn nhó:
- Giỡn dai nhách! Em nói thật, mà anh thì nói gì đâu không!
Trong bàn, chỉ có Tùng là đón nhận những ý tưởng của ba một cách nghiêm túc. Nó không xem đó là chuyện đùa. Ừ nhỉ, sáng kiến của ba hay đấy! Tại sao mình không rủ tụi bạn về nhà và bí mật “biểu diễn” màn “chim ở nơi khác bay đến” cho tụi nó lác mắt chơi?
Nghĩ là làm, chiều hôm sau, đợi ba và mẹ đi làm, chị Hạnh chúi mũi vào đống sách còn dì Khuê thì đang lục đục sau bếp, Tùng một mình lặng lẽ ra vườn, rón rén bước lại chỗ lồng chim.Ba bảo thời gian đầu chỉ nên cho bọn chim ra ngoài dạo chơi mỗi ngày một lần thôi. Hồi sáng ba đã cho bọn chim ra ngoài rồi. Có nghĩa là Tùng không được phép thả chim ra nữa. Tất nhiên Tùng không quên lời ba dặn, nhưng nó lại tự trấn an “Ba bảo “thời gian đầu” mới phải thế nhưng hôm nay đâu còn là “thời gian đầu” nữa! Bọn chim đã về ở nhà ta hơn mười ngày rồi kia mà!”Ý nghĩ đó giúp Tùng thêm can đảm. Và sau khi len lét dòm quanh, nó lén lút mở lồng cho hai con vàng anh bay ra.Thoạt đầu thấy cửa lồng mở toác, hai con vàng anh có vẻ không tin vào mắt mình. Chúng không hiểu tại sao hồi sáng đã được ra ngoài rong chơi thoả thích rồi bây giờ lại được thưởng thêm một “suất đặc biệt” nữa.Nhưng đôi chim không buồn nghĩ ngợi nhiều. Sau một thoáng ngỡ ngàng chúng rủ nhau con trước con sau tiến về phía cửa lồng đập cánh bay vù ra.
Đúng lúc đó, dì Khuê đi ngang.
- Ôi, sao cháu thả chim ra thế? – Thấy hai con chim xẹt về phía cây ngọc lan, dì hốt hoảng kêu.Tùng chưa kịp đáp thì nhỏ Hạnh nghe động thò đầu ra:
- Chết em nhé! Dám tự tiện thả chim!
Tùng phân trần:
- Em cho chúng “thư giãn” một tí thôi mà!
Dì Khuê nhíu mày:
- Nhưng ba cháu bảo mỗi ngày chỉ được thả chim một lần thôi!
- Đó là ba nói “thời gian đầu”! – Tùng hùng hồn giải thích – “Thời gian đầu” hai con vàng anh này chưa quen lồng nên ba không dám cho chúng ra ngoài nhiều! Nhưng bây giờ đã là… “thời gian sau” rồi!
Nhỏ Hạnh nhăn mũi:
- Chống chế hay lắm! Để xem hai con chim có trở vào lồng không thì biết! Chúng mà bay luôn thì em chỉ có khóc!
- Chị đừng có nói xui! – Tùng cau mặt cự nự.
Nhỏ Hạnh chưa kịp phân bua thì hai con vàng anh đã thanh minh giùm cho nó. Vèo một cái, hai con chim đã bám vắt vẻo chỗ cửa lồng. Tùng toét miệng cười, quên ngay sự trách móc của mình vừa rồi:
- Chị thấy chưa! Em biết chắc là chúng sẽ không bay luôn mà lại!
Vừa nói, Tùng vừa nhanh tay đóng cửa lồng, đề phòng bất trắc. Dì Khuê áp tay lên ngực:
- Hú vía! Thế mà dì cứ lo lo!
Nãy giờ Tùng còn lo hơn dì nhiều. Nhưng thấy bọn chim đã chui trở vào lồng, mặt nó liền vênh vênh:
- Dì yếu bóng vía thật! Cháu thì cháu chả lo tẹo nào cả!Cú mạo hiểm thành công càng nung nấu quyết tâm của Tùng. Chiều hôm sau, nó hăm hở rủ tụi Nghị, Đạt và Cúc Phương tới chơi nhà.
- Ổi nhà bạn có trái rồi hả? – Cúc Phương hỏi.
- Có rồi! Nhưng trái đang còn non, chưa ăn được đâu!
Nghị liếm môi:
- Vậy chắc mày rủ tụi tao tới uống đá chanh?
Tùng lắc đầu:
- Chanh cũng thế! Trái nhiều lắm nhưng phải đợi thêm một thời gian nữa!
Nghị tròn mắt:
- Thế khu vườn của mày có gì hay mà hôm nay mày hào hứng thế?
- Có chim! – Tùng ưỡn ngực – Dạo này chim thường về đậu trong vườn nhà tao!
Đạt cà khịa:
- Lại “con chim không biết hót” hôm nọ chứ gì?
- Bậy! – Tùng đỏ mặt – Con chim hôm nọ thì nói làm gì! Đây là một đôi chim khác, chim vàng anh! Ngày nào chúng cũng bay tới vườn nhà tao!
Nghe tới chim vàng anh, mặt mày bọn trẻ háo hức hẳn. Nhỏ Cúc Phương xuýt xoa:
- Ôi, chim vàng anh hót hay lắm đấy!
Tùng phổng mũi:
- Còn phải nói!
Nghị cũng hùa theo:
- Lại đẹp nữa!
Tùng càng nở mày nở mặt:
- Hẳn nhiên rồi! Chim vàng anh đẹp nhất trong các loại chim!
Đạt “xì” một tiếng:
- Chưa chắc! Chim công chim trĩ đẹp hơn nhiều!
Biết mình ba hoa hơi có phần quá trớn, Tùng tặc tặc lưỡi:
- Chim công chim trĩ cũng đẹp! Nói chung mỗi con đẹp mỗi kiểu!
- Nhưng chim công không biết hót! – Nhỏ Cúc Phương đột ngột lên tiếng bênh Tùng.
Đạt tức điên:
- Nhưng chim công biết múa! Còn chim vàng anh không biết múa!
Cúc Phương không chịu thua:
- Nhưng nó biết hót!
- Nhưng nó không biết múa! – Đạt sùi bọt mép.
Tùng ngứa miệng:
- Chim vàng anh không biết múa nhưng nó biết bay về vườn nhà tao hót cho tao và tụi mày nghe!
Nghị cười:
- Ừ, phải rồi! Đó mới là điều quan trọng!
Nghị quả sáng suốt. Đó mới thực là điều quan trọng và chính vì điều quan trọng đó thằng Tùng mới khẩn khoản mời tụi nó đến nhà chơi. Chứ chim vàng anh giỏi hót chim công giỏi múa, ai mà chẳng biết!Tất nhiên nhỏ Cúc Phương và thằng Đạt hay cãi cũng nhận ngay ra sự sáng suốt của Nghị. Tụi nó không đôi co nữa, mà quay nhìn Tùng, vui vẻ hẹn:
- Chiều nay ba giờ hén!


Truyện đánh dấu

Nhấn để xem...

Truyện đang đọc

Nhấn để xem...
Nhấn Mở Bình Luận
Quảng Cáo: Coin Cua Tui