Chương 8
Nhỏ Hạnh rất thắc mắc về Tiểu Long .
Hôm giảng bài toán về những quả trứng, nhỏ Hạnh ngạc nhiên thấy nhỏ Oanh hiểu những ngoắt ngoéo của bài toán nhanh hơn nhiều so với ông anh của mình .
Tất nhiên trước mặt cô em, nhỏ Hạnh không tiện mở miệng kiểm tra sự tiếp thu của ông anh nhưng mỗi lần giảng tới chỗ khó, nó kín đáo đưa mắt nhìn Tiểu Long ra ý hỏi thì thấy thằng này cứ ngồi trơ mắt ếch .
Thực ra, nhỏ Hạnh làm gì chẳng biết Tiểu Long rất kém toán . Nhưng cả mấy tuần nay, Quý ròm cứ bô bô khoe với nhỏ Hạnh rằng nó đang kèm cho Tiểu Long học . Mà được một đứa "siêu toán" như Quý ròm kèm cặp thì không có lý gì Tiểu Long cứ ì à ì ạch mãi được !
Vậy mà theo như nhỏ Hạnh quan sát thì Tiểu Long dường như chẳng khá lên được tẹo nào .
Bữa đó, sau khi giảng xong bài toán bán trứng, đợi nhỏ Oanh cất tập và đi ra phía sau, nhỏ Hạnh làm bộ tình cờ nhắc tới những công thức và những định lý mới học trên lớp, rồi sau đó nó vờ quên, nhờ Tiểu Long nhắc dùm .
Dĩ nhiên là Tiểu Long ngồi thộn ra như thằng bù nhìn rơm .
Tới lúc này thì nhỏ Hạnh biết chắc những ngờ vực của mình quả không lầm . Nó ngỡ ngàng hỏi :
- Bộ Long không nhớ gì về những điều thầy Hiếu giảng hết sao ?
Tiểu Long gãi đầu, bối rối :
- Ừ, không hiểu sao tôi cứ quên béng hết cả !
Nhỏ Hạnh chớp mắt :
- Nhưng dạo này Long đang học thêm với Quý kia mà ?
- Ừ .
Tiếng "ừ" của Tiểu Long không có một ý nghĩa gì rõ rệt . Nhỏ Hạnh cau mày :
- Thế sao ...
Nhỏ Hạnh ngập ngừng không nói hết câu , nhưng Tiểu Long thừa hiểu bạn mình muốn nói gì . Nó nhìn ra cửa, thở dài :
- Học với Quý ròm cũng như không !
Lời than thở của Tiểu Long khiến nhỏ Hạnh ngơ ngác :
- Sao lại như không ? Quý giỏi toán lắm kia mà ?
Tiểu Long thu nắm tay quẹt mũi :
- Quý ròm giỏi thì giỏi thật, nhưng nó quát tháo ghê quá! Nghe nó quát một hồi, chữ nghĩa chạy đi đâu hết ráo!
Nhỏ Hạnh cố nén cười:
- Nhưng nếu vậy sao Long theo học với Quý lâu thế? Gần những cả tháng kia mà?
- Tôi không muốn nghỉ, sợ Quý ròm buồn! - Tiểu Long chép miệng - Hơn nữa, trước khi học Quý ròm đã ra điều kiện "dù gặp bất cứ chuyện gì cũng không được bỏ ngang", bây giờ muốn thoái lui cũng không được!
Nghe tới đây, nhỏ Hạnh không nhịn được liền phì cười. Nó chưa thấy ai ranh ma như Quý ròm. Biết mình không thể nào bỏ được tật la lối, liền láu lỉnh công bố một thứ "nội qui" không giống ai để bắt chẹt Tiểu Long.
Nhỏ Hạnh cũng không thấy ai thật thà như Tiểu Long. Trước một điều kiện khả nghi như thế cũng không hề phản đối hoặc hỏi cho ra lẽ, cứ nhắm mắt nhắm mũi chấp nhận bừa để bây giờ than dài thở vắn.
Cười đã, ngoảnh lại thấy Tiểu Long ngồi buồn xo, nhỏ Hạnh vội lên tiếng an ủi:
- Thôi Long đừng buồn nữa! Để Hạnh chỉ cho Long học!
Tiểu Long như không tin vào tai mình:
- Hạnh kèm cho tôi học?
- Ừ.
Đề nghị bất ngờ của nhỏ Hạnh làm Tiểu Long ngẩn ngơ. Nó quên béng mất chuyện nhỏ Hạnh là... con gái. Một nỗi ấm áp len vào tim nó.
Nhưng khi niềm phấn khích qua đi, Tiểu Long buồn bã lắc đầu:
- Không được đâu!
- Sao không được? - Nhỏ Hạnh tròn mắt.
Tiểu Long nuốt nước bọt:
- Tôi đã lỡ ngoéo tay với Quý ròm rồi, không thể bỏ nó để quay sang học với Hạnh được!
- Long khờ ghê! - Nhỏ Hạnh nhăn mũi - Hạnh có bảo Long thôi học với Quý đâu!
Rồi xòe bàn tay ra trước mặt Tiểu Long, nhỏ Hạnh vừa đếm vừa chậm rãi giải thích:
- Đây nè! Thứ ba, thứ năm, thứ bảy Long học với Quý. Còn những chiều thứ hai, thứ tư, thứ sáu Long học với Hạnh! Sao, như vậy được không?
Nghe nhỏ Hạnh sắp xếp như vậy, Tiểu Long đã định gật đầu nhưng đến phút chót bỗng dưng nó lại đổi ý:
- Cũng không được! Tôi không thể học với Hạnh được!
- Sao lại vẫn không được? - Nhỏ Hạnh chưng hửng - Một ngày Long học với Quý, một ngày Long học với Hạnh kia mà?
- Thì vậy! - Tiểu Long nhăn nhó - Nhưng tôi không thể chiều nào cũng ôm tập đi học thêm được! Nhà tôi vắng người, tôi phải ở nhà trông em và thỉnh thoảng đi lấy hàng cho mẹ!
Tiểu Long giải thích một cách khổ sở. Từ chối lòng tốt của bạn, nó cảm thấy áy náy làm sao! Hơn nữa, nó còn sợ nhỏ Hạnh giận mình.
Nhưng nhỏ Hạnh chỉ cười xòa:
- Tưởng gì! Hạnh có bắt Long phải tới nhà Hạnh học đâu! Mỗi tuần ba buổi, Hạnh sẽ tới nhà Long!
Bữa đó, cho đến lúc nhỏ Hạnh ra về, Tiểu Long vẫn chẳng nói được một câu ra hồn. Thái độ của nhỏ Hạnh khiến nó cảm động đến mức không còn giữ được vẻ tự nhiên. Hóa ra bạn gái là thế! Nó dịu dàng hơn bạn trai gấp tỉ tỉ lần! Thật chả bù với thằng Quý ròm lúc nào cũng om sòm ầm ĩ cứ như thể trời sập đến nơi! Tôn một đứa con gái nhiệt tình và tử tế như nhỏ Hạnh lên làm "sư phụ" xét ra cũng không có gì quá đáng! Vả lại, đây là nó tự nguyện xin kèm cho mình học chứ mình có làm "đơn xin nhập học" nộp cho nó đâu! Trước khi bắt đầu học với "cô giáo Hạnh", Tiểu Long đã tự trấn an mình như thế và nó rất lấy làm hài lòng với ý nghĩ hay ho đó.
Quý ròm dĩ nhiên không hề hay biết gì về chuyện Tiểu Long học thêm với nhỏ Hạnh. Sợ Quý ròm tự ái, Tiểu Long và nhỏ Hạnh đã thỏa thuận với nhau không để lộ chuyện này cho bất kỳ một ai. Với Quý ròm, lại càng giấu biến.
Vì vậy Quý ròm như nở từng khúc ruột khi thấy tên học trò chậm chạp của mình bỗng dưng tiến bộ vượt bực.
Những buổi học chung gần đây, Quý ròm giảng đến đâu Tiểu Long hiểu đến đó y như thể nó vừa uống thuốc tiên vậy.
Thoạt đầu nói câu gì thấy Tiểu Long cũng gật, Quý ròm không yên bụng, tưởng nó giở mửng cũ, hiểu hay không gì cũng gật tuốt.
Nhưng đến khi kiểm tra lại sự thành thực của học trò bằng cách hỏi vặn hỏi vẹo đủ kiểu, hỏi kiểu nào thấy Tiểu Long cũng đáp ro ro, Quý ròm mới thật yên dạ. Nó sung sướng nhận xét:
- Mày khá lên thấy rõ rồi đấy!
Lần đầu tiên được "thầy" khen, Tiểu Long thích lắm. Nó cảm thấy người mình lâng lâng như đang bay bổng.
Quý ròm lại gật gù:
- Lúc về nhà, mày coi lại bài kỹ lắm phải không?
- Ừ, kỹ lắm! - Tiểu Long hùa theo - Hôm nào tao cũng học đến tận tối mịt!
- Mày cố gắng như vậy là tốt! - Quý ròm lên giọng "sư phụ" - Cứ cái đà này chẳng bao lâu mày sẽ học giỏi ngang tao với nhỏ Hạnh cho mà xem!
Thấy Quý ròm bắt đầu giở giọng huênh hoang, Tiểu Long buồn cười quá xá nhưng ngoài mặt nó vẫn giữ vẻ nghiêm trang:
- Ừ, tao sẽ cố!
Thái độ ngoan ngoãn của tên học trò khiến ông thầy cười tít mắt. Quý ròm không ngờ mình có khiếu dạy học đến thế. Tiểu Long vừa giỏi lại vừa ngoan. Mà nào có lâu la gì, mình chỉ mới kèm cho nó học chỉ hơn một tháng rưỡi chứ mấy!
Càng ngẫm nghĩ, Quý ròm càng phục mình. Càng phục mình, nó càng ba hoa. Ngả người vào lưng ghế, Quý ròm nheo mắt nhìn Tiểu Long, hắng giọng hỏi:
- Bây giờ mày có công nhận phương pháp giảng dạy của tao hiệu quả chưa?
- Công nhận! - Tiểu Long tặc lưỡi.
Không để ý đến vẻ mặt thờ ơ của tên học trò, Quý ròm hí hửng "phỏng vấn" tiếp:
- Vậy mày có công nhận nhờ tao... quát tháo nên mày mới cố học và đạt được tiến bộ như bây giờ không?
Ngay từ khi Quý ròm vừa mở "máy nổ", Tiểu Long đã định bụng nó nói nhăng nói nhít gì mặc xác, mình cứ gật đầu bừa cho xong.
Nhưng không ngờ Quý ròm được đằng chân lân đằng đầu. Nó hỏi cắc cớ kiểu đó, Tiểu Long không biết phải phản ứng ra sao.
Chính cái trò nạt nộ bắng nhắng của Quý ròm trước đây khiến Tiểu Long bữa nào ngồi học đầu óc cũng quay tít thò lò như cối xay thóc, người cứ hừng hực như sắp lên cơn sốt. Nếu không nhờ nhỏ Hạnh "ra tay nghĩa hiệp", giờ này chắc Tiểu Long vẫn còn học hành ì ạch như trâu nghé kéo cày và còn bị mấy cái hình thang, hình thoi chết tiệt kia làm khổ dài dài.
Vậy mà bây giờ Quý ròm bắt Tiểu Long phải lớn tiếng ca ngợi "công trạng" của cái trò quát tháo đinh tai đó thì quả là o ép thằng bạn của mình quá. Để bảo vệ bí mật về chuyện học chung giữa nó và nhỏ Hạnh, Tiểu Long sẵn sàng nói dối Quý ròm mọi thứ. Nhưng nói dối đến mức ngoác miệng bảo "nhờ mày quát tháo tao mới giỏi giang" thì Tiểu Long cảm thấy lương tâm cắn rứt quá xá.
Hỏi một hồi thấy Tiểu Long không đáp, mặt mày lại nhăn nhăn nhó nhó, Quý ròm sốt ruột:
- Sao, tao nói có đúng không?
- Ờ... ờ... - Tiểu Long ấp úng một cách khổ sở.
Thấy tên học trò ngoan ngoãn tự dưng giở quẻ, Quý ròm điên tiết:
- Đúng thì nói đúng, sai thì nói sai chứ "ờ, ờ" cái gì! Sao, đúng không?
Quý ròm đột ngột gầm lên khiến Tiểu Long hoảng vía. Nó lật đật gật đầu như cái máy:
- Đúng... đúng...
- Đúng thì nói đúng đại từ đầu cho rồi, còn bày đặt ngẫm nghĩ! - Quý ròm khoái chí cười toe.
Tiểu Long dở cười dở mếu. Cuối cùng chẳng biết làm sao, nó đành toét miệng cười phụ họa. Chứ chẳng lẽ ông thầy đang ngồi cười hề hề mà học trò lại nhăn răng ra khóc?
Truyện đánh dấu
Nhấn để xem...Truyện đang đọc
Nhấn để xem...