Kinh Thánh Của Một Người

Đầu óc anh lúc này trống rỗng một màu trắng trơn. Còn ngoài kia, con tàu đang lao nhanh giữa cánh đồng rộng lớn, bao la một đại bình nguyên xám, vàng và tiêu điều. Hai hàng cây bên đường trụi lá, cành ngọn trọc lóc, đâm ra tua tủa, cứ thế lướt qua. Đã một đêm thức trắng chờ đợi giây phút sổ lồng, phải nói là khá suôn sẻ, giờ đây anh mệt nhoài, nhưng không buồn ngủ, cứ ngẩn ngơ ngó nhìn ra ngoài ô cửa, vẫn chưa tin là mình đã đào tẩu, chạy thoát. Đoàn tàu vượt qua Hoàng Hà Đại Kiều, đồn điền đã điểm xuyết màu xanh, những thửa ruộng tiểu mạch sau mùa đông nay bắt đầu chuyển sắc. Lại vài giờ chạy tàu, dừng tạm ở vài ga, cây cối lướt qua bên ngoài bỗng thấy nhú lộc, đâm chồi, cành ngọn trọc trụi trên mạn bắc, xuống đây miền trung càng lúc càng xanh, rồi tiếp đến cả rừng dương lá non mơn mởn đung đưa trước gió, báo hiệu xuân về, lòng anh rộn ràng khôn tả, “anh đã được cứu sống”.

Qua Trường Giang, đồng ruộng xanh màu lá mạ, bầu trời thanh thiên, mây trắng bồng bềnh, lúa vừa cấy chưa phủ kín mặt nước, vẫn chừa lại những khe hở chấp chới nắng vàng. Ôi thế giới này sao mà thân thiết thế, dần dà ru anh vào giấc ngủ bình anh. Con tàu tiếp tục đi về hướng nam, còn anh chuyển sang ô tô đường dài, lắc lư gập ghềnh sườn núi, mà hai bên cây lá xanh ngắt, lại hòa cùng màu đỏ của hoa đỗ quyên tươi thắm, anh phấn chấn đến lạ lùng. Đây là một trấn nhỏ, huyện thành miền núi, độc đạo con đường lát đá thanh, rồi tua tủa bao hẻm hẹp dẫn đến nhà dân. Anh tìm tới nhà Dung, vách đất lợp rơm. Dung người ngoại tỉnh, lặn lội ở chốn này không lấy gì gọi là hạnh vận, nhưng dẫu sao cũng có cơ ngơi riêng, không chung ngõ, chung vườn vôi kẻ khác, giang sơn một cõi thế này là khâm phục lắm rồi. Vợ Dung, dân gốc địa phương, nhân viên bán hàng tạp hóa, họ đã có cậu con trai mới vài tháng tuổi, còn đang nằm nôi. Trong nhà, ngoài sân và cả vườn tược đều rực rỡ, ấm áp bởi ánh nắng mặt trời, cảnh tượng gà mẹ dẫn bầy con vàng tơ tục tục kiếm mồi khiến anh vô cùng cảm động, lâu lắm rồi mới được nhìn thấy sự sống bình yên, lặng lẽ sinh sôi như thế.

Vợ Dung bận rộn cơm nước trong bếp, Dung hỏi anh chuyện ở kinh thành và tình hình cụ thể của anh. Anh kể cho Dung nghe sau trước, anh ta lắc đầu:

- Đấu đá cái nỗi gì cơ chứ, ở đây “thiên cao hoàng đế viễn”, xa mặt trời, xa thống soái mà đám cán bộ huyện thành cũng chơi nhau một trận, cũng may là chẳng liên can đến bàn dân thiên hạ.

- Dung, chắc cậu chưa quên hồi ấy hai đứa mình gửi thư cho nhau thảo luận đề tài triết học, ngõ hầu tìm tận gốc ý nghĩa cuối cùng của cuộc sống là gì?

- Thôi đừng bàn tới cái chuyện triết trung ấy nữa - Dung cười - chỉ tổ hù họa người ta, giờ phải lo nuôi sống cả gia đình, mái nhà này mưa to là dột, mùa đông tới phải lo lợp lại, ưng lợp ngói, nhưng không đủ tiền.

Dung lặng lẽ, không cao đàm khoát luận, dần dà đưa anh trở về với cuộc sống thật. Anh nghĩ, có lẽ phải thực tế như Dung mà qua ngày đoạn tháng, bèn nói:

- Mình dứt khoát lên núi, an cư lạc nghiệp ở một thôn tàng nào đó.

- Cậu cần nghĩ cho kỹ, chốn sơn lâm này vào dễ khó ra, cậu thì chỉ tổ bốc đồng, phải thực dụng hơn một tý.

Dung tìm cho anh làng nào có điện và bến xe trực tuyến, lỡ bệnh hoạn cấp cứu thì nội nhật một ngày có thể đưa đến bệnh viện huyện. Anh ta dặn:


- Muốn cắm rễ ở đây thì phải quan hệ tốt với mấy con rắn đầu đàn của đám cán bộ hương thôn, chuyện Bắc Kinh nát bét ấy tuyệt nhiên không mở miệng nói năng gì cả.

- Mình biết, thôi đừng ảo tưởng làm gì, tuy lần này là đi lánh nạn, nhưng lâu rồi cũng phải tìm một cô em xóm núi để còn sinh con đẻ cái nữa chứ.

- Sợ cậu không làm nổi. - Dung cười, vợ Dung đon đả:

- Thật không? Chị giới thiệu cho một đám, khá lắm.

- Mình mà cũng tin cậu ta à? - Dung hỏi lại vợ.

Anh chọn căn nhà đất bên cạnh trường tiểu học của trấn nhỏ, trông khác với láng giềng gần đó, đội sản xuất vừa mới cất tạm, đợi đến mùa đông thì sẽ thay rơm lợp ngói, tường chưa quét vôi, chẳng có trần, mỗi lần mưa xuống, trong nhà như kiểu sương bay, nhưng may mắn nhất cho anh là người được “phá trinh” cái tổ ấm này. Anh quét dọn căn nhà, trám kín những khe hở, dán giấy trắng lên hai cánh cửa kính, lấy mấy tấm ván trải ra làm giường, kê cao két sách báo, phủ ni lông trên mặt để có chỗ đặt bát đũa và các vật dụng khác. Trong nhà đã có vại sành đựng nước, nên chỉ cần đến hợp tác xã sắm thêm cái bàn nữa là đủ.

Xong công việc đồng áng, chân tay lấm bùn thì sẵn cái ao, xanh ngắt bèo Tây, khỏe một tý là thấy nước trong, tha hồ rửa ráy, đoạn kéo chiếc ghế tre, pha cốc chè xanh, vừa nhâm nhi hưởng thụ, vừa ngắm cảnh núi non trùng điệp mờ hiện trong mù sương, rồi bất giác nhớ tới cổ thi của Đào Uyên Minh, nhà thơ đời Đông Tấn, “Thái cúc đông li hạ. Du nhiên kiến nam sơn”, nhưng đâu được an nhàn, ẩn cư như đại phu họ Đào. Mỗi ngày, sáng tinh mơ, hễ loa phóng thanh nổi vang điệu nhạc “Đông phương hồng, mặt trời lên, Trung Quốc xuất hiện Mao Trạch Đông...” là vội vàng bò dậy, mắt nhắm mắt mở cùng nông dân ra đồng làm lụng, không cần giả bộ trang nghiêm đọc lời Mao như dạo trước. Rồi sau mười tiếng đồng hồ lao lực, cũng không bị ai giám sát, dựa lưng thả người trên chiếc ghế tre, hớp một ngụm trà, duỗi chân thoải mái. Đêm đến một mình lăn qua trở lại giữa cái giường ván to, chẳng phải đề phòng trong mơ ú ớ nói ra điều gì húy kỵ, cuộc sống như thế này, anh nghĩ, quả là hạnh phúc. Từ đấy anh chỉ còn cách làm người nông dân thực sự, dựa vào sức lực của mình mà kiếm bát cơm. Anh phải học đủ nghề, cày bừa, đắp bờ, tát nước, cấy mạ, bón phân, gặt hái, gánh gồng... nghĩa là tất cả để vì công điểm, chứ không chỉ trông chờ mỗi đồng lương, còn lâu mới phát cho các viên chức hạ phóng về nông thôn. Vả lại anh cũng cần trà trộn, lặn lội giữa đám dân quê như vậy, tránh mắt thiên hạ dòm ngó, tình nghi, may ra có chỗ yên thân tới già, đến chết, tự tìm cho mình một xứ sở quê hương.

Sau vài tháng cần mẫn học hành, tốc độ làm lụng của anh đã theo kịp nông dân. Không giống như mấy cán bộ trên huyện về xã chưa được đôi ba ngày bèn đua nhau chuồn thẳng, anh kiên trì ở lại; cũng khác với đám rắn đầu đàn thôn xóm, chỉ tay năm ngón, ra đồng oai phong bộ điệu, anh chân lấm tay bùn và do đó được bà con, người có chức sắc trong làng tín nhiệm, anh bắt đầu cạy đinh, mở két sách luôn mang theo mình từ độ xa Bắc Kinh. Kịch bản Thế lực hắc ám của Lev Tolstoy nằm trên cùng, nước mưa lọt qua khe gỗ thấm lên trang bìa làm cho chòm râu của Tolstoy lốm đốm vàng, vở kịch này viết về chuyện người nông dân nọ giết con, tâm lý căng thẳng, sợ hãi và âm mưu của nhân vật từng một thời làm anh trăn trở. Chuyện kịch không giống như giới quý tộc trong Chiến tranh và hòa bình mà đại văn hào đã viết. Anh vẫn để nguyên, phủi bụi bám trên cuốn sách, chứ chưa dám mở xem lần nữa, sợ ảnh hưởng đến nội tâm vừa mới được yên bình. Anh định đọc một vài tác phẩm, viết về các câu chuyện xa vời so với hoàn cảnh bấy giờ, những ý tưởng khác hẳn cách suy nghĩ chuyên đấu đá thời thượng lúc ấy, tỷ như Vịt hoang trong tuyển tập kịch Ibsen. Bộ sách Mỹ học của Hegel anh đặt mua đã lâu, nhưng chưa đọc lần nào, có lẽ lúc này dùng tới nó sẽ góp phần điều tiết giảm bớt sự mệt nhọc về thể xác. Anh đặt hẳn mấy cuốn của Marx và Lenin ngay ngắn trên bàn, những sách khác cứ để trong thùng, hàng đêm trước khi đi ngủ lấy ra, đêm khuya, ngẫm đọc một mình. Đấy là lúc làng trên xóm dưới đều đã đen kịt; đồng áng, cơm nước xong xuôi chỉ mỗi việc lên giường, cần chi phải sáng điện, cho nên còn lại nhà anh một ngọn đèn cô quạnh, cũng chẳng che tối làm gì, cứ để vậy mà lại không có ai dòm ngó, anh nghĩ.

Anh đọc lướt, chỉ để giải trí, thư giãn sau một ngày lao lực, chứ không phải chuyên tâm nghiên cứu, bởi hai cụ Hegel và Rosen đều sống ở những thời đại và quê hương khác, các cụ không thể lý giải nổi, hay tin rằng có một thế giới như hiện nay mà anh đang tồn tại. Anh nằm nghe gió thổi trên mái nhà, giờ này vào mùa mai vũ, mưa lâm thâm rả rích cả ngày, cỏ dại ven đường và lúa non dưới ruộng lớn nhanh như thổi, mỗi ngày một cao, mỗi ngày một xanh hơn. Cuộc đời con người năm này qua năm khác gắn bó, tiêu hao với những chân ruộng vừa được gặt hái xong, âu cũng như cọng rơm, cuống rạ. Giá như con người cứ giống hệt cây cối, đừng mang theo đầu óc, có phải tự nhiên hơn không, đằng này toàn bộ nỗ lực của đầu óc lại đều tập trung cho cái gọi là văn hóa, thật uổng công thay!


“Cuộc sống mới đang ở nơi nào?” anh nghĩ tới câu nói đó của La, anh bạn đồng học hiểu biết sớm hơn anh rất nhiều, giờ này chắc cậu ta đã tìm được một thôn nữ, sinh con đẻ cái và có cõi đi về.

Mấy ngày trước khi thu hoạch vụ lúa xuân, việc đồng áng không có gì nặng nhọc, trai làng rủ nhau lên núi đốn củi, anh cũng dao rựa thắt ngang lưng đi theo đoàn tiều phu nọ. Mỗi tháng anh lên huyện thành một lần, tìm đến văn phòng quản lý cán bộ hạ phóng về nông thôn nhận tiền lương, vừa đủ mua một gánh than đen nấu ba mươi ngày, cho nên lần này lên núi đốn củi vừa tiết kiệm tiền chất đốt hàng ngày, vừa có dịp tìm hiểu đó đây, nơi mà Dung đã nói “thiên cao hoàng đế viễn”.

Anh và đoàn người đi đốn củi tạm nghỉ giây lát trước cửa rừng, thuộc địa phận đội sản xuất xa nhất của công xã, lèo tèo vài hộ dân. Anh nhìn thấy một cụ già đeo mục kỉnh gọng vàng ngồi sưởi nắng trước cửa, tay cầm cuốn sách cổ và đang chăm chú đọc.

- Dạ thưa cụ, cụ vẫn có thể xem sách? - Anh hỏi.

Cụ già hạ mục kỉnh nhìn anh và nhận ra là anh không phải nông dân vùng này, ừ một tiếng rồi để cuốn sách xuống. Anh hỏi tiếp.

- Cho con xem sách của cụ một tý, được không ạ?

- Y thư - cụ già trả lời ngay.

- Tên sách?

- Thương hàn luận, cậu hiểu không?


- Cụ là thầy thuốc?

Cụ già đưa cuốn sách của mình cho anh xem, đúng là sách cổ, viết một mạch không có chấm phẩy như văn phạm ngày nay, in trên giấy được xeo bằng bột tre nứa, màu xám vàng nhưng rất sáng, có lẽ phải từ đời Tiền Thanh là ít, sách còn để lại rất nhiều khuyên đỏ, chắc là dấu ấn của tổ tiên muốn truyền cho hậu thế. Anh cung kính cầm hai tay trả lại cuốn y thư cho cụ già khiến cụ cảm động, bèn gọi vọng vào trong:

- Lấy cho đồng chí đây cái ghế, và pha bát nước trà, nghe chưa? - Giọng cụ âm vang, khỏe khoắn, chắc là do nhiều năm lao động luyện rèn, lại hiểu cách chăm dưỡng của Trung y.

- Dạ cám ơn cụ, xin đừng khách sáo.

Một phụ nữ luống tuổi nhưng còn đẫy đà, duyên dáng, chẳng rõ là con đẻ, con dâu hay bạn đời tục huyền của cụ bước ra, đưa ghế cho anh ngồi, rồi lễ phép pha trà, một bát sứ to ngập lá chè nóng hổi. Anh gật đầu tạ ơn, tay bưng bát nước, đưa mắt nhìn quanh, bốn bề núi biếc, nhiều ngọn cây đung đưa trước gió nhưng chẳng tạo nên tiếng động nào.

- Đồng chí đây từ đâu tới?

- Dạ từ trên thị trấn, cùng một công xã.

- Cán bộ hạ phóng về nông thôn?

Anh gật đầu và hỏi cụ già:

- Dạ cụ nhận ra à?


- Nghĩa là không phải người vùng này, từ tỉnh hay địa khu? - Cụ hỏi kỹ hơn.

- Dạ Bắc Kinh, về đây an cư lạc nghiệp, dạ cụ là dân địa phương?

- Mấy đời rồi, thế giới có phồn hoa đến mấy đi nữa cũng không bằng mảnh đất quê nhà - cụ già cảm khái - tôi cũng đã đến Bắc Kinh.

- Dạ vào năm nào?

- Thời còn Dân quốc, học đại học trên ấy, hình như Dân quốc năm thứ 17.

- Dạ - anh nhẩm tính - 1928, cũng đã hơn bốn thập niên rồi cụ nhỉ...

- Lúc ấy các giáo sư vận đồ Tây, đội mũ phớt, cầm ba-toong, đi xe kéo...

Không giống bây giờ giáo sư quét đường, rửa nhà xí, cụ già nghĩ vậy nhưng không dám nói ra.

Cụ kể tiếp, đã thi đậu đi du học ở Nhật Bản do nhà nước cấp kinh phí, còn có cả bằng tốt nghiệp của Đại Đế quốc Đông Kinh cấp, những điều này anh không hề nghi ngờ gì cả, nhưng muốn biết tại sao cụ già lại lưu lạc đến tận chốn rừng xanh như bây giờ. Sợ cụ phật ý nên anh đành chuyển sang đề tài khác “cụ học ngành y?”. Cụ già không trả lời, mắt dõi nhìn về phía núi, nơi những ngọn cây vẫn đung đưa trước gió nhưng không phát ra tiếng động, cụ ngồi đây sưởi nắng. Anh nghĩ, biết đâu đấy là hình ảnh tận cùng, là sự trở về của mình. Học ít Trung y, chữa bệnh cho dân quê, và xem đó như là lẽ sống, rồi lấy vợ, sinh con đẻ cái, đến khi già cũng sẽ ngồi sưởi nắng, đọc y thư để tiêu khiển... như thế này.

Anh viết thư cho Sảnh kể mọi sự tình sau trước, và nếu em đồng ý cùng sống với anh thì chúng ta sẽ chung sức xây dựng cái tổ ấm nơi đây, sơn cước, anh mong em suy xét và sớm trả lời. Anh còn nói, xóm núi sắp mở lại trường, rồi vẽ nên một viễn cảnh xán lạn khi Sảnh tới. Trong thư không hề nhắc đến tình yêu, hay nhớ cái đêm ba lần làm tình thắm đỏ, bất ngờ ở nhà trọ, nhưng lời lẽ thì rất nồng nhiệt, mong đợi, ngõ hầu tìm được chốn an thân giữa một thời loạn lạc.

_________________


Truyện đánh dấu

Nhấn để xem...

Truyện đang đọc

Nhấn để xem...
Nhấn Mở Bình Luận
Quảng Cáo: Coin Cua Tui