Kinh Kim Cang


ĐOẠN 11ÂM:VÔ VI PHƯỚC THẮNG.Tu-bồ-đề, như Hằng hà trung sở hữu sa số, như thị sa đẳng Hằng hà.

Ư ý vân hà? Thị chư Hằng hà sa, ninh vi đa phủ? Tu-bồ-đề ngôn: Thậm đa, Thế Tôn! Đản chư Hằng hà, thượng đa vô số, hà huống kỳ sa.- Tu-bồ-đề, ngã kim thật ngôn cáo nhữ, nhược hữu thiện nam tử, thiện nữ nhân, dĩ thất bảo mãn nhĩ sở Hằng hà sa số tam thiên đại thiên thế giới, dĩ dụng bố thí, đắc phước đa phủ? Tu-bồ-đề ngôn: Thậm đa, Thế Tôn! Phật cáo Tu-bồ-đề: Nhược thiện nam tử, thiện nữ nhân ư thử kinh trung, nãi chí thọ trì tứ cú kệ đẳng, vị tha nhân thuyết, nhi thử phước đức thắng tiền phước đức.DỊCH:PHƯỚC VÔ VI LÀ HƠN HẾT.Này Tu-bồ-đề, như trong sông Hằng có bao nhiêu số cát, số sông Hằng bằng số cát như thế, ý ông nghĩ sao? Số cát của các sông Hằng ấy thật là nhiều chăng? Tu-bồ-đề thưa: Bạch Thế Tôn, rất nhiều! Chỉ các sông Hằng còn nhiều vô số, huống là số cát kia.- Này Tu-bồ-đề, nay ta bảo thật với ông, nếu có người thiện nam, thiện nữ đem bảy báu đầy dẫy tam thiên đại thiên thế giới bằng số cát những sông Hằng kia ra bố thí thì được phước nhiều chăng?Tu-bồ-đề thưa: Bạch Thế Tôn, rất nhiều!Phật bảo Tu-bồ-đề: Nếu người thiện nam thiện nữ, đối trong kinh này cho đến thọ trì bốn câu kệ v.

v… vì người khác giảng nói, phước đức này nhiều hơn phước đức trước.GIẢNG:Đây tôi giản trạch cho quí vị dễ hiểu: Sông Hằng số một có bao nhiêu cát, mỗi một hột cát đó là một sông Hằng thứ hai.

Trong đợt thứ hai là bao nhiêu sông Hằng? Nào ai biết trong sông Hằng có bao nhiêu cát, mà có bao nhiêu cát là có bấy nhiêu sông Hằng, vậy biết bao nhiêu sông Hằng mà kể! Mỗi sông Hằng thứ hai đó có bao nhiêu cát, quí vị tính thử xem có bao nhiêu? Chỉ nói số sông Hằng thứ hai là không thể tính rồi, huống là cát của những sông Hằng thứ hai thì không làm sao tưởng tượng nổi.

Mỗi một hột cát là một tam thiên đại thiên thế giới và trong tam thiên đại thiên thế giới chứa đầy cả bảy báu.

Quí vị tưởng tượng bảy báu đầy khoảng bao nhiêu? Quá sức tưởng tượng của chúng ta, không còn con số nào tính nổi!Đức Phật hỏi ngài Tu-bồ-đề: Nếu có người đem bảy báu đầy dẫy cả tam thiên đại thiên thế giới bằng số cát của những sông Hằng thứ hai ra bố thí thì phước nhiều chăng? Phước đó chúng ta không thể nào tưởng tượng nổi.

Như thế mà Phật bảo phước đức đó không bằng phước đức của người trì bốn câu kinh Kim Cang v.

v… vì người nói.

Chữ vân vân đó có thể hoặc là ba câu, hoặc là hai câu.

Như vậy phước đức của người này là bao nhiêu? Đó là chỗ mà ai tụng kinh Kim Cang cũng không thể tin nổi.

Đây chúng tôi nói một lẽ thật.

Tôi dẫn thí dụ này, trích trong kinh, là quí vị thấy rõ nhất.Ngày xưa có một nhà vua sanh được một cô công chúa.

Công chúa độ mười một, mười hai tuổi, vì con một nên nhà Vua và Hoàng hậu cưng chiều quá mực.


Một buổi sáng mùa hạ, trời mưa, công chúa thức dậy nhìn mưa từng hạt rơi xuống, ánh nắng xuyên qua, hạt mưa lóng lánh.

Công chúa thích quá muốn được một xâu chuỗi hạt nước mưa, song vì con cưng nên nàng nằm im trên giường không thèm nói năng.

Hoàng hậu gạn hỏi mãi nàng cũng không trả lời.

Nhà Vua được tin, tưởng công chúa đau, vội đến thăm, dỗ dành mãi, sau cùng nàng mới nói: Con thích được một xâu chuỗi bằng hạt nước lóng lánh đó, đeo vào con sẽ hết bệnh ngay, nếu không được con sẽ không ăn cơm, chắc con sẽ chết.

Vua và Hoàng hậu hoảng hốt không biết làm sao, e công chúa nhịn đói thật, đành phải hứa sẽ tìm người xâu chuỗi bằng hạt nước mưa cho nàng.

Vào triều, nhà Vua truyền lịnh cho quần thần báo cho dân chúng hay rằng ai có tài xâu được chuỗi hạt nước mưa cho công chúa đeo thì sẽ được phong quan chức.

Đã bao tháng trôi qua nhưng chưa ai thực hiện được.

Bỗng một hôm có một ông già chống gậy đến nói: Tôi có thể xâu được chuỗi hạt nước cho công chúa.

Nhà Vua mừng quá, không cần hỏi lý do lai lịch chi cả, vội sai quan đưa ông già đến trình diện với công chúa.

Khi nghe ông già xác nhận có thể xâu được chuỗi bằng hạt nước cho mình đeo, công chúa vui mừng trỗi dậy hỏi: Bao giờ bắt đầu? Ông già đáp: Tôi có tài xâu hạt chuỗi nước, nhưng rất tiếc, tôi già rồi, con mắt sờsệt, vậy sáng mai, công chúa chịu khó ra đứng lựa những hạt nước thật đẹp đưa cho tôi xâu.

Công chúa mừng quá, bằng lòng ngay.

Sáng hôm sau công chúa đích thân ra hiên lựa những hạt nước mưa, còn ông già đứng bên cạnh chờ xâu chuỗi.

Nàng thấy một hạt nước mưa lóng lánh rơi liền đưa tay nắm, hạt nước theo kẽ tay rơi mất.


Từ sáng đến trưa không giữ được một hạt nào, công chúa mệt mỏi, chán nản rồi giận dỗi, nàng nói với nhà Vua: Thưa phụ vương, con không muốn đeo chuỗi hạt nước nữa.

Khi ấy nhà vua bảo: Cha sẽ cho con xâu chuỗi kim cương.

Nhà Vua liền bảo quan giữ kho mang xâu chuỗi kim cương ra, công chúa vui vẻ đeo vào cổ.Như thế, qua câu chuyện trên quí vị hiểu thế nào? Đó là để chỉ rằng tất cả của báu thế gian đều đẹp, nhưng vừa nắm vào tay, liền qua kẽ tay rơi mất.

Cái đẹp thế gian là ý nghĩa hạnh phúc của cuộc đời.

Ở thế gian này người ta tưởng cái gì đẹp đó là hạnh phúc, nhưng có hạnh phúc nào lâu dài đâu, vừa nắm được nó lại qua kẽ tay rơi mất.

Rốt cuộc rồi những điều mà thế gian cho là đẹp đẽ là hạnh phúc đều không còn, càng đeo đuổi nó chừng nào thì càng mệt mỏi chán chường chừng nấy, cuối cùng nhìn lại cũng tay không! Như nàng công chúa thấy vẻ đẹp lóng lánh của hạt nước, thích quá, nhưng nhìn xa thấy nó đẹp, đến khi lại gần nắm nó thì nó theo kẽ tay rơi mất.

Như vậy cả buổi không giữ được một hạt nào, chừng đó mới chán nản không còn ham thích gì nữa, đến khi ấy nhà Vua mới cho nàng xâu chuỗi kim cương.

Nhà Vua ví dụ cho đức Phật, nàng công chúa ví dụ cho ai? Quí vị nhận biết là ai rồi phải không? Những vị hiện giờ khoảng sáu mươi tuổi trở lên chắc là như nàng công chúa lúc buổi chiều, nắm mãi các hạt nước mà đến chiều vẫn tay không, chán quá! Còn những người khoảng mười lăm, mười bảy, hai mươi thì còn hăng hái như nàng công chúa vào buổi sáng, còn lựa, còn nắm bắt các hạt nước mưa.

Đến khoảng sáu mươi tuổi trở lên thì mới chán nản, bấy giờ cũng như nàng công chúa vào buổi chiều, lắc đầu không thích xâu chuỗi hạt nước nữa, khi đó nhà Vua sẽ cho một xâu chuỗi kim cương thật đẹp và đời đời không hư hoại.

Kim cương đó là kim cương Bát-nhã, chính cái đó mới không mất không hoại.

Kinh này ví dụ là kim cương.Như vậy quí vị thấy bao nhiêu hạt nước lóng lánh đổi được xâu chuỗi kim cương? Khi được xâu chuỗi kim cương rồi quí vị mới thấy giá trị xâu chuỗi kim cương là hơn.

Giả sử có ai nói gạt quí vị: Tôi đem những xâu chuỗi hạt nước lóng lánh đổi chuỗi kim cương của anh thì quí vị nghĩ sao? Dù đem tất cả những hạt nước lóng lánh đầy bầu trời ra đổi, quí vị cũng không bằng lòng phải không? Bởi vì cái đó là giả.


Chỉ khi nào còn mê như nàng công chúa thì mới ham thích.

Đến khi nó qua kẽ tay rơi mất thì khi ấy hết thích, không còn thích nữa thì được xâu chuỗi thật.

Cũng như thế khi người ta chán cả hạnh phúc thế gian rồi, đức Phật chỉ cho chúng ta cái chân thật, chừng đó chúng ta được một xâu chuỗi đời đời không hoại.

Cho nên cái chân thật có giá trị vô lượng vô biên không thể bì, dù đem bao nhiêu cái giả dối cũng không sánh được.

Hiểu như vậy chúng ta mới thấy đức Phật nhắc đi nhắc lại giá trị kinh Kim Cang, chỉ trì bốn câu kệ là phước đức hơnbao nhiêu của báu thế gian.

Quí vị thấy chúng ta giống mấy đứa trẻ độ mười hai, mười ba tuổi hay làm nũng phải không? Cứ chạy đuổi theo những hạt nước lóng lánh trên lá cây hay từ mái nhà rơi xuống hay những bong bóng nước mưa; cứ mải đuổi bắt những cái đó mà quên mệt.

Nếu quí vị trở lại với đức Phật, chừng đó mới được cái chân thật.

Thế nên giá trị của người học đạo không thể tính được, không có gì so sánh được.

Còn những điều thế gian ca ngợi chỉ là trong đối đãi, trong tạm bợ thôi, khi chưa được thì mình thấy nó quí, nắm được rồi thì nó lại qua kẽ tay rơi mất chớ không có gì tồn tại lâu dài, vậy mà người đời cứ mải chìm mê trong đó.

Vì vậy chúng ta thấy lời Phật dạy rất đúng khi Ngài bảo rằng công đức trì kinh hơn tất cả của báu thế gian.ĐOẠN 12ÂM:TÔN TRỌNG CHÁNH GIÁO.Phục thứ Tu-bồ-đề! Tùy thuyết thị kinh nãi chí tứ cú kệ đẳng, đương tri thử xứ, nhất thiết thế gian thiên nhân A-tu-la giai ưng cúng dường như Phật tháp miếu, hà huống hữu nhân tận năng thọ trì, độc tụng.

Tu-bồ-đề! Đương tri thị nhân thành tựu tối thượng đệ nhất hy hữu chi pháp.

Nhược thị kinh điển sở tại chi xứ tức vi hữu Phật, nhược tôn trọng đệ tử.DỊCH:TÔN TRỌNG KINH ĐIỂN CHÂN CHÁNH.Lại nữa này Tu-bồ-đề, tùy nơi nói kinh này cho đến bốn câu kệ v.

v… nên biết chỗ này, tất cả thế gian trời, người, A-tu-la đều nên cúng dường như tháp miếu của Phật, huống nữa có người trọn hay thọ trì đọc tụng.

Này Tu-bồ-đề, nên biết người ấy thành tựu pháp tối thượng đệ nhất hy hữu.

Nếu kinh này ở chỗ nào ắt là có Phật hoặc là những đệ tử lớn của Phật.GIẢNG:Đây nói về việc tôn trọng kinh.


Như chúng ta đã biết trong phần trước, vì kinh này chỉ thẳng cái thể chân thật bất sanh bất diệt cho nên nó có giá trị vô lượng vô biên khônggì sánh được.

Thế nên người biết được giá trị của kinh này thì ở chỗ nào có nói kinh này, dù là cõi người hay cõi trời cũng phải quý kính như là tháp miếu của Phật.

Vì sao? Vì biết kinh đó chỉ cho chúng ta thấy được lẽ thật.

Lẽ thật đó là cái cứu kính ít có trên thế gian này, nên kinh nói ra những lẽ thật đó chúng ta phải quí kính.

Như vậy chỗ nói kinh, lời dạy của kinh mình đã quí huống nữa là người thọ trì đọc tụng kinh.

Thế nên đối với người thọ trì, đọc tụng kinh mình cũng phải quí kính, biết người ấy là người được pháp tối thượng đệ nhất hy hữu, nghĩa là tối thượng đệ nhất ít có.

Do đó nói kinh này ở chỗ nào tức chỗ đó có Phật hoặc là có đệ tử lớn của Phật.Tuy nhiên chúng ta đừng hiểu lầm, cứ đóng cái khám đẹp, sơn son phết vàng rồi đem quyển kinh để trong đó thờ và nói chỗ đó có Phật.

Như vậy Phật hiện được không? Kinh chẳng qua là chữ, là mực là giấy để viết chữ.

Vậy kinh này cũng chỉ là giấy mực mà thôi, chớ không có giá trị siêu thoát gì cả, siêu thoát chăng là nhân chúng ta đọc, hiểu, ứng dụng tu, chớ nếu chúng ta cứ để thờ, lạy hoài thì cũng trở thành mê tín thôi.

Chúng ta nhân nơi kinh này mà hiểu đạo, hiểu đạo thì biết kinh này là quí.

Quí là nhân nó mà hiểu đạo chớ không phải nghe nó quí rồi để thờ hoài.

Vì vậy chúng ta hiểu ý nghĩa lời Phật dạy, giá trị của lời dạy cao siêu tuyệt đỉnh nên chúng ta rất quí trọng kinh này.

Kinh đã quí thì người thọ trì đọc tụng lại càng quí hơn nữa.

Thế nên kết luận là chúng ta phải trọng kinh và trọng người trì kinh.

Đó là ý nghĩa chân chánh..


Truyện đánh dấu

Nhấn để xem...

Truyện đang đọc

Nhấn để xem...
Nhấn Mở Bình Luận
Quảng Cáo: Coin Cua Tui