Kinh Kim Cang


ĐOẠN 29ÂM:UY NGHI TỊCH TĨNH.Tu-bồ-đề! Nhược hữu nhân ngôn: Như Lai nhược lai, nhược khứ, nhược tọa, nhược ngọa, thị nhân bất giải ngã sở thuyết nghĩa.

Hà dĩ cố? Như Lai giả, vô sở tùng lai diệc vô sở khứ, cố danh Như Lai.DỊCH:BỐN OAI NGHI ĐỀU TỊCH TĨNH.Này Tu-bồ-đề, nếu có người nói Như Lai hoặc đến, hoặc đi, hoặc ngồi, hoặc nằm, người ấy không hiểu nghĩa của ta nói.

Vì cớ sao? Như Lai đó không từ đâu đến cũng không đi đâu nên gọi là Như Lai.GIẢNG:Trong kinh Kim Cang có những chỗ định nghĩa Như Lai, như đoạn trước, tôi nhắc lại để quí vị nhớ.

"Như Lai giả, chư pháp Như nghĩa".

Nghĩa Như của các pháp, đó là Như Lai.

Ở đây nói: Như Lai giả, vô sở tùng lai diệc vô sở khứ, cố danh Như Lai.

Như Lai là không từ đâu đến cũng không đi đâu nên gọi là Như Lai.

Nói rằng: Như Lai không từ đâu đến, cũng không đi đâu, đó là đứng về phương diện nào mà nói? Đến và đi là hành động, mà hành động tức là tướng động, nếu nói Như Lai là tướng động thì không phải là Như Lai.

Trong đoạn trước đã định nghĩa: Như Lai là nghĩa như của các pháp, nghĩa như tức là như như bất động.

Tóm lại đoạn này nói Như Lai là để chỉ cho pháp thân bất sanh bất diệt, không bao giờ dao động.

Thấy được pháp thân bất động mới gọi là thấy Phật, chớ không phải thấy đức Phật có ba mươi hai tướng.

Tại sao? Vì nếu thấy có ba mươi haitướng là Phật thì khi thân tứ đại rã Phật không còn sao? Như Lai không còn sao? Thế nên phải hiểu rõ Như Lai là chỉ cho pháp thân thanh tịnh, mà pháp thân thanh tịnh thì không đến, không đi.

Vì thế trước hết đức Phật bảo: Nếu có người nói Như Lai hoặc đến, hoặc đi, hoặc ngồi, hoặc nằm, đó là không hiểu nghĩa Phật nói.

Nếu thấy Như Lai đến, đi, ngồi, nằm, đó là Như Lai có hình tướng, có tác động, mà hình tướng tác động là sanh diệt.

Nếu cho Như Lai là sanh diệt thì không hiểu nghĩa Phật nói.


Thế nên trong đoạn này Phật chỉ rõ Như Lai là pháp thân thanh tịnh, bất sanh bất diệt, không đến, không đi, đó là để chúng ta thấy rõ Như Lai là tịch tĩnh, lặng lẽ thường hằng.ĐOẠN 30ÂM:NHẤT HIỆP TƯỚNG LÝ.Tu-bồ-đề! Nhược thiện nam tử, thiện nữ nhân dĩ tam thiên đại thiên thế giới toái vi vi trần, ư ý vân hà? Thị vi trần chúng ninh vi đa phủ? Tu-bồ-đề ngôn: Thậm đa, Thế Tôn! Hà dĩ cố? Nhược thị vi trần chúng thật hữu giả, Phật tắc bất thuyết thị vi trần chúng.

Sở dĩ giả hà? Phật thuyết vi trần chúng tắc phi vi trần chúng, thị danh vi trần chúng.

Thế Tôn! Như Lai sở thuyết tam thiên đại thiên thế giới tắc phi thế giới, thị danh thế giới.

Hà dĩ cố? Nhược thế giới thật hữu giả, tắc thị nhất hiệp tướng.

Như Lai thuyết nhất hiệp tướng tắc phi nhất hiệp tướng, thị danh nhất hiệp tướng.- Tu-bồ-đề! Nhất hiệp tướng giả tắc thị bất khả thuyết, đản phàm phu chi nhân tham trước kỳ sự.DỊCH:LÝ MỘT HỢP TƯỚNG.Này Tu-bồ-đề, nếu người thiện nam, thiện nữ đem thế giới tam thiên đại thiên này nghiền nát thành bụi, ý ông nghĩ sao? Số bụi này thật là nhiều chăng? Ngài Tu-bồ-đề thưa: Bạch Thế Tôn! Rất nhiều.

Vì cớ sao? Nếu là bụi thật có đó thì Phật ắt không nói là bụi nhiều.

Vì cớ sao? Phật nói các bụi đó tức không phải là bụi, ấy gọi là bụi.

Bạch Thế Tôn, Như Lai nói thế giới tam thiên đại thiên tức không phải thế giới, ấy gọi là thế giới.

Vì cớ sao? Nếu thế giới thật có thì ắt là một hợp tướng.

Như Lai nói một hợp tướng tức không phải một hợp tướng ấy gọi là một hợp tướng.Này Tu-bồ-đề, một hợp tướng đó ắt không thể nói, chỉ người phàm phu tham trước việc ấy.GIẢNG:Trong đoạn này đầu tiên đức Phật hỏi ngài Tu-bồ-đề: Giả sử có người nam, người nữ, đem thế giới tam thiên đại thiên này nghiền nát thành bụi, số bụi đó nhiều chăng? Ngài Tu-bồ-đề trả lời là rất nhiều.

Trả lời xong, Ngài không dừng nơi đó, Ngài giải thích thêm: Vì cớ sao? Vì bụi nếu thật có thì Phật không nói là bụi, Phật nói bụi tức không phải bụi, ấy gọi là bụi.

Chỗ này nhắc chúng ta nhớ trong đoạn trước tôi đã nói quá rõ rồi.

Nếu chúng ta lầm chấp các pháp có thật thể tức là thế giới là thật thế giới, hạt bụi là thật hạt bụi; lớn như thế giới, nhỏ như hạt bụi, nếu tất cả lớn nhỏ đều chấp có một thật thể thì đó là cái nhìn của phàm phu.

Tại sao? Vì nếu thấy nó có thật thể tức là không phải tướng duyên hợp.

Trái lại, con mắt trí tuệ Bát-nhã của Bồ-tát thấy các pháp do duyên hợp, mà đã duyên hợp thì không cái nào có thật thể.


Thế giới cũng là tướng duyên hợp nên không thật, chỉ theo phàm phu giả đặt tên là thế giới.

Như vậy thế giới chỉ có giả danh mà không có thật thể.

To như thế giới mà chỉ có giả danh, còn nhỏ như hạt bụi thì sao? Hạt bụi tuy quá nhỏ đối với thế giới, nhưng hạt bụi cũng không phải là đơn vị cuối cùng.

Nhỏ như hạt bụi cũng vẫn là một hợp thể do duyên hợp.

Hạt bụi do duyên hợp nên không phải là hạt bụi, nhưng giả danh gọi là hạt bụi.

Như thế để thấy rằng dù lớn, dù nhỏ đối với con mắt trí tuệ đều thấy là tướng duyên hợp, chớ không một cái gì tự có thật thể.

Thường chúng ta có hai lối nhìn, hoặc cho cái nhỏ không thật mà cái lớn lại là thật, hoặc cho cái lớn là duyên hợp mà cái nhỏ là đơn vị cuối cùng.

Cũng như viên đất bằng nắm tay, đập nát thành bụi, chúng ta cho viên đất là không thật, nhưng hạt bụi là thật, đó là đơn vị thật hợp thành viên đất, thế là chúng ta thấy cái lớn là giả mà cái nhỏ là thật.Chủ yếu Phật dạy ở đây là phải nhìn cho tường tận tất cả pháp, không một pháp nào có hình tướng mà có thật thể.

Như thế mới hiểu, mới thấy được lý duyên hợp.

Từ thế giới đến hạt bụi đều không có thật thể, nó là một hợp tướng, nhưng hợp tướng cũng là giả danh, nên nói: Hợp tướng không phải hợp tướng, ấy gọi là hợp tướng.

Cuối cùng Ngài kết lại một câu: Này Tu-bồ-đề, một hợp tướng đó ắt không thể nói, chỉ người phàm phu tham trước việc ấy.

Nói là một hợp tướng thì không thể nói.

Tại sao? Vì nó là hư giả, không thể nói là có, là không, nhưng người phàm phu không biết, tham trước cho là thật.

Trên nhân gian này, tất cả những gì có hình, có tướng, sắc, thanh, hương v.


v… quí vị kiểm lại xem có cái nào không phải là tướng duyên hợp hay không? Cái nào cũng là tướng duyên hợp, thế mà phàm phu chúng ta cho nó là thật hay giả? Nếu chúng ta nói: Chậu bông của tôi giả.

Có người khác nói: Giả thì cho tôi đi! Khi đó chúng ta nói thế nào? Tuy nói giả mà ai xin thì không cho.

Nói giả sợ người ta xin, thành ra thấy cái gì cũng thật nên quí, mà quí thì tham trước.

Thế nên sự liên hệ là từ chỗ thấy các pháp là thật, rồi sanh ra tưởng nó là quí và tâm tham trước theo đó mà sanh.

Bởi chiếc xe tôi thật,nhà của tôi thật nên tôi quí, tôi phải cố bảo vệ, tất cả sự vật đều như thế cả.

Thế nên những gì mình thấy là thật, đều quí, đều tham trước.

Không phải chúng ta bi quan, tạo ra một cái tưởng tượng không đâu, mà đây đúng là chúng ta nhìn bằng trí tuệ, thấy được lẽ thật.

Nói đến cái nhà thì biết nó là tướng duyên hợp, không có thật thể.

Nếu nói cái nhà thật thì thử hỏi cái gì thật là nhà? Vách tường không phải nhà, kèo cột không phải nhà… Chẳng qua là nhiều tướng nhỏ chung hợp thành một tướng lớn, tướng lớn đó tạm đặt tên là cái nhà.

Vậy cái nhà là danh từ tạm đặt để chỉ một hợp tướng, mà hợp tướng là do duyên hợp thì đâu có cái gì là chủ, nên nó không có tự thể hay không có thật thể.

Đó là một lẽ thật, chúng ta nhìn đúng lẽ thật chớ không phải bi quan.

Nhìn đúng lẽ thật nên không có tâm tham trước, do không tham trước nên không mắc kẹt ở thế gian.

Trái lại vì nhìn không đúng lẽ thật nên khởi tâm tham trước, do đó mất một cái gì là lòng quặn đau, đến khi cái ngã mất thì đau vô ngần, vì thế nên cứ quanh quẩn trong thế gian không có ngày ra.Phật bảo một hợp tướng không thể nói là có, không thể nói là không.

Quí vị phải hiểu tinh thần Đại thừa cốt chỉ thẳng lý duyên hợp, cho nên không quyết định nơi hai cái có và không.

Ai thấy các pháp thế gian thật có, thật không là bệnh.

Thế mà lâu nay đại đa số người học kinh Bát-nhã đều nói học Bát-nhã là chấp không.

Chấp không là bệnh tối kỵ với tinh thần Bát-nhã.


Thấy có, thấy không là thấy hai bên, trái với lý Bát-nhã.

Bát-nhã nói các pháp duyên hợp nên không thật, vì duyên hợp nên không phải có, vì duyên hợp nên không phải không.

Nói duyên hợp là giả tướng nên không phải có mà cũng không phải không.

Thế gian chỉ một mặt nói có hoặc nói không, nhưng ta thấy rõ các tướng duyên hợp không phải có, không phải không nên không thể nói được, không thể nói cho họ hiểu được.

Vì thế mà đức Phật bảo một hợp tướng ắt không thể nói, chỉ vì người phàm phu tham trước việc ấy.Quí vị đã thấy rõ ý nghĩa sâu xa của kinh Đại thừa là không cho chúng ta kẹt một bên nào, hoặc có, hoặc không.

Kim Cang và Bát-nhã nói các pháp do duyên hợp không có tánh thật, chớ không phải không ngơ.

Như cái bàn, đối với con mắt trí tuệ Bát-nhã nó có hay không? Con mắt trí tuệ Bát-nhã thấy cái bàn không có tự thể, do duyên hợp nên chỉ có giả danh.

Giả danh là tên tạm, tạm gọi là bàn, không phải không ngơ, nhưng tìm thật thể thì không có, chớ nói cái bàn không như hư không này thì đó là dốt.

Nhiều người không hiểu nghe câu Thị chư pháp không tướng bất sanh bất diệt v.

v… liền cho rằng Bát-nhã nói cái gì cũng không.

Không đây là không có tướng thật, vì nó là duyên hợp.

Cũng như tôi nói không có một nắm tay thật mà do năm ngón co lại, nhưng khi co lại thì có nắm tay không? Nói đúng theo trí tuệ Bát-nhã là nắm tay không có thật thể, chỉ giả danh tạm gọi là nắm tay, đủ duyên hợp lại tạm gọi là nắm tay.

Như thế khi duyên hợp không thể nói không, khi duyên tan đâu thể nói có.

Chính người không hiểu Bát-nhã mới chấp không, nói cái này có là chấp thật có, nói cái kia không là chấp thật không.

Trí tuệBát-nhã nhìn tường tận các pháp nên không cố định một pháp nào là thật thể, vì đó là tướng duyên hợp, đã là duyên hợp thì không phải là không hẳn.

Thế nên mới dùng những chữ "như huyễn, như hóa" nghĩa là duyên hợp thì có, duyên ly tán thì không, chớ không phải không ngơ.

Hiểu như thế mới không lầm ý nghĩa của lời Phật dạy trong kinh Kim Cang và Bát-nhã..


Truyện đánh dấu

Nhấn để xem...

Truyện đang đọc

Nhấn để xem...
Nhấn Mở Bình Luận
Quảng Cáo: Coin Cua Tui