ĐOẠN 19ÂM:PHÁP GIỚI THÔNG HÓA.- Tu-bồ-đề, ư ý vân hà? Nhược hữu nhân mãn tam thiên đại thiên thế giới thất bảo, dĩ dụng bố thí, thị nhân dĩ thị nhân duyên đắc phước đa phủ?- Như thị Thế Tôn! Thử nhân dĩ thị nhân duyên đắc phước thậm đa.- Tu-bồ-đề! Nhược phước đức hữu thật, Như Lai bất thuyết đắc phước đức đa, dĩ phước đức vô cố, Như Lai thuyết đắc phước đức đa.DỊCH:PHÁP GIỚI THÔNG SUỐT KHÔNG BỊ NGĂN TRỞ.- Này Tu-bồ-đề, ý ông nghĩ sao? Nếu có người đem bảy báu đầy dẫy cả tam thiên đại thiên thế giới dùng bố thí, người ấy do nhân duyên này được phước đức nhiều chăng?- Bạch Thế Tôn! Như thế! Người này do nhân duyên đó được phước đức rất nhiều.- Này Tu-bồ-đề! Nếu phước đức có thật, Như Lai chẳng nói được phước đức nhiều, do phước đức không, nên Như Lai nói được phước đức nhiều.GIẢNG:Quí vị hiểu đoạn này như thế nào? Nếu phước đức có thật thì Như Lai không nói phước đức nhiều, bởi phước đức không, tức không thật nên Như Lai nói phước đức nhiều.
Vậy là phước đức có hay không? Đó là câu mà đa số chúng ta đều thấy hơi khó hiểu.
Trong đoạn trước tôi nói rằng triết lý kinh Kim Cang là chỉ cho các pháp tự tánh là không, duyên hợp giả có, bởi duyên hợp giả có cho nên nói có nói không chỉ là giả danh chớ không thật.
Nếu chúng ta thấy có thật thì cái thấy đó không đúng, bởi thấy khôngđúng cho nên nói là không nói phước đức nhiều, mà sở dĩ nói phước đức nhiều là vì thấy rõ tự tánh phước đức không thật, vì tự tánh phước đức không thật cho nên tùy duyên tụ họp nhiều thì gọi đó là nhiều, tụ họp ít thì gọi đó là ít.
Tụ họp nhiều thì gọi là nhiều, nhiều đó là tại tùy duyên chớ không phải trên lẽ thật, quí vị nhớ cho thật rõ chỗ đó.
Ví dụ có người khuân cả ngàn, cả muôn thùng lúa đổ thành đống, vậy đống lúa đó nhiều hay ít? Quí vị trả lời thế nào? Nói nhiều, ít thì cái nhiều và ít đó là tướng tùy duyên chớ trên lý chân thật, trên lý tánh không, các pháp không có nhiều, ít.
Tỉ dụ một khối đất bằng nắm tay ta gọi khối đất nhỏ, khối đất bằng cái thùng thiếc chúng ta gọi là khối đất to, cái to, nhỏ đó là tại sao? Chẳng qua là tướng duyên hợp nhiều ít.
Nhiều hạt bụi kết thành khối to gọi là khối đất to, ít hạt bụi kết thành khối nhỏ gọi là khối đất nhỏ.
Như vậy to nhỏ là trên sự kết hợp nhiều ít của duyên chớ đâu có gì khác.
Quí vị hiểu như vậy mới thấy được ý nghĩa của đoạn này.Sở dĩ đức Phật nói: Nếu phước đức có thật thì Như Lai chẳng nói được phước đức nhiều, do phước đức không, nên Như Lai nói phước đức nhiều là vì đứng về mặt tánh không, các pháp do duyên khởi nên tự tánh là không.
Tôi nhắc lại một lần nữa, vì tất cả chúng ta quen nghe nói cái bàn thì nghĩ cái bàn thật, nghe nói cái nhà thì nghĩ cái nhà thật, nghe nói cái đồng hồ thì nghĩ cái đồng hồ thật, mỗi vật chúng ta đều cho nó là thật, tức là nhận có một cái thể chân thật ở trong nó.
Người trí tuệ như đức Phật thì không thấy như thế; đồng hồ, nhà, bàn… chỉ là tướng duyên khởi hay là duyên hợp mà tự tánh cái đồng hồ là không, tự tánh cái nhà là không, tự tánh cái bàn là không, do duyên hợp nên giả có.
Vì duyên hợp giả có nên duyên nhiều thì nó to, duyên ít thì nó nhỏ; nó to, nó nhỏ là nói lý tùy duyên.
Thế nên đức Phật bảo: Nếu có thật, có thật thể thì không nói nhiều, nói ít, vì không có thật thể nên tùy duyên nhiều thì gọi là nhiều, duyên ít thì gọi là ít.
Trên lẽ chân thật, các pháp không cố định nên nói rằng tánh nó là không.
Vì thế trên tánh không mà nói có lớn nhỏ là sai, chỉ trên tướng tùy duyên mới có to, có nhỏ khác nhau.ĐOẠN 20ÂM:LY SẮC LY TƯỚNG.- Tu-bồ-đề, ư ý vân hà? Phật khả dĩ cụ túc sắc thân kiến phủ?- Phất dã Thế Tôn! Như Lai bất ưng dĩ cụ túc sắc thân kiến.
Hà dĩ cố? Như Lai thuyết cụ túc sắc thân tức phi cụ túc sắc thân, thị danh cụ túc sắc thân.- Tu-bồ-đề, ư ý vân hà? Như Lai khả dĩ cụ túc chư tướng kiến phủ?- Phất dã Thế Tôn! Như Lai bất ưng dĩ cụ túc chư tướng kiến.
Hà dĩ cố? Như Lai thuyết chư tướng cụ túc tức phi cụ túc, thị danh chư tướng cụ túc.DỊCH:LÌA SẮC, LÌA TƯỚNG.- Này Tu-bồ-đề, ý ông nghĩ sao? Phật có thể do đầy đủ sắc thân mà thấy chăng?- Bạch Thế Tôn, không vậy! Như Lai không nên do đầy đủ sắc thân mà thấy.
Vì cớ sao? Như Lai nói đầy đủ sắc thân tức chẳng phải đầy đủ sắc thân ấy gọi là đầy đủ sắc thân.- Này Tu-bồ-đề, ý ông nghĩ sao? Như Lai có thể do đầy đủ các tướng mà thấy chăng?- Bạch Thế Tôn, không vậy! Như Lai không nên do đầy đủ các tướng mà thấy.
Vì cớ sao? Như Lai nói các tướng đầy đủ tức chẳng phải đầy đủ, ấy gọi là các tướng đầy đủ.GIẢNG:Tựa của đoạn này là lìa sắc lìa tướng tức là lìa chấp sắc và lìa chấp tướng.
Căn cứ vào đâu mà lìa chấp? Tức là căn cứ ngay nơi thân Phật, nên đức Phật mới hỏi: Có thể do đầy đủ sắc thân mà thấy Như Lai chăng? Trong kinh nói đức Phật có đủ ba mươi hai tướng tốt, tám mươi vẻ đẹp, đó là đầy đủ sắc thân.
Có thể do những cái đó mà thấy Phật chăng? Ngài Tu-bồ-đề thưa: Không.
Tại sao? Vì Như Lai thường nói đầy đủ sắc thân tức không phải đầy đủ sắc thân, ấy gọi là đầy đủ sắc thân.Đầy đủ sắc thân tức chẳng phải đầy đủ sắc thân, nghĩa là cái sắc thân đầy đủ ba mươi hai tướng tốt, tám mươi vẻ đẹp đó không có tự thể, tánh nó là không, nên mới nói là không phải đầy đủ sắc thân, nhưng do duyên hợp nên gọi là đầy đủ sắc thân.
Quí vị nhớ hai câu đó rõ ràng như vậy.
Cũng như tôi nói cái bàn không phải cái bàn, vì sao? Vì nó không có thể thực của cái bàn, nhưng do duyên hợp nên tạm gọi là cái bàn.
Như vậy mới hiểu được lời Phật nói.
Sắc thân là giả tướng, mà giả tướng đó không có thật thể.
Tỉ dụ nói ba mươi hai tướng tốt của Phật, thì ba mươi hai tướng tốt đó, cái gì là thể cố định thật? Như nói Ngài có trái tai dài hay Ngài có cái ngực no tròn hình chữ vạn v.
v…,những cái đó chúng ta nói cái nào là thật, là chủ của thân.
Ba mươi hai tướng chẳng qua là nhiều phần ráp lại, đủ ba mươi hai tướng gọi là Phật, như vậy ba mươi hai tướng đó chỉ là những giả tướng chớ không phải thật.
Nếu cho ba mươi hai tướng là Phật thì không thấy Phật vì đó là mắc kẹt trên tướng.
Lại nữa, ba mươi hai tướng hiện nay còn không? Ba mươi hai tướng là duyên hợp cho nên khi đủ duyên thì còn, thiếu duyên thì mất.
Còn Như Lai có mất hay không? Như vậy để chúng ta hiểu rằng đừng căn cứ vào sắc thân, đừng chấp ba mươi hai tướng tốt là Phật, mà phải biết Như Lai là thể bất sanh bất diệt.
Ba mươi hai tướng là tướng không có chủ thể, nên nói là tánh không.
Vì tự tánh nó là không nên nói không phải đầy đủ sắc thân, do duyên hợp tạm có nên gọi là đầy đủ sắc thân.Đến phần các tướng, tướng đây chỉ sáu căn đầy đủ: mắt, tai, mũi v.
v… toàn bộ của thân.
Đức Phật hỏi: Có thể do đầy đủ các tướng mà thấy Như Lai chăng? Khi nãy là sắc, là hình sắc trắng đen hoặc là những vẻ tốt biểu hiện ra, ở đây nói về tướng tức là các phần trong thân.
Ngài Tu-bồ-đề trả lời: Không thể do các tướng đầy đủ mà thấy Như Lai.
Vì cớ sao? Vì Phật nói các tướng đầy đủ tức không phải các tướng đầy đủ, ấy gọi là các tướng đầy đủ.
Chúng ta tưởng các tướng đầy đủ là Phật nhưng sự thật thì không phải.
Vì các tướng không có tự thể cho nên nói không phải các tướng đầy đủ, nhưng duyên hợp có đủ các tướng gọi là các tướng đầy đủ.
Hiểu như vậy thì chúng ta có chấp sắc, chấp tướng là thật không? Đây là đức Phật căn cứ vào Ngài, nay thử căn cứ vào chúng ta xem thế nào? Giả sử có một đạo hữu tên Chánh Đức, tôi hỏi rằng có thể do sắc trắng đen của Chánh Đức mà thấy Chánh Đức không.
Quí vị trả lời thế nào? Không phải.
Nếu do cái đó mà thấy Chánh Đức, khi những cái đó tan rã thì không còn Chánh Đức nữa.
Tôi lại hỏi: Có thể do các tướng hoặc là tay chân v.
v… ráp lại mà thấy Chánh Đức không.
Quí vị trả lời thế nào? Cũng không phải.
Như thế thì các tướng đó chỉ là tướng duyên hợp, tự nó không có thật thể, do duyên hợp nên tạm gọi là các tướng thôi.
Vậy con người chúng ta ngoài các sắc, các tướng duyên hợp, còn có cái gì nữa không? Nếu căn cứ vào sắc, vào tướng cho là mình thì thế nào? Như lâu lâu sụt vài ký thì nói tôi sụt hết mấy ký, lên được vài ký thì nói tôi được thêm mấy ký phải không? Như thế là cho việc lên ký, sụt ký là mình.
Vậy chúng ta phải nói thế nào cho đúng nghĩa hiểu đạo lý? Tứ đại của tôi lúc này giảm hay tăng thêm được mấy ký, nói thế mới đúng lẽ thật.
Nếu chấp nhận tôi là tứ đại thì tứ đại là vô tri, chấp vô tri là tôi thì quá khờ dại, tức là mình đã phủ nhận mình một cách đáng thương.
Quí vị kiểm điểm lại xem chúng ta có nói như thế không? Nếu có thì chúng ta đã phủ nhận chúng ta một cách đáng thương.
Do đất nước v.
v… gặp duyên tốt giữ được nhiều thì đó là tăng, gặp duyên xấu tiêu hao đi thì gọi là giảm.
Như thế tăng giảm chỉ là việc của tứ đại chớ không liên hệ gì đến mình cả.
Ngày xưa khi năm, mười tuổi mình thấp chừng tám, chín tấc thì cũng là mình, bây giờ bốn mươi, năm mươi tuổi cao lên cả một thước mấy thì cũng vẫn là mình.
Cao thấp đó là do tứ đại tăng trưởng chớ đâu phải mình có cao, có thấp.
Cao thấp là tướng duyên hợp nhiều ít, còn mình thì vẫn là mình.
Hiểu như thế là ta hiểu lời đức Phật nói Sắc tướng không phải là Như Lai.
Nếuchấp sắc tướng là Như Lai thì khi sắc tướng tan rã Như Lai đâu còn.
Bởi sắc tướng là duyên hợp nên chúng ta đừng chấp sắc tướng là mình, nếu ai chấp sắc tướng là mình là đã quên mất mình rồi.
Nếu không chấp sắc tướng là mình thì có đẹp cũng không tự cao, có xấu cũng không tủi hổ, đẹp xấu chỉ là sắc tướng đầy đủ hoặc thiếu kém… Nếu hiểu như vậy tức chúng ta thoát ngoài hai cái khổ: Đẹp thì sanh kiêu mạn, xấu thì sanh tự ti.
Như vậy lúc nào mình cũng an ổn, cả khi gần tắt thở mình cũng an vui.
Tại sao? Vì đó là sắc tướng hết duyên nên hoại chớ đâu phải mình hoại.
Trái lại nếu nhận sắc tướng là mình thì khi sắp hoại sẽ khổ sở vô ngần, vì thấy mình sắp mất nên kinh hoàng.
Quí vị thấy khi ta nhận sâu được lý kinh rồi mới thấy đúng lẽ thật, do đó lòng ta an ổn trước những cảnh mà thiên hạ hoảng hốt.
Đó là điều thiết yếu cho cuộc sống.
Thế nên hiểu đạo thì sống an lành.
Chúng ta hiện nay vì không hiểu đạo nên cứ bám vào sắc thân, cho nó là mình nên khi nó tăng hoặc nó có gì thay đổi hơn người thì tự hào, tự mãn hoặc sanh khinh mạn, khi nó thiếu kém thì xấu hổ, buồn tủi, tự ti, đó là điều lầm lẫn.
Tóm lại nếu còn chấp sắc, chấp tướng thì không thấy Như Lai, nhưng Như Lai đây không phải là đức Thích-ca, vậy không thấy Như Lai nào? Như Lai mà mỗi người tự có đó!.
Truyện đánh dấu
Nhấn để xem...Truyện đang đọc
Nhấn để xem...