Kim Ốc Hận

Ngày thứ hai, thuyền vượt qua Hoàng Hà tiếp tục xuôi nam. Ở
trên thuyền nghe tiếng sóng Hoàng Hà xô rào rạt chấn động lòng người. Thuyền tiếp
tục đi về phía trước, quả nhiên thấy những cánh rừng đào trùng điệp mấy dặm liền,
tiếc rằng đã hết mùa, hoa đào đã tàn tạ chỉ còn lại cành lá xanh biếc thoang
thoảng hương thơm.

“Thật đáng tiếc.” Trần A Kiều liền buông tay thả rèm xuống,
“Nếu còn hoa đào nở thì nhất định là rất đẹp.”

Lưu Triệt ôm lấy nàng dỗ dành, “Nếu Kiều Kiều muốn thì đầu
xuân sang năm lại đến xem cũng được mà.”

“Bệ hạ”, A Kiều đưa mắt nhìn y, “Người cho rằng người đi tuần
một chuyến là rất dễ dàng có phải không? Người không biết ngân khố phải chi bao
nhiêu tiền hay sao mà sang năm lại đi nữa? Người tỉnh lại đi. Thiếp sợ Tang tư
nông lấy đao chém thiếp đó.”

Lưu Triệt cười lạnh một tiếng, nói: “Hắn dám.” Ánh mắt của y
có chút thâm trầm. Nàng thầm than đã lỡ lời, đang định nói mấy câu vớt vát thì
bỗng nghe thấy phía ngoài có tiếng người thốt lên, “Mười dặm sông dài hoa đào
ngút trời! Quả nhiên là danh bất hư truyền!” Cả đoàn nghi trượng xôn xao, ngay
cả xe ngự cũng từ từ dừng lại. Tất cả mọi người đều ngạc nhiên, giờ đã là đầu
mùa hè thì lấy đâu ra hoa đào? Song cảnh tượng khi vén rèm lên lại khiến mọi
người sững sờ. Những quầng mây lớn đỏ rực tựa như hoa đào hiện lên rõ ràng trên
bầu trời cao trông như một dòng suối mây đang từ từ chuyển động, đẹp không thể
tả xiết.

Lưu Triệt ngồi sau nàng cũng nhìn thấy, khẽ ồ lên một tiếng,
“Xem ra trời xanh cũng không muốn để cho Kiều Kiều qua sông này phải tay trắng
mà về, dù không thể khiến hoa đào nở nhưng lại sinh ra dòng sông mây để cho Kiểu
Kiều chiêm ngưỡng.”

Câu nói vô cùng ngọt ngào nhưng A Kiều lại không cảm thấy
vui sướng. Nỗi lòng nàng cứ chìm dần, chìm dần xuống, cuối cùng lại mỉm cười.
Điều gì phải đến thì sẽ đến, chẳng phải vậy sao? Nàng luôn biết rằng ở nơi này
có một người con gái sẽ xuất hiện trước mặt Lưu Triệt rồi giành được sủng ái,
cuối cùng sinh ra một người con trai trở thành hoàng đế Đại Hán kế nhiệm. Nhưng
đó không phải là bây giờ mà là sáu năm sau.

Sáu năm sau thì nàng đã già rồi. Liệu Lưu Triệt có tách khỏi
nàng để bước theo con đường lịch sử vốn có, xóa sạch tất cả mọi dấu tích về bọn
họ? Nàng không biết. Nàng chỉ nghĩ rằng lịch sử đã bị bọn họ làm biến đổi đến
hình thái như ngày hôm nay thì liệu người con gái kia có thể cũng biến mất ở
trong buổi hồng hoang của lịch sử? Nhưng cô ta vẫn xuất hiện trong tầm mắt của
bọn họ, có điều là sớm hơn sáu năm. Quả nhiên, có thuật sĩ chạy đến trước xe ngự,
dập đầu nói: “Chúc mừng bệ hạ. Chúc mừng bệ hạ. Suối mây lành may mắn này là
phúc tướng trời sinh, báo hiệu Đại Hán ta muôn đời hưng thịnh.”

“Hơn nữa”, lão hơi ngẩng đầu lên liếc nhìn Trần hoàng hậu ở
bên cạnh Hoàng đế, hơi do dự một chút rồi nói: “Bần đạo thấy điềm mây này có
nghĩa là nơi đây tất có kỳ nữ hiện thế.”

“Ồ”, Lưu Triệt nửa cười nửa không nói, “Bàn về kỳ nữ, chẳng
lẽ còn có cô gái nào đặc sắc hơn cả hoàng hậu của trẫm sao?”

“Hoàng hậu nương nương tất nhiên là một kỳ nữ thế gian hiếm
có”, phương sĩ không dám ngẩng đầu nhưng vẫn nói: “Nhưng vì sao mây lành không
xuất hiện ở nơi khác mà lại xuất hiện đúng lúc Hoàng đế qua sông Hoàng Hà chứ?
Có thể thấy rằng kỳ nữ này khác hẳn những người khác.”

“Nếu như thế”, Lưu Triệt quyết định, “thì hôm nay nghỉ lại
nơi này. Cho người đi tìm kỳ nữ đó đến.”

Trần A Kiều không nhịn được quay đầu lại nhìn Lưu Triệt.
Nàng không tin vào lời nói mây lành phúc tướng gì đó. Nàng chỉ từ ghi chép
trong lịch sử mà cảm thấy Triệu Câu Qua thật sự là một người con gái có dã tâm,
giỏi cơ mưu, biết quyền biến, thế nhưng cô ta không hiểu rõ về lòng dạ sắt đá
tuyệt tình của Lưu Triệt, cho dù có thành công cũng chẳng còn tính mạng để hưởng
thụ. Nhưng một người con gái dám liều mạng đánh cuộc lớn và nguy hiểm như vậy
thì điều cô ta muốn chắc không phải là hưởng thụ mà chỉ là thành công mà thôi,
để cuối cùng bánh xe lịch sử sẽ chuyển động theo ý chí của mình. Đó sẽ là một
thành tựu vô cùng lớn lao. Lưu Triệt sẽ tin là thật? Hay y chỉ cho đây là câu
chuyện cười do một người tự diễn?

Lưu Triệt cảm nhận được ánh mắt của nàng, cười một tiếng trấn
an: “Chẳng có việc gì thì cứ để xem thế nào.”

Nàng chợt thấy lạnh toát trong lòng. Lần trước lúc gặp thuật
sĩ Loan Tử thì y cũng nói như thế, kết quả là gây ra sóng gió rung trời. Sau
khi vào hành cung, phương sĩ lại tới khấu đầu nói: “Bần đạo xem điềm mây thì cô
gái này phải ở Hà Gian phía đông nam sông Hoàng Hà, chỉ là nơi đó rất đông người,
trong thời gian ngắn chắc không tìm được….”

Dương Đắc Ý thấy Lưu Triệt tỏ vẻ lãnh đạm thì vội vàng
trách, “Vậy thì sai người cố gắng tìm đi. Bệ hạ là hoàng đế Đại Hán cho dù cô
ta là ai cũng không có thể để cho bệ hạ phải đi về hướng đông nam tìm gặp được.”
Phương sĩ toát mồ hôi đầm đìa, vâng dạ lui ra. Ngày thứ hai thì bên dưới báo
lên rằng quả nhiên tìm được ở Hà Gian một người con gái họ Triệu vô cùng diễm lệ,
nghe nói thuở nhỏ hai tay bị tật luôn nắm chặt không thể mở ra.

Lưu Lăng đang đánh cờ với Trần A Kiều ở trong điện của hành
cung. Nàng hạ một nước cờ, oán hận nói, “Đáng tiếc là không ngờ cô gái họ Triệu
lại xuất hiện sớm những sáu năm nên chưa thu xếp thỏa đáng được. Bây giờ thì
không thể động thủ vì sẽ để lại quá nhiều dấu vết.”

Đã đến nước này thì Trần A Kiều trái lại rất bình thản, chỉ
nói: “Hãy thuận theo tự nhiên đi.”

“Thật ra”, Lưu Lăng hạ cờ cực nhanh, nói giọng đầy suy tư
“giữa Lý Nghiên và Triệu Câu Qua thì muội thích Lý Nghiên hơn một chút. Mặc dù
cả hai đều có thủ đoạn nhưng Lý Nghiên không bố trí và có dã tâm lớn như vậy.”


Trần A Kiều bật cười, nghe Lục Y vén rèm bẩm, ‘Nương nương,
bệ hạ đã tuyên cô gái họ Triệu lên điện rồi.” Nàng chỉ khẽ ồ lên một tiếng.

“Nương nương”, Lục Y nói gấp gáp, “Tại sao người lại không
lo lắng một chút nào vậy?”

Nhìn vào thế trận này, chỉ cần cô gái họ Triệu đủ xinh đẹp
khiến cho Lưu Triệt thấy yêu thích thì rất có thể sẽ được nhận vào hậu cung. Dù
sao thì có hoàng đế nào kháng cự nổi một kỳ nữ được trời cao mách bảo? Hơn nữa
bệ hạ lại rất kính ngưỡng quỷ thần.

“Lo lắng thì có tác dụng sao?” Nàng không ngẩng đầu lên mà
chỉ hỏi lại khiến cho Lục Y im bặt.

Những năm qua nàng vẫn âm thầm quan sát thân thể trải qua mấy
lần đại nạn nhưng lại già đi rất chậm. Tính ra thì thời gian ước chừng hai năm
đối với người khác chỉ bằng nàng trải qua một năm. Nàng không hỏi được ai, chỉ
có thể thầm suy tính do trong cơ thể mình có hai linh hồn. Cho tới bây giờ cơ
thể của nàng cũng khoảng ba mươi ba tuổi. Mặc dù ba mươi ba chưa thể coi là
già, tóc nàng vẫn đen nhánh có thể soi gương nhưng dù sao cũng đã qua thời đẹp
nhất của người con gái. Nàng muốn được ở bên cạnh y cho đến lúc bạc đầu, nhưng
nếu đến lúc bạc đầu thật rồi lại bị ruồng bỏ thì nàng làm sao chịu đựng nổi? Thế
nên nếu muốn đoạn tuyệt thì nên làm luôn khi còn trẻ cho xong. Lúc này, nếu như
y sinh lòng đứng núi nay trông núi nọ thì nàng còn có thể dùng lý trí đào thải
y ra khỏi trái tim, biết tự trân trọng mình. Chỉ là rất khó vượt qua đau thương
mà thôi.

Lưu Lăng trông thấy ánh mắt của nàng, thầm than một tiếng.
Nàng đứng trước cửa sổ, nhìn theo cô gái đang cúi đầu theo viên nội thị đi
xuyên qua hành lang vào gặp mặt vua. Mặc dù cô gái cúi đầu nhưng vẻ thùy mị của
cô vốn không phải ở dung nhan, chỉ nhìn dáng người cũng thấy nét thanh xuân
phơi phới. Còn nàng và A Kiều thì đều đã sắp già rồi. Hồng nhan dù có xinh đẹp
nhưng với thời gian thì cũng dần hóa thành xương khô. Tay của Triệu Doanh Mi[1]
nắm thật chặt. Nàng từ xa nhìn lại mà dường như vẫn có thể trông thấy trên bàn
tay mảnh dẻ hiện lên những làn gân xanh chằng chịt. Buồn tẻ và nhạt nhẽo!

[1] Doanh Mi là tên tự của Câu Qua.

Triệu Doanh Mi vào trong điện liền ngửi thấy một mùi thơm
thoang thoảng mát dịu. Dưới tấm màn lụa nhiều tầng có một lư hương hình Thao
Thiết[2] bằng đồng xanh đang tỏa ra những làn khói xanh nhàn nhạt lững lờ bay
lên trông rất đẹp mắt. Người ngồi trên điện chính là vị hoàng đế tôn quý nhất của
đế quốc. Cô hơi thả lỏng tay, khầu đầu, “Dân nữ Triệu Doanh Mi khấu kiến bệ hạ.”

[2] Thần thú Thao Thiết cổ xưa theo truyền thuyết là một
trong chín đứa con của rồng, một linh vật có đôi mắt to, miệng rộng, dáng vẻ kỳ
lạ. Đặc điểm nổi bật của Thao Thiết là tham ăn vô độ, gặp gì ăn nấy, cuối cùng
cũng chết vì ăn.

Ở trên điện, Hoàng đế khẽ ồ một tiếng, lệnh xuống: “Ngẩng đầu
lên xem.” Y nói bằng giọng hơi trầm, có vẻ thờ ơ.

Lưu Triệt liền thấy cô gái bên dưới điện từ từ ngẩng đầu,
hàng mi lá liễu, đôi môi đỏ mọng, da trắng như tuyết lại tựa như được tráng một
lớp men sứ trông nõn nà bóng mượt. Y ngắm kỹ một lúc mới hỏi, “Trẫm nghe nói rằng
từ nhỏ ngươi đã không thể xòe hai bàn tay ra được phải không?”

Triệu Doanh Mi thấy bậc đế vương ngồi trên ghế ngự đã không
còn trẻ, khuôn mặt sắc sảo, đôi môi rất mỏng, vô tình đến mức hấp dẫn thì im lặng
một hồi rồi cúi đầu đáp: “Không dám dối lừa bệ hạ, đúng là như vậy.”

Lưu Triệt liền ra ý bảo nội thị ở phía sau tiến đến bên cạnh
Triệu Doanh Mi. Triệu Doanh Mi dịu dàng đưa tay ra, nội thị thử gỡ các ngón tay
một lát rồi quay lại bẩm, “Bệ hạ, quả nhiên không duỗi ra được.”

“Ồ.” Lưu Triệt cảm thấy phấn khích bèn đích thân đi xuống. Y
vừa trông thấy đôi tay mềm mại như không có xương cốt kia thì không hiểu tại
sao lại thấy cặp mắt của A Kiều như hiện lên trước mặt, vừa có vẻ độ lượng, vừa
có chút giận hờn, chợt lóe rồi biến mất. Y đích thân dùng tay duỗi ngón tay cô
ra, da thịt nóng hổi vừa chạm vào nhau thì gương mặt Triệu Doanh Mi liền đỏ bừng
lên từng mảng. Y tựa như không phải dùng chút sức lực nào mà bàn tay cô vẫn tự
nhiên xòe ra, trong lòng bàn tay có một viên ngọc trong suốt, dưới ánh nến phát
ra ánh sáng lóng lánh.

Trần A Kiều đang chơi cờ vây với Lưu Lăng ở điện Tây, mặc dù
nét mặt vẫn tỏ ra hững hờ nhưng trong lòng lại có vẻ thấp thỏm. Lưu Lăng khoát
tay một cái xóa ván cờ đi rồi thở dài nói, “A Kiều, nếu thấy không yên tâm thì
hãy đến đó xem thế nào. Thế còn tốt hơn là người một nơi mà hồn một nẻo.”

Nàng ngơ ngác một lúc rồi cười khổ nói, “Rốt cuộc là tỷ vẫn
còn lưu luyến.” Nàng vứt quân cờ xuống, tâm tư rối loạn ưu phiền. Nàng không muốn
đến xem hai người đang làm gì ở đó, cũng không muốn ngồi ở đây thở ngắn than
dài, bỗng nhiên đứng bật dậy nói, “Lăng Nhi, đi cưỡi ngựa với tỷ đi,” Lưu Lăng
biết nàng không thoải mái, lắc đầu nói, “Thôi, tỷ đi một mình ra ngoài hít thở
không khí trong lành cũng tốt.”

Nàng đến chuồng ngựa, cưỡi lên một con rồi phi ra ngoài hành
cung. Cung nhân không dám ngăn cản vội vàng chạy đến chính điện thông báo cho
Hoàng đế. Dương Đắc Ý nghe vậy thì không dám chậm trễ, vội vàng vén rèm bước
vào ghé sát tai Lưu Triệt nói khẽ, “Bệ hạ, Trần hoàng hậu cưỡi ngựa xuất cung rồi.”

Lưu Triệt lập tức buông tay Triệu Doanh Mi ra. Triệu Doanh
Mi quỳ ngay sát gần Hoàng đế, gần đến mức có thể nhìn thấy những đường chỉ đen
tỉ mỉ trên áo bào của Hoàng đế. Cô loáng thoáng nghe thấy người nọ đến gần nói
thầm vào tai Hoàng đế những câu gì đó, trong đó có chữ hoàng hậu. Bệ hạ khẽ “ồ”
một tiếng, hơi nhếch miệng cười nhạt, nếu cô không nhìn lầm thì nụ cười đó lại
có phần mang vẻ hân hoan.

Lòng cô bỗng nhiên trầm xuống. Phụ thân của cô từng là quan

thủ vệ cửa Hoàng môn của cung Vị Ương. Sau khi mẫu thân sinh được cô thì phụ
thân không biết vì lý do gì mà lại cung hình, nhậm chức Trung hoàng môn, cuối
cùng thì mắc tội, bị xử tử ở kinh đô Trường An. Đó là thành Trường An phồn hoa
mà mẫu thân thường nói ngựa xe như nước áo quần như nêm.

Khi còn bé, cô thường nghe mẫu thân kể chuyện rằng cho dù
nơi đẹp đẽ trang nghiêm nhất trên thế gian này cũng không thể sánh bằng cung Vị
Ương ở thành Trường An xa xôi đó. Phấn son mà các phi tần hàng ngày tẩy rửa đi
có thể nhuộm nước sông Vị Thủy thành màu hồng tựa như cánh hoa đào. Phụ thân
năm xưa đã nói với mẫu thân như vậy. Mẫu thân là một người kiên cường, phu quân
mất rồi thì đem nhưng điều phu quân đã nói khi còn sống kể lại cho con gái nghe
để con gái có thể có thêm nhiều ấn tượng về phụ thân của mình.

Cô mỗi ngày một lớn lên, dung nhan như hoa như ngọc, trong cả
trăm dặm xung quanh không ai sánh bằng. Tâm cơ của cô cũng sâu sắc tương đồng với
sắc đẹp. Cô nhắm tới tòa cung điện mà phụ thân đã nhắc tới, chỉ khác là cô muốn
vào đó nhưng không phải bằng thân phận nô tài như phụ thân mình mà muốn làm chủ
nhân tòa cung điện đó. Một dung nhan như hoa như ngọc mà bảo cô phải cam tâm chết
già ở chôn quê mùa thì thật quá khó khăn.

Một người mẹ có thể nuôi dưỡng được con gái như vậy thì sao
có thể là một người phụ nữ đơn giản? Trước khi cô đi, mẫu thân đã vuốt ve gương
mặt của cô, sắc mặt lạnh tanh. “Ta không tin” bà nghiến răng nói, “Trần hoàng hậu
đã lớn tuổi như vậy lại có thể hơn được Doanh Mi của ta.”

Đúng thế, cô vừa qua tuần cập kê, sức sống của tuổi trẻ giúp
vẻ đẹp của cô hiện rõ trên từng tấc da thớ thịt. Mà nghe nói Trần hoàng hậu còn
lớn hơn bệ hạ tới hai tuổi. Một người con gái dù có xinh đẹp đến đâu khi đến tuổi
này thì dung nhan cũng phải héo tàn. Cô chưa từng nghĩ rằng bệ hạ sẽ không vừa
ý về mình. Để tiến vào tòa cung điện cho bệ hạ ngắm nhìn dung nhan kiều diễm của
cô, mẹ con cô đã đánh cuộc bằng cả tính mạng của mình. Lập ra những thủ đoạn lớn
như vậy, đánh cược bằng cái giá lớn như vậy, nếu không có kết quả gì thì điều
gì sẽ đợi chờ hai người?

Ánh sáng từ cửa điện hắt vào, chiếu lên khuôn mặt nghiêng
nghiêng của bệ hạ để lại một cái bóng mờ với đường cong ưu nhã nhưng vô tình. Y
cười nhạt nói: “Nếu như thế thì Đắc Ý hãy theo trẫm đi tìm Hoàng hậu.” Y chắp
tay đi ra ngoài cửa. Dương Đắc Ý ngạc nhiên gọi hỏi, “Bệ hạ, xử trí cô gái họ
Triệu này như thế nào?”

Triệu Doanh Mi lúng túng quỳ gối trên điện. Hoàng đế hờ hững
quay đầu lại nhìn cô, đôi mắt đen nhánh như một hố sâu không nhìn thấy đáy. Y lạnh
lùng nói: “Cô ta có ý phạm tội khi quân. Lệnh cho Kỳ Môn quân dẫn đi, ban cho
được chết.” Triệu Doanh Mi quá sợ hãi, ngã xoài ra trên mặt đất, nước mắt đầm
đìa, giọng nói thê lương, “Bệ hạ, dân nữ đâu dám làm như thế?” sắc mặt cô trắng
bệch, khóc sướt mướt như hoa lê dưới mưa rất đáng thương. Tiếc rằng Lưu Triệt lại
không mảy may động lòng, chỉ cười lạnh nói, “Sao vậy? Nếu ngươi không dám thì
sao dám thăm dò ý trẫm.”

Từ lúc chưa gặp cô, trong lòng Lưu Triệt đã nổi sát ý. Một
dân nữ huy động được lực lượng như thế thì có thể thấy là tâm tư tuyệt đối không
đơn giản. Y đã không thể nào thu nạp thì nhất định phải nhổ cỏ tận gốc, nếu
không thì dù Đại Hán dưới sự cai trị của y lúc này đang vững vàng như núi Thái
Sơn nhưng nếu có kẻ lợi dụng danh tiếng kỳ nữ trời sinh của cô gái này thì chưa
hẳn sẽ không gây ra chuyện. Y là đế vương, vẫn luôn thà giết lầm vạn người chứ
không thể bỏ sót một người. “Hơn nữa”, Lưu Triệt trầm ngâm nói, “Bành Thông nói
năng bậy bạ, cũng ban cho được chết.” Y nói dăm ba câu xử trí hai mạng người
xong thì không nói gì nữa mà cứ thế bỏ đi.

Trần A Kiều cưỡi tuấn mã phi thẳng một mạch về hướng sông
Hoàng Hà. Nàng giục ngựa điên cuồng, không cần biết đến những thị vệ đi theo
phía sau, cảm giác thấy gió sương phương bắc mát lạnh quất vào mặt khiến tinh
thần sảng khoái, tất cả những sức mạnh sinh lực vốn bị thương bệnh đoạt đi đã
trở về cùng với lần phi ngựa sảng khoái này. Chỉ chốc lát sau, nàng vừa nghe thấy
tiếng sóng sông Hoàng Hà rào rạt vang lên bên tai thì cũng liền thấy nước Hoàng
Hà chảy cuồn cuộn trước mắt. Nàng kéo cương thắng ngựa dừng lại, bỗng nhiên bật
cười vang.

Cần gì phải đa sầu đa cảm như vậy? Cứ để cho nước Hoàng Hà
cuốn trôi đi tất cả những buồn bực phiền muộn ở trong lòng. Thế gian nay còn có
rất nhiều cảnh đẹp hoành tráng, chỉ vì lòng nàng còn quá câu nệ nên chưa được
thấy mà thôi. Thời đại này còn rất sớm, sông Hoàng Hà chưa bị đục như đời sau.
Nước sông trong đục lẫn lộn, gầm thét chảy về phía trước.

Sóng nước Hoàng Hà chảy ầm ầm khiến nàng không nghe thấy tiếng
vó ngựa lộp cộp phía sau nhưng nàng bỗng như có linh tính quay đầu nhìn lại, thấy
có một đoàn người ngựa từ phương xa chạy tới, Con tuấn mã chạy trước tiên có
màu đen nhánh như một con thần mã. Nàng nhìn người cưỡi ngựa thì trái tim đập rộn
ràng. Ngoài y ra, còn người nào xuất hành mà lại dẫn theo nhiều tùy tùng như vậy?
Nàng vừa mới nói cần phải thả lỏng tâm hồn nhưng lúc này lại không nhịn được,
khóe mắt bờ môi đều nhiễm vẻ hân hoan. Một nụ cười đẹp như tranh khiến Lưu Triệt
nhìn đến cơ hồ mê mẩn.

Đoàn thị vệ tháp tùng đến cách khoảng ba mươi thước thì đồng
loạt ghìm cương lại, riêng một mình Lưu Triệt giục ngựa tiến về phía trước đến
bên cạnh nàng. “Kiều Kiều”, y mỉm cười nói, “Trẫm thật sự rất vui, rốt cục
trong lòng nàng vẫn còn có trẫm.”

Giọng nói của y không nhỏ nhưng ở gần sông Hoàng Hà chỉ
trong gang tấc nên bị tiếng sóng át đi. A Kiều không nghe thấy rõ nhưng nhìn
ánh mắt và nụ cười của y thì cũng đoán được rõ ràng. Mười ba năm rồi. Từ khi gặp
lại hồi năm Nguyên Sóc thứ sáu đến lần đi tuần thú năm Nguyên Phong nguyên
niên, đã đủ mười ba năm tròn. Trong mười ba năm đó, nàng cứ ơ hờ nhìn y đến rồi
đi, không màng được thua, không buồn không vui. Rốt cục phải trải qua mười ba
năm ròng nàng mới để tâm trở lại, tuy rằng còn xa mới cực kỳ chấp nhất như thời

niên thiếu nhưng cả hai người đều hiểu rõ ràng ý nghĩa của nó. Tất nhiên, nếu
nàng không mang lòng yêu thương đối với người đàn ông trước mắt này thì tại sao
lại để tâm như vậy?

Nàng im lặng hồi lâu rồi chợt hỏi, “Người đem…?”

Nàng đột nhiên im bặt, bỏ lửng câu hỏi. Tất nhiên, y đã xuất
hiện ở nơi này thì còn cần gì phải hỏi nữa. Lưu Triệt như hiểu được ý của nàng
thản nhiên nói, “Kiều Kiều sẽ không gặp lại cô ta nữa.” Ánh mắt y thoáng hiện
lên một tia tàn khốc. A Kiều một lúc sau mới hiểu, ngạc nhiên nói: “Cần phải vậy
sao?” Cô gái kia tuy có dã tâm quá lớn nhưng cũng không đáng tội chết.

Nhưng nàng không phải là người quá lương thiện, huống chi
nghĩ ra thì cũng hiểu cho ý tứ của Lưu Triệt. Lưu Triệt là bậc đế vương tôn
nghiêm, y không thể dung tha cho kẻ dưới to gan dám tính kế với mình, huống chi
kẻ đó lại không đơn thuần chỉ là một cô gái muốn được ân sủng.

Sóng nước Hoàng Hà ầm ào mãnh liệt, đám thị vệ ở ngoài xa
không nghe thấy bọn họ nói gì. Chính bản thân hai người cũng phải nói lớn mới
có thể nghe được tiếng của nhau. Lưu Triệt giục ngựa tới gần, vươn một tay ra bế
nàng sang ngồi trước người mình. Con ngựa ô bọn họ đang cưỡi hí vang lên, quất
đuôi tựa như bất mãn về việc tăng thêm trọng lượng trên lưng mình. Song đối với
Lưu Triệt, A Kiều lại rất nhẹ, nhẹ đến mức y cảm thấy vươn tay ra bế nàng cứ nhẹ
tênh tênh chẳng tốn chút sức lực nào.

“Lưu Triệt”, A Kiều ngồi yên trong lòng Lưu Triệt, khẽ gọi.
Hai người ở sát bên nhau nên Lưu Triệt nghe tiếng nàng nói: “Người nhìn xem, thế
nước sông Hoàng Hà mãnh liệt, một khi tràn bờ thì mấy ngàn dặm ruộng vườn đều sẽ
bị phá hủy mất. Tai họa do con người gây ra còn tránh được chứ thiên tai thì biết
tránh đi đâu. Ở trước mặt thiên nhiên, sức người thật là nhỏ bé.”

Lưu Triệt trầm ngâm giây lát rồi nói: “Trẫm lại tin tưởng mọi
việc đều có cách giải quyết. Việc trị thủy, cho dù trẫm không thể nào hoàn
thành nhưng còn có con cháu muôn đời sau nữa. Trẫm tin tưởng, giang sơn Đại Hán
sẽ được con cháu của trẫm và Kiều Kiều kế tục, cuối cùng sẽ có một ngày giải
quyết được việc này.”

Nàng ở trong lòng y, mỉm cười tươi tắn. Nàng biết rõ việc trị
thủy là đại nghiệp muôn đời, cho dù ngàn năm sau vẫn không thể giải quyết thích
đáng. Nhưng người này lại tự tin đến như vậy, một sự tự tin mãnh liệt mà những
người khác khó có thể sánh được. Lưu Triệt, nàng nhủ thầm trong lòng, lúc này
người đã đến bên ta vậy thì ta cũng nên nhường nhịn người một chút. Từ nay về
sau, ta sẽ thật lòng coi người là chồng, là vua của ta. Kính trọng người, yêu
thương người, tin tưởng người. Ta mong rằng sẽ đợi được đến khi chúng ta bạc đầu
để hồi tưởng lại những chuyện trong cuộc đời này một lần xem điều gì là vĩnh viễn
không quên? Là những tổn thương thuở còn niên thiếu hay là những cơn gió không
ngừng trên bờ sông Hoàng Hà hôm nay? Tới lúc đó thì có lẽ ngay cả những tổn
thương cũng có thể mỉm cười nhớ tới. Chỉ cần người không phụ ta thì ta vĩnh viễn
không phụ người. Những tổn thương đã từng có sẽ tồn tại không cách nào xóa đi
được. Ta cũng không có khả năng xóa chúng đi, chỉ là từ nay về sau ta sẽ chôn
chặt chúng vào ký ức, chỉ cần người không khơi ra thì ta sẽ không đụng tới. Hãy
để chúng ta nhìn xem thời gian có thể vùi chôn được ký ức hay không? Chúng ta đều
sắp già rồi.

Con ngựa hai người đang cưỡi rong ruổi dọc theo bờ sông
Hoàng Hà. Vô số thị vệ đi theo cách chừng mười trượng phía sau bảo vệ Hoàng đế
và Hoàng hậu của đế quốc Đại Hán. Đúng vậy, Hoàng đế và Hoàng hậu.

Nàng thả lỏng người, khẽ tựa vào ngực Lưu Triệt. Lồng ngực
Lưu Triệt rất rộng khiến nàng tin tưởng rằng nếu có sóng gió thế nào thì y vẫn
có thể che chở cho nàng. Thật là kỳ quái, tất cả những phong ba bão táp của
nàng đều phát sinh từ người đàn ông này nhưng trong một khoảnh khắc, nàng lại
không khỏi cảm thấy y sẽ ngăn gió che mưa cho nàng. Nàng chợt nhớ tới một câu
thơ đã đọc trong sách cổ từ thuở nhỏ, “Núi có cây và cây có cành.”

“Triệt Nhi”, nàng bỗng động tâm, ngoảnh lại nói: “Thiếp sẽ
hát một khúc nhé. Người có muốn nghe không?”

Y hơi cúi đầu xuống, nhìn vào lúm đồng tiền của nàng, âu yếm
nói, “Nàng hát đi.”

Gió Hoàng Hà ào ào thổi qua làm cho búi tóc của nàng xô ra,
hơi xốc xếch nhưng nhìn rất nữ tính. Nàng suy nghĩ một chút rồi xướng lên giai
điệu kia, giọng hát thánh thót.

“Mặt nước xanh sóng gợn

Vua cứ hoài ưu tư

Lòng có bao phiền muộn

Để mặc gió cuốn đi”

Trong cuộc đời mình, nàng đã nghe rất nhiều bản tình ca
nhưng đến giờ cuối cùng thì nàng lại chọn một bài theo phong cách cổ. Năm xưa
khi xuyên qua ngàn năm đi tới triều đại cổ xưa này, nàng có bao giờ ngờ được
mình sẽ có kết cục như vậy?

“Giở lại trang sách sử

Ba năm lại ba thu

Gió Bắc gieo giá lạnh

Miên man kể nỗi sầu

Chung sống đến đầu bạc

Tử sinh đáng gì đâu

Ngàn năm đã qua hết

Tỉnh mộng lại u sầu”

Đứng trên bờ Hoàng Hà nhìn ra thấy bốn phía là một vùng đồng
đất mênh mông. Đang đầu mùa hè, khắp nơi đều là màu xanh mơn mởn, bừng bừng sức
sống. Nàng dần tin rằng nhân duyên do số mệnh sắp đặt.

“Thuyền Bách Chu rời bến

Theo sóng gió phiêu lưu

Trải qua bao con nước

Quên mất cả Ngũ Châu”


Nàng đã từng không chịu phục khi bị cuốn vào trong vòng xoáy
vận mệnh. Dựa vào cái gì mà vận mệnh lại chọn đúng nàng trong thế giới có hàng
ngàn vạn con người chứ? Vào những thời điểm then chốt, phải lựa chọn như thế
nào thì nàng cũng không có gì để đối chiếu. Cuộc đời ẩn chứa quá nhiều biến số,
nàng lại chỉ lựa chọn dựa theo tâm ý, sau đó cẩn thận làm theo lựa chọn của
mình còn kết quả ra sao thì không quá để ý.

“Xin ở cùng với thiếp

Đến răng long bạc đầu

Gió vẫn không ngừng thổi

Cuốn bay hết ưu sầu

Nghe câu chuyện ngày trước

Ngỡ là giấc chiêm bao

Thương người ở trước mắt

Chẳng nỡ rời tay đâu”

Nàng vẫn hy vọng là sẽ có một kết cục tốt đẹp, có thể bạc đầu
răng long, có thể quên hết ưu sầu, có thể… vĩnh viễn chẳng phân ly. Hy vọng như
vậy có phải là quá tham lam không?

Nhưng có câu rằng phải có niềm tin thì mới có thể tồn tại.
Nàng ở trong một chỗ bình yên ấm áp ngẩng đầu lên, dọc theo sông Hoàng Hà ở
phía trước rất xa hình như có mục đồng đang thổi sáo, một khúc tình quê êm đềm
nhưng tràn đầy vui sướng. Nếu tin tưởng và vui vẻ thì sẽ gặp nhiều hạnh phúc.
Và câu chuyện tình đẹp nhất triều Hán Vũ Đế đã kết thúc trong bài hát êm đềm
này.

Mặt nước xanh sóng gợn

Vua cứ hoài ưu tư

Lòng có bao phiền muộn

Để mặc gió cuốn đi

Xin ở cùng với thiếp

Đến răng long bạc đầu

Gió vẫn không ngừng thổi

Cuốn bay hết ưu sầu

Nghe câu chuyện ngày trước

Ngỡ là giấc chiêm bao

Thương người ở trước mắt

Chẳng nỡ rời tay đâu

Núi lưng trời cao vút

Thôn quê suối xanh màu

Tiếc chuyện không tên cũ

Đến nay lại quay đầu

Ánh trăng sáng vằng vặc

Soi bóng thành ba người

Ngàn năm đã qua hết

Tỉnh mộng thấy u sầu

Thuyền Bách Chu rời bến

Theo sóng gió phiêu lưu

Trải qua bao con nước

Quên mất cả Ngũ Châu

Xin ở cùng với thiếp

Đến răng long bạc đầu

Gió vẫn không ngừng thổi

Cuốn bay hết ưu sầu

Nghe câu chuyện ngày trước

Ngỡ là giấc chiêm bao

Thương người ở trước mắt

Chẳng nỡ rời tay đâu

Tham khảo trang sách sử

Ba năm lại ba thu

Gió Bắc gieo giá lạnh

Miên man kể nỗi sầu

Chung sống đến đầu bạc

Tử sinh đáng gì đâu

Ngàn năm đã qua hết

Tỉnh mộng lại u sầu.

(Nỗi nhớ không tên – Kinh thi)


Truyện đánh dấu

Nhấn để xem...

Truyện đang đọc

Nhấn để xem...
Nhấn Mở Bình Luận