Mậu Văn nói giọng thành thực lễ độ, nhằm xoáy sâu vào tâm lý đối phương.
Uông Nhất Bằng cười ha hả nói :
- Thật không ngờ các ha niên kỷ còn trẻ, dáng vẻ thư sinh, đối với đạo võ công lại có kiến giải tinh diệu như vậy. Ha ha, không giấu gì các hạ, huynh đệ ta hôm đó thực sự không phục, nhưng nể mặt tôn trưởng cô ta mà nén giận.
Đến hôm nay gặp được các hạ, nghe những lời cao luận của các hạ, mới cảm thấy nhẹ trong lòng. Ha ha, các hạ thật là võ lâm tri kỷ của huynh đệ ta.
Mậu Văn mỉm cười tiếp lời :
- Tiểu nhân chỉ thấy sao nói vậy, nhị vị nếu gọi tiểu nhân bằng hai chữ tri kỷ, tiểu nhân sao xứng đáng được nhận vinh hạnh đó.
Chàng ta cố ý than một tiếng, nói tiếp :
- Tuy nhiên, thói đời ngang trái. Mao cô nương niên kỷ còn nhỏ, không những không biết kính trọng tôn trưởng, mà còn... mà còn...
Uông Nhất Bằng buột miệng hỏi :
- Các hạ và ta tuy buổi đầu sơ giao, nhưng cứ xem như là tri giao, có gì xin các hạ cứ nói ra đi.
Mậu Văn lắc đầu than :
- Hôm đó, khi nhị vị đại hiệp đi. Mao cô nương nếu hiểu đạo lý một tí, phải nên có đôi lời xin nhị vị rộng lòng khoan dung. Nào ngờ nhị vị vừa đi, cô ta lại tuông lời xỉ mắng, còn nói rằng võ lâm hôm nay đã thuộc về Mao gia...
Uông Nhất Bằng thần sắc chợt biến, Uông Nhất Minh bình tĩnh suy nghĩ :
- “Thiếu niên này và ta không quen biết, lại kết giao với ta, còn tỏ ra cung kính, lẽ nào có dụng ý gì chăng?”
Nghe Mậu Văn nói tiếp :
- Chuyện đó với tiểu nhân vốn không quan hệ gì, có những điều đáng lẽ tiểu nhân cũng không nên nói ra. Nhưng thấy những chuyện trước mắt như vậy, trong lòng cứ ấm ức mãi, không nói ra không được.
Uông Nhất Minh thầm nghĩ :
- “Đúng rồi, người này và ta không có quan hệ gì, đối với Mao Cao cũng không thù địch, ắt hắn ta không có dụng ý gì”.
Mậu Văn giọng căm tức :
- Thoạt tiên tiểu nhân cho rằng Mao cô nương tuổi trẻ vô trí... Nào ngờ... ôi, phụ thân của cô ta phát ra những lời còn vô lễ hơn thế nữa. Có vị tính Hồ nói với lão :
- Văn Kỳ làm như vậy, sợ rằng nhị vị Uông lão gia nổi giận.
Không ngờ Mao đại gia lại cười nhạt nói :
- Nổi giận cũng làm gì ai được. Họ đâu dám dụng đến ta. Ôi. Không phải tiểu nhân cố ý nói để lấy lòng nhị vị, lúc đó tiểu nhân nghe vậy, không nén được cơn tức giận, muốn thốt ra vài lời cho hả giận, nếu không có tệ hữu Thạch Lân khuyên ngăn, thì e rằng tiểu nhân hôm đó đã phải chịu nhục dưới tay của cha con Mao gia.
Mậu Văn chậm rãi nói ra từng câu từng chữ nghe đầy vẻ chân thực. Uông Nhất Minh nghĩ đi nghĩ lại, nhận thấy thiếu niên này không có lý do gì để ngụy tạo sự thực. Uông Nhất Bằng càng tin hơn, lúc này lão ta đã giận đến tái mặt, nghiến răng ken két, nói :
- Lão nhị, chuyện này không thể nhẫn nhịn được nữa, hừ. Ta đã biết trước lão tính Mao kia không thực lòng đối với bọn ta. Hắn bảo huynh đệ ta đến Hàng Châu, sợ rằng không có ý tốt đẹp gì.
Mậu Văn ánh mắt chợt rực sáng lên, nhưng liền dịu lại ngay, tiếp lời :
- Lão ta còn nói thế này :
- Lão phu không sợ huynh đệ họ Uông làm loạn, nhưng cũng không nên làm họ quá thương tâm, cho người tìm đến nói vài câu gì là được.
Uông Nhất Bằng tức giận lớn tiếng :
- Lão nhị, lão xem thế nào?
Uông Nhất Minh trong ánh mắt cũng lóe lên sự căm hận.
Mậu Văn lướt nhanh ánh mắt nhìn đối phương, chợt cười lớn chuyển giọng :
- Nói thì nói vậy, nhị vị cũng bất tất ganh đua với bọn tiểu nhân cuồng vọng đó làm gì. Nghe nói phong cảnh ở Tam Tháp tự tuyệt mỹ, hôm nay tiểu nhân xin mời nhị vị cùng thưởng thức phong vị sa môn.
Lúc này chàng làm vẻ như muốn nhân nhượng cho khỏe người.
Vì vậy đã tạo cho Mao Cao có thêm hai cừu địch mới.
Hà Sóc song kiếm cùng với Mậu Văn đi thưởng ngoạn thắng cảnh ở Tam Thập tự, khi trở về Gia Hưng trời đã vào buổi hoàng hôn.
Lúc này Hà Sóc song kiếm càng có thiện cảm hơn đối với chàng phú gia công tử khẳng khái và hiền từ, muốn giữ chân chàng ở lại chung vui một đêm, nhưng chàng ta tỏ lời cám ơn và khéo léo từ chối, nói :
- Tiểu nhân còn có người thân ở gần đây, cần phải đi bái kiến, sáng mai tiểu nhân định quay lại đây bài phỏng hai vị.
Sau khi chàng ta rời khỏi phòng, trong khách điếm lập tức dâng lên cho Hà Sóc song kiếm một mâm yến tiệc rất thịnh soạn, trong đó có kèm một danh thiếp được viết với dòng chữ cung kính :
“Văn bối Mậu Văn kính hiến nhị vị đại hiệp.”
Hà Sóc song kiếm cười thỏa chí, thầm tán thán :
- Hào hoa, khẳng khái, nhiệt tình... thiếu niên này thật xứng đáng là một hảo bằng hữu.
Cưu Thứ tuy không nhìn thấy được nụ cười của họ, nhưng cũng đoán ra được trong lòng họ đang nghĩ gì. Chàng trở về phòng mình, chốc lát sau lập tức có tiếng gõ cửa năm cái liền, biết là huynh đệ của Lương Thượng Nhân đến báo cáo tình hình.
Lương Thượng Nhân còn có biệt hiệu là Cửu Túc Thần Thù (nhện thần chín chân), đệ tử của ông được bủa đi khắp nơi để nghe ngóng mọi tin tức trên giang hồ, nhờ vậy Cưu Thứ mới nắm bắt được mọi tin tức rất nhanh và chính xác.
Cưu Thứ thầm mỉm cười :
- Ha ha, Cửu Túc Thần Thù, nhện thần có chín chân, xem ra lợi hại hơn rắn không chân nhiều (ý ví với Linh Xà Mao Cao. Linh Xà tức là rắn linh).
Chàng cao hứng tới mở cửa, ngoài cửa xuất hiện một gã to mập, thân hình tuy mập phệ, nhưng hoạt động lại rất linh lợi, thoắt người vào cửa, gã ta liền thuận tay đóng cửa lại, cúi người thi lễ, Cưu Thứ xua tay miễn lễ, gã mập cười hì hì nói :
- Công tử thật tài nghệ, đã kết giao được với huynh đệ tính Uông đó. Trương Nhất Thông này tẩu nam hành bắc, xem lại xem đi, trong thiên hạ ngoài Lương đại ca là bậc đại anh hùng, ngôi thứ hai chính là công tử.
Trong lời nói gã ta tuy liệt Cưu Thứ xuống dưới Lương đại ca, nhưng Cưu Thứ đã không tự ái, lại còn cảm thấy hứng thú.
Nhân vì, chàng biết rõ thân thế và địa vị của Cửu Túc Thần Thù Lương Thượng Nhân đối với những tay hảo hán giang hồ này.
Cửu Túc Thần Thù võ công không cao tuyệt, chỉ là kẻ tự nhận là học trò của Thánh Thủ tiên sinh, vì ông ta chỉ được Thánh Thủ tiên sinh chỉ cho vài đường về võ học nhân dịp gặp gỡ vài ngày ngắn ngủi ở Trung Châu, sau khi Thánh Thủ tiên sinh ẩn cư.
Nhưng Cửu Túc Thần Thù lại là người phi thường, ông ta không những luyện tập rất thành thục mấy chiêu đã được truyền đạt, lại còn học một biết ba, tự sáng chế ra những chiêu thức mới.
Ngoài ra, Cửu Túc Thần Thù còn có những điểm khác rất đặc biệt, ông ta giữ lời hứa ngàn vàng, đến chết cũng không cải đổi, vả lại có trí nhớ siêu cường, bất cứ người nào ông ta chỉ cần gặp thoáng qua một lần sẽ nhớ mãi suốt đời.
Ông ta vốn là một người giàu có, một năm tiêu xài đến gia tài vạn bảo, kết giao toàn những loại đâm heo giết chó, ông ta tương giao với nhưng tay hảo hán đó, toàn dựa vào điều nghĩa, để chế phục người, tuyệt đối không hiển lộ ra võ công của mình.
Cách đây hơn mười năm, có tay mổ heo La Nhất Đao ở thành Nam Kinh, vì chuyện hơn bảy mươi chiếc thuyền trước Phu Tử miếu, đã kết thâm thù với Lương Thượng Nhân, tuyên bố sẽ băm Lương Thượng Nhân thành trăm nhát. Bấy giờ Lương Thượng Nhân võ công đã thành đạt, vốn ra tay một cú sẽ chế phục được La Nhất Đao, bảo La Nhất Đao lấy con dao mổ heo thành danh của lão chém ông ta một nhát, nếu chết ông ta cũng không oán hận, còn chém không chết thì La Nhất Đao từ nay về sau chớ xưng hùng trong giang hồ.
Tin đó đương thời đã làm kinh động những tay hảo hán có mặt ở Nam Kinh, mấy trăm người vây quanh trước quầy mổ heo của La Nhất Đao để khuyên ngăn, có người còn quỳ xuống van xin, Lương Thượng Nhằn chỉ mỉm cười đứng hiên ngang, mắt nhìn La Nhất Đao cầm con đại đao vung lên, ngọn đao chém bổ xuống, ông ta vẫn không tránh ngạo nghễ đứng ưỡn người, những tay hảo hán đứng xung quanh đều kinh tâm động phách, thầm nghĩ rằng ngọn đao đó đi qua, đầu và mình của Lương Thượng Nhân sẽ đứt làm đôi như chơi.
La Nhất Đao kỳ thực cũng biết rõ võ công của Lương Thượng Nhân, sợ nhát đao của mình chém không chết đối phương, liền cố ý chém dọa một phát muốn để cho đối phương sau khi né tránh xong mới thật sự chém một nhát quyết định.
Không ngờ Lương Thượng Nhân không né tránh, ngọn đao bổ xuống ngay trên vai ông ta, bọn hảo hán đều thất sắc hét lên, thấy một dòng máu tươi bắn vọt ra.
Lương Thượng Nhân vẫn đứng bình chân như vại, điềm nhiên mỉm cười. La Nhất Đao thấy thần thái dũng mãnh của đối phương liền xuôi tay buông đao, “cạch” một tiếng, ngọn đao rơi xuống đất, lão ta quỳ sụp xuống dưới chân, kêu lên :
- Bội phục.
Lương Thượng Nhân chỉ mỉm cười, cầm ngọn đao lên, đánh một chưởng, con đao đứt làm hai, ông ta cất lấy một nửa, đỡ La Nhất Đao đứng dậy, máu tươi ở vai tuôn ra như vòi nước, ông ta vẫn không để ý tới.
Từ dó về sau, danh tiếng của Lương Thượng Nhân nổi lên như cồn, không những vang khắp cửu thành mà còn truyền khắp thiên hạ. Hành động hào hiệp của ông ta đối với những cao thủ võ lâm tuy không đáng gì, nhưng những tay hảo hán trong giang hồ nghe đến tên Lương Thượng Nhân đều một mực tôn sùng.
Cưu Thứ trước khi rời khỏi đảo, vốn đã biết Lương Thương Nhân qua Thánh Thủ tiên sinh giới thiệu, bởi vậy vừa đến Trung Châu, chàng liền tìm cách gặp cho bằng được người này. Qua những lần gặp gỡ tiếp xúc, Cưu Thứ càng hiểu rõ Lương Thượng Nhân hơn. Chàng cảm thấy người này tuy hành động thô bạo, không xứng là bậc quân tử, nhưng cũng không mất đi nhân ảnh. Huống gì ông ta là người tận tâm tận lực trợ giúp chàng.
Nên biết rằng người trong võ lâm xưng Lương Thượng Nhân là Cửu Túc Thần Thù, nhân vì băng phái của ông nếu đứng ra tranh hùng trong võ lâm, thì chưa xứng là địch thủ của người khác, nhưng nếu dùng họ để liên lạc tin tức thì không ai bằng.
Lúc này Cưu Thứ mỉm cười nói :
- Lương huynh vẫn là bậc hào kiệt trong bầy người. Không giấu gì các hạ, tại hạ cũng rất khâm phục lão ta.
Trương Nhất Thông đưa ngón ty lên trời, cười ha hả tiếp lời :
- Điều đó là đương nhiên. Hai vị đều là bậc anh hùng, anh hùng trong anh hùng. Lương đại ca ta cũng rất khâm phục công tử.
Gã ta chợt hạ giọng nói nhỏ :
- Công tử nên biết thuộc hạ của Linh Xà Mao Cao có tên Hồ Chi Huy cũng dùng thiên phương vạn kế để muốn Lương đại ca hỗ trợ. Cách đây hai ngày gã ta cũng đến Gia Hưng tìm đến hai ngày nhưng không gặp Lương đại ca, hôm qua đã đi rồi. Hừ...
Trương Nhất Thông nói giọng khinh miệt :
- Tiểu nhân thấy gã Hồ mập đó cả người toàn thịt, chẳng khác gì Trư Bát Giới, trông thấy đủ phát ghét, lại còn vác mặt tới đất Gia Hưng này, hừ...
Cưu Thứ thấy Trương Nhất Thông toàn thân mập ú, lại mở miệng chê bai người khác, trong lòng thầm buồn cười, và cùng cảm thấy có phần hứng thú.
Gã ta trách mắng xong, lại cười híp mắt nói :
- Nói chuyện với công tử cả nửa ngày, lại quên đề cập đến chính sự.
Gã hạ thấp giọng :
- Vừa rồi Tiểu Thiết ở Bình Vọng thành về cấp báo, nói đã thấy Uyên Ương song kiếm cũng đến Gia Hưng, độ tối nay sẽ tới nơi.
Cưu Thứ hơi nhíu đôi mày kiếm, cúi đầu trầm ngâm. Trương Nhất Thông nói tiếp :
- Còn có một nhóm nhân mã độ năm mươi người trưa nay sẽ đi qua Gia Hưng, họ tiến thẳng về phía Hàng Châu. Trong đó có một thiếu niên tuấn mỹ, không biết là ai.
Cưu Thứ chớp ánh mắt, nét mặt thoáng hiện nụ cười, như đã nghĩ ra diệu kế gì, liền nói :
- Thật làm khổ các hạ, nhưng giờ e phải làm khổ các hạ thêm một lần nữa, không biết ở thành Gia Hưng này có cả thảy bao nhiêu khách điếm?
Trương Nhất Thông nhắm mắt ngẫm nghĩ một lát, trả lời :
- Tối thiểu năm mươi lăm, tiểu nhân tuy không nắm rõ chinh xác, nhưng xê dịch không bao nhiêu.
- Vậy các hạ chịu phiền bao tất cả hơn năm mươi khách điếm hiện có, sẽ có người nghỉ lại, đồng thời trả tiền trước mười ngày, dặn kỹ trong khách điếm rằng bất cứ một người nào đến mướn phòng đều cự tuyệt, không được đáp ứng.
Trương Nhất Thông đôi mắt vốn ti hí như hình chữ nhất, giờ lại trợn to ra, vỗ trán kêu lên :
- Hơn năm mươi khách điếm, trả tiền mười ngày... Ôi, công tử làm gì vậy?
Lẽ nào công tử có nhiều bằng hữu đến Gia Hưng thế sao?
Cưu Thứ hiện nụ cười khó hiểu, lấy từ trong người ra một tấm nhân phiếu.
Trương Nhất Thông vừa thấy chữ số trên tờ ngân phiếu, trợn mắt há mồm nhìn sững. Cưu Thứ mỉm cười nói :
- Ta làm vậy đương nhiên là có lý do, rồi sau này các hạ sẽ biết. Có điều...
không biết các hạ có thực hiện được không?
Trương Nhất Thông vỗ ngực trả lời :
- Tiểu nhân sẽ làm được, trừ phi bọn họ giải nghệ, không muốn làm nghề đó nữa.
Gã ta nhận lấy tờ ngân phiếu, lòng mang đầy nỗi nghi hoặc, thật sự nghĩ không ra công tử làm vậy vì mục đích gì?
Gã ta rời khỏi phòng, Cưu Thứ vẫn giữ nụ cười kỳ dị trên môi, nhưng không có ai biết được chàng ta đang cười gì.
Đêm đã về khuya.
Làn gió xuân thoang thoảng, ánh sao lấp lánh đầy trời, thành Gia Hưng phồn vinh, giờ đây cũng vắng khách vãng lai.
Ở bên đường, có hai con tuấn mã đang đứng.
Trong đêm hôm khuya vắng, sao lại có hai con tuấn mã đứng bên đường phố thế này?
Thì ra ở trong một quán rượu nhỏ cạnh đó, cho đến giờ vẫn còn khách.
Cánh cửa đã được khép một nửa, ánh sáng yếu ớt từ trong chiếu ra, rọi xuống trên con đường thanh vắng. Qua khe hở, có thể nhìn thấy bên trong hình bóng một tay đại hán áo cẩm bào cao to đĩnh đạc.
Ông ta từ từ quay đầu lại, đôi mày rậm nhíu sát, đôi mắt sáng rực quét nhìn ra phía ngoài.
Ánh mắt tợ hai luồng đao như muốn nhìn xuyên thủng cả cánh cửa to dầy.
Ông ta thở ra một tiếng, sau đó quay người vào trong, đôi mày càng nhíu sát hơn, chậm rãi nói :
- Trời tối thật.
Rồi vỗ bàn một cái, nói giọng bực tức :
- Ta không tin thành Gia Hưng to lớn thế này lại không có một khách điếm nào có phòng trống.
Mâm bát trên bàn bị bắn ngược cả lên, ngồi đối diện ông ta là một phụ nhân trung niên vận y phục màu xanh cũ kỹ nhưng trên đầu gắn đầy trang sức châu báu.
Y phục và trang sức trên đầu thật không xứng chút nào, cũng giống như sự khác biệt giữa ánh mắt và lời nói của bà ta vậy Vì ánh mắt bà ta là ôn nhu hiền dịu, nhưng lời nói lại sắc bén như dao.
Bà ta ngước ánh mất hiền dịu ấy nhìn cẩm y đại hán ở đối diện, đôi môi thoáng hiện nụ cười, mở lời :
- Có lẽ có đoạn người đông đi ngang qua nghỉ lại nơi này, nếu không thì có lý gì khách điếm lại không mở cửa đón tiếp khách, ông hà tất phải nổi cơn lửa giận như thế.
Ánh mắt ôn nhu, nụ cười cũng ôn nhu, sự ôn nhu đó hiển nhiên do ức chế và nhẫn nại lâu ngày mới có được, nhưng cũng vẫn không che khuất được nét cứng rắn và kiêu hãnh hiện lên trên đôi chân mày của bà ta, cũng giống như tấm thân đẫy đà của bà ta vẫn không che lấp được sự mạnh mẽ tráng kiện của cơ thể bà ta.
Cẩm y đại hán tỏ la tức giận :
- Nói tuy như vậy, nhưng ở thành Gia Hưng này hoàn toàn không có một nhà bằng hữu võ lâm nào để tá túc qua đêm cả. Lẽ nào phải ăn gió nằm sương sao?
Ông ta nhìn quanh phòng một lượt nói tiếp :
- Tửu điếm này cũng không thể nghỉ lại được.
Vị cao thủ võ lâm này năm xưa tung hoành thiên hạ, bốn bể là nhà, ăn gió nằm sương không biết bao nhiêu lần. Nhiều năm trở lại đây, sống trong giàu sang sung sướng, đâu còn là xương đồng da sắt nữa. Lúc này vì một đêm không có nơi tá túc, mà phải lo lắng sợ hãi.
Phụ nhân trung niên than một tiếng nhẹ, nói :
- Chúng ta dù có đứng ngoài trời suốt đêm cũng đâu có phương hại gì.
Cẩm y đại hán lớn tiếng :
- Đối với ta không phương hại gì, còn bà... bà...
Ông ta chợt chuyển giọng nhẹ nhàng :
- Bà lẽ nào bà đã quên bà mang thai sáu tháng...
Phụ nhân trung niên lườm đôi mắt, ngắt lời :
- Ông nói gì chuyện đó ở nơi này?
Đôi gò má bất chợt ửng hồng.
Cẩm y đại hán nhíu mày nói :
- Tôi đã bảo bà lần này không nên ra đi, bà cứ muốn đi cho được, lại còn cưỡi ngựa... Ôi, đây là lần thứ nhất bà...
Ông ta chuyển giọng :
- Không biết là nam hay nữ? Trong võ lâm nếu biết được Uyên Ương song kiếm sắp có hậu nhân nối dõi, nhất định sẽ gây chấn động toàn võ lâm.
Nét mặt rạng lên đầy vé mãn nguyện. Hai đóa hồng vân trên má của phụ nhân càng đỏ đậm lên, giống như bôi son vậy.
Bà ta cúi đầu, nhỏ giọng :
- Lần này chuyện có liên quan đến cuộc đời chúng ta từ nay về sau, cũng có liên quan đến thai nhi trong bụng, tôi sao phải ở nhà không nghe không hỏi được?
Cẩm y đại hán trầm giọng :
- Không biết trên giang hồ truyền ngôn có thật hay không? Ta không tin gã tính Cưu đó lại thật sự có hậu...
Ông ta ngừng lời ho khan một tiếng.
Phụ nhân trung niên vẫn cúi đầu, giọng nói càng nhỏ hơn :
- Có một chuyện mà lâu nay tôi không nói với ông, sợ ông loạn tâm...
- Chuyện gì?
Cẩm y đại hán vội hỏi.
Phụ nhân trung niên trả lời :
- Ông có biết Mao đại ca những năm trở lại đây đã mở rộng thế lực, không tiếc thiên phương vạn kế để nhằm thu phục lòng nhân sĩ võ lâm, là vì gì không?
- Không biết, bà sao hồi này nói gì cũng úp úp mở mở vậy?
- Cách đây mười bảy năm, vào một đêm trời mưa, ông cùng Mao đại ca và Đỗ Trọng Kỳ đi truy tìm tông tích Tống Linh Công và Liễu Phụng Minh...
- Không sai, đêm đó đúng là trời mưa, lại có sấm sét, ta biết bà lâu nay rất sợ sấm sét, do đó đã bảo bà cùng ngủ chung với Mao đại tẩu (vợ Mao Cao).
Ông ta bắt đầu khơi dậy ký ức, trầm giọng :
- Đêm đó tuy không tìm được Tống lão nhân và Liễu đạo sĩ, nhưng ta vô tình đã lấy được một số châu báu, chuyện đó Mao lão đại và Đỗ Trọng Kỳ đều không biết...
Ánh mắt ông ta chẳng biết vô tình hay hữu ý nhìn vào đồ trang sức trên đầu phụ nhân trung niên, nói tiếp :
- Sau đó khi ta và hai người đó về thì bà đã ngủ rồi.
Phụ nhân trung niên trầm ngâm giây lát, nói :
- Chuyện đó tôi biết, nhưng tình hình chi tiết thì ông không hề nói với tôi, tôi cũng không hỏi ông, nhân vì sao Mao đại tẩu đêm hôm đó có kể cho tôi một chuyện, tôi lâu nay cũng không hề nói cho ông hay.
Bầu không khí trở nên tĩnh lặng, hai người trong lòng dường như đang suy nghĩ điều gì.
Sau đó phụ nhân trung niên chậm rãi nói :
- Đêm hôm đó tiếng sét rất lớn, tôi trằn trọc không ngủ được, không ngờ Mao đại tẩu cũng vậy.
Tôi buột miệng hỏi :
- Vì sao vậy?
Bà ta mới kể tới hay rằng Mao đại muội khi bỏ nhà ra đi, trong bụng đã mang thai.
Phụ nhân trung niên than một tiếng, nói tiếp :
- Cái thai trong bụng đó chính là giọt máu của gã tính Cưu.
Cẩm y đại hán trợn ngược đôi mày, ánh mắt thoắt động, như định nói gì lại không nói ra. Làn gió khẽ lùa qua khe cửa, ông ta cảm thấy toàn thân phát lạnh.
Phụ nhân trung niên mặc nhiên một hồi, nói :
- Bấy giờ tôi nghe bà ta nói, trong lòng tuy cũng phát khiếp, nhưng vẫn trấn tĩnh an ủi bà :
- Hài nhi đó đã là con của Mao muội, lẽ nào Mao muội lại bảo nó đến tìm các người để phục thù?
Mao đại tẩu lặng yên không nói gì, một lúc lâu sau mới than thở :
- Mao đại muội nếu không bất bình với ca ca cô ta, thì đâu đến nỗi phải lặng lẽ bỏ đi như thế?
Bà ta ngừng một lát chuyển giọng :
- Bởi vậy sau đó Mao đại tẩu kiên quyết không để cho nữ nhi theo Mao đại ca luyện võ, mà đưa cô ta đến Đồ Long Tiên Tử để học võ, vì sợ hài nhi của Mao đại muội tìm họ báo thù. Bấy giờ... ôi, năm tháng thoắt trôi qua, hài tử đó cũng đã lớn rồi còn gì.
Cẩm y đại hán cúi đầu trầm mặc, lẩm bẩm một mình.
- Nói như vậy, những chuyện phát sinh gần đây, lẽ nào chính là hậu nhân của gã tính Cưu đó...
Bỗng nghe có tiếng động bên ngoài ông ta ngừng phắt lời lại, quát :
- Ai?
Ông ta án nhẹ tay lên bàn, búng người lao vọt về phía cửa. Phụ nhân trung niên cũng thoắt người đứng dậy, vì thế cái bung mang thai của bà ta cũng lộ ra khỏi áo.
Nghe bên ngoài có tiếng cười lớn, một giọng nói trong trẻo vang lên :
- Tôi Cánh cửa được mở rộng ra, người bước vào đầu tiên lại là một gã tiểu nhị.
Cẩm y đại hán lạnh giọng hừ một tiếng, hơi lùi lại nửa bước, ánh mắt vẫn chăm nhìn phía ngoài cửa.
Dưới ánh đèn mờ nhạt chiếu hắt ra, một thiếu niên anh phong tuấn tú vận trang phục hoa lệ mỉm cười chậm rãi tiến vào. Hai luồng tinh quang quét nhìn trên người phụ nhân trung niên một cái, sau đó dừng lại trên người Cẩm y đại hán.
Cẩm y đại hán rực tia nhìn sắc lạnh, từ từ đưa tay án lấy thanh bảo kiếm đeo bên hông.
Ngón tay ông ta nhỏ dài nhưng hữu lực, người trong võ lâm thoáng nhìn qua đủ biết người này nhất định là một nội gia kiếm thủ có kiếm pháp rất cao.
Ông ta lướt nhìn trên người chàng thiếu niên một lượt, quay sang hỏi tên tiểu nhị :
- Người này là ai?
Tên tiểu nhỉ nhìn ánh mắt hung dữ của ông ta, lại sợ hãi nói không ra lời.
Chàng thiếu niên liền ôm quyền thi lễ, mỉm cười mở lời :
- Tại hạ là Mậu Văn, là bằng hữu tri giao với chủ nhân của tửu điếm này.
Cẩm y đại hán trầm giọng :
- Lẽ nào ngươi muốn đến đây để đuổi khách sao?
Mậu Văn ôm quyền đáp :
- Đâu dám, đâu dám. Tại hà nghe nói có hai vị khách nhân khí khái bất phàm. Đêm nay không có nơi nghỉ chân, bởi vậy vội đến đây...
Cẩm y đại hán dịu nét mặt lại. Mậu Văn nói tiếp :
- Xem ra tôn phu nhân dường như không được tiện. Nhị vị nếu cho phép tại hạ mạo muội, xin nhị vị đến nghĩ lại ở tệ xá tại hạ một đêm.
Cẩm y đại hán ánh mắt như hai làn điện quét nhìn Mậu Văn một lượt nữa, lạnh giọng :
- Ta và ngươi không thân thích, không bằng hữu, ngươi sao lại nhiệt tình với ta như vậy?
Mậu Văn làm như ngớ ngẩn, nghe Cẩm y đại hán nói tiếp :
- Ngươi nếu như có âm mưu gì, thì chỉ quả là ngươi chán sống đấy...
Mậu Văn đứng lặng một hồi, đoạn ngẩng đầu ôm quyền đáp lại :
- Hảo hảo. Các hạ đã hoài nghi tại hạ có dụng tâm khác, vậy tại hạ xin cáo thoái.
Chàng phất tay áo quay người bước đi.
Ánh đèn chiếu lên trên áo thêu vàng của chàng làm óng ánh rực rỡ. Cẩm y đại hán cười lớn nói :
- Các hạ chậm bước...
Mậu Văn mỉm cười quay lai hỏi :
- Có gì kiến giáo, lẽ nào đem tại hạ...
Cẩm y đại hán cười xề xề tiếp lời :
- Vừa rồi tại hạ chỉ nói đùa vậy, với tư cách như các hạ, trong lòng sao lại có mưu mô bất chính được.
Ông ta quay lại nói với phụ nhân trung niên :
- Đúng không vậy?
Mậu Văn vẫn mỉm cười, đối với loại thái độ trước ngạo mạn sau cung kính đó, chàng ta vẫn không lấy làm khó chiu. Hầu như bất cứ chuyện gì phát sinh trong thiên hạ đều nằm trong sự phán đoán của chàng.
Mậu Văn đáp lại :
- Nói như vậy, các hạ như không chê tệ xá tại hạ giản lậu, xin ghé sang nghỉ lại một đêm, tại hạ hết lòng phụng tiếp.
- Đã được ưu đãi như vậy, không dám không tòng mệnh.
Nói xong, Cẩm y đại hán quay sang bảo tên tiểu nhị :
- Tính tiền.
Mậu Văn liền lấy ra một thỏi bạc bỏ trên bàn, mỉm cười nói :
- Các hạ từ xa đến là khách, để tại hạ xin đứng ra tiếp đãi.
Cẩm y đại hán trong lòng sảng khoái, cười lớn :
- Ha ha.. đa tạ.
Truyện đánh dấu
Nhấn để xem...Truyện đang đọc
Nhấn để xem...