Kiếp sau

-Tớ đây, tớ chuẩn bị rời Stapledon và sẽ tới trước nhà cậu trong nửa tiếng nữa, hy vọng cậu có nhà chứ? Cái máy nhắn tin chết tiệt! Tớ tới ngay đây. 
     Peter bực dọc gác máy, lục trong túi áo tìm chum chìa khóa cho đến khi nhớ ra hôm trước anh đã đưa nó cho tài xế. Anh nhìn đồng hồ, chuyến bay tới Miami sẽ cất cánh khỏi sân bay Logan vào cuối buổi chiều, nhưng trong thời buổi nhộn nhạo này, các quy định mới về an ninh buộc hành khách phải tới sân bay tối thiểu hai tiếng trước giờ khởi hành. Anh khóa cửa căn hộ nhỏ và lịch sự nằm trong một khu phố tài chính mà anh đã thuê cả năm, rồi đi theo dãy hành lang phủ thảm dày. Anh ấn ba lần lên nút gọi thang máy, một cử chỉ nóng ruột chưa bao giờ khiến thang máy đến nhanh hơn. Còn những mười tám tầng nhà phía dưới, rồi anh vội vã bước qua mặt ông Jenkins, người gác cổng toàn nhà, và thông báo với ông rằng anh sẽ trở về vào ngày mai. Anh đặt cạnh cửa quầy gác một túi quần áo để hiệu giặt là bên cạnh tòa nhà sẽ cho người sang lấy. Ông Jenkins cất vào ngăn kéo cuốn Văn học và nghệ thuật của nhà xuất bản Boston Globe mà ông đang đọc dở, ghi lời yêu cầu của Peter vào quyển đăng kí dịch vụ, rồi rời quầy gác chạy theo anh và mở cửa. 
     Ra tới bậc thềm, ông mở một chiếc ô thật to và che cho Peter khỏi những giọt mưa rào nhẹ đang rơi trên thành phố. 
      -Tôi đã gọi xe cho ông, ông thông báo, mắt chăm chăm nhìn đường chân trời mờ mịt. 
      - Ông thật tốt bụng, Peter trả lời giọng khô khốc. 
      - Bà Beth, hàng xóm cùng tầng với ông, hiện đang vắng nhà, nên khi nhìn thấy thang máy dừng lại ở tầng đó, tôi đã đoán được… 
      -Tôi biết bà Beth là ai rồi, Jenkins! 
     Người gác cổng nhìn những dải mây xám và trắng lơ lửng trên đầu họ. 
      -Thời tiết thật đáng ghét phải không ông? Ông tiếp lời. 
     Peter không trả lời. Anh dị ứng với những tiện nghi đời sống ở một khu nhà sang trọng. Mỗi lần đi qua quầy gác của ông Jenkins, anh lại có cảm giác một phần riêng tư của mình bị xâm phạm. Đằng sau quầy gác đối diện với những cánh cửa lớn hai chiều, người đàn ông với cuốn sổ ghi chép kiểm tra mọi lượt đi về của từng người sống trong tòa nhà. Peter tin chắc rằng cuối cùng thì người gác cổng này sẽ biết rõ mọi thói quen của anh hơn phần đông bạn bè anh. Một hôm, với tâm trạng không vui, anh rời tòa nhà theo lối cầu thang dẫn ra khu để xe. Khi trở về, anh ngạo nghễ đi ngang qua Jenkins, trong khi ông thì lại nhã nhặn đưa cho anh một chiếc chìa khóa đầu tròn. Khi anh sững sờ nhìn lại, Jenkins nói giọng thản nhiên: 
      - Nếu ông muốn quay lại bằng đường đã đi ra, thì nó sẽ rất hữu dụng với ông. Các cửa nối hành lang và cầu thang ở mỗi tầng đều được khóa từ bên trong, nó sẽ giúp ông đối phó với vấn đề bực mình này. 
Trong thang máy, Peter đã hứa danh dự với bản thân không bao giờ để lộ bất cứ cảm xúc nào, vì biết chắc Jenkins sẽ không bỏ qua mảy may một thái độ nào của anh nhờ vào camera theo dõi. Và đến khi, sáu tháng sau, khi anh có mối quan hệ ngắn ngủi với một cô tên là Thaly, một nữ nghệ sĩ trẻ đang lên, anh đã ngạc nhiên khi thấy mình qua đêm tại khách sạn vì thích không ai nhận ra mình. Còn hơn là phải nhìn cái vẻ mặt sáng lên của người gác cổng, tâm trạng vui vẻ bất di bất dịch mỗi sáng của ông ta khiến anh khó chịu hơn bao giờ hết. 
      -Tôi nghĩ mình đã nghe thấy tiếng động cơ xe của ông. Ông sẽ không phải đợi lâu đâu, thưa ông. 
      - Ông còn nhận ra từng chiếc xe qua tiếng động cơ của chúng cơ à, Jenkins? Peter buột miệng nói hơi xấc. 
      - Ồ, không phải tất cả các xe, nhưng chiếc Ăng-lê cũ của ông, ông sẽ thừa nhận với tôi thôi, có những tiếng lách cách nhè nhẹ phát ra từ thanh truyền, nghe như “Đa đê đô”, gợi nhớ đến âm điệu tuyệt vời của những người họ hàng chúng tôi ở bên Anh. 
     Peter nhướn mày, anh nổi cáu. Jenkins thuộc loại người cả đời chỉ mơ được sinh ra là một công dân của Nữ hoàng, một sự vượt trội về đẳng cấp trong cái thành phố đặc sệt truyền thống Ăng-lê này. Đôi đèn pha tròn của chiếc hộp hiệu Jaguar XK 140 lóe sáng từ cổng nhà xe. Người tài xế dừng chiếc xe trên hàng vạch trắng được vẽ chính giữa bậc thềm. 
     -Thật vậy sao, Jenkins thân mến! Peter thốt lên và tiến tới cánh cửa xe mà người tài xế đã mở sẵn cho anh. 
Vẻ mặt nhăn nhó, Peter ngồi vào sau vô-lăng, khởi động máy làm chiếc xe Ăng-lê cũ gầm gừ, đồng thời khẽ đưa tay vẫy Jenkins. 
     Anh nhìn qua kính chiếu hậu để kiểm chứng rằng ông ta, theo thói quen, sẽ chờ anh rẽ ở góc đường rồi mới tự cho phép mình quay vào. 
      - Bộ xương già! Lão sinh ra ở Chicago, cả gia đình lão đều ra đời ở Chicago! Anh lẩm bẩm. 
Anh đặt chiếc điện thoại di động vào giá gác và ấn phím tắt lưu số điện thoại nhà Jonathan. Anh ghé vào chiếc micro được gắn vào tấm chắn nắng và hét lên: 
      - Tớ biết cậu có ở nhà! Cậu không thể hình dung được cái thiết bị chặn cuộc gọi của cậu làm tớ khó chịu thế nào đâu. Dù cậu có đang làm gì đi nữa, thì cậu cũng chỉ còn chín phút nữa thôi. Đấy. tốt nhất là cậu nên ở nhà. 
     Anh cúi người để thay đổi tần số chiếc radio được đặt trong hộc đựng găng. Khi ngẩng lên, anh phát hiện ra trước mũi xe anh một quãng, một bà lão đang đi qua đường. Tập trung hơn một chút anh nhận ra bà đang đi bằng bước chân đôi khi nặng trĩu bởi tuổi già. Lốp xe để lại một vài vệt đen trên mặt đường trải nhựa. Khi chiếc xe đã dừng hẳn, Peter mở choàng mắt. Bà cụ vẫn tiếp tục sang đường bình thản. Hai tay vẫn còn bấu chặt lấy vô-lăng, anh hít một hơi, tháo dây bảo hiểm và khom người bước xuống xe. Anh rảo bước và luôn miệng nhận lỗi, khoác tay dìu bà đi nốt vài mét còn lại cho tới vỉa hè. 
     Anh đưa bà cụ tấm các của mình và lại xin lỗi. Bằng tất cả sự quyến rũ của mình, anh thề rằng sẽ còn ân hận vì đã gây ra cho bà cụ nỗi sợ hãi nhường ấy hàng tuần lễ. Bà cụ tỏ vẻ vô cùng ngạc nhiên. Bà trấn an anh bằng cách huơ huơ chiếc gậy trắng. Chắc chắn bà nặng tai nên mới giật mình rồi nén lại được khi anh nhã nhặn nắm lấy khuỷu tay để giúp bà qua đường. Peter lấy đầu ngón tay nhặt một sợi tóc vương trên áo mưa của bà cụ và để bà đi tiếp, còn mình thì quay trở lại xe. Anh trấn tĩnh lại trong mùi da cũ quen thuộc tràn ngập chiếc xe cổ. Anh tiếp tục lái chầm chậm trên còn đường dẫn tới nhà Jonathan. Đến ngã tư thứ ba, anh đã bắt đầu huýt sáo. 
  0--------------------------------------0
   Jonathan leo những bậc thang của ngôi nhà xinh đẹp nơi anh sống trong khu cảng cũ. Đến tầng cuối cùng, cửa cầu thang mở ra dẫn tới căn xưởng ốp kính nơi người bạn gái sống cùng anh đang vẽ tranh. Anna Valton và anh gặp nhau trong một buổi tối khai mạc triển lãm. Một hội do một nhà sưu tầm nữ giàu có và kín đáo trong thành phố sáng lập đã giới thiệu các tác phẩm của Anna. Xem những bức tranh được trưng bày của Anna, anh có cảm giác tranh của cô luôn ẩn chứa một phong thái trang nhã của tác giả. Phong cách của cô thuộc về một thế kỷ mà anh đã dành cả sự nghiệp để nghiên cứu. Phong cảnh trong tranh của Anna dường như vô tận, không cùng, và anh đã bình luận với cô bằng những lời lẽ chọn lọc và xác đáng. Tình cảm của một nhà chuyên môn tên tuổi và uy tín ỡ như Jonathan đã đi thẳng vào trái tim của cô gái lần đầu được triển lãm tranh. 
   Từ đó, họ gần như không rời nhau và đến mùa xuân năm sau, họ đã dọn đến sống trong ngôi nhà do Anna chọn ở gần bến cảng cũ này. Căn phòng nơi cô ở phần lớn thời gian ban ngày và đôi khi cả ban đêm có cả một khoảng rộng ốp kính. Ngay từ những giờ đầu tiên của buổi sớm, ánh sáng đã tỏa khắp gian phòng, bao phủ nó bằng một bầu không khí nhuốm màu kì diệu. Mặt sàn mênh mông vàng óng với những dải gỗ rộng trải dài từ chân tường gạch trắng tới tận các cửa sổ lớn. Mỗi khi rời cọ vẽ, Anna thích đốt một điếu thuốc, tới ngồi bên một trong những bậu cửa sổ bằng gỗ, nơi tầm nhìn trải rộng ra khắp bãi vịnh. Bất kể thời tiết thế nào, cô cũng nâng những cánh cửa sổ có thể kéo lên dễ dàng nhờ những sợi dây kéo bằng gai, và hít lấy không khí êm dịu pha trộn giữa mùi thuốc lá với cái ẩm ướt do biển mang lại. 
   Chiếc Jaguar của Peter đậu dọc bên lề đường. 
- Em nghĩ bạn anh đến đấy, cô nói khi nghe thấy tiếng Jonathan phía sau. 
   Anh tiến lại gần và ôm cô trong vòng tay, vùi đầu vào khoảng tối nơi cổ cô với một nụ hôn. Anna rùng mình. 
- Anh sẽ làm Peter phải chờ mất! 
   Jonathan luồn tay qua cổ chiếc váy sợi bông và kéo nó trượt xuống ngực Anna. Những tiếng còi xe lại réo lên, cô vui vẻ đẩy anh ra. 
- Người làm chứng của anh hơi phiền phức đấy, anh đi đi, đi nhanh tới cái hội thảo của anh đi, anh càng đi nhanh thì sẽ càng sớm về. 
   Jonathan lại hôn cô và đi giật lùi ra. Khi cánh cửa đã sập lại, Anna lại châm một điếu thuốc mới. Từ phía dưới, bàn tay của Peter thoáng hiện khỏi xe để chào cô khi chiếc xe đi xa dần. Anna thở dài và đưa mắt nhìn về phía bến cảng cũ nơi trước kia có biết bao nhiêu người di cư đã cập bến. 
- Sao cậu chẳng khi nào đúng giờ thế? Peter hỏi. 
- Giờ của cậu ấy à? 
- Không, giờ máy bay cất cánh, giờ người ta hẹn nhau để ăn trưa hoặc ăn tối, giờ hiển thị trên đồng hồ của chúng ta, nhưng cậu có thèm đeo đồng hồ đâu! 
- Cậu là nô lệ của thời gian, còn tớ chống lại nó. 
- Khi cậu nói một điều như thế với bác sĩ tâm lý của cậu, cậu có biết ông ta sẽ chẳng thèm nghe thêm bất cứ lời nào cậu thốt ra sau đó không? Ông ta sẽ tự nhủ, không biết nhờ cậu, liệu ông ta có thể mua được chiếc xe hằng mơ ước loại nào, xe hộp hay mui trần. 
- Tớ không có bác sĩ tâm lý! 

- Vậy thì cậu nên suy nghĩ lại. Cậu thấy thế nào? 
- Còn cậu, điều gì khiến cậu phấn chấn thế? 
- Cậu đã đọc các tập san Văn học và Nghệ thuật của Nhà xuất bản Boston Globe chưa? 
- Chưa, Jonathan trả lời vừa nhìn qua cửa kính xe. 
- Đến Jenkins còn đọc chúng rồi! Tớ vừa bị báo chí cho lên thớt rồi! 
- Thế hả? 
- Cậu đọc nó rồi! 
- Một chút xíu thôi, Jonathan trả lời. 
- Một lần hồi còn đi học, tớ hỏi cậu có từng ngủ với Kathy Miller mà tớ mê mệt chưa, cậu cũng trả lời: “Một chút thôi”. Cậu có thể định nghĩa cho tớ biết điều cậu muốn nói bằng “một chút thôi” không? Từ hai mươi năm nay tớ vẫn thắc mắc đấy… 
   Peter đập tay vào vô-lăng. 
- Không thể được, cậu có thấy cái tiêu đề chèo kéo: “ Những buổi bán đấu giá gần đây của chuyên gia đấu giá Peter Gwel thật đáng thất vọng!” Ai đã từng phá vỡ kỉ lục vô song đáng nhớ trong vòng mười năm trở lại đây ột tác phẩm của Seurat? Ai đã bán tranh của Renoir cao giá nhất từ mười năm nay? Rồi bộ sưu tập của Bowen với tranh của Jongkind, của Monet, của Mary Cassatt và những bức khác? Và ai là một trong những người đầu tiên bảo vệ Vuillard? Cậu thấy giờ ông ta có giá thế nào chưa? 
- Peter, cậu cáu làm gì, nghề phê bình là phải phê bình, thế thôi. 
- Trong máy nhắn của tớ có đến mười bốn tin nhắn đầy lo lắng của những người hùn vốn với tớ ở Christie’s, đó là điều làm tớ bực đấy! 
   Anh dừng lại trước ngã tư đèn đỏ và tiếp tục cáu kỉnh. Jonathan chờ vài phút và vặn nút radio. Giọng nói của Louis Amstrong vang lên trong xe. Jonathan chợt nhìn thấy một chiếc hộp đặt trên băng sau. 
- Gì thế kia? 
- Chẳng gì sất! Peter lẩm bẩm. 
- Jonathan quay lại và liệt kê những thứ bên trong, vẻ hớn hở. 
- Một máy cạo râu, ba chiếc sơ mi rách, hai ống quần ngủ, ống nọ tách rời khỏi ống kia, một đôi giày thiếu dây buộc, bốn lá thư bị xé nát, tất cả đều dính đầy xốt cà chua…Cậu chia tay rồi hả? 
   Peter vặn người đẩy chiếc hộp các-tông xuống sàn. 
- Cậu chưa bao giờ có một tuần lễ xui xẻo nào hả? Peter vừa đáp lại vừa vặn to âm thanh của chiếc radio. 
Jonathan nhận thấy mối lo của bạn tăng dần, anh liền góp ý. 
- Cậu chẳng có gì phải lo lắng cả, cậu đối đáp tài lắm kia mà! 
- Đó chính là loại suy nghĩ ngu xuẩn khiến con người ta lao thẳng vào tường. 
- Tớ đã bị một vố sợ chết khiếp khi lái xe rồi, Peter nói. 
- Bao giờ? 
- Ban nãy, lúc vừa ra khỏi nhà tớ. 
   Chiếc Jaguar vọt lên và Jonathan nhìn những dãy nhà cũ của khu bến cảng lướt qua cửa kính xe. Họ đi theo đường tắt dẫn tới sân bay Quốc tế Logan. 
- Jenkins thân mến ra sao rồi? Jonathan hỏi. 
Peter đưa xe vào chỗ đậu đối diện với chòi gác. Anh kín đáo luồn một tờ giấy bạc vào tay người gác trong khi Jonathan vớ lấy chiếc túi cũ để phía sau. Họ đi lên theo lối để xe, bước chân âm vang. Như mọi lần đi máy bay, Peter mất hết tính kiên nhẫn khi người ta yêu cầu anh tháo thắt lưng và cởi giày bởi anh đã làm cửa kiểm tra an ninh réo chuông ba lần khi đi qua. Anh lẩm bẩm vài lời không mấy nhã nhặn và nhân viên phụ trách liền kiểm tra hành lý của anh cho đến từng chi tiết nhỏ nhất. Jonathan ra hiệu rằng mình sẽ chờ tại quầy báo như thường lệ. Khi Peter đuổi kịp Jonathan, anh đang vùi đầu vào một cuốn sách của Milton Mezz Mezrow, một tuyển tập nhạc jazz. Jonathan mua cuốn sách. Họ lên máy bay mà không gặp thêm trở ngại gì và chuyến bay khởi hành đúng giờ. Jonathan từ chối khay thức ăn mà tiếp viên hàng không mang đến, hạ lá trập của cửa kính máy bay, bật chiếc đèn sáng dịu và miệt mài đọc những ghi chép chuẩn bị cho hội thảo mà anh sẽ dự trong vài giờ nữa. Peter xem lướt cuốn tạp chí của hãng hàng không, rồi tới bảng chỉ dẫn an toàn, và cuối cùng là cuốn bán hàng trên máy bay mà anh đã thuộc long. Rồi anh đu đưa người trên ghế. 
- Cậu chán hả? Jonathan hỏi mà không rời mắt khỏi tập tài liệu đang xem dở. 
- Tớ đang suy nghĩ đấy chứ! 
- Tớ đã bảo mà, cậu đang chán. 
- Cậu thì không thế chắc? 
- Tớ đang ôn lại cho buổi hội thảo. 
- Cậu đúng là bị lão ta ám ảnh mất rồi, Peter trả đũa và lại với tay lấy chỉ dẫn an toàn của chiếc 737. 
- Bị mê hoặc chứ! 
- Với tình trạng đắm đuối đến mức đó, bạn yêu quý, tớ xịn phép nhấn mạnh tới bản chất áp đặt trong mối quan hệ giữa cái lão nghệ sỹ người Nga ấy với cậu. 
- Vladimir Rkin đã qua đời từ cuối thế kỷ thứ XIX, tớ chẳng có mối quan hệ nào với ông ta, mà chỉ với tác phẩm của ông ta thôi. 
Jonathan lại mải miết đọc, một khoảng im lặng ngắn ngủi bao trùm. 

- Tớ vừa thoáng thấy cái cảm giác “đã từng gặp”, Peter ranh mãnh nói qua đầu môi, những cũng có thể đó là do đây là lần thứ một trăm chúng ta bàn về chuyện này rồi. 
- Thế cậu làm gì trong máy bay này nếu cậu không bị nhiễm cùng loại virus với tớ, hả? 
- Thứ nhất, tớ đi theo cậu, thứ hai, tớ trốn những cú điện thoại của các đồng nghiệp đang phát hoảng vì bài báo của một thằng ngốc trên Boston Globe, và thứ ba, tớ đang buồn. 
   Peter lấy một chiếc bút dạ từ trong túi áo vét và gạch một dấu thập lên tờ giấy kẻ ô vuông trên đó Jonathan đã trân trọng viết những ghi chép của mình. Không rời mắt khỏi tập ảnh đang nghiên cứu dở, Jonathan vẽ một dấu tròn bên cạnh dấu thập của Peter. Ngay lập tức, Peter đánh trả lại một dấu thập khác và Jonathan gạch dấu tròn tiếp theo theo đường chéo… 
   Chuyến bay hạ cánh sớm mười phút so với dự định. Họ không có hành lý gửi theo và chiếc taxi đưa họ thẳng tới khách sạn. Peter nhìn đồng hồ và thông báo họ có hơn một tiếng trước khi hội thảo bắt đầu. Sau khi đã hoàn thành thủ tục tại quầy lễ tân, Jonathan lên phòng thay quần áo. Cánh cửa phòng khép lại sau lưng anh không một tiếng động. Anh đặt túi lên chiếc bàn giấy bằng gỗ gụ kê đối diện cửa sổ và với tay lấy điện thoại. Khi Anna nhấc máy, anh nhắm mắt, để long mình cuốn theo giọng nói của cô, cảm giác như anh đang ở cạnh cô trong xưởng vẽ. Đèn trong xưởng đã tắt hết. Anna đang ngồi trên bậu cửa sổ. Phía trên cô, qua những ô kính rộng, một vài ánh sao lấp lánh trong quầng sáng yếu dần của ánh đèn thành phố, trông như những điểm sáng nhẹ được thêu trên một tấm vải nhạt màu. Những làn gió ẩm ướt của biển quất vào các cửa kính cũ, đọng lại trên các gờ cửa bằng chì. Thời gian gần đây, Anna xa cách với Jonathan, giống như một nỗi sợ hãi trước sự cam kết cho cả cuộc đời. Thế nhưng, chính cô là người mong muốn nghi lễ này hơn cả. Thành phố của họ cũng bảo thủ giống như môi trường nghệ thuật mà họ đang tham dự. Sau hai năm sống chung, đã đến lúc cần hợp thức hóa mối quan hệ của họ. Các khuôn mặt của xã hội Boston nhắc nhở họ điều đó vào mỗi buổi tiệc rượu thời thượng, mỗi dịp khai mạc triển lãm, mỗi buổi bán đấu giá quy mô. 
   Jonathan và Anna đã chịu thua sức ép của giới thượng lưu. Vẻ bề ngoài đẹp đẽ của cặp uyên ương chính là bằng chứng cho sự thành công trong sự nghiệp của Jonathan. Phía đầu dây bên kia, Anna im lặng, anh nghe tiếng thở của cô và đoán xem cô đang làm gì. Những ngón tay dài của Anna đang lùa trong mái tóc dày. Nhắm mắt lại, dường như anh có thể cảm thấy da thịt cô. Vào cuối ngày, mùi nước hoa của cô lẫn với mùi thơm của gỗ tràn ngập mọi ngóc ngách của xưởng vẽ. Cuộc nói chuyện của họ kết thúc bằng sự im lặng, Jonathan gác máy và mở mắt ra. Phía dưới cửa sổ phòng anh, một hàng xe hơi nối đuôi nhau thành dải băng dài màu đỏ. Cảm giác cô độc xâm chiếm anh, giống như mọi lần xa nhà. Anh thở dài, tự hỏi tại sao mình lại nhận lời mời tới buổi hội thảo này. Một giờ trôi qua, anh với tay dỡ hành lý ra và chọn lấy một chiếc sơ mi trắng. 
0------------------------------------0
  Jonathan lấy hơi trước khi bước lên bục. Anh được đón tiếp bằng các tràng vỗ tay, rồi cử tọa chìm vào trong không gian mờ tối. Anh ngồi vào sau một cái bàn có lắp chiếc đèn bằng đồng như thổi ánh sáng lên bài viết của anh; Jonathan nắm rõ bài phát biểu của mình; anh đã thuộc lòng những gì muốn trình bày. Tác phẩm đầu tiên của Vladimir Rkin mà anh giới thiệu tối nay được chiếu lên một màn hình khổng lồ phía sau lưng. Anh chọn cách cho trình chiếu các bức tranh của nhà danh họa người Nga theo trình tự ngược thời gian. Loạt đầu tiên với các khung cảnh nông thôn nước Anh thể hiện rõ công trình mà Rkin đã hoàn thành vào cuối cuộc đời do bệnh tật mà yểu mệnh của ông. 
  Rkin đã vẽ những bức họa cuối cùng trong phòng ngủ, nơi mà căn bệnh đã không cho phép ông rời bước. Ông qua đời ở tuổi sáu mươi hai. Hai bức chân dung lớn nhất của Ngài Edward Langton, thương gia, nhà sưu tầm danh tiếng đã bảo trợ cho Vladimir Rkin, một vẽ ông đang đứng, bức kia tả  ông ngồi sau một chiếc bàn làm việc bằng gỗ gụ. Mười bức tranh khắc họa với một sự nhạy cảm không giới hạn cuộc sống của dân nghèo tại các khu ngoại ô ở Luân-đôn vào cuối thế kỉ thứ XIX. Mười sáu bức tranh nữa cũng đã góp mặt trong buổi giới thiệu đầy đủ của Jonathan. Mặc dù vẫn chưa biết chính xác thời kì ra đời, nhưng chủ đề trong tranh khiến người ta nghĩ đến thời trai trẻ của họa sĩ tại nước Nga. Sáu bức trong số đó do chính Sa hoàng đặt hàng, tái hiện chân dung của những nhân vật quyền cao chức trọng của triều đình, và mười bức khác được vẽ theo cảm hứng về đời sống khổ cực của nhân dân. Những khung cảnh đường phố ấy chính là nguyên nhân khiến Rkin bị trục xuất vĩnh viễn và buộc phải vội vã rời khỏi quê hương mà không bao giờ còn được quay trở lại. Đó là khi Sa hoàng cho phép ông được trưng bày các tác phẩm trong gian triển lãm riêng của Người tại cung điện Ermitage ở Saint-Péterbourg, Vladimir đã cho treo một vài bức tranh trong số đó và đã gây ầm ĩ. Sa hoàng thoắt chuyển sang căm giận ông ghê gớm vì đã cả gan vẽ lại những nỗi thống khổ của dân chúng còn sống động hơn cả việc ca ngợi sự ưu việt của triều đại. Lịch sử kể lại rằng khi quan tham nghị văn hóa trong triều hỏi ông vì sao làm như vậy, Vladimir đã trả lời rằng nếu con người muốn thống trị bằng cách nuôi dưỡng những điều dối trá, thì tranh của ông tuân theo nguyên tắc hoàn toàn trái ngược. 
  Nghệ thuật, trong những thời khắc yếu đuối nhất, cũng chỉ có thể đẹp hơn mà thôi. Phải chăng sự cùng quẫn của người dân Nga không đáng được miêu tả như chính bản thân Sa hoàng? Ngài cố vấn, một người rất coi trọng Vladimir, đã chào từ biệt ông bằng một cử chỉ cay đắng. Ông ta hé cánh cửa bí mật trong gian thư viện khổng lồ chất đầy bản chép tay quý giá và giục chàng trai trẻ chạy trốn thật nhanh trước khi mật vụ tới tìm anh. Từ nay trở đi, ông sẽ không còn giúp gì được cho anh nữa. Xuống hết chiếc cầu thang xoắn, Vladimir đi theo một hành lang dài tối tăm, giống như một lối mòn dẫn tới địa ngục. Đôi tay lần mò trong bóng tối theo các vách tường thô ráp, anh tiến dần về phía tây của cung điện, khom mình đi dưới những đường hầm hoặc những hang đá ẩm ướt. Những con chuột già xlavơ chạy lang thang ngược chiều thỉnh thoảng sượt qua mặt anh, rồi tỏ ra quan tâm tới kẻ đột nhập này đến mức quay lại chạy theo cắn vào chân anh. 
  Cho tới khi đêm xuống, Vladimir ngoi lên mặt đất và tìm thấy chỗ trốn trên sàn một chiếc xe ngựa, náu mình trong đống rơm cũ đã bị đám ngựa của Sa hoàng xéo nát. Anh ẩn mình trong đó chờ trời sáng và chạy trốn khỏi cung điện khi ban mai vừa rạng. 
  Tất cả các tác phẩm của Vladimir đã bị tịch thu ngay chiều hôm ấy. Chúng cháy bùng lên trong cái lò sưởi khổng lồ của một bữa tiệc lớn do ngài cố vấn của Sa hoàng tổ chức. Buổi tiệc kéo dài bốn giờ đồng hồ. 
Tới nửa đêm, mọi khách mời vội xúm lại bên cửa sổ để thưởng thức một buổi trình diễn ở phía trong cung điện. Nép mình trong hốc tường, Vladimir chứng kiến vụ ám sát. Vợ anh – Clara, bị bắt ngay trong buổi tối, và bị hai tên lính gác kéo tới nơi hành hình. Ngay từ khi ra đến sân, mắt nàng đã không rời các vì tinh tú. Mười hai họng súng giương lên. Vladimir cầu trời để đôi mắt nàng quay lại nhìn anh lần cuối cùng. Nhưng nàng không làm như thế, nàng hít một hơi thật sâu, mười hai họng súng cùng phun lửa. Đôi chân khuỵu xuống và cơ thể bị xé nát của nàng ngã vật xuống nền tuyết dày vấy máu. Tiếng vọng tình yêu của nàng vượt qua những bờ tường vây lan xa, và sự im lặng lại bao trùm không gian. Trong sự soi sáng của nỗi đau đang bóp nghẹt tim anh, Vladimir phát hiện ra sự sống còn mãnh liệt hơn cả nghệ thuật của anh. Sự tương hợp hoàn hảo của tất cả các màu sắc trên đời này cũng không thể miêu tả được nỗi đau của anh. Đêm đó trong tâm trí anh, rượu vang chảy tràn trên các bàn tiệc chẳng khác nào dòng máu chảy ra từ cơ thể không sự sống của Clara. Từng dòng máu đỏ như son loang trên chiếc áo khoác màu trắng, vẽ thành những vệt ngoằn ngoèo trên nền gạch trơ trụi như khắc trong trái tim chàng họa sĩ những vết rạn đen ngòm. Vladimir đã mang trong tâm trí một trong những tác phẩm đẹp nhất mà ông thực hiện tại Luân-đôn mười năm sau đó. Trong thời gian sống tha hương, ông đã tái hiện lại quãng đời bị hủy hoại của mình tại nước Nga với phong cách thay đổi, bởi không bao giờ Vladimir còn vẽ thân thể hay khuôn mặt phụ nữ, cũng nư không bao giờ còn thấy trên tranh của ông xuất hiện bất kỳ một chấm đỏ nào nữa. 
  Hình ảnh minh họa cuối cùng biến mất khỏi màn hình. Jonathan cảm ơn cử tọa đã hưởng ứng buổi hội thảo của anh với sự hoan hô nhiệt liệt. Những tràng pháo tay như đè lên đôi vai anh như những gánh nặng làm trăn trở cả tính kín đáo của anh. Anh cúi gập người, vuốt ve tấm bìa bọc tập tài liệu, ngón tay mân mê theo những nét chữ viết tên Vladimir Rkin. “Họ đang tung hô ông đấy, ông bạn già ah”, anh thì thầm. Đôi má bừng đỏ, anh cầm lấy cặp và vẫy tay chào cử tọa lần cuối một cách vụng về. Trong khan phong, một người đàn ông đứng lên và ra hiệu cho anh, Jonathan ôm chặt chiếc cặp vào ngực và lại quay người về phía cử tọa. Người đàn ông tự giới thiệu bằng dọng rõ ràng và dõng dạc. 
  - Frantz Jarvitch, của tạp chí Nghệ thuật và Tin tức. Thưa ông Gardner, ông có thấy việc không một bức tranh nào của Vladimir Rkin được trưng bày trông một bảo tàng lớn là một điều bình thường không? Ông có nghĩ rằng những người phụ trách bảo tàng đã không nhận ra tài năng của ông ấy? 
Jonathan tiến sát lại micro để trả lời người vừa đặt câu hỏi cho anh. 
  - Tôi đã dành phần lớn cuộc đời nghiên cứu của mình để giới thiệu về ông và làm cho các tác phẩm của ông được công nhận. Rkin là một họa sĩ vĩ đại, song cũng như một số khác, ông đã bị thời đại của mình lãng quên. Ông chưa bao giờ tìm cách lấy lòng ai, sự chân thật là tâm điểm trong tác phẩm của ông. Vladimir đã cố gắng vẽ nên niềm hi vọng và quan tâm đến những gì chân thực nhất của con người. Điều này đã khiến ông không chiếm được cảm tình của giới phê bình. 
  Jonathan ngẩng đầu lên. Ánh mắt của anh chợt như nhìn vào xa xăm, bị cuốn hút bởi một thời đại khác, một không gian khác. Anh thoát khỏi sự lúng túng, và những lời nói tuôn chảy như thể người họa sỹ già đã nhập vào anh để lên tiếng tự bảo vệ mình. 
  - Hãy nhìn những khuôn mặt mà ông đã vẽ, những luồng sáng mà ông tạo nên, cũng như vẻ độ lượng và vẻ hổ thẹn của các nhân vật trong tranh ông. Không hề có bất cứ một bàn tay nào nắm lại, không một anh nhìn dối trá. 
Gian phòng chìm trong im lặng, một người phụ nữ đứng lên. 
  - Sylvie Leroy, gian Tekné của bảo tàng Louvre. Truyền thuyết kể lại rằng chưa một ai từng được nhìn thấy tác phẩm cuối cùng của Vladimir Rkin, một bức tranh cho đến nay vẫn chưa được tìm thấy. Ông nghĩ thế nào về điều này? 
  - Đó không phải là truyền thuyết, thưa bà. Trong một lá thư gửi tới Alexis Savrassov, Rkin viết rằng mặc dù đang bị căn bệnh hành hạ khiến ông ngày một yếu dần, ông vẫn đang thực hiện một tác phẩm mà ông cho là đẹp nhất trong đời ông. Khi Savrassov hồi đáp để hỏi thăm sức khỏe và hỏi ông đang ở gian đoạn nào của công việc, Vladimir trả lời: “Hoàn chỉnh bức tranh này là liều thuốc duy nhất chống lại nỗi đau ghê gớm đang cào xé ruột gan tôi”. Vladimir Rkin qua đời sau khi đã hoàn thành bức tranh cuối cùng. Bức tranh này đã biến mất một cách bí ẩn trong một buổi đấu giá danh tiếng đượctổ chức ở Luân-đôn năm 1868, một năm sau khi họa sỹ qua đời. 
Jonathan giải thích rằng bức tranh đó, có thể là một tác phẩm lớn, đã được rút khỏi buổi bán đấu giá vào phút cuối vì một số lý do mà chính bản thân anh cũng không được biết, toàn bộ tranh của Vladimir Rkin đã không tìm được người mua trong suốt ngày hôm áy. Họa sỹ đã bị lãng quên trong một thời gian dài. Đó là một sự bất công làm buồn lòng Jonathan cũng như bất cứ ai coi người họa sỹ này là một trong những nghệ sỹ lớn nhất của thế kỉ mà ông đã sống. 
  - Sự giàu có của một trái tim nghệ sĩ luôn khêu lên lòng ghen tị hoặc sự khinh miệt của những người cùng thời. Một số chỉ nhận thấy vẻ đẹp trong những gì đã chết. Nhưng ngày nay, thời gian chẳng còn tác động gì tới Vladimir Rkin nữa. Nghệ thuật nảy sinh từ xúc cảm, đó là điều khiến nó trở nên vĩnh hằng, bất tử. Tuy nhiên, phần lớn các tác phẩm của ông hiện được trưng bày trong các bảo tàng nhỏ hoặc nằm trong một vài bộ sưu tập tư nhân lớn. 
  - Người ta kể rằng trong tác phẩm cuối cùng, hình như Rkin đã vi phạm quy tắc của mình và dường như đã sáng tạo ra một màu đỏ đặc biệt? Một người khác lại hỏi. 
  Cả gian phòng như chờ đợi câu trả lời của Jonathan. Anh chắp tay sau lưng, nheo mắt và ngẩng đầu lên 
  - Như tôi đã nói với các vị, bức tranh này đã đọt ngột biến mất, trước khi được ra mắt công chúng. Và cho tới nay, không hề để lại bất cứ một dấu vết nào. Bản thân tôi cũng tìm kiếm mọi bóng dáng của nó kể từ khi bước vào nghề. Chỉ duy nhất các bức thư mà Vladimir Rkin trao đổi với đồng sự Savrassov và một vài bài báo thời kì đó chứng tỏ nó đã từng tồn tại. Cần thận trọng mà đáp rằng mọt khẳng định khác về nội dung cũng như cấu tạo của nó đều là truyền thuyết. Xin cảm ơn quý vị. 
  Jonathan lại đón nhận một tràng vỗ tay nữa rồi bước vội về cuối khán phòng, lui vào hậu trường. Peter đang chờ anh, ôm lấy vai anh và chúc mừng. 
0----------------------------0
Vào cuối buổi chiều, các phòng hội thảo của Trung tâm hội nghị Miami đã vãn bóng bốn ngàn sáu trăm khách cùng đến trong ngày hôm đó. Làn sóng người đã chia thành từng dòng nhỏ chảy vào vô số quán bar và tiệm ăn trong khu phố. Với diện tích ba mươi ngàn piê(1) vuông, khu Jame L.Knight Center được nối bằng một lối đi dạo ngoài trời tới khách sạn Hyatt Regency với hơn sáu trăm phòng. 
Một tiếng đồng hồ đã trôi qua kể từ khi buổi hội thảo của Jonathan kết thúc. Peter kè kè điện thoại di động còn Jonathan thì chiếm chiếc ghế cao của quầy bar. Anh gọi một ly Bloody Mary và cởi nút cổ áo sơ mi. Trong một góc phòng được chiếu bởi thứ ánh sáng màu đồng, một nghệ sĩ dương cầm già nua đang rải vào không gian bằng một khúc nhạc của Charlie Haden. Jonathan nhìn người đang đệm vĩ hồ cầm. Anh ta ôm chặt cây đàn vào lòng, khẽ thì thầm với nó từng nốt nhạc mà anh ta đang chơi. Rất ít người chú ý tới họ. Dù rằng họ chơi thật tuyệt. Nhìn họ, người ta có thể dễ dàng đoán ra họ đã đồng hành qua một chặng đường dài. Jonathan đứng dậy đặt một tờ mười đô la vào chiếc ly có chân để trên chiếc dương cầm Steinway. Để cảm ơn, chạc công chơi contrabass gảy một tiếng khô khốc lên các dây đàn. Khi Jonathan quay trở lại quầy bar, tờ bạc đã biến mất mà khúc hòa song tấu vẫn trôi chảy không một nốt nhạc nào bị lỡ. Một người đàn bà đã ngồi vào chiếc ghế cao cạnh chỗ Jonathan. Họ nhã nhặn chào nhau. Mái tóc màu bạch kim của bà khiến anh nghĩ ngay đến mẹ mình. Có quãng đời mà ký ức của chúng ta lưu giữ về cha mẹ mình không thay đổi, như thể tình yêu tước đoạt của chúng ta ký ức về tuổi già của họ. 
Người đàn bà nhìn vào vạt áo vét của Jonathan nơi cài chiếc thẻ anh quên chưa gỡ ra, nhờ đó bà ta biết tên anh cũng như việc anh là một chuyên gia thẩm định tranh có hạng. 
- Giai đoạn nào vậy? Bà ta hỏi thay cho câu chào. 
- Thế kỉ thứ XIX, anh trả lời và cầm ly lên. 
- Một giai đoạn tuyệt vời, người đàn bà tiếp lời và nhấp một ngụm rượu buốc-bông mà người phục vụ vừa rót đầy ly. Tôi đã dành phần lớn những nghiên cứu của mình cho giai đoạn này. 
Bị kích thích bởi trí tò mò, tới lượt Jonathan cúi người để xem chiếc thẻ bà đeo trên cổ. Người ta có thể thấy trên đó có tên hội nghị chuyên đề về các khoa học thần bí mà bà tham dự. Jonathan để lộ sự ngạc nhiên của mình bằng một cái lắc đầu nhè nhẹ. 
- Anh không thuộc loại người làm gì cũng chăm chăm vào lá số tử vi, số má của mình phải không nào? Người đàn bà hỏi anh. 

Bà hớp một ngụm nữa và nói thêm: 
- Nói để anh yên tâm, tôi cũng không! 
Bà quay người trên chiếc ghế và chìa bàn tay về phía anh, ngón áp út đeo chiếc nhẫn nạm một viên kim cương lớn. 
- Chiếc nhẫn này được chế tác theo kiểu cổ, bà nói tiếp, nó gây ấn tượng hơn trọng lượng thực của nó tính bằng ca-ra. Nhưng đây là một viên đá gia truyền, và tôi đặc biệt yêu nó. Tôi là giáo sư, tôi phụ trách một phòng thí nghiệm tại trường đại học Yale. 
- Bà nghiên cứu về đề tài gì? 
- Về một hội chứng. 
- Một căn bệnh mới ư? 
Đôi mắt ánh lên sự ranh mãnh, bà trấn an anh. 
- Hội chứng “ đã từng gặp”! 
Đã lâu nay, chủ đề này thu hút trí tò mò của Jonathan. Cái cảm giác đã từng trải nghiệm những gì đang đến với mình không hề lạ lẫm. 
- Tôi nghe nói chính não bộ của chúng ta có thể lường trước được sự kiện sẽ xảy ra. 
- Ngược lại, đó chính là sự biểu đạt của tiềm thức. 
- Nhưng nếu chúng ta chưa từng trải qua sự kiện đó, thì làm sao chúng ta có thể nhớ về chúng được? 
- Ai bảo anh biết rằng anh chưa từng trải qua? 
Bà bắt đầu nói chuyện với anh về cuộc sống trong tiền kiếp và Jonathan tỏ vẻ gần như giễu cợt. Người đàn bà hơi lùi lại và nhìn anh dò xét. 
- Anh có cái nhìn thật hay. Anh có hút thuốc không? 
- Không. 
- Tôi cũng đoán thế, mùi thuốc có làm anh khó chịu không? Bà ta hỏi và rút từ trong túi ra một bao thuốc. 
- Cũng không luôn, Jonathan trả lời. 
Anh với lấy một bao diêm đặt trên quầy, quệt một que và đưa về phía bà ta. Điếu thuốc bắt lửa. Ngọn lửa cũng vụt tắt. 
- Bà có dạy học không? Anh hỏi. 
- Thỉnh thoảng tôi cũng có một giảng đường đông nghẹt. Nếu anh không tin vào cuộc sống trong kiếp trước, thì sao lại đưa mình vào thế kỷ XIX? 
Jonathan bị chạm tự ái, anh suy nghĩ một lúc rồi nghiêng sang bà ta. 
- Tôi có mối liên hệ gần như đam mê với một họa sỹ thời đó. 
Bà ta cắn vụn một viên đá đang ngậm trong miệng và đưa mắt nhìn về phía cái giá chất đầy rượu. 
- Người ta quan tâm tới những kiếp trước bằng cách nào vậy? Jonathan hỏi tiếp. 
- Bằng cách nhìn vào đồng hồ và cảm thấy không hài lòng với những gì được ghi trên đó. 
- Chính thế, đây là một quan điểm mà tôi đã thử tìm mọi cách để giải thích cho người bạn thân nhất của tôi hiểu. Ngoài ra, tôi cũng chẳng đeo đồng hồ bao giờ! 
Người đàn bà nhìn anh chăm chú và Jonathan cảm thấy mất tự nhiên. 
- Xin bà thứ lỗi, Jonathan lại nói, tôi không hề có ý chế nhạo bà. 
- Thật hiếm thấy một người đàn ông xin lỗi. Chính xác anh làm gì trong lĩnh vực hội họa? 
Mẩu tàn thuốc cong trĩu sắp rụng xuống quầy bar. Jonathan đẩy chiếc gạt tàn hứng phía dưới ngón tay trỏ vàng khè của người đang nói chuyện với anh. 
- Tôi chuyên về thẩm định. 
- Vậy là nghề nghiệp buộc anh đi nhiều nơi. 
- Quá nhiều. 
Người đàn bà có mái tóc màu bạch kim mân mê mặt kính chiếc đồng hồ đeo tay. 
- Thời gian cũng chu du đây đó. Nó chuyển từ địa điểm này sang địa điểm khác. Chỉ trong đất nước này thôi đã có đến bốn múi giờ khác nhau rồi. 
- Tôi không thể chịu nổi những sự lệch giờ này nữa, cái dạ dày của tôi cũng vậy. Có những tuần tôi dùng bữa sáng vào giờ ăn tối. 
- Nhận thức của chúng ta về thời gian bị lệch lạc. Thời gian là một chiều không gian chứa đầy những hạt năng lượng. Mỗi loài vật, mỗi con người, mỗi nguyên tử xuyên qua chiều không gian này bằng cách khác nhau. Có thể một ngày nào đó tôi sẽ chứng minh rằng chính thời gian mới chứa đựng vũ trụ chứ không phải ngược lại. 
Đã khá lâu rồi Jonathan không gặp một người đam mê một vấn đề đến độ anh hoàn toàn bị hút vào cuộc trò chuyện. Người đàn bà tiếp tục chủ đề của mình. 
- Chúng ta cũng từng tin rằng trái đất bằng phẳng và mặt trời quay quanh chúng ta. Đa số con người chỉ tự hài lòng tin vào những gì mình nhìn thấy. Một ngày nào đó chúng ta sẽ hiểu ra rằng thời gian luôn vận động, nó cũng quay như trái đất và không ngừng giãn nở. 
Jonathan trở nên bối rối. Để che giấu điều đó, anh lục túi áo vét của mình. Người đàn bà tóc trắng ghé sát mặt anh. 
- Cho đến khi chúng ta chấp nhận xét lại vấn đề những lý thuyết tự mình phát minh ra, chúng ta sẽ hiểu thêm rất nhiều điều về độ dài tương đối và thực chất của một kiếp sống. 
- Đó là điều bà giảng trên lớp phải không? Jonathan hỏi và hơi lùi lại. 
- Trông mặt anh kìa! Anh có hình dung nổi nét mặt những sinh viên của tôi nếu hôm nay tôi tiết lộ với họ thành quả nghiên cứu của tôi không? Chúng ta còn quá sợ hãi, chúng ta vẫn chưa sẵn sàng. Và cũng ngu muội như chính tổ tiên chúng ta, chúng ta quy tất cả những gì vượt tầm hoặc gây nhiễu hiểu biết của chúng ta thành siêu linh hoặc bí hiểm. Chúng ta là một sinh vật say mê tìm hiểu nhưng lại sợ khám phá. Chúng ta trả lời nỗi sợ hãi của mình bằng các đức tin, cũng hơi giống như các thủy thủ thời xưa từ chối ý tưởng đi du lịch và tin chắc rằng nếu rời xa điều họ nằm lòng thì thế giới sẽ rơi vào một vực sâu không đáy. 
- Nghề của tôi cũng có những khía cạnh khoa học của nó. Thời gian làm phai nhạt màu sắc trong tranh và khiến cho nhiều thứ không thể thấy được bằng mắt thường. Bà không thể hình dung được những điều kì diệu mà chúng tôi đã khám phá ra trong quá trình phục chế một bức tranh đâu. 

Người đàn bà chợt túm lấy cánh tay anh. Bà nhìn anh chằm chằm. Hai đồng tử màu nước biển của bà chợt như lóe sáng. 
- Ông Gardner, ông vẫn chưa nắm bắt được tầm vóc của vấn đề. Nhưng tôi không muốn quấy rầy ông bằng hàng mớ lời lẽ. Tôi cứ thao thao bất tuyệt mối khi đề cập đến vấn đề này. 
Jonathan ra hiệu cho người phục vụ quầy tiếp thêm rượu cho bà. Dưới bóng tối của đôi mí nặng trĩu, ánh mắt bà dõi theo cứ chỉ của người phục vụ. Bà nhìn chăm chú theo thứ nước màu hổ phách đang song sánh dọc thành chai bằng pha lê. Bà lắc lắc những viên đá trong chiếc ly và uống cạn một hơi. Rồi dường như thấy Jonathan đang chờ nghe tiếp, bà tiếp tục: 
- Chúng ta vẫn còn chờ đợi các nhà thám hiểm mới của chúng ta, những vị khách qua đường của thời gian. Một nhúm Magellan, Copernic, Galilee mới thôi là đủ. Mọi người sẽ coi họ là kẻ dị giáo, sẽ cười nhạo họ nhưng chính họ là những người mở những con đường của vũ trụ, chính họ sẽ làm hiện diện linh hồn của chúng ta. 
- Đó quả là một đề tài đặc biệt đối với một nhà khoa học, khoa học và tâm linh dường như không mấy khi hòa hợp được với nhau! 
- Hãy dẹp những thứ chung chung ấy đi! Long tin là một vấn đề tôn giáo, tâm linh phát sinh từ ý thức của chúng ta cho dù chúng ta có là ai hoặc có tưởng mình là ai. 
- Bà thật sự tin rằng sau khi chúng ta chết, linh hông khiến chung ta tiếp tục tồn tại? 
- Không phải bất cứ cái gì mắt thường không nhìn thấy là không tồn tại. 
Bà ta đã nói về linh hồn, Jonathan nghĩ về linh hồn của một họa sỹ già người Nga đã sống trong anh kể tự một ngày chủ nhật trời mưa, khi bố anh đưa anh đi thăm bảo tàng. Trong căn phòng rộng với trần ênh mông, một bức tranh của Vladimir Rkin đã hút hồn anh. Xúc cảm từ bức tranh đó đã mở rỗng những cánh cửa thời niên thiếu và vĩnh viễn dẫn dắt cuộc đời anh. 
Người đàn bà nhìn anh chăm chú, đôi mắt màu xanh của bà ngả sang đen. Jonathan cảm giác như bà đang đánh giá anh. Bà quay sang nhìn ly rượu của mình. 
- Những gì không phản chiếu được ánh sáng đều trong suốt, bà nói bằng giọng khàn khàn, nhưng điều đó không có nghĩa là chúng không tồn tại và chúng ta cũng không thể nhìn thấy sự sống khi nó rời khỏi cơ thể của chúng ta. 
- Tôi phải thú thật với bà rằng nhiều khi tôi còn chẳng nhìn thấy nó trong cơ thể một số người đang sống như chúng ta. 
Người đàn bà mỉm cười và yên lặng. 
- Nhưng rồi ai cũng phải chết thôi, Jonathan nói tiếp, vẻ hơi ngượng nghịu. 
- Mỗi người trong chúng ta tồn tại và phá bỏ sự tồn tại ấy và tự “rút lui” theo một nhịp riêng. Chúng ta không già đi theo thời gian, mà theo cách năng lượng chúng ta tiêu thụ và tái tạo để có thể tiếp tục. 
- Bà cho rằng chúng ta hoạt động nhờ vào một kiểu ắc-quy mà chúng ta sử dụng rồi lại nạp đầy chẳng? 
- Đúng, gần như vậy. 
Nếu như chiếc thẻ đeo trên người không chứng nhận tư cách khoa học của người đàn bà này, Jonathan đã cho rằng anh tiếp xúc với một trong những kẻ lạc loài cô độc vẫn thường chầu chực ở các quán bar tìm người để trút bầu tâm sự điên rồ của họ. Lúng túng, anh ra hiệu cho người phục vụ tiếp rượu cho bà. Bà lắc đầu từ chối lời mời. Người phục vụ đặt chai rượu buốc-bông xuống mặt quầy bar. 
- Bà nghĩ rằng linh hồn có thể sống lại nhiều lần ư? Jonathan hỏi tiếp và kéo chiếc ghế lại gần. 
- Một số thôi, đúng vậy. 
- Khi tôi còn nhỏ, bà tôi kể rằng các vì sao là linh hồn của những người đã lên trời. 
- Ánh sáng của những ngôi sao không cần đến thời gian để tới với chúng ta, chính thời gian đã dẫn đường cho nó. Cần phải hiểu bản chất của thời gian là gì, đó là phương tiện ột chuyến du lịch trong chiều của thời gian. Thân xác của chúng ta bị giới hạn bởi những sức mạnh vật lý đối kháng với chúng, nhưng linh hồn của chúng ta có thể vượt qua được. 
- Thật tuyệt vời khi hình dung rằng chúng sẽ không bao giờ chết. Tôi biết linh hồn của một họa sỹ … 
- Đừng quá lạc quan, đa số các linh hồn sẽ kết thúc bằng cách tắt lịm. Chúng ta thì già đi còn linh hồn, chúng thay đổi kích cỡ, theo trình tự mà chúng ghi nhớ. 
- Chúng ghi nhớ lại gì? 
- Chuyến du hành của chúng trong vũ trụ! Ánh sáng mà chúng hấp thụ được! Các tế bào của sự sống! Đó là thông điệp mà chúng mang theo, từ lúc còn vô cùng bé cho đến khi trở thành vô cùng lớn, cũng là điều mọi linh hồn đều mơ ước đạt được. Chúng ta sống trên một hành tinh mà rất ít người trong số chúng ta đã đi hết một vòng đời của mình, và cũng rất ít linh hồn đạt được mục đích của chuyến du hành: đi hết vòng tròn của tạo hóa. Linh hồn là những sóng điện. Chúng được hình thành bởi hàng triệu hạt li ti, giống như tất cả những gì đã làm nên vũ trụ của chúng ta. Giống như vì sao của bà cậu, linh hồn cũng sợ sự tan rã của chính nó, tất cả đối với nó chỉ là vấn đề năng lượng. Chính vì lý do ấy mà nó cần có một thân thể trên mặt đất, nó vây bọc lấy cơ thể ấy, tự tái tạo trong cơ thể và tiếp tục cuộc hành trình trong chiều thời gian. Khi cơ thể không còn đủ năng lượng nữa, nó liền rời bỏ và tìm đến một nguồn sống mới cho phép tiếp tục chuyến du lịch của mình. 
- Và nó sẽ tìm kiếm trong bao lâu? 
- Một ngày, hay một thế kỷ? Điều này tùy thuộc vào sức mạnh và nguồn năng lượng mà nó tái tạo nên trong cuộc sống. 
- Thế nếu thiếu thì sao? 
   - Nó sẽ tắt! 
- Thế năng lượng mà bà nói đến là gì? 
   - Nguồn gốc của cuộc sống: tình cảm! 
Peter làm Jonathan giật mình khi đột ngột đặt tay lên vai anh. 
- Rất xin lối vì cắt nganh, anh bạn ạ, nhưng họ sẽ không giữ chỗ cho chúng ta  đầu. Để có thể tìm được một bàn khác, sẽ là cả một nỗi phiền toái, nơi này lúc nhúc toàn những kẻ quê mùa đói lả. 
Jonathan hứa lát nữa sẽ đến nhà hàng tìm Peter. Peter chào người đànbà rồi ra khỏi quán bar, vừa đi vừa ngước mắt nhìn trời. 
- Ông Gadner, người đàn bà lại nói, tôi không hề tin vào sự ngẫu nhiên. 
- Sự ngẫu nhiên thì có liên quan gì ở đây? 
   - Tầm quan trọng quá mức mà chúng ta danhfcho nó thật đáng sợ. Trong tất cả những gì tôi vừa nói với ông, chỉ nên nhớ một điều duy nhất. Có khi hai linh hồn gặp nhau chỉ để hợp lại thành một. Chúng sẽ phụ thuộc vào nhau mãi mãi. Chúng không thể tách rời nhau và sẽ liên tục tìm kiếm nhau từ kiếp này sang kiếp khác. Nếu như trong một quá trình tồn tại trên mặt đất, một nửa bị tách rời khỏi nửa kia, phá bỏ lời thề đã gắn kết chúng, cả hai linh hồn sẽ cùng tắt ngay lập tức. Linh hồn này sẽ không thể tiếp tục chuyến du hành mà không có linh hồn kia. 
Khuôn mặt người đàn bà đột nhiên biến đổi, các nét thoắt đanh lại, đôi mắt trở lại màu xanh nước biển sâu thẳm. Bà đứng lên và nắm lấy cổ tây Jonathan. Bà siết chặt lấy nó bằng tất cả sức lực của mình. Giọng bà càng trở nên nặng nề hơn. 
- Ông Gadner, vào lúc này, có điều gì đó đã khiến ông đoán tôi không phải là một bà già mất hết lý trí. Hãy thật chú ý tới điều tôi sắp nói với ông đây: đừng bỏ cuộc! Cô ấy đã trở lại, cô ấy đang ở đây. Ở đâu đó trên trái đất này, cô ấy đang chờ đợi ông, tìm kiếm ông. Từ giờ trở đi thời gian của hai người đều đang trôi dần. Nếu như một trong hai người chối bỏ người kia, điều đó còn tồi tệ hơn cả đánh mát cuộc sống, điều đó có nghĩa là cả hai người sẽ đánh mất linh hồn. Chặng cuối của chuyến du hành sẽ vô cùng uổng phí vì hai người đã tiến gần đến đích. Khi hai người nhận nhau, đừng bỏ qua nhau. 
Peter vừa quay trở lại, tóm lấy cánh tay Jonathan, buộc anh phải quay nửa vòng trên ghế. 
- Họ không muốn giao bàn cho tớ khi chúng ta “chưa đến đủ”! Tớ vừa phải thương lượng ba phút liên tục với người quản lý khách sạn để anh ta để tên chúng ta lại trong danh sách chờ. Cậu khẩn trương lên, có một miếng sườn tái sắp không thể rỉ máu được nữa rồi đây. 
Jonathan giật mạnh để thoát khỏi tay người bạn, nhưng khi anh quay lại, người đàn bà tóc trắng đã biến mất. Tim anh bắt đầu đập dồn, anh chạy vội ra hành lang. Song dòng người đã nuốt chửng mọi hy vọng có thể tìm lại bà ta. 
  
  


Truyện đánh dấu

Nhấn để xem...

Truyện đang đọc

Nhấn để xem...
Nhấn Mở Bình Luận
Quảng Cáo: Coin Cua Tui