Nguyên người già bị đánh lúc nãy là người họ Bao tên Trạch, tức là đầy tớ thân của quan Thừa tướng Tào Quan Bảo ở thành Bắc Kinh. Tào Quan Bảo có một người con giai tên là Tào Lương năm nay đã ngoài 20 tuổi đầu, học hành dốt nát, tính nết ngu xuẩn, mà cái chơi liều thì thực không ai theo kịp.
Tào Lương lại nhờ có Bao Trạch, biệt hiệu là Bao Nhân Cùng, sớm khuya dỗ dành mưu kế, hễ thích điều gì thì cũng hùn giúp ngay vào. Bởi thế Tào Lương lại càng phóng túng chơi bời, suốt ngày cờ bạc gái trai, không một lúc nào là không càn rỡ.
Thỉnh thoảng Tào Lương đi chơi ra ngoài, gặp một người con gái phường phố nào nhan sắc có vẻ đáng ưa thì lại bàn ngay với Bao Trạch để nhờ lập kế xoay cho.
Bao Trạch thừa được cái thế của Tào Lương là con quan Thừa tướng, cho nên lại càng phóng tâm không sợ. Hễ Tào Lương cần muốn điều gì, là lập tức bày mưu lập kế giúp ngay không còn nể kiêng chi nữa, nhân thế những người trong thành thẩy đều oán ghét mà đặt cho anh ta một cái tên gọi là Nhân Cùng, nghĩa là để vẽ cái tính hèn hạ của anh ta không còn có ai bần cùng hơn nữa. Còn người đánh anh ta hôm ấy thì tức là cậu Đào Xán Trương, con quan Đào Phú hiện làm Hộ bộ Thượng thư. Xán Trương tuy sinh vào nhà đài các, song vốn tính ưa thích võ nghệ, xưa nay đối với món côn quyền cùng là các môn cưỡi ngựa bắn cung, các cách truyền đao múa kiếm, không một thức gì là Xán Trương không để ý tập rèn.
Chàng ta lại có một tính lạ lùng là mỗi khi đi đến đâu, hễ thấy ai có việc bất bình, tức thì chàng phải dúng vào can thiệp.
Vì chàng là người bộc trực, hăng hái, cho nên bất cứ gặp ngưỡi thân thế đến đâu mà lỡ có điều gì phạm đến thì chàng cũng trị nghiến ngay đi chứ không sợ hãi.
Hôm ấy cũng là một sự dĩ nhiên, Bao Trạch đương đi xe rong chơi phố thì gặp ngay Đào Xán Trương cưỡi ngựa đi qua, Đào Xán Trương vẫn biết cái tiếng gian ác của Bao Trạch xưa nay, trong bụng vẫn định cho hắn một bài học để hắn phải chừa, nhưng hiềm vì chưa có dịp nào gặp gỡ. Bất đồ hôm ấy chàng đi đến thì lại bắt gặp ngay Bao Trạch vừa dừng xe xuống để toan ghẹo đùa một người con gái đi qua ngoài phố.
Đào Xán Trương thấy thế, liền xuống ngay ngựa trao cho tên người nhà dắt lấy, rồi đi sấn đến trước mặt Bao Trạch lấy lời nghiêm nghị mà bảo rằng :
- Lão không có phép như thế! Người ta là con nhà tử tế đương đi ở đường, cớ sao mà lão dám đến tròng ghẹo người ta?
Mấy câu nói đó giá phải một người nhận biết điều mà chịu nhụt ngay đi, thì có lẽ cũng không lôi thôi chi nữa. Nhưng Bao Trạch lại khác thế. Hắn ta quen cậy cái oai quyền của quan Thừa tướng xưa nay. Hắn thường coi người như rác, còn có phân biệt ai đâu. Bởi thế Bao Trạch tuy biết Xán Trương là con quan Đào hộ bộ, nhưng hắn vẫn làm ra vẻ hách dịch mà mắng lại rằng :
- Ngươi đi đường thì cứ việc đi đường, ta đùa với người khác chứ ta đùa với ngươi đâu mà ngươi dám nói! Đồ nhải con!
Đào Xán Trương vừa nghe tới đó thì máu nóng như vọt cao lên hàng mấy mươi trượng, liền tóm ngay lấy Nhân Cùng đánh ấy cái.
Bây giờ mấy đứa phu xe của Nhân Cùng cũng là những tay võ viền bợm bãi. Nhân Cùng cốt cho đi theo để hộ vệ mình. Khi chúng thấy Nhân Cùng bị đánh thì đều xúm xít cả vào để cứu Nhân Cùng. Nhưng không ngờ chúng vào tới nơi lại bị Đào Xán Trương đánh ột mẻ siểng liểng sơ lơ, rồi phải kéo nhau bỏ chạy mất cả để ột mình Nhân Cùng ở lại. Vì đó Xán Trương lại càng tức bực Nhân Cùng, quyết đánh ột mẻ nên thân để sau này chừa hẳn cái thói gian dâm không thi hành ra nữa.
Bây giờ Đổng Thiên Bảo nghe lão già kia nói đầu đuôi thì tắc lưỡi một cái, kêu một tiếng “ồ”, rồi nói tiếp luôn :
- Thế thì đáng tiếc thực! Tôi biết chậm quá, chứ giá phải tôi hiểu ngay chuyện trước, có lẽ tiện đây tôi cũng tặng cho thằng cha họ Bao mấy quyền nhân thể.
Ông già nghe nói hai mắt trợn ngược lên, nhìn vào Thiên Bảo rồi ra dáng sợ hãi mà hỏi rằng :
- Chết nỗi, ông có oai quyền gì mà ông dám nói như thề. Có lẽ ông không phải là một vị quốc vương thì cũng là một vị Hoàng thân quốc thích gì đây hẳn?
Đổng Thiên Bảo nghe vậy, thì gầm lên một tiếng rất to rồi vỗ bụng mà nói lên rằng :
- Nếu phải cậy thế lực của người khác mới làm trôi việc, thì sao còn gọi là hảo hán được nữa! Nói thực cho lão gia biết tôi đây là Đổng Thiên Bảo, xưa nay không phải nương tựa vào ai mà cũng không biết sợ hãi chi ai hết thẩy...
Chàng nói mấy tiếng đó có vẻ hùng dũng ghê gớm, làm cho lão già đương đứng ở gần chỗ chàng bỗng phải giật mình kinh sợ, vội vàng cắm cổ chạy ngay đi mất. Thiên Bảo thấy vậy ngơ ngẩn một mình, rồi lững thững đi rong quanh phố.
Được một lát, trời đã tối dần, Thiên Bảo quay về hàng trọ, cơm nước xong rồi, thì lại ăn mặc gọn gàng, lò mò đến nhà Nguyễn Khánh Đàm. Khi đi tới nơi, chàng đương ngấp nghé nhìn, thì bỗng thấy phía trong có một người lững thững đi ra ngoài cổng rồi đứng dừng lại ngẩn ngơ trông khắp mọi nơi.
Thiên Bảo trông dáng dấp người đó, thì thấy quả đúng là Nguyễn Khánh Đàm, chàng bèn chạy đến gần sát tận nơi, ra hiệu để gọi. Khánh Đàm nghe thấy tiếng Thiên Bảo thì ra dáng vui mừng kinh ngạc, vội ôm choàng Thiên Bảo lôi vào trong nhà mời ngồi nói chuyện.
Thoạt khi vào tới trong nhà, Thiên Bảo hỏi ngay Khánh Đàm rằng :
- Chúng ta ngồi ở trong nhà nói chuyện, phỏng chừng có việc gì là trở ngại được chăng?
Khánh Đàm lắc đầu đáp rằng :
- Cái trở ngại thì không có gì là trở ngại, duy có điều mới mấy hôm nọ thì họ vẫn thường rình mò để định bắt tôi, cho nên tôi thường phải lẩn lút cho họ khỏi trông thấy mặt mà thôi. Hôm nay có phải là bác tiếp được thư tôi nên bác tới đây hay không?
Thiên Bảo gật đầu đáp rằng :
- Chính thế, vì tôi tiếp được thư nên tôi vội phải sang đây... Nhưng câu chuyện thế nào, bác nói mau cho tôi được biết, để tôi liệu kế làm ngay mới kịp...
Nguyễn Khánh Đàm nói :
- Bác hãy thư thả, bác xa tới đây chưa cơm nước gì, đã nói chuyện làm sao ngay được!
Thiên Bảo xua tay mà rằng :
- Bác không cần nghĩ tới việc đó, tôi đã ăn cơm nước ở ngoài nhà trọ cả rồi. Tôi còn có việc cần đi ngay bây giờ, vậy thế nào xin bác nói ngay cho tôi nghe đã.
Khánh Đàm lúc đó mới thở dài bảo Thiên Bảo rằng :
- Câu chuyện của nhà tôi, cứ kể nói ra thì ai cũng phải lấy làm bực tức. Nguyên hôm trước, con em gái tôi là Vận Cầm đi theo mẫu thân tôi đến nhà người bà con ăn giỗ. Bất đồ đi tới nửa đường thì gặp ngay thằng Tào Lương là con trai nhà Tào Quan Bảo. Tào Lương trông thấy em tôi, đem lòng mê mẩn, bèn sai thủ bạ bắt trói em tôi đem về tướng phủ để định ép bắt làm hầu. Sau đó vì sao không hiểu, rồi thì đến đêm hôm ấy, em gái tôi bỗng bị mất tích, tìm kiếm cũng không thấy đâu nữa. Tào Lương thấy vậy, ngờ cho nhà tôi là đương đêm lẻn vào cướp lấy người về mà mang đi giấu một nơi. Nhân thế chúng bèn giở ngay thủ đoạn tàn ác, cho quân lính đến tận nhà tôi, vây kín trong ngoài, bắt mẫu thân tôi, anh chị tôi, các em tôi, cùng cả vợ tôi giam vào trong ngục. Duy có tôi đây cũng vì hôm ấy đi vắng, cho nên mới được thoát thân. Bởi vậy tôi phải tức tốc viết thơ, nhờ người đưa sang trình bác, để nhờ bác...
Khánh Đàm vừa nói đến đó, thì Thiên Bảo vội gạt đi mà rằng :
- Thôi, bất tất bác phải nói lôi thôi dài dòng nữa. Có điều hôm ấy nó đã bắt cô ấy giữ vào một nơi thì tất đêm hôm có người canh giữ cẩn thận, chứ có lẽ nào mà trốn đi đâu được! Hay ở trong đó còn có điều gì khuất khúc cũng nên.
Khánh Đàm ngẩn người ra rồi lắc đầu mà rằng :
- Cái đó tôi cũng không được hiểu, nhưng tôi thực lấy làm uất ức vô cùng mà không nói với ai cho được.
Thiên Bảo nghĩ ngợi một tí rồi nói :
- Hay hoặc giả đêm hôm họ canh phòng không cẩn, rồi cô ấy liều mình tự tử, cho nên nó không biết đó chăng?
Khánh Đàm đáp rằng :
- Cái đó quyết không có lẽ. Nếu em tôi có liều mình tự tử thì ít ra cũng có người biết tới, chứ có khi nào lại biệt hẳn được đi. Bởi thế tôi càng lấy làm nghi ngờ không hiểu, mà muốn tìm đến nhân huynh để nhờ giải quyết.
Đổng Thiên Bảo nghe nói, thần người ra một lúc rồi gật gật mà rằng :
- Thôi được rồi, để tôi vào qua trong tướng phủ một phen thì tôi khắc biết. Vậy đây đi vào tướng phủ lối nào bác thử nói qua cho tôi biết đã?
Khánh Đàm trỏ về phía đông phố đó mà nói :
- Bác đi ra phố này, cớ theo về lối đằng đông, cho hết dãy phố này rồi rẽ sang bên tay phải, đi một quãng xa tới một nơi có tường cao cổng lớn, trong có lâu đài lộng lẫy, cây cối um tùm, tức là dinh quan Thừa tướng ở đó.
Thiên Bảo nghe dứt lời bèn đứng phắt dậy, bảo Khánh Đàm rằng :
- Thôi tôi phải đi, để sau sẽ gặp.
Nói đoạn liền quay ngoắt ra, trở về nhà trọ, thay mặc quần áo dạ hành, dắt đủ các thứ cần dùng và mang cây câu liêm bảy đoạn dắt gọn vào mình, rồi len lén cất gót đi ra. Khi ra khỏi cửa nhà trọ, chàng bèn dùng phép phi hành theo lời Khánh Đàm đã dặn lúc nãy, vun vút bay đi.
Được một lát đi tới một nơi, nhác trông dinh thự nguy nga, cỏ cây rậm rạp, chàng đoán chắc đó là nơi tướng phủ, bèn thu ngay phép phi hành, dừng xuống một chỗ góc vườn thật kín. Bấy giờ vào khoảng chưa hết canh một, trong nơi tướng phủ đâu đó vẫn còn thắp đèn nến sáng trưng, ở ngoài trông vào không một chỗ nào là không thấy rõ. Chàng ta lần quanh nẻo vườn, trông quanh các ngả, chợt có một chỗ, thấy phòng thất trang hoàng lịch sự, khác hẳn với mọi chốn kia. Chàng nhân đoán chắc chỗ đó là phòng riêng của quan Thừa tướng Tào Quan Bảo, chàng bèn bay vót lên ngay nóc nhà, rồi bay truyền các nóc này mà đi thẳng sang phòng đó.
Khi tới nóc gian phòng đó, Thiên Bảo đứng ở trên nó trông về phía sau, không thấy một ai, chàng bèn nhẹ nhàng bay xuống rồi, tìm đến một cái cửa sổ khoét thủng ra một tí để nhòm. Chàng ta nhòm vào phía trong chưa kịp trông thấy cái gì thì chợt nghe có một tiếng đánh sình ở trong đưa ra, làm cho chàng phải giật mình kinh sợ đứng lui ngay ra mấy bước, rồi rút ngay cây câu liêm bảy đoạn trong mình cầm nhăm nhăm ở tay thủ thế.
Ngờ đâu chàng ta ngơ ngẩn nhìn quanh giờ lâu, không thấy một vật gì qua lại, bây giờ mới lại vững tâm quay vào chỗ cũ nhòm xem.
Vừa hay khi đó chàng ta nhìn vào thì thấy phía trong buồng đó chính giữa có kê một cái sập rất to, trước sập đặt một cái án giàn mặt, trên treo ngọn đèn sáng trưng, còn xung quanh bày biện những gì chưa làm sao mà trông kịp hết. Ở trên sập đó có một người râu ria dài rậm, ăn mặc tuy khác, song vẻ mặt thì đúng là người gặp lúc chiều, mà người ta gọi là Bao Trạch, đương ngồi thẫn thờ nét mặt, và có một đứa đầy tớ đứng hầu ở ngay bên cạnh.
Thiên Bảo lắng tai nghe thì thấy tên đầy tờ gãi đầu gãi tai, nói với Bao Nhân Cùng rằng :
- Việc đó con tưởng ông cũng không lấy gì làm ngại, vừa rồi Tào công tử đã nhận lời lên nói với Thừa tướng rồi thì thế nào Thừa tướng cũng không để cho thằng cha họ Đào còn yên sống được. Con xem ý công tử cũng giận thằng cha họ Đào lắm, cho nên vừa rồi đi ra, người mới khép cái cửa đến thình một cái như thế đó. Vậy ông thử đợi một tí xem sao?
Thiên Bảo nghe tới đó mới hiểu cái tiếng đến thình một cái vừa rồi chính là Tào Lương đi ra, mà chàng không biết để đón đi theo. Nhân vậy chàng cũng hơi lấy làm hối hận, nhưng nghĩ chừng theo không kịp nữa, nên lại đành phải đứng đó để đợi xem sao.
Thiên Bảo đứng đợi một lát thì chợt nghe trong phòng có tiếng nói lên rằng :
- Kìa đại quan nhân đã xuống kia rồi.
Chàng nghe nói vội vàng quay vào thì quả nhiên thấy cánh cửa phòng đằng kia mở tung ra, rồi có mấy tên thị nữ xách hai ngọn đèn lồng đi trước, dẫn một chàng ăn mặc chững chạc bước vào trong phòng. Khi người thiếu niên đó vào tới cửa, thì thấy Bao Nhân Cùng lật đật đứng dậy chạy ra để đón và hỏi vội lên rằng :
- Thế nào, quý công tử đã nói giúp cho tôi hay chưa?
Người thiếu niên nghe nói không trả lời vội, liền quay ra bảo mấy đứa thị nữ rằng :
- Cho các ngươi hãy đứng ngoài cửa, rồi một lát nữa ta sẽ đi ngay...
Hai tên thị nữ răm rắp vâng dạ, vội vàng cầm hai cái đèn lồng quay ra phía ngoài rồi khép cửa lại.
Đoạn rồi người thiếu niên kia ra dáng đắc ý cười bảo Bao Trạch rằng :
- Việc đó tôi đã nói với phụ thân tôi rồi, phụ thân tôi cũng lấy làm giận lắm... nhưng có điều tôi đã trình với cụ, và cụ bảo thế nào bác cũng phải sang đấy thuật lại đầu đuôi cho cụ nghe mới được.
Bao Nhân Cùng nghe nói ra vẻ vui mừng hớn hở mà rằng :
- Được lắm, nến tôi được lên nói với cụ lớn, thì còn gì hay hơn nữa! Vậy xin mời công tử cũng đi lên đó để tôi theo lên bẩm rõ với ngài, thì có lẽ đắc lực hơn...
Người thiếu niên gật gật mà rằng :
- Nếu vậy thì bác đi ngay bây giờ với tôi, hiện cụ còn đương đợi chúng ta ở đấy...
Nói đoạn liền dắt tay Bao Trạch cùng đi quay ra ngoài cửa, Đổng Thiên Bảo thấy vậy, trong bụng đoán chắc người thiếu niên đó là Tào Lương, con Tào Quan Bảo, mà bọn cùng đi bấy giờ tất là lại dắt nhau đến chỗ phòng quan Thừa tướng Tào Quan Bảo không sai. Chàng nghĩ như vậy lấy làm mừng rỡ vô cùng, bèn non nót chạy ra phía đầu nhà nhìn rõ xem bọn kia đi về lối nào, rồi theo hút đi ở phía sau để xem bọn họ tới đâu.
Được một lát đi tới một gian phòng kia, lại có vẻ rộng rãi sang trọng hơn gian phòng lúc nãy, thì thấy Bao Trạch cùng người thiếu niên kia vào trong phòng còn bọn thị nữ thì cầm đèn quay ra cùng đi sang cả nhà khác. Đổng Thiên Bảo non nót đến tận phòng ấy, nhân thấy phía tường bên trên có ánh sáng ở trong phòng soi ra ngoài hiên. Chàng ta bèn sẽ nhảy lên một cái xà, ngồi thon lỏn ở đó, ghé gần vào chỗ tường, thấy có cái lỗ trống thông hơi, chàng bèn để mắt sát vào nhìn xem sự thể ở trong.
Bấy giờ ở trong phòng có một người râu dài mặt to, trông dáng vạm vỡ, đương ngồi chễm chệ ở một cái sập, kê chính ở giữa và có mấy tên ăn mặc lối lính vệ úy khoanh tay đứng hầu hai bên. Trong khi người thiếu niên kia đưa Bao Nhân Cùng vào thì thấy nói thì thầm câu gì với người ngồi trên sập không biết. Song liền đó thì thấy người ngồi trên sập gật đầu mà rằng :
- Con cứ ngồi đây để ta hỏi rõ đầu đuôi xem sao cái đã.
Nói đoạn thì thấy người thiếu niên vâng lời ngồi xuống một cái ghế kê ngang phía trước cái sập. Thiên Bảo thấy thế, trong bụng đoán chừng người ngồi trên sập đó tất là Tào Quan Bảo, là bố Tào Lương...
Liền sau đó quả thấy Bao Nhân Cùng đến trước người ngồi trên sập, quỳ ngay xuống đất xụt xùi khóc lóc mà nói lên rằng :
- Dám thưa lão Thái sư cùng Thiếu gia xét lại cho con việc này, không thì con lấy làm uất ức trong lòng, dù chết cũng không nhắm mắt...
Vừa nói tới đó thì Tào Quan Bảo vuốt râu cười nhạt, ra dáng tự đắc mà hỏi luôn :
- Vừa rồi Tào công tử có nói với ta đại khái cả rồi. Nhưng ta muốn nghe rõ câu chuyện xem sao, nên mới bảo bác vào đây để hỏi. Vậy có thế nào bác cứ kể rõ ta nghe?
Bao Nhân Cùng lại nức nở xếu mếu mà nói :
- Trăm lạy Thừa tướng, ngàn lạy Thừa tướng, con cũng không ngờ cái thằng ranh con Đào Xán Trương mà nó lại dám ngông càn đến thế! Nó đánh đập con đây đã thâm tím cả mặt mũi, xuýt nữa thì bị chết với nó, cái đó đành con cũng không dám phàn nàn. Nhưng nó lại còn nói càn nói bậy, hình như trong gầm trời nay nó không coi ai ra gì hết thẩy, đến nỗi như Thừa tướng đây nó cũng không kiêng không nể thì phỏng đáng tức biết bao! Con nói rõ ra đây bây giờ, chắc là Thừa tướng cũng phải...
Nhân Cùng vừa nói tới đó, thì Tào Quan Bảo ngồi trên sập, đổi ngay nét mặt, ra dáng nóng nảy, hỏi dồn luôn rằng :
- Nó nói những thế nào, anh cứ nói rõ, can gì mà phải ấp úng?
Nhân Cùng lại ra dáng rụt rè, gãi đầu gãi tai mà đáp :
- Con nói ra đây bây giờ thì rất không tiện, sợ Thừa tướng lại quở trách con.
Tào Quan Bảo càng nóng nảy nói ngay :
- Anh cứ nói rõ, ta trách anh làm gì. Ta cốt xem nó nói những gì để ta liệu trị ngay nó.
- Bẩm Thừa tướng, anh ta là một thằng ranh con, đến ông bố anh ta cũng còn thuộc quyền Thừa tướng ở đây. Vậy mà khi anh ta đánh đập con đây, lại dám công nhiên xỉ mạ đến cả Thừa tướng, anh ta nói là mày cậy thế thằng nọ thằng kia với ai thì được, chứ ta đây thì gọi là ta kéo cả cái thằng Tào ra mà giần cho nó một mẻ cho nó biết tay, ta đây không nể sợ gì đâu!
Tào Quan Bảo nghe tới đó thì bỗng gầm lên một tiếng rồi đứng phắt dậy vỗ tay xuống sập mà hỏi :
- Nó dám nói thế thực hay sao?
Nhân Cùng quỳ dưới run bắn người lên đáp rằng :
- Trước mặt Thừa tướng khi nào con dám nói! Nếu thế thì con còn hòng giữ lại cái đầu này sao được!
Quan Bảo lại hầm hầm thét dữ :
- Nếu thế thì thằng Đào Xán Trương này gớm thực. Nó là địa vị gì mà nó lại dám láo cả với ta?
Nhân Cùng thấy Quan Bảo đã ăn phải bả rồi, bèn nói luôn rằng :
- Việc này con chắc là ông cụ Đào Phú đẻ ra Đào Xán Trương, cũng có ý khinh miệt Thừa tướng, cho nên hắn mới dám cả gan nói liều như thế, chứ những như một mình hắn, phỏng hắn đã biết cái gì?
Tào Lương ngồi bên cạnh, cũng chêm ngay mấy câu :
- Con tưởng việc này có lẽ chính bởi Đào Phú mà ra thực. Vậy chi bằng ngày mai phụ thân cứ cho ngay thằng Tào Long, thằng Tào Hổ sấn sang giết ngay cả nhà Đào Phú đi, rồi sẽ tâu với nhà vua mà thu tịch gia tài của nó đi thế là rảnh chuyện.
Tào Quan Bảo không phải nghĩ ngợi gì, liền nói phắt ngay :
- Được lắm, ta cũng phải làm thế mới xong. Để ngày mai sẽ sai hai đứa ấy trị cho chúng nó một mẻ.
Đổng Thiên Bảo ngồi nép ở ngoài, nghe thấy câu chuyện vậy, trong bụng lấy làm tức giận vô cùng, nhân khẩm nẩm tự nghĩ một mình: “Thằng cha Nhân Cùng thực là khả ố! Hắn làm việc vô lễ bị Đào Xán Trương đánh cho như thế là rất xứng đáng. Nay hắn đã không biết tội thì chớ, lại còn đặt bịa nên điều, vu vạ cho người lương thiện, định làm cho người ta chết hại nguy hiểm mới thôi, những người như thế, phỏng còn dung thứ cho sống làm chi! Lại còn bố con cái thằng họ Tào này nữa. Nó không hiểu rõ sự thực ra sao, chỉ nghe một thằng bờ vờ nói láo mà dám quả quyết định hại người ta thì còn ra người sao được. Vì bất nhược tiện đây ta giết phắt ngay thằng cha Nhân Cùng này đi, còn bố con cái thằng họ Tào thì để qua một tí, sau đây nếu còn như thế, ta sẽ trị nó một phen”.
Thiên Bảo nghĩ tới đó, liền nhẹ nhàng bay xuống, thừa lúc cái cửa không cài, đút ngay thanh cương đao sang loáng cầm ra ngoài tay, đẩy cửa đi sấn ngay vào. Vừa vào tới cửa, chàng thét lên một tiếng rất to, làm cho bọn người ở trong đều thất kinh sợ hãi, run lên nhong nhóc không hiểu là có việc gì.
Đổng Thiên Bảo thừa thế sấn vào, đưa ngay thanh đao vào cổ Bao Nhân Cùng một nhát, khiến cho Nhân Cùng chưa kịp trở mình thì cái đầu đã bị rơi đứt ngay ra. Các người trong kia thấy vậy lại càng sợ hãi mất mặt, kêu rú cả lên.
Đổng Thiên Bảo vội vàng quay lại chặn lấy cái cửa, rồi nhảy đến vót một cái đến bên cạnh Tào Quan Bảo, nắm chặt lấy cánh tay và giơ con dao nhăm nhăm lên này bảo rằng :
- Ta đây không thèm giết các ngươi làm chi vội... nhưng hết thẩy mọi người ở đây, nếu ai nhớn nháo chạy ra, hay là ló miệng kêu lên một tiếng, thì sẵn con dao đây ta cắt ngay cái cổ ông già này đi đã...
Mấy tên lính cùng Tào Lương nghe thấy vậy, đoán chắc là cũng không chết đến lần mình, cho nên đều yên trí đứng nép cả vào với nhau không dám nói một câu gì.
Duy có Tào Quan Bảo, thì lúc đó mặt sám hẳn lại như gà cắt tiết, chân tay run bắn cả lên, tựa như mấy cái lá cây bị luồng gió thổi, rồi cất giọng rền rĩ lắp bắp mà nói lên rằng :
- Trăm lạy tráng sĩ, tráng sĩ có dạy bảo gì, thì xin cứ dạy bảo cho biết, tôi là thằng khốn nạn này không khi nào dám chạy đi đâu mà cũng không dám kêu lên nữa.
Đổng Thiên Bảo nghe nói, liền giơ thanh đao ướm lên trước mặt họ Tào làm cho họ Tào giật mình bắn lên, xuýt nữa thì ngã đổ về phía sau. Thiên Bảo mỉm cười rồi nói :
- Ngươi là một viên Thừa tướng trong triều, tất nhiên ngươi phải giữ bụng công bằng mà phải lấy nước lấy dân làm trọng, như thế thì mới xứng đáng phận ngươi... Ai ngờ ngày nay ngươi lại tin nghe một thằng gian ác, bao dung cho nó làm bậy làm hạ, rồi lại vì nó mà toan hãm hại cả nhà một người tử tế, thì còn ra nghĩa lý chi! Ta nay không nể vì có đức vua ở trên, thì cha con nhà ngươi tất cũng không thể nào sống được, nhưng ta đây bắt gặp các người lần này là lần thứ nhất, vậy ta hãy răn bảo qua loa và tạm gởi cái đầu các ngươi lại đấy... Sau này ngươi nếu biết hối hận mà biết chừa đi ngay đi thì thôi. Nhược bằng vẫn còn chứng nào tật ấy, mà lỡ khi để đến tai ta thì các ngươi cứ trông cái đầu thằng Bao Nhân Cùng vừa đứt ra kia các ngươi sẽ hiểu. Ta đây không nói nhiều...
Nói tới đó, Đổng Thiên Bảo bèn cầm tay Thừa tướng họ Tào đẩy ột cái ngã ngồi xuống sập. Đoạn rồi chàng ta quay ra nhặt lấy cái đầu Bao Nhân Cùng sách vội lên tay, mở cửa đến thoắt một cái lẻn ra đi thẳng.
Khi ra tới ngoài chàng vội vàng về ngay nhà Nguyễn Khánh Đàm để hỏi thăm đường lối sang nhà Đào Phú. Bấy giờ Nguyễn Khánh Đàm đã đi ngủ rồi, chợt thấy Đổng Thiên Bảo về gọi thì ngạc nhiên không hiểu là việc.
Khi nghe thấy Thiên Bảo hỏi thăm đường lối sang nhà Đào Phú, thì chàng đã hơi đoán hiểu vội hỏi ngay rằng :
- Chẳng hay Đổng huynh lại muốn sang đó để có mưu kế gì bàn cùng Đào Xán Trương?
Đổng Thiên Bảo gật gật mà rằng :
- Tôi có việc cần muốn hỏi, bác hãy cứ bảo lối cho tôi, rồi sau tôi sẽ nói chuyện bác biết.
Khánh Đàm thấy chàng ra ý vội vã như vậy, thì cũng không kịp mở cửa để mời chàng vào, liền đứng ở phía trong nói rõ phương hướng lối đi cho biết. Đổng Thiên Bảo nghe đoạn, lại cất mình bay vọt lên nóc nhà theo đúng như lời Khánh Đàm đã dặn, chuyền qua các mái nhà đi thẳng sang dinh Đào Phú. Khi sang tới nơi thì thấy trong dinh Đào Phú suốt từ nhà trên cho tới nhà dưới, đều đã ngủ im thin thít, không chỗ nào có một ánh đèn.
Chàng lần mò mãi đến một gian phòng kia, thấy cửa mở trông toang ra dáng một gian nhà khách. Đổng Thiên Bảo sẵn có đá lửa dắt ở trong lưng, liền giở ra ghè đá lấy lửa, rồi tìm quanh tìm quẩn thấy một ngọn đèn thì thắp ngay lên để soi các chốn.
Được một lát chàng soi tới một gian phòng kia thì thấy cách kê bầy: trong đó tuy rằng sơ sài nhưng rất có vẻ chỉnh tề. Chính giữa phòng đó có kê cái bàn nho nhỏ, trên để mấy quyển sách và có giấy bút nghiên mực để sẵn tất cả. Phía trong cái bàn có kê một cái sập hơi cao liền sát với vách và phía ngoài cái bàn thì có hai cái ghế kê ở hai bên. Đổng Thiên Bảo liền nhấc ngay một cái ghế kê vào chỗ giữa, ở phía ngoài cái bàn và đặt cái đầu của Bao Nhân Cùng lên đó.
Đoạn rồi chàng lại ngơ ngẩn nhìn vào phía trong phòng đó thì thấy có một cái cửa hình như có lối đi thông sang bên buồng khác. Đổng Thiên Bảo nhân chạy đến, khẽ đẩy cái cửa thì thấy cái cửa cài chặt không mở ra được. Ngửa cổ trông lên phía trên khung cửa thì thấy có treo một cái biển đề hai chữ “Túc phòng” rất lớn.
Đổng Thiên Bảo nhìn cái biển xong, liền nghĩ thầm trong bụng: “Cái phòng có chữ đề đây, tất là phòng ngủ của Đào Phú rồi, ta bất tất phải vào trong đó thêm phiền! Vậy chi bằng sẵn có giấy bút ở đây, ta viết mấy chữ để lại, rồi sáng ngày mai ông cụ này dậy, tất nhiên cũng hiểu được ngay”.
Chàng nghĩ đoạn, bèn xăm xăm quay ra chỗ cái bàn lúc nãy, kiếm một mảnh giấy, mài mực thật đặc, ngồi viết thoăn thoắt đặc nửa trang giấy, rồi đặt ngay giữa bàn, lấy cái nghiên mực đè chặn lên trên. Khi làm xong đâu đó, chàng bèn đứng dậy, tắt phụt đèn đi, lại lần mò ra gian phòng khách lúc nãy, cất đặt trả cây đèn vào nguyên chỗ cũ, rồi mới non nót quay ra.
Đổng Thiên Bảo ra tới ngoài, thì vẳng nghe trông canh bên lầu đã dồn bốn tiếng, chàng biết là đêm đã khuya rồi, vả nhân mấy hôm đi nhiều, trong mình đã thấy nhọc mệt, chàng bèn vội vàng quay về nhà trọ đóng cửa đi nghỉ để đợi hôm sau sẽ nghe xem tin tức ra sao?
Canh trường đất khách xông pha.
Gươm hùng vấy máu chẳng qua vì đời.
Thế gian còn giống phi loài,
Phải chăng còn bận đến người công tâm?
Truyện đánh dấu
Nhấn để xem...Truyện đang đọc
Nhấn để xem...