Sau khi Trần Bình An rời núi, trước tiên đi đến tiệm rèn. Lúc đi qua cầu vòm đá, hai tay thiếu niên chắp trước ngực, cúi đầu bước nhanh đi, vẻ mặt rất nghiêm trang thành khẩn, nhỏ giọng nói:
- Lão thần tiên có gì từ từ nói, nhất định đừng đánh người. Nếu có yêu cầu gì thì cứ báo mộng cho tôi vào buổi tối, tốt nhất đừng báo vào ban ngày, tôi sợ lắm.
May mắn khi Trần Bình An đến bên kia cầu vòm đá vẫn bình yên vô sự, lập tức mặt mày hớn hở, nhảy nhót tung tăng đi tìm Nguyễn sư phụ và Nguyễn Tú.
Thiếu niên không biết mùi sầu lo.
Nguyễn Cung vẫn tiếp đãi Trần Bình An dưới mái hiên, mỗi người một chiếc ghế trúc nhỏ. Nguyễn Tú đứng sau lưng cha nàng, vẻ mặt không giấu được niềm vui.
Nguyễn Cung nhìn thấy thiếu niên giày cỏ khắp người đầy bụi đất, cẩn thận đặt cái gùi xuống trước người, lại nhẹ nhàng từ phía dưới cái gùi chứa thảo dược moi ra túi vải chứa hai tấm bản đồ địa thế núi sông, lúc đưa cho ông ta còn áy náy nói:
- Lúc trèo lên núi Khiêu Đăng, đường núi bị một thác nước lớn ngăn trở. Tôi bèn tìm một nơi ở gần đầm sâu dưới thác nước để giấu cái gùi, còn dựng một cái giá gỗ nhỏ để che gió che mưa. Không ngờ leo đến đỉnh thác nước không lâu thì trời lại đổ mưa, nước mưa thật sự quá lớn. Đến khi tôi vội vàng leo xuống, giá gỗ quả nhiên đã bị ép sụp, cái gùi và túi vải đều bị nước mưa thấm ướt. May mà hai tấm bản đồ được bọc trong giấy dầu khá kín, chờ mặt trời xuất hiện tôi mới lấy ra xem thử, chỉ có góc bản đồ bị ướt một chút, nhưng phơi khô xong vẫn có dấu vết rõ ràng...
Nguyễn Cung mở túi vải và giấy dầu ra, phát hiện hai tấm bản đồ vẫn gần như hoàn hảo, một chút hao tổn kia xem như không đáng kể. Hơn nữa đây chỉ hai tấm bản đồ sao chép mà thôi, cho nên phía quan giám sát làm gốm và huyện nha Long Tuyền cũng không định lấy về. Nhưng Nguyễn Cung cũng không muốn dùng chân tướng này để an ủi Trần Bình An, ông ta liếc nhìn thiếu niên lo lắng bất an đứng trước mặt mình, hỏi:
- Trời mưa lớn lại leo lên leo xuống thác Long Thu ở núi Khiêu Đăng, ngươi muốn chết à?
Trần Bình An chỉ cười không nói gì.
Nguyễn Cung phất tay ra hiệu cho thiếu niên ngồi xuống, đừng đứng trước mặt mình làm chướng mắt.
Trần Bình An ngồi xuống chiếc ghế trúc nhỏ màu xanh đáng yêu kia. Sau khi trả hai tấm bản đồ lại cho Nguyễn sư phụ, cả người hắn giống như trút được gánh nặng. Trên đường nếu không phải sợ làm hỏng hai tấm bản đồ quý giá kia, chuyến này hắn vào núi rời núi ít nhất có thể tiết kiệm được ba bốn ngày.
Hơn nữa nhiều ngày nhờ cậy hai tấm bản đồ này như vậy, thiếu niên luôn nhớ tình bạn cũ, sâu trong lòng cũng không nỡ rời chúng. Mỗi lần trời quang mây tạnh, lên cao nhìn xa, Trần Bình An đều thích chọn một nơi tầm mắt rộng rãi nhất, sau đó trải hai tấm bản đồ ra, ngước mắt nhìn về núi sông phía xa, lại cúi đầu nhìn xuống bản đồ.
Hơn nửa tháng nay, hắn chưa từng cảm thấy cuộc sống của mình phong phú như vậy.
Nguyễn Cung đột nhiên nhẹ nhàng vứt hai tấm bản đồ kia cho Trần Bình An:
- Ghế dựa cũng không tệ, sau này làm thêm hai cái, bản đồ coi như là thù lao của ngươi.
Mặc dù Nguyễn Cung vẫn không thích thiếu niên ngõ Nê Bình này, nhưng không đến mức vì vậy mà phủ định tất cả về Trần Bình An.
Ông ta hoàn toàn có thể tưởng tượng được tình cảnh lúc đó, trong cơn mua lớn, thiếu niên gầy gò lòng như lửa đốt trèo xuống thác nước, chỉ vì muốn nhìn bản đồ một cái mới yên tâm.
Đương nhiên trong mắt ông ta, hành vi này chẳng hề có khí khái anh hùng gì, ngược lại còn rất cứng nhắc bảo thủ.
Nói thật so với thiếu niên nghèo khổ này, Nguyễn Cung càng tán thưởng hoàng tử Đại Ly Tống Tập Tân còn nhỏ đã biết xem xét thời thế, hoặc là Lưu Tiện Dương tính cách thoải mái không lo lắng chuyện gì, cho dù là Mã Khổ Huyền lộ ra sự sắc bén cũng có rất nhiều điểm đáng khen, hay như nhân tài đọc sách Triệu Dao từ nhỏ đã đi theo bên cạnh Tề Tĩnh Xuân, đầu óc cũng không cứng nhắc chậm chạm như Trần Bình An.
Sở dĩ ông ta tạm thời thay đổi chủ ý, tìm lý do tặng bản đồ cho Trần Bình An, thật ra là quyết tâm muốn vạch rõ giới hạn với thiếu niên này. Tiệm rèn có thể nhận hắn làm học đồ đúc kiếm, nhưng chắc chắn sẽ không trở thành khai sơn đệ tử của mình. Sau này mình sẽ bảo vệ ngọn núi mà hắn mua đúng như lời hứa, nhưng thằng nhóc này đừng mơ có bất kỳ liên hệ gì với khuê nữ nhà mình.
Thực ra nói cho cùng, không phải Nguyễn Cung xem thường Trần Bình An vì xuất thân, mà là không cùng đường thì không thể cùng mưu tính.
Đồ đệ của Nguyễn Cung phải là người đồng đạo với ông ta, hai bên vừa là thầy vừa là bạn, có thể hợp sức khiến cho tông môn ngàn năm hưng thịnh, cho nên tính tình phù hợp rất quan trọng.
Trần Bình An dĩ nhiên không biết Nguyễn sư phụ suy nghĩ nhiều thứ như vậy, chỉ cầm lấy bản đồ ôm vào ngực, hỏi:
- Phía quan giám sát đại nhân không có ý kiến gì chứ?
Nguyễn Cung cười nhạt nói:
- Ít nhất trong sáu mươi năm, ta sẽ là thái thượng hoàng của huyện Long Tuyền này, cho nên quy củ của ta là lớn nhất.
Nguyễn Tú nhỏ giọng nói:
- Cha, nào có ai tự dát vàng lên mặt mình như vậy.
Thấy con gái phá đám, Nguyễn Cung chỉ nhắm mắt làm ngơ, trầm giọng nói với Trần Bình An:
- Nói chuyện chính đi, ngươi cuối cùng đã chọn năm ngọn núi nào rồi?
Trần Bình An bất giác ngồi thẳng người:
- Tôi đã chọn ba ngọn núi chung quanh núi Thần Tú, đó là núi Bảo Lục, đỉnh Thải Vân và núi Tiên Thảo.
Nguyễn Cung gật đầu:
- Ánh mắt xem như không tệ. Núi Bảo Lục diện tích rất lớn, xếp vào nhóm đầu trong hơn sáu mươi ngọn núi, hơn nữa cũng không chỉ có bề ngoài. Nếu không phải nghĩ đến đại trận hộ sơn sau này, ta cũng sẽ bỏ qua đỉnh Hoành Sáo để chọn núi Bảo Lục. Dù sao trong ngàn dặm núi sông này, trừ khi có sơn thần trấn giữ hoặc ẩn giấu bảo vật, ngoài ra ai chiếm cứ địa bàn lớn hơn, sở hữu linh khí nhiều hơn thì sẽ càng có lợi.
- Núi Tiên Thảo thuộc khu vực có phong thủy tốt, là ngọn núi duy nhất có hi vọng sinh ra yêu tinh cỏ cây. Đáng tiếc địa phương quá nhỏ, cho dù xuất hiện một con, lai lịch và phẩm chất cũng sẽ không quá tốt. Đạo lý rất đơn giản, hồ nước nho nhỏ làm sao nuôi dưỡng ra một con giao long lớn. Còn đỉnh Thải Vân thì khá bình thường, ngoại trừ địa thế cao và phong cảnh xinh đẹp, cũng không có bao nhiêu lợi ích cho việc tu hành. Trừ khi ngươi có bản lĩnh lấy được đá vân căn ở núi Vân Hà, bổ sung mấy điểm then chốt trong rặng núi của đỉnh Thải Vân, mới có thể xem là mua bán tốt.
- Ngươi không đi xem cái hồ ở núi Hoàng Hồ kia à?
Vấn đề cuối cùng của Nguyễn Cung khiến Trần Bình An sững sốt:
- Xem rồi.
- Ngươi cứ nói tiếp đi, hai ngọn núi còn lại là gì?
Nguyễn Cung chạm đến thì dừng, không tiếp tục chủ đề trước đó, như vậy đã xem như tận tình tận nghĩa rồi, không muốn tiết lộ huyền cơ nữa.
Bởi vì cái hồ nhỏ kia ở núi Hoàng Hồ cũng có hiệu quả tuyệt diệu như núi Tiên Thảo. Chỗ khác biệt là núi Tiên Thảo có hi vọng xuất hiện yêu tinh cỏ cây, còn núi Hoàng Hồ thì có một con mãng xà lớn như miệng giếng chiếm cứ. Đó là “địa đầu xà” (cường hào) đúng như ý nghĩa, đáng tiếc là bị thua một con cá chạch nhỏ trong “trận chiến giành nước”, mất đi cơ duyên đại đạo gần trong gang tấc.
Nhưng sự kỳ diệu của đại đạo là không tuyệt đường người khác. Hôm nay động tiên Ly Châu tan vỡ rơi xuống, con cá chép màu vàng bị giỏ Long Vương bắt đến Đại Tùy, con rồng lửa hóa thành chiếc vòng trên cổ tay Nguyễn Tú, con cá chạch bên cạnh Tiệt Giang Chân Quân Lưu Chí Mậu, con rồng gỗ được Triệu Dao vẽ rồng điểm mắt, cộng thêm con rắn mối màu vàng đất liều mạng đi theo sát Vương Chu, năm con vật nhỏ này mới là cơ duyên lớn thật sự, được động tiên nhỏ Ly Châu tích lũy sau ba ngàn năm đến thời điểm cuối cùng. Còn những pháp bảo linh khí như hồ lô nuôi kiếm, kính chiếu yêu gì đó đương nhiên là không tệ, nhưng vẫn kém xa năm phần phúc duyên khí vận kia.
Mà hôm nay con mãng xà lớn ở núi Hoàng Hồ lại nhân họa được phúc, trong phạm vi ngàn dặm đã không có đối thủ tranh giành với nó, vì vậy lập tức trở thành bá chủ chiếm cứ một phương. Sau này một khi sơn thần hà thần dừng lại ở đây, con mãng xà lớn này chỉ cần biết điều một chút, có thể được một vị trong đó chiêu an vào dưới trướng, có được bùa hộ mệnh của quan phủ triều đình Đại Ly, nói không chừng từ đó đường đi bằng phẳng, chân chính bước lên đường tu hành.
Trần Bình An nói:
- Tôi dự định mua núi Chân Châu và núi Lạc Phách.
Nguyễn Cung ngẩn người, tò mò hỏi:
- Núi Chân Châu thì không sao, chỉ đáng một đồng tiền đón xuân mà thôi, có thể nói là ngàn vàng khó mua được hạnh phúc. Nhưng sao ngươi lại nhìn trúng núi Lạc Phách? Theo lý thì núi này nằm ở biên giới tây nam huyện Long Tuyền Đại Ly, dựa theo hành trình của ngươi thì chắc chắn chưa từng đến đó, trước kia lại bị Đại Ly niêm phong, ngươi chỉ dựa vào cái tên mà chọn nó sao?
Trần Bình An hơi lúng túng, không muốn nói ra nguyên nhân.
Khi đó hắn trải bản đồ ra, đang do dự không biết nên chọn ngọn núi lớn nào. Kết quả có một con chim bay qua đỉnh đầu, để lại một bãi phân trên bản đồ. Trần Bình An vội vàng lau sạch sẽ, phát hiện vị trí bãi phân trước đó vừa khéo nằm trên ba chữ núi Lạc Phách. Hắn cũng không suy nghĩ nhiều nữa, quyết định chọn núi Lạc Phách, cũng mặc kệ cái tên núi này có xui xẻo hay không.
Lão Diêu đã từng nói, giữa núi sông đều có thần linh. Cho nên Trần Bình An xem như sơn thần lão gia đã ám thị cho mình.
Nguyễn Cung ngẫm nghĩ:
- Chọn núi Lạc Phách cũng không phải không được. Cứ quyết định như vậy đi, núi Lạc Phách, núi Bảo Lục, núi Tiên Thảo, đỉnh Thải Vân, núi Chân Châu. Năm ngọn núi, kỳ hạn ba trăm năm, trong thời gian này cho dù ngươi đào rỗng một ngọn núi mang đi cũng không ai ngăn cản. Tất cả sản vật trên núi, dù là cỏ cây linh dược hay chim bay cá nhảy, thậm chí bảo vật ngẫu nhiên lấy được, đều thuộc về tên người được chấp thuận trong khế ước gia phả núi sông Đại Ly.
Trần Bình An gật đầu nói:
- Hiểu rồi.
Nguyễn Cung kiên nhẫn nói:
- Có mấy việc cần phải chú ý. Một là trước khi ngươi chết, nhất định phải thông qua huyện nha Long Tuyền báo cáo cho triều đình Đại Ly, nói là ngươi cần thay đổi một hoặc vài tên người thừa kế năm ngọn núi. Đương nhiên phía Hộ bộ Đại Ly sẽ gởi một phần tài liệu bí mật, ngươi có thể viết tên người được thừa kế di sản vào đó. Làm như vậy là vì sợ một ngày nào đó ngươi chết bất đắc kỳ tử, trước khi chết không kịp bàn giao hậu sự lập di chúc.
- Một việc nữa là trong ba trăm năm, nếu như ngươi muốn bán núi cũng không thể tùy thời tùy chỗ quyết định được, phải thông qua ít nhất ba phương thế lực quan phủ Đại Ly gật đầu đồng ý, giao dịch mới có thể thực hiện. Hơn nữa ta không khuyên ngươi bán mấy ngọn núi này, bởi vì bất kể ngươi bán được giá cao thế nào, cuối cùng ngươi vẫn sẽ phát hiện mình bị lỗ.
Nguyễn Cung là thánh nhân Binh gia trấn giữ một phương, lại lấy thân phận ngang hàng bàn luận công việc với một thiếu niên ngõ hẹp đột nhiên phát tài, nhìn như hoang đường nhưng thực ra lại rất hợp tình hợp lý. Liên quan đến sự nghiệp khai sơn lập phái lâu dài, còn có thời cơ chứng đạo của khuê nữ nhà mình, ông ta buộc phải tận tình khuyên bảo, chỉ hận không thể đập vỡ tình hình đạo lý thành từng mảnh giải thích cho thiếu niên trước mắt nghe.
Nguyễn Cung hỏi:
- Trần Bình An, có gì muốn hỏi không?
Trần Bình An lắc đầu cười nói:
- Không còn.
Nguyễn Cung gật đầu nói:
- Vậy cứ làm như đã bàn. Ta đoán ngươi còn dư lại một ít tiền đồng, sau này ta sẽ giúp ngươi để ý những cửa tiệm muốn sang tay trong trấn nhỏ. Ngươi có thể thừa cơ mua vào, nhưng tham nhiều sẽ không tốt, sau này trấn nhỏ thế lực tám phương vàng thau lẫn lộn, ngươi mua một hai cửa tiệm lâu đời cơ sở tương đối chắc là được rồi.
Sắc mặt Trần Bình An hơi đỏ lên:
- Cảm ơn Nguyễn sư phụ.
Nguyễn Cung cười tự giễu nói:
- Quân tử nhớ ân, tiểu nhân nhớ đất.
Trần Bình An cảm thấy nghi hoặc, không hiểu câu này có ý gì.
Nguyễn Cung phất tay đuổi người:
- Làm chuyện của ngươi đi, không cần quan tâm mấy câu giả vờ giả vịt này. Huống hồ ngươi còn nhỏ tuổi, cũng không đến mức có thể bàn luận về lòng dạ hay trình độ.
Trần Bình An đứng dậy, vác cái gùi lên, đột nhiên nghe được Nguyễn Cung nói một câu khó hiểu ngoài chủ đề:
- Sau khi Tề tiên sinh đi, thỉnh thoảng hoài niệm Tề tiên sinh một chút cũng không sao, đó là thường tình của con người, nhưng đừng để mình lõm sâu vào đó, càng đừng nghĩ đến chuyện truy xét căn nguyên. Đợi sau khi mua năm ngọn núi và một hai cửa tiệm, ngươi cứ thoải mái nằm yên thu tiền, lấy vợ sinh con, vươn cành tỏa lá, cũng xem như làm rạng rỡ tổ tông rồi. Nguyễn Cung ta và triều đình Đại Ly đều sẽ trông nom ngươi và gia nghiệp của ngươi. Giống như tên của ngươi vậy, bình bình an an còn quan trọng hơn bất cứ thứ gì. Nói không chừng có một ngày cảnh ngộ xoay chuyển, không phải là không có cơ hội bước lên đường tu hành.
Trần Bình An im lặng rời đi.
Sau khi thiếu niên rời khỏi tiệm, Nguyễn Tú ngồi trên ghế trúc hỏi:
- Cha, câu kia của người là có ý gì?
Nguyễn Cung hờ hững nói:
- Ý là tư tưởng trình độ của tiểu nhân không bằng quân tử, chỉ một lòng một dạ muốn chiếm một mảnh đất để an nhàn.
Nguyễn Tú khó hiểu nói:
- Như vậy có gì sai, ấm chỗ ngại dời đi, đặt ở đâu cũng chẳng hề xấu, sao lại là tiểu nhân? Câu này là do ai nói, con cảm thấy không có đạo lý.
Sắc mặt Nguyễn Cung tối sầm, nhẹ giọng nói:
- Cho nên thánh nhân Nho gia lại nói, nơi khiến ta an lòng là quê hương của ta.
Nguyễn Tú thở phì phì nói:
- Người đọc sách thật đáng giận, đạo lý trên đời đều bị bọn họ nói hết rồi!
Nguyễn Cung thành khẩn nói:
- Tú Tú à, đây cũng không phải là lý do con không thích đọc sách.
Thiếu nữ tóc đuôi ngựa ra vẻ kinh ngạc ồ một tiếng, vội vàng đứng dậy nói:
- Cha à, sao đột nhiên con lại cảm thấy rất sung sức, con đi rèn sắt đây.
- --------
Trần Bình An chạy đến tiệm Dương gia, đưa các loại thảo dược trong hơn nửa gùi cho một người phục vụ. Cân đo đong đếm xong thì hắn thu được hai lượng bạc. Thực ra rất nhiều thảo dược hiếm lạ đều xem như hắn nửa bán nửa tặng cho tiệm, một số thảo dược mà người phục vụ trẻ tuổi không nhận ra cũng không biết hàng, lại là dược liệu mà lão Dương khá coi trọng, những hoa cỏ này mới là đồ tốt đáng giá thật sự.
Nhưng chuyến này Trần Bình An vào núi, hái thuốc chỉ là tiện tay, vốn không nghĩ đến chuyện kiếm tiền. Trên thực tế sau khi hắn học được cách vào núi đốt than, ngoại trừ bán thảo dược cho người đàn ông chất phác tên là Lý Nhị trong tiệm, còn lại mấy chục lần bán cho người phục vụ khác của tiệm Dương gia gần như đều chịu thiệt.
Lão Dương không bao giờ thu dược liệu của Trần Bình An, nếu Trần Bình An dám tặng không cho tiệm sẽ bị lão ném ra ngoài đường. Nhưng nếu bán cho người phục vụ hoặc thầy lang trợ tá trong tiệm, vậy bất kể giá cả không hợp tiểu chuẩn như thế nào, lão Dương tính tình kỳ quái cũng sẽ không nghe không hỏi.
Lần này Trần Bình An không nhìn thấy lão Dương.
Sau khi rời khỏi tiệm, hắn phát hiện trên đường có rất nhiều người đang bàn luận sôi nổi. Bọn họ nói rằng chỗ miếu thờ Con Cua mười hai chân kia xảy ra chuyện lớn, quan giám sát cũ là Tống đại nhân, người trước khi rời chức đã bỏ tiền xây dựng cầu mái che, lúc này lại nở mày nở mặt trở về trấn nhỏ, còn dùng một thân phận rất lợi hại là lang trung Lễ bộ. Ông ta dẫn theo một đám quan lão gia vẻ ngoài trưởng giả oai phong lẫm liệt, đã nhìn trúng bốn tấm biển của miếu Con Cua, dù sao đều là người đọc sách mà, có thể lý giải được.
Nhưng chẳng biết tại sao sau khi dinh quan giám sát nhận được tin tức, lập tức chạy vào núi, thông báo cho vị Ngô đại nhân kia vốn định đi đỉnh Viễn Mạc kiểm tra việc đốn cây. Sau đó vị thần tài này liền dẫn theo phụ tá vội vàng rời núi, ngăn cản đám người Tống đại nhân vốn là tiền bối trong quan trường.
Trần Bình An đang rảnh rỗi cả người nhẹ nhàng, bèn theo dòng người đi về hướng miếu thờ, đứng bên ngoài đám người nhìn về phía xa.
Hắn trông thấy dưới bốn tấm biển của miếu thờ đã được bắc tám cái thang, mỗi bên tấm biển có một cái. Nhưng chỉ có tấm biển “Đương Nhân Bất Nhượng” là có hai vị nho sĩ tuổi tác cách xa nhau đang đứng, trong đó người lớn tuổi hơn đang cúi đầu, dường như đang hầm hầm giận dữ với một người dưới chân, dùng ngôn ngữ thông dụng của Đại Ly bên ngoài khiển trách gì đó.
Có người vỗ vai Trần Bình An một cái, cười ha hả nói:
- Trần Bình An, trùng hợp vậy, ngươi cũng đến xem náo nhiệt à?
Trần Bình An quay đầu, trông thấy là thiếu niên nói nhiều ấn đường có nốt ruồi nhỏ đỏ thẫm, thật sự sợ hắn tiếp tục lải nhải, bèn nói:
- Tùy tiện đến xem thôi, cũng không hiểu bọn họ nói gì, đang tính về nhà đây.
Thiếu niên dáng vẻ thanh lịch tao nhã cười nói:
- Đừng chứ, ngươi nghe không hiểu thì ta có thể giải thích giúp ngươi. Chuyện này rất thú vị, nếu ngươi bỏ lỡ chắc chắn sau này sẽ hối hận. Quan phụ mẫu trấn nhỏ các ngươi là Ngô Diên đại nhân, lúc này đang xung đột với các lão gia Lễ bộ cấp bậc còn cao hơn. Người đứng trên thang kia là hữu thị lang của Lễ bộ, xem như là trọng thần Đại Ly hợp cách. Bên kia à, đoán chừng là quan giám sát tiền nhiệm Tống đại nhân, hắn dùng mấy tấm biển kia để vỗ ngực tranh công với người khác, nói là bảo đảm sẽ giao cho lão nhân gia ngài, không dám chắc sẽ đưa đến nhà ngài, nhưng đưa đến Lễ bộ nha môn là chuyện như đinh đóng cột, nhờ đó mới trèo lên làm lang trung ngũ phẩm. Cho nên lần này các lão gia Lễ bộ thừa dịp sắc phong sơn thần hà thần, danh chính ngôn thuận đến đây lấy đồ.
- Một bên khác là Ngô đại nhân vốn đã xem tất cả bảo bối trong trấn nhỏ là của mình, vừa nghe có người muốn lấy đi đồ vật cũ quý giá không còn lại nhiều trong trấn nhỏ, làm sao có thể đồng ý? Lùi một bước mà nói, cho dù trong lòng cố gắng nén chịu uất ức này, nhưng nên biết bốn họ mười tộc có nhiều con cáo già như vậy, đang ở bên cạnh dòm ngó chê cười, nếu lúc này hắn giả làm con cháu, vậy sau này rất khó lên làm cha ông của những gia tộc lớn kia. Vị trí lựa chọn của hai miếu văn võ vốn đã không được đồng thuận, nếu làm như vậy nhất định sẽ thất bại.
Trần Bình An nghiêm túc nghe thiếu niên mặt mày hớn hở giải thích, lại hỏi:
- Ngươi rốt cuộc là ai? Sao lại biết nhiều như vậy?
Thiếu niên giơ một ngón tay chỉ vào mình, cười nói:
- Ta à? Ha ha, ta không phải là mệnh quan của triều đình Đại Ly. Ta họ Thôi tên Sàm, chữ “Sàm” khá hiếm lại khó viết, rất phiền phức, ngươi không cần quan tâm.
Trần Bình An nhìn vào mắt đối phương.
Vẻ mặt thiếu niên vẫn tự nhiên, cười đùa nói:
- Ta lớn tuổi hơn ngươi, cho nên ngươi có thể gọi ta là Thôi sư bá.
Trần Bình An cười cười.
Thiếu niên cũng cười theo, hai tay nhẹ nhàng xoa xoa má:
- Không sao, ta còn có một danh hiệu đọc khá thuận miệng, gọi là Tú Hổ.
Truyện đánh dấu
Nhấn để xem...Truyện đang đọc
Nhấn để xem...