Kiếm Lai - Phong Hỏa Hí Chư Hầu

Mọi người đều phát giác được sự khác thường của Trần Bình An. Chu Liễm và Thạch Nhu đưa mắt nhìn nhau. Chu Liễm cười ha hả nói:

- Cô nói trước thử xem.

Ánh mắt của lão thất phu lưu manh này, có lẽ qua một trăm năm nữa vẫn khiến người ta buồn nôn như vậy. Thạch Nhu cố nén sự khó chịu trong lòng, thấp giọng nói:

- Ta là âm vật, trời sinh bị trọng địa kinh thành khắc chế. Nơi mà công tử nhìn đến, đã xuất hiện thứ khiến tâm thần của ta bất an. Ngươi thì sao?

Chu Liễm gật đầu nói:

- Vừa rồi thiếu gia lòng sinh cảm ứng, quay đầu nhìn lại. Thạch Nhu cô nương theo đó ngước mắt nhìn về phía xa, ánh mắt ngơ ngẩn, rất động lòng người.

Thạch Nhu nổi nóng nói:

- Ngay cả Bùi Tiền cũng biết đối xử chân thành với người khác, lão già mặt dày ngươi không biết à?

Bùi Tiền cảm thấy uất ức:

- Thạch Nhu tỷ tỷ, thế nào là “ngay cả”, ta đọc sách viết chữ rất chăm chỉ mà.

Thạch Nhu đành phải dùng ánh mắt xin lỗi.

Bùi Tiền vung tay lên, lại bắt đầu tùy tiện chắp vá đạo lý đọc được trong sách:

- Người không phải thánh hiền ai có thể không sai lầm, thế gian không có người không thể tha thứ...

Trong lòng cô lập tức biết không ổn, quả nhiên rất nhanh đã kêu ê a nhón chân lên, bị Trần Bình An kéo tai đi tới trước.

Trần Bình An dạy dỗ:

- Những đạo lý thánh hiền trong sách không dễ có được, bây giờ ngươi còn không tính là kiến thức nửa vời, cũng dám đem ra khoe khoang lung tung?

Bùi Tiền lập tức nhận sai, vành tai nóng rát.

Sau khi trải qua một phen thử thách gian khổ, hiện giờ Bùi Tiền đã biết được đại khái sư phụ tức giận nhiều hay ít. Gõ đầu, cho dù nặng một chút thì vẫn tốt, thực ra sư phụ không tức giận lắm. Nếu là nhéo tai, vậy thì nghĩa là sư phụ thật sự tức giận rồi, nếu kéo mạnh thì tình hình trầm trọng, tức giận không ít. Nhưng bị gõ đầu nhéo tai, đều không bằng lúc Trần Bình An tức giận lại không lên tiếng, không làm gì cả, không đánh không mắng, Bùi Tiền sợ nhất chuyện này.

Trần Bình An tìm một nhà trọ náo nhiệt, nằm ở phường Xương Nhạc phồn hoa nhất kinh thành, nơi này có nhiều tiệm sách.

Nhưng hiện giờ phòng trọ ở kinh thành nước Thanh Loan đều đang cháy hàng, chỉ còn lại hai phòng nằm cách xa nhau, giá cả rõ ràng là cắt cổ. Vẻ mặt của người phục vụ trẻ tuổi ở quầy giống như đang nói, muốn ở thì ở, không ở thì biến. Trần Bình An vẫn móc tiền ra thuê. Đương nhiên trước tiên còn phải cho người phục vụ xem giấy thông hành, ghi vào danh sách, để chuẩn bị sau này quan phủ nha môn kinh thành thẩm tra.

Trần Bình An lấy ra mấy phần giấy thông hành Thôi Đông Sơn đã chuẩn bị trước đó. Sau khi người phục vụ xác nhận, lập tức thay đổi thái độ. Ghi chép xong, hắn không chỉ lễ độ cung kính dùng hai tay trả lại, còn ân cần xin lỗi Trần Bình An, nói hôm nay nhà trọ thật sự không còn phòng dư, nhưng chỉ cần có khách rời đi, hắn nhất định sẽ lập tức thông báo cho Trần công tử.

Trần Bình An cười bảo không sao. Người phục vụ rất nhanh gọi một thiếu nữ tuổi xuân đến, dẫn nhóm người Trần Bình An tới chỗ ở.

Người phục vụ lại tìm đến ông chủ nhà trọ, nói rằng có một nhóm người từ kinh thành vương triều Đại Ly xuôi nam du lịch đến đây.

Ông chủ là một người mập mạp gần như nhìn không thấy mắt, mặc áo gấm của phú ông, đang nhàn nhã thưởng thức trà ở một gian phòng yên tĩnh phía bên hông. Nghe người phục vụ trong tiệm nói xong, thấy hắn vẫn ra vẻ ngu ngơ kính cẩn lắng nghe, ông ta liền đạp một cái, giận dữ mắng:

- Còn đứng đực ra đó làm gì, muốn ông đây bưng trà cho ngươi giải khát sao? Đã là đại gia từ kinh thành Đại Ly tới, còn không mau đi hầu hạ. Con mẹ nó, kỵ binh Đại Ly đã sắp đánh tới vương triều Chu Huỳnh rồi, lỡ may thật sự là công tử cao quý của gia đình quan lại Đại Ly... Bỏ đi, vẫn là ông đây tự mình đi, thằng nhóc ngươi làm việc ta không yên tâm...

Người phục vụ trẻ tuổi tranh công không được, còn bị đạp một cái, trong lòng liền oán thầm. Kết quả lại bị ông chủ đánh một cái:

- Ông đây dùng cái mông để nghĩ cũng biết, nhất định là lúc đầu ngươi kiêu căng tự đại xem thường người khác. Nếu không niệm tình ngươi gọi ta một tiếng anh rể, đã sớm cho ngươi ra đường hốt phân chó rồi.

Thanh niên dựa vào quan hệ mới được làm phục vụ ở nhà trọ, đến khi trở lại quầy liền chửi mát. Chị gái như hoa như ngọc của mình, làm tiểu thiếp cho một con heo mập như vậy, đúng là... rất may mắn. Không lo cơm áo, đeo vàng đeo bạc, mỗi lần trở về nhà mẹ đẻ ở con ngõ tồi tàn, giống như nương nương trong cung, nở mày nở mặt, nhờ vậy đứa em trai hắn cũng được thơm lây.

Ông chủ tự mình xuất trận, lại dọn ra cho bọn Trần Bình An một gian phòng. Thế là Bùi Tiền và Thạch Nhu ở một phòng. Thạch Nhu vốn thích hợp tu hành ban đêm, không cần ngủ, cho nên giường đệm bị Bùi Tiền độc chiếm. Trần Bình An lo lắng Bùi Tiền kiêng kị thân phận âm vật và thân xác Đỗ Mậu của Thạch Nhu, bèn hỏi cô bé trước, Bùi Tiền lại không để ý. Thạch Nhu đương nhiên càng không quan tâm, nếu ở chung một phòng với Chu Liễm, đó mới là đầm rồng hang hổ khiến cô sởn tóc gáy.

Nhân gian chuyện nhỏ nhiều như lông, Trần Bình An đã quen chú ý nhiều hơn. Hắn để tâm, người bên cạnh sẽ bớt đi rất nhiều chuyện vặt vãnh, làm nhiều chuyện quan trọng hơn. Từ khi hộ tống bọn Lý Bảo Bình đến Đại Tùy du học, hắn đã làm như vậy.

Hai gian phòng cách nhau hơi xa, Bùi Tiền trước tiên ở chỗ Trần Bình An chép sách.

Trần Bình An luyện tập thế trời đất. Chu Liễm trong lúc rãnh rỗi, bảo trì hình dáng một con vượn đứng ở góc tường.

Thực ra Chu Liễm đã là võ phu cảnh giới Viễn Du, hay Trần Bình An còn chưa bước vào cảnh giới thứ sáu, bọn họ đều sớm biết rõ, công phu nằm ở tích lũy hàng ngày. Thế quyền lúc đi lại, lên núi xuống nước mỗi người có con đường khác nhau, hô hấp lúc ngồi, ngay cả khi ngủ, Chu Liễm và Trần Bình An đều có cách thức nuôi dưỡng quyền ý riêng.

Bùi Tiền dù sao tuổi tác còn nhỏ, vẫn chưa đi đến cảnh giới này. Có điều Trần Bình An và Chu Liễm cũng phải thừa nhận, trên đời có một số người thiên phú tập võ rất xuất chúng. Ngay cả con đường võ đạo vốn coi trọng tiến dần từng bước, không có đường tắt, cũng bị Bùi Tiền đi như gian lận. Chẳng hạn Trần Bình An dạy Bùi Tiền kiếm khí Thập Bát Đình, Bùi Tiền tiến triển rất nhanh, lúc ở tiệm thuốc Khôi Trần thành Lão Long Trần Bình An đã tự thẹn thua kém rồi.

Khi Trần Bình An dừng thế trời đất, Chu Liễm nóng lòng muốn thử. Trong lòng Trần Bình An hiểu rõ, bèn bảo Bùi Tiền đã chép sách xong dùng gậy leo núi vẽ một vòng tròn dưới đất, cùng Chu Liễm đứng trong vòng so tài, ai ra khỏi vòng thì thua.

Năm xưa trên đường lớn nước Thải Y, Trần Bình An và Mã Khổ Huyền “lâu ngày gặp lại”, đã dùng cách này phân ra cái gọi là thắng bại ẩn giấu huyền cơ. Nếu không phải Trần Bình An biết người hộ đạo núi Chân Vũ của Mã Khổ Huyền đang ở trong tối quan sát, có lẽ hai người bạn cùng lứa ở ngõ Nê Bình và ngõ Hạnh Hoa đã trực tiếp phân sống chết rồi.

Đối với Mã Khổ Huyền gia đình từ sớm đã có một lò gốm, Trần Bình An sẽ không khách sáo. Thù mới oán cũ, luôn sẽ có một ngày tìm ra chân tướng rõ ràng, sau đó giải quyết một lần.

Sau khi vẽ xong một vòng tròn lớn, Bùi Tiền cảm thấy ưu sầu. Môn pháp thuật tiên gia mà Thôi Đông Sơn truyền thụ này, cô làm sao cũng không học được.

Trần Bình An và Chu Liễm đứng trong vòng tròn một trượng, yên lặng xuất quyền.

Chu Liễm dĩ nhiên là đè thấp cảnh giới võ đạo, giống như Trịnh Đại Phong lúc trước luyện quyền với bốn người bọn họ.

Sau một nén nhang, Trần Bình An bị Chu Liễm dùng một quyền đánh cho ngửa về phía sau, nhưng hai chân của hắn vẫn cắm rễ trong vòng. Tiếp theo lại bị Chu Liễm dùng khuỷu tay thúc vào ngực, thân thể ngã xuống đất. Hai tay Trần Bình An vỗ vào mặt đất, khi lưng chỉ còn cách mặt đất một thước, thân thể của hắn xoay tròn, tay áo lay động, giống như con quay, hai chân vừa lúc đi dọc theo mép vòng tròn, vòng qua một bên Chu Liễm. Kết quả lại bị Chu Liễm đá trúng ngực, bay đụng vào tường.

Hai bàn tay Trần Bình An dán vào mặt tường sau lưng, hóa giải tất cả kình lực, nếu không với sức mạnh một đá của Chu Liễm, sẽ không chỉ đánh vỡ một bức tường. Cuối cùng hắn bồng bềnh đáp xuống đất, cười nói:

- Thua rồi.

Chu Liễm cười hỏi:

- Thiếu gia có nhiều chiêu thức kỳ quái như vậy, là lén học từ trận chiến kết thúc sáu mươi năm ở đất lành Ngẫu Hoa? Chẳng hạn như Đinh Anh năm xưa đã lấy đi chiếc mũ đạo của ta?

Trần Bình An gật đầu nói:

- Võ học của Đinh Anh hỗn tạp, ta đã học được không ít.

Sau đó hai người ngồi xuống. Chu Liễm rót một ly trà cho Trần Bình An, chậm rãi nói:


- Đinh Anh là người có thiên phú tập võ tốt nhất mà ta từng thấy, hơn nữa tâm tư kín đáo, từ sớm đã lộ ra phong thái kiêu hùng. Trong trận chém giết ở nước Nam Uyển, ta biết mình đã không thành công, quyền ý tích góp một đời, vẫn không thể khiến tiếng sấm mùa xuân nổ vang.

- Khi đó ta bị thương nặng, Đinh Anh vất vả ẩn nhẫn đến cuối cùng mới ló đầu ra. Nhưng nếu ta thật sự muốn giết hắn, chỉ giống như vặn gãy cổ gà con mà thôi. Ta đã quyết định tha cho hắn một mạng, còn đưa mũ đạo di vật của trích tiên nhân cho hắn. Không ngờ sáu mươi năm sau, người trẻ tuổi này chẳng những không làm ta thất vọng, thậm chí dã tâm còn lớn hơn ta.

Trần Bình An cười nói:

- Chẳng trách Đinh Anh giữ kín như bưng về trận chiến võ đạo này, trước giờ không nhắc đến với người khác. Chắc là do ngại khoác lác, cũng không muốn tự bộc lộ khiếm khuyết của hắn.

Bùi Tiền thở phì phì nói:

- Ngươi không biết đâu, lão già kia hại sư phụ ta chịu bao nhiêu khổ cực.

Chu Liễm cười híp mắt nói:

- Sớm biết như vậy, năm đó ta nên một quyền đánh chết Đinh Anh, đúng không?

Bùi Tiền đi một ngày đàng học một sàng khôn, trước tiên nhìn Trần Bình An một chút, lại nhìn vẻ mặt vô học của Chu Liễm, giống như đang đào hầm chờ cô nhảy vào rồi lấp đất. Cô lập tức lắc đầu nói:

- Không đúng, không đúng.

Thấy sư phụ không có dấu hiệu gõ đầu, Bùi Tiền biết mình trả lời đúng rồi.

Cô trước tiên cẩn thận bỏ bút mực giấy trên bàn vào hòm trúc của Trần Bình An, rót cho mình một ly trà, sau đó bỗng nhiên đứng lên, nhỏ giọng nói bên tai Trần Bình An:

- Sư phụ, không biết xảy ra chuyện gì, hôm nay con xem sách, vừa nhìn lại giống như chữ trong sách đẹp hơn rất nhiều.

Trần Bình An không xem là thật, cười hỏi:

- Nghĩa là thế nào?

Bùi Tiền cẩn thận đề phòng Chu Liễm nghe lén, tiếp tục thấp giọng nói:

- Trước kia những vệt mực nhỏ đen thui giống như con vậy, lúc này nhìn lại không giống nữa, giống ai nhỉ...

Bùi Tiền bắt đầu đếm ngón tay:

- Hoàng Đình dạy con kiếm thuật đao pháp, hồ ly tinh Diêu Cận Chi, Phạm Tuấn Mậu tính tình không tốt lắm, Kim Túc bên cạnh dì Quế. Sư phụ, trước tiên phải nói rõ, là lão Ngụy nói Cận Chi tỷ tỷ giống như hồ ly tinh, là loại mỹ nhân hại nước hại dân, cũng không phải con nói. Con còn không biết hồ ly tinh là gì.

Chu Liễm cười lớn chen vào:

- Ngươi thôi ngay đi...

Bùi Tiền vội vàng chạy tới, muốn che cái miệng chó không mọc được ngà voi của Chu Liễm. Chu Liễm nào để cô thực hiện được, lắc lư trái phải, khiến Bùi Tiền nhe nanh múa vuốt.

Trần Bình An nhìn một già một trẻ đùa giỡn, nhắc nhở:

- Chúng ta mua đồ vật cảm thấy hứng thú ở kinh thành, sau đó đi dạo danh lam thắng cảnh và di tích cổ một chút. Nhiều nhất là ở lại thêm hai ngày, sau đó sẽ tới bến thuyền tiên gia phía đông nước Thanh Loan, đi thư viện Sơn Nhai Đại Tùy.

Chu Liễm vừa tránh né Bùi Tiền vừa cười gật đầu:

- Lão nô đương nhiên không cần thiếu gia lo lắng. Chỉ sợ nha đầu này coi trời bằng vung, giống như ngựa hoang thoát cương, đến lúc đó chẳng khác nào chiếc xe trâu kia xông vào đám lau sậy...

Bùi Tiền tức giận nói:

- Chu Liễm, ngươi luôn miệng quạ như vậy, ta sẽ không khách sáo với ngươi nữa!

Chu Liễm đang muốn trêu chọc Bùi Tiền mấy câu, không ngờ Trần Bình An lại nói:

- Là đừng miệng quạ.

Chu Liễm lập tức gật đầu nói:

- Thiếu gia dạy rất đúng.

Bùi Tiền ngồi xuống, một tay ôm bụng, tay kia chỉ vào Chu Liễm, cuối cùng đã nắm được cơ hội báo thù, cười ha hả nói:

- Còn không biết xấu hổ nói ta thừa gió bẻ măng. Lão đầu bếp, ngươi thôi ngay đi.

Chu Liễm nghiêm túc nói:

- Ngươi là cỏ đầu tường, còn ta gọi là kẻ thức thời mới là tuấn kiệt, tuấn trong anh tuấn, tuấn trong tuấn tú.

Bùi Tiền chớp chớp mắt, tò mò hỏi:

- Sư phụ nói ở đất lành Ngẫu Hoa chúng ta, ngươi đã từng là một vị công tử tuấn tú vô song?

Không đợi Chu Liễm thao thao bất tuyệt nói một chút công lao vĩ đại năm xưa, Bùi Tiền đã dùng hai tay ôm bụng, dập đầu xuống bàn:

- Ngươi thôi ngay đi, cười chết ta rồi, ôi chao, đau bụng...

Chu Liễm thấy Trần Bình An cũng đang nín cười, liền có phần chán nản.

- --------

Khi Phật Đạo tranh luận sắp hạ màn, tại một hành cung tránh nắng nằm ở ngoại ô kinh thành nước Thanh Loan, hoàng đế họ Đường lặng lẽ tự mình đến đây. Có khách quý đại giá quang lâm, Đường Lê tuy là quân chủ nhân gian nhưng vẫn không dám thất lễ.

Bởi vì người tới là một ông lão đức cao vọng trọng của họ Khương Vân Lâm, tên là Khương Mậu, vừa là một vị lão thần tiên năm cảnh giới cao giống như cột chống trời, còn là đại tiên sinh phụ trách truyền thụ học vấn cho toàn bộ con cháu họ Khương Vân Lâm.

Ngoài ra còn có đích nữ (con gái của vợ cả) họ Khương sau khi gả vào Phù gia thành Lão Long, lần đầu về nhà thăm người thân. Người đi cùng là một nhũ mẫu đã theo cô rời khỏi họ Khương, nghe đồn là một kiếm tu cảnh giới Nguyên Anh sát lực đáng sợ.

Bên cạnh Đường Lê cũng có hai người đi theo. Một người là lão già Đường Trọng thuộc hoàng thất, có thể khiến y an tâm giao quyền. Dựa theo vai vế, Đường Trọng xem như là chú của hoàng đế Đường Lê, đã từng lén lút thư từ qua lại khá nhiều với lão thị lang Liễu Kính Đình. Thực ra Đường Lê đều đã xem qua những bức thư tranh cãi kia.

Người còn lại là một lão già mũi ưng, đứng đầu trong tất cả tiên sư gia phả nước Thanh Loan, tên là Chu Linh Chi. Rất nhiều người đã quên xuất thân tu sĩ sông núi của lão tiên sư này. Lão đã phụ tá hoàng đế họ Đường ba đời, tuy thanh danh không tốt lắm, nhưng Đường Lê sống trong nhà đế vương, chí hướng là thống nhất giang sơn, ngai vàng vạn năm, nào quan tâm những chỉ trích không đau không ngứa này.


Quân chủ nước Thanh Loan Đường Lê, mặc dù sắc mặt không tốt với tiên sư trên núi trong địa bàn nhà mình, nhưng khi nhìn thấy lão thần tiên họ Khương Vân Lâm kia, cũng phải dùng lễ vãn bối cung kính tiếp đãi đối phương.

Hai bên bày tiệc ngồi đối diện nhau, giống như cố gắng không phân ra chủ khách, càng không có quân chủ gì.

Khương Mậu không có dáng vẻ và lời nói ôn hòa như trong ấn tượng.

Đường Lê bảo quan viên Lễ bộ đưa cho Khương Mậu một xấp hồ sơ, cùng với một ít tranh cuộn dùng thủ pháp dập chữ của tiên gia ghi chép lại.

Quan viên Lễ bộ trẻ tuổi tướng mạo đứng đắn, miệng mồm lanh lợi. Lúc Khương Mậu tiện tay lật xem hồ sơ và xem lướt qua tranh cuộn, hắn cũng báo cáo với ông ta quá trình Phật Đạo tranh luận, ngắn gọn ổn thỏa, dứt khoát lưu loát, chỉ nói kỹ những đoạn đặc sắc kinh tâm động phách. Hơn nữa đối diện với một vị tu sĩ năm cảnh giới cao trong truyền thuyết, hắn lại cư xử rất đúng mực, thỉnh thoảng có hỏi đáp lại ứng đối khéo léo, khiến hoàng đế bệ hạ nở mày nở mặt, cho nên Đường Lê rất hài lòng.

Đường Lê nghiêng người qua, nhìn người chú Đường Trọng.

Đường Trọng nhẹ giọng giới thiệu:

- Tống Sơn Khê của sở Thanh Lại Lễ bộ, con cháu họ Tống quận Thanh Tùng, bảng nhãn của kỳ thi mùa thu năm hai.

Đường Lê nói:

- Lần sau kinh thành thi cử, có thể cất nhắc.

Đường Trọng cười gật đầu.

Đường Lê đột nhiên hỏi:

- Sao hôm nay Vi đô đốc không có mặt?

Đường Trọng giải thích:

- Vi đô đốc có quan hệ rất tốt với một vị con cháu họ Khương tên là Khương Uẩn. Khương Uẩn và chị gái trùng phùng ở đây, đã kéo Vi đô đốc đi theo rồi.

Lão già Chu Linh Chi đứng ở một bên, cũng người đứng đầu tiên sư nước Thanh Loan trên danh nghĩa, sau khi nghe hoàng đế bệ hạ gọi Vi Lượng là “Vi đô đốc”, mí mắt khẽ run một chút.

Tại khu vực đông nam Bảo Bình châu, thế nhân chỉ biết trung bộ nước Thanh Loan có một đại đô đốc Vi gia cha truyền con nối, nhiều đời là dòng độc đinh, vẫn cứ truyền thừa hương khói một cách thuận lợi.

Từ khi thái tổ họ Đường nước Thanh Loan Thái lập quốc đến nay, tuy hoàng đế bệ hạ đã đổi nhiều người, nhưng Vi đại đô đốc thực ra vẫn luôn là một người.

Vi Lượng giấu tài hơn nữa có ngọn nguồn rất sâu với họ Đường, chính là người mà Chu Linh Chi kiêng dè nhất ở nước Thanh Loan, không có một trong.

Sau khi tu sĩ cảnh giới Ngọc Phác Khương Mậu xem xong nghe xong, lại cười hỏi:

- Nghe nói Liễu Thanh Sơn của vườn Sư Tử, lâm thời được tham gia khảo nghiệm, biểu hiện rất xuất sắc. Ngoại trừ văn tự ghi chép, có tranh cuộn dùng để quan sát không?

Đường Trọng lắc đầu nói:

- Bẩm Khương lão, có người nhắc nhở chúng tôi, tốt nhất không nên tự tiện đi vào vườn Sư Tử. Ngay cả Chu cung phụng của chúng tôi, cũng chỉ có thể ở trên đỉnh núi bên ngoài vườn Sư Tử quan sát từ xa. Nhưng thông qua mật thám bên trong mắt thấy tai nghe, cùng với Chu cung phụng dùng thần thông quan sát núi sông chạm đến thì dừng, con trai thứ hai của Liễu Kính Đình là Liễu Thanh Sơn, quả thật dựa vào chính mình qua cửa, cũng không ngoại lực trợ giúp.

Khương Mậu mỉm cười nói:

- Chẳng phải là quốc sư Đại Ly Thôi Sàm kia sao, các ngươi có gì mà phải kiêng tên húy.

Đường Trọng cười nói:

- Chính là Thôi quốc sư.

Trong lòng hoàng đế Đường Lê lại không thoải mái lắm.

Nước Thanh Loan bị đại thế một châu áp bức, buộc phải mưu đồ những chuyện này với Thôi Sàm và Đại Ly. Trong lòng hoàng đế bệ hạ y biết rõ, đối diện với Tú Hổ kia, mình đã gần như rơi vào thế yếu. Hiện giờ Khương Mậu lại thản nhiên gọi thẳng tên Thôi Sàm như vậy, chẳng khác nào tuyên bố lão và họ Khương Vân Lâm sau lưng không để Đại Ly và Thôi Sàm vào mắt. Như vậy đối với nước Thanh Loan, vào lúc này họ Khương ngoài mặt khách sáo, trong lòng lại xem thường họ Đường bọn họ đến đâu?

Mặc dù trong lòng không vui, nhưng trên mặt Đường Lê cũng không lộ vẻ gì khác thường.

Nói một câu khó nghe, nếu Khương Mậu thật sự muốn nhổ một bãi nước miếng lên mặt y, hoàng đế nước Thanh Loan y cũng phải tươi cười chịu đựng, không chừng còn phải hỏi một câu “lão thần tiên có khát nước hay không”.

Khương Mậu cũng không tiếp tục khiến Đường Lê khó chịu, rút ra mấy bức tranh cuộn, bên trong là hai nơi và hai người. Chùa Bạch Thủy phía nam kinh thành, nổi tiếng nhờ nước suối mát rượi, cùng với Bạch Vân quán thanh danh không nổt bật trong kinh thành. Một nhà sư áo trắng tuổi còn trẻ, còn có một quán chủ đạo nhân trung niên.

Ông ta gật đầu nói:

- Xem tình hình trước mắt, Phật gia thắng ở trên mặt bàn, Đạo môn thắng ở phía sau màn. Liễu Thanh Sơn của vườn Sư Tử được môn sinh Nho gia nước Thanh Loan các ngươi đề cử, biểu hiện không tầm thường, không chừng còn có cơ hội. Nhưng nếu không thể lấy ra những thứ càng khiến người ta sáng mắt, nhiều nhất chỉ tranh thứ hai mà thôi, như vậy đủ sao? Dù là Đạo môn hay Phật gia, muốn trở thành quốc giáo nước Thanh Loan có được không?

Lời này có phần hùng hổ ép người.

Họ Khương Vân Lâm là hào phiệt cổ xưa nhất Bảo Bình châu, đã từng là tộc lớn họ lớn ở Trung Thổ Thần Châu.

Là một trong số thế lực nắm giữ lễ nghi trước khi Nho gia “lập giáo”, tại tam giáo tranh đấu lần đầu xuất hiện trong lịch sử Bảo Bình châu, rất dễ nhìn thấy họ Khương Vân Lâm sẽ nghiêng về ai.

Nhưng nếu nước Thanh Loan chỉ vì ngại mặt mũi Khương Mậu và họ Khương, cất nhắc Nho gia vốn không nằm trong Phật đạo tranh luận, trở thành quốc giáo họ Đường, đến lúc đó người sáng suốt đều sẽ biết là do họ Khương ra tay. Họ Khương làm sao khoan dung cho loại “tì vết trên bạch ngọc” bị người ta chỉ trích này.

Cho nên đây là chuyện mà Khương Mậu khó giải quyết nhất. Kết quả phải có, quá trình còn phải khiến tất cả những người bàng quan không bới móc được khuyết điểm, không thể có nửa câu nghị luận ác ý nhằm vào họ Khương Vân Lâm.

Hôm nay các nước ở trung bộ Bảo Bình châu sĩ tử xuôi nam, áo mũ tề tụ ở nước Thanh Loan, vốn rất bất mãn với trận Phật Đạo tranh luận không có người đọc sách tham gia này. Những hào phiệt xứ khác kia cất tiếng hô lớn, còn có không ít thế tộc kiêu ngạo tính tình không tốt lắm, tuyên bố bất kể Phật hay Đạo trở thành quốc giáo, bọn họ đều sẽ dọn ra khỏi nước Thanh Loan.

Thực ra nhóm người đứng ở trung tâm triều đình nước Thanh Loan, cùng với thần tiên Đạo môn và cao tăng Phật gia chân chính đều biết rõ, hai giáo tranh đấu là tranh thứ hai, tranh để không đứng chót mà thôi.

Mà hoàng đế nước Khánh Sơn sở dĩ mang theo mấy ái phi kinh hãi thế tục kia, tới kinh thành nước Thanh Loan xem náo nhiệt, thực ra là muốn xem thử hoàng đế họ Đường rốt cuộc mặt dày đến đâu, làm sao nịnh hót họ Khương Vân Lâm và nhóm sĩ tử xuôi nam cuồn cuộn kia, đến cuối cùng liệu có trở thành trò cười cho nửa châu, làm mất lòng cả ba phương Nho Phật Đạo hay không.

Hoàng đế Đường Lê hơi tươi cười, vươn một ngón tay ra vuốt nhẹ bàn trà trước người.

Đường Trọng lên tiếng:

- Thực ra người mà quốc sư Đại Ly Thôi Sàm đề cử thật sự, đó là con trai trưởng Liễu Thanh Phong của Liễu Kính Đình, một đệ tử Nho gia học vấn gần với Pháp gia.


Khương Mậu nheo mắt lại:

- Hả? Có điểm nào khác với người thường? Ta lại muốn xem thử.

Đường Trọng đứng lên, lấy ra hai quyển sách ố vàng đã chuẩn bị trước, một quyển là sách thánh hiền Nho gia, một quyển là tác phẩm Pháp gia.

Đường Trọng định đi qua đưa sách, nhưng không thấy Khương Mậu có bất kỳ động tác gì, hai quyển sách đã rời khỏi tay Đường Trọng, xuất hiện trên bàn trước người Khương Mậu.

Khương Mậu tiện tay đặt quyển điển tịch Nho gia kia vào góc, nhìn một cái cũng ngại lãng phí thời gian. Bảo Bình châu được mấy người có tư cách nói về “lễ” trước mặt họ Khương Vân Lâm? Cũng không phải vị lão thần tiên này chẳng coi ai ra gì, mà là có nội tình gia tộc và học vấn bản thân chống đỡ, giống như núi cao sừng sững vậy.

Khương Mậu mở quyển thư tịch Pháp gia được Liễu Thanh Phong chú giải, xem rất nhanh, có chỗ không cho là đúng, có chỗ lại khẽ gật đầu. Cuối cùng ánh mắt dừng lại một trang, ở bên cạnh một câu, nhìn nét chữ hẳn là trước sau ba lần phê bình chú giải. Câu ban đầu của người viết sách là “không nịnh nọt người yêu thích, không hãm hại người căm ghét, thích và ghét cũng phải tuân theo pháp luật, đây là cảnh giới cao nhất để trị quốc”. Ở nơi gần câu này nhất, Liễu Thanh Phong đầu tiên viết rằng từ “cao nhất” không ổn, quá cao, nên đổi thành “quan trọng”.

Khương Mậu xem qua hai lần chú giải còn lại, mỉm cười nói:

- Không tệ, có thể dùng để thử phân lượng của đạo nhân Bạch Vân quán kia.

Vị lão thần tiên tu vi cao nhất họ Khương Vân Lâm trên danh nghĩa, tiện tay xé đi một trang có đóng dấu cá nhân của Liễu Thanh Phong. Hai quyển sách lại trở về trên bàn trước người Đường Trọng. Ông ta cười nói:

- Tìm một cơ hội, để đạo nhân Bạch Vân quán trùng hợp lấy được quyển sách này, đến lúc đó xem thử quán chủ này giải thích thế nào.

Đường Trọng đáp ứng.

- --------

So với chỗ Khương Mậu nước ngầm dâng trào, tại một đình nghỉ mát trúc xanh lượn quanh trong hành cung tránh nắng, lại vui vẻ hòa thuận hơn rất nhiều.

Thanh niên cao lớn Khương Uẩn từng lấy được cơ duyên xích sắt ở động tiên Ly Châu, nhà ở đầu cuối ngõ nhỏ bến thuyền Phong Vĩ, đang trò chuyện với chị gái đã được gả đến thành Lão Long.

Đại đô đốc Vi Lượng ngồi ở một bên, cũng đang tán gẫu với nhũ mẫu vẻ mặt chán chường.

Khương Uẩn nhìn dung mạo của chị gái trước mắt, dở khóc dở cười.

Cô gái nhướng mày:

- Thế nào, trông mặt mà bắt hình dong à? Chị cảm thấy rất đẹp.

Khương Uẩn cười nói:

- Chị à, em phải nói một câu thật lòng, dung nhan hiện giờ của chị thật không dính dáng gì tới chữ “đẹp”.

Cô gái mập mạp liếc xéo nói:

- Chị lại muốn xem thử sau này em sẽ lấy một tiên tử thế nào, đến lúc đó chị sẽ giúp em giám định, tránh khỏi em bị hồ ly tinh lừa gạt.

Khương Uẩn chắp hai tay trước ngực, cầu xin:

- Đừng, em sợ với tính tình này của chị, một hai câu đã khiến vợ tương lai của em chạy mất rồi.

Cô gái đang định càm ràm mấy câu, Khương Uẩn đã biết điều thay đổi đề tài:

- Chị, con người Phù Nam Hoa kia thế nào?

Cô gái lắc đầu nói:

- Cũng bình thường, không ai quản ai, tôn trọng lẫn nhau, rất tốt.

Khương Uẩn cười lớn nói:

- Vậy có cơ hội em nhất định phải tìm anh rể đáng thương này uống rượu, kể khổ cho nhau, nói mấy ngày mấy đêm, không chừng lại thành bằng hữu.

Cô gái không quan tâm nói:

- Em cứ tùy ý.

Cô nghĩ tới một chuyện, nhỏ giọng hỏi:

- Sư phụ em và hảo hữu chí giao đi tìm bảo vật, có thành công không? Nếu thành công rồi, chị sẽ lén lút theo em đến bến thuyền Phong Vĩ một chuyến. Kim thân lưu ly của đại tu sĩ cảnh giới Phi Thăng sau khi thân chết đạo tan, chị còn chưa tận mắt nhìn thấy. Trong nhà cũng có một mảnh, nhưng lão tổ tông giấu rất kỹ, nhiều năm như vậy chị vẫn không tìm được.

Cô lại lặng lẽ nói:

- Nếu em cho chị xem món đồ kia, chị gái sẽ tặng em một lễ vật rất đặc biệt, bảo đảm khiến tu sĩ trẻ tuổi một châu đều hâm mộ chết.

Khương Uẩn khoát tay nói:

- Miễn đi. Tính tình của sư phụ em không tốt, chuyện lớn liên quan đến mảnh vỡ kim thân lưu ly, nếu em dám tự tiện chủ trương, ông ấy ngày thường có dễ tính đến mấy cũng vô dụng, nhất định sẽ lột một lớp da của em. Thật không phải nói đùa đâu.

- Năm xưa sư phụ từng nói, em phải đến động tiên Ly Châu, hoặc là tới đất lành của Thần Cáo tông rèn luyện, nhất định phải chọn một nơi. Kết quả chờ em trở lại, sư phụ lại bắt đầu nuốt lời, bảo rằng rèn luyện ở đất lành cũng cần thiết. Dù sao động tiên Ly Châu đã đi qua rồi, chuyện tốt thành đôi mà. Thừa dịp hai năm qua số mệnh tốt, lấy được một món bảo bối ở động tiên, không chừng còn có thể kiếm được một cô vợ xinh đẹp ở đất lành...

Khương Uẩn mặt ủ mày chau, bất đắc dĩ nói:

- Gặp phải một sư phụ vô lại như vậy, không cách nào nói lý được.

Cô gái cười nhạo nói:

- Đúng là thân ở trong phúc mà không biết phúc. Trong lịch sử Bảo Bình châu, được mấy người xuất thân tu sĩ sông núi có thể bước vào năm cảnh giới cao? Có thể khiến kẻ mắt cao hơn đầu như Lý Đoàn Cảnh cũng phải kính phục? Có thể trở thành bạn chung hoạn nạn với lão bang chủ tính tình quái gở kia? Em đấy, nên biết hài lòng đi. Rảnh rỗi thì mau về gia tộc thắp mấy nén nhang cho các lão tổ tông, cảm tạ ân đức tổ tiên.

Khương Uẩn tỏ ra hờ hững, lắc đầu nói:

- Chị đừng khuyên em trở về nữa, em thật sự không có hứng thú.

Cô gái thở dài, gập ngón tay gõ đầu Khương Uẩn một cái:

- Từ nhỏ đến lớn cứ cứng đầu như vậy. Hôm nay đã là thần tiên trên núi rồi, còn nghĩ không thoáng được một ít chuyện năm xưa sao?

Khương Uẩn không trả lời, đưa mắt nhìn nhũ mẫu kia. Cô gái khẽ lắc đầu, ra hiệu Khương Uẩn không cần hỏi.

Trong khi hai người trầm mặc, đại đô đốc Vi Lượng và nhũ mẫu kia vừa lúc tán gẫu đến động tiên Trúc Hải và Thanh Thần nương nương.

Vi Lượng nhìn quanh, đâu đâu cũng thấy trúc cao xanh tươi, nói đùa nửa thật nửa giả:

- Hiền nhân quân tử người đọc sách đều thích trúc xanh này, ta lại muốn chặt đi trúc dữ ngàn vạn cây.

Cô gái họ Khương trêu chọc:

- Vi tiên sinh, nếu ngài ở nơi này chặt trúc, gạt vị lão tổ tông của chúng ta muốn tìm ngài so tài học vấn sang một bên, như vậy không tốt đâu.

Vi Lượng cười nói:


- Ta ngồi ở đó cướp hết danh tiếng, làm trái bổn phận thần tử.

Cô gái họ Khương đang muốn châm chọc mấy câu, Vi Lượng đã cười híp mắt nói:

- Củ gừng nhỏ, ta đã từng ôm ngươi lúc còn bé. Thời gian trôi qua thật nhanh, chỉ trong thoáng chốc, nha đầu đen nhẻm trong tã lót đã thành đại cô nương lấy chồng rồi.

Cô gái trừng mắt nhìn, lấy ra một miếng gừng từ nhỏ đã thích ăn, cắn mạnh một cái.

Vi Lượng thoải mái cười lớn. Khương Uẩn bội phục không thôi.

- --------

Vườn Sư Tử nằm ở ngoại ô kinh thành, gần đây có rất nhiều người rời đi. Yêu vật quấy phá vừa bị trừ khử, người xứ khác và người trong nhà cũng rời khỏi.

Con gái lớn Liễu Thanh Nhã bị nhốt ở nhà mẹ đẻ rất lâu, lo lắng không yên dẫn theo phu quân rời đi. Một lần bị rắn cắn, mười năm sợ dây thừng, lần này phu quân của cô xem như bị dọa thảm rồi.

Sau đó là hai vị tiên sinh dạy học trong nhà họ Liễu, cùng nhau rời đi.

Tiếo theo là con trai thứ hai Liễu Thanh Sơn và nữ đạo sĩ Liễu Bá Kỳ, hai người chuẩn bị cưỡi ngựa đi lên hướng bắc, trước tiên đến thư viện Quan Hồ xem thử.

Tiếp đến là con gái nhỏ Liễu Thanh Thanh của Liễu Kính Đình, cùng với tỳ nữ Triệu Nha đi tới một môn phái tiên gia. Huynh trưởng Liễu Thanh Phong đã xin triều đình cho nghỉ phép, tự mình hộ tống cô em gái này.

Phủ đệ trên ngọn núi kia cách kinh thành nước Thanh Loan khá xa, hơn sáu trăm dặm. Lúc Liễu lão thị lang còn tại nhiệm, có quan hệ không tệ với người chủ trì của môn phái kia. Cho nên ngoại trừ một phần lễ bái sư phong phú, còn viết một bức thư bảo Liễu Thanh Phong mang theo. Nội dung đại khái là cho dù Liễu Thanh Thanh tư chất không tốt, không phải nhân tài tu đạo, cũng xin thu nhận con gái của ông ta làm đệ tử ký danh, ở trên núi tu hành mấy năm cho có lệ là được.

Trên thực tế, cho dù Liễu Kính Đình không còn là Lễ bộ thị lang, chỉ cần ông ta vẫn còn trên đời, con gái Liễu Thanh Thanh muốn gia nhập bất cứ tiên môn nào ở nước Thanh Loan cũng không khó, thậm chí hoàn toàn không cần bức thư này.

Hai chiếc xe ngựa chậm rãi đi trên đường. Liễu Thanh Thanh dần cười nhiều hơn, tỳ nữ Triệu Nha dĩ nhiên cũng cao hứng theo.

Phần lớn thời gian Liễu Thanh Phong đều ngồi trong xe lật sách, đến trạm dịch dọc đường mới xuống xe thu xếp quan hệ. Đối nhân xử thế, không chỉ đơn giản là con cháu thế gia lễ nghĩa chu đáo. Quan nhỏ và tư lại địa phương, dù là thanh cao hay hủ bại, cho dù quan phẩm cực thấp, nhưng có ai không khéo léo tinh tường? Quan phụ mẫu một huyện Liễu Thanh Phong là giả vờ khách sáo, thật sự thanh cao, hay là thật lòng dùng lễ đối đãi với bọn họ, vừa nhìn là thấy được ngay.

Cho nên Liễu Thanh Phong không hề giống con trai trưởng của lãnh tụ trí thức nước Thanh Loan Liễu Kính Đình, mọi người có ấn tượng với hắn không tệ, trở thành một câu chuyện thú vị ở trạm dịch các nơi.

Liễu Thanh Thanh vốn là phái nữ, tuổi tác lại không lớn, cho nên không nhìn ra đủ loại chi tiết của huynh trưởng Liễu Thanh Phong. Còn Triệu Nha tâm tư tinh tế lại cảm thán, luôn cảm thấy đại thiếu gia trong vườn Sư Tử và Liễu huyện lệnh ngoài vườn Sư Tử, hoàn toàn là hai người khác nhau.

Đến phủ đệ tiên gia núi non trùng điệp xanh tươi kia, Liễu Thanh Thanh thăm tiên bái sư rất thuận lợi.

Thu xếp cho Liễu Thanh Thanh xong, Liễu Thanh Phong cũng không lập tức xuống núi, mà được người dẫn đến một ngôi lầu cao ngắm cảnh bên vách núi. Sau khi lên lầu, hắn nhìn thấy một lão nho sĩ áo xanh đang dựa vào lan can ngắm cảnh, cùng với một công tử phong lưu phóng khoáng.

Trong lòng Liễu Thanh Phong thở dài, gạt đi tâm tình phức tạp, chắp tay thi lễ:

- Liễu Thanh Phong bái kiến Thôi quốc sư.

Quốc sư Đại Ly Thôi Sàm lại tự mình đến nước Thanh Loan.

Thôi Sàm cười đưa tay nâng hờ, ra hiệu cho Liễu Thanh Phong không cần khách sáo, sau đó chỉ vào người bên cạnh:

- Lý Bảo Châm, người quận Long Tuyền, hiện giờ là người cầm lái toàn quyền của Lục Ba Đình Đại Ly ở đông nam Bảo Bình châu. Sau này các ngươi sẽ thường xuyên giao tiếp.

Thanh niên anh tuấn kia chắp tay thi lễ, nói với Liễu Thanh Phong:

- Ra mắt Liễu tiên sinh.

Liễu Thanh Phong đành phải đáp lễ.

Lý Bảo Châm nói bằng tiếng phổ thông nước Thanh Loan tiêu chuẩn:

- Liễu tiên sinh, chuyến này xuôi nam đến nước Thanh Loan, đã khiến ta mở rộng tầm mắt. Người tuyệt diệu quá nhiều, chỉ riêng đạo nhân Bạch Vân quán kia, đạo hạnh nhỏ bé đã dám tiến hành hợp đạo, đánh cắp thiên cơ, còn thật sự vượt qua rãnh trời mà địa tiên cảnh giới Nguyên Anh cũng rất khó vượt qua. Có điều quá nổi bật, là phúc hay họa, đoán chừng phải xem ý tứ của họ Khương Vân Lâm rồi.

Liễu Thanh Phong chỉ cười, cũng không nói gì.

Ra oai phủ đầu? Đúng là trẻ tuổi bốc đồng, lộ ra sắc bén.

Lý Bảo Châm yên tĩnh chờ đợi, thấy Liễu Thanh Phong không muốn trả lời, hắn cũng cười lên.

Thôi Sàm nhìn Liễu Thanh Phong, mỉm cười nói:

- Liễu Thanh Phong, sau này ba nước Thanh Loan, Khánh Sơn, Vân Tiêu, chuyện lớn không cần hai người các ngươi lao tâm. Còn như chuyện nhỏ, ngươi hãy dạy Lý Bảo Châm nhiều một chút.

Liễu Thanh Phong gật đầu.

Vẻ mặt Lý Bảo Châm tự nhiên, khẽ mỉm cười, vái chào thật sâu:

- Làm phiền Liễu tiên sinh.

- --------

Tại miếu thờ hà bá mà Trần Bình An từng viết lưu niệm trên tường, gần đây có một nhóm khách hành hương ra tay hào phóng, hơn nữa còn ở lại miếu thờ.

Hai người và một trâu vàng, khiến người coi miếu thu tiền hương khói một cách thấp thỏm.

Thiếu niên áo trắng ấn đường có nốt ruồi, thích dạo chơi hành lang bia đá, chính là Thôi Đông Sơn chẳng biết tại sao vẫn ở lại nước Thanh Loan.

Tối nay trăng tròn trên không, Thôi Đông Sơn xin người coi miếu một chiếc giỏ trúc, đi vớt một giỏ nước sông trở lại. Giọt nước không lọt đã rất thần kỳ, càng huyền diệu là trăng tròn phản chiếu trong giỏ trúc, theo nước trong giỏ cùng nhau lắc lư. Cho dù đi vào bóng tối hành lang, trăng trong nước vẫn sáng ngời đáng yêu như trước.

Thôi Đông Sơn đi đến một hành lang, ngồi trên lan can, để giỏ trúc một bên, ngẩng đầu nhìn trăng.

Chỉ có nước trong giỏ trúc và trăng trong nước làm bạn với hắn.

Suy nghĩ của hắn bay xa.

Phật Tổ lo chúng sinh khổ. Chí Thánh tiên sư lo lắng, học vấn Nho gia đến cuối cùng sẽ chỉ là học vấn của những người không biết đói bụng kia.

Đạo Tổ thì sao? Nghe nói đang quan sát cái nhất kia.

Có thể Vương Chu bị nhốt dưới đáy giếng là nhất, lão già ở tiệm thuốc Dương gia cũng là nhất. Hoặc là trong mắt Đạo Tổ đạo pháp cao đến vô bờ, ai cũng là cái nhất kia?

Thôi Đông Sơn dụi má, từ vật một thước trong tay áo lấy ra hai trục cuốn bằng gỗ táo bình thường, mở rộng hai bức tranh cuộn nhỏ, lơ lửng trước người.

Trong bức tranh cuộn thứ nhất, có một lão tú tài quần áo cũ kỹ, ngồi ngay ngắn chính giữa một cái ghế dài. Thôi Sàm hai mươi tuổi ngồi ở một bên, thiếu niên Tả Hữu và thiếu niên Tề Tĩnh Xuân ngồi ở một bên khác. Một cái ghế dài bốn người ngồi, có vẻ hơi chật chội.

Có một cái đầu ghé vào trong tranh cuộn vốn chỉ thuộc về bốn thầy trò, y nghiêng đầu qua, tươi cười rạng rỡ, còn giơ hai ngón tay lên.

Ở một nơi khác, có một thân hình cường tráng ngồi xổm trong góc, quay lưng về phía mọi người.

Trong bức thứ hai, cái gã ghé đầu vào tranh cuộn thứ nhất, lại quang minh chính đại đứng giữa tranh, mở rộng hai tay. Thiếu niên Tả Hữu và thiếu niên Tề Tĩnh Xuân ôm lấy cánh tay người đàn ông kia, cong gối thu chân, đu giữa không trung, hai thiếu niên há miệng cười lớn.

Thư sinh trẻ tuổi Thôi Sàm đứng phía sau người kia, cười kín đáo hơn một chút, chỉ là cũng cười rất chân thành.

Thôi Đông Sơn đang suy nghĩ, hay là lúc nào đó, hắn, Trần Bình An, tiểu nha đầu đen nhẻm kia, cũng lưu lại một bức tranh như vậy?


Truyện đánh dấu

Nhấn để xem...

Truyện đang đọc

Nhấn để xem...
Nhấn Mở Bình Luận