Trần Bình An được xếp vào khách quý, nhưng không phải là nhân vật cao quý thanh tao gì, cho nên không cần hai tỳ nữ hầu hạ. Thu Thực liền đặt tâm tư vào bên ngoài, mỗi ngày giống như thần mách lẻo tin tức nhanh nhạy, kể lại những chuyện lý thú xảy ra gần đây trên thuyền cá côn. Thao thao bất tuyệt, thêm mắm thêm muối, còn đặc sắc hơn tiên sinh kể chuyện.
Trần Bình An chỉ nghe qua rồi thôi, hắn càng hứng thú với những chuyện trước mắt hơn.
Một ngày vào chiều hôm, thuyền cá côn gặp phải gió mạnh, cần phải hạ thấp xuống. Trần Bình An phát hiện trên một lục địa có ngọn lửa bốc cháy hừng hực, từng cột khói trôi giạt giữa không trung, xiêu xiêu vẹo vẹo giống như những cây non trong ruộng vườn.
Xuân Thủy biết được rất nhiều nội tình của Đông Bảo Bình Châu, sau khi tra cứu địa đồ trong thư phòng, rất nhanh đã đưa ra đáp án. Nguyên lai đó là một trận huyết chiến liên quan đến vận mệnh quốc gia. Hai vương triều lớn nhiều đời đối địch, sau khi trải qua chiến sự lâu dài mấy trăm năm, cuối cùng dốc hết tài lực cả nước, được ăn cả ngã về không, hơn nữa còn điều động rất nhiều luyện khí sĩ tham chiến.
Trải qua chiến dịch này, hai bên tất nhiên đều nguyên khí đại thương. Như vậy dùng thư viện Quan Hồ làm ranh giới, tại khu vực phía bắc Đông Bảo Bình Châu, ngoại trừ họ Cao Đại Tùy coi trọng cả văn lẫn võ, những vương triều có thể đối kháng với họ Tống Đại Ly lại càng thưa thớt.
Xuân Thủy nhìn xuống mặt đất sinh linh đồ thán, nhẹ giọng cảm khái:
- Nếu đánh đến thảm thiết, không chừng Đông Bảo Bình Châu sẽ có thêm một di chỉ chiến trường cổ. Mấy chục năm sau đến khi khí tức ổn định lại, chắc sẽ có thánh nhân núi Chân Vũ hoặc miếu Phong Tuyết trấn giữ ở đó, trở thành một khu vực Binh gia mới.
Trần Bình An nhìn về mặt đất thỉnh thoảng lóe lên ánh sáng rực rỡ, đoán rằng luyện khí sĩ người mang thần thông đang chém giết với nhau.
Ngoại trừ chuyện này còn có rất nhiều cảnh tượng khiến hắn cảm thấy đầu óc trống rỗng. Một đám tiên hạc kêu hót, chậm rãi từ trong biển mây nổi lên, rung cánh bay vào biển mây cao hơn, giống như một bức tranh di động. Còn có chim nhạn kết đàn bay về phía nam. Một tên luyện khí sĩ ngự gió bay lượn, lơ lửng bên ngoài một cột mây, dùng pháp khí hấp thu sấm sét bỏ vào trong túi. Càng có luyện khí sĩ ngồi chim loan xanh, tốc độ bay hơn xa thuyền cá côn, nhoáng lên rồi biến mất, ánh sáng lưu chuyển khắp người.
Trần Bình An nghe nói thuyền cá côn có một “trạm thư”, chuyên môn dùng phi kiếm truyền tin, công dụng tương tự như trạm dịch của nhân gian. Hắn bèn viết hai phong thư đưa cho Thu Thực đi gởi. Trong thư cũng không viết chuyện bí mật gì, chủ yếu là báo tin bình an, kể lại một số chuyện lạ nghe được từ chỗ Thu Thực, cho dù bị người khác đọc cũng không sao.
Hắn vốn định gởi cho mỗi người một phong thư, có điều giá cả của trạm thư thật sự quá đắt. Gởi đến Long Tuyền Đại Ly phải tốn mười đồng tiền ngọc hoa tuyết mà thần tiên trên núi chuyên dùng, gởi đến thư viện Sơn Nhai Đại Tùy thì tới hai mươi đồng, khiến hắn chỉ dám gởi cho Ngụy Bách và Lý Bảo Bình mỗi người một phong, bảo hai người giúp chuyển lời.
Trần Bình An đứng trên đài ngắm cảnh, được Xuân Thủy chỉ điểm, phát hiện trong một ngôi lầu nhỏ đứng riêng ở gần lan can thỉnh thoảng có đốm sáng lóe lên, không dễ nhận ra. Xuân Thủy mỉm cười kiên nhẫn giải thích:
- Chuột có hang chuột, chim có đường chim, phi kiếm truyền tin cũng như vậy. Có một tầng trời thích hợp để phi kiếm bay xa, lực cản rất nhỏ. Cho nên có luyện khí sĩ dùng chuyện này để gây dựng chỗ đứng, cần cù chăm chỉ mở ra từng thông đạo riêng biệt ở độ cao này. Phi kiếm truyền tin trên thế gian, sau khi bay lên trời đều sẽ đi theo con “đường hẹp quanh co” này. Chỉ cần là đệ tử của môn phái hơi lớn đều biết quy củ này, vì vậy một khi ngự gió đi xa sẽ chủ động tránh né.
Thu Thực vừa mới trở về thư phòng, dựa vào ngưỡng cửa cười đùa nói:
- Cũng có luyện khí sĩ tự do hồ đồ vô tri, vất vả học được cách bay lượn trên không. Vừa nghĩ tới trời cao mặc cho chim bay, kết quả lại đâm đầu mặt mũi bầm dập. Như vậy còn tính là may mắn, nếu xui xẻo thì có thể bị đâm thủng mắt hoặc cổ, từ trên trời cao rớt xuống mất mạng tại chỗ, biến thành một đống bùn lầy. Đáng thương, thật đáng thương.
Trần Bình An hỏi một vấn đề của người ngoài nghề:
- Trên đời không có người ăn no rửng mỡ đi chặn phi kiếm truyền tin sao?
Thu Thực gật đầu nói:
- Đương nhiên có, trong số luyện khí sĩ cũng có nhiều kẻ không não. Có điều con đường hẹp quanh co của phi kiếm thường được gọi là “đường hẹp vân mây”, chuyên môn có tu sĩ vân mây quan sát, dựa vào chuyện này để phát tài, chỉ mong sao có kẻ ngốc tới chặn đường cướp của. Mấy thanh phi kiếm truyền tin không đáng giá bao nhiêu tiền, nhưng một khi bắt được kẻ trộm, có thể cưỡng ép đòi một khoản bồi thường lớn. Nếu kẻ trộm khố rách áo ôm thì có thể đòi từ vương triều trên danh nghĩa của hắn. Còn nếu là tu sĩ hoang dã không được ghi chép trong sổ sách, trên người lại không có đồng nào, vậy thì cũng đành bó tay, chỉ có thể thừa nhận mình xui xẻo, dù sao cũng không tổn thất nhiều.
Nói đến đây, vẻ mặt Thu Thực hâm mộ:
- Những tu sĩ vân mây kia đều giàu đến chảy mỡ. Mỗi lần lên thuyền đi xa, kém nhất cũng sẽ ở phòng trung đẳng.
Xuân Thủy ôn nhu nói:
- Thực ra những môn phiệt tiên gia truyền thừa hơn ngàn năm, bình thường cũng sẽ không dùng phi kiếm truyền tin. Trên đời có rất nhiều bí thuật huyền diệu, có thể khiến cho người ta giống như đối mặt trò chuyện. Chẳng hạn như có hai quả du mẹ con, ngươi dùng pháp thuật vuốt nhẹ một quả, lại mở miệng nói chuyện, một quả du đặt ở nơi khác sẽ tự động phát ra tiếng, đối phương có thể nghe được.
Trần Bình An tấm tắc lấy làm kỳ lạ.
Thu Thực nhìn Trần Bình An nghiêm túc lắng nghe, nghĩ thầm một tiểu tử nghèo như vậy, làm sao lại có quan hệ với thần Bắc Nhạc Đại Ly? Phải đạp trúng một đống phân chó lớn đến đâu mới được như vậy.
May mà Trần Bình An nghèo thì có nghèo, kiến thức nông cạn hỏi nhiều vấn đề, nhưng không bao giờ ra vẻ giàu có, ngược lại khiến Thu Thực bẩm sinh đơn thuần cảm thấy rất tốt. Nếu đã không có tiền còn thích khoe của, chẳng hiểu gì cả lại giả vờ như hiểu, đó mới là vừa đáng thương vừa đáng ghét.
Trò chuyện nhiều, hai chị em khó tránh khỏi nhắc tới quê nhà Bắc Câu Lô Châu của mình. Bắc Câu Lô Châu nhiều kiếm tu, sát lực rất lớn, dĩ nhiên cũng nhiều người bá đạo. Bá đạo đến mức nào? Lấy một ví dụ đơn giản nhất, Nam Bà Sa Châu nằm ở phía nam, Đông Bảo Bình Châu nằm ở phía đông, cho nên thường được gọi là “Nam Bà Sa” và “Đông Bảo Bình”. Bắc Câu Lô Châu rõ ràng nằm ở phía đông bắc thế giới Hạo Nhiên, nhưng vẫn tự xưng là Bắc Câu Lô Châu. Chuyện này khiến Ngai Ngai Châu nằm ở phía bắc phải bỏ đi chữ “Bắc” kia.
Ngay cả Xuân Thủy tính tình hiền dịu, lúc nhắc tới Bắc Câu Lô Châu cũng hơi kiêu ngạo tự đắc, chỉ là chính nàng không nhận ra mà thôi. Thu Thực đương nhiên càng như vậy, thích nói “Bắc Câu Lô Châu chúng ta” thế nào, “Đông Bảo Bình Châu các ngươi” ra sao. Khi nhắc đến những chuyện này, ánh mắt thiếu nữ sáng lên, tinh lực dồi dào giống như một con chim vàng anh nhỏ kiêu ngạo.
Hôm nay Trần Bình An cuối cùng dự định rời khỏi gian nhà chữ Thiên. Chuyện này khiến Xuân Thủy rất vui mừng, Thu Thực càng vui vẻ nhảy nhót, luôn miệng gọi “Trần công tử”, chắp tay thi lễ cảm ơn hắn, khiến Trần Bình An rất xấu hổ.
Hóa ra Thu Thực mang đến một tin tức lớn, tối nay ở đầu thuyền cá côn sẽ treo một bức tranh hoa điểu tổ truyền của núi Đả Tiếu, có thể quan sát cảnh tượng xa vạn dặm.
Trần Bình An không quá ngạc nhiên với chuyện này, bởi vì lúc trước trong đêm gió tuyết, thằng bé áo xanh đã bưng ra một chén nước, trong màn nước có thể thấy rõ tư thái ngự kiếm của tiên tử Tô Giá. Hắn đến đó không phải vì muốn tăng thêm kiến thức, mà là không thể không đi, bởi vì người và chuyện mà tranh hoa điểu thể hiện đều có liên quan tới hắn.
Núi Chính Dương và vườn Phong Lôi sắp triển khai một trận chiến sinh tử. Tin tức này đột ngột xuất hiện, không hề báo trước, khiến cho cả Đông Bảo Bình Châu đều trở tay không kịp. Cho dù chỉ là vài câu truyền ra nam bắc một châu, cũng đã khiến người ta cảm thấy rùng mình.
Hai môn phái kiếm tu đỉnh cao nhất Đông Bảo Bình Châu, ba thế hệ kiếm tu già, trung niên và trẻ sẽ lần lượt xuất trận một người, một đấu một với nhau.
Thế hệ nhân tài trẻ tuổi chỉ phân thắng bại, không phân sống chết. Thế hệ trung kiên có thể phân thắng bại, cũng có thể phân sống chết, tất cả phải xem ý kiến của hai bên giao thủ. Nhưng Đông Bảo Bình Châu có ai không biết, người của hai phái một khi đụng độ bên ngoài sơn môn, có thể trực tiếp đánh đến một mất một còn. Tới thời khắc mấu chốt liên quan đến vinh nhục sơn môn, với tính tình của núi Chính Dương và vườn Phong Lôi, quá nửa sẽ muốn phân ra sống chết. Còn lão tổ hai phái lớn tuổi nhất thì chỉ phân sống chết.
Sát khí bừng bừng, giống như còn chưa xuất kiếm đã khiến người quan sát ngửi thấy mùi máu tanh nồng nặc.
Kiếm tu thế hệ trẻ tuổi của núi Chính Dương xuất chiến chính là tiên tử Tô Giá, thiên tài tu đạo sở hữu một hồ lô nuôi kiếm thượng phẩm. Bên phía vườn Phong Lôi lại là một đệ tử đích truyền của vườn chủ, thanh danh thậm chí còn không bằng Lưu Bá Kiều. Nhưng trong đại chiến đỉnh cao thu hút ánh mắt cả châu này, vườn Phong Lôi há sẽ xem như trò đùa?
Trần Bình An dẫn theo Xuân Thủy và Thu Thực xuống lầu, đi đến đầu thuyền.
Tranh hoa điểu tổ truyền của núi Đả Tiếu, có các loại phi cầm nhiều màu sắc bay tới bay lui trong tranh, sống động như thật, còn phát ra những tiếng kêu lanh lảnh kỳ ảo. Khi tranh hoàn toàn mở ra, dài đến năm sáu trượng, rộng đến hai trượng. Lúc treo trên không ở đầu thuyền, nếu nhìn từ xa, cho dù đám luyện khí sĩ có thể nhìn rõ vẫn sẽ cảm thấy không thỏa chí. Thêm nữa kiếm tu xuất kiếm nhanh như sét đánh, nhỏ như sợi tóc, sấm vang chớp giật, khí thế huyền diệu ẩn chứa trong kiếm đạo trong nháy mắt lập tức trôi qua. Cho nên quan sát ở khoảng cách gần mới là lựa chọn tốt nhất.
Thế là vị trí lại chia ra thành nhiều bậc. Ba gian nhà riêng sẽ ở hàng thứ nhất, chẳng những chuẩn bị trái cây điểm tâm, còn có thuyền bỏ tiền mời một số tỳ nữ xinh đẹp do bàng môn tả đạo huấn luyện bồi dưỡng, cùng với mấy hoa khôi được hoan nghênh của Hạnh Hoa phường. Còn như ba nhóm người kia có cảm kích hay không thì khó nói.
Sau đó là khách ở nhà chữ Thiên như Trần Bình An, nếu tâm tình tốt có thể dẫn theo tỳ nữ, đến một mình dĩ nhiên cũng không sao. Còn phần lớn người khác đều tự mang theo ghế, không khác gì dân chúng quê mùa đến xem hội làng.
Xuân Thủy và Thu Thực tuổi tác không lớn nhưng rất quen thuộc với chuyện này, còn có lãnh sự giúp mở đường, dễ dàng tìm được chỗ ngồi, vị trí rất tốt, khiến cho thiếu niên giày cỏ dung mạo bình thường rước lấy khá nhiều ánh mắt tò mò.
Ba chiếc ghế lớn bằng gỗ tử đàn, giữa hai ghế có một chiếc bàn, đặt một đĩa nhỏ danh trà đặc sản của Bắc Câu Lô Châu có tên là “lưỡi tước đắng”. Loại trà này không cần nấu bằng nước suối, chỉ cần nhai sống lá trà là được. Vào miệng hơi chát, dần dần thành đắng, sau khoảng nửa nén nhang sẽ hoàn toàn thay đổi, ngọt ngào mát rượi hơn xa nước trà, cho nên được gọi đùa là “trà nửa nén nhang”.
Đại chiến còn chưa mở màn. Trong lúc rãnh rỗi, Xuân Thủy giảng giải chỗ tuyệt diệu của lá trà cho Trần Bình An nghe. Hóa ra lá trà này có thể lọc gan sáng mắt, là thứ yêu thích của hào phiệt thế tộc ba châu. Văn hào nhà nho không thiếu tiền thích tặng linh trà này cho nhau. Còn ở một số vương triều tôn sùng trà đạo, trà này lại biến thành công cụ để hối lộ. Mà quan viên bị giáng chức, khi hảo hữu đưa tiễn, cho dù đập nồi bán sắt cũng phải kiếm được một ít lưỡi tước đắng, xem như gởi gắm ngụ ý tốt đẹp “khổ tận cam lai”.
Trừ thứ này, trên bàn còn có các loại bánh ngọt tinh xảo và trái cây, giá cả không rẻ, chỉ là độ quý hiếm kém hơn lưỡi tước đắng rất nhiều.
Trần Bình An vừa dựng tai lắng nghe Xuân Thủy giải thích, vừa không lộ tâm tình quan sát xung quanh, chủ yếu nhất vẫn là ba nhóm khách phía trước. Không hề bất ngờ, bọn họ đều là người có tiền trong số thần tiên trên núi.
Ngay phía trước Trần Bình An là một gia đình lớn. Phu nhân vóc người rất cao ngồi ở ghế chủ tọa, xương gò má cao vút, luận về tư sắc không thể gọi là đẹp, nhưng khí thế ép người, môi nhếch lên theo thói quen, thích híp mắt nhìn người khác.
Bên cạnh bà ta là một người đàn ông văn nhã ân cần niềm nở, tướng mạo đường đường, gương mặt tuấn tú, nhưng khi nói chuyện với phu nhân thì lại tươi cười, cong người khom lưng, không hề giống như chủ nhân trong nhà. Nếu không có chỗ ngồi dưới mông, thoạt nhìn càng giống như mặt trắng do phu nhân phóng đãng lén nuôi dưỡng.
Ông ta ôm một đứa trẻ bốn năm tuổi, dáng vẻ trắng trẻo giống như ông ta, khiến người ta ưa thích. Nhưng phong thái thì hoàn toàn giống như phu nhân, không được đáng yêu cho lắm. Còn có một bà lão tóc trắng da nhăn, là vú em dạy dỗ của gia tộc. Bên cạnh là một nha hoàn xinh đẹp, khí chất lạnh lùng giống hệt như bà ta.
Ngoài ra còn có một người đàn ông trung niên thân hình cao lớn, ngồi ngay ngắn trên ghế dựa bên trái phu nhân, thỉnh thoảng quay đầu nhìn người đàn ông ân cần kia, khóe miệng thoáng hiện vẻ chế nhạo. Nếu hai người đối diện với nhau, người đàn ông cao lớn chẳng những không thèm che giấu vẻ xem thường, ngược lại còn đường hoàng nhếch miệng. Mà người đàn ông văn nhã kia lại chủ động gật đầu cười xòa.
Trần Bình An mượn cơ hội thưởng thức bức tranh cuộn kia, quan sát hết tất cả chi tiết của bọn họ. Thu Thực không nhịn được nhìn thêm mấy lần, rất nhanh lại bị Xuân Thủy nhéo tay một cái. Không ngờ người đàn ông cao lớn kia đột nhiên ngửa về phía sau, quay đầu giả vờ nhếch miệng cười, lộ ra hàm răng trắng hếu. Khiến cho Thu Thực sợ hãi vội vàng cúi đầu, không dám thở mạnh.
Sau khi người đàn ông kia quay đầu đi, Xuân Thủy tức giận đạp Thu Thực một cái. Thu Thực đau đến mức hít một hơi lạnh, vẻ mặt ai oán nhìn chị gái.
Phía trước bên trái Trần Bình An là một ông lão áo nho, đội một chiếc mũ lông chồn cũ kỹ, cởi giày ngồi xếp bằng, co mình trên ghế dựa rộng rãi, có vẻ khôi hài buồn cười. Phía trước bên phải lại là hai kiếm tu một nam một nữ, nhìn bề ngoài giống như hơn hai mươi tuổi, còn về tuổi tác thật sự thì khó nói.
Nam tử trẻ tuổi đặt kiếm ngang trên đầu gối, khẽ vỗ vào vỏ kiếm. Cô gái ngoại trừ đeo trường kiếm, giữa búi tóc còn giắt một thanh kiếm nhỏ không mũi nhọn. Chuôi kiếm nhỏ treo một hạt châu trắng như tuyết, lớn như đậu nành, hào quang lấp lánh, quang minh chính đại.
Đây không phải tuyên bố rõ ràng với thiên hạ, trên người mình mang theo bảo vật sao? Có lẽ đây là tài cao gan lớn, Trần Bình An chỉ có thể đoán như vậy. Tóm lại ba nhóm người chiếm cứ hàng đầu tốt nhất, không có nhóm nào nhìn như dễ chọc.
Trần Bình An hít sâu một hơi, nín thở ngưng thần, không chớp mắt nhìn về bức tranh cuộn kia.
Núi Chính Dương, vượn hộ sơn, một trong số kẻ thù của hắn, hơn nữa còn là kẻ thù lớn nhất định phải báo thù.
Lưu Bá Kiều của vườn Phong Lôi cũng xem như người quen cũ, hình như vẫn luôn thích tiên tử Tô Giá của núi Chính Dương. Lúc trước Ninh cô nương còn hỏi một vấn đề khiến Lưu Bá Kiều rất khó xử.
Trần Bình An ngồi ngay ngắn trên ghế, đột nhiên nghĩ tới một chuyện, bèn bảo Xuân Thủy và Thu Thực ăn lá trà lưỡi tước đắng kia. Nhưng lần này ngay cả Thu Thực cũng lắc đầu, Xuân Thủy thì lặng lẽ chỉ vào chấp sự thuyền cá côn đứng ở phía trước.
Trong lòng Trần Bình An hiểu rõ, liền hỏi:
- Ta có thể cầm một ít về không, hay là chỉ được ngồi ở đây dùng trà?
Gương mặt xinh đẹp của Xuân Thủy ửng đỏ, rụt rè nói:
- Công tử, mang đi cũng được, nhưng hình như không ai làm vậy cả.
Trần Bình An nhếch miệng, thoải mái lấy vài lá trà bỏ vào túi tay áo, hơi nhấn giọng nói:
- Lá trà tốt như vậy, sau khi về phòng ta phải nhai kỹ nuốt chậm, cẩn thận thưởng thức một lần.
Hắn an tĩnh chờ đợi trận đại chiến kia. Ngay lúc này trong nội tâm bỗng có một giọng nói dịu dàng xa lạ vang lên, gọi hắn một tiếng: “Trần Bình An.”
Trần Bình An vô ý thức muốn nhìn xung quanh, nhưng rất nhanh lại kiềm chế xung động này. Trí nhớ của hắn rất tốt, lập tức nhớ tới một người, đó là Hạ Tiểu Lương.
Giọng nói dịu dàng kia tiếp tục vang lên trong nội tâm của hắn: “Bây giờ ngươi có thể trở về một chuyến không? Ta có chuyện muốn thương lượng. Bình thường đông người phức tạp, chỉ có thể mượn cơ hội này trò chuyện với ngươi.”
Trần Bình An cân nhắc một phen, liếc nhìn bầu rượu đỏ thẫm bên hông, trong lòng mặc niệm: “Được rồi.”
Hắn lập tức đứng dậy, nói với Xuân Thủy phải trở về phòng một chuyến. Xuân Thủy muốn giúp đỡ dẫn đường, nhưng Trần Bình An mỉm cười khéo léo từ chối, cầm lấy ngọc bài trong tay nàng, yên lặng rời khỏi đám đông.
Trong đám người có một đạo nhân chán nản lưng đeo kiếm gỗ đào, thật sự không có sức đi tranh đoạt địa bàn. Tính cách của hắn lại ngại ngùng không tranh với đời, cho nên ngơ ngác đứng ở sau chót, không biết làm sao. Trong tay hắn cũng cầm ghế, nhưng lại phát hiện tầng tầng lớp lớp ghế dài ghế dựa phía trước đã đứng đầy người xem, còn có trẻ con cưỡi trên vai người lớn, nào có thể thấy được cảnh tượng của bức tranh cuộn kia?
Hắn chỉ mới bước vào cảnh giới thứ ba, còn kém xa trình độ hút gió uống sương, không ăn ngũ cốc của năm cảnh giới trung. Thuyền cá côn từ Bắc Câu Lô Châu vượt châu xuôi nam, lữ trình dài đằng đẵng, muốn xuống thuyền cũng khó. Chỉ có luyện khí sĩ cảnh giới Động Phủ trong năm cảnh giới trung, mới có thể miễn cưỡng ngự gió bay đi. Còn muốn từ trên thuyền cá côn nhảy xuống, tiêu dao ngự gió đáp xuống mặt đất, e rằng cảnh giới Quan Hải bình thường cũng không đủ năng lực. Chỉ có đại tu sĩ cảnh giới Long Môn mới không bị trời đất hạn chế, thuận gió bay đi giống như ý nghĩa thật sự.
Chuyến này hắn lên thuyền xuôi nam, sở dĩ quẫn bách như vậy là do xảy ra vài chuyện bất ngờ. Một là đầu óc không sáng suốt, đã mua hai lá bùa rất đắt với mình. Hai là hắn muốn bán một viên bảo châu vất vả kiếm được, không ngờ sau khi lên thuyền cá côn, cửa tiệm bằng lòng mua nhưng lại ra giá rất thấp. Hắn vốn định dựa vào phần thu nhập này tạm thời vượt qua cửa ải khó khăn, nếu có một ít tiền dư, không chừng có thể tiêu xài xa hoa một lần, ở trong một gian phòng trung đẳng.
Đúng là người tính không bằng trời tính. Một đồng tiền có thể làm khó anh hùng, huống hồ hắn còn không tính là anh hùng, chỉ là một kẻ đáng thương muốn trảm yêu trừ ma, nhưng không được như ý nguyện mà thôi. “Thiên sư Trương gia” thật sự nào lại thu tiền bạc, đáp ứng người ta đi bắt yêu, làm hại một gia đình sung túc sa sút đến mức nhà tan cửa nát?
Hắn đột nhiên cảm thấy năm xưa từ bỏ khoa cử công danh, một lòng tìm tiên vấn đạo, học nghệ chưa tinh đã hào hứng xuống núi muốn thanh trừ yêu ma, có phải đã sai ngay từ đầu rồi không? Đạo nhân trẻ tuổi đỏ mắt lên, giơ tay khẽ đánh vào ngực, giống như làm vậy mới có thể dễ chịu hơn một chút.
Đột nhiên hắn phát hiện trước mắt có một bàn tay, trên tay đặt một ngọc bài tinh xảo có khắc “số Ất nhà chữ Thiên”. Hắn ngước mắt lên, trông thấy một gương mặt thiếu niên đen nhẻm nhưng đoan chính. Người nọ cười nói:
- Ta ở nhà chữ Thiên. Nếu ngươi thật sự muốn đi vào xem tranh, ta có thể cho ngươi mượn dùng một chút. Sau khi đến hàng thứ hai, hãy tìm hai cô nương tên là Xuân Thủy và Thu Thực, cứ nói... ngươi là bạn của Trần Bình An. Rất dễ nhận ra các nàng, bởi vì là chị em song sinh bề ngoài giống nhau.
Đạo nhân trẻ tuổi há hốc mồm, ngơ ngác không biết nói gì.
Trần Bình An nhét ngọc bội vào ngực hắn, xoay người chạy chầm chậm rời đi, quay đầu cười nói:
- Nhớ trả cho ta.
Trần Bình An vừa chạy vừa nghĩ, đạo nhân trẻ tuổi này đúng là đầu óc không thoáng. Chỉ là không thể thấy rõ hình ảnh của tranh hoa điểu mà thôi, cần gì phải đau lòng đau phổi đến như vậy? Hắn vừa lúc đi qua, nhìn thấy cảnh này liền sững sốt. Một nam nhân lớn như vậy còn lau nước mắt, chẳng lẽ cũng là người ái mộ vị Tô Giá tiên tử kia?
Nhưng đây không phải là nguyên nhân thực sự khiến Trần Bình An đưa ngọc bài ra. Hắn chỉ là nhớ tới lúc mình năm tuổi, vào hoàng hôn mùa đông kia, đi qua những ngôi nhà cửa lớn đóng chặt trong ngõ Nê Bình, cũng khóc thầm như vậy.
Truyện đánh dấu
Nhấn để xem...Truyện đang đọc
Nhấn để xem...