Tuần trước, biên tập viên gửi tin nhắn WeChat cho tôi nói rằng, sách mới của tôi lại được tái bản rồi, đến giờ con số đã vượt quá một triệu cuốn nên tôi có thể chuẩn bị đề tài cho cuốn mới của năm sau.
Tôi nói mình không muốn viết truyện ngắn nữa mà muốn đổi sang viết truyện dài.
Vốn dĩ tôi muốn viết tiểu thuyết, cuối cùng đưa đẩy thế nào lại làm blog nhưng thật tâm, tôi vẫn muốn được viết tiểu thuyết.
Nghe tôi nói vậy, cô ấy bảo: "Nếu chị thật sự muốn viết tiểu thuyết thì hãy tìm một website để đăng truyện dài kỳ đi."
Tôi trả lời rằng nếu làm như vậy thì quá gò bó và cứng nhắc, không được tự do.
Để có được đề xuất trên trang web của họ thì phải ký hợp đồng, hơn nữa còn là hợp đồng năm năm.
Cô ấy tiếp lời: "Lúc mới bắt đầu thì đúng là như vậy.
Nhưng nếu chị viết hay, có đủ tiếng tăm rồi thì sẽ không phải ký hợp đồng lâu như vậy nữa.
Lúc đó chị có thể cân nhắc để đặt ra hợp đồng.
Chị càng thành công thì hợp đồng lại càng tự do.
Cố lên!"
Tôi cảm thấy mình đã có sự lĩnh hội vô cùng sâu sắc đối với câu nói "càng thành công, càng tự do" của bạn biên tập.
Dạo trước tôi đã đăng lên trang cá nhân của mình rằng, trong mười năm tới, tôi sẽ chăm chỉ làm việc hơn nữa để có thể nghỉ hưu ở tuổi bốn mươi lăm.
Sau đó, tôi sẽ dốc hết những kiến thức đúc kết cả đời mình để dạy dỗ Linh Bảo.
Một người bạn học đã để lại bình luận hỏi tôi rằng, vậy sau bốn mươi lăm tuổi thì tôi muốn làm gì? Tôi nói mình muốn sở hữu một căn nhà có vườn, trước cửa sẽ trồng hoa, hít thở bầu không khí trong lành, khi rảnh thì viết tiểu thuyết, và tận hưởng nhịp sống chầm chậm trôi qua.
Người bạn ấy cười rồi đáp: "Ngắt mắt, tớ còn tưởng cậu muốn đi ngao du thế giới.
Cuộc sống mà cậu nói chẳng phải giờ ở quê cậu cũng có rồi hay sao? Trước nhà có dòng sông, sau nhà có mảnh vườn, cậu chẳng cần phải cố gắng gì nữa, cứ về quê là có thể sống cuộc đời như cậu muốn rồi."
Tôi nói hai cuộc sống ấy khác nhau.
Cô ấy lại bảo: "Có gì mà khác nhau, cậu nỗ lực cả đời để cuối cùng về sống như vậy, không phải là quay lại vạch xuất phát hay sao?"
Tôi nói: "Đó chỉ là một trong những cách sống mà ta có thể lựa chọn mà thôi.
Tớ không dám chắc mình có cảm thấy nhàm chán và vô vị hay không, nhưng nếu nỗ lực thì tớ sẽ có nhiều lựa chọn cho cách sống mà mình muốn.
Ở quê chán rồi thì lên thành phố, cũng có thể ra nước ngoài nhìn ngắm thế giới.
Song nếu bản thân tớ không cố gắng thì mãi mãi không bao giờ được lựa chọn."
Đoạn hội thoại ấy khiến tôi nhớ về một người họ hàng.
Tôi sinh ra ở một thị trấn ven biển với nguồn hải sản dồi dào, thế nên đa phần mọi người dựa vào biển cả mà sống.
Và người họ hàng ấy của tôi cũng kinh doanh đồ hải sản.
Sáng sớm anh ấy căng buồm ra khơi, cho đến khi cá tôm chất đầy thuyền rồi mới trở về nhà tắm rửa, ăn sáng, nhâm nhi vài ba ly rượu, đánh vài ván bài
Cuộc sống cứ thế trôi qua rất hả hê, chẳng lo toan cơm ăn áo mặc, cũng không phải suy nghĩ chắt bóp cho ngày sau.
Hồi đó có mấy ông chủ ở vùng khác biết đến anh ấy, cảm thấy anh là người giàu kinh nghiệm nên muốn cùng anh ra khơi.
Anh cũng là một người phóng khoáng nên chẳng do dự gì đã nhận lời ngay.
Thế là mấy ông chủ đó đã theo anh ấy ra khơi.
Họ theo anh căng buồm không phải để kiếm tiền nuôi gia đình mà vì họ thích niềm vui thú khi được ra khơi, đánh bắt xong còn được thưởng thức những món hải sản tươi ngon nhất.
Cứ mỗi cuối tuần là mấy ông chủ lại lái xe đến tìm anh để cùng ra khơi đánh bắt, sau đó sẽ mua từ chỗ anh những con tôm, con cua to nhất, tươi nhất rồi đem đến một nhà hàng nào đó để đặt chế biến.
Có một lần anh ấy nói với tôi với vẻ mặt vô cùng đắc ý: "Em xem, mấy người này kiếm tiền bạt mạng như vậy để làm gì chứ? Họ ăn hải sản, anh cũng ăn hải sản; họ ra khơi, anh cũng ra khơi.
Họ kiếm nhiều tiền như vậy, cuối cùng thì cuộc sống của họ so với anh cũng chẳng khác là bao.
Hơn nữa, con người một khi đã có tiền thì sẽ 'được' rất nhiều người nhớ tới.
Nay có anh này đến vay tiền, mai cô kia đến hỏi tiền, phiền chết đi được.
Em nói xem, có phải là ngốc nghếch không cơ chứ? Thế nên làm người không cần phải khổ sở như vậy làm gì..." Chắc hẳn sẽ có nhiều người ủng hộ quan điểm của anh.
Hồi ấy tôi vẫn còn trẻ nên có gì nói nấy, chẳng suy nghĩ gì: "Sao mà giống nhau được? Anh ra khơi là để mưu sinh, người ta căng buồm là vì vui thú; anh mà không ra biển đánh bắt thì cả nhà ăn bằng gì, người ta có ra biển đánh bắt hay không cũng chẳng ảnh hưởng gì cả.
Chỉ cần một phút là họ có thể vượt mặt anh, còn anh mà muốn vượt mặt họ thì e rằng...!không phải điều dễ dàng gì.
Có tiền, anh có thể lựa chọn giữa việc cho vay hay không cho vay.
Không có tiền thì chỉ có thể đợi xem người ta có cho mình vay hay không mà thôi.
Khác biệt lớn nhất giữa anh và họ nằm ở sự lựa chọn.
Trong cuộc sống, họ có nhiều sự lựa chọn còn anh thì không.
Nghe xong những lời này anh tỏ ra phật ý, vì anh ấy nghĩ rằng cuộc sống của mấy người giàu có cũng chẳng đẹp đẽ gì.
Nếu thật sự tốt như vậy thì vì sao họ lại thích cùng anh ra khơi? Người có tiền chắc chắn sẽ lắm chuyện phiền não hơn kẻ bần nông.
Thế rồi anh tôi vẫn tiếp tục cuộc sống tự do tự tại như vậy thêm vài năm nữa, mãi cho đến một hôm bố anh ấy phải nhập viện vì xuất huyết não.
Hồi đó hệ thống y tế chưa phát triển như bây giờ, hầu hết người già ở nông thôn đều không có bảo hiểm y tế, mà nếu có thì tỷ lệ chi trả cũng khá thấp, người nhà sẽ phải chịu phần lớn chi phí y tế.
Nhưng ở quê tôi có một điểm tốt đó là khi trưởng bối lâm bệnh thì con cái nhất định sẽ chữa chạy bằng được, dù giàu dù nghèo đều cố gắng hết sức, bằng không sẽ cảm thấy cắn rứt lương tâm.
Từ ngày bố đổ bệnh, chẳng mấy chốc gia đình khánh kiệt, anh đành mặt dày đi vay tiền họ hàng.
Nhưng họ hàng cũng không giàu có gì nên số tiền vay được chẳng mấy chốc đã tiêu hết.
Mẹ anh rơm rớm nước mắt nói: "Không chữa nữa.
Bệnh của bố mày cho dù có chữa khỏi thì rồi cũng trúng gió mà bại liệt thôi.
Không thể vì thế mà khiến gia đình điêu đứng được.
Hơn nữa, chúng ta cũng chẳng có tiền mà chữa bệnh nữa rồi."
Tuy là vậy nhưng lương tâm anh cắn rứt, không thể bỏ cuộc được nên đã đi tìm mấy ông chủ hay ra khơi cùng anh để vay tiền.
Anh ấy nói với mẹ rằng: "Đợi đến lúc tiêu hết chỗ tiền này mà bệnh tình của bố vẫn không chuyển biến thì từ bỏ."
Cuối cùng bố anh ấy không qua khỏi, đã mất ở bệnh viện.
Lo xong hậu sự, anh ấy dường như trở thành một con người khác, bắt đầu ra sức kiếm tiền.
Tiền nong vay mượn của họ hàng phải trả, con cái cũng phải nuôi cho đàng hoàng.
Mấy ông chủ giàu có kia cũng đã giúp đỡ anh rất nhiều cả về kinh tế lẫn tinh thần.
Mấy năm sau, việc kinh doanh thủy sản của anh ấy phất lên trông thấy, tiền ngày xưa anh vay để chữa chạy cho bố cũng đã trả hết.
Nghe nói năm kia anh ấy còn mua một căn nhà gần trường học cho con.
Năm ngoái, mẹ anh phải phẫu thuật sỏi mật, anh đã mời một chuyên gia từ Thượng Hải về đích thân phụ trách.
Giờ thì anh ấy đã không còn nói cuộc sống của người có tiền và kẻ bần nông giống nhau nữa rồi.
Anh ấy bảo: "Trong cuộc sống thường ngày, có tiền hay không có tiền cũng chẳng khác nhau là mấy.
Không thể thưởng thức sơn hào hải vị như người ta thì ăn cơm canh đạm bạc.
Người ta mặc áo nhung quần lụa, mình vận áo bố quần gai cũng chẳng sao.
Hơn nữa thời nay hiện đại rồi nên điều kiện sống cũng tốt hơn nhiều, không thiếu ăn thiếu mặc như xưa nữa.
Cuối cùng, ai rồi cũng vậy, ngày ăn ba bữa, đến cuối đời dù giàu hay nghèo cũng đều nằm dưới ba tấc đất mà thôi.
Chỉ đến khi cuộc sống không còn thuận lợi, suôn sẻ, tai ương ập đến, anh mới biết có tiền và không có tiên khác nhau thế nào Không có tiền thì khi bố mẹ bệnh cũng chỉ biết nhìn bố mẹ khổ sở, lương tâm cắn rứt, lòng đau đớn mà chẳng làm gì được, con cái đi học đến lúc trường tổ chức buổi dã ngoại mùa hè cũng không có tiền cho nó đi, nhìn con người ta háo hức hoan hỉ đi nhìn ngắm thế giới, lúc đó em sẽ biết mùi vị ấy như thế nào.
Anh có tiền, anh có thể lựa chọn không đi, nhưng nếu không có tiền thì anh chỉ có thể ở nhà mà thôi."
Lời anh nói nghe thật giản dị.
Bởi vì ở nông thôn, người ta rất ít khi đề cập đến chuyện thành công hay thất bại.
Tất cả giá trị đều được đo bằng việc giàu hay nghèo.
Nhưng thật ra, tiền bạc cũng chỉ là một trong số đó.
Tiền tuy rất quan trọng, nhưng khi ta không ngừng nỗ lực, phần đầu và cầu tiến thì tiền chỉ là một công cụ để đo lường sự thành công của ta mà thôi.
Trong thế giới này, nếu một người với tinh thần chán nản, suy sụp, ngày ba bữa cơm cũng không đủ ăn thì dù thế nào cũng không thể đặt anh ta cạnh hai chữ "thành công" được.
Nhưng điều quan trọng nhất không nằm ở sự giàu có.
Khác biệt lớn nhất giữa người có tiền và không có tiền, đó là nguồn năng lượng và trạng thái tích cực mà người ta đạt được trong quá trình không ngừng phấn đấu vươn lên.
Đó còn là thế giới bao la mà trên con đường cố gắng đầy vất vả ấy, người ta đã được chiêm ngưỡng và trải nghiệm.
Những giá trị to lớn đó chỉ có người dám khổ sở, dám vất vả để thành công mới có được
Tôi đã từng có chung quan điểm với người họ hàng của mình, vì tôi thấy cuộc sống của những người thành công xung quanh mình rất giản dị.
Họ mặc những bộ đồ cotton bình thường, ăn những món chay thanh nhẹ, thậm chí đi bộ thay vì ngồi xe.
Mãi cho đến khi đọc được một đoạn văn như thế này, tôi mới chợt hiểu ra:
"Rất nhiều người không hiểu, một cô gái vì sao phải nỗ lực như vậy, chẳng phải cuối cùng đều sẽ phải quay về sống ở một thành phố bình thường, làm một công việc bình thường, lấy chồng sinh con, rồi lại quanh quẩn giặt giũ, nấu nướng, chăm sóc chồng con hay sao?"
Tôi thì nghĩ rằng, chúng ta kiên trì là vì: Cho dù một ngày nào đó phải đối mặt với những thứ phiền não khiến ta kiệt sức, nhưng vì ta đã kiên trì rèn giũa và cố gắng nên tâm trạng sẽ khác nhau; cùng sống trong một gia đình nhưng không phải ai cũng có tư tưởng và cảm xúc như nhau; cùng một thế hệ con cháu nhưng sẽ có trải nghiệm không giống nhau.
Ý nghĩa của sự cố gắng không chỉ nằm ở việc ta kiếm được bao nhiêu tiền, địa vị xã hội ra sao mà quan trọng hơn là nó khiến chúng ta nhìn thấu được chính mình, nhận ra bản thân mình còn có một mặt khác như vậy: có thể mạnh mẽ vượt qua bao chông gai, có thể bùng nổ một sức mạnh tiềm tàng to lớn, có thể chối từ sự an bài của số phận để tự mình quyết định theo cách mình muốn...!Cuối cùng ta vẫn có thể trở thành một con người tốt đẹp như thế.
Truyện đánh dấu
Nhấn để xem...Truyện đang đọc
Nhấn để xem...