TÔI TỈNH DẬY TRÊN
GIƯỜNG BỆNH VIỆN. Tôi mặc đồ bệnh nhân màu trắng. Đồng hồ trong đầu tôi
cho biết bây giờ là 4 giờ chiều. Mười tiếng. Vị trong miệng tôi cho biết rằng hầu hết nhờ có thuốc. Ở ngón tay tôi có một cái kẹp. Nó có dây.
Chắc chắn dây được kết nối với thiết bị theo dõi của y tá. Chắc chắn cái kẹp đã phát hiện ra kiểu thay đổi nào đó của nhịp tim bởi khoảng một
phút sau khi tôi tỉnh dậy, cả một loạt người kéo vào. Một viên bác sĩ,
một y tá, rồi Jacob Mark, rồi Theresa Lee, rồi Springfield, và rồi
Sansom. Bác sĩ là nữ còn y tá là nam.
Bác sĩ lăng xăng đi quanh
chừng một phút, kiểm tra biểu đồ, theo dõi màn hình hiển thị. Rồi cô ta
cầm cổ tay tôi kiểm tra mạch, việc này hơi thừa khi mọi loại công nghệ
hiện đại đều nằm trong tay cô ta. Rồi để đáp lại những câu hỏi tôi chưa
đặt ra, cô bảo tôi rằng tôi đang ở trong bệnh viện Bellevue và tình
trạng của tôi rất ổn. Người trong phòng cấp cứu của cô đã vệ sinh vết
thương, khâu nó lại, tiêm đầy thuốc chống nhiễm trùng, chống uốn ván và
truyền cho tôi ba đơn vị máu. Cô bảo tôi tránh nâng nhấc vật nặng trong
một tháng. Rồi cô đi khỏi. Tay y tá đi ra cùng cô.
Tôi nhìn Theresa Lee mà hỏi, “Chuyện gì đã xảy ra với anh thế?”
“Anh không nhớ à?”
“Tất nhiên là anh nhớ. Nhưng theo thông tin chính thống thì thế nào?”
“Anh được tìm thấy trên đường phố ở phía Đông Village. Mang vết thương do
dao không rõ nguyên do. Chuyện ấy lúc nào cũng có. Rồi họ kiểm tra độc
chất và phát hiện ra dấu vết của thuốc an thần. Họ coi vụ của anh như
một vụ buôn ma túy không thành.”
“Họ có báo cho cảnh sát không?”
“Em là cảnh sát đây.”
“Anh đến khu Đông Village bằng cách nào?”
“Anh không đến. Bọn em đưa anh tới thẳng đây.”
“Bọn em?”
“Em và ông Springfield.”
“Làm thế nào em tìm ra anh?”
“Bọn em xác định vị trí điện thoại di động. Việc đó đưa bọn em tới khu ấy. Địa chỉ chính xác là ý của ông Springfield.”
Springfield nói, “Cách đây hai mươi lăm năm có một thủ lĩnh du kích Hồi giáo đã cho chúng tôi biết về thói quen rút về những vị trí đã bị bỏ.”
Tôi hỏi, “Sẽ có cáo buộc ngược nào không?”
John Sansom nói, “Không.”
Đơn giản là thế.
Tôi nói, “Ông chắc chắn chứ? Trong căn nhà ấy có chín cái xác.”
“Ngay bây giờ người của Bộ Quốc phòng đang ở đó. Họ sẽ tuyên bố rộng rãi là
không có bình luận gì. Và cố ý tạo nụ cười khinh bỉ. Được sắp đặt để mọi người tin là công của họ.”
“Giả sử gió đổi chiều thì sao. Chuyện đó đôi khi xảy ra. Ông biết mà.”
“Về hiện trường tội phạm, nó là một mớ lộn xộn.”
“Tôi đã để lại máu ở đó.”
“Ở đó có nhiều máu. Nó là tòa nhà cũ. Nếu bất kỳ ai làm xét nghiệm, họ cũng sẽ gặp DNA của chuột, chủ yếu thế.”
“Trên quần áo tôi có máu.”
Theresa Lee nói, “Bệnh viện đốt quần áo của anh rồi.”
“Tại sao?”
“Nguy cơ độc hại sinh học.”
“Đồ mới tinh mà.”
“Ướt sũng máu. Không ai mạo hiểm với máu nữa.”
“Các vân tay của bàn tay phải,” tôi nói. “Phía trong các tay nắm cửa sổ và trên cửa thông lên tầng thượng.”
“Tòa nhà ấy cũ rồi,” Sansom nói. “Nó sẽ bị kéo đổ và xây dựng lại trước khi gió đổi chiều.”
“Các vỏ đạn,” tôi nói.
Springfield nói, “Chuẩn đạn của Bộ Quốc phòng. Tôi tin chắc là họ thấy vui. Có thể họ sẽ để lọt một cái cho cánh báo chí.”
“Họ vẫn đang tìm tôi chứ?”
“Không. Thế thì chỉ tổ làm rối báo cáo.”
“Cuộc chiến giành lãnh địa,” tôi nói.
“Rõ ràng họ đã giành chiến thắng.”
Tôi gật đầu.
Sansom hỏi, “Chiếc USB đang ở đâu?”
Tôi nhìn Jacob Mark. “Anh ổn chứ?”
Anh đáp: “Không hẳn.”
Tôi nói, “Anh sẽ phải nghe một số chuyện.”
Anh đáp, “Được thôi.”
Tôi chuyển sang tư thế ngồi. Không đau chút nào. Tôi nghĩ cơ thể mình đang
đầy thuốc giảm đau. Tôi co hai gối, túm chăn, kéo diềm áo bệnh nhân lên
nhìn vết thương. Không thấy được. Người tôi bị quấn kín băng gạc từ hông tới tận lồng ngực.
Sansom nói, “Anh đã bảo chúng tôi rằng anh có thể đưa chúng tôi đến cách nó năm mét.”
Tôi lắc đầu. “Không còn thế nữa. Thời gian đã trôi qua. Chúng tôi sẽ phải
làm điều đó bằng cách ghi lại và lần theo quá trình di chuyển.”
“Tuyệt. Từ trước tới giờ anh toàn huyên thuyên với chúng tôi. Anh chẳng biết nó đang ở đâu.”
“Chúng ta biết hình dạng cơ bản của nó thế nào,” tôi nói. “Chúng đã lên kế
hoạch suốt ba tháng và thực hiện nó trong tuần cuối cùng. Chúng đã gây
sức ép lên Susan bằng cách sử dụng Peter. Cô ấy đã lái xe tận từ
Annadale lên đây, dính vào một vụ tắc đường dài tới bốn tiếng, coi như
từ 9 giờ tối đến 1 giờ sáng, và rồi cô ấy đến Manhattan lúc gần 2 giờ
sáng. Tôi cho rằng chúng ta biết chính xác khi nào cô ấy ra khỏi đường
hầm Holland. Thế nên điều chúng ta phải làm là lần ngược lại và xác định chính xác nơi cô ấy đã bị mắc kẹt lúc nửa đêm.”
“Chuyện đó có ích cho ta thế nào?”
“Bởi vào lúc nửa đêm cô ấy ném chiếc USB ra ngoài cửa sổ xe.”
“Làm thế nào anh biết điều ấy?”
“Bởi khi cô ấy tới, cô ấy không mang theo điện thoại di động.”
Sansom liếc Lee. Lee gật đầu. Nói, “Chìa khóa và một chiếc ví. Chỉ có thế.
Cũng không ở trong xe cô ấy. FBI đã lưu giữ những thứ trong đó.”
Sansom nói, “Không phải người nào cũng dùng điện thoại di động.”
“Đúng,” tôi nói. “Tôi là kẻ như vậy. Kẻ duy nhất trên thế giới không có điện
thoại di động. Chắc một người như Susan phải có một chiếc.”
Jacob Mark nói, “Chị ấy có một chiếc.”
Sansom nói, “Thế thì sao?”
“Mẹ con nhà Hoth đã ra tối hậu thư. Gần như chắc chắn là lúc nửa đêm, nếu
Susan không xuất hiện, bọn chúng ra tay. Chúng đã đe dọa, và chúng thực
hiện đe dọa đó. Và chúng đã chứng minh điều ấy. Chúng đã gửi qua điện
thoại một ảnh chụp bằng điện thoại. Có thể là một đoạn phim quay trực
tiếp. Peter nằm trên phiến đá, vết mổ dài đầu tiên. Cuộc đời Susan thay
đổi, một cách rõ ràng, đúng vào lúc nửa đêm. Cô ấy vô vọng với vụ tắc
đường. Điện thoại di động trong tay cô ấy đột nhiên trở nên khủng khiếp
và nổi loạn. Cô ấy ném nó ra ngoài cửa sổ xe. Theo sau nó là chiếc USB,
vốn là biểu tượng cho tất cả rắc rối của cô ấy. Cả hai thứ vẫn còn nằm
đó, trong thùng rác bên lề đường I-95. Không giải thích thêm.”
Không ai nói gì.
Tôi nói, “Có lẽ ở dải phân cách làn xe. Susan sẽ chọn làn cho xe vượt một
cách vô thức, bởi khi đó cô ấy đang vội. Ta đã có thể dò vị trí chiếc
điện thoại di động, nhưng tôi nghĩ giờ thì quá muộn rồi. Pin sẽ hết
sạch.”
Im lặng trong phòng. Cả một phút. Chỉ có tiếng rầm rì và tiếng bíp bíp của thiết bị y tế.
Sansom nói, “Thế thật điên rồ. Mẹ con nhà Hoth đã phải biết rằng chúng đang
mất quyền kiểm soát chiếc USB ngay khi chúng gửi bức ảnh qua điện thoại. Chúng đang từ bỏ công cụ gây áp lực của mình. Đáng lẽ Susan có thể lái
xe thẳng tới đồn cảnh sát.”
“Hai câu trả lời,” tôi nói. “Mẹ con
nhà Hoth đã điên rồ, theo một kiểu thì như vậy. Chúng là những kẻ theo
trào lưu chính thống. Chúng có thể diễn vai của mình trước công chúng,
song ẩn dưới đó thì với chúng hoàn toàn là đen hoặc trắng rõ ràng. Không lẫn lộn. Đe dọa là đe dọa. Nửa đêm là nửa đêm. Nhưng dù sao rủi ro với
chúng cũng rất nhỏ. Chúng có một tên bám theo Susan suốt cả chặng đường. Hắn có thể ngăn chặn cô ấy đi báo tin.”
“Kẻ nào?”
“Tên
thứ hai mươi. Tôi không nghĩ rằng đến Washington là một sai sót của
chúng. Không phải chúng lỡ chuyến bay chuyển tiếp ở Istanbul. Đó là thay đổi kế hoạch vào phút chót. Chúng đột nhiên nhận thấy rằng với một việc như thế này chúng cần một tên ở khu Washington. Hoặc nhiều khả năng hơn là bên kia sông, ở một trong các khu tập thể của Lầu Năm Góc. Thế nên
tên thứ hai mươi đi thẳng tới đó. Rồi hắn bám theo Susan suốt chặng
đường tới đây. Sau năm hoặc mười xe, như các ông làm. Mọi chuyện suôn
sẻ, cho tới khi đường tắc. Cách năm hoặc mười xe trong một vụ tắc đường
thì cũng tệ như tụt lại cả dặm. Tất cả bị quây kín, có lẽ một chiếc xe
thể thao lớn chặn phía trước, chắn tầm nhìn. Hắn không thấy chuyện gì
xảy ra. Nhưng hắn vẫn bám theo cô ấy. Hắn đã ở trên tàu, mặc áo phông
NBA. Tôi nghĩ hắn trông quen quen, khi tôi lại chạm mặt hắn. Nhưng tôi
không thể khẳng định điều đó bởi tôi đã bắn vào mặt hắn chỉ sau đó một
phần tích tắc. Hắn be bét hết cả.”
Lại im lặng nữa. Rồi Sansom hỏi, “Vậy Susan đã ở đâu lúc nửa đêm?”
Tôi nói, “Ông suy luận ra đi. Thời gian, cự ly, tốc độ trung bình. Hãy lấy một tấm bản đồ, thước kẻ, giấy và bút chì.”
Jacob Mark từ Jersey tới. Anh bắt đầu nói về các cảnh sát tuần tra đường cao
tốc anh biết, về chuyện các cảnh sát tuần tra đường cao tốc có thể hỗ
trợ ra sao. Họ tuần tra đường I-95 cả ngày lẫn đêm. Họ thuộc nó như lòng bàn tay. Họ có camera giao thông. Những hình ảnh ghi lại của họ có thể
đảm bảo tính chính xác cho tính toán trên giấy. Cơ quan quản lý đường
cao tốc sẽ hợp tác. Mọi người nói chuyện sôi nổi. Họ chẳng để tâm gì tới tôi. Tôi nằm xuống gối và tất cả họ bắt đầu đi ra ngoài. Người ra sau
cùng là Springfield. Anh ta dừng lại ở ngưỡng cửa, quay lại hỏi, “Ông
cảm thấy thế nào về Lila Hoth?”
Tôi nói, “Tôi thấy ổn.”
“Thật sao? Tôi thì sẽ không. Ông suýt bị hai phụ nữ xơi tái. Đó là việc làm
không cẩn thận. Với những chuyện như vậy, ông nên hoặc thực hiện cho
đúng hoặc không làm tí gì.”
“Tôi không có nhiều đạn.”
“Ông có ba mươi viên. Lẽ ra ông nên dùng chế độ bắn từng viên. Những loạt
bắn ba viên liên quan đến sự giận dữ. Ông đã để cảm xúc chi phối. Tôi đã cảnh báo ông về chuyện đó rồi.”
Anh ta nhìn tôi cả một giây,
gương mặt không biểu lộ gì. Rồi anh ta bước ra hành lang và tôi không
bao giờ trông thấy Springfield nữa.
Hai giờ sau Theresa Lee trở
lại. Cô cầm theo một túi dùng khi mua sắm. Lee bảo tôi rằng bệnh viện
muốn sử dụng giường nên NYPD sẽ đưa tôi vào một khách sạn. Cô đã mua
quần áo cho tôi. Cô cho tôi xem. Giày, tất, quần jean, quần đùi lót, sơ
mi, tất cả hệt như những món mà người của phòng cấp cứu đã đốt bỏ. Đôi
giày, tất, quần jean và quần lót đều đẹp. Chiếc sơ mi thì kỳ lạ. Nó làm
bằng chất cô tông xơ mềm, trắng. Nếu soi bằng kính hiển vi thì nó gần
như chất lông. Nó chật, là loại dài tay. Có ba cúc ở cổ. Trông giống như áo ba lỗ đã lỗi mốt. Mặc vào là tôi trông giống như ông nội mình đây.
Hoặc như một thợ đào vàng ở California hồi năm 1849.
“Cảm ơn em,” tôi nói.
Lee bảo tôi rằng những người khác đang đánh vật với trò tính toán. Cô bảo
rằng họ đang tranh luận về tuyến đường Susan sử dụng để đi từ Turnpike
tới đường hầm Holland. Người dân địa phương sử dụng đường tắt xuyên qua
các phố trên mặt đất mà nếu dựa trên các biển chỉ đường thì có vẻ là
sai.
Tôi nói, “Susan không phải người địa phương.”
Lee đồng ý. Cô có cảm nhận rằng Susan sẽ dùng tuyến đường được chỉ dẫn rõ ràng.
Rồi cô nói, “Họ sẽ không tìm được bức ảnh, anh biết đấy.”
Tôi nói, “Em nghĩ thế hả?”
“Ồ, họ sẽ tìm thấy chiếc USB, cái đó thì chắc rồi. Nhưng họ sẽ nói rằng
không thể đọc được dữ liệu của nó, hoặc nó đã bị xe chèn, hỏng hay vỡ
nát, hoặc rốt cuộc trong đó chẳng có gì xấu xa cả.”
Tôi không trả lời.
“Tin điều ấy đi,” Lee nói. “Em biết các chính trị gia, và em biết chính phủ.”
Rồi cô hỏi, “Anh cảm thấy thế nào về Lila Hoth?”
Tôi nói, “Nói chung lại thì anh thấy ân hận về phương pháp đã áp dụng lúc
trên tàu. Với Susan. Anh ước gì anh đã cho cô ấy thêm vài ga nữa.”
“Em sai. Cô ấy không thể vượt qua nổi chuyện ấy.”
“Ngược lại,” tôi nói. “Trong xe cô ấy có một chiếc tất chứ?”
Lee nghĩ về những thứ FBI đã thu giữ. Gật đầu.
“Sạch phải không?” tôi hỏi.
“Vâng,” cô đáp.
“Vậy thì hãy nghĩ về lúc Susan bắt đầu chuyến đi. Cô ấy đang trải qua một
cơn ác mộng. Nhưng cô ấy không biết chính xác nó tệ hại đến cỡ nào. Cô
ấy không thể tin nổi rằng nó tệ như cô ấy đã nghi ngờ. Có lẽ tất cả là
một trò đùa ác hay mối đe dọa không có thật. Hay một cú lừa. Nhưng cô ấy không chắc. Cô ấy mặc những đồ cô ấy mặc khi đi làm. Quần đen, áo cánh
trắng. Cô ấy đang hướng về một tình huống không rõ ràng trong một thành
phố tệ hại to lớn xấu xa. Bản thân cô ấy là phụ nữ, sống ở Virginia, đã
phục vụ quân đội nhiều năm. Vậy nên cô ấy mang theo súng. Có lẽ nó vẫn
còn quấn trong chiếc tất, như cô ấy đã cất nó trong ngăn kéo. Cô ấy bỏ
nó vào túi. Cô ấy ra khỏi nhà. Cô ấy kẹt trong đám tắc đường. Cô ấy gọi
điện. Có khi nhà Hoth gọi cô. Chúng sẽ không lắng nghe. Chúng cuồng tín
và là người nước ngoài. Chúng sẽ không hiểu. Chúng nghĩ sự cố tắc đường
là chuyện không thể thông cảm được.”
“Rồi cô ấy nhận được thông điệp lúc nửa đêm.”
“Và cô ấy thay đổi. Vấn đề là cô ấy có thời gian để thay đổi. Cô ấy mắc kẹt trong đám tắc đường. Cô ấy không thể thoát ra. Cô ấy không thể đến gặp
cảnh sát. Cô ấy không thể lao xe vào một buồng điện thoại với tốc độ
chín mươi dặm một giờ. Cô ấy đã mắc kẹt. Cô ấy phải ngồi đó mà suy nghĩ. Không lối nào khác. Và cô ấy đi tới một quyết định. Cô ấy sẽ trả thù
cho con trai mình. Cô ấy vạch ra kế hoạch. Cô ấy lấy khẩu súng khỏi
chiếc tất. Chằm chằm nhìn nó. Cô nhìn thấy chiếc áo khoác cũ màu đen ném ở ghế sau. Có khi nó đã nằm ở đó từ mùa đông. Cô ấy muốn đồ tối màu. Cô ấy mặc nó vào. Rốt cuộc dòng xe cũng di chuyển. Cô tiếp tục lái xe tới
New York.”
“Còn về bản danh sách?”
“Cô ấy là người bình
thường. Có khi chuẩn bị để giết một kẻ khác cũng tạo ra những cảm xúc
hệt như đang chuẩn bị để giết bản thân mình. Đó là việc cô ấy đang làm.
Cô ấy đang leo lên lưng cọp. Nhưng cô ấy vẫn chưa thực sự lên tới đó.
Anh đã chen ngang vào việc của cô ấy quá sớm. Thế nên cô ấy bỏ cuộc. Cô
ấy tìm đường khác để thoát ra. Có lẽ tàu tới phố 59 thì cô ấy mới sẵn
sàng.”
“Cô ấy không tham gia trận đấu đó vẫn tốt hơn.”
“Có lẽ đánh thì cô ấy thắng rồi. Lila mong chờ cô ấy lấy ra thứ gì đó từ
túi áo hoặc túi xách của cô ấy. Sẽ có một thứ gây ngạc nhiên.”
“Cô ấy có một khẩu súng lục. Bọn chúng có tới hai mươi hai người.”
Tôi gật đầu. “Chắc chắn cô ấy sẽ chết. Nhưng có thể cô ấy được chết một cách toại nguyện.”
Một ngày sau Theresa Lee trở lại khách sạn thăm tôi. Cô bảo tôi rằng Sansom đã khoanh vùng một khu có thể là mục tiêu dài chừng nửa dặm, cơ quan
quản lý đường cao tốc bang Jersey đã cách ly khu vực này bằng các thùng
màu cam. Sau khi tìm kiếm ba giờ, họ thấy điện thoại di động của Susan.
Một giây sau, cách đó hơn một mét, họ tìm thấy chiếc USB.
Nó đã bị xe chèn qua. Nó đã nát bét. Không thể đọc được.
Hôm sau tôi rời New York. Tôi đi về phía Nam. Suốt hai tuần sau đó tôi bị
ám ảnh bởi những gì có thể đã xuất hiện trọng bức ảnh ấy. Tôi nghĩ ra đủ loại phỏng đoán, một số liên quan tới những vi phạm luật lệ Hồi giáo về mặt kỹ thuật, một số liên quan tới loài vật đã được thuần hóa. Đan xen
với những cảnh tưởng tượng đầy khủng khiếp từ căn lều ở thung lũng
Korengal là hình ảnh cú đánh vào mặt Lila Hoth cứ lặp đi lặp lại không
ngừng. Cú đánh thẳng bằng tay trái, tiếng vỡ của xương và sụn dưới nắm
đấm của tôi. Dung nhan bị hủy hoại. Cảnh tượng ấy liên tục lặp lại trong óc tôi. Tôi không biết vì sao. Tôi chỉ đâm cô ta bằng dao và sau đó tôi bóp cổ cô ta, hầu như tôi chẳng thể nhớ nổi những hành động ấy. Có lẽ
đánh phụ nữ là đi ngược với các giá trị trong tiềm thức của tôi. Đó là
điều hoàn toàn phi logic.
Nhưng rốt cuộc những hình ảnh đó nhạt
nhòa dần, tôi trở nên chán cái việc tưởng tượng cảnh Osama bin Laden
giỏi điều khiển đám dê của gã. Qua một tháng tôi đã quên tất cả. Vết
thương của tôi đã lành, vết sẹo mỏng và trắng. Các đường khâu gọn và nhỏ xíu. Phần cơ thể dưới của tôi giống như minh họa trong sách giáo khoa:
chỗ này là cách nên thực hiện theo, chỗ kia là cách không nên thực hiện. Nhưng tôi không bao giờ quên những đường khâu xuất hiện sớm hơn, vụng
về hơn đã cứu mạng mình. Nhân nào quả ấy. Một kết quả có lợi, từ vụ
chiếc xe bom ở Beirut, được lên kế hoạch, trả tiền và lái tới đó bởi
những kẻ người ta không biết.
Truyện đánh dấu
Nhấn để xem...Truyện đang đọc
Nhấn để xem...