Khóa Tu Mùa Đông Ở Tại Xóm Hạ Làng Hồng


Hôm nay là ngày 20 tháng hai năm 1994, chúng ta kết thúc khóa tu mùa Đông tại Làng Mai.Chúng ta đã bắt đầu khóa tu bằng kinh Chuyển Pháp Luân.

Trong bài pháp thoại này Bụt nói đến Bốn Sự Thật và con đường của Tám Sự Hành Trì Chân Chính.

Trong suốt ba tháng qua chúng ta đã học và thực hành giáo lý của Bốn Sự Thật và con đường Tám Sự Hành Trì Chân Chính.

Hôm trước chúng ta có học một câu trong Luận Ngữ, đức Khổng Tử nói: Học nhi thời tập chi, bất diệt lạc hồ, nghĩa là học mà được thực tập hằng ngày, đó chẳng phải là niềm vui hay sao? Câu đó rất hay.

Chúng ta được học kinh, được nghe pháp thoại, chúng ta lại có vô số cơ hội để đem các điều đó ra thực tập trong đời sống hằng ngày.

Học nhi thời tập chi bất diệc duyệt hồ, câu này ta cũng nên viết lên để treo ở thiền viện.Trái Tim Của Bụt - Bài 25 Bài kết thúcAi tu học mà không nắm vững được nguyên tắc Tứ Diệu Đế, không biết cách áp dụng Bát Chánh Đạo để giải quyết những khổ đau trong đời sống hằng ngày thì cũng như người muốn làm đậu hũ nhưng chưa có tay nghề, hễ nói sắp làm đậu hũ là cảm thấy lúng túng.

Các sư chú và các sư cô nào đã nắm vững nghệ thuật làm đậu hũ thì khi nghe nói tới việc làm đậu hũ trong lòng sẽ có sự bình an vô úy.

Biết rằng ta có thể làm được việc đó, thành ra ta không sợ.

Cũng vậy, chúng ta chỉ sợ hãi cảnh khổ đau, chỉ sợ hãi nỗi khó khăn, khi chúng ta chưa nắm vững được nguyên lý Bốn Sự Thật, và chưa nắm vững được phương pháp áp dụng tám chi phần của Bát Chánh Đạo vào đời sống.Nguyên tắc Tứ Diệu Đế là nguyên tắc trị liệu trong y học.

Người y sĩ trước hết phải nhận diện chứng bệnh.

Phải biết bệnh đó là bệnh gì, phải thấy được bản chất và hành tướng của bệnh, rồi tìm hiểu căn do của chứng bệnh để khám phá phương pháp làm cho bệnh ngưng lại.

Ngưng lại tức là Diệt Đế, Sự Thật thứ ba.

Và những phương pháp để làm bệnh ngưng lại là Sự Thật thứ tư, Đạo Đế.

Người thầy thuốc cũng thực tập Tứ Diệu Đế trong phạm vi y khoa.

Trong cuộc đời, niềm đau khổ của ta là một chứng bệnh.Lo âu là một chứng bệnh.

Sợ hãi là một chứng bệnh.

Cô đơn là một chứng bệnh.

Phải nhận diện, phải thấy được hành tướng, thấy những nguyên do xa gần của bệnh.

Chấm dứt bệnh bằng con đường của Tám Sự Hành Trì Chân Chánh.

Trong kinh Tương Ưng Bộ (Sammyutta Nikaya), nhiều thầy đã nói về nội dung tương tức của giáo lý Bốn Sự Thật.

Như thầy Gamvapatti đã nói rằng nếu ta thấy được Khổ Đế thì ta thấy được ba Đế khác là Tập Đế, Diệt Đế, và Đạo Đế.Nỗi khổ của ta là nỗi khổ nào? Nỗi khổ đó có phải là tâm trạng ưu uất (depression), xao xuyến lo âu (anxiety), hay là sự sợ hãi thiếu an ninh thường trực? Nỗi khổ đó có thể là nỗi thất vọng vì cảm tưởng bị cuộc đời ruồng bỏ, ngược đãi, đầy đọa là cảm tưởng một mình mình đang gánh chịu mọi bất công của xã hội.

Ta phải trực tiếp nhìn vào nỗi khổ ấy để tìm thấy được bản chất của nó.

Do đó phải tu tập chi phần đầu tiên của Bát Chánh Đạo là Chánh Kiến.Ta phải có Chánh Kiến về nỗi khổ của chúng ta.

Phải sử dụng niệm lực, sức mạnh của chánh niệm để tạo nên hào quang chiếu vào sự thật thứ nhất, để nhìn thấy rõ ràng những hành tướng và bản chất của cái khổ.

Thường thường chúng ta không làm như thế, vì ai cũng có khuynh hướng tự nhiên là chạy trốn nỗi khổ.

Cái khổ có mặt ở đó nhưng ta đã quen tìm cách che phủ, ngụy trang, làm như nó không có.

Giống như một con đà điểu trước mối nguy thì chúi đầu vào trong cát.

Chúng ta phải có Chánh Kiến về Khổ, phải dám đối diện trực tiếp với cái khổ của chính mình.Việc đầu tiên phải làm là dùng Chánh niệm và Chánh định để can đảm nhìn thẳng vào nỗi khổ của mình.

Sự quán chiếu cho chúng ta thấy rõ ràng bản chất của khổ, đó là Chánh Kiến.

Ta tìm hiểu những nguyên do gần xa nào đã đem tới khổ đau trong hiện tại.

Thường thường ta chỉ quy tội cho một nguyên do nào đó.

Chúng ta nói vì người này, hay là vì hoàn cảnh đó mà ta khổ.

Thường thường ta tìm một nguyên do ở ngoài ta.

Đó không phải là quán chiếu.


Quán chiếu là phải can đảm sử dụng chánh niệm và chánh định, chuyên cần không ngừng nghỉ, tức là phải có chánh tinh tấn.

Quý vị sống trong thời đại mới, có bút mực, có máy vi tính, quý vị có thể dùng những dụng cụ đó để ghi lại rõ ràng những nguyên do xa gần đã đưa tới nỗi khổ đau của quý vị và để quán chiếu về từng đề mục trong đó.

Có những nguyên do trong ta, bắt nguồn từ thân thể, tâm lý, cách sống, hay cách tiếp xử với xã hội.

Nguyên do có thể bắt đầu từ cha mẹ, từ ông bà, tổ tiên, từ những người bạn của mình, từ tình trạng đất nước… Ta liệt kê tất cả các nguyên do gần xa đã đem đến khổ đau cho ta.

Với chánh kiến ta sẽ thấy những nguyên do ấy trùng trùng vô tận.

Bây giờ đến phương pháp thực tập giải bớt khổ đau.

Nếu biết rằng nỗi khổ kia đã được nuôi dưỡng bằng những chất liệu nào thì chúng ta tìm cách cắt đứt nguồn thực phẩm tạo khổ đó đi.

Bụt nói tới bốn nguồn thực phẩm.

Trước hết là đoàn thực, thức ăn đưa vào cơ thể bằng đường miệng, thứ hai là xúc thực, đi vào bằng sáu giác quan.

Nó đã mang theo những độc tố gây ra bệnh khổ.

Thứ ba là tư niệm thực, tức là những mơ ước, tham vọng, lý tưởng làm mình tham đắm.

Và thứ tư là thức thực tức là chính tâm ta đã tạo tác ra thực phẩm ở trong tàng thức.

Tâm ta đã nấu nướng, đã tự nuôi dưỡng mình và tự đầu độc mình bằng các món ăn khiến cho chứng bệnh đã phát xuất.Người thầy thuốc bao giờ cũng phải tin là có cách trị bệnh.

Tín lực là sức mạnh đầu tiên trong ngũ lực.

Người khổ đâu cũng phải tin rằng có những phương pháp chấm dứt khổ đau bằng sự hành trì với thầy và bạn, gọi là chánh pháp.

Không tin thì không có năng lực chữa trị.

Nhận diện được những nguồn thực phẩm nào đã gây đau khổ hay tiếp tục nuôi dưỡng khổ đau, ta quyết định cắt đứt.

Đó là sự thực tập các giới, trong phạm vi chánh ngữ, chánh nghiệp, và chánh mạng.

Chánh ngữ là lời nói chân chánh, chánh ngữ cũng là chánh thính, tức là biết lắng nghe.

Hàng ngày chúng ta nói những câu không từ ái, làm ung hoại khung cảnh chung quanh.

Và hoàn cảnh bị ung hoại sẽ truyền lại cho ta những chất độc khác.

Cho nên tà ngữ và ác ngữ là một loại thực phẩm cần phải trừ bỏ.

Thực tập chánh ngữ là để thay thế dần ác ngữ và trừ bỏ ác ngữ đi.

Chánh nghiệp tức là hành động chân chánh.

Bằng lời nói và hành động của mình ta có thể làm ung hoại khung cảnh cuộc sống.

Nếu một dòng sựông bị ô nhiễm thì cá trong dòng sông sẽ chết.

Nếu hoàn cảnh gia đình và hoàn cảnh xã hội của chúng ta đã bị nhiễm độc thì chúng ta cũng sẽ bệnh, sẽ khổ.

Vì vậy ta phải thực tập chánh nghiệp.Trong Bát Chánh Đạo còn có chánh mạng, tức là những phương tiện sinh nhai chân chánh.

Phương thức mưu sinh của ta có thể gây độc hại cho đời sống xung quanh.

Những độc tố đó sẽ trở lại tác hại thân và tâm ta.

Có những nghề bắt buộc phải sát sanh, bắt buộc làm hư hỏng và ô nhiễm sinh môi, có những nghề thất đức.

Nếu ta làm một nghề có tác dụng gây khổ đau cho chúng sanh và áp bức người khác thì trái tim và tâm thức của ta cũng sẽ bị nhiễm độc.

Có những người làm giàu bằng những nghề không chính đáng, rồi họ đi chùa, đi nhà thờ và cúng những món tiền rất lớn.


Sự cúng dường phát xuất từ sợ hãi, từ mặc cảm tội lỗi, mà không phải từ ý chí muốn đem lại hạnh phúc và muốn làm vơi bớt khổ đau.

Khi nhà thờ hoặc nhà chùa nhận những số tiền lớn như vậy, thì phải thấy động cơ nào đã khiến cho những đại thí chủ đó đến cúng dường.

Phải làm thế nào để cứu chuộc họ, mở con đường để họ thoát khỏi vòng nghiệp chướng.

Những người đó là những người cần được cứu giúp, cần được giáo hóa nhiều hơn hết.Tất cả những hành động và lời nói của chúng ta luôn luôn trở về ảnh hưởng lại chúng ta.

Hành trì giới luật có nghĩa là nói có chánh niệm, hành động có chánh niệm, mưu sinh có chánh niệm.

Trong khi thực tập chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng, chúng ta sử dụng chánh niệm.

Chánh niệm là bó đuốc soi sáng, là tiếng chuông nhắc nhở.

Để mỗi khi chúng ta nói một lời không phải là chánh ngữ thì chúng ta biết rằng đó là một lời không chánh ngữ.

Khi ta hành động không chân chánh thì chánh niệm báo cho biết rằng đó không phải là chánh niệm.

Cũng nhờ chánh niệm mà ta biết phương tiện sinh sống của ta là chánh mạng hay tà mạng.

Thực tập chánh niệm từng giây phút không ngơi, đó gọi là chánh tinh tấn.

Chánh tinh tấn là làm mọi cách để cho những hạt giống thiện, hạt giống của hạnh phúc và của từ bi được tưới tẩm mỗi ngày.

Có chánh niệm ta sẽ đạt tới chánh định.

Và niệm, định đi với tinh tấn sẽ đưa tới chánh kiến, tức là cái thấy rõ ràng, là tuệ giác.Các tổ xưa khi nói rằng khi thấy được một sự thật trong bốn sự thật thì chúng ta thấy được ba sự thật khác.

Điều này chúng ta phải chiêm nghiệm, phải thực tập.

Can đảm đối diện với khổ đau thì ta có can đảm đi tìm những gốc rễ của khổ đau, có thể nắm được sự thật thứ hai là tập đế.

Như thế là đã đi được nửa đường.

Nhận diện được những nguyên do gây khổ đau rồi, ta biết cần cắt đứt những nguồn thực phẩm đưa tới khổ đau.

Trong lúc thực tập, ta cần tới anh, tới chị, tới em, cần tới bạn, cần tới tăng thân.

Không thể thực tập như sống trên một hải đảo lẻ loi được.

Chúng ta nhờ vào người khác, rồi cũng yểm trợ cho những người khác thực tập.

Nắm được nguyên tắc Tứ Diệu Đế là nắm được nguyên tắc của hành động.

Trong thời đại mới chúng ta có thể dùng bút, mực để thiền quán.

Chúng ta ghi trên giấy những hành tướng, những nguyên do của các niềm đau nỗi khổ.

Chúng ta hỏi bạn bè, hỏi sư anh, sư chị, nhờ thế chiếu rõ hơn vào tình trạng của mình.

Và nhờ sự soi chiếu của tăng thân mà chánh kiến ta càng sáng.

Tu không có nghĩa là chỉ sử dụng niệm, định, tuệ của mình.

Phải biết dùng niệm, định, tuệ của thầy, của bạn.

Có những điều sờ sờ trước mắt mà ta không thấy, trong khi ấy, một em bé có thể trông thấy.

Đứa bé không chủ quan, không bị giam hãm trong những thành kiến, và tập khí.

Ý kiến, nhận thức, tri giác là một nhà tù để mình tự giam mình.

Có người mang tri giác sai lầm mười năm, hai mươi năm mà không thấy được nhiều điều rất đơn giản, những điều mà một em bé năm bảy tuổi cũng có thể thấy được.Cho nên trong công trình quán chiếu ta phải có can đảm đặt câu hỏi.


Và sẽ có những câu trả lời tới rất bất ngờ.

Nỗi khổ của chúng ta có thể từ bên ngoài đi tới, từ ông bà từ tổ tiên, từ hoàn cảnh xã hội gây ra, hay chỉ vì ta không may mắn.

Nhưng cũng chính tại chúng ta mà một căn nguyên nhỏ có thể trở thành một đầu mối lớn gây nên đau khổ.

Có những người mang căn nguyên như vậy, nhưng nhờ hiểu biết và tu tập nên không làm cho nỗi khổ lớn thêm và nặng nề thêm.

Đó là quán chiếu về tập, về nguồn gốc của khổ đau.

Ngồi trong rừng, trong núi một mình, ngồi trong thiền đường một mình để quán chiếu ta cũng có thể thấy.

Nhưng ngồi nói chuyện với tăng thân, giải bày tâm trạng thao thức với một người bạn, đôi khi ta thấy rõ hơn là ngồi một mình ở trong thiền đường.Và khi biết được nguyên do đã đưa tới đau khổ thì ta áp dụng những chi phần khác của Bát Chánh Đạo để làm thuyên giảm niềm đau khổ.

Chỉ khi nào ta đóng cửa tâm thức lại, khư khư ôm lấy nỗi đau khổ, không chịu chữa trị, thì nỗi khổ mới tồn tại và sẽ càng ngày càng lớn.

Đã có ý nguyện chữa trị, đã có đức tin nơi con đường chữa trị thì thế nào niềm đau khổ cũng sẽ giảm bớt.

Mà theo ánh sáng của đạo Bụt thì tới tám, chín mươi phần trăm nguyên ủy gây khổ đau nằm ở tự thân.

Tại sao người khác cũng sống trong hoàn cảnh đó, mà không đau khổ? Vì phương pháp thụ nhận và tiếp xử với hoàn cảnh của họ khác ta.Học giáo lý Tứ Diệu Đế ta có một niềm tin rằng nếu có khổ đau thì có sự chấm dứt khổ đau.

Chúng ta cần diệt khổ, nhưng phải gọi đúng tên nỗi khổ.

Nói mơ hồ rằng đời là bể khổ thì không ích lợi gì mà còn có hại.

Thường cái khổ của mình tác hại đến những người xung quanh.

Khi ta đối trị được cái khổ của mình thì ta cũng giúp được những người xung quanh.Nếu ta thấy được sự thật thứ nhất và sự thực thứ hai, thì ta sẽ thấy được sự thực thứ tư.

Ta sẽ áp dụng Bát Chánh Đạo vào cuộc sống hàng ngày để cắt đứt những nguồn thực phẩm tạo nên khổ đau, thay vào đó những loại thực phẩm lành mạnh, ta trị liệu cái khổ trong ta bằng sự nuôi dưỡng lành mạnh.

Tưới tẩm những hạt giống lành mạnh, thương yêu, hiểu biết, vui sống và cắt đứt các nguồn thực phẩm độc hại.Các vị giác ngộ như Bụt hay bồ tát cũng có vấn đề như chúng ta nhưng họ không sợ hãi vì họ biết phương cách giải thoát.

Thánh nhân cũng có thân và có tâm, và trong thân trong tâm cũng có hoa và có rác.

Không thể nào có hoa mà không có rác.

Điều khác biệt là ở chỗ các vị biết chuyển rác thành hoa một cách dễ dàng.

Còn chúng ta thì ôm lấy cái rác mà chịu đựng.

Vì chúng ta chưa nắm vững được phương pháp thực tập bốn sự thật và con đường của tám sự hành trì chân chánh.

Nếu ‘‘học nhi thời tập chi’’, ngày ngày áp dụng Bát Chánh Đạo thì chúng ta sẽ vững chãi nắm được phương pháp đó.

Mà khi đã nắm được thì pháp với Bụt là một.

Ta luôn luôn an trú với Tam Bảo.

Quý vị về làng và thực tập những điều rất đơn giản như bước chân chánh niệm và tiếng chuông tỉnh thức.

Có vị đã sống ba tuần tại làng rồi mà đến khi về nhà không mang bước chân tỉnh thức về được, không đem theo tiếng chuông chánh niệm về được.

Vì trong ba tuần ấy, quý vị không ‘‘học nhi thời tập chi’’ Bước chân của quý vị còn lao đao, còn run rẩy lắm.

Tiếng chuông tỉnh thức của quý vị không ngân dài, chỉ cần một cử động, một âm thanh nào đó là tan biến như làn sưÒng mỏng.

Bước chân đó và tiếng chuông đó làm sao đem về thành phố được? Bước chân rất vững, tiếng chuông rền vang mà về nhà còn bị đánh tan bởi hoàn cảnh xã hội.

Huống hồ là bước chân ngập ngừng, và tiếng chuông yếu ớt.

Học nhi thời tập chi, mỗi ngày chúng ta có cơ hội hai mươi bốn giờ để thực tập cho vững chãi.

Bài thực tập Tứ Đế và những chi phần của Bát Chánh Đạo là bài thực tập hàng ngày của chúng ta.

Khựựông nên để những bài học đó nằm dưới hình thức giáo lý.

Khựựông nên chỉ nói về giáo lý.Giáo lý đạo Bụt nói đến ba mươi bảy phẩm trợ đạo.

Trước hết có Tứ Niệm Xứ (bốn lãnh vực quán niệm), Tứ Chánh Cần, Tứ Như Ý Túc.

Rồi tới Ngũ Cặn, tức là năm căn cứ để phát xuất ra Ngũ Lực, những sức mạnh hùng hậu của sự thực tập.

Tiếp đến là Thất Bồ Đề Phần, và Bát Thánh Đạo Phần.Về Tứ Như Ý Túc, chúng ta chưa học trong khóa này.

Như Ý có nghĩa là thể hiện được như lòng mình mong mõi như là phép lạ.


Phép lạ đó được thực hiện bằng bốn yếu tố.

Thứ nhất là ước muốn của mình, ý chí của mình gọi là dục như ý túc.

Thứ hai là cần như ý túc, tức là sự siêng năng.

Thứ ba là tâm như ý túc, tức là tâm có khả năng biến hiện ra mọi thứ như ý.

Và thứ tư là quán (định) như ý túc.Như ý túc là những phép lạ mà chúng ta có thể thực hiện được trong đời sống.

Trong đó phép lạ lớn nhất là giáo hóa.

Giáo hóa như ý túc có nghĩa là một hoàn cảnh khổ đau, tuyệt vọng mà nhờ sự giáo hóa đã trở thành một hoàn cảnh có hy vọng, có niềm tin, có an lạc và giải thoát.

Ta tu tập như thế nào để có khả năng giáo hóa chuyển đổi một hoàn cảnh tối tặm tuyệt vọng thành một hoàn cảnh tươi sáng đó là thần thông lớn nhất trong tất cả các thứ thần thông.Ba Mươi Bảy Phẩm Trợ Đạo gồm mười yếu tố căn bản là : Tín, Giới, Tư Duy, Tấn, Niệm, Định, Tuệ, Khinh An, Hỷ và Xả.Thứ nhất là Tín.

Tín là năng lượng của niềm tin và được kể trong Ngũ Cặn và Ngũ Lực.

Thứ hai là Giới.

Giới được thể hiện trong Chánh Ngữ, Chánh Nghiệp, Chánh Mạng.

Yếu tố thứ ba là Chánh Tư Duy, tức là suy nghĩ đúng theo chánh pháp, đúng theo chánh kiến.

Thứ tư là Tấn.

Tấn là một trong Tứ Chánh Cần, cũng là Tấn Căn, Tấn Lực, là Tấn Giác Chi và cũng là một chi phần của Bát Chánh Đạo, là Chánh Tin Tấn.

Yếu tố thứ năm là Niệm, có trong Ngũ Căn, Ngũ Lực, Thất Giác Chi và Bát Chánh Đạo.

Yếu tố thứ sáu là Định.

Định có trong tứ Thần Túc, tức là Định Như Ý Túc, và cũng có trong Ngũ Căn, Ngũ Lực, Thất Giác Chi và Bát Chánh Đạo.

Tuệ là yếu tố thứ bảy, thấy trong Tứ Niệm Xứ, Ngũ Cặn, và Ngũ Lực.

Trong Thất Giác Chi thì Tuệ là Trạch Pháp Giác Chi, trong Bát Chánh Đạo Tuệ là Chánh Kiến.

Yếu tố thứ tám là Khinh An, một trong Thất Giác Chi.

Yếu tố thứ chín là Hỷ, cũng là một trong Thất Giác Chi.

Và yếu tố thứ mười là Xả, nằm trong Thất Bồ Đề Phần.

Khi làm lại một bản tổng kết thì Ba Mươi Bảy Phẩm Trợ Đạo góp lại thành mười yếu tố ấy thôi.

Ba Mươi Bảy Phẩm Trợ Đạo là những phép thực tập căn bản của Đạo Bụt Nguyên Thủy.Để kết thúc khóa tu, chúng ta nên nhớ giáo lý Bốn Sự Thật như nguyên tắc hành động và giáo lý Con Đường của Tám Sự Hành Trì Chân Chánh được trao truyền như các phương pháp cụ thể để giải quyết những vấn đề trong đời sống hàng ngày.

Nếu chúng ta tiếp nhận mà không thực tập thì chúng ta phụ công ơn của Đức Thế Tôn, của các Tổ đã trao truyền cho ta những giáo lý cụ thể và thực tiễn đó.

Chúng ta phải biết rằng người nào cũng có niềm đau nỗi khổ.

Để giải quyết niềm đau nỗi khổ đó chúng ta cần tới Chánh Pháp.

Mà Pháp tức là Tứ Đế và Bát Chánh Đạo.

Những giáo lý khác có thể giúp chúng ta trong sự thực tập Bát Chánh Đạo.

Nhưng Bát Chánh Đạo là phương pháp đầy đủ để giải quyết những khổ đau.

Đừng nói rằng chúng ta chưa học đủ.

Chỉ cần học Tứ Đế và Bát Chánh Đạo là ta đã có thể hành trì và giải quyết những khổ đau của ta rồi.

Phải nương vào tăng thân để thực tập.

Chắc chắn chúng ta có thể giải quyết được vấn đề khổ đau.

Khóa tu đến hôm nay là chấm dứt.

Có thể nhiều người còn cơ hội gặp nhau trong khóa tu khác.

Có thể một vài người sẽ không có cơ hội để gặp lại tăng thân này.

Nhưng nếu chúng ta tiếp nhận Tứ Đế và Bát Chánh Đạo trong tinh thần học nhi thời tập chi của Đức Khổng Tử thì như vậy cũng đủ để chúng ta có thể đem Pháp Bảo áp dụng trong suốt cuộc đời mình.

Chỉ cần nhắc nhở thêm một lần nữa là sự tu tập Tứ Đế và Bát Chánh Đạo sẽ dễ dàng hơn mười lần hoặc hơn cả trăm lần nếu chúng ta thực tập trong khung cảnh của một tăng thân..


Truyện đánh dấu

Nhấn để xem...

Truyện đang đọc

Nhấn để xem...
Nhấn Mở Bình Luận
Quảng Cáo: Coin Cua Tui