Khóa Tu Mùa Đông Ở Tại Xóm Hạ Làng Hồng


Chúng ta đã học rằng trong tinh thần của Tứ diệu đế, một sự thật gồm chứa cả ba sự thật khác.

Khi quán chiếu về một sự thật ta phải thấy được cả ba sự thật kia.

Đạo, sự thật về con đường, hàm chứa sự thật về khổ đau.

Nếu con đường không phải để chuyển hóa khổ đau thì không phải là con đường đích thực trong tứ diệu đế.

Khi quán chiếu và tu tập về đạo đế, nếu chúng ta không thấy được bản chất và cội nguồn của khổ đau thì đó chưa đích thực là đạo đế.

Cũng vậy, trong khi học hỏi và thực tập về đạo đế mà chúng ta không cảm thấy an lạc và chuyển hóa, nghĩa là chưa sống được sự thật thứ ba là diệt đế, thì đó cũng không phải là đạo đế đích thực.

Cần nhắc lại rằng sự thật thứ tư là đạo đế gồm chứa cả ba sự thật đầu: khổ đế, tập đế và diệt đế.Trái Tim Của Bụt - Bài 13 Như lý tác ýĐạo đế có thể diễn tả bằng những vòng tròn bát chánh đạo.

Vòng tròn thứ nhất là chánh kiến, rồi đến chánh tư duy, chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng, chánh tinh tấn, chánh niệm và chánh định.

Chúng ta đã thấy tính cách tương tức, tương nhập và tương dung của tất cả những chi phần trong bát chánh đạo và bốn sự thật mầu nhiệm.

Mỗi chi phần của bát chánh đạo cũng bao hàm bảy chi phần khác.

Mỗi chi phần của bát chánh đạo cũng hàm nhiếp tất cả bốn sự thật.Trong khóa tu này, chúng ta sẽ thấy toàn bộ giáo lý đạo Bụt có thể thâu tóm trong bát chánh đạo và tứ diệu đế.

Chúng ta đã biết rằng ngay trong bài thuyết pháp đầu tiên cho năm thầy khất sĩ, Bụt đã giảng dạy giáo lý tứ diệu đế và bát chánh đạo.

Đến giờ nhập diệt ở rừng Sala, khi dạy người đệ tử cuối cùng là Subadha, Bụt cũng giảng về bát chánh đạo.

Cho nên chúng ta có thể vững tâm tin rằng bát chánh đạo là tinh yếu của giáo lý đạo Bụt.

Toàn bộ giáo lý có thể được học hỏi qua cấu trúc của bát chánh đạo.Chúng ta đã thấy rằng càng học về chánh niệm chừng nào chúng ta càng hiểu thêm về chánh kiến, chánh tư duy, chánh nghiệp, chánh mạng, chánh tinh tấn và chánh định chừng ấy.

Đây cũng là một điều chứng minh cho tính tương tức của bát chánh đạo.Như lý tác ýKỳ trước chúng ta đã nghe về Kinh Quán Niệm Hơi Thở.

Kinh này dạy ta quán chiếu các lĩnh vực của thân, của cảm thọ, của tâm hành, và của pháp, tức là những đối tượng của tâm hành.

Kinh Quán Niệm Hơi Thở chỉ dạy mười sáu phép thở.

Người hành giả có thể căn cứ trên mười sáu phép thở căn bản ấy để sáng chế những phương pháp thực tập mới cho cả bốn lĩnh vực.Thí dụ trong mười sáu hơi thở chỉ có bốn hơi thở để quán chiếu về thân.

Trong khi đó thân ta có rất nhiều khía cạnh cần được quán chiếu.

Vì vậy bốn hơi thở này cần được thực tập, rồi được khai triển để biến thành vô số phương pháp thực tập nhằm quán chiếu tất cả những bộ phận của thân thể.

Bụt lại dạy bốn hơi thở khác để quán chiếu cảm thọ.

Cảm thọ cũng là một lĩnh vực rộng lớn.

Rồi đến bốn hơi thở quán chiếu về các tâm hành.

Tâm hành có tới 51 thứ, rất năng động, rất phức tạp.

Cuối cùng có bốn hơi thở để quán chiếu về các pháp, tức là đối tượng của tâm hành.Kỳ trước chúng ta đã nghe khá đầy đủ về quán niệm thân thể trong thân thể.

Trong đời sống hàng ngày, khi đi, đứng, nằm, ngồi, làm việc, ta phải chiếu rọi ánh sáng chánh niệm vào để biết ta đang làm gì, như ta biết ta đang đứng, đang ngồi, v.v..

Ta thực tập và giúp những người khác trong tăng thân cùng thực tập.

Những phương pháp thiết yếu và cụ thể như vậy biết mà nếu không thực tập được thì uổng phí và dại dột lắm.Về trường hợp cảm thọ cũng vậy.

Trong đời sống hàng ngày, chúng ta có những cảm thọ vui, buồn, giận, ghét, có những khổ thọ, lạc thọ và xả thọ.

Ta phải chăm sóc cảm thọ của chính ta, nếu không thì ai chăm sóc những cảm thọ ấy cho ta? Bụt dạy ta lấy ánh sáng chánh niệm soi chiếu vào những cảm thọ.

Những đau buồn, giận hờn, ganh ghét, nhức nhối, thao thức, sợ hãi, âu lo.

Ta ôm ấp, săn sóc và chuyển hóa chúng bằng năng lượng chánh niệm.

Không ai làm được việc đó thay ta được.

Bằng cách chăm sóc, trị liệu và chuyển hóa những cảm thọ của mình, ta có thể giúp người chung quanh chăm sóc, trị liệu và chuyển hóa những cảm thọ của họ.

Những phương pháp Bụt dạy rất cụ thể và rõ ràng.

Khi có một nỗi buồn ta biết ta có một nỗi buồn.

Khi có một niềm vui ta biết ta có một niềm vui.

Biết đây không phải là một cái cảm tưởng suông, biết đây là dùng năng lượng của chánh niệm để nhận diện và soi xét cảm thọ.Trong Kinh Trung A Hàm, Bụt dặn sau khi đã nghe giảng về tứ diệu đế và bát chánh đạo, ta nên thực tập như lý tác ý để đưa chánh kiến vào đời sống hàng ngày.

Các chữ như lý tác ý được sử dụng trong Kinh Phật Thuyết Tam Chuyển Pháp Luân.

Thực tập như lý tác ý tức là khởi tâm chú ý tới một điều Bụt đã dạy, và bắt đầu áp dụng nó.

Mỗi ngày chúng ta có hai mươi bốn giờ đồng hồ để sống.

Những việc chúng ta làm như nấu bếp, quét nhà, giặt áo và làm vườn, chúng ta đều phải làm trong tinh thần tu tập.

Nghĩa là trong khi làm những công việc đó chúng ta phải áp dụng phương pháp chăm sóc thân thể ta và cảm thọ của ta bằng năng lượng của sự quán niệm.Sống trong thiền viện, nếu không thực tập chánh niệm và quán chiếu thân và thọ của mình, thì không khác gì sống ở ngoài đời.

Ngoài đời người ta nấu cơm, quét nhà, đun nước, giặt Đo, mà ở trong chùa chúng ta cũng làm như thế.

Khác nhau chăng là ở chùa ta làm những việc đó trong chánh niệm.

Chúng ta phải chăm sóc ngôi chùa bản thân của chúng ta, để ngôi chùa quý giá ấy đừng trở thành một chùa Bà Đanh.Có những cảm thọ rất đau đớn, có những cảm xúc có thể làm ta tê liệt ngày này sang ngày khác, có khi từ tháng này sang tháng khác.

Tu học theo đạo Bụt ta phải biết săn sóc những cảm thọ và những cảm xúc đó.

Ta biết sở dĩ ta có những cảm xúc làm ta tê liệt như vậy, là vì trong quá khứ ta đã không biết săn sóc cảm thọ.

Khi cảm thọ đang còn non yếu ta đã không biết xử lý, chúng ta để cho chúng càng ngày càng có cường độ mạnh.

Bây giờ nó đang làm ta tê liệt, nó đang hoành hành trong ta chỉ vì ta đã không thực tập những điều Bụt dạy.

Trong quá khứ, ta đã khinh thường, đã không tu học, ở trên núi châu báu nhưng chưa bao giờ biết nhận diện châu báu.

Đi, đứng, nằm, ngồi ta không có chánh niệm.

Cảm thọ nổi lên thì ta vùng vẫy, chạy trốn, chứ không biết nâng niu, chăm sóc, quán chiếu và chuyển hóa.


Khi ngọn gió cảm thọ đã thổi mạnh thành bão tố, mà ta mới bắt đầu thực tập thì sẽ thấy khó khăn.

Là nạn nhân cảm thọ, ta khổ đau và trở thành gánh năng cho những người xung quanh.

Trong một tăng thân, mỗi khi ta bệnh hoạn thì anh chị em ta phải chăm sóc và lo lắng cho ta.

Đó là nói về thân bệnh.

Khi trong tâm ta có niềm đau quá lớn thì tăng thân ta cũng khổ và cũng phải đưa lưng ra để chịu đựng.

Nếu ta biết chuyên cần tu tập trong đời sống hàng ngày, và nếu những người xung quanh ta cũng thực tập, thì sự thực tập của người này tạo thêm năng lượng cho người kia.

Muốn giúp đỡ người khác ta hãy thực tập cho bản thân.

Nếu bản thân ta không thực tập thì ta không thể nào giúp cho người khác bớt khổ.Một bài thực tập quán hơi thởThở vào tâm tĩnh lặng, Thở ra miệng mỉm cười.

An trú trong hiện tại, Giây phút đẹp tuyệt vời.Đây là một bài thực tập ở Làng Mai rất nổi tiếng; đã có hàng ngàn, hàng chục ngàn người, có thể hàng triệu người khắp nơi đang thực tập và đã hưởng rất nhiều kết quả của sự thực tập ấy.

Nó rất đơn giản.

Nó bắt đầu như sau: Thở vào tôi biết tôi đang thở vào, thở ra tôi biết tôi đang thở ra.Câu này được lấy trực tiếp từ Kinh Quán Niệm Hơi Thở.

Bất cứ lúc nào, khi quét nhà, nấu cơm, ngồi lái xe, giặt áo quần, đi thiền hành hay ngồi thiền tọa, ta đều có thể thực tập câu này.

Từ 2600 năm nay, người nào vào chùa cũng thực tập bài này cả: thở vào biết thở vào, thở ra biết thở ra (Breathing in I know I am breathing in.

Breathing out, I know I am breathing out).

Tuy bài tập rất đơn sơ nhưng kết quả to lớn ta không thể lường được.

Bước đầu, ta tập trở về nắm lấy hơi thở của ta, biết đây là hơi thở vào, biết đây là hơi thở ra.

Nhưng chỉ trong một vài phút thực tập, ta đã có thể thực hiện được thân tâm nhất như (thân và tâm trở thành một).

Hơi thở nối liền thân và tâm.

Hơi thở giúp ta có mặt thật sự tại chỗ, trong giây phút hiện tại.

Ta làm chủ ta, ta không đánh mất ta nữa.

Ta đã bắt đầu trở lại là ta, ta đã về, ta đã tới.Hơi thở này là hơi thở căn bản.

Chúng ta có thể thực tập hơi thở này mười lần, hai mươi, ba mươi lần.

Chúng ta có thể chỉ cần thực tập hơi thở ấy cũng đủ.Tiếp theo chúng ta có thể thực tập tiếp: Hơi thở vào đã sâu, hơi thở ra đã chậm.

(As the in- breath becomes deeper, the out breath becomes slower).

Hơi thở sâu và chậm không phải vì ta cố ý làm cho nó sâu hơn và chậm hơn.

Nếu ta thở một cách có ý thức, thở vào biết thở vào, thở ra biết thở ra, thì chỉ sau hai, ba lần thở, hơi thở chúng ta đã tự nhiên sâu hơn và chậm hơn.

Ta không cần cố gắng.

Xin đừng hiểu là ta cố làm cho hơi thở vào sâu thêm, cố làm cho hơi thở ra chậm hơn.

Hai câu này chỉ có nghĩa rằng: tôi đang thở vào và nhận thấy hơi thở vào của tôi đã sâu thêm, tôi đang thở ra và nhận thấy hơi thở ra của tôi đã chậm lại.

Mà một khi hơi thở đã sâu thêm và chậm lại là nó đã có phẩm chất cao hơn.

Nó mang lại sự tĩnh lặng, an lạc, tự do và thảnh thơi.

Không cần phải tu mười năm hoặc hai chục năm mới đạt được kết quả này.

Chúng ta chỉ cần thực tập hai hoặc ba phút thôi là có thể đạt rồi!Chúng ta cũng không cố ý làm cho thân và tâm trở về làm một, thân tâm nhất như.

Chúng ta không cầu khẩn được an lạc.

Chúng ta chỉ cần ‘‘thở vào, biết thở vào, thở ra biết thở ra’’, thì một lúc sau tự nhiên thân và tâm sẽ nhất như, sẽ trở thành một khối.

An lạc, nhẹ nhàng tự nhiên sẽ tới, không ai phải bắt ép.

Trong khi ngồi thiền hay đi thiền ta cứ tiếp tục thở như vậy.Ngồi thiền hay đi thiền mà thở như vậy là một niềm vui lớn, một ân sủng lớn.

Nếu trong khi tu tập mà ta có cảm tưởng là bị ép buộc thì ngồi thiền hay đi thiền là một khổ dịch.

Trong đời sống tu viện, ngồi thiền và đi kinh hành phải là những giây phút sung sướng nhất.

Trong những giây phút đó, không ai được quyền động tới ta, không ai được hỏi ta một câu hỏi hay nhờ ta làm một việc gì.

Trong những giờ phút đó, ta có tự do hoàn toàn.

Ta chỉ cần thở vào biết thở vào, thở ra biết thở ra.

Đừng bỏ qua những thời khóa.

Đó là những giờ phút quý báu mà chúng ta có thể sống cùng đại chúng.Hai câu tiếp theo trong bài thực tập là: Thở vào tôi thấy khỏe, thở ra tôi thấy nhẹ.

Khỏe và nhẹ đây không phải là tự kỷ ám thị (auto-suggestion) -Tự kỷ ám thị là khi không khỏe nhưng mình cứ nói: ‘‘tôi khỏe, tôi đang khỏe đây’’, khi không nhẹ mà mình cứ nói: ‘‘tôi đang nhẹ, tôi đang nhẹ đây’’ để tự ảnh hưởng vào lòng mình.

Nếu ta thở vào và thở ra có ý thức vài ba lần thì tự nhiên hơi thở trở thành sâu và chậm.

Rồi nếu hơi thở tiếp tục sâu và chậm, thì tự nhiên ta cảm thấy trong người khỏe và nhẹ.

Nói ‘‘khỏe, nhẹ’’ vì ta nhận thấy có khỏe và có nhẹ thật.

Đây là sự nhận diện.

Và khi khỏe mà biết là mình khỏe thì ta sẽ thấy khỏe thêm.

Khi nhẹ mà biết là mình nhẹ, thì mình sẽ thấy nhẹ thêm.

Biết ở đây nghĩa là có ý thức, là có chánh niệm.

Chánh niệm nâng cao phẩm chất của những gì đang hiện diện.

Ví dụ bông hoa.


Bông hoa đẹp, nhưng nhờ tôi nhìn có chánh niệm nên bông hoa càng biểu lộ được cái đẹp của nó.

Khi quý vị ngắm trăng trong chánh niệm thì trăng càng sáng tỏ.

Cho nên khi ý thức rằng hơi thở đang làm cho ta khỏe khoắn và nhẹ nhàng, thì vì có ý thức, cảm giác khỏe và nhẹ trở thành hiện thực hơn.

Nhiều khi ta khỏe và nhẹ, cũng như ta có tự do và an lạc, nhưng vì không ý thức nên ta không thật sự thừa hưởng được cái khỏe và cái nhẹ ấy.Bài thực tập tiếp tục với hơi thở chánh niệm:Thở vào tâm tĩnh lặng, Thở ra miệng mỉm cười.

An trú trong hiện tại, Giây phút đẹp tuyệt vời.Thở vào tâm tĩnh lặng là một bài tập Bụt dạy trong Kinh Quán Niệm Hơi Thở.

Tôi đang thở vào và làm cho tâm hành tôi êm dịu lại.

Tâm hành ở đây có thể là một cảm thọ không dễ chịu, như buồn bực, sợ hãi, giận hờn hoặc thao thức.

Ta sử dụng hơi thở vào để làm lắng cảm thọ xuống.

Ngay từ đầu quý vị cũng có thể thực tập liền hơi thở, ‘‘thở vào tâm tĩnh lặng’’ được.

Nhưng nếu quý vị theo thứ tự bài thực tập, mỗi câu thực tập vài ba phút, khi đến đây thì quý vị rất dễ làm cho cảm thọ mình lắng dịu.Thở ra miệng mỉm cười.

Miệng mỉm cười có thể là một thực tập thuộc lĩnh vực thân.

Mỉm cười ở đây là một động tác yoga, (yoga of the mouth).

Có những thiền sinh Tây phương nói: ‘‘Thưa thầy, trong lúc con không có gì vui trong lòng cả mà thầy lại bảo con cười? Như vậy là nụ cười giả tạo sao?’’ Tôi trả lời: ‘‘Tôi đâu có bắt anh cười đâu, tôi chỉ đề nghị anh tập yoga miệng thôi mà.

Tại sao anh tập yoga tay được, anh tập yoga chân được, chổng ngược đầu được, mà lại không tập yoga miệng được? Tôi chỉ yêu cầu anh nhếch cái mép anh lên một chút xíu thôi.’’ Khi anh mỉm cười, có ba trăm bắp thịt trên mặt được thư giãn và sự cặng thẳng trong hệ thần kinh của anh tự nhiên tan biến.

Tôi không cần anh giả làm bộ vui, anh chỉ cần tập yoga cái miệng dùm tôi thôi thì tự nhiên cơ thể anh có thể thư giãn, hệ thần kinh anh buông thư và điều này sẽ có ảnh hưởng tốt tới tâm anh.Quỳ xuống hay đảnh lễ cũng là những động tác yoga.

Muốn bày tỏ sự cung kính tam bảo, ta đâu nhất thiết phải lạy xuống.

Nhưng khi anh lạy xuống thì tâm cung kính tam bảo của anh được bày tỏ một cách dễ dàng hơn gấp bội.

Khi tu tập ta phải biết sử dụng thân thể ta nữa, chứ nói rằng chỉ cần tu tâm thôi thì không được.

‘‘Tôi tu trong tâm thôi, tôi không cần tu bằng hình thức, tôi không cần ngồi thiền, đi thiền, tôi chỉ cần bỏ ác làm lành thôi à!’’ Quý vị đã từng nghe câu nói ấy chưa?Các nhà khoa học đã nghiên cứu về nụ cười và về tác dụng của nụ cười.

Nụ cười mà họ nghiên cứu đây không phải là cái cười vui, mà chỉ là những động tác của bắp thịt khi miệng ta nhoẻn ra cười thôi.

Mỉm miệng cười đưa tới những kết quả rất kỳ diệu.

Đang tức bực vậy mà ta mỉm miệng cười được một cái thì tự nhiên tâm trạng ta biến đổi hoàn toàn.An trú trong hiện tại, giây phút đẹp tuyệt vời.

Khi thở vào, ta đem tất cả thân tâm trở về với giây phút hiện tại, bây giờ và ở đây.

Khi thở ra, ta thấy được giây phút hiện tại chứa đựng tất cả những mầu nhiệm tuyệt vời của sự sống.

Trở về giây phút hiện tại, ta khám phá được nhiều châu báu trong thân và trong tâm của ta.

Trước hết ta khám phá ra sự thật là ta đang sống và ta đang thở.

Ta đang sống, sự sống đang có mặt với tất cả những mầu nhiệm của nó.

Ta tiếp xúc được với Bụt, với Pháp, với Tăng.

Tất cả những mầu nhiệm đó đều đang có mặt trong giây phút hiện tại.

Ta chỉ cần tiếp xúc sâu sắc với giây phút này là có thể tiếp xúc với những mầu nhiệm ấy.

Ta tiếp xúc được với tất cả những gì mà lâu nay ta từng đi tìm nhưng chưa gặp.

Tất cả đều ở ngay đây.Tịnh độ là ở đâyCó những người tu tịnh độ hai, ba chục năm mà không có dấu hiệu gì đã tiếp xúc được với tịnh độ.

Đó cũng vì họ cứ nghĩ tịnh độ là ở trong tương lai.

Nghĩ rằng tịnh độ chỉ có ở tương lai là một chướng ngại lớn.

Giáo lý căn bản của Bụt là tất cả những gì ta tìm kiếm, từ niết bàn cho đến tịnh độ, đều ở trong tâm ta, ở trong giây phút hiện tại.

Làng Mai có một bài hát rất đơn giản:Đây là tịnh độ, tịnh độ là đây, mỉm cười chánh niệm, an trú hôm nay, Bụt là lá chín, Pháp là mây bay, Tăng thân khắp chốn, quê hương nơi này.

Thở vào hoa nở, Thở ra trúc lay, Tâm không ràng buộc, Tiêu dao tháng ngày.An trú được trong hiện tại, ta hoàn toàn thanh thản.

Bụt ta cũng tiếp xúc được bây giờ, pháp ta cũng tiếp xúc được bây giờ.

Nhặt một chiếc lá rụng lên, ta đã có thể thấy Bụt.

Ngắm một đám mây bay, ta tiếp xúc với pháp.

Còn Tăng thân là cây, là gió, là chim, là các bạn tu.

Đâu cần phải đi đâu? Đâu phải tìm về quá khứ hay mơ tới tương lai mới gặp được Bụt, Pháp và Tăng? Thở vào hoa nở.

Hoa vẫn nở nhưng ta không thấy.

Thở vào có ý thức mới thấy được hoa nở.

Thở ra trúc lay, tâm không ràng buộc, tiêu dao tháng ngày.

Niềm an lạc được đạt tới có thể ngay bây giờ.

Giây phút hiện tại có thể là đẹp tuyệt vời, đây không phải là một triết lý.

Đó là hoa trái của sự thực tập tiếp xúc bằng chánh niệm.

Bài kệ này là một Pháp bảo rất đơn giản.

Mới học ta có thể chưa thấy được gì huyền diệu và uyên áo ở trong.

Một em bé mười tuổi cũng có thể hiểu được.


Nhưng bao nhiêu điều sâu xa của Phật Pháp, làm bằng chất liệu của Kinh điển và của tuệ giác đều có thể đang được chứa đựng trong đó.An trú hiện tại là một phép tu rất mầu nhiệm.

An trú trong chánh niệm, và với năng lượng chánh niệm ta tiếp xúc được rất sâu sắc với hiện tại.

Những mầu nhiệm của sự sống nuôi dưỡng ta.

Giờ phút bây giờ và không gian ở đây trở thành quê hương, ta không cần đi tìm tòi đâu xa nữa, và ta chấm dứt được cuộc lang thang.Cả hai bài kệ Đây Là Tịnh Độ và Thở Vào Tâm Tĩnh Lặng trong khi được thực tập đều có thể giúp ta trở về an trú trong hiện tại và khám phá chiều sâu mầu nhiệm của sự sống.

Bài Thở Vào Tâm Tĩnh Lặng có thể được rút ngắn cho tiện việc thực tập:Tĩnh lặng, Mỉm cười, Hiện tại, Tuyệt vời.Từ năm 1980, tôi đã sử dụng bài kệ này để hướng dẫn thiền sinh Tây phương thực tập thiền ngồi và thiền đi.

Bài dịch tiếng Anh:Breathing in, I calm myself Breathing out, I smile, Dwelling in the present moment I know this is a wonderful moment.Rút ngắn để dễ thực tập như sau:Calming Smiling Present moment Wonderful moment.Bài kệ này đã được dịch ra hàng chục thứ tiếng, trong đó có tiếng Nga và tiếng Hoa.

Bài tiếng Hoa đã được dùng cho các khóa tu tổ chức ở Đài Loan và Lục Địa.Học đời sống của BụtChúng ta thường nghe nói tới những kỳ nhập thất ba năm, hoặc chương trình bốn năm học Phật Pháp cơ bản hay sáu năm Phật Pháp cao cấp.

Chúng ta có thể học rất nhiều, có thể thuộc rất nhiều kinh, viết được những bài giảng rất dài.

Nhưng điều quan trọng là chúng ta có được thật sự nuôi dưỡng bằng pháp lạc hay không? Bụt đã để lại cho ta những gì? Và ta đã thừa hưởng được những gì? Bụt đã để lại cho ta ba tạng Kinh điển, Bụt đã để lại cho ta lịch sử của một giáo đoàn.

Nhưng trước hết Bụt đã để lại cho chúng ta cuộc đời của Bụt.Cuộc đời của Bụt nghĩa là sự sống của Bụt.

Bụt đã sống như thế nào? Bụt có phải là một nhà trí thức không? Bụt có phải một nhà văn viết hết từ bộ sách này sang bộ sách khác hay không? Hay Bụt chỉ là một người đi bộ, đi từ khu vườn này sang mái tranh kia, đi từng bước thảnh thơi, tiếp xử với mọi người bằng lòng từ bi, bằng nụ cười khoan lạc của mình? Bụt là như vậy.

Bụt không phải là một nhà trí thức.

Bụt không phải là một nhà nghiên cứu.

Bụt không phải là một người tổ chức.

Bụt không phải là một uy quyền cầm đầu một giáo hội lớn lao.

Bụt chẳng qua là một ông thầy tu, một ông thầy tu có lòng từ bi lớn và có tuệ giác lớn.

Và quanh Bụt có những người học trò, có những người bạn.

Họ cũng muốn làm như Bụt: đi bộ từng bước thảnh thơi, đi xin thức ăn mỗi ngày để tiếp xúc và độ đời, thực tập hơi thở, thực tập chánh niệm.Chính vì thế Bụt đã cứu giúp cho không biết bao nhiêu người.

Không phải giúp bằng cách tổ chức cứu trợ có hàng trăm triệu, mà giúp bằng cách dạy cho người ta biết đi, đứng, nói, cười, thở, và chuyển hóa.

Và Bụt là một người vui tươi, không rầu rĩ, Ngài có một nụ cười sống mãi 2500 năm cho tơi bây giờ.Đời sống cûa Bụt là thông điệp của Ngài.

Thông điệp đó, ta phäi tiếp nhận cho được.

Còn những hệ thống tư tưởng trong đạo Bụt liên hệ gì với đời sống của Ngài, có liên hệ gì với an lạc, hạnh phúc trong sự sống của Ngài, câu hỏi đó chúng ta sẽ phải đặt ra.Có những giờ phút nghe như là huyền sử về cuộc đời Bụt.

Ví dụ những giờ phút Ngài ngọa bịnh ở Vaisali.

Bịnh nặng đến nỗi thầy A Nan phải ra bên ngoài đứng khóc.

Nhưng sau đó Bụt lành bịnh và cho triệu các thầy trong vùng đến để nói chuyện.

Bụt biết rằng Ngài sẽ tịch trong một thời gian ngắn.

Khi gặp các đệ tử Bụt dạy: ‘‘Này các thầy, các thầy hãy thực tập quay về nương tựa nơi hải đảo của tự thân.

Đừng tìm nương tựa vào một nơi nào khác.

Vì nơi hải đảo tự thân vốn có Bụt, có Pháp, có Tăng.

Đừng tìm kiếm nơi khác, không cần đi đâu xa.

Ở trong tâm ta đã có đủ hết những gì ta muốn tìm kiếm.’’ Đó là những giây phút rất ấm cúng và mầu nhiệm, chỉ có thầy với trò ngồi với nhau thôi.

Lời dạy ấy cho ta thấy một tình thương rất lớn.

Và khi thầy trò lên đường đi về phương Bắc thì có lúc Bụt quay lại và đưa mắt nhìn thành phố Vaisali một lần chót.

Bụt nhìn với tất cả chánh niệm.

Kinh ghi chép: ‘‘Đức Thế Tôn ngoái lại nhìn thành phố Vaisali bằng đôi mắt của một con voi chúa, rồi Ngài mỉm cười hướng về phía Bắc và bước tới.’’ Đó là lần chót Đức Thế Tôn nhìn thành phố Vaisali, và Ngài đã nhìn bằng con mắt của chánh niệm, con mắt của một tượng vương.Mỗi bước chân đi của Bụt là một huyền sử, mỗi cái nhìn của Bụt là một huyền sử.

Bốn mươi lăm năm trước, vào một buổi sáng, lúc sao mai mọc, Bụt đã thành đạo.

Nhìn sao mai vừa mọc, Ngài giác ngộ, và mỉm cười.

Đó là một giây phút đẹp như một huyền thoại.

Những sự việc xảy ra tuy có thật, nhưng đẹp đến nỗi ta không thể diễn tả được.

Ta chỉ biết nói: mỗi giây phút trong đời sống của Bụt là một huyền sử.

Ngồi trên núi Thứu, ăn cơm với các đệ tử, leo lên núi, đi xuống núi, từng bước chân, tất cả những giây phút đó đều tràn đầy an lạc và hạnh phúc.

Mục đích của sự tu học là để sống được những giây phút như vậy.

Chúng ta hãy sống như thế nào để mỗi giây phút của đời ta trở nên một giây phút linh diệu.

Cho con cháu sau này nghĩ tới sẽ tự hào về cha ông.

Những điều kiện của hạnh phúc, của giác ngộ, của thương yêu có sẵn bây giờ và ở đây.

Ta làm thế nào để tiếp xúc, để sống an lạc ngay, đừng đợi mười năm sau, đừng đợi phải nghiên cứu hết cả ba tạng giáo lý của đạo Bụt rồi mới bắt đầu.Năm 1968, tôi được leo núi Linh Thứu với thầy Maha Gosananda, sư cô Chân Không, thầy Thế Tịnh và một số người khác.

Lên đến đỉnh núi Thứu, chúng tôi chỉ ngồi xuống mà thôi, ngồi cho đến khi mặt trời lặn.

Và cũng chỉ muốn lặp lại những gì mà ngày xưa Bụt đã từng làm.

Lên núi Thứu chúng tôi không đọc Kinh, không pháp đàm, chúng tôi chỉ ngồi xuống thôi.

Ngày xưa Bụt đã ngồi ở đó, và bây giờ ta cũng chỉ muốn ngồi ở đó.

Đột nhiên nhìn về phương Tây, tôi thấy mặt trời huy hoàng đang lặn.

Chưa bao giờ tôi thấy mặt trời lặn đẹp như vậy.

Tự nhiên tôi ý thức được tôi đang nhìn mặt trời bằng con mắt của Bụt ngày xưa.

Ngày xưa Bụt đã từng ngồi nhìn mặt trời lặn.

Bao nhiêu năm tháng đã trôi qua.

Chiều nay mình cũng ngồi như thế, cũng nhìn như thế.

Không có gì khác.

Đức Thế Tôn đã ngồi nhìn mặt trời lặn.

Ta sống lại giây phút huyền sử ấy bằng cái nhìn của ta.

Khi xuống núi, chúng tôi cũng đi từng bước ý thức.

Không ai nói với ai một lời nào.

Trong tâm không lo lắng, không gợn một chút buồn phiền hoặc chút giận hờn.


Đó là những điều mà hôm nay chúng ta có thể làm được.

Bắt đầu từ ngày đó trở về sau, đi đâu tôi cũng đi theo kiểu thiền hành.

Tôi đã hướng dẫn những đoàn người hai chục người, năm chục người, một trăm người, hai ngàn người ở Âu Châu, Mỹ Châu, Á Châu, Úc châu, đi những bước thảnh thơi như Bụt đã đi.Đi như thế nào, ngồi như thế nào, ăn như thế nào để mỗi giây phút của đời sống ta có thể trở thành huyền sử.

Ngày các sư cô Chân Đức, Chân Không và Chân Vị thọ giới trên núi Thứu, chúng tôi cũng đã thực tập ngồi yên trên ấy.

Chúng tôi đã bắt đầu leo lên núi Thứu từ lúc bốn giờ sáng để kịp chứng kiến giờ phút mặt trời mọc.

Chúng tôi nghĩ nếu mặt trời lặn trên núi Thứu đẹp, thì mặt trời mọc trên núi Thứu cũng rất đẹp.

Thầy trò leo núi rất sớm, có một ông cảnh sát được mời đi thiền hành với chúng tôi cho có thêm an ninh.

Quả nhiên là mặt trời mọc trên ấy cũng đẹp không thua gì mặt trời lặn.Ta phải biết rằng mặt trời ở đâu cũng đẹp như mặt trời trên núi Linh Thứu.

Mặt trời ở bên Úc, ở bên Hoa Kỳ, ở Âu Châu, ở Á Châu đều đẹp.

Chúng ta có con mắt nào để nhìn mặt trời hay không, có hai chân nào để tiếp xúc với mặt đất hay không? Tại Làng Mai có những buổi sáng và buổi chiều tuyệt đẹp.

Những ngày có sương rất đẹp, những ngày không có sương cũng đẹp.

Trời mưa hay nắng đều đẹp.

Cây ‘‘bồ đề’’ trước thiền đường Chuyển Hóa, mùa xuân, mùa Hạ, mùa đông hay mùa thu gì đều đẹp.

Chúng ta chỉ cần nhìn cây với một chút chánh niệm, là đã có thể tiếp xúc được với cái đẹp ấy.Hạnh phúc ở trong taNhững mầu nhiệm của sự sống đang được biểu hiện trước mắt ta trong mỗi phút mỗi giây.

Chính bản thân ta là một mầu nhiệm.

Chính người bạn tu sống bên ta cũng là một mầu nhiệm.

Không có gì ngăn cản chúng ta tiếp xúc với sự sống trong những giây phút hiện tại để biến chúng ta thành những trang huyền sử.

Những điều Bụt dạy ta hết sức đơn giản.

Những bài thiền tập có hướng dẫn nằm ở trong tầm tay mọi người, ai cũng có thể thực tập được cả.

Bài kệ học hôm nay, ta chỉ cần thực tập trong vài phút là đã thấy mình khỏe hơn, nhẹ hơn và có thể đạt đến hạnh phúc lớn và sâu.

Có câu chuyện những người đi lên núi châu báu, chân đạp lên trên châu báu, nhưng đến khi ra về thì không mang được một hạt ngọc nào về.

Chúng ta có thể cũng giống những người ấy vậy.

Chúng ta đã có cơ hội gặp được Pháp bảo, gặp được Bụt, Pháp và Tăng, đã có rất nhiều điều kiện để hạnh phúc nhưng chúng ta không có khả năng sống cái hạnh phúc đó.

Chúng ta tiếp tục làm nô lệ cho quá khứ, cho tương lai.

Chúng ta nghĩ hạnh phúc chỉ có thể đạt tới khi nào xung quanh có sự thay đổi, sau khi mọi người thay đổi.

Ta không ngờ rằng hạnh phúc ở ngay trong trái tim.

Tu hành cũng như là đào giếng.

Nếu chúng ta đào xuống và gặp được mạch nước thì tự nhiên nước ngọt trào ra.

Mạch nước ngọt đó nằm ở ngay trong tâm chúng ta.

Nguồn suối chánh niệm đó lưu nhuận ở trong tâm, do Bụt và tổ tiên truyền lại.

Chúng ta chỉ cần đào sâu thêm một chút là dòng nước ngọt sẽ phun lên.

Ta không cần phải đợi tới lúc chuyển hóa tất cả những buồn đau và lo sợ rồi mới có an lạc.Thời đại của chúng ta là thời đại trong đó mọi người có nhiều lo lắng và sợ hãi.

Chúng ta đã được đào tạo và huấn luyện để sống trong lo lắng.

Chúng ta lo lắng nhiều quá, đến nỗi đã mất đi khả năng an trú trong hiện tại.

Người nào cũng tên là Lê Thị Lo, người nào cũng tên là Nguyễn Văn Sợ.

Chứng bệnh của thời đại là lo lắng và sợ hãi.

Sở dĩ lo lắng và sợ hãi nhiều quá cũng chỉ vì chúng ta quen sống phiêu lãng trong tương lai nhiều quá.

Chúng ta cảm thấy bất an, đi không yên, đứng cũng không yên và khi nằm ngủ lại sợ ngủ không được.

Đi học sợ không học giỏi.

Ngồi thiền cũng sợ ngồi thiền không thông suốt.

Cái lo và cái sợ trấn ngự tâm ta.Cho nên chúng ta cần phải học pháp môn Bụt dạy.

Nếu anh trở về được với giây phút hiện tại và an trú được trong giây phút hiện tại thì anh không còn cần gì nữa mà phải lo.

Sang ngày mai, anh đâu có thể làm gì được thêm để cho hôm nay có nhiều hạnh phúc hơn đâu? Trong khi đó thì trong giây phút này anh thở vào được, anh thở ra được, anh mỉm cười được.

Anh có đủ tất cả những điều kiện để tạo ra hạnh phúc.

Người ngăn cản không cho anh hạnh phúc chính là anh.

Khi anh chùi nồi, hay cưa củi hoặc đốt lò, tại sao anh không có hạnh phúc? Tại vì anh cứ nghĩ rằng chùi nồi như vậy cốt để làm một cái gì đó, cưa củi như vậy cũng là để làm một cái gì đó.

Anh không thấy rằng cưa củi trước hết là để cưa củi, được làm việc cưa củi thôi cũng đã là hạnh phúc rồi.

Học kinh cũng như cưa củi.

Khi ta biết làm trong chánh niệm thì cái nào cũng mang lại an lạc như nhau.

Học chữ Nho, tiếng Pali, tiếng Phạn làm gì, trong khi một bước chân hoặc một hớp trà cũng có thể tạo thành những giây phút huyền thoại?Trở về an lạc trong giây phút hiện tại, anh sẽ thấy giây phút đó nuôi dưỡng và chuyển hóa anh.

Có được những giây phút như vậy là có an lạc và thanh tịnh.

Bí quyết của sự tu tập là mỗi ngày sống được những giây phút như vậy.

Đây là phương thuốc đối trị chứng bệnh thời đại của chúng ta, bệnh lo sợ.

Những chứng ưu uất (stress), những bệnh tâm thần của ta đều phát xuất từ áp lực của lo sợ.

Và sự lo sợ của những người khác lại thúc đẩy nỗi lo sợ của ta.

Thấy người ta lo, mình cũng sinh lo, mình không thể thản nhiên được.

Từ đó phát sinh ra một nỗi lo tập thể.

Thế giới chúng ta đang bị thiêu đốt bởi ngọn lửa của lo sợ, của bất an.Phương thuốc của Bụt hết sức mầu nhiệm: hãy buông bỏ hết tất cả những lo sợ ấy đi, dầu là lo lắng cho sinh môi, cho tương lai thế giới, cho nạn nhân mãn.

Hãy trở về, tự nuôi dưỡng bằng sự sống trong giây phút hiện tại.

Rồi anh sẽ thấy anh làm được gì để chuyển hóa tình trạng.

Lo lắng suông đâu có ích lợi gì mà chỉ làm bặng hoại thêm tình trạng.

Vô ưu và quán chiếu là phương thuốc trị liệu cho anh và thời đại của anh..


Truyện đánh dấu

Nhấn để xem...

Truyện đang đọc

Nhấn để xem...
Nhấn Mở Bình Luận
Quảng Cáo: Coin Cua Tui