Chương 10
Bác làm vườn bị sốc khi thấy ông chủ đứng ở ngay ngưỡng cửa. Điều đó cũng dễ hiểu thôi. Nếu ông Bennett nhớ không lầm, mà thường thì ông không hay lầm, lần cuối cùng ông trực tiếp nói chuyện với bác Esteban Jaramillo là vào năm 1998, khi Câu lạc bộ làm vườn Newport muốn đưa khu địa ốc nhà ông vào danh sách tour tham quan nhà vườn hàng năm. Theo như ông nhớ thì chủ đề của cuộc họp năm ấy là phương pháp cắt tỉa cho cây trưởng thành và rải mùn chăm bón cho cây non. Tuy nhiên đấy không phải mục đích ông đến đây hôm nay.
Sau giây lát ngạc nhiên chỉ biết đứng trố mắt nhìn, bác Esteban gỡ bỏ mũ lưỡi trai và gạt mồ hôi trên trán. “Chào buổi sáng, thưa ông Cummings,” vừa nói bác vừa rời bàn làm việc chất đầy dụng cụ làm vườn và ngập ngừng đi ra cửa.
[ alobooks ]
Bennett chìa tay cho người làm công và cố gắng cười thật tự nhiên.
“Thưa, vườn tược hồi này có gì không vừa ý ông chăng?” bác Esteban chùi bàn tay lên chiếc quần jean lấm lem trước khi nắm lấy bàn tay ông chủ.
Ông Bennett nhận thấy cuộc viếng thăm của ông hôm nay khiến bác làm vườn căng thẳng vì cho rằng chắc mình làm lỗi. “Ồ không. Không có gì sai cả đâu anh Esteban à. Có thể nói mọi thứ đều rất tuyệt vời.” Ông nhìn quanh tòa nhà được sắp xếp tỉ mỉ gọn gàng, mang tên gọi mỹ miều là “kho chứa chậu hoa.” Trên thực tế, căn nhà hai tầng này rộng gấp đôi một ngôi nhà bình thường, và bao gồm một nhà kính ươm cây, hai căn hộ một phòng và một garage sáu chỗ đậu cất giữ mọi dụng cụ và máy móc, từ máy xúc, xe kéo chở đất đến máy xén cỏ, máy xới và máy nghiền gốc cây to.
“Tôi...” bác Esteban lo sợ nuốt khan. “Chúng tôi... Carmelita và tôi... có nghe tin về cô Margot và xin chia buồn với gia đình.”
Ông Bennett ưỡn thẳng hai vai và nghiêm nghị gật đầu. Dù hiếm khi dành thời gian tìm hiểu xem người làm công ăn lương nghĩ gì về bản thân ông và gia đình ông, ông Bennett vẫn cho rằng trong suốt những năm tháng qua, họ dõi theo từng bước đi của gia đình ông bằng sự coi thường và nỗi khiếp sợ. Người giàu luôn là dấu hỏi lớn đối với những người làm công ăn lương cho họ.
“Cảm ơn anh.” Ông Bennett hắng giọng. Thực lòng thì, ông ngượng ngập không kém gì bác Esteban. “Còn gia đình anh dạo này thế nào?”
“Ồ!” Mắt bác làm vườn sáng lên. “Chúng tôi rất ổn, thưa ông Cummings. Cảm ơn ông đã hỏi thăm ạ. Rodrigo, cháu lớn nhà tôi đang học năm thứ hai trường Nghệ thuật thiết kế Rhode Island. Từ đầu đến giờ, cháu toàn đạt điểm A thôi, thưa ông.”
“Giỏi quá,” dù chẳng biết mặt ngang mũi dọc của Rodrigo ra sao, nhưng ông Bennett cũng thầm tự hào vì con người làm vườn nhà ông đang theo học một trong những trường mỹ thuật danh giá nhất Hoa kỳ. “Thế cháu học ngành gì vậy?”
Bác Esteban còn ngạc nhiên hơn cả lúc nãy. Rõ ràng, bác mỗi lúc càng thêm nghi ngại về cuộc nói chuyện này, vì Bennett chẳng quan tâm quái gì đến bác, hay vợ hay con bác, trong suốt hơn hai thập kỷ bác làm việc cho nhà ông ta.
“Thiết kế phim hoạt hình bằng vi tính ạ,” bác Esteban ngượng nghịu chuyển chân này sang chân kia, thế rồi bác nhún vai. “À... là làm phim hoạt hình ấy mà.”
“À phải. Thú vị thật.” Bennett lại hắng giọng. “Anh Esteban này, ta nói chuyện một lát có được không? Tôi có một đề xuất cho anh đây. Có thể nghe ra khá lạ lẫm, nhưng tôi hy vọng chúng ta sẽ cùng thỏa thuận ổn thỏa.”
Bác Esteban nheo mắt, đút nón lưỡi trai vào túi quần và khoát tay mời ông Bennett ngồi xuống bên chiếc bàn gỗ dài kê trong phòng chính của nhà kho. Ông Bennett hình dung đây là nơi đám người làm công trong nhà ông thường ngồi ăn bánh ngô và những đồ ăn dân dã khác vào bữa trưa.
Đội trưởng đội làm vườn của ông Bennett ngồi đối diện với ông chủ, và Bennett để ý thấy khung cảnh thay đổi đã tạo ra một không gian thanh thản giữa hai người đàn ông, điều này làm ông thấy thú vị.
“Anh Esteban này, tôi đánh giá cao thời gian và công sức của anh.”
Người làm vườn buồn xo và dựa hẳn lưng vào ghế. “Vậy là ông chủ muốn đuổi việc tôi.”
“Ồ không, không!” Bennett phá lên cười gượng gạo. “Tất nhiên là không phải thế.”
Esteban chống hai bàn tay xòe rộng trên mặt bàn, nét mặt bác mất hẳn vẻ thân thiện ban đầu. “Thưa, nếu vậy ông muốn tôi làm gì thế, ông Cummings?”
Ông Bennett hít một hơi thật sâu. Trong bao năm lăn lộn trên thương trường, ông chưa bao giờ đánh giá thấp đối thủ và sự cẩn trọng ấy giúp ông gặt hái nhiều thành công. Ông có cảm giác rằng ông cũng phải cẩn trọng không kém trong cuộc giao kèo nho nhỏ với bác làm vườn Esteban Jaramillo sáng nay.
“Anh Esteban, tôi muốn mua xe hơi của anh.”
Trong một giây, mặt bác làm vườn ngây ra. Rồi sau đấy khuôn mặt ấy sáng bừng lên vì buồn cười và bác phá lên cười. “Chiếc Buick ấy à?”
“Phải.”
“Nhưng...” Bác thôi không cười nữa. “Thưa ông Cummings, tôi chưa bao giờ nghĩ đến chuyện bán xe. Tôi và Carmelita vẫn cần đến nó bởi tôi đã cho cháu Rodrigo chiếc Jeep để cháu đi học rồi.”
Ông Bennett phẩy tay ra hiệu ông không muốn nghe chi tiết dài dòng. “Anh sẽ không bị để không có phương tiện di chuyển đâu.” Ông cho tay vào túi trong của áo khoác thể thao đang mặc và lấy ra một xấp giấy tờ gấp cẩn thận. “Đây là giấy tờ chứng minh quyền sở hữu chiếc Escalade đời 2009 của tôi. Đã được đứng tên anh.”
Esteban cứng họng. Bác chớp chớp mắt. Hai vai bác căng cứng. “Tại sao chứ?”
Ông Bennett đẩy tờ giấy chứng nhận quyền sở hữu về phía người làm vườn. “Tôi tặng anh chiếc Escalade vì tôi trân trọng công sức của anh suốt bao năm qua.”
“Chính xác là hai mươi sáu năm, thưa ông,” bác Esteban nhắc.
“Đúng vậy.”
“Rồi sau đấy tôi phải làm gì?”
“Anh cứ để chiếc Buick vào gian nhà kho thứ sáu rồi quên nó đi. Anh cũng không phải bận tâm là nó có còn đấy hay không nữa.”
Esteban lặng thinh. Bác cũng chưa chạm tay vào tờ giấy trên bàn. Hai mắt bác chăm chú nhìn ông chủ. “Chiếc Escalade cộng thêm mười ngàn đô la tiền mặt,” giọng người làm vườn đều đều. “Trini, con gái chúng tôi, sang năm sẽ vào đại học. Cháu đã được trường Princeton nhận vào. Số tiền ấy hẳn rất có ích.”
Ông Bennett chỉ muốn phá lên cười - dường như ai ai cũng khẩn trương, không ở mức độ này thì cũng ở mức độ khác, thậm chí cả những tên ở ngoài đây trong nhà kho các chậu hoa của chính ông. “Tôi sẽ đưa số tiền cho anh trong ba tiếng nữa. Giờ thì, nếu anh không phiền, tôi muốn có chìa khóa của chiếc Buick.”
Esteban rời chiếc ghế tựa giản dị và đến bên tấm bảng có nhiều móc treo chìa khóa ở gần cửa ra vào. Bác lấy một chìa treo ở móc đầu phía bên tay trái xuống rồi trở lại quẳng lên bàn. “Ông phải lắc lắc cần số khi ông gài số lùi đấy,” bác dặn.
Ông Bennett gật đầu.
“Với lại - tôi sẽ không giấu ông làm gì thưa ông Cummings - ông sẽ phải thay mới bình ắc qui đấy ạ.”
“Không thành vấn đề.”
Esteban nhìn xuống ông chủ rồi cười khẩy. Tay làm vườn cầm giấy tờ lên, xem lướt qua, đoạn chìa tay ra. Ông Bennett lục tìm chìa khóa xe mới trong túi quần. Khi trao chùm chìa khóa có dây đeo bằng bạch kim hoa văn cầu kỳ cho bác, ông Bennett thích thú nhìn gã này cười hớn hở dán mắt vào chùm chìa khóa mới.
“Tiền mặt chỉ sau hai tiếng, đúng không?” Esteban hỏi.
“Thực ra tôi có nói là ba tiếng.”
“Hai tiếng thôi.”
Ông Bennett chậc lưỡi. “Vậy sau hai tiếng nữa, một người tên là Milton sẽ đến gặp anh. ông ta là luật sư riêng của tôi.”
“Lúc ấy ông đã đi rồi ư?”
Ông Bennett đứng lên đáp trả cái nhìn chăm chú của tay làm vườn. “Tôi không được khỏe, Esteban ạ. Chắc tôi bị cúm. Tôi sẽ dưỡng bệnh khoảng hai tuần và sẽ không gặp ai hết.” Dứt lời, ông quay lưng đi ra cửa.
“Chúc ông chủ mau lành bệnh vậy.” Esteban chờ ông đi thêm vài bước nữa mới nói với theo. “Và thượng lộ bình an nhé.”
“Ôi, chắc lúc ấy em ngủ gật khi đang đọc sách,” Josie vừa nói thành tiếng khi chỉ có một mình, vừa vòng xe vào chỗ trống đầu tiên cô nhìn thấy trong bãi đậu xe của công viên Dolores. Không được. Cô không thích lấy cớ như vậy - nghe xấc xược quá.
“Thế ra buổi hẹn là tối hôm qua ư? Lạy Chúa tôi! Em cứ tưởng đến tuần sau mình mới đi uống cơ!” Không, cô cũng thấy cái cớ này nghe khinh miệt quá, như thể là cô có quá nhiều việc phải lo toan đến độ quên cả thời gian. Với lại, người sở hữu điện thoại iPhone không thể dùng cớ ấy được, khi mà chuông điện thoại được cài cứ sau mỗi mười lăm phút để nhớ gọi điện cho mẹ, hoặc nhớ tạt vào cửa hàng thực phẩm trên đường đi làm về, hoặc nhớ là kỳ kinh nguyệt của mình sẽ bắt đầu vào Chủ nhật thứ tư mỗi tháng.
Josie hắng giọng thử một cớ khác: “Mình hết sức xin lỗi. Đáng lẽ mình phải gọi điện báo cho mọi người mới phải. Mình nghĩ mình bị ngộ độc thực phẩm sau khi ăn mớ cà ôi.”
Nghe mà kinh. Với lại, không cần cái cớ ấy thì công thức chế biến cà của cô đã chịu đủ loại tiếng xấu rồi.
Josie thở dài, mở cửa chiếc Honda CR-V và vòng xuống ghế sau bế con Genghis, hy vọng một cái cớ hoàn hảo sẽ tự động nảy đến với cô. Khi nhìn thấy chị Bea và Ginger đứng chờ sẵn trên đỉnh đồi, cô lại cầu tài ứng biến của mình phải xuất hiện ngay không chậm trễ.
“Thiệt nực cười,” Josie tự mình lẩm bẩm, gom dây dắt chó lại. Thôi cô cứ việc nói cho mọi người nghe sự thật cho rồi. Dĩ nhiên mọi người sẽ thấy tổn thương và giận dữ, nhưng rồi sẽ qua cả thôi. Rốt cuộc thì các bạn của cô phải thấy vui cho cô chứ.
Bất thình lình, Roxie đã đến sát bên cô, cùng cô bước lên đồi. Genghis cố sán lại hít ngửi thân thiện Lilith nhưng cô nàng đanh đá bị rọ mõm lại gầm gừ.
“Chào buổi sáng nha Rox. Khỏe không em?”
Chẳng có tiếng trả lời. Josie chăm chú nhìn kỹ gương mặt cô bạn, tuy nhiên khả năng lấy thông tin của cô giảm sút đáng kể bởi cặp kính mát to tướng che gần hết mặt Roxie.
“Rox à? Em không sao chứ?”
Đến lúc ấy, Ginger và chị Bea đã trên đỉnh đồi đi xuống gặp nhau ngay lưng chừng đồi. Bằng một tay run rẩy, Roxie giằng mắt kính xuống như muốn nói với các bạn rằng, không, mọi chuyện tất nhiên là không ổn.
“Tòa soạn sẽ đuổi việc em,” Roxie bảo, môi run run như chực khóc.
“Hả?” Ginger đặt tay lên tay Roxie. “Nhưng tại sao mới được chứ? Thật lố bịch hết sức! Em là một trong những phóng viên giỏi nhất của tòa soạn kia mà. Chẳng lẽ cơ quan mình đang có đợt sa thải hàng loạt nhân viên ư?”
Roxie lắc đầu. “Tối qua Keeny gọi điện đến nhà em. Lần này chỉ mình em bị cho thôi việc. Ngoài ra không còn ai khác.” Cô sụt sịt. “Hình như trong ban giám đốc lại có người phàn nàn về website của em.”
“Em đừng để ý cái tay nhỏ nhen đó làm gì,” Bea khuyên nhủ.
Roxie lắc đầu, nghẹn ngào nuốt nước mắt vào trong. “Keeny là trưởng phòng tin tức địa phương, Bea ạ - là sếp của em đấy. Mà tối qua anh ta cực kỳ nghiêm túc. Thực ra Keeny đã cảnh báo em một lần rồi mà em còn dám quát lại anh ta nữa chứ.”
Josie quá đỗi ngạc nhiên. “Thật à? Khi nào vậy?”
Roxie nhún vai. “Tháng trước ạ. Hôm ấy, anh Keeny nói ban giám đốc cho rằng trang web của em ‘làm nguy hại đến danh tiếng của báo’ hay ba cái lý do vớ vẩn đại ý thế, với lại quan trọng hơn là, họ nghĩ rằng em đã là vi phạm hợp đồng.”
“Vi phạm thế nào mới được?” Ginger hỏi.
“Thì... đại loại là nhân viên tòa soạn phải hứa là không làm việc cho cơ quan truyền thông đối thủ, và họ cho rằng em đang làm cái việc ấy.”
Bea bật cười. “Nếu chị nhớ không lầm thì lần cuối cùng coi qua trang ấy, trang này có phải là loại báo ra hàng ngày có bán ngoài sạp báo đâu nhỉ.”
Ginger đồng tình. “Tất cả những gì em làm là cung cấp những bằng chứng không thể chối cãi rằng đàn ông là lũ lợn bẩn thỉu, không chỉ ở Mỹ mà trên toàn thế giới. Em đang cung cấp một dịch vụ phục vụ cộng đồng hết sức quan trọng.”
Roxie sụt sịt. “Vâng, phải rồi, cảm ơn. Tiếc thay, ban giám đốc không nhìn nhận sự việc theo hướng đó. Tháng trước họ đã yêu cầu em xóa bỏ trang web ấy, em hứa sẽ làm, nhưng rõ ràng là em không làm. Vậy nên em phải họp với họ thứ Tư tới vào lúc mười giờ đấy.”
“Chắc cái kiểu bọn họ là làm cho em sợ vã mồ hôi trong cả tuần ấy mà,” Bea lắc đầu. “Để chị đến tòa soạn dò la xem có biết thêm được gì không - biết đâu họ chỉ dọa em mà thôi.”
“Chắc vậy, cảm ơn chị nhé,” Roxanne vừa nói vừa nhìn khắp lượt gương mặt ba người bạn. Khi nhìn đến Josie, cô hơi ngẩng cao đầu và thoáng nhíu mày như đang thắc mắc điều gì.
Josie thấy đây là cơ hội cho mình mở lời. “Mọi người ơi, nghe này, em có chuyện này muốn nói...”
Truyện đánh dấu
Nhấn để xem...Truyện đang đọc
Nhấn để xem...