Khai Thị Quyển 3- Hòa Thượng Tuyên Hóa


Trong Phật giáo có hiển giáo và mật giáo.

Hiển giáo tức là giáo lý minh hiển, ai có tâm Bồ-tát, tu đạo vô thượng đều có thể thành Phật.

Mật giáo là giáo lý bí mật, nói cho anh thì tôi không biết, nói cho tôi thì anh không biết, anh và tôi không biết nhau.

Hiển giáo chủ trương minh tâm kiến tánh, mật giáo chủ trương tức thân thành Phật.

Nói chung, kiếp trước chúng ta đã từng gieo căn lành nên kiếp này mới có cơ hội tu học Phật pháp.

Kiếp này tinh tấn tu hành, hy vọng kiếp sau sẽ đạt thành lời nguyện.Trong hiển giáo có chia ra Ðại thừa và Tiểu thừa.

Tiểu thừa cũng gọi là Nhị thừa, tức Thanh văn thừa và Duyên giác thừa.

Ðại thừa là Bồ-tát thừa.

Nay xin giới thiệu tóm tắt các pháp của ba thừa để quý vị mới tu học tham khảo.I.

Pháp Tứ đế của hàng La-hán.Thanh văn, hai chữ này nghĩa là nghe lời thuyết giảng của Ðức Thích-ca về pháp Tứ đế mà ngộ đạo (thanh là thanh âm, văn là nghe).

Thanh văn hay quả A-la-hán, gồm bốn quả vị.

Thứ nhất là sơ quả a-la-hán, quả này đã đoạn trừ kiến hoặc của tam giới, nhập vào "giòng pháp tánh của thánh nhân, nghịch với giòng lục trần của phàm phu;" quả này còn phải chịu bẩy lần sanh tử nữa.Quả thứ nhì a-la-hán thì đã đoạn trừ kiến hoặc của tam giới, cũng đoạn trừ luôn sáu phẩm đầu về tư hoặc của tam giới.

Quả này phải chịu hai lần sanh tử nữa, một lần sanh ở tầng trời, một lần ở thế gian.Quả thứ ba a-la-hán thì đoạn trừ được ba phẩm sau về tư hoặc của dục giới, và hãy còn một lần sanh tử nữa, nhưng không sanh vào tầng dục giới mà sanh vào các tầng sắc giới hay vô sắc giới.Quả thứ tư a-la-hán thì đoạn trừ hết tám mươi mốt phẩm tư hoặc của tam giới, không còn bị sanh tử nữa; nói cho đúng là không bị phân đoạn sanh tử, nhưng vẫn còn trong biến dịch sanh tử.Hàng Thanh văn tuy gọi là ngộ đạo, nhưng ngộ đạo cũng có loại nông sâu khác nhau, có loại rốt ráo có loại không rốt ráo, nghĩa là trình độ không đồng đều.

Pháp tu của hàng Thanh văn là khổ, tập, diệt, đạo.

Quán về khổ thì hết thảy là khổ.

Khổ chia ra tam khổ và bát khổ.

Pháp tu của họ là đoạn tập, mộ diệt, tu đạo (đoạn tập khí, mến mộ Niết-bàn và tu đạo).

Ba yếu tố này liên quan mật thiết với nhau, như khổ thì sanh ra phiền não và có phiền não thì phải đoạn trừ.

Ðoạn trừ như thế nào? Phải đoạn trừ kiến hoặc, tư hoặc và các phiền não lâu nay tích tụ lại.

Phải hâm mộ pháp Niếtbàn, tức bốn tánh của nó là Thường, Lạc, Ngã, Tịnh (Niết-bàn tứ đức).

Từ bến sanh tử qua giòng phiền não để đến bờ bên kia, là cả một quá trình tu tập ba mươi bẩy phẩm đạo mới thành công được.

Trong các pháp này có bát chánh đạo, gồm: chánh kiến, chánh tư duy, chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng, chánh tinh tấn,chánh niệm, chánh định,Những pháp này chung cho cả Ðại Tiểu thừa.II.

Pháp quán Thập nhị nhân duyên của Bích-chi Phật.Bích-chi Phật có hai loại là Ðộc giác và Duyên giác.

Khi Phật không xuất thế, có người tự mình giác ngộ, tại nơi hang sâu núi thẳm ngồi tĩnh tọa, xem hoa nở mùa xuân, thấy lá vàng rơi mùa thu mà ngộ đạo, loại này gọi là Ðộc giác.

Khi có Phật xuất thế, có người quán Thập nhị nhân duyên mà giác ngộ, thì loại này gọi là Duyên giác.

Ðầu tiên là quán vô minh.

Vô minh là gì? Là không sáng suốt một thứ gì, nói cho văn vẻ một chút là ngu si, còn nói thẳng ra chính gốc nó là tâm dâm dục, cái tâm khiến cho con trai cầu con gái, con gái cầu con trai.

Hỏi anh, hỏi chị tại sao muốn như vậy, thì, hoặc đáp rằng tôi thấy cô ấy xinh đẹp, hoặc đáp anh ấy đẹp trai.

Lại hỏi tại sao yêu cô (anh) ấy, cái dễ thương của cô (anh) ấy ở chỗ nào? Hỏi tới hỏi lui, chị hay anh đều không biết.

Ðã không biết mà còn cứ chạy theo, đó chính là vô minh, một sự kỳ quái, chẳng ai hiểu nổi.

Không ai hiểu nổi mà sao vẫn phải chui đầu vào.

Tại sao vậy? Bởi vì con người vì sắc dục mà sanh ra đời, do đó cũng phải chết vì sắc dục, đúng với câu nói:Sanh ngã chi môn tử ngã hộ Kỷ cá tô tinh kỷ cá ngộ ?Dạ lai thiết hán tự tư lươngThành Phật tố Tổ do nhân tố.Dịch nghĩa là: Cửa mà ta vào đời cũng là cửa ta ra khỏi cuộc đời, mấy ai sống tỉnh, mấy ai ngộ? Kẻ hảo hán đêm nằm suy nghĩ; thành Phật hay làm Tổ sư cũng là người cả (người làm nên).Phật hay Tổ sư cũng từ người tu tập mà thành.

Ai sanh ra như thế nào, thì chết cũng như vậy.

Chẳng nguyện cắt đứt luân hồi, chẳng nguyện dứt đường sanh tử, mà ngược lại, nguyện thuận theo giòng đời mà lưu chuyển, chẳng nguyện đi ngược dòng sanh tử, bởi vậy mới có vô minh.Sau vô minh thì đến hành vi.

Hành vi gì? Là hành vi thuộc về tính nam và nữ.

Bởi không sáng suốt nên tạo nghiệp, rồi điên đảo.

Từ sự điên đảo nên phát sanh ra hành vi, hành vi phát ra rồi bèn có thức.

Có thức rồi (cùng tinh cha huyết mẹ tạo thành thai nhi) thì có danh, sắc (danh thuộc tâm lý, sắc thuộc sinh lý).

Sau danh sắc có lục nhập (mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý).

Có đủ sáu căn, sau mười tháng thì ra đời, và từ lúc này có xúc - cảm giác của sự tiếp xúc, biết phân biệt lạnh, nóng, cứng, mềm.

Cảm xúc gây ra tác dụng lãnh thọ, và lãnh thọ trong thuận cảnh làm thành khoái lạc, nếu nghịch cảnh thì gây thành thống khổ, như vậy tùy lúc, tùy trường hợp mà có cảm tình yêu ghét.

Có tâm lãnh thọ rồi sẽ có tâm ái.

Có ái thì ắt có tâm riêng tư chiếm hữu cho mình.


Con người tham luyến của cải, nữ sắc, mới có dục vọng.

Có tâm ái tức sẽ kiếm mọi phương cách để lấy về (thủ), làm của riêng, tức là hữu.

Vì mục đích phải đạt cho được nên có khuynh hướng không từ bỏ bất cứ phương tiện nào, do đó mà tạo thành ba nghiệp không thanh tịnh, tức là các nghiệp về thân, khẩu và ý.Bởi tạo nghiệp nên có quả thọ sanh kiếp sau, rồi lại tới lão, tử và chúng sanh cứ như thế mà tiếp tục lưu chuyển không thể dứt, không cách gì ra khỏi vòng sanh tử luân hồi.

Muốn vượt qua sanh tử, đầu tiên phải đoạn trừ vô minh.

Giải quyết được vô minh thì không còn cái gì để sanh ra mười một nhân duyên sau nữa, đó là phương pháp chân chánh để đoạn trừ sanh tử.Người tu hành phải đoạn trừ ái và dục, mới có thể giải quyết chuyện sanh tử của mình, nếu không, tu cho hết các kiếp vị lai cũng không giải thoát được.

Phá cái gốc vô minh đi, thì đoạn trừ được dâm dục, lúc đó không còn dục vọng, không còn phiền não, đó là giải thoát.Xuyên qua pháp Ðộc giác, người tu đạo phải sống cô độc, không nên có bằng hữu, kết bè đảng.

Có câu nói: "Quét hết mọi pháp, ly hết mọi tướng," phá trừ hết thảy mọi thứ chấp trước, mới có thể giải thoát được.

Nếu đi tu mà còn sợ cô độc, thì chưa tu được.

Tu đạo phải tự mình đứng lên, không theo mọi người, đó mới là bản sắc của người tu.Người tu phải nhớ cho kỹ, không thể hòa mình với các phần tử ô nhiễm, để vàng thau lẫn lộn, cái đó chỉ khiến cho mình bị đọa.

Người tu cũng phải tự mình giải quyết cho mình, ai ăn người ấy no, chớ không thể nhờ cậy vào người khác.

Lẽ dĩ nhiên, người tu cũng cần có thiện tri thức khai sáng cho, dẫn cho ta vào đường ngay, nếu không thì người mù dẫn người mù, không tìm ra lối.Người tu đạo phải biết nhẫn những điều khó nhẫn, nhường kẻ khác những gì người khác không nhường được, ăn những thứ người khác không ăn được, mặc những thứ người khác không muốn mặc, nói tóm lại người tu phải ráng chịu đựng những gì người khác không chịu nổi.

Người tu phải giữ giới, giữ quy củ, nếu chẳng như vậy chẳng phải là người tu.III.

Pháp tu Lục độ của hàng Bồ-tát.Chữ Bồ-tát là tiếng Phạn, nói cho đủ là Bồ-đề tát-đỏa, dịch nghĩa là giác hữu tình hay hữu tình giác.

Giác là giác ngộ, hữu tình là chúng sanh; vậy danh từ trên có nghĩa là giác ngộ hết thảy chúng sanh hữu tình, và còn nghĩa nữa là một vị giác ngộ trong số hữu tình.

Chúng sanh hữu tình đạt được giác ngộ, rồi dùng trí huệ giác ngộ độ hết thảy chúng sanh đi đến giác ngộ và đây cũng là nghĩa của hữu tình giác.Bồ-tát là tự lợi lợi tha, tự độ độ tha, tự giác giác tha, nghĩa là lợi mình lợi người, độ mình độ người, giác ngộ cho mình giác ngộ cho người.

Mình đã được sáng suốt, lại dẫn người khác sáng suốt, mình đã được giải thoát, lại nguyện dẫn người khác đến giải thoát.

Ðó là tinh thần Bồ Tát.

Tâm lượng của Bồ-tát thì rộng mở, không giống như tâm tưởng của hàng A-la-hán, như trong câu: "Ma-ha-tát bất quản tha, Di-đà Phật các cố các," Ma-ha-tát cũng mặc, Di-đà Phật cũng mặc.

Tâm tưởng của Bồ-tát là từ bi, "vô duyên đại từ, đồng thể đại bi," một lòng lo cho chúng sanh, không nhàm chán lo sao hết thảy chúng sanh được an lạc lìa khổ ách.Bất kể tu pháp môn nào, chúng ta cần phải dụng công một cách chân thật, đừng ham đi tắt, đi mau, để cố chọn cách nào cho hay, cho dễ, đó chỉ là những hành vi mánh lới.

Người tu cần phải tu thật sự, chớ không phải ngày nay tu, ngày mai nghỉ, không bao giờ thành tựu được gì, mà phải ngày ngày dụng công, ngày ngày cố gắng tinh tấn, mới hòng có được kết quả.

Nói cho ngay, ngày ngày dụng công, mà tiến bộ cũng chưa hẳn là được bảo đảm.

Người ta nói: "Tu đạo như đăng bách xích can, hạ lai dung dị thượng khứ nan," tu đạo giống như leo cái sào cao trăm thước, đi xuống thì dễ, lên mới khó.Thế nào gọi là lục độ ?Bố thí, trì giới,nhẫn nhục, tinh tấn, thiền định, trí huệ.Bố thí độ tham lận, trì giới độ phạm lỗi, nhẫn nhục độ giận hờn, tinh tấn độ lười biếng, thiền định độ tán loạn, trí huệ độ ngu si.

Phàm những ai phát Bồ-đề tâm, hành đạo Bồ-tát đều phải tu sáu pháp môn này; khi công đức viên mãn thì tới được bờ bên kia (đáo bỉ ngạn).1.

Bố thí: Lấy tiền tài và pháp cho người thì gọi là bố thí.

Bố thí có ba loại: một là tài thí, hai là pháp thí, ba là vô úy thí.

Tài thí còn chia ra nội tài và ngoại tài.

Nội tài là đầu, mắt, não, tủy.

Ngoại tài là thành trì, đất nước và vợ con.

Như thân thể của mình, bất cứ bộ phận nào trên thân này, đem ra cho những ai cần tới; đất nước của mình, vợ đẹp con khôn của mình, cũng mang ra bố thí cho người khác, nội tài cũng bỏ, ngoại tài cũng bỏ, như vậy gọi là chân bố thí.

Chân bố thí là bỏ những cái của mình mà tạo công đức lành, gọi là "tùy hỷ công đức," đó là tài thí.Pháp thí là đem Phật pháp bố thí, như giảng kinh thuyết pháp, in kinh, lưu hành kinh sách, phiên dịch kinh điển, những loại công đức như vậy.

Như chúng ta nếu không lười biếng cầu an, thì có thể lấy pháp bố thí.

Nếu không đủ sức lực về trí huệ thì chúng ta lấy sức lao động ra bố thí, như bỏ sức ra làm những việc giúp người khốn cùng, cái đó cũng coi là pháp thí.

Tóm lại, có tiền thì giúp tiền, có sức lực thì giúp đỡ bằng sức lực, để cống hiến một phần đóng góp của mình cho công cuộc phát triển chung của Phật giáo.Vô úy thí là giúp đỡ những ai đương trong trạng huống sợ hãi, hoặc bị hoàn cảnh bức bách, ăn ngủ không an.

Lúc đó điều cần thiết là làm sao giúp họ tìm ra con đường sáng, khiến cho họ thoát khỏi sự sợ hãi, có thể bằng những lời an ủi, hoặc bằng sự can thiệp để giải quyết thẳng vấn đề gây ra sợ hãi.Biết bố thí tức là không có lòng tham lận.Tham lận là keo bẩn, không dám xả bỏ một thứ gì.

Người ta nói: "Có xả thì lại có, không xả không có." Quý vị hãy coi trên thế giới bao nhiêu người giầu có, bao nhiêu tài phiệt, vì cớ gì họ có nhiều tiền như vậy? Bởi vì kiếp trước họ chịu bố thí, giúp đỡ kẻ khác trong cơn nghèo khó, nay công đức tích tụ lại nên trong kiếp hiện tại họ được hưởng sự giầu có.Lúc xưa, Tổ sư Ðại Ca-diếp, mỗi khi đi khất thực thường đến các nhà nghèo để hóa duyên.

Vì lý do gì vậy? Tổ sư cho biết: "Ðối với những người nghèo, cần phải dạy họ hạnh bố thí.

Cho họ cơ hội gieo ruộng phước (phước điền) để kiếp sau họ được hưởng quả báo giầu có." Tôn giả Tu-bồ-đề lại chuyên đến các nhà giàu để hóa duyên mỗi khi đi khất thực.

Tại sao? Lý do của Tôn giả như sau: "Ðối với người giầu, ta phải làm sao giúp họ tiếp tục gieo căn lành.

Nếu không thế, phước báo của họ sẽ giảm đi và kiếp sau sẽ chịu cảnh nghèo hèn.

Nếu họ vẫn cúng dường Tam bảo, thì phước báu của họ sẽ mãi mãi không hết." Hai vị Tôn giả vừa kể, mỗi người một ý khác nhau, thành mỗi người có một phương pháp riêng để giáo hóa chúng sanh.

Tóm lại, khi nào không có ý đồ gì cho mình tức là chân bố thí.2.

Trì giới: Người tu hành quyết phải nghiêm trì giới luật.

Giới là năm giới:Không sát sanh.


Người không sát sanh thì được quả báo về sự trường thọ, ít ốm đau.Không trộm cướp.

Quý vị không lấy trộm đồ của kẻ khác thì kẻ khác sẽ không lấy trộm đồ của quý vị.

Ðó là luật vay trả của nhân quả.Bồ-tát Văn-thù-sư-lợi có một đôi giầy, một hôm Bồ-tát nói với mọi người như sau: "Từ thời vô lượng kiếp, ta chưa từng lấy của ai một cọng cỏ, một cái cây, một cây kim, một sợi chỉ.

Cho nên, ta có thứ gì cũng chẳng ai đụng tới.

Nếu không tin, ta hãy để đôi giầy này ngoài cửa thành, trong ba ngày, nếu có ai lấy mất thì điều này sẽ chứng minh ta nói dối." Quả nhiên, ba ngày sau đó, đôi giầy vẫn còn y nguyên ngoài cửa thành.

Như vậy, chúng ta thấy sự trì giới trộm cướp của Bồ-tát thanh tịnh biết là dường nào!Không tà dâm.

Người tu hành không thể có niệm tà dâm, tức là ý tưởng dâm dục.

Nếu còn chút niệm dâm dục, thì quyết không bao giờ vượt khỏi tam giới, vẫn phải lưu chuyển hoài hoài trong luân hồi sanh tử, vì niệm dâm dục chính là gốc rễ của sanh tử.

Nếu đoạn trừ được nó, thì mới có thể ra khỏi tam giới mà chứng quả Phật.

Bởi vậy người tu hành nhất định phải dứt hết ý tưởng dâm dục.

Làm sao dứt được? Trước hết là không nên ăn những thứ giầu chất dinh dưỡng, bởi lý do bổn thân người tu không thiếu chất dinh dưỡng, cho nên không cần thâu nhập thêm dinh dưỡng nữa.

Ăn nhiều, lòng dục nhiều; chất bổ dưỡng nhiều, tức sanh những ý niệm dâm dục.

Muốn không có ý dâm thì phải tiết chế vấn đề ẩm thực, không ham ăn ngon, không ham ăn nhiều, phải luyện tập sao đủ duy trì sanh mạng là được rồi, đó là bí quyết của người tu.

Nếu không, chúng ta mang các món ngon gồm sơn hào hải vị để cúng cho cái đền thờ ngũ tạng, thì đây quả là cái họa dẫn tới phá giới về dâm dục.Không nói dối.

Không nói thì thôi, nếu nói ra thì phải nói những lời chân thật, tuyệt đối không nói dối gạt người.

Bất luận ở trong hoàn cảnh nào chúng ta cũng phải nói lời thật thà, thường xuyên kiểm soát lời nói của mình, để không nói dối.Không uống rượu.

Người tu hành không thể uống rượu (kể cả những loại độc dược, chất ma túy, thuốc hút).

Lý do là rượu có tác dụng làm mất lý trí, khiến cho người ta không kiểm soát được tình cảm, tạo ra những nghiệp điên đảo.

Thuốc độc hại cũng có tác dụng làm cho đầu óc mơ hồ, tức là mất chánh tri chánh kiến.

Ðó là sự tai hại của rượu và thuốc hút.Vạn Phật Thánh Thành là một nơi cống hiến nhiều phương tiện giúp người tu đạo.

Nếu không có tâm tham thì sẽ không có khổ.

Nếu không tranh, tranh danh, tranh lợi, tranh tài, tranh sắc, chẳng tranh thứ gì, thì sẽ không có phiền não.

Nếu không cầu, không cầu điều gì, thì sẽ không có vọng tưởng.

Dục vọng của con người không bao giờ dừng lại, càng cầu càng nhiều.

Nếu đạt được trình độ "không cầu không lo" thì an lạc biết chừng nào! như trong câu: "Nhân đáo vô cầu phẩm tự cao." Nếu không tự tư, lo cho riêng mình, thì bất cứ hành động gì cũng là lo cho người khác.

Nếu không tự tư, thì hết thảy mọi thứ đều hướng về lợi ích của người, không phải lợi ích cho mình, và dụng công như vậy để tu đạo thì tương lai sẽ chứng thành Phật quả.Quý vị phải theo các pháp đó mà dụng công tu hành! Ðừng bỏ gốc theo ngọn, chạy đi kiếm, nào diệu pháp nào mật pháp.

Càng tìm kiếm pháp càng xa, nghĩa là "bội đạo nhi trì," quay lưng với đạo mà chạy.

Pháp đương ở trước mắt mình, hà tất quý vị bỏ cái gần gũi chạy đi kiếm cái xa xôi? Nếu biết thì ngay đó, chỗ nào, lúc nào cũng là diệu pháp, cũng là mật pháp.

Nếu chẳng chịu tu, thì dù có kiếm đâu đâu cũng không có được chân pháp, chỉ phí thời giờ mà không mang lại điều gì hữu ích.Cổ đức nói:Nhân thân nan đắc kim dĩ đắcPhật pháp nan văn kim dĩ văn Thử thân bất hướng kim sinh độ Cách hướng hà sinh độ thử thân?Dịch nghĩa là:Thân người khó được nay đã được.Pháp Phật khó được nghe, nay được nghe.Kiếp này chẳng lo độ cho thân này.Vậy đến kiếp nào mới độ thân này?Nay chúng ta có được thân người, nếu không mượn thân này mà tu thì còn chờ tới khi nào nữa? Chờ tới khi mất kiếp mang thân người, lúc đó muốn tu thì đã muộn rồi.

Chúng ta phải tu thực sự, tu nghiêm chỉnh, với tất cả sự gắn bó thiết tha, tâm trạng phải khẩn trương như thể thân mình dưới đáy vực, như tâm tình của kẻ dò từng bước chân trên lớp băng mỏng.

Sanh tử chưa liễu thì đâu còn thời giờ cho sự lười biếng ngủ nghỉ; khi chưa khai ngộ thì bất cứ ai cũng không có quyền tùy tiện buông thả, bỏ hết quy củ.

Chẳng giữ giới luật tức là phản lại quy chế của Phật.

Khi sửa soạn vào Niết-bàn, Phật nói với các đệ tử như sau:"Sau khi ta nhập niết-bàn, tất cả đệ tử của ta phải lấy Ba-la-đề mộc-xoa (tức giới) làm thầy."Nếu không nghiêm trì giới luật thì làm gì có được sự thành tựu! Chúng ta quyết giữ tròn quy củ từng giờ từng khắc, không thể cười cười nói nói, tác phong không thể cẩu thả, càng không thể tùy tiện, bạ đâu làm đó, phải lấy giới là thầy của mình.Người đời tạo nên ác nghiệp chung quy vì không giữ giới.

Không giữ giới luật thì việc gì cũng không từ, chẳng sợ nhân quả, chẳng sợ báo ứng.

Thậm chí còn cho rằng nhân quả báo ứng là không có, nên tha hồ phóng túng làm điều càn rỡ, tạo nên nghiệp ác, như tùy tiện sát sanh, trộm cướp, tà dâm, nói dối, uống rượu, hết thảy đều không kiêng dè, tạo nên bao nhiêu nghiệp tội, rồi cuối cùng lãnh đủ quả báo.Tại sao người ta tạo nên nghiệp ác? Do sự dẫn dụ của xã hội trong lớp vỏ hào nháng bề ngoài.

Thấy người ta giầu sang, sống đời hưởng thụ, liền sanh lòng ham muốn tham lam.

Có biết đâu rằng sự phú quý đó là do sự tu tạo của người ta mà có, còn người tham thì chẳng chịu tu, không hề gieo căn lành, chỉ một lòng nghĩ quấy muốn được hưởng thụ.

Từ lòng ham muốn hưởng thụ nên chẳng từ một mánh lới nào để chiếm đoạt, do đó mà sanh ra nghiệp tội.

Khi đã gây nghiệp, thì chẳng những không được hưởng thứ gì mà còn lãnh đủ quả báo, thậm chí khi bị quả báo mà vẫn không biết hối lỗi.

Không có tâm hổ thẹn đã đành, còn đem lòng oán trời trách người, nói nào trời không công bằng, nào người không công bằng, đổ hết tội lỗi lên đầu người khác.

Những loại người như vậy, không biết phản tỉnh, không biết xét mình, thật đáng thương xót!Người trì giới thì "chư ác bất tác, chúng thiện phụng hành," còn người không trì giới thì đi ngược lại.


Thiện ác là ở chỗ đó.

Làm trái quy củ, gạt bỏ nhân quả, không tin Tam bảo, phá hoại Ðại thừa - đó là những nghiệp tội gây ra bởi sự không trì giới.

Xem như vậy thì ta thấy trì giới là quan trọng như thế nào.

Người tu hành, bất luận tu ra sao, nếu không trì giới, thì miễn bàn, vì như vậy không hy vọng thành đạo được.3.

Nhẫn nhục: Bất cứ lúc nào, tại bất cứ nơi nào, đều phải giữ hạnh nhẫn nhục.

Ðối với bất cứ ai, về bất cứ việc gì, đều phải nhẫn nại.

Nhẫn nhục nghĩa là không nóng giận, không sanh tâm phiền não.

Bất luận trong hoàn cảnh nào, phải giữ tâm không chấp trước và thuận với tự nhiên.Nhẫn có ba loại:Sanh nhẫn: Dù gặp thuận cảnh hay nghịch cảnh, bất cứ lúc nào cũng không động tâm.

Ðược như vậy nhờ có định lực.

Nếu đạt tới trình độ như như bất động, liễu liễu thường minh, thì công phu nhẫn nhục đã tới được trạng thái lô hỏa thuần thanh (lò lửa mà xanh rờn).Pháp nhẫn: Học Phật pháp thì phải có tâm nhẫn nại.

Không phải vừa nghe nói Phật pháp rất rộng mà đã than rằng Phật pháp rộng như biển, thì học đến đời nào mới xong? Rồi vì đó mà nản chí, pháp nào cũng không chịu học.

Thật ra, chẳng kể pháp môn nhiều hay ít, ta hãy nhẫn nại, cứ học dần dần.

"Pháp môn vô lượng thệ nguyện học," phải như vậy đó! Ðừng nghĩ rằng kinh điển có tới ba tạng mười hai phần kinh, pháp môn thì tính cả tám vạn bốn ngàn, rồi từ đó chẳng học pháp môn nào, bỏ luôn cơ hội để thành Phật.

Ðây là sự biểu hiện của tâm không có pháp nhẫn.

Ðúng ra phải có tinh thần như sau: Chẳng kể pháp môn có nhiều hay ít, có thể học được bao nhiêu thì học bấy nhiêu, có thể hiểu được chừng nào thì hiểu chừng ấy, phải hết sức mà theo, không làm một cách miễn cưỡng.

Không ai bảo ta phải học tập hết, không ai bảo ta phải hiểu hết, vậy có gì mà phải hãi sợ? Nếu chẳng học tập, bỏ pháp không thương tiếc để cam tâm đọa lạc thì thật là đáng tiếc lắm thay!Vô sanh pháp nhẫn: Không thấy có pháp sanh, không thấy có pháp diệt, trong tâm là nhẫn, đối cảnh vô tâm, đối pháp vô tâm, tức là chứng được vô sanh pháp nhẫn.

Pháp là chẳng sanh chẳng diệt, Phật là chẳng sanh chẳng diệt.

Chúng ta tu hành đến chỗ viên mãn, được giải thoát, tức là tới chỗ chẳng sanh chẳng diệt, do đó mà cần phải tu hạnh nhẫn nhục.

Pháp môn nhẫn nhục dùng để khảo nghiệm công phu nhẫn của ta ra sao.

Người tu đạo, không phải chỉ riêng có khả năng nhẫn, mà còn trong những trạng huống không thể nhẫn được, mà cũng nhẫn chịu được, đó mới gọi là chân nhẫn nại.4.

Tinh tấn: Nghĩa là không giải đãi, không lười biếng.

Người tu đạo phải thường xuyên tinh tấn, từng giờ từng khắc dụng công.

Ngày tinh tấn, đêm cũng tinh tấn, ngày đêm sáu thời đều tinh tấn.

Thân tinh tấn, tâm cũng tinh tấn, tuyệt đối không giải đãi, cũng không phải khi thì hăng hái khi thì chán nản.Người thế gian phần đông đều không có tinh thần tích cực, thường để lãng phí thời gian.

Mỗi cá nhân, từ sáng sớm, bắt đầu từ lúc ngủ dậy, đã tất tưởi ngược xuôi cho đến tối, cốt lo cho đủ ba bữa ăn.

Nếu chỉ có vậy thì giá trị cuộc sống chẳng có bao nhiêu, ý nghĩa cuộc sống cũng chẳng có gì, sống cũng như chết chẳng có gì phân biệt.

Ðúng là "hành thi tẩu nhục," chỉ là cái thây và đống thịt đi lại.

Quý vị hãy nghĩ thử! Chúng ta sống để làm gì? Ðể dùng trí huệ của chúng ta giúp đỡ những ai không có trí huệ; lấy sức của chúng ta giúp đỡ những ai không có sức; lấy sáu căn đầy đủ của chúng ta giúp đỡ những ai mà sáu căn không toàn vẹn.

Chúng ta không những phải thương các chúng sanh đồng loại, còn phải thương cả chúng sanh không cùng chủng loại.

Chúng ta sáng suốt trước, phải giáo hóa những ai không sáng suốt, để họ đừng làm chuyện hồ đồ.

Ðể phục vụ chúng sanh mà chúng ta sống ở đời.

Ôi! Tinh thần đó quả là vĩ đại!Tâm tinh tấn, để cầu Phật đạo; thân tinh tấn để cứu độ chúng sanh.

Người tu đạo phải tinh tấn như vậy đó! Còn như tinh tấn để tự tư, tinh tấn để tự lợi, thì không thể thành Phật đạo.

Quý vị hãy nhớ cho kỹ! Không thể tùy tiện để cho thời gian trôi qua một cách vô vị, cũng không nên có mặc cảm và thừa nhận rằng chúng ta không thể tới đích, mà phải hiểu cái ý nghĩa: "một phần cầy cấy, một phần thâu hoạch."Người tu hành không bàn tới sự thoải mái, không nói tới hưởng thụ, chỉ chuyên tâm tu một cách dũng mãnh, tinh tấn, đối với ai cũng hết sức tích cực, không bao giờ tỏ ra tiêu cực.

Cũng không tham đồ hưởng thụ, mà phải gánh vác gian lao, vì Phật giáo mà nỗ lực.

Bởi vậy, Kim Sơn Thánh Tự là cái tủ lạnh, Vạn PhậtThánh Thành là cái kho băng.

Tủ lạnh thì nhỏ, kho băng thì lớn.Tu hành trong kho băng, phấn chấn tinh thần, dẫn đầu mọi người, chớ không phải tụt lại phía sau.

Nếu như ngay tại đạo tràng mà lười biếng thì bao nhiêu công đức đều tiêu ma.

Tà tri tà kiến là một thứ tội lỗi, biết rõ mình sai quấy mà còn tìm đường để biện hộ thì thật là một điều không thể khoan thứ được.

Có tà tri tà kiến chỉ vì thiếu tinh tấn, bao nhiêu thời gian quý báu hóa ra đã được dùng để nuôi vọng tưởng!Tinh tấn, tức chẳng phải bảo quý vị ăn cho tinh tấn.

Khi ăn thì ăn nhiều hơn mọi người, khi công tác thì làm thua mọi người! Tinh tấn đây, chẳng phải bảo quý vị ngủ cho tinh tấn.

Người ta chưa đi ngủ, quý vị đã đi ngủ trước, người ta đã tỉnh dậy, quý vị tỉnh dậy sau cùng! Cũng chẳng phải bảo quý vị tinh tấn cầu danh, tinh tấn cầu lợi.

Tinh tấn thật sự là tinh tấn phát tâm đại Bồ-đề, tinh tấn hướng tới đạo vô thượng Bồ-đề.

Quý vị phải tinh tấn cho đúng chỗ, chớ không thể tùy tiện mà chỉ tinh tấn cái gì lợi cho mình, đó là một sự lầm lẫn rất lớn.

Về điểm này, chúng ta hãy nhận định cho rõ kẻo lại di hận suốt đời.5.

Thiền định: Tiếng Phạn là thiền-na, dịch nghĩa là tĩnh lự.

Tĩnh là lặng lẽ, dừng lại, lự là tư lự.

Tĩnh lự là lắng lại các vọng tưởng của ý thức, khôi phục sự thanh tịnh vốn có của chân tâm.

Thiềnna còn được dịch là tu tư duy; tư duy nghĩa là tư tưởng, tư tưởng đình chỉ lại gọi là định.

Thiền là tiếng Phạn, định là tiếng Hán, đó là một danh từ ghép lại từ hai chữ gốc Phạn và Hán.Vọng tưởng của chúng ta, niệm niệm dời đổi, niệm niệm kế tục không ngừng, nếu chẳng phải là thiện niệm thì là ác niệm; chẳng phải chánh niệm thì lại là tà niệm, hai thứ đối chọi nhau.


Như vậy bên trong đã có chiến tranh, thì tất sẽ ảnh hưởng ra bên ngoài, thành chiến tranh giữa người với người, giữa nhà nọ với nhà kia, giữa nước nọ với nước kia, thậm chí giữa thế giới này với thế giới kia, giữa tinh cầu này với tinh cầu kia.

Nói rộng ra nữa, giữa hệ ngân hà này với hệ ngân hà kia cũng có thể có chiến tranh.

Phân tích cho thật kỹ, chiến tranh phát sinh là do vọng tưởng của chúng ta tạo thành.

Vọng tưởng đó là các niệm, "niệm khởi bách sự thành, niệm chỉ vạn sự vô," hoặc như cổ đức có câu: "Tâm chỉ niệm tuyệt chân phú quý, tư dục đoạn tận chân phước điền," rõ rệt là như vậy, ấy là do kinh nghiệm mà nói.Tại sao chúng ta khởi lên vọng tưởng? Bởi vì cái "ngã" nó tác quái.

Có ngã mới sanh ra ý niệm tự tư.

Có tự tư nên có tự lợi, hai cái này đều là hạng lang sói ngang nhau, chúng là cặp bài trùng.

Bởi có tự tư và tự lợi nên mới sanh tâm cầu.

Khi có cầu, lòng tham liền nẩy sanh, và theo sát nó là tâm sân, theo sát sân là si, chúng cứ theo nhau không rời một bước.

Chính chúng là những thứ gây nên phong ba bão táp, làm mịt mù mây khói, bầy ra một cục diện hết sức hỗn độn hồ đồ, khó có thể cứu vãn.Chúng ta là kẻ tu hành phải làm sao ngăn chặn các tâm tranh, tâm tham, tâm cầu, tâm tự tư (ích kỷ), tâm tự lợi, tâm nói dối, không thể để chúng hoạt động tự do.

Lúc đó, trí huệ hiện tiền, hào quang của nó chiếu sáng tiêu hết vô minh và hắc ám, tức là trạng thái minh tâm kiến tánh, mục đích tu hành của chúng ta.Tĩnh lự chính là lắng dừng tạp tâm, tư duy tu tức là niệm niệm không rời, không quên tham cứu.

Như tham một câu thoại đầu, thì từng giờ từng khắc tham, không có giờ nào, khắc nào mà không phải đương tham.

Thoại đầu không phải dùng để niệm mà dùng để tham.

Tỷ như tham câu "niệm Phật là ai?", chính là tham cái chữ "ai." Rốt cuộc là ai đó? Kiếm cái "ai." Khi nào kiếm được "ai" thì khi đó ngộ đạo.

Nếu như kiếm chưa ra, cũng không vì vậy mà nhụt chí, cứ tiếp tục cố gắng kiếm mãi.

Khi kiếm được "ai," thì trong không còn biết tới thân và tâm này, ngoài chẳng biết tới thế giới nữa, tất cả đều là không.Cuối cùng cái không cũng không còn, vậy thì còn chấp vào đâu nữa? Lúc đó hốt nhiên quán thông hết cả, đại triệt đại ngộ, nước chẩy đá hiện ra, thấy tận bản sắc của mọi sự vật.

Nhớ kỹ điều này! Ðừng để xảy ra cảnh giữa đường mà bỏ cuộc, không chịu tiến lên, mà phải dấn bước đi tới, miệt mài công phu cho đến chỗ sơn cùng thủy tận, lúc đó một sự chuyển mình xẩy ra, đưa hành giả về tận nơi quê hương muôn thuở.Tham thiền chính là "tham" cái gốc rễ của sanh tử.

Hốt nhiên gốc rễ bị đoạn trừ, hành giả liền bước qua ngưỡng cửa sanh tử để đi về tự tại.

Trong lúc tham thiền, dầu cho gió nổi mưa rơi, hành giả vẫn chuyên nhất một tâm, tập trung hết tinh thần vào "tham" chữ "ai." Công phu đẩy tới cực điểm thì sẽ tiến tới cảnh giới như như bất động, liễu liễu thường minh.

Ðó là lúc tà tri tà kiến lẩn khuất để nhường chỗ cho chánh tri và chánh kiến xuất hiện.

Ðó là công năng của tu thiền, diệu dụng của nó thật không thể nghĩ bàn.Mỗi cá nhân chúng ta đều có vô lượng vô biên vọng tưởng.

Vọng tưởng lao xao giống như các hạt bụi trong hư không: lúc bình thường mắt ta không thấy, nhưng khi có ánh sáng mặt trời xuyên qua thì ta thấy rõ từng hạt bụi, thấy chúng hốt nhiên bay lên, hốt nhiên bay xuống, không có gì nhất định.

Vọng tưởng của chúng ta cũng vậy, chúng ta không quan sát chúng được, nhưng với ánh sáng của Phật pháp chiếu soi, chúng sẽ lộ hết nguyên hình.

Có vọng tưởng thì phải làm sao? Phải càn quét chúng cho sạch.

Dùng phương pháp gì? Dùng thiền định.

Công phu thiền định sẽ giúp ta thanh toán vọng tưởng.

Tu thiền định cần phải có tinh tấn và nhẫn nhục giúp đỡ.

Sau đó thì cần có bố thí, trì giới giúp thêm nữa mới có thể hoàn thành được sứ mạng.

Những thứ này đều phải hỗ trợ cho thiền định, thì hành giả mới có thể thâu nhiếp thân tâm, mà không khởi lên vọng tưởng.

Tuy là sáu món, lục độ, nhưng chúng có quan hệ liên đới với nhau, cái nọ phải hỗ trợ cho cái kia mới được.Người tu đạo phải có con mắt trạch pháp, biết rõ cái nào là thiện pháp, cái nào là ác pháp.

Ðiểm này phải nắm cho vững.

Ðối với pháp thiện thì "chúng thiện phụng hành," với pháp ác thì "chư ác mạc tác." Nếu không phân biệt rõ, thì phải trái không minh bạch, tức là trái với đạo.

Làm sao để có con mắt trí huệ trạch pháp? Ðiều cốt yếu là tọa thiền tu định, dụng công tới chỗ cực điểm thì tự nhiên trí huệ hiện tiền.

Có Diệu quan sát trí thì cái gì cũng phân biệt được.6.

Trí huệ: Ðầu tiên là trì giới, sau đó tu định.

Có thiền định mới có trí huệ chân chánh.

Phàm những ai thành tâm tĩnh tọa tham thiền, trí huệ của họ phần đông đều có chánh tri và chánh kiến.

Người không dụng công tham thiền, ngồi tĩnh tọa chỉ là lấy lệ, họ cũng có chút ít trí huệ, nhưng phần đông là tà tri tà kiến.

Tại sao? Bởi thiếu cơ sở của trí huệ.

Tà tri tà kiến là trí biện thông của thế gian, chánh tri chánh kiến chính là Phật tri Phật kiến.Có cách gì để phân biệt hạng tà tri tà kiến.

Có sáu tiêu chuẩn sau đây:A. Trước hết thử xem người nào đó có tâm tranh danh tranh lợi hay không.

Dụng công cho danh lợi, lại tham tài tham sắc, tham lam không biết chán.B. Ðể ý xem họ có tự "đánh bóng" cho họ không? Họ có tự mình xưng tán không? khoa trương mình không?C. Họ có hạ giá người khác để đề cao thân phận của họ không? Ðối với những hạng này, chẳng cần hỏi cũng biết, nhất định là hạng tà tri tà kiến.D. Lại xét xem họ có tham cầu gì không? Nói về người xuất gia thì mỗi ngày ăn một bữa, nhưng cũng có người không theo quy điều này, tự động đến tiệm để mua thức ăn.

Người đó đương có dục niệm về ăn, vậy dục niệm về sắc chắc cũng không bỏ được.

Cứ nghĩ cũng biết, những hành động đó đều là vị kỷ.

Nói chung, phàm là vị kỷ tức đã có sự tham cầu.E. Sau đó thử xem họ có tâm tự tư tự lợi không?F. Xem thử họ có thích nói dối không? Nếu có, họ thuộc về hạng tà tri tà kiến, không còn nghi ngờ gì nữa.Lấy sáu tiêu chuẩn trên để trắc nghiệm có thể biết người nào đó có chánh tri chánh kiến, hay thuộc hạng tà tri tà kiến.

Nói tóm lại, nếu hết thảy mọi thứ đều kéo về cho riêng mình, thì đó là hạng tà tri tà kiến.

Nếu hết thảy đều vì hạnh phúc của đại chúng thì người đó có chánh tri và chánh kiến.Muốn nhận ra thật minh bạch sáu điều kiện này, thì phải có con mắt trí huệ biết trạch pháp.

Do định mà trí huệ phát sanh, có trí huệ rồi mới tin chân lý.

Hợp chân lý thì theo, không hợp chân lý thì vô luận người nói đó là ai cũng không đáng tin.

Có câu: "Thị đạo tắc tiến, phi đạo tắc thoái." Chớ nên theo mù quáng, chớ nên tu mù quáng, nếu không chẳng những không có ích mà còn có hại..


Truyện đánh dấu

Nhấn để xem...

Truyện đang đọc

Nhấn để xem...
Nhấn Mở Bình Luận
Quảng Cáo: Coin Cua Tui