Khai Thị Quyển 3- Hòa Thượng Tuyên Hóa


Từ kiếp vô thủy cho đến nay, các chúng sanh cứ lưu chuyển trong vòng luân hồi, hết đi lên rồi đi xuống mà không ra khỏi vòng sanh tử, chẳng khác gì một hạt bụi nhỏ, phiêu dạt bất định, khi bay lên trên trời khi rớt xuống đất.

Chúng sanh thì khi làm thân người, khi là a-tu-la, khi là thú, khi là quỷ đói, chẳng có sự bắt đầu và chẳng có sự chấm dứt.Khi nào chứng quả thành Phật thì lúc đó mới thoát ly cái khổ của luân hồi.

Khi chưa thành Phật thì vẫn còn phải luân chuyển trong vòng lục đạo.

Hàng Bồ-tát vẫn còn phải vượt cái si mê "cách ấm," hàng la-hán còn si mê vì "thai trụ," hàng pháp thân đại sĩ thị hiện ở thế gian, độ khắp chúng sanh, có lúc còn vướng vào sanh tử, đầu óc hôn mê không biết đường ra khỏi.Vô thủy tức là không có khai thủy - bắt đầu, vô chung là không có sự chấm dứt.

Tỷ dụ như chữ O, chữ này không có chỗ nào là chỗ bắt đầu, và chỗ nào là cuối, nguyên nó là như vậy.

Nếu cắt chữ O ra thì lúc đó nó thành chữ nhất (-), và chữ này có chỗ bắt đầu.

Bắt đầu cái gì? Bắt đầu số mục.

Ðã có nhất là một, thêm một gạch nữa thành hai, lại thêm nữa thành ba.

Cứ như vậy thêm nữa sẽ lên đến mười, rồi một trăm, rồi một vạn.

Từ vạn đến ức, từ ức đến triệu, cho đến những con số vô cùng tận.Bây giờ đương trong thời đại khoa học, mỗi ngày, mỗi tháng một khác, đổi thay rất nhanh theo độ gia tốc.

Người ta dùng hỏa tiễn bắn vệ tinh lên không trung, cho vào quỹ đạo để chúng tự vận hành không ngưng nghỉ.

Rồi phi thuyền này gặp gỡ phi thuyền kia trên không gian, đâu chẳng phải là sự diễn tiến từ sự bắt đầu của số mục? Phải dùng con số mới có thể tính toán, có tính toán mới có kỹ thuật ráp nối, và có con số tính toán mới có thể điều hợp các thời điểm ráp nối.


Cứ phát triển số mục như vậy thì trong tương lai chẳng lúc nào chấm dứt.Khi nào là lúc chấm dứt? Hiện tại không ai biết.

Thời điểm chấm dứt thì phải chờ cho hết bốn kiếp thành, trụ, hoại, không, tức là đến không kiếp.

Thành là bắt đầu, không là chấm dứt.

Kiếp thành có hai mươi tiểu kiếp, trụ có hai mươi tiểu kiếp, hoại có hai mươi tiểu kiếp, không có hai mươi tiểu kiếp.

Tám mươi tiểu kiếp thành một đại kiếp.

Ðời sống của trái đất chỉ kéo dài trong thời gian một đại kiếp.Trong số chúng sanh từ thời vô thủy, đàn ông có trước hay đàn bà có trước? Ta cứ cho rằng đàn ông có trước chẳng hạn, vậy nếu không có đàn bà thì lấy đâu ra đàn ông? Lại thí dụ đàn bà có trước, nếu vậy không có đàn ông thì lấy đâu ra đàn bà? Vô thủy là như vậy, chẳng biết bắt đầu từ đâu.Hoặc giả lấy thí dụ như gà có trước hay trứng có trước? Ðiều này cũng không ai nghĩ ra được, vậy rốt cuộc nó như thế nào? Ý nghĩa của nó có thể tóm tắt trong chữ O.

Cho nên chữ O này, vốn không có bắt đầu, không có cuối, không ở trong không ở ngoài, không lớn không nhỏ.

Thâu gọn nó lại, nó là một hạt vi trần, cho nó phình ra thì nó là một pháp giới, cho đến tận cùng hư không, khắp pháp giới cũng không vượt quá phạm vi của chữ O.

Chữ O là nguồn gốc của sự sanh hóa bất tận, nó là chân không diệu hữu của vô thủy và vô chung.

Chữ O phóng đại ra là chân không, thu nhỏ lại là diệu hữu.Chân không diệu hữu chính là chân không bất không sinh diệu hữu.

Diệu hữu phi hữu không có chướng ngại với chân không.Không và hữu là chẳng phải hai, không tức hữu, hữu tức không, đó là nghĩa của trung đạo rốt ráo, và cũng là chân thật nghĩa của pháp Ðại thừa.Lúc vô thủy, chữ O này là chân không diệu hữu.

Chân không chẳng phải là ngoan không, còn diệu hữu chẳng phải là thực hữu, mà lại viên dung vô ngại, là nghĩa của trung đạo không thiên lệch bên nào.


Quý vị! Nếu ai hiểu rõ được đạo lý này thì hiểu được pháp chân thật.

Người nào không hiểu tức là người hồ đồ, không phải là người có trí huệ chân chánh.Ðối với người khai ngộ, chữ O là trí huệ đại quang minh; nếu chưa khai ngộ, chữ đó là vô minh đại hắc ám.

Vô minh cũng là cái O, mà trí huệ cũng là cái O.

Chữ O có khi rất lớn, đến độ không có gì ở ngoài nó, đại nhi vô ngoại, có khi rất nhỏ, nhỏ tới độ không có cái gì ở trong nó, tiểu nhi vô nội.

Nói về lớn, không có gì lớn hơn nó; nói về nhỏ, không có gì nhỏ hơn nó.

Chữ O này, nếu như lớn mà hóa, biến đổi vô hình, thì nó là nguồn gốc của thanh tịnh, tính chất của diệu chân như; như nó nhỏ mà ẩn tàng thì nó là một niệm vô minh lúc ban đầu.

Ðó là nghĩa của vô thủy.Tại sao chúng sanh cứ luân hồi trong sanh tử? Bởi không thể hội được pháp chân thật.

Do đó chư Phật thấy chúng sanh rất đáng thương, và vì thương xót chúng sanh nên mới phát tâm đại từ bi, xuất hiện nơi thế gian giáo hóa chúng sanh lìa khổ để tới cảnh an lạc.

Phát tâm Bồ-đề, trên thì cầu Phật đạo, dưới thì hóa độ chúng sanh, tức là tu con đường giác ngộ vô thượng.Chúng ta thọ quả báo trong sáu nẻo luân hồi bởi vì trong tâm chúng ta đã tạo nên những nghiệp, tạo nghiệp loại gì thì thọ nghiệp báo về loại đó.

Nói rộng ra, nếu kiếp trước khởi vọng tưởng thuộc loại về các tầng trời thì có thể sanh trong cảnh giới trời; có vọng tưởng địa ngục thì đọa địa ngục.

Nếu tạo nghiệp xấu, thì sanh vào ba nẻo ác.

Nếu tạo nghiệp có công đức thì sanh vào ba nẻo thiện.


Ấy là đại lược như vậy, nếu muốn nói thật chi tiết thì nói tới kiếp sau cũng không hết.Thế giới này là do vọng tưởng của chúng sanh mà cấu tạo nên.

Nếu chúng sanh không có vọng tưởng, thì thế giới này là không.

Cũng vì chúng sanh không thể hội được pháp chân như thật tướng, pháp chân không diệu hữu, nên thế giới mới tồn tại.Pháp chân không diệu hữu chính là chữ O.

Thế giới do chữ O mà có, chúng sanh do chữ O mà sanh.

Hết thảy mọi thứ đều sanh từ chữ O, bởi lẽ chữ O không nằm trong số mục, nó phóng đại ra thì trọn cả lục hợp, nó co rút lại thì ẩn tàng.

Ðó cũng là cảnh giới của vô thủy vô chung, của cái không trong không ngoài, không lớn không nhỏ.Pháp chân thật này chính là chân không diệu hữu.

Chân không nhưng chẳng không, tại sao vậy? Bởi chân không có diệu hữu.

Diệu hữu nhưng chẳng phải hữu, tại sao? Bởi nó có chân không.

Cho nên có câu: "Chân không chẳng chướng ngại diệu hữu, diệu hữu không chướng ngại chân không." Tất cả ý nghĩa trên mang lại đáp số cho các vấn đề nam trước hay nữ trước, gà có trước hay trứng có trước.

Chỉ có chữ O mới trả lời thẳng vào các vấn đề nan giải như đã nói trên.Tại sao chân không lại có thể sanh ra diệu hữu? Nó hiển hiện ra hết thẩy mọi thứ? Trong khi đó diệu hữu chưa từng rời khỏi chân không? Cảnh giới thuộc loại này không phải ai cũng tới được, trừ phi đã được khai ngộ pháp môn tâm ấn tâm của chư Phật.Loại pháp chân thật này vốn đã sẵn có trong tự tánh, chẳng cần phải tìm kiếm đâu ở bên ngoài.

Nếu cứ kiếm bên ngoài thì cả tám vạn đại kiếp kiếm cũng không ra.

Như biết hồi quang phản chiếu thì ngay đó là nó, cho nên mới có câu: "Biển khổ không bờ, quay đầu là bến." Nói một cách đơn giản, nếu chạy ra ngoài tìm kiếm thì đó là biển khổ không bờ.

Nếu biết quay vào trong, dụng công trên tự tánh của mình thì ngay đó, quay đầu thấy bến.Chúng ta từ sớm đến tối, xuôi ngược điên đảo, đuổi theo các vọng duyên, rong ruổi chạy theo sáu trần, bởi không hiểu diệu pháp chân thật.

Trong khi ấy tại cõi Tịnh độ Thường Tịch Quang, chư Phật trong tư thế kiết-già, nhìn khắp hết thảy các chúng sanh, thấy chúng sanh quá ngu si, rất là đáng thương, suốt ngày chấp đông chấp tây, lấy khổ làm vui mà không biết quay về đường giác, không biết dùng cái giả để tu cái thật, không biết bỏ vọng quy chân, không biết quay về cái của chính mình.


Bởi vậy từ trong định, chư Phật rủ lòng từ bi, thị hiện tới các thế giới hữu duyên để chỉ vẽ cho chúng sanh sự mê lầm và dạy chúng sanh mau quay đầu về bến giác.

Rất tiếc chúng ta đã đuổi theo vọng duyên mà không nhận ra pháp chân thật.

Phật thuyết pháp vì lòng thương xót chúng ta, giáo hóa chúng ta mà không nhàm chán, nhưng chúng ta đã vì ngu si không chịu nghe lời, chẳng những không y pháp tu hành, mà còn chùn bước thoái lui, không theo những lời chỉ dạy vàng ngọc.

Phật lại còn nghĩ ra các biện pháp chạy theo chúng ta, chặn bước chân những chúng sanh cứng đầu bướng bỉnh, cố làm sao điều phục những kẻ khó giáo hóa.

Ðó là lý do mà Phật đã thị hiện tại thế gian.Pháp chân thật này không bao giờ bị phá hoại, thiên ma ngoại đạo không có cách gì phá hoại nó.

Tại sao? Bởi chánh pháp vốn kiên cố như kim cang bất hoại.

Nếu có thể hoại được nó thì nó chẳng phải là pháp chân thật.Loại đại tự tại đại quang minh này có thể thị hiện khắp hết thế gian.

Ðại tự tại tạng là pháp liễu sanh thoát tử, phá trừ vô minh, là pháp môn có thể hiển hiện ánh sáng của pháp tánh.Quý vị! Nếu quý vị không tin, hãy thử cho biết.

Sẽ tới lúc mà quý vị không thể không tin, không tin rồi cũng sẽ tin, bởi pháp nó là như vậy, chẳng có cách gì mà không thể tin được!Cái đại quang minh tạng này vốn tự mình có sẵn, không phải do người khác bố thí cho mình, mà cũng không phải do chư Phật đã ban cho.

Ðại quang minh tạng chính là thật tánh chân như.

Nếu tu pháp chân thật này, thức a-lại-da (thức thứ tám) sẽ chuyển thành trí Ðại viên kính, tức là dứt đường sanh tử.

Nếu như không tu hành nghiêm chỉnh, các hạt giống trong a-lại-da sẽ tùy theo nhân duyên mà chuyển thành sanh, sanh mãi bất tận, không có hạn kỳ, như vậy sẽ không giải thoát được.

Trích giảng từ Phẩm hai mươi bốn,Kệ Tán Cung Ðâu Suất, Kinh Hoa Nghiêm.


Truyện đánh dấu

Nhấn để xem...

Truyện đang đọc

Nhấn để xem...
Nhấn Mở Bình Luận
Quảng Cáo: Coin Cua Tui