Chúng ta không gặp may mắn, sanh vào thời mạt pháp, cách xa với thời đức Phật.
Nay lại xuất gia, nếu chỉ khoác áo theo Phật, ăn nhờ cửa Phật, lấy Phật làm chiêu bài, ca theo Phật điệu, thâu đồ đệ, nhận đồ cúng dường, rồi bầy ra dưới trướng nào hàng xuất gia, nào cư sĩ tại gia, nêu cao danh là đệ tử của Phật, thực ra đó chỉ là những kẻ ham danh háo lợi, để lụy cho Phật giáo, làm bại hoại Phật giáo, là tội đồ của Phật giáo đó!Tại làm sao Phật pháp bị suy đồi? Bởi chúng ta không chịu tu, không nghiêm chỉnh giữ giới luật, không thực lòng tu tập cho thân tâm thanh tịnh.
Pháp vốn là một thứ không hình, không tướng, không thể, tất cả là do hành vi của con người mà biểu hiện ra mọi thứ thiện ác, xấu đẹp.
Tâm của chúng sanh nếu hướng thiện, mọi người nếu giữ năm giới, tu thập thiện, bộ mặt của thế giới sẽ trở nên hiền hòa, tươi tốt, đó mới là chánh pháp chân thực.
Còn như tâm chúng sanh hướng tới điều ác, cả một bầu tham sân si sẽ làm ô nhiễm hư không, khiến chánh pháp bị hãm trong mầu hắc ám, như vậy thì còn pháp gì để nói nữa.
Bổn thân của pháp không có thủy, hay mạt, chỉ vì hành vi chánh tà của con người, nên mới nói có thủy có mạt.
Trạng huống này há chỉ lấy cái tâm hổ thẹn mà có thể cứu vãn được chăng? Phải chấn chỉnh cái nguy cơ.
Chúng ta vô luận là người xuất gia hay tại gia, nếu đã là đệ tử của Phật thì phải đem thân mình làm gương, không chịu ở phía sau mọi người, hết sức cố gắng cứu nguy Phật pháp.
Tất cả chúng ta phải đồng tâm hiệp lực, làm cho Phật giáo xán lạn, hưng thịnh, thức tỉnh thế giới khiến cho nhân loại hiểu thấu Phật pháp, tin theo Phật giáo và sùng kính Phật giáo.Các vị thiện tín! Năm xưa đức Phật được cả người và trời cung kính cúng dường, trông thấy như vậy, chúng ta phải tự lấy làm hổ thẹn.
Ngày nay, có một số, kể cả các cư sĩ tại gia, không coi các tăng sĩ ra gì cả, họ coi người xuất gia như hạng "quỷ thần, kính nhi viễn chi," đó cũng là một hiện tượng của thời nay.
Cho đến một số nhân sĩ trong xã hội, tương đối có hiểu biết, hay nói tới số trí thức, số học giả, họ lại càng coi thường người xuất gia.
Họ nhận thấy rằng tăng sĩ không nắm vững giáo lý Phật pháp, không có trí huệ chân chánh, nói lời vu vơ, gạt gẫm.
Nay chúng ta lấy đó để cảnh giác, phát thành nguyện lớn, lập chí vững, dốc một lòng nghiên cứu giáo lý, giữ nghiêm chỉnh giới luật, gắng gỏi tu hành, biến cải thời mạt pháp thành thời chánh pháp.
Chỉ cần chúng ta đi những bước chắc chắn trên con đường tu tập và hành đạo, thì có lo gì chúng ta không chứng quả! Chứng quả rồi, thì ở đâu chúng ta cũng có thể dựng cờ pháp, thổi còi hiệu pháp, nổi hồi trống pháp, rồi có thể hoằng dương Phật giáo ngay tại những nơi chưa có pháp, đủ khiến cho người ta khởi lòng tin Phật.
Bởi vậy cho nên chúng ta phải tinh cần, quyết tu tập giới định huệ, diệt tắt tham sân si, và chứng ngộ Phật quả là mục tiêu của tất cả chúng ta.Chứng quả là chứng nghiệm cái gì đây? Người đã chứng quả thì không có tâm tham, cũng không có tâm sân, cũng không có tâm si.
Ba độc là tham sân si đều bị tiêu diệt.
Tại bất cứ lúc nào, vô luận nghịch cảnh nào, hoặc bị phỉ báng, hoặc được tán dương vinh hiển, họ vẫn giữ một vẻ an nhiên tự tại, tựa như không bị các duyên bên ngoài lôi kéo, tư thái như như, hồn nhiên sinh hoạt trong niềm thanh tịnh của giới hạnh.
Ðối với họ, mọi giới luật đều chẳng còn mang vẻ gò ép, bởi lẽ hành động của họ đã từng hòa đồng với tịnh giới.
Người đã chứng quả có định lực chân chánh, do đó hư danh lợi lộc chẳng hấp dẫn họ, cho dù người khác có đánh chửi cũng không làm cho tâm họ kích động, phát ra những lời nói bất thiện.
Cũng đừng mong nghe được những giọng quát tháo hung ác của họ, bởi ba con rắn độc tác quái (tham, sân, si) không còn nữa.
Người đã chứng quả có trí huệ chân chánh, sự tình gì họ nghe qua cũng hiểu hết, vấn đề gì đến tay họ, họ cũng trực diện giải quyết.
Ai đến với họ, nhìn ngay họ đã biết rõ căn cơ, muốn gạt họ quý vị cũng chẳng lọt được cặp mắt thông tuệ của họ.
Người đã khai ngộ chứng quả rồi, có thể ví như mặt trời ban mai giữa bầu không trung tinh khiết, có thể ví như vừng trăng trong vắt lơ lửng giữa trời bát ngát không gợn mây, như làn nước trong mặt hồ xuân, như những bông sen xanh biếc trong sương sớm.
Trong tâm của họ, trong khóe mắt, trong lời nói, không bao giờ chứa đựng cái gì là ác nhân, ác sự, ác ngữ; chỉ cần gặp họ, thân cận họ, chẳng cần nói năng, kẻ lành cũng trở thành bực thánh, kẻ ác thành người lành.
Người đã chứng quả, họ có sẵn oai lực chiêu cảm như vậy, mà họ lại chẳng khác gì chúng ta trong sinh hoạt hàng ngày.Chúng ta mang danh là đệ tử của Phật, không thể thoái thác trách nhiệm mà phải đứng ra gánh vác để phục hưng giáo pháp.
Ðừng có lấy cớ là thời mạt pháp mà chẳng chịu tu hành! Vậy chớ tại sao chúng ta lại theo đạo Phật? Lại còn cắt ái ly gia nữa? Cái đó chẳng phải tự dối mình sao? Tự mình coi thường chính mình sao? Ðây mới chính là một sự hồ đồ, điên đảo, một hạng bại hoại trong Phật giáo, một tội đồ! Tôi đã từng phát nguyện như sau: Tôi đến địa phương nào thì tại nơi đó chánh pháp phải trụ thế, chớ không thể là mạt pháp.
Tuy hồi đó Phật đã từng cảm khái than rằng trong tương lai sẽ tới thời mạt pháp, nhưng nguyên nhân là do người tạo tác mới sanh ra mạt pháp, vậy thì đương nhiên cũng có thể lấy sức người, để chuyển mạt pháp thành chánh pháp.
Nếu quả thực, mỗi đệ tử của Phật, tại gia cũng như xuất gia, nương theo lời dạy mà phụng hành, siêng tu các thứ pháp môn, sinh hoạt trong giới luật mà Phật đã chế ra, y chiếu các kinh điển của Phật mà hành trì, hiểu rõ minh bạch ý nghĩa lời Phật dạy, thực hành những lời mà chư Tổ đã xiển dương, nhất loạt noi theo ba tạng Kinh, Luật, Luận đã chỉ thị, thì lấy đâu ra mạt pháp nữa? Làm gì có cái lý là không thể khai ngộ chứng quả? Giả thiết như mình không làm theo các điều vừa kể, đi ngược với đạo chẳng hạn, lười biếng, bạ đâu thì theo đó, ham danh ham lợi, làm chùa lớn để hưởng thụ, như vậy chẳng biến ra mạt pháp thì cũng là điều lạ.Chúng ta dám bỏ sanh mạng mà cầu đạo vô thượng, hy sinh sanh mạng để làm rạng rỡ Phật giáo, cải tiến Phật giáo.
Phật giáo đã từng trải qua biết bao thời đại trào lưu, khó tránh được tình trạng không thích ứng với chúng sanh ở một nơi nào đó, vậy cho nên chúng ta phải khéo léo dùng phương tiện mà châm chước, mà cải thiện, mỗi đệ tử Phật phải tích cực bắt tay vào, nhất là đối với các vị xuất gia phải hiểu rõ không thể coi thường.Nói đến đây, tôi nghĩ rằng nhất định sẽ có người đặt nghi vấn, tại sao người nào không tham sân si là người đã chứng quả.
Nay đề cập tới sự trọng yếu của tham sân si, tôi hãy lấy những hình ảnh rất là thông tục nhưng dễ hiểu, nói ra cho quý vị nghe.
Tham tâm đó chính là dục niệm, cái tâm dâm dục.
Không có tham tâm, tức là dứt khỏi dục niệm; không có dục niệm, tức là không có tâm dâm dục nữa.
Nam nữ gặp nhau tiếp xúc với nhau, lúc đó vọng tưởng sẽ không nổi lên, không những dục niệm không sanh, luôn cả các phản ứng sinh lý cũng không phát sinh nữa, căn tính trai gái không giao động, lúc đó mới gọi là dứt được thực sự dục niệm, và tâm tham không còn nữa.Quý vị chớ có lấy làm kinh ngạc khi thấy tôi nói hết ra một cách trắng trợn như vậy, bởi vì thiên kinh vạn quyển, ba tạng mười hai phần kinh, đến tận cùng thì cũng chỉ nói tới vấn đề này thôi.
Nếu chẳng có vấn đề "dục," thì kinh điển gì cũng chẳng cần thiết, mọi thứ pháp đều "không," mọi thứ pháp đều "như." Bởi vì có vấn đề đó, chúng ta mới phải tu.
Nếu quý vị chẳng thể nào bỏ ái và đoạn dục, thì dù có xuất gia tu đến tám vạn đại kiếp, cũng uổng phí công phu, hoài ngày tháng, ở trong chốn đạo ăn cơm chùa mà tạo nghiệp.
Nếu chấm dứt ái dục, trừ dâm tâm, mới thực sự hết tâm tham, không có tham ắt không có phiền não.
Vậy tới khi nào thì bỏ được tâm tham đây? Tất nhiên phải phá được vô minh, mới đoạn trừ tâm tham được.
Lý do các vị Bồ-tát tu hành dũng mãnh và tinh tấn, chính là để phá trừ một phần vô minh, chứng được một phần pháp thân, tới khi chứng được quả vị Ðẳng giác thì mới đem hết vô minh diệt trừ để chứng quả vị Phật.
Tâm tham là một trong ba độc rất khó đoạn trừ.
Chúng ta lúc mới phát tâm tu hành, thì cái làm chướng ngại sự dụng công của chúng ta chính là tâm tham dâm, nam thì ham nữ, nữ thì ham nam, một vấn đề căn bản.
Kinh Lăng-nghiêm nói rất rõ: "Tâm dâm không trừ, trần ai chẳng ra khỏi," như chẳng muốn trừ tâm tham dâm mà lại mong thành Phật đạo, thì chẳng khác gì lấy cát nấu lên để làm cơm ăn, một chuyện không thể xẩy ra được.Bây giờ tôi lại nói về tâm sân.
Tâm sân cũng là phiền não, không có tâm sân chẳng phải là không có phiền não, nhưng lấy công phu tu hành, cải biến phiền não thành tâm Bồ-đề, lấy lửa vô minh biến thành nước trí huệ, dùng nước trí huệ tưới tẩm mầm non Bồ-đề, thì tương lại sẽ có Phật quả Bồ-đề.
Nếu lửa vô minh không diệt được, nước trí huệ sẽ không sinh ra, thì không kết được quả Bồ-đề.
Quý vị! Hy vọng tất cả mọi người đặc biệt chú ý lắng nghe, ghi nhớ vào thửa ruộng a-lại-da thức của mình để tùy thời thọ dụng.
Quý vị cũng đồng thời quay về xét lại khoảng thời gian bao năm học Phật pháp, nghe kinh, lạy Phật, tụng chú, ngồi thiền, ngày ngày tinh tấn, vậy tại sao chưa đạt được công phu đoạn dục? Nếu chưa đạt được, thì phải gấp rút siêng tu giới định huệ.
Nếu đã đạt được trình độ đoạn dục, cũng còn phải tu giới định huệ.
Quý vị đã nghe kinh Hoa Nghiêm, trên mỗi phẩm đều có nói tới các vị Bồ-tát trong hư không khắp pháp giới chuyên hành Bồ-tát đạo, mà không quên tu giới định huệ, ba món vô lậu học này.
Các vị Bồ-tát, chẳng tiếc sanh mạng mình, đi khắp nơi giáo hóa chúng sanh, không biết mỏi mệt, không nghỉ ngơi, cũng không thoái chuyển.
Chúng ta mới xuất gia được ít ngày, đã nghĩ tới chuyện hưởng thụ, đúng là một việc đáng thương xót, một sự điên đảo, hạt giống của mạt pháp vậy.
Phàm là đệ tử Phật, phải lấy sự hưng suy của Phật giáo làm trách nhiệm của mình, nhất là các vị xuất gia phải đứng ra đảm đương việc lớn.
Ai ai cũng nghĩ như thế, lo gì Phật pháp chẳng được hoằng dương lớn rộng! Chẳng qua vì người nọ đẩy cho người kia, rồi riêng mình thì đóng cửa lại khuếch trương, phát triển riêng thế lực của mình, tất cả chuyện hưng suy của Phật giáo gác ra ngoài, nói lời vô trách nhiệm, anh trông vào tôi, tôi trông vào anh.
Ðây là một tình huống chuyện chung không ai lo, anh nhìn tôi, tôi nhìn anh, hoặc là, chẳng phải chuyện của tôi, cứ ném ra tức khắc có người lo.
Ai ai cũng nghĩ chuyện lùi bước, làm cho Phật giáo chìm đắm trong bầu tử khí, bảo sao Phật giáo chẳng tới lúc mạt? Kỳ thực nguyên nhân là ai nấy đều vị kỷ, trong lòng đầy tự tư tự lợi.
Nếu chẳng tu hành, trên thì không cầu Phật pháp, dưới không độ chúng sanh, không hạ công phu làm Phật sự, mà còn lười biếng, thoái lui, cái đó mới khiến cho Phật pháp tới chỗ mạt thời mà tiêu vong.
Các vị thiện tín! Chúng ta đã rõ câu chuyện như vậy nên tôi mong rằng tất cả chúng ta vì Phật sự mà tận tâm tận lực hộ trì.
Ðể tự cứu tự độ chúng ta phải dũng mãnh tinh tấn học tập Phật pháp.
Tất cả chúng ta đồng tâm hiệp lực làm cho Phật giáo mỗi ngày một hưng thịnh, lớn mạnh rực rỡ, khiến chánh pháp còn trụ mãi với thế gian, rạng rỡ như khi Phật còn tại thế vậy.Nói tới tu hành, tôi nhận thấy đối với người xuất gia, điểm thứ nhất là không nên lân la nơi quyền quý giầu sang.
Ðiểm thứ nhì là không nên luôn luôn hướng ra ngoài để hóa duyên.
Thứ ba là mọi sự việc không nên cầu duyên ở người.
Tại Kim Sơn Thánh Tự có câu đối như sau:Ðống tử bất phan duyên,Ngạ tử bất hóa duyên,Cùng tử bất cầu duyên.Tùy duyên bất biến, Bất biến tùy duyên.Dịch nghĩa:Chết lạnh không phan duyên,Chết đói không hóa duyên,Chết nghèo không cầu duyên.Tùy duyên chẳng đổi,Chẳng đổi tùy duyên.Ðó là ba tông chỉ của chúng ta, và tôi hy vọng tất cả các đệ tử xuất gia cũng tán đồng tông chỉ ấy, và cùng khuyến khích nhau nhất định làm theo cho đúng.
Thêm nữa, chúng ta lại cùng nhau lập ba đại nguyện:1. Xả mạng vi Phật sự-Vì Phật sự quên thân mình: đã là tín đồ Phật giáo lại là thành phần xuất gia, chúng ta không thể đứng yên mà nhìn Phật pháp suy đồi và để người ta khinh thị.
Thà mang sanh mạng này để trùng quang Phật giáo, lấy chánh pháp cứu nguy cho thế giới trong lúc tàn khốc này, khiến tất cả chúng sanh được sống trong sự hòa bình an lạc.2. Tạo mạng vi bổn sự-Tạo mạng là bổn phận : chúng ta vốn là phàm phu tục tử, nhưng chúng ta có thể biến cải gốc phàm phu để thành kẻ thánh nhân.
Cổ nhân nói: "Người quân tử có cái học tạo mạng, mạng do ta lập ra, phước do ta cầu, họa phước không có cửa, chỉ do người chiêu lấy," đó là lời của Lão-tử, nếu nhận thấy câu ấy có lý, chúng ta có thể lấy để tham khảo.
Nếu lời nói ra không hợp đạo lý thì chúng ta chẳng chấp người đã nói ra.3. Chánh mạng vi Tăng sự.
Ðại sư Thái-Hư nói: "Chánh mạng là việc của tăng sĩ;" gọi là chánh mạng, chẳng phải là nói về cái tính mạng, như khi người ta đổ máu hy sinh, mà ý nghĩa ở đây là sự cải cách.
Truyền thống các tùng lâm còn để lại tất cả thanh quy.
Cái gì hay, cố nhiên chúng ta phải bảo tồn, nhưng cũng có những quy tắc hủ lậu, hoặc không còn thích ứng với thế giới ngày nay thì chúng ta có thể tùy theo nhu cầu thực tế mà mạnh dạn sửa đổi.
Pháp là cái chết cứng, con người là cái sống động, hà tất chúng ta phải tử thủ không cho nó biến đổi? Thấy cái gì sai trong quá khứ, cái gì cần trừ bỏ, chúng ta đều phải bỏ đi, lý luận nào thiếu chính xác, chúng ta đều phải sửa lại.
Tóm lại, những gì liên quan tới sự hưng thịnh của Phật giáo, thì phải làm tới chớ không thể cẩu thả, do dự không quyết.Tức sự minh lý, Minh lý tức sự.Nghĩa là gặp sự thì hiểu lý, hiểu lý gì thì thực hiện lý ấy, lấy cái đó làm nguyên tắc, đểTruyền thừa mạch huyết tâm truyền của các Tổ sư.Ai nấy đều thiết thực bắt tay vào, chỉ nên nói hai phần mà hành động cụ thể thì tới ba phần, nếu như mình có thể tin được mình thì người khác nhất định sẽ bắt chước theo.
Kẻ xuất gia nếu làm hết bổn phận của mình như vậy, Phật giáo từ đó mà chấn hưng, mạt pháp sẽ chuyển ra chánh pháp.
Tôi muốn khẳng định rằng: "Kim Sơn Thánh Tự còn một ngày, thì cũng còn một ngày chánh pháp ở với thế gian." Hiện nay, Phật giáo mới tới các nước Tây phương, thì điều cần thiết là phải có chánh pháp, phải có thánh nhân, do đó chúng ta phải mau mau tạo điều kiện để có sự chứng quả của thánh nhân.
Phàm là đệ tử của Phật, không cứ tại gia hay xuất gia, tất cả đều nên lập chí tu, làm nên bậc thánh.Thời gian mới tới nước Mỹ, tôi đã từng mang những tâm nguyện lớn: Tôi tự hỏi tôi đến Tây phương để làm gì? Tôi muốn đến đây làm người thợ nặn tượng, tôi muốn nặn thành Phật sống, thành Bồ-tát sống, thành Tổ sư sống.
Trong quá khứ đã không làm nên chuyện gì, nay tôi muốn làm việc tế thế, cứu nhân.
Tôi còn muốn đem hết mọi chúng sanh trên thế giới này biến thành Phật sống, thành Bồ-tát sống, thành Tổ-sư sống.
Có người bảo tôi làm không nổi, phát tâm nguyện như vậy là quá ngông cuồng, tôi cho rằng nhất định tôi làm được.
Nếu không biến cải được hết các chúng sanh trên thế giới này thành Phật sống, Bồ-tát sống,Tổ sư sống, tôi nguyện sẽ vĩnh viễn không thành Phật.
Chính hiện nay tôi đương tích cực làm công tác đó.
Quý vị tin cũng vậy mà không tin cũng vậy, đó vẫn là mục tiêu của tôi.
Quý vị không thấy tôi đã độ không ít các thanh niên nam nữ Tây phương vào cửa Phật sao? Khó độ là các giới trẻ nam nữ người Mỹ, quý vị không thấy họ đã cạo râu cắt tóc xuất gia hay sao? Ðây chỉ là bước đầu, chưa có gì là lạ.
Rồi tất cả chúng sanh đều nối bước nhau đến với Phật, vào nhà của Phật.Tôi nghĩ nhất định phải có người hoài nghi: Không có phiền não thì thành thánh nhân sao? Ðúng như thế.
Nhưng, phiền não không dễ gì đoạn trừ, cho nên Bồ Tát Phổ Hiền đã từng nói qua: ".
.
.
Cho đến vì phiền não không thể cùng tận, đại nguyện của tôi cũng không cùng tận." Tuy nhiên, chúng ta có thể phát nguyện: "Phiền não vô tận thệ nguyện đoạn," chúng sanh vô tận, hư không vô tận, phiền não vô tận, nhưng nguyện lực của chúng ta cũng có thể vô tận.
Mục đích chúng ta tu hành là cầu nhất thiết chủng trí, nhất thiết trí, như trí huệ nhiệm mầu của đức Phật, lấy trí huệ bát-nhã phá vô minh, tức ba độc, chuyển phiền não thành Bồ-đề, thành đại trí huệ, lúc đó thì thật không còn phiền não nữa và thành bậc thánh.Lửa vô minh rút cuộc là gì? Nói một cách rất đơn giản, rất gọn gàng thì nó chính là tâm dâm dục của tình tham ái nam nữ.
Loại tâm niệm đó mà khởi động, thì không ai nói giỏi được, không có pháp nào mà chế ngự nó.
Cho nên biết bao nhiêu người bị vướng trong cảnh hồ đồ, tạo ra những việc hồ đồ, có thể nói rằng một lần sai sẩy, tức thành cái hận thiên thu, không phương cách nào cứu vãn.
Khi hai phái nam nữ đương trong thời kỳ luyến ái, nếu như ai có hỏi họ, tại sao lại thương anh ấy? Tại sao thương chị ấy, chắc chắn họ sẽ hồi đáp: "không biết tại sao." Ðó là tại vô minh.
Rất mong các vị xuất gia đều có thể dứt được ái, trừ được dục, tu trì thì dụng công, xin cố gắng!.
Truyện đánh dấu
Nhấn để xem...Truyện đang đọc
Nhấn để xem...