GIỚI THIỆU KINH SÁCHOnline Catalog: http://bttsonline.orgPhật Thuyết Kinh A Di Đà – Không như những bộ kinh khác, vì đây là bài kinh không người thỉnh mà Phật tự thuyết giảng.
Quyển kinh này được Hòa Thượng Tuyên Hóa lược giảng ý nghĩa và phương pháp hành trì, để chúng ta nhận thức rõ hơn về công năng và giá trị của bộ Kinh A Di Đà.
Phần nội dung có đề cập đến cuộc đời và xen kẽ những câu chuyện kể về các đệ tử lớn của Phật thật lý thú.
Sách có thêm phần chú thích và nhiều danh từ Phật Học căn bản.Kinh Kim Cang – Toàn bộ tên kinh, gọi là Kinh Kim Cang Bát Nhã Ba La Mật.
Công dụng của kinh là phá tan tất cả những chấp trước, vướng mắc về các tướng: ngã, nhân, chúng sanh, thọ giả.
Ví như Bồ Tát khi thực hành bố thí mà còn chấp thấy ta là kẻ bố thí, có người được bố thí, tức đó không phải là Bồ Tát.
Cho nên đức Phật bảo: Bồ Tát không nên trụ vào sắc mà bố thí.
Trong thời mạt pháp, nếu có người khi nghe kinh Kim Cang liền sanh lòng tin hiểu thọ trì thì thật là hiếm có, vì người thế gian lại thường có tâm chấp ngã, chấp pháp.Khai thị - Gồm những lời giảng dạy của H.T.Tuyên Hóa về các đạo lý căn bản như: nhân cách làm người đối với gia đình, xã hội và cả nhân loại thế giới.
Với những dẫn dụ thiết thực, H.T.Tuyên Hóa chỉ bày các đức hạnh cao thượng của những bậc cổ nhân Hiền Thành hầu để mọi người lấy đó mà noi theo.
Song song với những bài pháp ngắn này H.T vẫn luôn tha thiết kêu gọi chúng ta nên xem trọng nhân nghĩa đạo đức và nhớ giữ tâm bình khí hòa trong các sinh hoạt hằng ngày.
Vì đó cũng là một trong những phần chánh khí giúp cho thế giới hòa bình.Luận Đại Thừa 100 Pháp Minh Môn – Luận này từ lúc ban sơ có đến 8 vạn 4 ngàn pháp.
Vì chúng sanh căn tánh mê muội, nên Bồ Tát Di Lặc thâu ngắn thành Bộ Luận Già Sư Địa gồm 600 pháp.
Nhưng vẫn còn nhiều đối với căn cơ chúng sanh sau này.
Bồ Tát Thiên Thuân bèn sơ lược tóm gọn thành 100 pháp.
Bộ Luận này đơn giản lại dễ hiểu, là ngõ tắt dẫn chúng ta vào cửa Phật Pháp, rất thích hợp đối với những ai có căn tánh Đại Thừa.Vĩnh Gia Chứng Đạo Ca- Là bài ca chứng đạo được truyền tụng trong đời Đại SƯ Vĩnh Gia Huyền Giác, triều đại nhà Đường.
Và là vị Sư vốn được vào chùa từ thủa nhỏ.
Đại sư vốn thông minh học rộng lại biết dụng công tu hành nên đã sớm giác ngộ.
Ngài nhân xem kinh Duy Ma mà tâm địa phát sáng và được Lục Tổ ấn chứng.
Đại sư Vĩnh Gia viết thành bài ca giải bày những kinh ngiệm của người đã nhận chân được thật tướng, thấu suốt được lý thiền.
Ngài mượn qua lời ca giọng hát để mọi người cùng thấy được cái chân thật, bất sanh bất diệt sẵn có của mình.
Nếu chúng ta hiểu thấu được và y theo bài ca này mà tu hành, thời cũng có thể chứng đạo như Đại Sư Vĩnh Gia.Diệu Pháp Liên Hoa Kinh, Phẩm Phổ Môn – Bộ kinh quen thuộc nhất là Phẩm Phổ Môn, thường được các giới xuất gia, tại gia tụng niệm.
Nội dung quyển kinh được Hòa Thượng Tuyên Hóa diễn giải về những đức hạnh từ bi và các công năng diệu dụng của Bồ Tát Quán Thế Âm trong khi cứu độ chúng sanh.Tổ Sư Bồ Đề Đạt ma – Là vị Tổ thứ 28 ở Ấn Độ nhưng ở Trung Hoa thì kể là Sơ Tổ.
Vì xét thấy căn tánh Đại Thừa ở Trung Hoa đã chín muồi nên Ngài không quản gian khổ khó khăn tìm đến đó để hoằng truyền Phật Pháp.
Nhưng khi đến Trung Hoa, chẳng một ai nhận biết ra Ngài, kể cả vua Lương Võ Đế cũng không trọng dụng Ngài.
Đã vậy lại có người vì tị hiềm ganh ghét nên ra tay đầu độc Tổ đến sáu lần.
Mặc dù gặp bao chướng ngại, Ngài vẫn an nhiên, không hề hấn chi.
Biết cơ duyên chưa đến, Ngài tọa thiền tại núi Hùng Nhĩ, 9 năm quay mặt vào vách chờ thời.
Lúc bấy giờ Pháp Sư Thần Quang cũng 9 năm quỳ trước hang núi để cầu Pháp với Sơ Tổ.
Để chứng minh lòng thành khẩn cầu đạo, Ngài Thần Quang tự chặt cánh tay khiến máu rơi nhuộm đỏ màu tuyết trắng.
Kết quả Sơ Tổ Đạt ma đã tìm được người để truyền thừa tâm ấn.
Ngài Thần Quang trở thành Nhị Tổ Huệ Khả và tiếp tục lưu truyền mạch mạng Phật Pháp.
Sách có kèm các hình ảnh diễn tả câu chuyện rất sống động về Tổ Đạt Ma.Kinh Vạn Phật Bảo Sám – Theo truyền thống mỗi năm vào dịp lễ Phật Đản tại Vạn Phật Thánh Thành và Pháp Giới Thánh Thành đều có tổ chức khóa lễ Vạn Phật Bảo Sám.
Đây là thiện duyên cho mọi người quy tụ về để cùng nhau lễ Phật sám hối.
Đồng thời cũng là cơ hội cho mọi người chuyên tâm lễ bái 10 ngàn lạy trong vòng ba tuần lễ, mong tiêu trừ tội nghiệp.
Bộ kinh gồm chữ Hoa, có chú âm đọc và kèm thêm chữ Việt.
Rất thuận tiện cho người tham gia pháp hội vừa dễ bắt kịp theo đại chúng, vừa lại hiểu được ý nghĩa của kinh trong lúc lễ bái.Ngữ Lục – Quyển sách này là sự trích kết tập những lời dạy dỗ, khuyến tấn rất thâm thúy của Hòa Thượng Tuyên Hóa, vị sáng lập chùa Vạn Phật Thánh Thành.
Nội dung quyển sách là những lời lẽ có tánh cách nâng cao tinh thần đạo đức và giác tỉnh đối với những chúng sanh mê muội.
Lắm lúc Hòa Thượng nói ra những lời rất ngắn gọn và có vẻ như rất nghiêm khắc, nhưng nếu ai nhận thức được và biết thực hành theo tất sẽ được lợi lạc vô cùng.Gậy Kim Cang Hét: - Ghi lại những câu vấn đáp của Hòa Thượng và các Phật tử, nhân trong các chuyến Hòa Thượng hoằng pháp ở Đài Loan.
Hòa Thượng với những câu trả lời, nhằm chấn chỉnh những quan niệm tà kiến, dị đoan và thức tỉnh những tâm hồn mê muội.
Có lúc Ngài chỉ đáp lời đơn giản, ngắn gọn vài câu mà hàm chứa ý nghĩa rất chí lý.
Cũng có khi Ngài lại pha lẫn chút khôi hài, nhưng đượm nhần đạo nghĩa, khiến người nghe ân cần chú ý với lòng hân hoan đón nhận lời Ngài dạy bảo.
Trong khi xem những câu vấn đáp, chúng ta cũng có thể cảm thấy hình như Hòa Thượng đang trực tiếp trả lời câu thắc mắc cho chính mình.Kinh Phật Thuyết Tứ Thập Nhị Chương – Là bộ kinh được dịch ra Hán văn lần đầu tiền khi Phật Giáo từ Ấn Độ truyền sang Trung Hoa.
Kinh này gồm có 42 chương Phật Pháp, cũng chính là 42 đoạn ngữ lục hay 42 lời dạy do đức Phật thuyết giảng về phương pháp tu hành.
Người tu đạo phải quyết tâm đoạn trừ các dục vọng, mê chấp và biết buông xả.
Nhưng chủ yếu là hành giả cần phải biết tự chủ để hàng phục tâm mình, có thế mới đạt được kết quả.
Bộ kinh này chẳng những rất ích lợi cho người xuất gia, mà cả cư sĩ tại gia cũng có thể nương theo học tập để hành trì.Tam Bộ Nhất Bái – Nhật ký tường thuật lại cuộc bái hương hơn ngàn dặm của hai vị sư người Mỹ, đệ tử Hòa Thượng Tuyên Hóa.
Với cuộc hành trình kéo dài hơn 10 tháng, hai sư đã thành tâm cứ mỗi ba bước một lạy từ San Fancisco đến Marblemount, tiểu bang Washington để cầu cho thế giới hòa bình.
Tam Bộ Nhất Bái đã nêu lên chí nguyện chân thành đối với toàn nhân loại, một hành động cao cả hiếm có đã thật sự xảy ra ngay trên đất Mỹ.Pháp Nhũ Thâm Ân – Tưởng niệm cố Đại Lão Hòa THượng Tuyên Hóa Mười năm nhập Niết Bàn.
Là sự kết tập một số bài viết của chúng đệ tử xuất gia, tại gia người Hoa, Mỹ, Canada, Việt, Singapore, Mã Lai… để tưởng niệm vị thầy khả kính.
Các vị bày tỏ lòng tri ân sâu xa về những kinh nghiệm quý báu đã học được với Hòa Thượng Tuyên Hóa, vị thầy tôn kính dù nay đã vắng bóng nhưng kỷ niệm và những bài học quý giá của Ân sư sẽ mãi mãi khắc sâu trong tâm khảm của bao người đệ tử.
Qua các bài viết này, với những mẫu chuyện được kể lại, độc giả sẽ được dịp hiểu biết thêm về những giáo pháp kỳ đặc, tuy thiện xảo nhưng rất thực tế mà Hòa Thượng đã phương tiện dẫn dắt, tùy theo căn tánh của mỗi đệ tử.Văn Khuyến Phát Bồ Đề Tâm – Qua bài văn, Đại Sư Tỉnh Am đã khẩn thiết khuyên nhắc chúng ta nên cấp bách phát Bồ Đề tâm.
Ngài còn vạch bày tường tận lý do cũng như phân tích rõ ràng tại sao chúng ta phải Phát Bồ Đề Tâm.
Bồ Đề tâm này rất quan trọng thiết yếu trong sự tu hành của chúng ta và cũng chính là nhân tố chánh yếu để thành Phật.
Chúng ta nên học theo Đại Sư mà phát Bồ Đề tâm và lập Bồ Tát hạnh hầu vượt thoát sanh tử luân hồi.
Vì vậy, bài Văn Khuyến Phát Bồ Để Tâm này chiếm một địa vị vô cùng quan trọng trong Phật Giáo.Lục Tổ Đàn Kinh – Nội dung quyển kinh tường thuật lại cuộc đời và quá trình đắc pháp của Lục Tổ.
Trong cuộc đời hành đạo, Ngài đem pháp môn Đốn giáo lưu truyền đến khắp nơi khiến người học đạo nhận được bổn tâm, thấy được bổn tánh.
Lục Tổ Pháp Bảo Đàn Kinh gồm những bài thuyết pháp của Lục Tổ Huệ Năng được sao chép lại để lưu truyền.
Tổ là người vốn không biết chữ, nhưng khi nghe có người tụng kinh Kim Cang đến câu: “Ưng vô sở trụ nhi sanh kỳ tâm” mà hoát nhiên khai ngộ.
Sau Ngài được Ngũ Tổ Hoằng Nhẫn ấn chứng truyền y bát và trở thành Tổ thứ Sáu.TÁM QUY LUẬT CỦA VIỆN PHIÊN DỊCH KINH ĐIỂN1. Dịch giả phải thoát mình ra khỏi động cơ tự truy cầu danh lợi.2. Dịch giả phải tu tâm dưỡng tánh, dứt bỏ đi thói cao ngạo.3. Dịch giả phải tự chế, không được tự khen rồi chê bai kẻ khác.4. Dịch giả không được tự cho mình là tiêu chuẩn, là thước đo rồi hạ thấp kẻ khác bằng cách tìm lỗi lầm nơi tác phẩm của họ.5. Dịch giả phải lấy tâm Phật làm tâm mình.6. Dịch giả phải dùng Trạch Pháp Nhãn để phán xét đâu là chân lý.7. Dịch giả phải cung kính cầu thỉnh Cao Tăng, Đại Đức ở mười phương chứng minh cho bản dịch của mình.8. Dịch giả phải hoan hỷ truyền bá giáo nghĩa nhà Phật bằng cách in Kinh, Luật, Luận một khi phần phiên dịch của mình được chứng minh là đúng đắn.KỆ HỒI HƯỚNGNguyện đem công đức này, Trang nghiêm Phật tịnh độ,Trên báo bốn trọng ân, Dưới cứu ba đường khổ,Nếu có ai nghe thấy, Tất phát Bồ-đề tâm,Đến khi mạng này hết, Đồng sanh Cực Lạc quốc..
Truyện đánh dấu
Nhấn để xem...Truyện đang đọc
Nhấn để xem...