Khai Thị Quyển 3- Hòa Thượng Tuyên Hóa


SƠ LƯỢC VỀ HÒA THƯỢNG TUYÊN HÓAHòa thượng Tuyên Hóa họ Bạch, tên thật là An Từ, tự Độ Luân.

Ngài quê ở huyện Song Thành, tỉnh Tùng Giang thuộc Đông Bắc, Trung Hoa, tức là Mãn Châu.

Phụ thân Ngài tên Phú Hải, chuyên làm nghề nông.

Mẹ họ Hồ, sinh được tất cả tám người con, năm trai ba gái và Ngài là út.Ngài cung kính phụng dưỡng song thân như đối với Phật vậy.

Chẳng bao lâu tiếng đồn về sự hiếu thảo của Ngài vang khắp bốn phương.

Khi đó mọi người đều gọi Ngài là Bạch Hiếu Tử (Người con chí hiếu họ Bạch).Năm Ngài 19 tuổi thì mẹ Ngài qua đời; bấy giờ Ngài từ giã họ hàng lên chùa bái Hòa Thượng Thường Trí làm Thầy và quy y, chính thức xuất gia, thọ giới.

Sau đó, Ngài về lại nơi mộ phần thân mẫu để thủ hiếu trong ba năm.


Suốt thời gian ấy, Ngài sống trong một túp lều tranh nhỏ, ngày ngày tọa Thiền, đọc tụng kinh điển Đại Thừa và niệm Phật A Di Đà.

Rất nhiều lần Ngài ngồi Thiền rồi nhập Định, liên tiếp trong nhiều tuần lễ chẳng rời thiền sàng.Sau Đệ Nhị Thế Chiến, Ngài vân du khắp nơi.

Cuối cùng, trải qua hơn ba ngàn dặm, Ngài tới chùa Nam Hoa, bái kiến vị Đại Thiện Tri Thức của thời bấy giờ là Lão Hòa Thượng Hư Vân.

Lão Hòa Thượng lúc ấy đã 109 tuổi.

Vừa nhìn thấy Ngài, Lão Hòa Thượng liền nhận ra ngay sự chứng ngộ của Ngài.

Khi đó, Lão Hòa Thượng nói: “Như thị, như thị!” và Ngài cũng đáp lại: “Như thị, như thị!” Bấy giờ, Lão Hòa Thượng ấn chứng sở đắc của Ngài và Ngài chính thức trở thành vị Tổ thứ chín của dòng pháp Quy Ngưỡng.Sau đó, Lão Hòa Thượng dạy Ngài ở lại chùa đảm nhận chức Viện Trưởng Viện Giới Luật của Chùa Nam Hoa.Năm 1950, Ngài từ giã chùa, lên đường sang Hương Cảnh.


Ở đây, Ngài sống tại một sơn động biệt lập, chẳng lai vãng gì đến bụi trần, tục lụy.

Chẳng bao lâu, có vô số Tăng-lữ từ Trung Hoa, Đại Lục qua Hương Cảnh tỵ nạn và họ cần sự giúp đỡ của Ngài.

Cuối cùng ứng với nhân duyên, Ngài rời sơn động, lập ra giảng đường và hai ngôi chùa, cùng trợ giúp xây dựng nhiều đạo tràng khác.Năm 1962, ngài đến San Fancisco, Mỹ Quốc.

Tại đây, nơi một nhà kho nhỏ, Ngài kiên trì tu hành trong im lặng, chờ đợi cho cơ duyên hoằng dương Đạo Pháp chín muồi.

Lúc ấy Ngài tự gọi mình là “Mộ Trung Tăng” (Nhà Sư trong phần mộ), hay là Hoạt Tử Nhân(người đã chết nhưng còn sống).

Những Phật Tử hiểu biết sự tu hành chân chánh của Ngài đều rất cảm động và cung kính ủng hộ, cúng dường Ngài.Năm 1968, Ngài biết cơ duyên đã đến, Ngài nói: “Một đóa hoa sẽ nở ra năm cánh.” Mùa hè năm đó, Ngài chủ trì Pháp Hội giảng Kinh Lăng Nghiêm trong 96 ngày.

Khi Pháp Hội kết thúc, quả nhiên có năm người Mỹ đầu tiên xin xuất gia với Ngài.Từ đó, Ngài tiếp tục chủ trì nhiều Pháp Hội cùng giảng giải các bộ kinh như: Tâm kinh, Kinh Địa Tạng, Kinh Pháp Hoa, Kinh Pháp Bảo Đàn v.v… Năm 1971, Ngài giảng bộ kinh tối cao của Đại Thừa, đó là Kinh Hoa Nghiêm.Song song với việc giảng Kinh, thuyết Pháp, Ngài còn làm vô số công đức độ sinh khác.

Năm 1976, Ngài thành lập Vạn Phật Thánh Thành là nền tảng căn cứ địa để hoằng dương Phật Pháp ở Mỹ Quốc.

Tại Vạn Phật Thánh Thành, Ngài xây dựng chế độ Tùng-lâm, đào tạo Tăng, Ni, học chúng tạo nhân duyên thù thắng cho sự chân chính tu hành..


Truyện đánh dấu

Nhấn để xem...

Truyện đang đọc

Nhấn để xem...
Nhấn Mở Bình Luận
Quảng Cáo: Coin Cua Tui