Vào thời Triều Minh, Đại sư Liên Trì (1535-1615) sau khi xuất gia đã đi khắc nơi để tìm minh sư học đạo.
Sau khi vào kinh đô, Ngài đến tham bái hai vị đại lão đạo cao, đức trọng trong Thiền Tông là Biến Dung và Tiếu Nham.
Đại sư Liên Trì sau khi được nhị vị lão sư khai pháp chỉ điểm, Ngài bèn đi đến Đông Xương và khi nghe tiếng trống thì bỗng nhiên giác ngộ.
Nhân đó Ngài làm bài kệ:Nhị thập niên tiền sự khả nghi,Tam thiên lý ngoại ngộ hà kỳ!Phần hương trịch kích hồn như mộng,Ma Phật không tranh thị dữ phi.Nghĩa là:Mối nghi từ hai mươi năm trướcLạ thay cái ngộ ngoài ngàn dặm!Đốt nhang ném kích như trong mơMa Phật, phải trái uổng công tranh.Bất luận là đọc Kinh hay xem Luận, chúng ta cũng phải dùng trí tuệ để phân biệt phải trái.
Điều tối kỵ là chúng ta dùng tâm, ý và thức để suy đoán.
Vì tâm, ý và thức chỉ là để dối lừa người.
Ba thứ này có sức mê hoặc rất lớn, khiến cho con người không phân biệt được phải trái, lý sự chẳng minh bạch, đen trắng lẫn lộn thành ra hỗn độn không rõ ràng.
Có một số lý luận, mới nghe thì hình như có đạo lý, nhưng người có trí vừa xem qua là biết không đúng, còn người vô trí thời bị mắc lừa và nghe theo một cách thích thú.
Có một số khác thì như người mù dắt kẻ đui, không phải vì cố ý mà vì tự bản thân họ cũng chưa hiểu rõ.
Cho nên họ đưa đẩy người khác lạc hướng vào lối rẽ, cuối cùng chẳng đến được nơi tốt lành.
Bởi vậy chúng ta đừng nên xem thường việc phát biểu ý kiến của mình.
Nếu trên vấn đề căn bản mà chúng ta luận giải xằng bậy, thì đó sẽ như câu nói: “Sai một hào một ly thì khác biệt một trời một vực,” thậm chí còn làm cho cả thế giới rơi vào hoàn cảnh đen tối, không ánh sáng.
Do đó, trên nguyên tắc lý luận, chúng ta phải có sự nhận thức chính xác, rõ ràng.
Nếu chúng ta chỉ dựa vào tâm, ý, thức mà suy đoán, rồi phê bình lung tung và tùy ý khen chê, tức là bỏ Phật để gia nhập vào bọn ma quỷ, là chuyện không thể được.Như nói về vấn đề ma và Phật, chúng ta không nên chạy theo lý luận xằng bậy.
Ví như có một số người cho rằng: “Ma, Phật như một, hai mà không hai.” Nhưng người Phật tử đâu thể nào giống như ma quỷ; nếu giống thì người ta đâu cần phải tin Phật mà cứ tin theo những lời ngông cuồng của ma quỷ cũng được vậy! Có người nói: “Ma là bộ mặt trái của bậc Thiện tri thức đến giúp đỡ chúng ta.” Đó vốn là nói về hoài bão của lòng từ bi, cũng là một lối nói để an ủi cái tự ngã, dùng tâm lý dỗ dành trẻ con là bảo nó chớ quá giận dữ.
Cách nói như thế cũng vẫn là để hóa giải việc phân tranh và oán hận bên trong, bởi không muốn xem ma quỷ như kẻ thù địch.
Nếu nói mặt trái của ma quỷ là giúp đỡ người, nhưng nó cứ lần lượt nuốt sống con người, hoặc là đưa con người vào chỗ chết, như thế gọi là “giúp đỡ” sao?Do đó chúng ta cần phải giữ vững lập trường căn bản, giờ khắc nào cũng giữ chánh niệm.
Một khi chúng ta sanh tâm tham, hoặc tham mau, tham thần thông, tham có hiệu quả nhanh chóng, tham linh cảm thì ma liền nhân đó mà xâm nhập vào.
Có một số người rất thông minh, nhưng tại sao cũng có lúc họ bị tâm ma khí quỷ? Là bởi đối với những nguyên tắc căn bản, họ chưa có nhận thức rõ ràng.
Nếu họ nắm được căn bản rõ ràng, thời bùa chú của ma cũng không linh nghiệm đâu.
Chúng ta không cần phải niệm chú, mà chỉ cần không tranh, không tham, không cầu, không ích kỷ, không tự lợi, không vọng ngữ là ma sẽ không có cách gì nhập được.Sau nhiều năm học Phật, tôi kết luận rằng “Lục đại tông chỉ” này là có nhiều hữu dụng nhất.
Phật Pháp không phải là bàn luận cao xa, rộng lớn hoặc nói chuyện huyền diệu, lạ kỳ, lại càng không phải là đoán xằng nói bậy về phước họa, hoặc bói toán hung kiết, hên xui.
Trên thế giới này không biết đã có bao nhiêu người biết bói đoán tiên tri như thế.
Nhưng đó là mánh lới của bọn giang hồ thích nói về thần thông, dùng những lời lẽ yêu quái hoang đường để mê hoặc dân chúng.
ĐÓ là họ đang rao bán thuốc cao dán đấy.
Và đúng thật là những người đó có thể biết được quá khứ vị lai.
Ví như họ nói với quý vị rằng: “Tôi biết ngày mai sẽ có người đến thăm anh, người đó lại còn nói với anh như thế này, thế này ...” Hoặc như: “Trước kia anh đã làm những việc gì, tôi đều biết rõ cả ...” Nhưng họ đều có chỗ sơ sót là không dứt được dâm dục hoặc háo tài, hoặc luyến sắc.
Đó đều là cảnh giới của ma quái.
Nếu người nào có tâm tranh, tâm tham, cầu danh cầu lợi, hoặc tuyên truyền đề cao cá nhân mình để cho người khác sùng bái mình, lại còn ích kỷ tự lợi và không nói lời chân thật thì chúng ta nên biết rằng, người này đang trong cảnh giới của ma.Nhân dịp Đại Sư Liên Trì tham bái hai vị Lão Sư Biến Dung và Tiếu Nham, Đại Sư được hai vị khuyên bảo rằng: “Người xuất gia tu đạo là vì sanh tử đại sự.
Đừng để danh lợi làm liên lụy!” Lúc bấy giờ tại đạo tràng đó cũng có một số người tham gia học tập, nhưng không mấy ai để ý đến lời khai thị này.
Duy chỉ có Đại Sư Liên Trì là thâm hiểu được ý nghĩa sâu xa mà tâm trí đầy hứng khời.
Cho nên khi rời Kinh Sư đến Đông Xương.
Đại Sư bỗng hoát nhiên khai ngộ bèn làm bài kệ trên.
Thật ra bốn câu thơ đó chỉ là thứ yếu.
Còn lời lẽ tối trọng yếu là không được tìm cầu danh lợi, đó mới là chìa khóa chủ yếu của câu chuyện này.Quý vị đừng tưởng rằng Đại Sư Liên Trì đến Đông Xương mới khai ngộ.
Mà ngay từ lúc đầu, Đại Sư đã từng bước, từng bước đi trên con đường khai ngộ rồi.
Đến lúc đứng trước mặt hai vị Lão Sư Biến Dung và Tiếu Nham, bị hai Ngài hét cho một tiếng lớn vào đầu khiến Đại Sư hoát nhiên khai đại ngộ ngay.
Sau khi xuất gia thì không đam mê danh lợi, đó là bài chú có hiệu quả nhất, có thể chiến thắng tất cả bọn ma quân.
Chúng ta hãy xem lời văn của bài kệ như sau:Mối nghi từ hai mươi năm trước.
Chuyện sanh tử đại sự này đã khiến Đại Sư Liên Trì bối rối nghi hoặc từ lâu.
Bởi chưa hiểu nên Đại Sư phải xuất ngoại tham vấn, cầu bậc Thiện tri thức giải quyết dùm mối nghi ngờ.Lạ thay cái ngộ ngoài ngàn dặm.
Trai qua ba ngàn dặm, sau đó Đại Sư đến Đông Xương thì đột nhiên khai ngộ.
Điều này sao mà kỳ diệu quá! Bao chấp trước của Đại Sư bỗng nhiên tiêu tán hết!Đốt hương ném kích như giấc mộng.
Thắp nhang cúng Phật là chuyện tốt, còn nem đao kích, đánh lộn với ma quân là chuyện xấu.
“Trịch kích” cũng có thể là ném bỏ khí giới, tức là không đánh nhau nữa.
Tất cả những điều đó cũng giống giấc mộng thôi! Vì sao giống giấc mộng? Bởi vì mình chưa hiểu rõ một cách triệt để.Ma Phật, phải trái uổng công tranh.
Bây giờ Đại Sư đã hiểu rồi.
Trước đây vì Đại Sư cứ dụng công ở chỗ hư vọng thị phi, phải trái, cho nên đều là uổng phí tâm sức! Đại sư Liên Trì cũng không nói rằng: Phật và Ma như là một.
Mà ma là ma, Phật là Phật.
Hai bên đều đã không quan hệ với nhau thì có thị phi, phải trái gì đáng phải tranh cãi hả? Những cuộc bàn luận phải trái lúc trước đều là hư vọng, chẳng phải thật.
Nếu muốn hàng phục bọn ma, quý vị phải có chút ít công phu chân thật, không phải chỉ thiền nơi miệng mà có thể làm được.Còn một cách khác là: “Vô ma bất hiển Phật, vô Phật bất hiển Ma,” không có Ma thì Phật chẳng hiện, không có Phật thì Ma chẳng hiện.
Ma và Phật cũng là pháp tương đối với nhau, chứ không phải khi Phật khai ngộ rồi thì Ma và Phật nhất như là một đâu.
Sau khi Phật khai ngộ rồi thời Ma, Phật cũng vẫn như trước, chỉ ngoại trừ - Phật thì không có tư tưởng thù địch.
Phật xem tất cả chúng sanh bình đẳng và Ma cũng là một phần tử trong chúng sanh, cho nên Phật xem Ma là đồng đẳng.
Nhưng Ma đối với Phật có bình đẳng hay không? Tuyệt đối là không! Vì lúc nào Ma cũng muốn lật đổ Phật.Qua hai mươi năm sau, đại sư Liên Trì mới hiểu rõ đạo lý không tranh.
Đại Sư giác ngộ rằng trước đây mình chỉ tranh cãi phải trái ở bề ngoài một cách vô ích.
Lúc đó Đại Sư đã không hồi quang phản chiếu và không quét dọn sạch sẽ cái tự tánh của mình, cho nên hễ người ta tranh là Đại Sư liền phiền não.Tôi nói đạo lý rất là đơn giản, hy vọng quý vị ngẫm nghĩ lại cho kỹ càng.
Bởi vì trên nguyên tắc, chúng ta không được phạm lỗi.
Quý vị đều còn trẻ, và cũng không nên tùy tiện nói “Ma Phật như là một.” Hoặc giả người đã đại triệt, đại ngộ rồi thì có thể nói như thế, bởi vì cảnh giới hiểu biết của họ không giống quý vị.
Nhưng chúng ta hãy còn là trẻ con, cho nên không được dối mượn đạo lý của người xưa, để rồi gượng gạo luận giải một cách sai lầm.
Ví như trẻ con chưa biết lái xe, mà quý vị để cho nó lái thì rất dễ gây ra tai nạn, đến nỗi mất mạng là khác.Có một số người khi nghe nói “Ma Phật Nhất Như” thì họ nghĩ rằng: “Thế thì mình lạy Phật để làm gì? Mình làm nghiệp ma thì cũng không phải là nghiệp Phật hay sao?” Vì vậy trên nguyên tắc phân biệt, chúng ta phải hiểu cho rõ ràng, chớ có nghe ngóng một cách lẫn lộn như vậy, rồi cho rằng mắt con cá là ngọc trai.Giảng ngày 29 tháng 8 năm 1985.
Truyện đánh dấu
Nhấn để xem...Truyện đang đọc
Nhấn để xem...