Vạn Phật Thánh Thành là nơi tu đạo, cho nên các vị Thiên Long Bát Bộ lúc nào cũng hộ trì đạo tràng này.
Nếu quý vị phát Bồ Đề Tâm, họ nhất định sẽ hộ trì quý vị và khiến cho thân tâm quý vị được khinh an nhẹ nhàng, được đại thành tựu và có đại cảm ứng.
Nhưng trong lòng quý vị đừng có hy vọng mình sẽ được như thế, thì những điều đó mới tự nhiên hiện tiền.
Nếu quý vị còn có lòng hy vọng được thành tựu và cảm ứng thì đó là tham, cũng là phạm vào Lục Đại Tông Chỉ của Vạn Phật Thánh Thành.Các sinh hoạt hàng ngày của người tu hành ở Vạn Phật Thánh Thành, đều không rời khỏi sáu điều mục như sau:1. Không tranh: Tuyệt đối không tranh với bất cứ ai.
Cũng không tranh danh, tranh lợi.
Phàm đồ vật gì mà người khác thích thì mình nhường cho họ, chứ không cần phải tranh giành, gọi là: “Tranh chi bất túc, nhượng chi hữu dư,” nghĩa là tranh thì không đủ, nhường thì có dư.2. Không tham: Không phải là miệng nói không tham, nhưng khi cảnh đến thì chỉ lo tham, chẳng thể bỏ qua, thế là sai rồi.
Chúng ta cần phải là: Lời nói theo đúng việc làm, và làm đúng theo lời nói, đừng để chúng mâu thuẫn với nhau.
Người không có lòng tham mới bồi dưỡng được nhân cách cao thượng.3. Không cầu: Nếu chúng ta có cầu muốn điều gì, tức là chúng ta sẽ có phiền não.
Cầu mà không được, đương nhiên là chúng ta sẽ phiền não.
Cho nên nói: “Vô cầu tiện vô ưu,” không cầu sẽ không lo – thật là một danh ngôn chí lý.
Một khi chúng ta đạt đến trình độ vô cầu, phẩm cách của chúng ta tự nhiên sẽ cao quý.
Nhân đáo vô cầu phẩm tự cao, tức là vậy.
Trong Bát khổ có “ cầu bất đắc khổ”, như cầu không được cũng khổ, mà cầu được cũng khổ luôn.
Vì lo được lo mất mà tự tìm cái khổ cho mình.
Vậy bởi tội gì mà mình phải khổ như thế.
Nếu như quý vị thấy rõ ra mà buông hết tất cả thì quý vị sẽ không còn phiền não nữa.4. Không tự tư, ích kỷ.
Ai ai cũng có lòng ích kỷ.
Chuyện gì chúng ta cũng tính toán cho mình trước, lo nghĩ cho con cháu của mình trước hết.
Cho nên người tu hành là phải tu đến cảnh giới vô ngã.
Vô ngã rồi thì chúng ta còn muốn tranh cái gì, tham cái gì, cầu cái gì nữa đây? Chúng ta phủ nhận hết, và cái gì cũng không muốn.
Chúng ta phải học theo tinh thần của Bồ Tát là xả mình vì người.
Tại sao thế giới này lại ngột ngạt đầy chướng khí, và không lúc nào trong sạch, xán lạn vậy? Bởi vì ai nấy đều tự tư, tự lợi, như nói: “ Cái này là của tôi, cái kia thuộc về tôi,” nên khiến cho thiên hạ đại loạn, thế giới chẳng được an ổn.5. Không tư lợi: Nếu mọi người đều không có tánh tư lợi, lúc nào cũng biết đủ, gặp hoàn cảnh nào cũng cảm thấy an ổn, vậy tự nhiên ai nấy cũng sẽ chung sống hòa bình với nhau.
Nếu như người có tâm tham thì giống như cá theo mồi, thấy lợi là quên mất hết tình nghĩa, rồi làm những chuyện tổn hại đạo lý.
Có bao nhiêu người đã vì lợi mà thân bại danh liệt, tán gia bại sản.
Thậm chí có kẻ còn làm cho nước mất nhà tan, đến nỗi phải lưu lạc, không nơi nương náo.6. Không vọng ngữ.
Bất luận trong hoàn cảnh nào, chúng ta tuyệt đối cũng không nên vọng ngữ.
Hễ thấy thì nói thấy, nghe thì nói nghe, chúng ta cứ thật thà mà nói, chớ nói những chuyện không có căn cứ.
Chúng ta nên biết, vọng ngữ là nói những lời bịa đặt, làm tổn hại người mà chẳng có lợi ích gì cho mình, và sau khi chết nhất định bị đọa vào địa ngục cắt lưỡi.
Điều đó không có chút nghi ngờ gì cả.
Cho nên chúng ta phải hết sức cẩn thận.Hôm nay tôi nói với quý vị những lời tuy rất cạn cợt, nhưng nếu quý vị chịu y chiếu theo đạo lý đó mà làm, thì sẽ hữu dụng vô cùng.
Cho nên có câu: “Nói cho hay! Thuyết cho diệu! Nhưng nếu không thực hành thì không phải là Đạo.
Đạo là hành, không hành sao có Đạo? Đức là làm, không làm sao có Đức? Nếu quý vị có thể thực hành theo Lục Đại Tông Chỉ của Vạn Phật Thành, tự nhiên nhân cách của quý vị sẽ cao thượng hơn.Tôi nói thêm một câu sau chót là: Quý vị đừng nên làm những chuyện ngu si như: “ Yểm nhĩ đạo linh” tức bịt tai để trộm chuông.
Vì quý vị không thể tự dối mình, mà cũng không thể gạt được Phật! Hà tất bụng dạ phải chứa đầy chuyện quỷ quyệt, rồi tưởng là mình có thể che đậy được hết để dối trên lừa dưới.
Há như thế chẳng phải là tự chuốc lấy cái vô lý cho mình hay sao? Tôi hy vọng mọi người ở Vạn Phật Thánh Thành đều biểu hiện là người lương thiện, mẫu mực, để kẻ thế nhân nhìn vào bằng cặp mắt khâm phục.Giảng ngày 25 tháng 9 năm 1984.
Truyện đánh dấu
Nhấn để xem...Truyện đang đọc
Nhấn để xem...