Có câu nói rằng: "Chịu khổ thì hết khổ, hưởng phước thì tiêu phước".
Chúng ta tu Ðạo phải tu khổ hạnh là vì lẽ gì? Mỗi ngày chúng ta chỉ ăn một bữa vì chúng ta muốn hết khổ.
Khổ mà hết thì sẽ có vui.Nói về phước thì có loại nên hưởng và có loại không nên hưởng.
Phước nên hưởng là phước do tay ta tạo tác ra, như có nhà đẹp, mặc quần áo đẹp, ăn thứ ngon, đi xe hơi tốt.
Tuy nhiên, chúng ta cũng nên nhớ rằng sau khi hưởng thọ hết những thứ đó thì phước cũng tiêu luôn, và trong trương mục của ngân hàng phước báo thì ngạch số tồn khoản cũng không còn.Loại phước không nên hưởng là loại không do chính ta tạo dựng.Chúng đến với ta do mánh lới, như tiền của trộm cắp của người khác chẳng hạn.
Chúng ta tiêu xài thứ đó một cách trái phép, tất sẽ bị pháp luật trừng trị.
Vậy là ta đã thiếu nợ vì rút tiền quá lạm tại trương mục của ngân hàng phước báo.Thọ hưởng phước thì khi hưởng hết, phước sẽ không còn, huống chi lại cố tình hưởng những loại phước không nên hưởng.
Như vậy, không những tiêu mất phước mà lại còn bị vỡ nợ.
Vì lẽ đó mà phước chẳng thể hưởng hết, hưởng hết thì hết phước; khổ có thể chịu hết, chịu hết thì hết khổ.
Làm người phải ghi nhớ điều này.
Gặp hoàn cảnh gian nan khốn khổ, ta vui lòng tiếp nhận nghịch cảnh.
Vậy là không có sự oán hận, ta không mang tâm bất mãn.Ðối với kẻ đã từng nghiên cứu Phật Pháp, tư tưởng và hành động của họ khác với người thế tục.
Một đàng thì thuận theo giòng sanh tử và tạo nghiệp, còn người tu hành thì đi ngược giòng sanh tử và làm tiêu nghiệp.
Trong mọi cảnh ngộ, những người này vẫn giữ tâm an nhiên, nên không cảm thấy khổ.
Có câu nói: "Có nếm được cái khổ cùng cực, mới thành bậc thượng nhân".
Thật là một câu chí lý.Nay tôi kể một công án để quý vị tham khảo.
Vị vua cuối cùng đời nhà Minh là vua Sùng Trinh.
Là một vị quân vương, ông có đủ trí huệ, nhưng phước báo dành cho ngôi vị này lại không có.
Bởi cớ gì? Bởi lý do gặp khổ nạn mà không lãnh thọ cho đến khi hết khổ.Nguyên kiếp trước ông là một Sa-di, nhưng lại chết trước khi thọ giới Cụ túc, thành thử thân phận ông vẫn là tiểu Sa-di.
Trong thời gian làm Sa-di, ông phải nhận hết những công việc nặng nhọc như gánh nước, bổ củi.
Ông ráng chịu đựng, nén sự oán giận và ngày ngày khổ công trong công tác hộ trì Ðạo tràng.
Một hôm, ông leo lên nóc nhà để sửa mái, nhưng chẳng may trật chân rớt xuống đất chết.
Các bạn tu vội báo cho Phương trượng hay.
Hòa Thượng viện chủ vốn biết rõ nghiệp quả của vị tiểu Sa-di này, muốn tìm cách giúp cho đệ tử lãnh thọ cho hết khổ nạn, nên đối trước các chúng tuyên bố rằng: "Tiểu Sa-di này làm việc thiếu cẩn thận, sẩy chân ngã chết, làm thiệt hại cho Ðạo tràng.
Y đã phạm vào tội xâm tổn thường trú, đáng bị trừng phạt.
Các ngươi hãy buộc thi thể của nó vào đoàn ngựa, bắt ngựa kéo đi cho đến khi tan xác.
Khỏi cần phải dùng quan tài mai táng nữa".
Các bạn tu nghe Phương trượng nói xong, thấy không đang tâm, nghĩ tới tình bạn tu mà động lòng trắc ẩn.
Họ không nghe lệnh củaPhương trượng rồi bàn bạc với nhau: "Chúng ta là sư huynh sư đệ, cùng tu chung một Ðạo tràng, lý nào để cho y bị ngựa kéo thây như vậy, chúng ta phải chôn cất mới phải".
Bàn xong, tất cả chung tiền mua quan tài, rồi đem chôn xác trong núi.Bởi đã khổ công làm việc chùa, tiểu Sa-di đã từng tích lũy công đức, nên kiếp sau được làm vua, tức vua Sùng Trinh.
Có điều, ông chỉ tại vị trong thời gian 16 năm, lại gặp lúc thiên hạ đại loạn, trong nước thì Lý Tự Thành làm phản, bên ngoài thì nhà Thanh mang quân xâm lấn.
Trong bao năm, ông chưa từng được hưởng một ngày an ổn, liên miên bị bức bách ưu phiền.
Chính vì lòng tốt của các vị sư huynh sư đệ của ông đã làm hại ông, không để cho ông thọ lãnh cho hết khổ nạn.
Nếu như các bạn đó sớm nghe lời Phương trượng, dùng ngựa kéo thây thì nạn khổ của ông đã hết và ngày sau đâu còn xẩy ra cảnh Sùng Trinh tự ải ở Môi Sơn, vì nước mà tử vong..
Truyện đánh dấu
Nhấn để xem...Truyện đang đọc
Nhấn để xem...