Có người hỏi tôi: " Nhập định và ngủ khác nhau ở chỗ nào?" Nói sơ qua thì khi nhập định, hành giả ngồi ngay ngắn, lưng thẳng, hô hấp có thể ngừng, mạch có khi không đập, trông bề ngoài như là người chết, nhưng tri giác thì vẫn có đủ.
Nhập định thì ngồi yên không động, có khi trong một ngày, hay mười ngày, cho đến cả tháng.
Còn như nếu là người ngủ, thì thân xiêu vẹo.
đầu nghiêng ngả, hơi thở ra vào phì phò, có khi còn phát ra tiếng ngáy như sấm.
Ðó là chỗ khác nhau.Thực tập thiền cũng ví như người đi học, từ tiểu học, qua trung học, đại học, rồi tới giai đoạn nghiên cứu, sau mới được cấp bằng Tiến sĩ.
Pháp môn tham thiền cũng giống như vậy, chia là bốn nấc, gọi là tứ thiền.
Xin giảng sơ lược như sau:Sơ thiền, còn gọi là "Ly sanh hỷ lạc địa".
Ðây là trạng thái đưa hành giả lìa hẳn cảnh giới chúng sanh, nên đạt được một trạng thái khoái lạc.
Khoái lạc này không giống khoái lạc của phàm phu, bởi nó là công phu do tự tánh mang lại.
Khi nhập sơ thiền, hơi thở ngưng lại.
Ðây là nói ngoại hô hấp đình chỉ, nhưng nội hô hấp bất đầu hoạt động, giống như hiện tượng đông miên của các loài vật.
Khi ấy, tâm thì trong suốt như nước, sáng như gương, soi chiếu tới bổn thể của tự tánh, nhưng vẫn hay biết là mình đương ngồi thiền.Nhị thiền, gọi là "Ðịnh sanh hỷ lạc địa".
Vào trong định này, hành giả kinh nghiệm một thứ khoái lạc không gì sánh được, chính là "thiền duyệt vi thực, pháp hỷ sung mãn", bởi trong cảnh giới này hành giả thấy khoái lạc quên luôn cả đói, có thể nhịn ăn, nhịn uống trong nhiều ngày mà không có vấn đề gì.
Tuy nhiên, chớ chấp trước vào thành tựu đó.
Như quả có ý như vậy, công trình có thể tiêu tan, dễ đi vào cảnh giới ma, nên chúng ta phải cẩn thận.
Trong định này, không những hô hấp đình chỉ mà mạch cũng ngưng đập.
Khi nào ra khỏi định, cơ thể lại trở lại hoạt động bình thường.Tam thiền gọi là "Ly hỷ diệu lạc địa".
Hành giả lìa sự hoan hỷ trong nhị thiền, đạt tới một thứ khoái lạc kỳ diệu không thể nói ra được, đồng thời cảm thấy hết thảy mọi thứ đều là Phật Pháp, mọi thứ đều là khoái lạc.
Trong cảnh giới tam thiền, cả hô hấp và mạch đều đình chỉ, ý niệm cũng dừng lại.
Khi ấy, chẳng nghĩ thiện, chẳng nghĩ ác, chẳng nghĩ phải, chẳng nghĩ quấy, một niệm cũng chẳng sanh.
Tuy nhiên, hành giả cũng đừng tự hào, vì đó chỉ là một chặng trên đường tu mà thôi.
Ðến được chỗ liễu thoát sanh tử hãy còn xa lắm, còn cách cả tám vạn bốn ngàn dặm đường nữa.Tứ thiền gọi là "Xả niệm thanh tịnh địa".
Trong cảnh giới này, ngay cả niệm khoái lạc cũng không còn, tất cả đều bị xả bỏ và hành giả đạt tới một trạng thái thanh tịnh, không còn gì phải tạo tác.
Ðây cũng gọi là cảnh giới "vô vi vô sở bất vi." Giai đoạn tứ thiền cũng chỉ là một chặng trên đường dụng công tham thiền, đừng nhận lầm tự cho mình đã chứng quả, kẻo có thể phạm vào lỗi lầm của Tỳ kheo Vô Văn, mà đọa địa ngục.Tứ thiền vẫn còn trong phạm vi phàm phu.
Phải tinh tấn dấn bước nữa, tới cảnh giới "ngũ bất hoàn thiên" mới gọi là chứng quả thánh.
Vậy mà tới đây vẫn chưa giải quyết xong vấn đề sanh tử bởi chưa vượt khỏi vòng Tam giới.
Ðiểm này phải nhận cho rõ, không thể mơ hồ được..
Truyện đánh dấu
Nhấn để xem...Truyện đang đọc
Nhấn để xem...