Khai Thị Quyển 3- Hòa Thượng Tuyên Hóa


Lời người biên tập: Thượng nhân Tuyên Hóa quê quán ở huyện Song Thành, tỉnh Cát Lâm, là người họ Bạch.

Thân phụ là Phú Hải chuyên về nghề nông, nhất sinh cần kiệm.

Mẹ họ Hồ, một đời ăn chay và niệm Phật không sót ngày nào, ưa bố thí, ưa làm việc thiện, hễ ai cần giúp là giúp ngay, nên làng xóm đều xưng tán và coi bà như một vị Bồ-tát sống.

Vào đêm ngày 16 tháng 3 năm Mậu ngọ, bà nằm mơ thấy Phật A-di-đà giáng lâm, thân phóng hào quang, soi sáng thế giới, chấn động cả đất trời.

Giật mình tỉnh giấc thì nhận ra một mùi hương lạ, tỏa ra thơm ngát dị thường, tràn ngập toàn thân, vào tận gan phổi, đưa tới một trạng thái không thể nghĩ bàn.

Phút chốc Tuyên công ra đời, khóc ròng ba ngày ba đêm mới nín, cơ hồ người đã biết cái khổ phải gánh chịu của chúng sanh trong cõi Ta-bà này.

Dưới đây xin trích những điều tự thuật của Tuyên công về nhân duyên xuất gia của người.Thuở nhỏ, trước năm tôi lên 12 tuổi, tôi là một đứa trẻ rất cứng đầu.

Cứng đầu tới cỡ nào? Hễ có ai chọc tôi, tôi liền khóc, và một khi đã khóc là không biết bao giờ mới nín.

Cha mẹ nói cũng không được, tôi không nghe lời và tôi chỉ làm theo ý của tôi mà thôi.

Nhiều lúc tôi không chịu ăn, không chịu uống, cứ như vậy mà kêu khóc, cha mẹ tôi đành chịu thua không còn cách nào bảo tôi nghe lời.

Hồi đó tôi biết cha mẹ tôi thương tôi lắm, khi thấy tôi không chịu ăn, thì hết sức mềm lòng, mà chiều theo ý tôi.

Thời gian ấy tôi bất hiếu đến độ như vậy, chẳng đếm xỉa gì đến nỗi khổ của cha mẹ, nay nghĩ lại thấy quả thực tôi hư đốn quá!Có một lần, một đứa trẻ bên hàng xóm qua chơi.


Hồi đó tôi mới biết bò và đứa trẻ đó cũng đương tập bò như tôi.

Chúng tôi bò trên một cái bục, hai đứa trẻ đua nhau coi ai bò mau hơn.

Thấy tôi bò vượt trước nó, nó bò sau, nó bèn cắn vào chân tôi.

Quả thật ngu đần là tôi! Thay vì tôi phải phản kháng lại, tôi chỉ biết khóc.

Bây giờ nhớ lại thấy tức cười!Năm đó, lúc tôi 11 tuổi, nhân tôi cùng các trẻ nhỏ trong thôn ra ngoài xóm chơi, tôi có dịp thấy thi thể của một đứa bé.

Từ khi ra đời tôi chưa hề nhìn thấy cảnh này, nên tôi nghĩ rằng đứa bé đó đương ngủ, nhưng kêu nó mà nó không tỉnh giấc, hai mắt thì nhắm, hơi thở không còn, tôi chẳng hiểu ất giáp gì, khi về nhà tôi hỏi mẹ tôi:- Tại làm sao đứa nhỏ đó lại ngủ ở ngoài đồng?Mẹ tôi nói:- Ðứa bé ấy chết rồi.- Tại sao lại phải chết? Tôi hỏi lại.- Tại sao lại không thể chết? Mẹ tôi trả lời như vậy.Lúc đó có một người, cùng trong hàng thân thích nói:- Chỉ có những người xuất gia đi tu thì mới không chết.Từ lúc đó, nghĩ tới cái chết tôi sợ lắm, tôi không muốn chết.

Tôi cảm thấy chuyện sống rồi chết chẳng hay ho gì và trong đầu đã nẩy ý muốn xuất gia, tôi muốn đi tu để dứt khỏi cảnh sanh tử.Một hôm, tôi thưa với mẹ tôi:-Con muốn xuất gia đi tu, chẳng hiểu mẹ có ưng thuận không?Mẹ tôi nói:-Xuất gia là một điều hay, mẹ không thể ngăn cản con được.

Tuy nhiên, mẹ nghĩ rằng khi nào mẹ không còn thì con xuất gia cũng chưa muộn.Vậy là mẹ tôi đã chấp thuận cho tôi xuất gia.

Tôi vui sướng vô cùng, dầu rằng tôi chưa thể đi ngay được.

Con người tôi lúc đó liền cảm thấy hối hận vì đã có những hành vi bất hiếu khi trước khiến cha mẹ tôi rất buồn phiền, hao tổn nhiều tâm lực đối với tôi.Làm sao mà báo đáp được ân tình ấy? Tôi nghĩ tới nghĩ lui, bèn nghĩ ra một cách - một cách ngu xuẩn - khấu đầu lạy cha mẹ, tỏ lòng sám hối.

Tính như vậy rồi, tôi quyết định thi hành cách đó.Ngay khi tôi hướng tới cha mẹ khấu đầu lạy xuống, cha mẹ tôi rất đỗi kinh ngạc, hỏi rằng:- Có chuyện gì mà lạy như vậy?- Bởi trước đây con làm những điều bất hiếu với cha mẹ, khiến cha mẹ giận, nay con biết như vậy là sai quấy, cho nên bắt đầu từ nay con xin lạy cha mẹ.Cha tôi nói:- Nếu đã biết mình lầm lỗi và hối cải là tốt rồi, bất tất phải lạy nữaTôi đáp:- Xưa nay con đã là đứa cứng đầu, nói ra điều gì thì phải làm theo cho kỳ được.Cha mẹ tôi vốn biết rõ tính nết của tôi, nên không nói gì thêm, do đó cứ để mặc tôi làm theo đúng ý nguyện và như vậy, cứ mỗi buổi sáng và tối nhận lạy của tôi.Từ hôm đó, mỗi ngày từ lúc sáng sớm, khi người nhà hãy còn ngủ, tôi đã ra sân hướng tới cha tôi khấu đầu lạy ba lạy, hướng tới mẹ tôi lạy ba lạy.

Mỗi tối, sau khi mọi người đi ngủ, tôi lại ra sân lạy cha mẹ tôi mỗi người ba lạy.

Một thời gian sau, tôi cảm thấy như vậy chưa đủ, tôi lạy thêm trời và đất.


Hồi bấy giờ tôi chưa được nghe nói tới các danh từ vua trời, vua đất, hay vua người, chỉ biết có trời, đất, vua, cha mẹ, thầy học, cho nên cứ sớm và tối tôi lạy trời ba lạy, lạy đất ba lạy, lạy vị nguyên thủ quốc gia ba lạy, lạy cha ba lạy, lạy mẹ ba lạy, lạy vị thầy trong tương lai ba lạy.

Tôi khấu đầu lạy như vậy trong một khoảng thời gian, sau đó, tôi vẫn cảm thấy chưa đủ, nên tôi lạy thêm các vị đại hiếu trong thiên hạ, các vị đại thiện trong thiên hạ, các đại hiền nhân và các đại thánh nhân.

Về sau, tôi lạy thêm các vị thiện nhân trên toàn thế giới, cũng như các bất thiện nhân trong thiên hạ.

Khi lạy trời tôi cầu cho những kẻ đại ác, những kẻ xấu nhất được cải ác ra thiện, tất cả thành người tốt.Số lạy mỗi ngày một tăng thêm, cho tới con số tám trăm ba mươi lạy (830) cái lạy.

Mỗi lần lạy kéo dài hai giờ rưỡi, sớm một lần, tối một lần, tính ra là năm tiếng hồ mỗi ngày.

Bất luận ngày có gió to hay mưa lớn, tôi cứ theo đúng số mà lạy ở ngoài sân.

Ngay cả trong mùa đông mưa tuyết, tôi vẫn cứ lạy ở ngoài sân.

Tôi còn lạy trời cầu cho mưa thuận gió hòa, quốc thái dân an.Trải qua mấy năm khấu đầu lạy như vậy, đến khi mẹ tôi vãng sanh xong thì tôi lại ở bên mộ của mẹ tôi, tiếp tục lạy trong ba năm.

Sau đó, tôi xuất gia và bắt đầu nghiên cứu Kinh điển.

Tôi nhận thấy rằng Kinh điển Phật giáo quả là một kho tàng phong phú nhất, hoàn thiện nhất mà các tôn giáo khác không có được, không có Kinh điển nào có thể dem ra so sánh được.Trước khi xuất gia, tôi cũng đã từng tham gia các hoạt động của các tôn giáo khác như tham dự các buổi lễ của Cơ-đốc giáo, của Thiên chúa giáo và cả những pháp hội của các Ðạo khác nữa, nhưng nói chung, nếu nghiên cứu đến chỗ rốt ráo để tìm ra phương pháp liễu sanh thoát tử thì thật là thất vọng, vì giáo nghĩa các tôn giáo này không đi đến chỗ cứu cánh.

Tuy nhiên người ta nhận thấy rằng Cơ đốc giáo và Thiên chúa giáo lại được nhiều người biết đến và tin theo.


Tại sao vậy? Bởi Tân Ước và Cựu Ước đều được phiên dịch ra nhiều ngôn ngữ, và ý nghĩa thì đơn giản mọi người dễ hiểu.Còn Phật giáo thì ý nghĩa tuy đạt tới chỗ viên mãn, nhưng Kinh văn thì quá cao siêu, vượt tầm mức của người bình thường, nên ít người tin theo.

Do đó tôi liền phát nguyện sẽ quyết tâm đem tất cả Tam Tạng mười hai phần giáo dịch thành văn bạch thoại, rồi lại dịch toàn bộ thành tiếng của các nước trên thế giới.

Một phát nguyện liều lĩnh, bởi tôi đâu có biết tiếng các nước trên thế giới, cũng không có cơ hội học các ngôn ngữ này, lại không có khả năng trí huệ để hoàn thành, chẳng hiểu rồi tôi có thể thực hiện được không?Vào năm 1962, tôi đến nước Mỹ để hoằng dương Phật Pháp.

Tới lúc nhân duyên hội đủ, các đệ tử của tôi bắt đầu công trình phiên dịch để hoàn thành lời tôi phát nguyện.

Sau nhiều năm cố gắng, thành tích đạt được khá tốt đẹp, nhưng mục tiêu hãy còn xa lắm, mong rằng tất cả mọi người hãy nỗ lực làm việc nhiều hơn.

Dịch Kinh là công việc của thánh hiền, đó là một việc thanh cao, tột bậc.

Tam Tạng mười hai phần giáo mà dịch hết ra Anh ngữ thì công đức không gì sánh bằng.Hôm nay, một vị đệ tử đã phát nguyện dịch Kinh Phật ra Anh ngữ khiến tôi hồi tưởng lại lời tôi phát nguyện năm xưa.

Tôi hy vọng các đệ tử của tôi đồng lòng hiệp lực để hoàn thành lời nguyện đó.Ghi chú của người biên: Tại chùa Nam Hoa, trong thời gian gần gũi với Hòa thượng Hư Vân, Tuyên Công được Hòa thượng Hư Vân coi trọng và được giao chức vụ Giám học của Học Viện Giới Luật, và ít lâu sau đó chuyển sang làm chủ nhiệm Giáo Vụ.

Trong kỳ lễ truyền giới Tuyên Công được cử làm vị Tôn chứng A-xà-lê.Về sau Tuyên Công được Hòa thượng Hư Vân truyền Pháp TôngQuy Ngưỡng và Tuyên Công thành người nối Pháp đời thứ 9 của Tông này.Trên đường hoằng Pháp, Thượng nhân Tuyên Hóa đi từ Hương Cảng qua Mỹ, và tại đây Tuyên Công diễn giảng hàng chục bộ Kinh, đề xướng các bộ môn Thiền, Giáo, Luật, Mật, Tịnh cả năm Tông, dẹp bỏ hàng rào ngăn cách giữa các tông phái với nhau, coi việc phục hưng Phật Giáo là trách nhiệm của mình, đồng thời thúc dục hàng môn đệ phải ngày ngày tham thiền, hoặc niệm Phật, sám hối, nghiên cứu Kinh điển, chân thực tu hành, nhằm khuông phò?hánh giáo, ước mong Chánh Pháp được mãi mãi trường tồn.Thượng nhân Tuyên Hóa bẩm sanh trí huệ siêu việt, có trí nhớ phi thường, một lần đọc qua là nhớ mãi; giảng Kinh hay thuyết Pháp thì không phải theo bản thảo đã soạn sẵn, mà là tùy theo thời điểm, tùy theo nhân sự để thuyết giảng.

Với biện tài vô ngại, lời lời thốt ra như nước chảy thao thao, chỗ nào cũng là Ðạo, nghĩa lý viên dung khiến ai ai cũng phải bội phục.Tuyên Công thuyết giảng Kinh Hoa Nghiêm có thể nhắm mắt mà tụng lên Kinh văn, một chữ cũng không sai, quả là điều chưa từng thấy - bút giả được chính mắt trông thấy, chính tai được nghe, nên không thể không khâm phục.

Hàng môn đệ thì toàn là thanh niên trí thức với trình độ Ðại học, ai nấy đều hết sức kính ngưỡng trước đức độ và kiến thức uyên bác của Tuyên Công, ai ai cũng phải bội phục, ngũ thể đầu địa.Thể theo lời khuyến dụ của Thượng nhân, một số thanh niên nam nữ, người Hoa có, người Mỹ có, người Việt nam có, đều kéo nhau đến xin quy y và thọ giới Cụ túc để xuất gia tu hành.

Trong số này có những vị nguyên là Tiến sĩ, thạc sĩ, cử nhân, họ dám bỏ lại đàng sau cả cuộc đời tươi đẹp của mình để vào cửa Phật tìm chân lý.

Có người thì thực tập khổ hạnh, nhịn ăn một tuần lễ, hoặc nhịn ăn hai mươi mốt ngày, ba mươi sáu ngày, đến bảy mươi hai ngày.

Cách thức khổ hạnh đó là một việc không tiền khoáng hậu trong sử Phật Giáo tại đất nước Mỹ này và quả là một việc hãn hữu xưa nay.


Lại có những vị, để cầu nguyện cho thế giới được hòa bình, phát nguyện làm cuộc hành trình tam bộ nhất bái, liên tục trong hai năm sáu tháng, bất chấp gió mưa, quyết mang thể lực của mình để nêu gương trước đại chúng.

Ðiều này xẩy ra chính vì đức hạnh siêu việt của Thượng nhân làm cho họ vô cùng cảm khái, khiến họ phải phát tâm noi theo tinh thần quên mình độ người để hành Bồ-tát đạo.Thượng nhân giáo hóa môn đệ có phương pháp.

Các đệ tử đều giữ đúng quy củ, tu tập nghiêm chỉnh, luôn luôn đắp y theo đúng quy lệ của Phật, ăn mỗi ngày một bữa vào buổi trưa, đêm không nằm ngủ (dạ bất đảo đơn).

Có thể nói trên thế giới ngày nay không có nơi nào được như vậy, cho nên Vạn Phật Thánh Thành có thể coi như trung tâm của Phật giáo thế giới và là một biểu tượng có tác dụng chẳng thể nghĩ bàn đối với hết thảy mọi tín đồ Phật giáo.Năm 1962, Thượng nhân mang Chánh Pháp qua Tây phương, sau đó sáng lập Tổng Hội Pháp Giới Phật Giáo (tiền thân của nó là Tổng Hội Trung Mỹ Phật Giáo), rồi thành lập Vạn Phật Thánh Thành cùng các phân chi Ðạo tràng tại Mỹ, Gia-nã-đại, Ðài Loan, Mã-lai-á.

Nhằm mục đích đào tạo các nhân tài rường cột của thế giới, tại Vạn Phật Thánh Thành, Thượng nhân cho thiết lập Ðại học Pháp Giới Phật Giáo, trường trung học Bồi Ðức, trường tiểu học Dục Lương.

Ðể Chánh Pháp mãi trường tồn, để vấn đề lý thuyết và thực hành đi đôi với nhau, Thượng nhân còn lập ra một chương trình nhằm huấn luyện Tăng-già và cư sĩ.Thượng nhân còn thành lập Quốc Tế Dịch Kinh Học Viện chính là nhằm vào công tác phổ biến Kinh Phật trên toàn thế giới.

Hiện nay, rất đông Tăng Ni, cư sĩ, đương vùi đầu, tận lực để dịch Kinh Phật sang tiếng Anh.

Ðến nay đã có một số trên một trăm bộ Kinh và sách bằng tiếng Anh cũng như bằng tiếng Tây phương khác đã được xuất bản và lưu hành.Cuộc đời tận tụy của Thượng nhân là một sự cống hiến cho pháp mà quên thân mình.

Cho đến nay, tuy các phân chi Ðạo tràng của Tổng Hội Pháp Giới Phật giáo đã rải rác khắp các nước Mỹ, Gianã-đại, và các nước ở Á châu, nhưng Thượng nhân lúc nào cũng giữ một thái độ khiêm cung, giản dị, tự xưng mình là một "con kiến nhỏ", một con vật thấp hèn, địa vị dưới tất cả mọi người, không dám tranh đua với ai.

Thượng nhân từng nói:"Vạn Phật Thánh Thành không phải là một cơ sở của tư nhân, mà thuộc quyền sở hữu của mọi tín đồ Phật Giáo trên thế giới, thậm chí nó là của cả mọi tín đồ tôn giáo khác trên toàn thế giới nữa.

Tất cả những ai hiện trú tại Vạn Phật Thánh thành đều tận tụy làm việc, còn tôi chỉ là người giữ cửa, một kẻ tu Ðạo, ở đây để chờ đợi những ai có duyên, tới đây để cùng tu tập.

Quý vị không nên chỉ đứng ngoài cửa.

Quý vị đều là thành viên của Vạn Phật Thánh Thành, tương lai quý vị sẽ thành Phật".Khai thị tại Vạn Phật Thánh Thành.

điện Vạn PhậtThiền thất từ ngày 16 tới ngày 23 tháng 7 năm 1981.


Truyện đánh dấu

Nhấn để xem...

Truyện đang đọc

Nhấn để xem...
Nhấn Mở Bình Luận
Quảng Cáo: Coin Cua Tui