Khai Thị Quyển 2- Hòa Thượng Tuyên Hóa


37.

NHÂN ÁC LỚN NHẤT LÀ SÁT SINH, ĂN THỊT(Vạn Phật Thành ngày 29 tháng 8 năm 1982)Mỗi người đều có nhân quả báo ứng của riêng mình.

Hễ tạo nghiệp gì thì chịu quả báo đó.

Không những chỉ có loài người là phải chịu quả báo mà tất cả chúng sanh cũng vậy; tạo nghiệp từ xưa, ngày nay gặt quả.

Ðiều đó không dễ hiểu đâu.

Ví như bị đọa làm súc sinh hoặc ở nơi ác đạo thì rất khó khôi phục lại thân người; nên nói rằng: Nhất thất nhân thân, Vạn kiếp nan phục.

Nghiã là:Thân người mất rồi, Vạn kiếp khó tìm.Trên thế gian, có hai loại nhân: một là nhân thiện, hai là nhân ác.

Khi mình trồng nhân thiện thì gặt quả thiện, khi trồng nhân ác thì gặt quả ác.Người trồng nhân thiện đi đâu cũng biết "khắc kỷ phục lễ" (tự ghép mình theo lễ nghĩa), "khuất kỷ đãi nhân" (hạ mình mà đối đãi với người); lúc nào cũng không chiếm đoạt tiện nghi của kẻ khác, luôn luôn sẵn sàng chịu thua thiệt.

Hễ ai gặp điều gì khó khăn thì mình lập tức giúp đỡ.

Lúc nào cũng có chí làm điều thiện, lập công tu đức, chứ không phải như kẻ chỉ biết lợi cho mình mà không nghĩ tới lợi ích của kẻ khác.

Khi công đức thiện của mình đầy đủ thì tự nhiên mình sẽ thăng tiến, cho nên nói: "Chủng thiện nhân, Kết thiện quả." Từ nơi loài người mình có thể thăng lên cõi trời, rồi từ cõi trời có thể thăng lên cõi A La Hán, cõi Bích Chi Phật, cõi Bồ Tát, từng bước từng bước mà thăng tiến.

Ðó là khí thế hết sức hưng thạnh.

Hễ tạo công đức gì thì nhất định có được quả báo nấy, công đức không bao giờ mất đặng.Thế nào là trồng nhân ác thì tương lai sẽ gặt quả xấu? Tức là nếu mình tạo ra oan nghiệt, phạm đủ thứ lỗi lầm, thì tương lai sẽ thọ quả báo của địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh.


Ai bảo mình làm nhân ác như vậy? Chẳng có ai bảo cả mà tự mình tạo lấy.

Có câu rằng: Tự tác nghiệt, Bất khả hoạt.

(Tự mình tạo ra điều oan nghiệt, không ai có thể tha thứ cho mình được.) Trồng nhân ác thì sẽ đọa vào ba ác đạo.

Tóm lại, làm điều thiện thì được thăng lên, mà làm điều ác thì bị đọa xuống.

Do đó, mọi thế giới đều do mình tạo ra, tự mình phải làm chủ, đừng ỷ lại vào kẻ khác.Song, cái nhân ác lớn nhất là gì? Tức là sát sinh! Con người nếu phạm Ngũ Giới (sát, đạo, dâm, vọng, tửu) thì sẽ rất dễ đọa vào ba ác đạo và cũng rất dễ thành kẻ đầy dẫy tri kiến sai lầm, tà vọng, không tin Phật Pháp, không kính Tam Bảo.

Ðọa vào ba đường ác rồi thì khổ không cách gì nói được.Tội lỗi lớn nhất mà mình đã phạm là gì? Tức là sát sinh, ăn thịt.

Nếu bạn ăn thịt của người thì sau đó người sẽ ăn thịt của bạn lại.

Hỗ tương ăn thịt lẫn nhau, hỗ tương chém giết, rồi hỗ tương đọa lạc.

Một khi đã đọa lạc thì khó mà tiến lên được, đó là điều hết sức nguy hiểm, là đi vào "hiểm lộ" vậy.

Có câu rằng:"Tam Giới vô an, Do như hỏa trạch."Nghĩa là:"Ba cõi không an,Giống như nhà lửa."Ðáng tiếc là tuy nhà cháy mà người ở trong đó vẫn thản nhiên coi thường!Ngày hôm nay cử hành pháp hội Vu Lan, các vị thử nghĩ xem: Chúng ta và Tôn giả Mục Kiền Liên, ai là người có đạo đức tu hành cao hơn? Tuy công đức của Ngài cao như vậy mà còn phải thỉnh Phật siêu độ mẹ Ngài; sau đó Phật đặt ra Pháp hội Vu Lan để siêu độ cho cha mẹ, tổ tiên trong bảy đời.

Ðem mình so sánh với ngài Mục Kiền Liên thì mình không thể nào bì được.

Song phụ mẫu, tổ tiên của mình thật là đang chờ mình cầu xin siêu độ cho họ đó.

Bởi vậy chúng ta đừng lãng phí thời gian, và đừng quên bổn phận làm người.


Một khi mất thân này thì có hối hận cũng đã quá trễ!38.

ÐÔN PHẨM LẬP ÐỨC(Vạn Phật Thành ngày 10 tháng 10 năm 1982)Người học Phật cần phải làm cho Phật Giáo ngày một phát triển sáng lạng, đừng để Phật Giáo ngày một suy thoái.

Làm thế nào để càng ngày càng phát triển sáng lạng? Ðầu tiên phải bồi dưỡng phẩm cách cho ưu tú, lấy đó làm nền tảng tốt.

Khi có nền móng vững vàng thì tòa lâu đài xây lên không thể sụp đổ.

Không thể xây một tòa cao ốc từ một nền móng không kiên cố được.

Trên phương diện tu hành thì cần phải có căn bản vững vàng, trước tiên cần phải "đôn phẩm lập đức."Thế nào gọi là "đôn phẩm"? Tức là làm cho phẩm hạnh được đôn hậu.

Thế nào là đôn hậu? Tức là tính tình đừng có khắc nghiệt, đừng có nhỏ nhen, đừng có hiểm trá quanh co.

Nói một cách khác thì tâm lượng phải rộng lớn như hư không, bao trùm cả Pháp Giới, không có gì mà không bao phủ hay không dung nạp đặng!Các vị thử nghĩ coi, hư không nào phải chỉ dung nạp những thứ tốt đẹp thôi, nó sẵn sàng bao nạp cả khí ô nhiễm, bẩn nhơ.Chúng ta cũng vậy: Mình phải có tâm lượng rộng lớn, dung nạp mọi thứ trong hằng hà sa số thế giới, nào là Tam Giáo, nào làCửu Lưu, tất cả mọi hình sắc, vạn vật, tốt xấu, thiện ác đều phải dung nạp hết.

Ðó chính là làm cho phẩm hạnh đôn hậu, là bồi đắp cho đức hạnh của chính mình.Mình cần phải nhún nhường mà tiếp đãi người khác, luôn luôn nhận rằng mình có lỗi lầm và tiếp thọ sự khuyến khích, chỉ bày của kẻ khác.

Lúc nào cũng tìm cách sửa đổi cho tốt hơn, đừng nên chấp ngã, đừng nên có ngã tướng, không nên coi cái "tôi" này là to lớn, quan trọng.

Ðó chính là "đôn phẩm lập đức," làm cho cái nền tảng của bản thân được vững vàng.

Nếu làm được vậy thì nhất định Phật Giáo sẽ phát triển, sáng lạng!39.


ÐẠO(Vạn Phật Thành ngày 10 tháng 10 năm 1982)Cá ở trong nước mà không biết đang ở trong nước.

Con người sống ở trong không khí nhưng không thấy được không khí.

Tuy nhìn mà chẳng thấy, nhưng không thể nói không có không khí.Không khí tuy không có hình tướng nhưng chẳng phải là không có không khí.Cá sinh trong nước, nó nhìn mà chẳng thấy nước; song một khi cá ra khỏi nước thì nó không thể sống được.

Con người nhờ vào không khí mà sinh tồn; tuy ăn không khí không làm mình no, song mình cần không khí để sinh tồn.

Vạn vật sẽ chết vì thiếu không khí.Nhân gian thì có không khí; ở trên trời cũng có một loại Thần khí, Thần tánh; ở nơi Phật thì có Phật tánh.

Phật tánh và Thần tánh tuy không thể thấy được, song cảnh giới của Thánh nhân thì không thể không có.

Nếu không có Thần khí thì chư thần sẽ đọa lạc.

Nếu không có Phật tánh thì cũng không có Phật.

Ðó thật là cảnh giới vô cùng kỳ diệu."Tu hành" tức là tu Ðại Ðạo vô hình, tu Ðại Ðạo vô tình, tu ÐạiÐạo vô danh.

Cho nên Thái Thượng Lão Quân có nói trong Thanh Tịnh Kinh rằng:"Ðại Ðạo vô hình, sinh dục thiên địa.Ðại Ðạo vô tình, vận hành nhật nguyệt.Ðại Ðạo vô danh, trưởng dưỡng vạn vật.

Ngô bất tri kỳ danh, cưỡng danh vi Ðạo." Nghiã là:"Ðại Ðạo chẳng có hình dáng, nhưng sinh ra trời đất.

Ðại Ðạo chẳng có tình cảm, song xoay vần nhật nguyệt Ðại Ðạo chẳng có tên tuổi, song nuôi dưỡng vạn vật.Ta chẳng biết tên là gì, đành gọi là Ðạo vậy."Chữ "Ðạo" này, theo chữ Hán thì trên đầu có hai chấm, tức là điểm âm và điểm dương; lại cũng từ chữ "nhân", nghiã là người, mà biến hóa ra, hai điểm này là chữ "nhân" viết lộn ngược.

TuÐạo có nghĩa là phải lộn ngược trở lại, là đi ngược dòng nước chứ không phải đi thuận theo dòng nước.

Ði thuận theo dòng nước tức là sinh tử, mà đi ngược dòng nước tức là Niết Bàn!Chữ "nghịch", nghĩa là ngược, phía trên cũng có hai chấm, đó cũng là do chữ "nhân" mà ra.

Cho nên muốn thuận thì thuận, muốn ngược thì ngược.


Ởấ phía dưới hai chấm trong chữ "Ðạo" thì có một lằn ngang, tức là chữ "nhất".

Chữ "nhân" này phân chia ra thành một âm một dương; "thiên âm, thiên dương" thì gọi là "Cực" ("thiên" nghĩa là thiên lệch, khi âm thiên lệch hay khi dương thiên lệch thì đến chỗ cùng cực).Còn Ðạo người thì ở chỗ nào? Từ nơi chữ "nhất" này, tức là số một (1) mà tìm.

Một (1) là bản thể của các số.

Một này từ đâu mà có? Một này từ nơi số không (0) mà ra.

Ðã "không" thì chẳng có trong cũng chẳng có ngoài, không bắt đầu cũng không kết thúc, quét sạch tất cả các pháp, lìa bỏ tất cả các tướng; phóng ra thì bao quát mọi thứ, cuộn lại thì ẩn tàng chẳng thấy.

Tất cả vạn vật bắt đầu từ "số không" này mà ra.

Cho tới sông núi, đất đai, phòng ốc nhà cửa, sâm la vạn tượng đều từ nơi "số không" này mà bắt đầu.Nói một cách rõ ràng hơn thì "số không" này chính là bản hữu Phật tánh, là Ðại Quang Minh Tạng rực rỡ sáng ngời, nếu thâu nhỏ lại thì nhỏ hơn hạt bụi, nếu biến lớn ra thì lớn trùm Pháp Giới.

Cho nên lớn vô cùng mà nhỏ cũng vô cùng; chẳng có hạn lượng nào cả chính là "số không" vậy.

Song, con người không biết giữ gìn quy củ, đem "số không" này mà phá vỡ đi, cho nên biến thành "số một." Do đó nếu chỉ có "số không" mà thôi thì không có "số một," cũng chẳng có các số khác, và cũng chẳng cần thiết phải có các số khác!Bởi vậy cho nên bản lai là hào quang sáng ngời rạng rỡ, sau đó thì biến thành Một.

Một này: một bên tức là âm, một bên tức là dương, có nghĩa là từ một âm một dương mà sinh ra muôn vật.

Con người tu Ðạo thì phải từ nơi số Một này mà bắt đầu.Trong chữ "Ðạo", ở dưới nét chữ "nhất" thì có chữ "tự", bây giờ mình phải đi kiếm chữ "tự." Chữ "tự", nghiã là chính mình, gồm có dấu phếtvà chữ "mục" nghiã là con mắt; tức là phải dùng con mắt mà hồi quang phản chiếu, mà hướng vào bên trong, không phải chạy ra ngoài mà nhìn.

Ðóng con mắt lại là chữ "tự", tức là chính mình.Bây giờ, nếu thêm chữ "sước" ở một bên nữa thì thành ra chữ"Ðạo", ý nói Ðạo là cần phải tu, bởi vì chữ "sước" có nghĩa là đi, là bước, là thực hành.Ông Hàn Dũ ở trong Tập Nguyên Ðạo có nói rằng:"Do thị nhi chí yên chi vị Ðạo."(Từ nơi này mà đi tới chỗ kia thì gọi là Ðạo.)"Ðạo" có nghĩa là đường đi, cho nên tu Ðạo thì cần phải cung hành thực tiễn, thật sự tu hành, phải nỗ lực và hết sức thành tâm.

Nếu mình muốn phản bổn hoàn nguyên thì cần phải từ nơi "số một" này mà tu về"số không.""Ðắc nhất vạn sự tất" (được Một, mọi sự đều xong).

Nếu mình khôi phục lại được "số không" này, tức là mình có thể trở về với bản lai diện mục và có thể chuyển diệu Pháp Luân..


Truyện đánh dấu

Nhấn để xem...

Truyện đang đọc

Nhấn để xem...
Nhấn Mở Bình Luận