Phật Pháp là Thực Hành, Không Phải Chỉ Nói SuôngÐạo đức là căn bản làm người.Một khi có đạo đức rồi, chúng ta mới có thể đứng vững được.Ngày đêm như tên bắn, năm tháng như thoi đưa.
Sóng trên sông, ngọn sau đẩy ngọn trước; cảnh đẹp mau tàn.
Ðời người tuổi trẻ qua nhanh, chẳng mấy chốc sẽ già chết hủ diệt, không lưu lại dấu vết, đủ thấy mọi thứ thật vô thường.Do mọi thứ vô thường nên mình phải mau tìm nơi quy túc.
Quý-vị rất là may mắn, sau khi tìm tòi, truy đuổi, cuối cùng đã có lòng tin Phật.
Tin Phật thì mình mới đến được chỗ Thường, Lạc, Ngã, Tịnh; tức cái vui rốt ráo nhất.
Do đó mình phải tin Phật.
Nhưng tin suông chưa đủ, mình phải y theo Pháp mà tu hành.
Nếu tin mà không tu thì cũng như bàn chuyện ăn cơm, hay đếm giùm tiền người, mà mình thì chẳng thấy no, hoặc chẳng giàu thêm.
Cho nên người xưa có nói:Ðạo thị yếu hành,Bất hành tắc yếu đạo hà dụng?Ðức thị yếu tu,Bất tu tắc đức tòng hà lai?Nghĩa là:Ðạo phải hành,Không hành sao gọi là đạo.Ðức do tu,Không tu đức sao thành.Thế nên mình phải "cung hành thực tiễn," thật sự tu hành.
Thường đem hai chữ sinh tử treo giữa đôi mày và hai chữ "đạo đức" đạp dưới chân.
Nói ra nghe có vẻ khó hiểu.
Tại sao lại đem "đạo đức" đạp dưới chân? Vì đạo đức là gốc làm người, ví như là gốc của cây.
Có đạo đức thì mình mới đứng vững, còn ngược lại, không có đạo đức thì mình như cây chẳng có gốc, không sao đứng vững đặng.
Mình cần đem đạo đức ra thực hành thì nhân cách mới vững vàng, mọi sự mình làm tự nhiên sẽ thành công.
Cho nên: "Ðạo đức nhị tự, thị tố nhân căn bổn." Tức là đạo đức là căn bản làm người.
Sách Luận Ngữ nói: "Quân tử vu bổn, bổn lập nhi đạo sanh." Tức là bậc quân tử chú trọng đến cái gốc, khi gốc vững thì Ðạo phát sinh.
Chăm lo cái gốc thì mới sinh được đạo.
Ðó là lời minh huấn của cổ nhân.Như đã nói lúc nãy, thời gian trôi nhanh như tên bắn mà ta nào hay.
Chuyện quá khứ đã qua thì đành vậy, song chuyện tương lai, cần phải lập ra tông chỉ, không thể để trôi qua một cách mê mờ được.Tông chỉ của Chùa Tây Lạc Viên là đề xướng Pháp-môn Tịnh-độ; chủ trương tinh tấn niệm Phật.
Thường lệ mỗi năm vào ngày 19 tháng 6 và ngày 17 tháng 11 âm lịch thì Chùa cử hành Pháp-hội Quán-âm và Thất Di Ðà.
Song quý vị không thể chỉ tham gia cho có lệ thôi.
Năm nay phải tinh tấn hơn năm trước, lúc nào cũng phải chuyên tâm, trong bảy ngày này, mỗi giờ, mỗi phút đều phải siêng năng niệm danh hiệu Bồ-tát mà không biết mỏi mệt.Khi niệm Bồ-tát, mình chớ mong Bồ-tát niệm mình.
Tại sao vậy? Vì trong thời gian đả thất, nếu mang danh là tham gia đả thất mà mình không siêng năng niệm hồng danh, lòng lại đầy tạp niệm thì chỉ làm cho đức Bồ-tát đại từ đại bi sẽ thấy tội nghiệp: Rằng mình đã không thành tâm đả thất, rằng mình thật đáng thương xót.
Cho nên đại chúng phải khẩn thiết thành tâm mà niệm và phát lòng từ bi hỷ xả.
Ðược như vậy tôi khẳng định rằng Bồ-tát chắc chắn sẽ gia hộ cho quý-vị.Xưa nay, Tây Lạc Viên chưa từng phát thiệp mời đả thất, mà là đại chúng tự nguyện phát tâm đến dự.
Tinh thần tự động phát tâm như vậy rất tốt, đáng được tuyên dương.
Song mình đừng để sự chân thành nầy bị lãng phí, mà phải phát nguyện niệm cho tới khi "thủy lạc, thạch xuất" nghĩa là nước cạn, đá lộ ra.
Niệm đến lúc Bồ-tát hiện thân thuyết Pháp.
Vậy mới không uổng công tham gia đả thất.Hôm nay là ngày đầu tiên của Pháp-hội.
Tôi chúc quý vị năm nay sẽ gặt hái được nhiều thành quả.
Ngược lại, tôi sẽ thanh toán món nợ nầy với quý-vị.
Nếu món nợ này tính không xong, thì đừng hối hận! Thôi được rồi, tôi không nói đùa với quý-vị nữa, hãy niệm nhiều danh hiệu Bồ-tát là hơn! Giảng ngày 13 tháng 6 năm 1958, nhân dịp lể Quán Âm ThấtTây Lạc Viên, Hồng Kông.
Truyện đánh dấu
Nhấn để xem...Truyện đang đọc
Nhấn để xem...