Khách Lạ Đêm Khuya

soát dây điện là gì ? Gã đã gợi chuyện về biệt thự Bạch Liên và đã đặt biết bao là câu hỏi về bà láng giềng bí mật này.
Với sự suy luận của một nhà thám tử đang theo dõi một đường đi nước bước, cậu bé nói tiếp :
- Thưa bà, cách đây vài tuần, một người thợ điện đã đến đây kiểm soát. Tất nhiên bà không thể ngăn cản hắn vào biệt thự này và tự do đi lại trong vườn để quan sát các dây điện bắc ngang qua cũng như bên vườn nhà cháu vậy.
- À phải, cậu nói đúng. Cham Nóp đã tiếp hắn, nhưng vì tôi vô tình không để ý nên tôi quên mất.
- Thưa bà, đó là một gã thân hình vừa phải nhưng rắn chắc và rất khoẻ. Cháu biết quả đấm của hắn mạnh vô song và về nhu đạo thì ít ra hắn cũng mang đai nâu.

- Sao cậu biết ?
- Thưa bà, vì hắn cũng đã dùng cách đó để đến xưởng kỹ nghệ hỏi dò ba cháu về bà, rồi lại đến nhà cháu như đã kể hồi nãy. Cháu còn căm hắn về hai lần hắn đã cho cháu đo ván để chạy thoát.
Tới đây, bà Mỹ Lệ và Khải đã thấy một điểm hiện ra ánh sáng. Dường như gã thợ điện nọ đã ở lại một lúc lâu trong vườn, viện cớ là phải sủa chữa chỗ này chỗ nọ. Rồi hắn đã không ngần ngại mở tấm cửa sắt ra để đặt máy ghi âm. Sau đó, hắn đã trở lại lấy chiếc máy và đem sang phòng Kim Chi để nghe. Phải chăng đó là ngày thằng Nhựt đã hớt hải chạy về nhà báo với bà Huy là nó đã nghe thấy tiếng người nói trong nhà chị Kim Chi.
Đặt máy ghi âm trong nhà này quả là một lầm lẫn tai hại. Những tên trộm cướp thường vẫn phạm một lỗi lầm làm cho chúng bị bại lộ.
- Thưa bà, bọn này sẽ bị trừng phạt một ngày gần đây, Khải quả quyết..
- Tôi cũng tin tưởng như vậy và tôi vẫn hằng mong ước điều đó cho Bích Ngọc. Tội nghiệp con bé, biết bao giờ nó mới được thực sự sống cuộc đời của một đứa trẻ vô tư ! Hiện nay, nó vẫn chưa biết một tí gì về những biến cố đang đe doạ nó, vì luôn luôn chúng tôi phải trốn tránh. Vì cậu là người đã cảm thông và thương hại tình cảnh của chúng tôi, nên cậu có thể biết tất cả câu chuyện này.
Rồi bà ta bắt đầu kể bằng một giọng rất nhỏ, như là tự thuật lại ình, tất cả các sự việc đã làm cho những chuỗi ngày của Bích Ngọc trở thành đau đớn.
Chương 09

Từ thời thơ ấu, tôi là bạn với mẹ Bích Ngọc. Tôi coi bà như một người chị và con bà cũng như con tôi. Cách đây ba năm, Bích Ngọc vừa được sáu tuổi thì chỉ trong vòng một tuần lễ, nó đã bị mất cả cha lẫn mẹ, vì một bệnh truyền nhiễm. Nó chưa hiểu biết gì về cái cảnh bơ vơ của một đứa trẻ mồ côi. Bà nội nó là cụ Giáo và bác nó là ông Xuân Lộc (anh cùng cha khác mẹ với ba nó) vội đến ở chung với nó, còn tôi thì không rời nó nửa bước.
Nếu cụ Giáo rất thương yêu nó thì, trái lại, bác nó đã tỏ ra không mấy thành thật. Lúc sinh thời, ba nó được thừa hưởng một gia tài kếch xù trong khi bác nó lại chẳng có được một đồng. Oan nghiệt thay ! Tờ di chúc lại chỉ định bác nó làm người giám hộ cho con nhỏ. Thay vì để nó sống gần bà nội, ông Xuân Lộc đã tìm cách ly tán hai người và đem con nhỏ đi du lịch. Thỉnh thoảng, chúng tôi mới nhận được một lá thư của ông cho biết vắn tắt là mọi sự đều tốt đẹp cả. Ông ta có hứa một cách mơ hồ là một ngày kia ông ta sẽ mang con nhỏ về. Tiếp đó là những sự mong chờ và thất vọng.
Không thể chịu đựng nổi sự phân ly rất đáng lo ngại đó, cụ Giáo bèn quyết định đi gặp ông Xuân Lộc. Hồi đó, ông ta đang ở trên ĐàLạt, viện cớ sức khoẻ của đứa bé đòi hỏi nó phải ở miền núi một thời gian lâu. Cụ Giáo và tôi đã lên ĐàLạt một cách bất ngờ và may mắn tìm ngay được địa chỉ của ông Xuân Lộc. Cham Nóp lúc đó đang giúp việc cho ông ta đã dẫn chúng tôi vào nhà và tôi đã cám ơn Trời Phật khi biết rằng Xuân Lộc đi vắng trong vài tiếng và chỉ có một mình Bích Ngọc ở nhà.
Làm sao tôi có thể quên được những căn phòng lạnh lẽo trống trải, những dãy hành lang dài hun hút ! Cham Nóp dẫn chúng tôi vào gặp đứa trẻ ngay và dường như sự hiện diện của chúng tôi lúc đó là một điều mong muốn thầm kín của chú. Trong một căn phòng không lò sưởi, đứa trẻ bật lên những cơn ho xù xụ. Sau hơn một năm xa cách, con bé xưa kia tươi cười bụ bẫm bao nhiêu, thế mà bây giờ đã thành ốm yếu và man dại. Nó tỏ ra hốt hoảng hơn là mừng rỡ khi thấy chúng tôi đến, và nhiều lần nó hỏi chúng tôi đã báo trước cho bác Xuân Lộc nó biết chưa.
Khi về tới nhà thấy chúng tôi, ông ta có vẻ không vui. Bà cụ đã trách móc ông ta kịch liệt. Tuy ông ta đã giành lấy việc nuôi đứa bé nhưng ông lại không làm tròn phận sự khi ông để nó ở trong một căn phòng lạnh lẽo, cô đơn, không người chăm sóc.

Ông bào chữa :
- Thưa má, con nghe theo lời căn dặn của bác sĩ, con bé này kém sức khoẻ, nó cần sống trong yên tĩnh. Má trách con không cho đốt lò sưởi cho nó, nhưng chính đây là một cách điều trị tối tân để con bé trở thành rắn rỏi hơn.
Cụ Giáo nhận xét rằng Bích Ngọc giống như một đoá hoa mỏng manh đang cần ánh sáng mặt trời, nên cụ rất nghi ngờ sự thành công của phương pháp đó. Cụ tiếp :


Truyện đánh dấu

Nhấn để xem...

Truyện đang đọc

Nhấn để xem...
Nhấn Mở Bình Luận