Jane Eyre (Jên Erơ)

Ngày 19 tháng giêng, năm giờ sáng, tôi đã dậy, rửa ráy và mặc quần áo xong. Ngày ra đi của tôi đã tới. Đúng sáu giờ, tôi sẽ phải rời khỏi lâu đài Gateshead và lên chiếc xe đợi tôi trước cửa nhà bác gác cổng. Chị Bessie đã nhóm lửa và sửa soạn bữa ăn sáng cho tôi. Mới có một mình chị dậy. Tôi ăn một cách rất ngon lành, xong hoan hỷ cất tiếng vang dội chào "Vĩnh biệt!" tòa lâu đài, rồi tiến về phía cái xe vừa đi tới.

- Nhanh lên cô, - bác xà ích, một người có vẻ hơi bẳn tính, nói, - nhanh lên cô, chúng tôi đang vội.

Tôi bước lên cái xe chở khách, ngồi vào chỗ của mình, cố sắp xếp để ngồi được thoải mái, rồi chẳng mấy chốc bánh xe chuyển động như ru tôi, và tôi đã ngủ say. Tôi chỉ thức dậy vào lúc cái xe đột ngột dừng lại. Tôi đang ở đâu thế này? Xe chúng tôi đã lăn bánh từ bao giờ? Bất thình lình, tôi nghe thấy có người nói đến tên mình. Ai đó đang hỏi xem có cô gái tên là Jane Eyre trong số hành khách không. Tôi ra trình diện trước một người lạ, trông dáng dấp có vẻ là một cô hầu. Người ta trao cái hòm của tôi cho cô, rồi cái xe lại tiếp tục lên đường. Tôi đang ở đâu thế này? Tôi chăm chú nhìn xung quanh. Người ta dẫn tôi đến một cái cửa, rồi khép lại cẩn thận, sau khi tôi đã vào. Tiếp đó, sau khi đi theo một hành lang dài, tôi tới một căn buồng có đốt lửa ấm áp, và ở lại đấy một mình. Lửa ấm đem lại sinh khí cho tôi, và những ngón tay lạnh cóng của tôi dần dần lại có sức sống. Vì không có ánh sáng nào khác ngoài ánh sáng lò sưởi, nên tôi chỉ nhận thấy lờ mờ những bức tường có màn che, những đồ đạc, những rèm cửa. Tôi thấy tất cả những cái đó khá đẹp, và bụng bảo dạ: "Mình đang ở trong một phòng khách". Tôi vừa nghĩ thế, thì cánh cửa bật mở.

Hai người bước vào. Một người cầm một cây đèn, còn người kia trùm một khăn san, có vẻ cao lớn và rất quý phái.

- Con có mệt không? - Bà ấy hỏi tôi. - Và có đói không?.- Thưa bà, có ạ. - Tôi trả lời đơn giản.

- Cô Miller này, cô sẽ phụ trách bé gái này.

Tôi giao bé cho cô đấy.

Rồi bà quay về phía tôi:

- Có phải đây là lần đầu con vào ở trường nội trú và xa gia đình không?

- Thưa bà, con không hề có gia đình.

Tôi phải nói với bà tên mình, tuổi mình, những gì mình biết về bố mẹ mình, mình có biết đọc, biết viết, biết khâu không, mình có phấn khởi được tới đây không... Trong khi tôi nói, thì bà vuốt ve đầu tôi một cách thật nhẹ nhàng trìu mến. Khi rời khỏi tôi, bà bảo:

- Cô tin chắc con sẽ là một cô gái đảm và một học sinh giỏi.

- Thưa bà, con sẽ làm hết sức mình.

Con người đáng yêu đó chưa già. Tóc bà đen. Có lẽ bà vào khoảng ba mươi tuổi, có thể hơn đôi chút. Với giọng nói và dáng vẻ của mình, bà đã gây được nhiều ấn tượng đối với tôi. Còn cô Miller thì có vẻ trẻ hơn, và bình thường hơn, với bộ mặt mệt mỏi và đôi mắt không sáng bằng.

Chắc là cô phải làm việc nhiều và gánh nhiều trách nhiệm. Sau này, tôi được biết là, ở trường nội trú Lowood, cô không phải là giáo viên, mà là phụ giáo. Tôi theo cô đi qua nhiều phòng, dáng vẻ khá buồn thảm, rồi đi dọc theo một số hành lang lạnh giá. Rồi chẳng mấy lúc, tôi nghe thấy có nhiều tiếng nói. Tiếng nói ấy phát ra từ một phòng rất lớn, trong đó có nhiều cô gái đang ngồi xung quanh những chiếc bàn dài. Tôi thấy hình như phải đến một trăm cô, ở nhiều lứa tuổi khác nhau, từ mười đến hai mươi tuổi. Các cô đều mặc đồng phục, áo dài bằng vải màu nâu, kiểu cách rất kỳ quái, và tạp dề dài kiểu Hà Lan.

Họ đang học và ôn lại bài.

Người ta cho tôi ngồi lên một chiếc ghế dài gần cửa ra vào, rồi tôi đợi. Cô Miller đang đi lại tất bật trong phòng, từ chỗ nữ sinh nọ đến chỗ nữ sinh kia, rồi cô hô to:

- Giờ học đã hết, các hướng dẫn viên thu sách lại.

Nói xong, là thi hành ngay. Bốn cô gái trong số những cô lớn nhất, đứng lên, xếp sách lên các giá đỡ ở một góc phòng. Cô Miller lại ra lệnh:


- Đi lấy thức ăn tối!

Bốn cô hướng dẫn viên bước ra, rồi mấy phút sau, vác về một ổ bánh ngọt to tướng đã cắt.thành nhiều lát. Giữa một cái khay, có một bình nước và một cốc vại. Mỗi học sinh nhận phần bánh của mình. Còn cốc thì để dùng chung. Tôi chỉ uống chút ít nước. Vừa mệt mỏi, vừa xúc động, tôi chẳng muốn ăn tý nào. Còn các học sinh khác thì ăn nghiến ngấu bánh ngọt yến mạch như những người sắp chết đói. Tôi thì chỉ mong được một thứ là: đi ngủ. Mắt tôi nhắm lại, vì mi mắt mỗi lúc một nặng trĩu. Căn nhà ngủ, đối với tôi sao mà mênh mông đến thế, tôi chẳng nhìn thấy gì ở đó, rồi tôi đến gần giường cô Miller. Tôi đã qua đêm đầu tiên ở đó. Cô đã cởi quần áo cho tôi, rồi đặt tôi nằm xuống rất tử tế.

Đến sáng, khi tiếng chuông vang lên, tôi mới thức dậy. Tất cả các nữ sinh đều sửa soạn trong ánh sáng khốn khổ của hai ngọn đèn con. Bên ngoài, trời còn rất tối. Tôi làm như những người khác, rồi bước xuống giường. Tôi phải đợi khá lâu mới rửa ráy được, vì có mỗi cái chậu dùng cho nhiều học sinh. Tiếng chuông lại vang lên, các cô gái xếp hàng rồi đi xuống phòng học, nơi cô Miller đang đợi họ. Mọi người đọc kinh cầu nguyện, rồi chia thành các lớp một cách khá ồn ào. Tôi được đưa vào lớp bé. Mọi người bắt đầu làm việc, rồi tiếng chuông lại vang lên và các học sinh giải tán. Lần này, - tôi nghĩ bụng, - chắc là bữa ăn đầu tiên, và mình sẽ có thể ăn được.

Tôi thấy nhà ăn có vẻ cũng to và cũng buồn như phòng học. Trên các bàn, người ta đã đặt những chậu thức ăn bốc hơi tỏa ra một thứ mùi không lấy gì làm dễ chịu. Các học sinh lớp nhất tỏ vẻ bực bội và bắt đầu phản kháng.

- Im ngay! - Cô giáo của họ, một bà bé nhỏ, ăn mặc khá chỉnh tề, nhưng luôn luôn có vẻ lo lắng, quát lên như thế.

Các bà khác cũng đến ngồi vào chỗ như bà ấy, và tôi tha hồ ngắm nhìn các giáo viên của trường. Trong số đó, có một bà giáo lớp trên, ăn mặc cầu kỳ hơn những người khác, và một bà có dáng dấp người nước ngoài, mà người ta bảo tôi là giáo viên dạy tiếng Pháp. Sau bài kinh cầu nguyện và bài thánh ca, bữa ăn bắt đầu. Đang đói, tôi ngốn ngấu húp một, hai thìa canh, không để ý đến mùi vị của nó, nhưng khi đã đỡ đói rồi, tôi mới nhận thấy rằng tôi đang có trước mặt mình, một khẩu phần khiến người ta phát buồn nôn. Món cháo yến mạch khê cũng tồi tệ gần như món khoai tây thối.

Một người đang đói có thể sẽ phát ốm trước.một thực đơn như vậy. Mọi người nhấc thìa lên một cách chậm chạp, tôi thấy cô nào cũng nếm thử thức ăn và cố nuốt; nhưng trong phần lớn trường hợp, các cô bỏ lại ngay, bữa ăn sáng kết thúc, dù chưa ai ăn. Mọi người lại cầu kinh, hát thánh ca, rồi cả đoàn người lại theo đường cũ trở lại phòng học. Vì tôi ra sau cùng, nên có dịp nhìn thấy một bà giáo nếm thử cái món hổ lốn còn đang bốc khói trên các bàn.

- Tôi chưa bao giờ ăn cái gì tồi tệ như thế này. - Bà kêu lên như thế.

Tôi thực tình thương các bạn học sinh khốn khổ, lúc này, đang vây quanh cô Miller và than phiền với cô.

- Chúng con sẽ ra sao đây, cô ơi?

Cô Miller lắc đầu. Chắc là cô không đồng ý, nhưng tuy vậy, tôi thấy hình như cô cũng không làm gì để mọi người bình tâm lại, và có lẽ cô cũng đứng về phía những người phản kháng.

Khi tiếng chuông đồng hồ vang lên, cô hô to:

- Thôi nào, tranh luận thế đủ rồi! Chín giờ rồi! Các con hãy về chỗ.

Im lặng trở lại ngay và công việc học hành lại tiếp tục như chưa hề có gì xảy ra. Tuy nhiên, tôi vẫn cảm thấy có một cái gì bất ổn đang đè nặng lên tám chục cô bé kia. Đó là một cử tọa kỳ lạ; tất cả các nữ sinh đều chải tóc dẹt, kéo về phía sau. Không nhìn thấy một mớ tóc quăn nào, tất cả đều mặc áo dài màu nâu, cổ áo cao và trùm trong một tấm khăn hẹp, tất cả đều mang những túi nhỏ, trông giống túi đựng tiền của người Tô Cách Lan mà các cô dùng để đựng đồ khâu. Tất cả cũng lại mang những đôi tất len dài, và đi những đôi giày của thôn nữ, có khuy móc bằng đồng. Hơn hai chục cô ăn mặc khó coi như vậy, là những cô gái đã thành niên, còn có thể là những thiếu phụ nữa. Cách ăn mặc lố lăng đó không hợp với họ, và làm cho họ có dáng vẻ kỳ cục, ngay cả những cô xinh đẹp nhất cũng vậy.

Một cảnh tượng đáng buồn làm sao!

Tôi quan sát cả các bà giáo và thấy chẳng bà nào làm tôi đặc biệt hài lòng. Bà to béo nhất thì dáng vẻ hơi thô, bà tóc nâu thì nom rất dữ tợn, bà có dáng dấp người nước ngoài thì nghiêm khắc và lố lăng, còn cô Miller thì mặt đỏ như người mắc bệnh sùi, nước da lại đen sạm.

Khi người đã đón tiếp tôi, lúc xe chở khách đưa tôi từ Gatershead đến, - bước vào trong.phòng, thì lập tức, không khí ở đây im lặng như tờ. Bà đến ngồi bên một trong hai ngọn lửa đang cháy trong phòng, rồi đưa mắt nhìn xuống các hàng ghế học sinh. Hình như tất cả mọi người đều xúc động vì sự có mặt của bà. Tôi thấy bà có vẻ, nếu không đẹp lắm, thì ít nhất cũng đầy duyên dáng và uy tín. Nhìn mắt bà, người ta có thể thấy được bà là người tốt bụng, khoan dung, thông minh.

Bà có dáng đi quý phái, đầu ngửng cao, thân mình thẳng. Bà là cô Temple, và là hiệu trưởng ngôi trường mà bà lãnh đạo, vừa rất cương quyết, vừa rất tế nhị.

Đúng mười hai giờ trưa, bà ra lệnh mọi người nghỉ việc, nhưng yêu cầu các học sinh chờ một lúc để nghe bà thông báo.


- Các em ạ, - bà nói bằng một giọng dịu dàng, - cô lấy làm buồn khi được biết là bữa ăn sáng nay đã không làm các em hài lòng, và các em đã không ăn. Các em hãy tin chắc là chuyện đó sẽ không xảy ra một lần nữa. Hẳn là lúc này, các em đói đến mức không chịu nổi được nữa...

Vì thế, cô đã ra lệnh mang ngay bánh mì và phô mát đến cho các em.

Thật là một tin giật gân, và tôi xin bảo đảm với bạn đọc là tất cả chúng tôi đã không hề làm khách, trong bữa ăn đột xuất ấy.

Thế là thời gian lưu học của tôi ở Lowood đã bắt đầu không đến nỗi tồi quá, vì tôi cảm thấy như được hồi sinh, và nghĩ chắc chắn sẽ có nhiều triển vọng tốt đẹp.

Chúng tôi được dẫn ra vườn trường, một cái vườn khá rộng. Xung quanh vườn có tường cao.

Trong vườn có những lối đi rộng, hai bên cây cối xanh tươi.

Không có ai đặc biệt chăm sóc tôi, song từ lâu tôi đã quen sống cô đơn và chưa bao giờ phàn nàn về điều đó. Trời rét buốt. Tôi cài kỹ áo măng tô, rồi tựa lưng vào một cây cột ở hành lang.

Chợt tôi nghe thấy gần mình có tiếng ai ho, rồi tôi nhìn thấy một cô gái đang ngồi trên chiếc ghế đá. Cô đang đọc một quyển sách và có vẻ rất chăm chú. Tôi không do dự, bắt chuyện ngay với cô, và hỏi cô có thích quyển sách đó không.

- Có, - cô nói, - vui lắm. Đây, bạn cầm lấy mà xem..Tôi giở cuốn sách, thấy nhan đề của nó là Rasselas. Nó không có tranh ảnh, cũng chẳng có truyện tiên, hoặc bất cứ truyện gì tôi thích, nên, không nói gì, tôi đưa trả cho chủ nó.

- Tôi hỏi chị một câu, có được không, - tôi nói, - có phiền chị quá không?

- Bạn cứ hỏi. - Cô đáp.

- Tên chính xác của học viện này là gì?

- Học viện Lowood, nhưng có lẽ phải gọi là trại trẻ mồ côi mới đúng... Học viện Lowood nơi bạn sẽ ở lại một thời gian, là một trường học làm phúc. .. ở đây, tất cả chúng ta đều là con gái mồ côi...

- Thế ông Brockelhurst là ai?

- Đó là một mục sư. Hình như ông ta là một nhà từ thiện.

- Thế còn các giáo viên thì thế nào?

- Bà Pierrot dạy tiếng Pháp là một người khá tốt. Nhưng bạn phải coi chừng cô Scatcherd là người rất hay động lòng và dễ nổi nóng.

Thế là tôi đã biết được rất nhiều điều, và bộ mặt của học viện Lowood không còn quá xa lạ với tôi như trước nữa. Ngày mai, tôi sẽ còn tiếp tục điều tra. Dù thế nào, thì tôi cũng vẫn thích trại trẻ mồ côi Lowood hơn là lâu đài Gateshead.


Ngày thứ hai của tôi ở Lowood không khác ngày đầu tiên mấy. Tôi ăn rất ngon miệng, một suất ăn có vẻ quá bé nhỏ đối với tôi. Tôi bắt dạ dày mình không được kêu ca, rồi đi vào lớp học của mình:

lớp bốn. Tôi dũng cảm bắt tay vào việc. Ban đầu, trí nhớ của tôi chưa được rèn luyện, nên tôi học bài rất vất vả. Tôi cũng chưa quen với những phương pháp của nhà trường. Chúng tôi đi từ phòng học này sang một phòng học khác, chúng tôi thay đổi cô giáo, và tôi thấy tất cả những cái đó có vẻ rắc rối quá. Vì thế, đến chiều khi cô Smith đưa cho tôi một dải mútxơlin dài, mấy cái kim và một cái đê, suýt nữa thì tôi đã nhảy cỡn lên vì vui sướng. Cuối cùng, thế là tôi cũng sắp được làm một công việc vui thích.

- Con hãy ngồi kia, trong góc phòng ấy, -cô Smith bảo tôi, - và viền cái dải này cho thật đẹp.

Trong lúc tôi khâu, thì các bạn đọc to lịch sử nước Anh. Tôi nhận ra chị học sinh mà tôi đã nhìn thấy trong vườn. Chị đã đọc sai một vài từ, và vì lẽ đó, chị bị đưa xuống cuối phòng.

Nhưng cô Scatcherd vẫn không rời mắt khỏi chị, và luôn luôn nhận xét:

- Burns... Ngồi ngay ngắn lại đi!... Burns, chân con đặt chưa đúng cách!

Sau khi đọc lại hai lần, thì học sinh phải trả lời các câu hỏi, nhưng rất ít người trả lời được đúng. Riêng có Burns đã trả lời trót lọt. ấy thế mà cô Scatcherd vẫn không ngớt mắng mỏ chị:

- Con rửa ráy chưa kỹ... Con hãy nhìn những móng tay mình! Thật đáng xấu hổ!

Chị học sinh không nói gì. Tôi, thì tôi biết rõ vì sao chúng tôi đã không rửa ráy được: nước trong các chậu đã đóng băng. Tôi vẫn vừa khâu, vừa tò mò theo dõi những gì xảy ra xung quanh mình. Burns ra khỏi phòng, rồi mấy phút sau lại vào, mang theo một bó roi. Cô Scatcherd cầm lấy bó roi đó... rồi vụt tới tấp lên đôi vai của chị Burns tội nghiệp. Chị nghiến răng lại, song không để rớt một giọt nước mắt nào. Phải làm thế nào đây để giúp đỡ Burns, người đang dũng cảm chịu đòn trừng phạt mà chị không đáng phải chịu ấy?

Cô Scatcherd không ngừng la hét:

- Con chẳng bao giờ chịu sửa chữa! Thôi, cầm những chiếc roi này, đặt lại vào chỗ cũ. Sẽ còn phải dùng đến nữa!...

Burns vâng lời, vẻ mặt vẫn luôn luôn bình thản. Nhưng khi chị đi qua gần tôi, tôi nhìn thấy mặt chị tái nhợt và hai mắt chị rơm rớm. Tôi.nghĩ thương chị, nhưng không thể làm gì để an ủi chị được. Đến tối, tôi thấy chị ngồi, vẻ suy nghĩ, bên ngọn lửa. Chị đang đọc sách, dưới ánh sáng những ngọn lửa đang nhảy múa.

- Vẫn truyện Rasselas, phải không chị? - Tôi từ sau lưng chị, vừa lại gần, vừa hỏi.

- Phải, - chị đáp, - mình đang đọc nốt.

Năm phút sau, chị gấp sách lại. Thấy thế, tôi rất mừng.

- Chị tên là gì? - Tôi hỏi chị. - Chị còn tên nào khác, ngoài tên Burns không?

- Mình còn tên là Hélène.

- Chị từ đâu đến?

- ôi! Từ rất xa, tận miền Bắc.

- Cô Scatcherd thật ác. Cô ấy không yêu chị.

- Mình cũng chẳng biết nữa... Cô ấy muốn sửa chữa những tật xấu của mình... Chắc cô nghĩ là cô đã làm đúng.

- Cô ấy ác. Tôi, thì tôi sẽ chẳng để cô ấy làm thế... Tôi sẽ giãy giụa, tôi sẽ cắn cô ấy, tôi sẽ giật lấy bó roi của cô ấy và ném vào mặt cô ấy.


- Nếu bạn chống lại, bạn sẽ bị đuổi khỏi trường, và mình cam đoan với bạn là ông Brockel-hurst không phải là người hiền lành đâu.

- Tôi xin nhắc lại với chị, Hélène ạ, là nếu tôi bị người ta đánh đập một cách vô lý và trước mặt tất cả mọi người như thế, thì tôi sẽ không thể nào chịu nổi đâu.

- Bạn cứ suy nghĩ và bạn sẽ thấy là mình không sai đâu... Và rồi, bạn còn muốn gì nữa, đó là số phận của chúng mình, và chúng mình chẳng thể làm gì được.

- Có lẽ tôi cần tìm hiểu chị thêm, chứ tôi không thể nghĩ rằng chị lại có nhiều tật xấu.

Những tật xấu gì nào? Chị có vẻ thật đáng yêu, thật biết điều.

- ôi! Bạn muốn hiểu biết về mình ư? Bạn đừng vội tin vào những gì bạn nhìn thấy. Bạn đã nghe đấy, cô Scatcherd khẳng định rằng mình không ngăn nắp, rằng mình cẩu thả. Và rồi, tính mình cũng hơi giống bạn, kỷ luật trật tự thường khiến mình cảm thấy bị gò bó. Mà tất cả những cái đó đều như chọc tức cô Scatcherd, vốn là người luôn luôn làm việc có phương pháp, cẩn thận, chính xác..- Và độc ác nữa, - tôi nói. - Tôi cho rằng cô Temple thì không giống cô ấy, có phải không?

- Cô Temple thì phúc hậu. Mỗi khi bắt buộc phải phạt ai, thì cô đều đau xót bằng, nếu không hơn, học sinh mình. Khổ một nỗi là bản tính mình khiến mình không tài nào sửa chữa được những tật xấu của mình.

- Thật đáng tiếc cho chị, - tôi nói, - chứ ngăn nắp và cẩn thận có phải là những điều khó lắm đâu.

- Bạn nói đúng đấy, - Hélène Burns nói thêm.

- Mình nhận thấy, trong lớp, bạn rất chăm chú, chẳng để sót điều gì cả.

- Nhưng dù sao thì những câu trả lời của chị sáng nay cũng đều đúng cả.

- Phải, mình đã trả lời đúng, là vì mình đã đọc một cách thích thú.

Tôi cố phân tích một chút tính cách của cô gái lạ lùng ấy, nhưng đã không đạt được mục dích.

- Chị Hélène này, - tôi nói một cách nghiêm chỉnh khiến chính tôi cũng phải ngạc nhiên, -chị phải giống như những người xung quanh chị.

Nếu họ tốt và thật thà, chị cũng thật thà và tốt...

Trước những kẻ độc ác, những kẻ vụng về, những kẻ tàn bạo, những kẻ bất công, thì chị phải phản ứng lại.

- Đúng, đúng, - chị Hélène nói thế, nhưng hình như vẫn chưa chịu cho thế là đúng. - Bạn còn trẻ lắm. Sau này ý nghĩ của bạn sẽ thay đổi.

- Cũng có thể như vậy, chị Hélène ạ... nhưng dù sao, tôi cũng sẽ mãi mãi chống lại sự độc ác và sự bất công. Ngược lại, tôi sẽ yêu quý những người yêu quý tôi, và nếu họ phạt tôi, khi tôi xứng đáng bị phạt, thì tôi sẽ chấp nhận, mà không cãi lại gì hết.

Bây giờ đến lượt Hélène Burns đòi tôi cho chị biết về đời tôi, và tôi bắt đầu trình bày với chị, theo cách của tôi, những nỗi đau khổ và uất ức của mình. Cay đắng và dữ dội, như mỗi lần bị kích động, tôi nói mãi... Cảm nhận thế nào thì tôi nói thế, không chút dè dặt, cũng không làm dịu bớt gì cả.

Chị Hélène đã kiên nhẫn nghe cho đến tận khi tôi nói xong. Tôi đợi xem chị có nhận xét gì không, nhưng chị chẳng nói gì cả.

- Này, - tôi hỏi chị, - bà Reed chẳng lẽ lại không phải là một người đàn bà tàn nhẫn và xấu xa hay sao, hả chị?.- Chắc chắn là bà ta không tử tế với bạn lắm, bởi vì, bạn thấy không, bà ấy ghét tính bạn, cũng như cô Scatcherd ghét tính mình. Nhưng những sự bất công đó có vẻ như đã gây ra trong lòng bạn, một ấn tượng sâu sắc lạ lùng quá!

Đầu Hélène đã cúi từ trước, lại cúi thấp thêm nữa, sau khi chị nói xong câu đó, và nhìn vào mắt chị, tôi hiểu là chị không muốn nói với tôi nữa, mà chỉ muốn được ở lại với những ý nghĩ riêng của mình.


Truyện đánh dấu

Nhấn để xem...

Truyện đang đọc

Nhấn để xem...
Nhấn Mở Bình Luận
Quảng Cáo: Coin Cua Tui