Ánh đèn lay động, Chu Phỉ dụi dụi mắt, thấy trời tờ mờ
sáng thì đưa tay tắt đèn, mực trong nghiên đã hơi khô, nàng cũng lười
thêm nước, quẹt vết đen soạt soạt viết qua loa xong đoạn gia huấn còn
lại, cây bút cũ cũng bị nàng ấn mạnh rụng lông.
Tối hôm trước, nàng và Lý Thịnh bị Lý Cẩn Dung xách ra khỏi sông Tẩy Mặc, Chu Phỉ vốn tưởng rằng mình không chết thì cũng bị lột một lớp da, ngờ đâu Lý Cẩn Dung lại giơ cao đánh khẽ, chỉ vội vã sai người giam hai người họ lại tự kiểm điểm lỗi lầm, mỗi người chép hai trăm lần gia
huấn là xong.
Gió thổi không lọt, nắng chiếu không tới, không đau không ngứa,
muốn nằm là nằm, loại “chuyện tốt” này bình thường không tới lượt Chu
Phỉ, Lý Nghiên phạm lỗi còn may ra.
Chu Phỉ chưa tới nửa đêm đã dùng thể chữ cuồng thảo như chó cào
viết qua quýt xong gia huấn, sau đó thì ngậm cây bút xù lông, ngửa mặt
nằm trên chiếc giường nhỏ bên cạnh, suy nghĩ về chuyện tối hôm trước.
Bởi vì Lý Thịnh làm dây dưa nên cuối cùng Lý Cẩn Dung không thể
đích thân đuổi theo, Tạ Doãn thành công bỏ chạy. Chu Phỉ đoán bây giờ
mình có thể đàng hoàng nằm trong phòng, tám phần là nhờ công lao của vị
Tạ công tử này___đại đương gia muốn bắt cậu ta, nhưng hình như không dám khua chiêng gióng trống đi bắt, kéo theo cũng không thể khua chiêng
gióng trống phạt nàng và Lý Thịnh, chắc chắn là sợ kinh động đến người
nào đó. Nếu bà đánh dữ dội một trận ra trò thì người bị “kinh động” đại
khái cũng chỉ có cha nàng, Chu Phỉ nghĩ vậy thì càng khẳng định “Cam
Đường tiên sinh” nghe quen tai trong lời Tạ Doãn chính là cha nàng.
Nhưng ai lại tìm đến cha nàng?
Từ khi Chu Phỉ có ký ức đến nay, Chu Dĩ Đường luôn là cửa lớn
không ra, cửa trong không bước, bình thường không gặp được mấy người,
quanh năm suốt tháng, ngoại trừ bệnh thì là ở trong viện đọc sách, thỉnh thoảng đánh đàn, có dạo còn mơ mộng muốn dạy dỗ vài tiểu bối… đáng tiếc thậm chí bao gồm Lý Thịnh, cả ba người họ đều không ai có máu phong hoa tuyết nguyệt, họ ngồi bên cạnh nghe tiếng đàn huyền ảo mà người thì
nghịch tay, người thì ngáp.
Tôn tiên sinh hại nàng bị đánh là một thư sinh cổ hủ, cha nàng
tuy không cổ hủ nhưng cùng lắm cũng chỉ là một thư sinh biết thời biết
thế mà thôi, ngoại trừ yếu ớt nhiều bệnh thì không có chỗ nào đặc biệt,
chẳng lẽ ông ấy có lai lịch gì dữ dội lắm sao?
Chu Phỉ lúc thì nghĩ đến “dây trận” tràn trề khí thế dưới sông
Tẩy Mặc, lúc thì nhớ đến khinh công kỳ diệu của Tạ công tử, lúc lại lòng đầy thắc mắc, đồng thời trong đầu tự động nhét cha nàng vào trong thoại bản về 108 truyền kỳ chốn giang hồ, suy nghĩ lung tung bảy tám nồi máu
chó về yêu hận tình thù.
Cuối cùng nàng thực sự nằm không nổi nữa, trở mình bò dậy, tựa
vào cửa sổ ló đầu ra nhìn, bây giờ là sáng sớm, là thời điểm người ta
mệt mỏi nhất, mấy đệ tử trông coi nàng đều lim dim gà gật.
Chu Phỉ suy nghĩ rồi lục ra một đôi giày, vứt một chiếc xuống
dưới bàn học, chiếc còn lại vào dưới gầm giường, kế đó buông màn giường, lấy chăn tạo thành hình người, trải gia huấn mới viết lung ta lung tung đêm qua lên bàn, ra vẻ như mình đã tự kiểm điểm suốt đêm, mệt mỏi quá
nên ngủ say, sau đó nàng tung người nhảy lên xà nhà, quen đường quen lối gỡ mấy viên ngói lỏng lẻo, thần không biết quỷ không hay chuồn ra
ngoài.
Vào lúc Chu Phỉ định leo tường băng nóc thì cách đó không xa có
một tiếng vang nhỏ, nàng ngẩng đầu lên nhìn, giỏi, kẻ đầu trộm đuôi cướp hóa ra không chỉ một mình nàng.
Chu Phỉ và Lý Thịnh cách một cái sân và một cái nóc nhà hai mặt
nhìn nhau một lát, sau đó mạnh ai nấy quay đầu, vờ như không ai thấy ai, mỗi người chạy theo một hướng.
Chu Phỉ tránh chỗ của Chu Dĩ Đường, chỉ nhìn từ xa xa mà không
dám đi qua____dựa theo kinh nghiệm nhiều năm đấu trí đấu dũng với Lý Cẩn Dung của nàng, nàng cho rằng mẹ mình không thể nào không có phòng bị.
Nàng nhẫn nại tra xét một vòng chung quanh, quả nhiên trong rừng trúc
phía sau tiểu viện và bên dưới cầu treo phía trước đều phát hiện dấu
vết, ở đó khẳng định có mai phục.
Hiện tại tiểu viện của Chu Dĩ Đường yên ắng tĩnh lặng, giờ này
có lẽ ông ấy vẫn chưa dậy, Chu Phỉ đang do dự làm thế nào để chuồn vào
thì chợt nghe tiếng chim hót.
48 trại ở Thục Trung quanh năm như mùa xuân, hoa lá không héo
tàn, có tiếng chim hót không có gì kỳ lạ, Chu Phỉ lúc đầu không để ý,
nào ngờ tiếng chim ấy càng lúc càng gần, dường như không có ý định dừng, nàng nghe rất bực bội, định dùng đá ném con thú có lông vũ ồn chết đi
được này nhưng vừa quay đầu lại thì thấy Tạ Doãn đang cười hề hề ngồi
trên một cây đại thụ nhìn nàng.
Tạ Doãn bị Lý Cẩn Dung lùng bắt khắp núi cả ngày, đại khái là
không dễ chịu gì cho cam, áo ngoài của hắn bị rách, vạt áo ngắn đi một
đoạn, tóc tai rối bời, trên đầu dính chiếc lá còn ướt hơi sương, tay và
cổ có vài vệt máu, chật vật hơn cả tối hôm trước trong sông Tẩy Mặc.
Nhưng trên mặt hắn lại mang theo nụ cười vô cùng ung dung thoải mái,
giống như hoàn toàn không để bụng về hoàn cảnh nguy cơ thế này, không hề để lỡ việc hắn thưởng thức cảnh núi lúc bình minh và tiểu cô nương đang tuổi dậy thì.
- 48 trại các cô đúng là rắc rối phức tạp, ta dùng tới sức bú sữa mới tìm được đến nơi này.
Tạ Doãn cảm thán rồi ngoắc ngoắc tay với nàng, ra vẻ quen thân nói tiếp:
- Tiểu cô nương, cô là nữ nhi của Lý đại đương gia và Chu tiên sinh sao?
Chu Phỉ ngẩn người, nàng luôn ở trong trại, bị Lý Cẩn Dung rèn
ra tính cách “nên làm gì thì làm đó, không có chuyện bớt phí lời”, lại
thêm ít chơi với những người cùng thế hệ, đã quen độc lai độc vãng, tạm
thời nàng không rõ Tạ công tử này là bạn hay thù nên không biết trả lời
thế nào, đành phải đơn giản là gật đầu.
Tiếp đó nàng cau mày, hồi lâu sau mới dò hỏi:
- Ngươi và mẹ ta có thù oán gì sao?
- Đâu có, lúc mẹ cô lui về 48 trại ở ẩn, ta còn chơi bùn đấy.
Tạ Doãn không biết lấy từ đâu ra một đoạn trúc, rồi lại lấy ra
một con dao nhỏ, vừa ngồi trên cây chậm rãi vót vừa nói với nàng:
- Có điều lão Lương nhờ ta đưa thư kia có lẽ có, là chuyện gì
thì ta cũng không biết… haiz, ông ấy còn chưa nói rõ với ta đã chết rồi.
Chu Phỉ hỏi:
- Vậy ngươi là gì của ông ấy?
- Không gì cả, tiểu sinh họ Tạ tên Doãn tự Nấm Mốc, hiệu “Cư sĩ nghĩ thoáng”, vốn là một người nhàn rỗi.
Tạ Doãn nghiêm túc nói:
- Hôm đó ta đang đi dã ngoại câu cá, lão nhân gia ông ấy lết
thân già bệnh tật tàn tạ tới tế bái một nấm mồ hoang, bái xong đứng dậy
không nổi, nằm trên đất khóc lớn, ta thấy một ông lão như ông ấy khóc
thật đáng thương mới đồng ý chạy vặt giúp.
Chu Phỉ:
- …
Nàng kinh hoàng phát hiện, vị Tạ công tử này, e là quả nhiên có bệnh.
Chu Phỉ khó tin hỏi:
- Chỉ vì một ông lão khóc mà ngươi liều chết xông vào 48 trại giúp ông ta?
Tạ Doãn đính chính:
- Không phải vì một ông lão khóc mà là vì Lương Thiệu khóc____cô không biết Lương Thiệu là ai sao? Chẳng lẽ cha cô chưa từng nói với cô?
Cái tên này kỳ thực Chu Phỉ nghe hơi quen quen, hẳn là từng được nghe nói, có điều Chu Dĩ Đường tính tình ôn hòa lại hay nói nhiều, lúc
ông dông dông dài dài thì Chu Phỉ luôn xem như đang nghe lão hòa thượng
tụng kinh, vào tai trái ra tai phải, nghe mười câu nhớ được một câu đã
xem như không tệ, dù sao ông ấy cũng không nỡ phạt nàng.
Tạ Doãn thấy nàng không lên tiếng thì giải thích:
- Lúc Tào Trọng Côn soán vị, Lương Thiệu lên phía bắc tiếp ứng
cho ấu đế, thiết lập bẫy liên hoàn ở vùng Lưỡng Hoài, cứu được ấu đế
ngay dưới mắt “Bắc Đẩu Thất Tinh”, đánh trọng thương “Tham Lang” và “Vũ
Khúc”, ngay cả tính mạng của nhi tử duy nhất cũng mất luôn, sau đó ông
ấy lại vào sinh ra tử, một tay nâng đỡ nửa Nam triều, xem như là một…
ừm, anh hùng. Anh hùng mạt lộ như núi đổ, há không đáng thương ư? Nếu ta đã không có bản lĩnh gì khác ngoài chân cẳng lanh lẹ thì giúp ông ấy
chạy một chuyến cũng không sao.
Chu Phỉ nghe như hiểu như không, nghĩ nghĩ rồi truy hỏi:
- Thất Tinh gì gì đó rất lợi hại à?
Tạ Doãn nói:
- Bắc Đẩu Thất Tinh_____năm xưa Tào Trọng Côn soán vị, có không
ít người không phục, ông ta đâu rảnh rỗi đi thu phục từng người một, vả
lại người ta nói hơn nửa câu không hợp là ông ta quyết định dứt khoát
giết luôn.
Chu Phỉ chưa từng nghe cách giải quyết thô bạo mà đơn giản như vậy, không khỏi trố mắt:
- Hả?
- Đương nhiên, tự ông ta thì chắc chắn là giết không nổi.
Tạ Doãn nói tiếp:
- Nhưng dưới tay ông ta có bảy đại cao thủ, họ gì tên gì không
ai biết, từ khi theo ông ta thì đều lấy tên Bắc Đẩu, chuyên bán mạng
giúp ông ta giết người. Rốt cuộc lợi hại cỡ nào hả… Ta nói thế này vậy,
mẹ cô từng dẫn một đám anh hùng hào kiệt xông vào Bắc đô ám sát Tào
Trọng Côn, ba ngàn Ngự lâm quân không ngăn được họ, năm đó bên cạnh ngụy đế chỉ có hai người Lộc Tồn và Văn Khúc, vậy mà vẫn che chở Tào Trọng
Côn chạy trốn thành công, nếu năm đó Thất Tinh đầy đủ thì lần ấy ở Bắc
đô chưa chắc là ai “thịt nát xương tan” đâu, cô nói xem có lợi hại hay
không?
Cách nói này vô cùng có sức thuyết phục với Chu Phỉ.
Bởi vì trong mắt nàng, Lý Cẩn Dung như một ngọn núi, mỗi lần
giận dỗi mẹ, nàng sẽ hung hăng đi luyện công, một năm 360 ngày thì tính
ra khoảng 359 ngày nàng hung hăng đi luyện công, ngày nào nằm ngủ cũng
mơ thấy đại đương gia ra tay quất nàng nhưng nàng có thể dễ dàng gỡ roi
khỏi tay bà, sau đó ném xuống chân bà rồi nghênh ngang bỏ đi một cách
đại nghịch bất đạo… Đương nhiên, cho đến nay đó vẫn chỉ là mơ.
Đôi lúc Chu Phỉ có ảo giác rằng mình mãi mãi không thể nào vượt
qua mẹ, mỗi lần nàng cảm thấy mình đuổi theo được một ít thì khi ngẩng
đầu lên lại phát hiện mẹ đang ở nơi xa hơn lạnh lùng nhìn mình.
- Đại anh hùng như thế mà nằm khóc nơi đất hoang không dậy nổi,
cũng giống tiểu cô nương xinh đẹp như cô có một ngày tuổi xuân không
còn, dung nhan tiều tụy, tóc đã bạc phơ, đều khiến người ta khổ sở, nếu
ta gặp được thì ta phải quản.
Chu Phỉ:
- …
Không ai dám tán gẫu với Lý Cẩn Dung những lời vô bổ như “nữ nhi của cô thật xinh đẹp”, các trưởng bối cùng lắm chỉ khen một cách khách
khí hàm súc với Chu Phỉ là “Lệnh ái có phong thái năm xưa của đại đương
gia”, người trong cùng thế hệ lại càng khỏi phải nói, một tháng không
nói được mấy câu, từ trước tới nay chưa từng có ai khen nàng xinh đẹp
trước mặt nàng nên lần này nghe khen, nàng nhất thời hơi ngỡ ngàng.
Trong lúc nói chuyện phiếm, Tạ Doãn đã thong thả làm xong một
cây sáo trúc, hắn nhẹ nhàng thổi lên rồi cười bỡn cợt nói với Chu Phỉ:
- Mau chạy xa xa chút, bị mẹ cô bắt được sẽ đánh tay cô đấy.
Chu Phỉ vội hỏi:
- Ngươi muốn làm gì?
Tạ Doãn nháy nháy mắt với nàng rồi đặt sáo trúc ngang bờ môi,
thổi lên mấy âm trầm bổng, tiếng sáo du dương nháy mắt phá vỡ bầu không
khí yên tĩnh trong rừng, những chú chim thức sớm ào ào bay lên trời, con ngươi người trẻ tuổi ngồi trên cây phản chiếu màu xanh biếc của rừng
trúc vô biên, khi những người mai phục thi nhau nhảy ra áp sát, tiếng
sáo của hắn đã dần thành làn điệu.
Đó là một khúc “Phá trận”.
Truyện đánh dấu
Nhấn để xem...Truyện đang đọc
Nhấn để xem...