Hướng Về Phía Anh


Tiếng ve kêu râm ran suốt những ngày hè, đó cũng là khoảng thời gian tôi đầu bù tóc rối tập trung vào ôn thi.

Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông chưa qua, kỳ thi Đại học sắp sửa tới gần.

Áp lực học hành thi cử khiến tôi lo lắng, dù ăn nhiều nhưng vẫn cứ bị giảm cân.

Bố mẹ tôi thấy con gái như vậy bỗng lo lắng.

Anh trai tôi nghỉ học từ sớm, hiện tại chỉ có mình đứa con gái duy nhất là tôi đi học.

Nếu như nói không nhầm thì cả họ nhà tôi chưa có ai thi đỗ vào trường chuyên của thành phố, nếu bây giờ tôi trúng đại học thì bố tôi mừng lắm.

Cuộc đời bố tôi vất vả làm ăn, học hành không đến nơi đến chốn nên ông rất ưa sĩ diện.

Ông muốn tôi học hành đỗ đạt, một phần là hy vọng sau này tôi có được cuộc sống tốt hơn, không phải bán sức lao động như bố mẹ.

Còn điều nữa, tuy ông không nói ra, nhưng qua cách ông nói chuyện với bạn bè, nếu tôi trúng đại học, ông sẽ vỗ ngực tự hào mà khoe khoang với mọi người rằng, tuy bố nó ít học nhưng con gái rất thông minh, rất giỏi, học hành đỗ đạt…
Chính vì điều ấy nên thời gian này bố mẹ đặc biệt quan tâm đến tôi.

Ngày thường, nếu như không có việc gì, một tuần hoặc nửa tháng bố tôi mới chạy ra quán ở ngoài thành phố để xem công việc kinh doanh buôn bán ra sao.

Nhưng từ dạo tôi bước vào thời kỳ ôn thi, ngày nào bố tôi cũng phi xe từ quê ra thăm con gái.

Hôm thì mua bánh kẹo, hôm thì mua đồ ăn tẩm bổ, các loại đồ uống mà tôi thích… Ông luôn động viên tôi phải cố gắng, phải giữ sức khỏe.
Không phụ tấm lòng của bố mẹ, năm đó điểm thi Đại học của tôi lọt Top cao của lớp và của trường.

Khỏi nói, bố tôi mừng hơn trúng số, vào ngày tôi biết điểm, bất kể ai đến nhà ăn cơm, ăn phở bố tôi đều tự hào khoe khoang, thậm chí còn không lấy tiền suất ăn của mọi người.

Đến mức, thông tin tôi trúng Đại học lan truyền cả tiểu khu, không một ai không biết.
Cuối tháng 9 tôi đến Hà Nội làm thủ tục nhập học.

Do cửa hàng kinh doanh bận rộn nên mẹ tôi không đưa tôi đi, chỉ có hai bố con tôi tay xách nách mang những túi đồ lớn nhỏ từ quê lên Thủ đô nhập học.

Oan gia ngõ hẹp thế nào, lớp tôi có khoảng gần 100 sinh viên, nhìn từ trên xuống dưới, tôi phát hiện ra Thành, cậu học sinh học lớp D cùng tỉnh với tôi cũng học cùng lớp.

Dường như Thành cũng nhận ra tôi, trong đáy mắt cậu ấy ẩn hiện ánh cười vui mừng.

Tôi lập tức quay mặt đi né tránh.

Sau khi nộp một vài giấy tờ cần thiết, giảng viên điểm danh tên tuổi của các bạn và truyền đạt một số việc quan trọng trước khi bước vào năm học mới, tôi di chuyển xuống cuối lớp để ngồi gần bố tôi.
Lúc này tôi thấy ông đang ngồi cạnh một bác gái tuổi trung niên.

Bác ấy tầm tuổi mẹ tôi, tuy nhiên, mẹ tôi vốn lao động vất vả quanh năm, dáng người của mẹ nhìn có chút thô kệch, làn da cũng sạm chứ không đẹp mịn màng như bác gái ấy.

Nhìn tổng thể, tôi thấy, người phụ nữ ngồi cạnh bố tôi rất đẹp, rất quyền quý và sang trọng.


Ngay trong cách nói chuyện cũng toát lên phong thái của một người giàu có.

Tôi nghe được hai người họ nói chuyện với nhau:
— Nhà chị ở khu nào? Tôi ở thị trấn, ngay giáp ranh thành phố.

Tôi có mở quán cơm phở đối diện với bệnh viện đa khoa tỉnh, khi nào có dịp mời chị ghé qua chơi.

Không ngờ lại gặp đồng hương ở đây.
— Nhà tôi ở gần Chợ Mới.

Cháu nhà anh đang ngồi chỗ nào?
Bố tôi không ngần ngại chỉ tay vào tôi.

Khi tôi nghe được câu hỏi ấy, vô thức quay đầu lại nhìn theo phản xạ, bắt gặp ánh mắt bác gái cũng đang chăm chú nhìn mình.

Tôi bối rối cất lời:
— Cháu chào bác ạ!
Người phụ nữ ấy buột miệng nói:
— Con gái anh xinh quá!!
Bố tôi mỉm cười hỏi lại:
— Cháu nhà chị đang ngồi ở đâu?
Người phụ nữ liền chỉ tay về phía góc phải của lớp, dịu dàng nói:
— Cháu nhà tôi mặc áo sơ mi trắng, mái tóc vuốt gel một bên ấy.

Anh có nhìn thấy không?
Tôi nhìn theo chỉ dẫn của bác gái, cuối cùng dừng lại ở gương mặt Thành.

Thật không ngờ mẹ cậu ấy lại xinh đẹp và dịu dàng đến vậy! Tôi thầm ghen tị.
Bố tôi vui vẻ nói:
— Cháu nhà chị đẹp trai quá.

Có bạn đồng hương với nhau thế này tôi cũng mừng, mới đầu xa nhà còn nhiều điều bỡ ngỡ, hy vọng các cháu biết bảo ban nhau cùng cố gắng.
— Tôi cũng hy vọng thế!
Trưa hôm ấy, bố con tôi và mẹ con Thành cùng ra quán ăn cơm.

Suốt bữa ăn, chỉ có bố tôi và mẹ Thành trò chuyện cùng nhau, tôi và Thành giữ im lặng, tập trung ăn suất cơm của mình rồi chờ đợi người lớn sắp đặt.

Thành cũng như tôi, đây là lần đầu tiên xa nhà, hơn nữa, điểm đến của chúng tôi là đất Thủ đô phồn hoa, cái gì cũng mới mẻ và bỡ ngỡ, chúng tôi chưa biết mình phải làm gì.
Ban đầu bố tôi và mẹ Thành định tìm phòng trọ cho chúng tôi ở, nhưng sau một hồi cân nhắc, họ quyết định đăng ký cho chúng tôi ở kí túc xá.

Vì sợ bên ngoài không an toàn, rồi nhiều vấn đề rắc rối khác mà họ tự nghĩ ra.

Tôi thì không vấn đề gì, bố tôi sắp xếp thế nào tôi đều nghe theo như vậy.

Không biết Thành có hài lòng với ý kiến này không, nhưng tôi thấy cậu ấy cũng không có phản ứng gì.

Trước lúc bố tôi và mẹ Thành về quê, tôi và Thành theo họ ra bến xe để tạm biệt.

Lần đầu tiên con đi học xa nhà, ông bố bà mẹ nào cũng nặng lòng quyến luyến, nhắc nhở dặn dò đủ điều.

Chúng tôi nghe xong cứ gật đầu liên tục, luôn miệng hứa sẽ nghe lời để bố mẹ được yên tâm.

Suốt quãng đường về ký túc xá, tôi và Thành không ai nói với nhau câu gì.

Thành vào khu ký túc xá dành cho nam, tôi về ký túc xá nữ.
Phòng tôi ở có 5 người.

Tất cả đều học chung một lớp nên chuyện xưng hô khá thoải mái.

Người thì ở Hà Giang, người thì ở Hà Tĩnh, có người ở Điện Biên… mỗi đứa một vùng miền khác nhau nên có rất nhiều câu chuyện hay ho để kể.

Chỉ sau một đêm, chúng tôi gần như thân quen như chị em, tôi cảm thấy rất vui, cảm giác như cuộc sống này chính là thứ mà tôi vẫn mong ước.

Hết trò chuyện những điều diễn ra ở trên lớp, về nhà lại cùng nhau sinh hoạt, nấu ăn, giặt quần áo… Vui đến nỗi tôi không biết đến cảm giác nhớ nhà, nhớ bố mẹ là gì.

Thỉnh thoảng bố tôi ở quê gọi điện lên còn trách con gái không nhớ gì đến bố mẹ.
Thực ra từ ngày học cấp 3 tôi đã ra ở riêng nên cảm giác nhớ bố mẹ với tôi rất bình thường.

Nhưng đúng là có đôi lúc vì ham vui quá nên tôi vô tâm, rất ít khi tôi chủ động gọi điện cho bố mẹ.
Những ngày tháng đầu đi học diễn ra khá êm đềm và nhẹ nhàng, kiến thức cũng không quá nặng.

Đặc biệt là không có chuyện kiểm tra bài cũ, học thuộc giống như học cấp 3 nên tôi cảm thấy cuộc sống sinh viên sướng như tiên.

Lên lớp ngồi nghe giảng, thích ghi bài thì ghi bài, không thích thì trốn xuống cuối lớp, chờ giáo viên điểm danh xong gục đầu xuống ngủ một giấc.

Cũng có lần tôi theo đám bạn cúp tiết ra ngoài đi đây đi đó, sinh viên năm nhất, nhìn nơi nào cũng thấy lạ lẫm và muốn khám phá.
Trong một lần đến phòng máy của trường học Tin học, đúng lúc hết giờ, mọi người tản mạn ra về hết.

Khi ấy tôi phát hiện quần mình dường như ẩm ướt hơn mọi khi, linh tính mách bảo, tôi khẽ nhích người qua một bên để kiểm tra thì đích thị bản thân đã đến ngày rụng dâu.

Gặp phải tình huống này nên tôi có chút bối rối, cũng may đúng lúc hết giờ học, chờ mọi người đi khuất tôi mới đứng dậy.

Cứ ngỡ không còn ai, ai ngờ, tôi vừa bước ra đến cửa lớp thì Thành từ phía sau bước đến.

Tôi chột dạ hỏi:
— Sao cậu còn chưa về?
Vừa nói tôi vừa lấy cặp sách che phía sau quần của mình.

Tuy nhiên, tất cả những hành động ấy đều không qua được mắt Thành.


Cậu ấy nhìn tôi rồi dịu dàng nói:
— Là con gái thì phải chú ý chứ.

Đến kỳ sao không chuẩn bị trước?
— Không phải việc của cậu! – Tôi đỏ mặt, hơi gắt nhẹ.
— Cậu không định về à?
— Cậu cứ về trước đi, lát nữa tôi về.
Thành nhìn tôi không nói, lát sau, cậu ấy chủ động cởi chiếc áo sơ mi màu xám đang mặc trên người xuống và buộc lên hông người tôi.

Một hành động vô cùng dịu dàng.

Tôi ngượng, thực không biết phải làm sao nên cất lời nói khe khẽ:
— Tôi cảm ơn.

Tôi sẽ gửi lại áo cho cậu sau!
Nói rồi tôi ba chân bốn cẳng chạy thật nhanh xuống cầu thang.

Chiếc áo ngày hôm đó tuy không bị dính bẩn nhưng tôi vẫn cẩn thận giặt thật kỹ, đặc biệt ngâm nước xả vải, ngày đó tôi chưa dùng nước hoa, nếu có, tôi nghĩ mình nhất định sẽ sức nước hoa thật thơm để đem trả cậu ấy.

Mấy buổi sau khi đến lớp, tôi tìm cách gửi trả Thành chiếc áo nhưng cậu không nhận.

Đứng sau góc khuất hành lang, Thành nói với tôi:
— Quần áo tôi có rất nhiều, cậu giữ lại đi, không cần trả lại tôi!
Tôi nhìn Thành bằng ánh mắt nghi hoặc, tôi hỏi lại:
— Cậu sợ tôi làm áo cậu dính bẩn hay gì? Cậu yên tâm, chiếc áo này ngày hôm đó không hề dính bẩn.

Tôi đã giặt nó rất sạch rồi.

Hơn nữa, tôi là con gái, không quen mặc đồ nam.

Giữ lại cũng không để làm gì.
Thành nghe vậy liền gợi ý:
— Tôi cao lớn hơn cậu, nếu cậu đi nắng có thể dùng nó như áo chống nắng!
— Cậu bị khùng hay gì? Tự nhiên tôi giữ đồ con trai để mọi người hiểu lầm là tôi có người yêu à?
— Chỉ là một chiếc áo, chắc mọi người không suy diễn nhiều như vậy đâu.
— Tôi biết.

Nhưng cậu làm ơn nhận lại chiếc áo của mình giúp tôi.

Đồ của cậu mà, tại sao lại muốn tôi giữ? Dù sao cũng cảm ơn cậu ngày hôm đó đã giúp tôi…
— Không có gì…
Trong lúc Thành còn đang bối rối, tôi vội vàng đặt chiếc túi đựng áo vào tay cậu ấy rồi chạy đi thật nhanh, giống như đang trốn tránh.

Tôi không hiểu tại sao, mỗi khi đối diện với ánh mắt của chàng trai ấy, trái tim trong ngực tôi xuất hiện một luồng cảm xúc rất lạ.

Những ngày sau đó, cứ đến ngày học Tin học trên phòng máy, Thành luôn mặc chiếc áo sơ mi màu xám đó.

Không biết là do ngẫu nhiên, hay vì tôi quá để tâm, nhưng sự thật là vậy.

Hơn nữa, tôi thấy ánh mắt cậu ấy nhìn tôi ngày càng chất chứa nhiều cảm xúc, dường như có ẩn tình gì bên trong mà tôi không đọc được.
***
Tết Âm lịch năm nhất Đại học, tôi được nghỉ liền 9 ngày.


Chiều muộn ngày 27 Tết, sau khi kết thúc buổi học, tôi theo đám bạn vội vã trở về ký túc xá.

Ban đầu tôi vốn định sẽ ở lại ngủ một giấc, sáng hôm sau sẽ sửa soạn đón xe về quê, cơ mà về đến phòng thấy bạn bè tất tưởi chuẩn bị ra về hết nên tôi bỗng thấy hoang mang.

Bởi ở lại đây một mình… tôi sợ ma.

Đang không biết nên về hay ở thì điện thoại báo tin nhắn mới, là Thành.

Tôi tò mò mở ra đọc ngay.
— Cậu có về quê không? Bây giờ là chuyến xe cuối ngày rồi, 20 phút nữa là xe chạy.

Nếu cậu về thì sửa soạn nhanh lên, bằng không thì đợi sáng mai hãy về.
Tôi không reply tin nhắn của Thành, nhìn đồng hồ chỉ còn 20 phút, tôi vơ vội mấy bộ quần áo xếp vào valy, nhanh chóng đón xe ôm ra đến bến.

Vừa hay kịp giờ xe chạy.

Bến xe những ngày cuối năm đông như trẩy hội.

Người người chen lấn, xô đẩy nhau như sợ không kịp về quê ăn Tết.

Chuyến xe ngày Tết bất ổn.

Xe 29 chỗ nhưng người ta xếp đến 50, 60 người.

Mọi người ngồi sát vào nhau, đứng chật ních, không có một kẽ hở.

Tôi không chịu được cảm giác chiếc xe chao đảo, nghiêng ngả vì quá tải, nữa là người chen người, mùi cơ thể hỗn độn kết hợp với mùi xe ô tô khiến tôi buồn nôn.

Thực sự rất kinh khủng.

Và tôi đã nôn không biết bao nhiêu lần.
Xe chạy được khoảng 1h đồng hồ thì lốp xe xảy ra sự cố.

Cũng đúng thôi.

Chở quá tải như vậy thì lốp nào chịu đựng được? Giữa chốn đường vắng, mọi người tản mạn tìm chỗ đi vệ sinh chờ sửa xe để tiếp tục hành trình.

Tôi ngồi thu lu một góc dưới gốc cây cổ thụ, có vẻ như nôn quá nhiều khiến gương mặt tôi tái mét.

Thành tiến đến gần tôi, đưa lên trước mặt tôi chai nước lọc và một túi bánh ngọt rồi dịu dàng nói:
— Cậu nôn nhiều thế chắc là đói bụng lắm.

Ăn tạm cái này đi.

Tình hình này chắc phải nửa đêm xe mới sửa xong!
Túi bánh ngọt và chai nước lọc của Thành lúc này thực sự đáng giá.

Tôi cảm động nhận lấy, vì đói bụng nên ăn liền hai chiếc không nghỉ.

Chiếc xe dường như không đơn thuần là bị hỏng lốp, họ gọi đội cứu hộ đến sửa nhưng 2h đồng hồ trôi qua cũng không thấy tiến triển gì.

Cuối cùng, nhà xe đành vẫy xe dọc đường và lần lượt gửi gắm những hành khách của mình lên một hành trình khác để trở về nhà.


Truyện đánh dấu

Nhấn để xem...

Truyện đang đọc

Nhấn để xem...
Nhấn Mở Bình Luận
Quảng Cáo: Coin Cua Tui