Vậy là đã 7 tháng kể từ ngày tôi nhận được thư từ ba em, cũng chừng đó thời gian tôi không có cơ hội thấy cái nick thân thương sáng lên.
Sao tôi nhớ em thế này.
Nhớ đến quặn lòng.
Cầm tấm ảnh của em trên tay, mọi cảm xúc lại tràn về … ngọt ngào và tinh khiết.
Quay trở lại hôm khi nghe tin không vui.
Ngày hôm sau đi học, lòng buồn không tả.
Cảm giác vừa mất đi một thứ gì đó rất thiêng liêng thật chẳng dễ chịu.
Hôm trước cũng có khóc nhưng tôi không ngờ hôm nay nó lại thảm hại đến thế này.
Mắt sưng lên và vẫn còn đỏ hoe.
Nhìn vào gương tôi chẳng nhận ra mình nữa, nhìn phờ phạc, thiếu sức sống.
Nói thật, tôi cũng chẳng thèm quan tâm ai đó nghĩ gì về tôi lúc đấy.
Khóc thì mắt đỏ, có thế thôi.
Nhưng, tụi bạn của tôi không nghĩ vậy.
Tụi nó thấy tôi khóc là một chuyện động trời, vì vốn dĩ tôi là một người ít bày tỏ cảm xúc.
Tụi nó hỏi thăm trong khi tôi cứ gục mắt xuống bàn chẳng buồn trả lời.
Hồi tôi đi học, vẫn còn chuyện chuyển thư trong lớp.
Đang ngồi ngó lơ đãng lên bảng, con nhỏ ngồi cạnh khều khều “Ê M! Có thư của con L”.
Con L là nhỏ bạn thân nhất của tôi.
Thấy tôi hôm nay buồn, nhỏ viết “có chuyện gì vậy mày”.
Đọc xong, tôi ngẩng lên nhìn nó lắc đầu.
Không nản chí, nhỏ lại viết tiếp “có gì buồn, kể nghe đi”.
Tôi lại lắc đầu.
Thấy tôi có vẻ không ổn, nhỏ tiếp “làm gì mắt sưng vậy? Mới nhân giấy báo Si đa hả?”.
Đọc đến đây dù buồn mấy tôi cũng không nhịn được cười.
Cô Nguyệt dạy Địa thấy tôi tự nhiên cười rũ cả lên liền gọi tôi đứng dậy hỏi:
– Nãy giờ cô nói gì, M?
– Dạ thưa cô, con… – tôi lí nhí trả lời
– Hôm nay con làm sao thế? Để cô nói mẹ con.
– Thôi cô … Tôi nài nỉ
– Con ngồi xuống đi.
Tôi xưng con với hầu như thầy cô trong trường, vì mẹ tôi dạy trong đó.
Vì yêu quý Mẹ, nên mọi người cũng thương lây tôi.
Số tôi sướng là vậy.
Vì nhỏ bạn thân, tôi bị mắng oan.
Tôi dứ dứ nắm đấm về phía mặt nó.
Con nhỏ chỉ lè lưỡi cười.
Nhiều lần muốn cảm ơn nó về những thứ mà nó làm, nhưng chưa bao giờ tôi mở lòng được.
Thôi kệ, chắc nó cũng biết tôi nghĩ gì về nó.
Kể thêm một chút.
Mẹ tôi dạy Văn trong trường, dạy giỏi, là người tình cảm, nhưng rất cương trực, nên được rất nhiều người nể, quý.
Bác Diệp trong cùng tổ văn với mẹ tôi.
Tôi hiếm thấy ai quý mẹ tôi như bác.
Cho nên cái chuyện bác thương lây tôi là chuyện hiển nhiên như trời vẫn cao và đất vẫn dày.
Có lần, bắt đầu tiết mới, bác từ tốn “Không hiểu lớp này thế nào, chứ cô thấy có nhiều lớp cứ lấy tên bố mẹ nhau ra gọi.
Cô không thích chút nào cả”.
Bác vừa kết thúc, cả lớp quay lại chỉ tay về phía tôi đồng thanh “Đây cô”.
Bác hỏi tại sao, thằng Khánh đứng dậy trả lời “Thằng này lớp trưởng nó cầm danh sách lớp, nên nó đầu têu hết”.
Cả lớp cười ầm ĩ.
Buồn cười lắm, nhưng tôi giả bộ ngó lơ đi chỗ khác.
Ngượng quá bác xua xua tay, chữa cháy “các em trật tự, chúng ta bắt đầu tiết học mới.
Xem như cô chưa nói gì”.
Tôi thấy bác quay mặt đi, cố giấu nụ cười.
Nói thêm một chút về Mẹ tôi.
Mẹ tôi dạy Văn có tiếng trong tỉnh, học sinh thi khối C và D đến học thêm như nêm.
Tôi sẽ dành một phần để kể về Mẹ, người quan trọng nhất đối với tôi.
Tôi đã viết.
Sẽ đăng cho các bạn đọc sau.
Các bạn đọc sẽ hiểu tại sao tôi ảnh hưởng bởi mẹ tôi nhiều.
Các bạn biết rồi, học thêm Văn thì toàn con gái.
Vì rất yêu tôi [ tôi là niềm tự hào của Mẹ ], nên bà cũng hay kể về tôi trên lớp.
Cũng chẳng nói quá gì đâu, có sao nói thế, nhưng nói thật là tôi cũng không thích cái kiểu đó lắm.
Nghe như PR.
Tôi muốn cũng đâu có làm gì được, nên đành “nhắm mắt dang chân” vậy thôi.
Được cái, các em nữ nghe kể thì sướng, tít hết cả mắt lên, phần vì ngưỡng mộ, phần vì … , nên mỗi lần thấy em nào là mặt tôi lại ngửa lên trời.
Cũng hơi mỏi cổ thật, nhưng mà thích.
Cái cảm giác nhìn một đám gái xong rồi quay mặt đi, trong khi các em thì xì xào về mình, nó lạ lắm.
Nó … thế nào ấy, rất khó tả.
Vừa lâng lâng, vừa thích, vừa hơi lo [biết đâu tụi nó đang chỉ trỏ bảo tôi chưa “đóng cửa sổ” thì sao].
Nhưng nói chung là phê, phê lòi mắt.
Tôi khoe thế để chọc tức các bạn chứ cũng chẳng có ý gì đâu.
À quên, tôi đã kể cho các bạn là tôi hay bị hoang tưởng chưa nhỉ? Chưa à? Thôi để kể sau.
Quay trở lại câu chuyện của mình.
5 tháng đầu xa em là 5 tháng tôi buồn khôn tả.
Tấm ảnh ba em gửi tôi đã in ra và để trong ví.
Mỗi lần nhớ em, tôi lại lôi ra xem và thở dài thườn thượt.
Mỗi lần định chìm đắm lại trong quá khứ thì tôi lại nhớ đến lời hứa với ba em “tôi sẽ mạnh mẽ bước đi tiếp”.
Điều đó khiến tôi choàng tỉnh.
“Rồi anh sẽ gặp em phải không? Em nợ anh nhiều thế, kiếp sau anh sẽ đòi sạch …”.
Hai tháng sau khoảng thời gian khó khăn, tôi đã tươi tỉnh lên nhiều dù rằng đôi khi vẫn nhớ em vô hạn.
Tôi phải đi tiếp thôi, nếu không em biết được sẽ buồn lắm.
Và tôi thì lại chẳng bao giờ muốn em buồn vì tôi cả.
Tôi muốn mỗi lần em nhớ đến tôi là nhờ đến một chàng trai mạnh mẽ, giàu ý chí chứ không phải suốt ngày ủ dột, rầu rĩ.
Một ngày đang ngồi đọc sách, tôi nhận được điện thoại từ một người lạ.
Số máy không phải từ Việt Nam.
Vì điện thoại rè nên tôi chỉ biết đó là giọng con gái.
– A lô.
– A … lô.
– Bên kia trả lời.
Giọng hơi khó nghe, và bị ngắt quãng.
– Ai đấy ạ?
– Anh … nói … câu nữa đi.
– Ai đấy?
Tút tút tút…
Trong ngày tập trung đầu năm lớp 12 – năm cuối cấp, sau khi biết cô giáo chủ nhiệm, lịch khai giảng và thời khóa biểu, thằng Duy hắng giọng:
– Tụi bay! Đi xem năm nay mấy em nhỏ thế nào?
– Gái hả? – thằng Long hỏi.
– Chẳng lẽ trai.
Bấn hả mày? – thằng Duy nhìn thằng Long với ánh mắt e dè.
– Đấy là anh hỏi thế.
Chứ anh biết thừa.
– thằng Long ngó lơ, đánh trống lảng.
– Đi nào.
– thằng Duy phẩy tay.
Cả đám hưởng ứng, ào ra như chuẩn bị đi đánh trận:
– Đi tụi bay!
Thằng Khánh quay sang hỏi tôi:
– Đi không M?
– Ngại quá mày! Tự nhiên đi khơi khơi vậy thôi à?
Tôi nói mà mặt rầu rầu, một phần mang cảm giác tội lỗi, một phần vì cũng ngại, nhưng trong lòng thì hồi hộp gần chết.
Tôi nhủ trong bụng “Khánh ơi! Năn nỉ tao đi!”.
Thật ra, tôi phải giả bộ làm cao, tại dù gì tôi cũng là lớp trưởng và cán bộ đoàn trường.
Thêm nữa mẹ tôi dạy trong trường.
Tôi không thể lau nhau như đám bạn của tôi được.
Thích nhưng cũng phải giả bộ là không thích và phải lạnh lùng.
Để sau này nếu có đồng ý thì cũng có cái cớ là “Tại vì tụi mày khích dữ quá ! Nên tao nể”.
Khánh nheo mắt:
– Ngắm thôi! Chứ có ai bảo mày lao đến ôm tụi nó đâu.
– Ngắm cũng không được! Ngắm là nhìn trộm.
– tôi lắc đầu, giọng thất vọng về một thế hệ.
Tôi phân bua với nó một lúc về sự đàng hoàng và nhân cách của đàn ông.
Nó cười đểu:
– Đm ông! Ông cứ ngồi đó mà mài cái sự đàng hoàng của ông ra ăn đi nhé.
Thích bỏ mịa mà cứ giả bộ.
Tao đi đây.
– Ê ê! Thôi được rồi! Tại mày năn nỉ quá đấy, với lại chắc mẹ tao cũng chưa ra.
– hồi đó mẹ tôi chủ nhiệm lớp 10 Văn.
Cả đám láo nháo bá vai bá cổ kéo nhau xuống sân trường.
Thấy em nào xinh là hò nhau dừng lại, khoanh tay trước ngực, nhìn chằm chằm, gật gù đầu xem chừng ưng ý lắm.
Thấy một lũ con trai đứng nhìn như muốn ăn tươi nuốt sống, nhiều em xấu hổ bỏ chạy.
Nhưng cũng có những em gan lì, mà bước tiếp.
Cảnh tượng như thể người mẫu đang đi catwalk trước mặt báo giới.
Những em như vậy, thằng Tùng chạy đến gần 1 m, nhắm mắt, đưa mũi hít hít, sau cùng là quay lại phía chúng tôi đang đứng, thốt lên “thơm thế”.
Cả đám cười bò lăn bò càng.
Em kia nghe đến đó không chạy cũng hơi phí…
Được một lúc, thằng Duy thốt:
– Trời! Sao năm nay các em mơn mởn vậy nè.
Thằng Nam chẹp miệng:
– Công nhận.
Thằng Dương đế thêm:
– Thế này làm sao mà học được.
Các em ơi! Anh đến đây.
Cứ thế một đám vừa đứng, vừa ngắm, vừa bình luận, vừa xuýt xoa.
Còn tôi đứng nhìn mấy em gái, vừa nghe tụi bạn xôn xao,chỉ cười.
Tôi nhủ trong bụng “Năm nay con gái khá thật”…
Trường tôi lập đội tuyển học sinh giỏi các khối khá sớm.
Đầu năm vào chỉ chừng 1 – 2 tuần sau là đội tuyển bắt đầu học.
Thường là học vào thứ 7, còn thứ 3 và 5 là học chuyên đề.
Tôi nhớ hôm đó học đội tuyển, tôi và mẹ đi chung xe.
Tôi chủ động cầm chìa khóa xe để lúc về còn lấy xe ra.
Giờ ra chơi, mấy thằng trong đội tuyển rủ nhau đi uống nước ở gần trường.
Tôi bảo tụi nó đi trước, tôi có xe máy tôi sẽ ra sau, vì lúc đó tôi đang làm dở bài.
Tụi nó đi chừng được 5ph thì tôi cũng bắt đầu đi.
Vì học đội tuyển ít học sinh, nên chỉ có cổng nhỏ mở.
Cái cổng đúng nghĩa nhỏ, chỉ rộng hơn chiếc xe máy chút xíu.Tôi lên xe phóng nhanh ra cổng cứ đinh ninh là giờ này chẳng có ma nào vào.
Bỗng két, một cô bé ngã lăn ra, miệng xuýt xoa, sau đó lồm cồm bò dậy.
Đang định xin lỗi thì tôi nghe tiếng.
– Anh kia! Anh làm ngã bạn em mà không xin lỗi à.
– Bạn cô bé nhìn mặt tôi, hếch hếch.
– Thích.
– Tôi lườm lại.
– Tao không sao đâu.
Cô bé nhìn bạn.
Giờ tôi mới để ý kĩ khuôn mặt của cô bé mới đứng dậy.
Một gương mặt xinh xắn, nếu không muốn nói là đẹp.
Tôi dùng từ đẹp chứ không phải xinh để miêu tả về cô gái này.
Theo tôi, đẹp và xinh là hai tính từ được dùng để nói về vẻ bề ngoài của con người, đặc biệt là phụ nữ.
Xinh thường đi kèm với duyên.
Còn đẹp để chỉ một nhan sắc hoàn hảo, hơn xinh một bậc.
Trong tất cả những người con gái mà tôi gặp ngoài đời, cô bé đó là người duy nhất tôi dùng từ đẹp.
Vẻ đẹp rất mặn mà.
Thật lòng, tôi là người chấm điểm con gái hơi bị gắt.
Điều đầu tiên tôi quan sát được thì em là một cô gái cao ráo, da trắng ngần, mũi dọc dừa và cái miệng nhỏ nhắn, rất duyên.
“Đúng là mĩ nữ”, tôi nghĩ.
Cô bé cột tóc đằng sau, nhưng tôi vẫn kịp nhìn đó là một mái tóc dài rất nữ tính.
Tôi thích con gái tóc dài, muôn đời vẫn thế !!!
– Ê! Học lớp nào? – Tôi nói với giọng phớt đời
– Biết làm gì? – Bạn cô bé nguýt tôi một cái rõ dài rồi kéo tay cô bé chạy vào trong lớp.
Lúc đi ngang, tôi thấy cô bé mặt nhăn nhăn, chắc vẫn còn đau.
Chẳng hiểu sao lúc đó tôi không mở lời xin lỗi được.
Tôi cũng không thèm để ý.
Khi hai cô bé đi khỏi là lúc tôi phóng xe ra chỗ đám bạn.
Truyện đánh dấu
Nhấn để xem...Truyện đang đọc
Nhấn để xem...