Hương Lưu Trong Tâm Thuyền Lưu Trên Nước

Căn nhà sàn lớn nhất trong thôn thuộc về gia đình ông Bảy Xui. Mái ngói đỏ nổi bật trong nền trời tối, hoa văn cầu kì được chạm khắc trên cột gỗ lớn, từng nấc thang cũng được trang trí bằng những họa tiết tinh xảo bắt mắt. Ông Bảy Xui rất giàu, ông có hơn 70 con trâu trưởng thành cùng với ba mẫu đất lớn với nhiều loại cây trồng khác nhau. Gia đình ông Bảy Xui vào 10 năm trước đã từng là gia đình nghèo nhất trong thôn, nghèo đến mức không một ai dám bán đồ cho họ, cũng chẳng ai đủ lòng từ bi mà nhiều lần cho họ vay mượn thức ăn. Thế mà giờ đây, sau khi ông Bảy Xui trở nên giàu có cũng chẳng phách lối kiêu ngạo, trong ánh mắt vẫn mãi lưu nét hiền lành chất phát, trên bờ môi vẫn mãi treo nụ cười yêu đời.

Đối với một người từng trải qua khoảng khắc nghèo đói đến hoa cả mắt, ông ý thức rõ về giá trị của đồng tiền, giá trị của sự no ấm. Ông chẳng phải là kẻ giỏi khua môi múa mép, nhưng ông lại rất giỏi chịu đựng, cũng rất hay giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn khác. Già trẻ lớn bé trong thôn đều yêu mến gia đình ông Bảy Xui, họ tiếp xúc với ông không phải vì ông giàu, cũng không phải vì họ muốn tạo mối quan hệ, đơn giản là vì ông Bảy Xui chính là tấm gương để họ phấn đấu, là ánh đèn le lói thắp sáng ước mơ và hoài bão của họ.

Bên trong không gian sinh hoạt chung có hơn 30 con người, tốp thì uống rượu, tốp thì nói chuyện, tốp thì khóc lóc than thở. Đêm dần khuya, căn nhà đông đúc giờ chỉ còn lại 7 người. Ông Bảy không hề đụng đến một ly rượu, đôi mắt u buồn nhìn chằm chằm con trai đang nằm im ở một góc nhà. Người vợ chẳng còn sức để khóc, bà lặng lẽ ngồi túc trực bên cạnh con, lâu lâu sẽ phát ra vài tiếng thúc thích.

Bà nội là người thương thằng Bình nhất, bàn tay đầy nếp nhăn cẩn thận chỉnh lại chăn ấm trên người cháu trai, giọng nói run run: “ Chỉ cần cháu trai tôi tỉnh lại, bao nhiêu tiền tôi cũng đưa thầy.”

Hữu Ý ngồi xếp bằng ở một góc tường, bàn tay đặt trên đầu gối, nhắm mắt trả lời: “ Bà yên tâm, chỉ cần gia đình làm đúng theo những gì mà tôi đã căn dặn, chắc chắn sẽ thành công.”

“ Mẹ à, ở thôn mình thiếu gì thầy pháp, hay là mẹ để con đi tìm một vị thầy khác. Chứ cô bé này còn quá trẻ tuổi, chắc gì đã có thể giúp được.” Giọng nói ngân dài mất tỉnh táo tựa như một ông già say xỉn giở thói càng quấy, ông Năm Cảnh đặt ly rượu xuống đất, chỉ tay vào thân ảnh Hữu Ý nói vài câu.

Trước ông Bảy Xui còn có 6 anh chị em, một số đã di cư đến nơi khác, một số thì chết khi còn nhỏ. Ông Năm Cảnh lớn hơn ông Bảy Xui 12 tuổi, sinh sống bằng nghề săn bắn và buôn bán thú rừng. Gia đình ông Năm Cảnh có thể được xem là gia đình khá giả trong thôn, với số tiền kiếm được bằng việc buôn bán thú rừng cùng một số loại thuốc quý hiếm, ông Năm Cảnh dần trở thành một người kiêu ngạo khinh người. Đồng vợ đồng chồng, ngay cả vợ và bốn đứa con gái của ông cũng có nét tính cách giống hệt ông, ra ngoài đường là hé miệng chửi người, không vừa ý là động tay đánh người.

Nhà ông Năm Cảnh lúc xưa rất xem thường gia đình ông Bảy Xui. Có một lần ông Bảy Xui bị bệnh nặng liệt giường, vợ ông Bảy Xui có đến nhà ông Năm Cảnh ngỏ ý mượn tiền. Hôm ấy trời nắng gắt, người vợ trẻ với bộ đồ cũ kĩ ngồi ngoài thềm chờ gia đình ông Năm Cảnh dùng bữa bên trong nhà. Đợi đến khi họ dùng xong bữa, vợ ông Năm Cảnh mới thong thả lắc lư cái mông to đi ra ngoài, trên tay là một dĩa thịt xào còn sót vài miếng thịt vụn. Những nhà dân sống cạnh đó đều tận mắt chứng kiến cảnh tượng nhục nhã đấy, thân ảnh nữ tử gầy trơ xương rung rẩy nhận lấy dĩa thịt, gương mặt đơ ra vì ngỡ ngàng, con ngươi trong hốc mắt bị nhấn chìm bởi dòng nước mặn chát. Từ dạo đó trở đi, gia đình ông Bảy Xui không còn đặt chân đến nhà ông Năm Cảnh thêm lần nào nữa, mãi đến khi ông Bảy Xui làm ăn phất lên thì vợ chồng ông Năm Cảnh mới chủ động đến thăm, nhưng cũng chỉ là đến để nói một vài chuyện phiếm thường ngày.


“ Bác à, tuổi bác gần gấp 4 lần tuổi tôi, nhưng có vẻ như một vài chỗ khác lại không lớn như thế.” Hữu Ý buông lời giễu cợt.

“ Chỗ người lớn đang nói chuyện, không đến phiên mày xen vào!” Ông Năm Cảnh rống lên.

Hữu Ý khẽ cau mày, nàng dứt khoát đứng dậy tiến thẳng đến đứng trước mặt ông Năm Cảnh, cúi đầu mặt giáp mặt, lời nói đầy ẩn ý: “ Những chuyện kia, đừng nghĩ rằng sẽ không một ai biết. Người đang làm trời đang nhìn, quả mà bác gieo cũng sắp sửa đến rồi.”

Cặp mắt tròn cong lại thành vầng trăng, nụ cười treo trên đôi môi hồng đào lại có thể làm ông Năm Cảnh tê dại da đầu, cái miệng toàn mùi rượu há hốc chẳng thể thốt nên câu từ nào.

Cả căn nhà chìm trong không khí tĩnh lặng, ông Bảy Xui khó hiểu nhìn về thân ảnh nữ tử đang đứng giữa căn nhà, vợ ông Năm Cảnh cùng vị trưởng thôn ngồi cạnh đó đưa mắt nhìn nhau, rồi lại đưa mắt nhìn về Hữu Ý.

Hữu Ý hài lòng khi áp chế được ông Năm Cảnh, nàng thong thả quay trở về chỗ ngồi cũ để tiếp tục quá trình thiền định. Vợ ông Năm Cảnh nhích người đến cạnh chồng, nhỏ tiếng hỏi người: “ Anh, con bé kia nó nói cái gì vậy?”

Ông Năm Cảnh quát vợ: “ Nhiều chuyện quá, đi qua bên kia.”

Người vợ khó hiểu nhìn chồng, bà và ông sống với nhau đã hơn 20 năm, cả hai cũng đã có với nhau được bốn đứa con gái. Tầm khoảng vài năm đổ lại đây, bà cảm thấy tính cách của ông ngày càng kì quái, hỏi gì cũng không trả lời, làm việc gì cũng nhìn trước nhìn sau.


Bà biết là ông đang lo lắng cho gia đình, thú rừng trên núi ngày càng ít đi, thảo quý hiếm cũng khó kiếm hơn trước. Có vài đêm ông ngủ cùng bà, ông có thủ thỉ ước rằng được giàu có như em trai mình, bà nghe vậy chứ cũng không nghĩ gì nhiều. Thật lòng thì bà có ganh tỵ với những gì mà gia đình em rể đang có, nhưng bà hiểu rõ là có làm mới có ăn, gia đình họ phấn đấu nhiều năm như thế, những gì họ đạt được đều hoàn toàn xứng đáng.

Hữu Ý chợt nhớ đến một chuyện, nàng hướng ánh mắt nhìn về người mẹ có đôi mắt sưng húp ngồi cách nàng không xa, lên tiếng hỏi: “ Thằng bé sinh vào thời gian nào?”

Người vợ không rõ vì sao thầy pháp lại bỗng nhiên hỏi ngày sinh của của con trai, nhưng vẫn thật thà trả lời: “ Thưa thầy, nó sinh vào ngày 7 tháng 7 ạ.”

Hữu Ý ngẫm nghĩ trong đầu, thằng Bình sinh vào ngày 7 tháng 7 âm lịch, mất tích trong hai ngày và được phát hiện ở ngay con suối không cách quá xa ngọn núi kia, đêm mai là đêm trăng máu, trên người ông Năm Cảnh còn vươn lại một ít chướng khí kì lạ,... Nàng biết thuật bói toán, cũng đã nhìn ra tương lai gần của ông Năm Cảnh. Riêng về phần thằng Bình, cơ thể nó giờ chỉ còn lại 2 hồn 4 phách, 1 hồn 3 phách có thể đã bị lưu lạc ở khu vực gần con suối, hoặc khả năng cao là đã bị kẻ luyện tà thuật trên núi cướp đi.

Nàng không nói chuyện này cho người nhà ông Bảy Xui, cốt là để âm thầm nghiên cứu mọi chuyện. Nàng biết gia đình ông đang có chuyện buồn, nàng không muốn bọn họ lại vướng thêm sầu bị không đáng có. Đêm nay sẽ là một đêm không ngủ đối với nàng, nàng muốn tìm lại hồn phách cho thằng Bình, từ đó có thể tận tai nghe thêm những bí mật khác liên quan đến chuyện thằng Bình mất tích.

Vị trưởng thôn có mái tóc đã bạc trắng, cái lưng còng lâu năm khiến cho ông nhìn trông giống một con rùa già. Ông chống cái gậy đi đến ngồi bên cạnh ông Bảy Xui, đôi mắt mờ nhìn về bầu trời đen đầy sao, giọng nói bình thản mang đậm nét trải đời: “ Gia đình con đều là người tốt, thần linh chắc chắn sẽ bảo vệ thằng bé.”

Ông Bảy Xui không giấu nổi sự sợ hãi trong lòng: “ Con sợ lắm, con sợ mất con con, con sợ nhìn thấy vợ con buồn, con sợ phải trở thành người đầu bạc tiễn kẻ đầu xanh.”

Trưởng thôn trả lời: “ Nếu thành công thì chứng tỏ thằng bé phước lớn mạng lớn, nếu thất bại thì hãy cứ xem là nhân duyên qua đường. Dù sao con người chúng ta gặp nhau, tất cả đều vì chữ duyên. Duyên đến thì gặp, duyên hết thì đi.”


Người vợ tiến đến ngồi cạnh ông Bảy Xui, hai bàn tay đan vào nhau, hơi ấm lan truyền từ da thịt đến trái tim, sưởi ấm cõi lòng lạnh giá hỗn loạn cùng những lo lắng vô hình khác sắp sửa phải đối mặt.

[ Ba nén nhang cao nghi ngút khói

Vong hồn tứ hướng đến săm soi

Đồ ăn từ nóng thành thiu mốc

Thầy pháp bận rộn vội tìm tòi

Bảy vía ba hồn chưa tìm đủ

Thời gian sắp tận người sắp toi

Trên đầu ba thước thần linh chứng

Thế sự luân hồi phải rạch ròi.]


Đêm khuya giờ Tý, nhện nước đi trên mặt nước, con đường đất yên ắng không một bóng người, tiếng gió rít gào càng khiến bầu không khí trở nên quỷ dị lạ thường. Nếu lỡ vô tình bắt gặp một ai đó đang ở ngoài đường vào giờ này, hoặc là họ đang có việc rất gấp, hoặc rất có thể “ ai đó” không phải là người.

Ngay tại khúc suối mà thôn dân tìm được thằng Bình, một pháp trận kì công đã được sắp đặt xong xuôi. Bảy lá cờ màu vàng được cắm sâu xuống mặt đất tạo thành hình tròn đường kính 2 sải tay, trên mỗi lá cờ là một hình chữ nhật dọc có kích thước 2 tấc*3 tấc, một mặt được điều chỉnh hướng vào bên trong. Cả 7 lá cờ vàng đều sạch sẽ không một vết tích, lâu lâu lại đung đưa theo từng đợt gió thổi. Ngay ở trung tâm vòng tròn, một mâm cơm bằng nhôm được đặt dưới đất, trên mâm cơm lần lượt là một bát cơm trắng, một dĩa thịt xào, một dĩa cá chiên và một nồi canh rau. Cả bốn thứ đó được sắp xếp đối xứng nhau, không gian trống duy nhất ở giữa mâm cơm cũng được lấp đầy bằng một bát lư hương nhỏ.

Ở bên ngoài vòng tròn lớn của pháp trận là một vòng tròn nhỏ khác. Hữu Ý chếch người về hướng Nam, bước bảy bước chân, ngay tại bước chân thứ 7, nàng lấy một túi muối hột đã chuẩn bị sẵn, cúi người đổ tạo thành một vòng tròn đủ lớn để cả nhà ông Bảy Xui đứng ở trong đó. Bên trong vòng tròn muối gồm có Nghĩa Hiệp, Thiên Tâm, vợ chồng ông Bảy Xui cùng thằng Bình. Thằng Bình vẫn nằm im không nhúch nhích, cả cơ thể cuộn tròn trong chiếc chăn ấm, giữa trán dán một tấm bùa vàng chữ đỏ.

Hữu Ý ngước đầu nhìn sao trên cao, lại cúi đầu nhìn ba nén nhang đang nghi ngút khói, nàng dứt khoát vung tay ném tung đống tiền vàng mã lên không trung, con dao nhỏ mạnh bạo rạch lên đầu ngón tay, bảy lá cờ vàng liền xuất hiện mấy vệt máu đỏ chói bắt mắt.

Giọng nói trong trẻo tựa chuông ngân vang vọng khắp đất trời:“ Đêm khuya không người, thời gian đã đến, thỉnh các vị dùng bữa.”

Vừa dứt lời, đống tiền vàng mã đang bay vô định lập tức bị đốt cháy, vô số mây đen từ khắp nơi kéo tới phủ kín bầu trời. Bảy lá cờ phát ra luồng ánh sáng dịu nhẹ, khu vực bên trong pháp trận cùng thời gian liền xuất hiện dị tượng, vô số dấu chân màu đen hiện rõ trên mặt đất, có dấu chân đi bình thường, có dấu chân bị kéo lê, còn có dấu chân bị khiếm khuyết. Tất cả các dấu chân đều đồng nhất đi về một hướng, đó là mâm cơm được đặt ngay vị trí trung tâm. Mâm cơm với màu sắc bắt mắt đang dần chuyển sang màu đen tím, mùi vị thơm ngon cũng trở thành một thứ mùi thum thủm thiu mốc.

Cả quá trình thực hiện lễ phép đều được Thiên Tâm, Nghĩa Hiệp, Hữu Ý cùng vợ chồng ông Bảy Xui tận mắt chứng kiến. Hữu Ý sắc mặt mừng rỡ, vợ chồng ông Bảy Xui tràn đầy hoảng sợ, Nghĩa Hiệp nhăn mặt nghi hoặc, Thiên Tâm khoanh tay suy tư. Mỗi người đều mang cảm xúc riêng, nhưng sẽ rất nhanh thôi, bầu không khí thụ động này sẽ được đẩy lên cao trào, buộc người tham gia phải dốc hết sức lực của mình.





Truyện đánh dấu

Nhấn để xem...

Truyện đang đọc

Nhấn để xem...
Nhấn Mở Bình Luận
Quảng Cáo: Coin Cua Tui