Dạo gần đây, trong nhà kính của biệt thự ngoại ô có mấy chậu mẫu đơn quý đã nở. Hoa to bằng nắm tay, từng lớp cánh mịn màng như ngọc, màu sắc tuyệt đẹp. Đây là thời điểm cần chăm sóc kỹ càng nhất, Đỗ Yến Lễ đang xịt thuốc trừ sâu pha riêng cho chúng.
Hôm nay không phải cuối tuần, cũng không phải giờ ăn tối nhưng anh vẫn đến đây, nghe có vẻ đột ngột nhưng thật ra đó là một thói quen khác đã kéo dài bao năm nay của Đỗ Yến Lễ.
Mỗi năm một lần, Đỗ Yến Lễ sẽ rút ra một tháng để nghỉ phép. Trong thời gian ấy, anh sẽ bật chế độ chuyển hướng cuộc gọi, hộp thư trả lời tự động, hoàn toàn buông bỏ công việc ở tập đoàn Đỗ thị cũng như chức vị tổng giám đốc của mình.
Sau đó anh sẽ đi đến một địa điểm khác, chọn một thứ thú vị để học, còn có thể tận hưởng một cuộc sống hoàn toàn mới.
Đây là một kỳ nghỉ trọn vẹn. Trước đây ông nội anh cũng đồng ý chuyện này.
Đỗ Yến Lễ vừa pha nước thuốc vừa trò chuyện với ông cụ: “Ông nội, con đã mua vé máy bay du lịch chiều nay, vẫn đi một tháng như cũ rồi lại về.”
Ông Đỗ: “Xử lý hết việc trên công ty rồi?”
Đỗ Yến Lễ: “Dạ.”
Ông Đỗ hỏi một câu ngoài dự liệu: “Thằng bé nhà họ Đan vẫn ổn chứ? Nghe nói tình hình gần đây của nó không tệ lắm, ta hy vọng có thể tiếp tục duy trì.”
“Cũng xong rồi ạ.” Anh hơi dừng lại, bình thản đáp, “Còn chuyện sau này, là tùy cậu ấy quyết định.”
Sau khi trả lời, Đỗ Yến Lễ lại hỏi: “Ông nội có muốn con đem gì về không?”
Trong hai tuần vừa qua, công sức Đỗ Yến Lễ bỏ ra để rút ngắn khoảng cách giữa hai ông cháu cũng có hiệu quả. Ông Đỗ liếc nhìn Đỗ Yến Lễ, không từ chối mà chỉ bảo: “Đem vài tấm hình của con về đi.”
Đỗ Yến Lễ nở nụ cười: “Con biết rồi. Ông nhớ giữ gìn sức khỏe.”
Ông cụ “Ừ” một tiếng, hai phút sau lại căn dặn: “Nhớ chú ý an toàn.”
Buổi sáng trôi qua trong nháy mắt, chiều hôm đó, Đỗ Yến Lễ thẳng tiến ra sân bay.
Máy bay lướt qua mặt đất, núi đồi và biên giới, đến một hòn đảo nhỏ nằm giữa biển khơi. Khi nó từ từ hạ cánh xuống đảo, Đỗ Yến Lễ ngồi trên cao, thu hết khung cảnh ấy vào mắt.
Biển rộng vô ngần, chẳng khác gì một tấm thảm màu xanh trải dài. Đảo nhỏ phủ kín cây xanh, hệt như một viên tourmaline (1) đang lơ lửng giữa lòng đại dương, cao quý và tao nhã.
Lúc Đỗ Yến Lễ bước xuống máy bay, nhiệt độ dễ chịu và không khí trong lành ùa tới, ánh mặt trời rực rỡ từ trên cao chiếu rọi, chỉ cần đứng ở đây cũng thấy tâm trạng thoải mái hẳn.
Đỗ Yến Lễ kéo hành lý gọn nhẹ đến khách sạn. Vị trí khách sạn rất đẹp, cách bãi biển đúng một trăm mét, phục vụ tận tâm. Khách sạn có khu villa nằm đối diện biển, vẫn có vườn hoa và bể bơi riêng tiêu chuẩn, thỏa mãn yêu cầu “đơn giản” về chỗ ở của Đỗ Yến Lễ.
Sau khi làm thủ tục nhận phòng và từ chối sự nhiệt tình thái quá của nhân viên phục vụ, anh gọi cho huấn luyện viên của mình để thảo luận về khóa học sắp tới.
Sau ba phút, vị huấn luyện viên được Đỗ Yến Lễ sắp xếp cho ở cùng khách sạn cũng đến.
Bọn họ hẹn gặp ngoài vườn hoa biệt thự.
Bóng nắng len lỏi qua rặng cây xanh, bể nước hắt sáng lên tán dù màu trắng, khiến người ta càng thấy an bình hơn.
Huấn luyện viên Đỗ Yến Lễ thuê là một người đàn ông tầm 35 tuổi.
Anh ta là một thuyền trưởng có kinh nghiệm đi biển phong phú, cũng là một tuyển thủ đua thuyền có nghề, anh ta từng đạt được nhiều giải thưởng, nghe nói còn giữ kỷ lục trong cuộc thi nào đó mà đến nay chưa ai phá nổi.
Do lý lịch như thế nên anh ta chẳng bao giờ thiếu học viên, nhưng dù có nhiều người muốn thuê anh ta đi chăng nữa, cũng chẳng mấy kẻ có thể lập tức đưa ra mức giá cao gấp ba lần bình thường và phúc lợi được ở khách sạn sang chảnh một tháng cả.
Điều này khiến huấn luyện viên rất hiếu kỳ về Đỗ Yến Lễ.
Anh ta âm thầm đánh giá đối phương, cũng lên tiếng: “Xin chào Đỗ tiên sinh.”
Đỗ Yến Lễ: “Xin chào.”
Huấn luyện viên: “Chúng ta đã trao đổi qua mail rồi, ngài muốn học được cách đua thuyền trong vòng một tháng, sau đó tham gia cuộc thi tổ chức vào đầu tháng sau đúng không?”
Đỗ Yến Lễ gật đầu: “Không sai.”
Huấn luyện viên: “Ngài muốn đoạt giải trong cuộc thi lần này?”
Đỗ Yến Lễ: “Chuyện đấy không bắt buộc vì thứ hạng đối với tôi không quan trọng. Tôi mong huấn luyện viên có thể giúp tôi cảm nhận được thú vui khi đua thuyền, nếu tôi học được các kỹ thuật khác thì càng tốt.”
“Tôi hiểu rồi, tôi sẽ soạn nội dung khóa học theo ý ngài.”
“Xin cảm ơn rất nhiều.”
Huấn luyện viên: “Chờ tôi chuẩn bị kỹ chương trình học xong, tôi sẽ gọi lại cho ngài để xác nhận lịch học.”
Đỗ Yến Lễ: “Tất nhiên rồi.”
Hai người cùng đứng dậy, vị huấn luyện viên chuẩn bị cáo từ, nhưng trước khi ra về, anh ta chợt hỏi: “Chúng ta vẫn chưa nhắc đền nghề nghiệp của ngài nhỉ, mạo muội hỏi một câu, có phải ngài…”
Đỗ Yến Lễ nhất thời trầm ngâm.
Mỗi lần đi du lịch giữa năm, trừ chuyện lên kế hoạch kỹ càng về địa điểm và thú vui mới, Đỗ Yến Lễ chưa bao giờ nghĩ trước mình sẽ làm nghề gì cả, toàn là tới nơi rồi mới tính, thích gì làm nấy.
Nhưng bây giờ đã bị hỏi rồi…
Đỗ Yến Lễ suy nghĩ trong chốc lát, đưa ra quyết định, anh trả lời đối phương: “Tôi là tình nguyện viên.”
Câu trả lời này hoàn toàn nằm ngoài dự liệu của huấn luyện viên, anh ta nhất thời tò mò: “Tình nguyện viên gì?”
Đỗ Yến Lễ: “Tình nguyện viên giúp các du khách khám phá hòn đảo này.”
Huấn luyện viên: “…???”
Không phải ngài cũng là du khách từ bên ngoài tới hả?
Thế giới của người giàu thật là khó hiểu.
Ngày hôm sau, kỳ nghỉ của Đỗ Yến Lễ tại hòn đảo nhỏ này cũng bắt đầu tiến vào quỹ đạo. Chỉ sau một buổi tối, huấn luyện viên đã hoàn thành kế hoạch học, gửi cho Đỗ Yến Lễ xem.
Đỗ Yến Lễ lướt qua thì thấy khá hài lòng, dựa vào lịch học đối phương đưa mà sắp xếp thời gian của mình, làm một thời khóa biểu đơn giản.
Sáng học đua thuyền, chiều làm tình nguyện viên giúp đỡ du khách, buổi tối hoạt động tự do.
Vào mỗi sớm, tuy đã có nắng nhưng cuối chân trời vẫn là một mảng đen kịt, chỉ cần đưa tay là có thể chạm vào làn nước dưới mạn thuyền, sắc màu xanh biếc cũng dần lộ rõ.
Khi trời đã sáng hẳn, sóng nước trong suốt, con thuyền đón gió tiến lên như lướt trên mặt gương, người đàn ông đứng trên thuyền, nhìn ra biển rộng, cảm thấy cõi lòng cũng nhẹ nhõm.
Thoắt cái đã đến chiều, Đỗ Yến Lễ đến chỗ hội tình nguyện, giúp giải quyết các vấn đề của du khách. Nhiệm vụ của các tình nguyện viên vô cùng đơn giản, phần lớn là giải đáp các câu hỏi kiểu “Rượu của cửa hàng nào ngon hơn?”, “Mua vé ở đâu?” hoặc “Đi đường nào thì tiện nhất?” Cùng lắm là tìm chó mèo nhà ai đi lạc.
Mỗi lần trả lời hay giải quyết những vấn đề này, Đỗ Yến Lễ đều cảm thấy mình y như ủy viên của tổ dân phố, toàn đối phó với mấy chuyện vặt vãnh.
Nhưng anh vẫn thấy bình thường.
Hòa vào đám đông, không bị xem là trung tâm của sự chú ý, làm vài công việc không cần tiêu hao chất xám, đối với anh mà nói thì đây cũng là một phương pháp thư giãn khác lạ, mang lại trải nghiệm mới mẻ độc đáo.
Đến tối, Đỗ Yến Lễ muốn đi dạo biển một mình.
Vào những lúc thế này, anh sẽ thả lỏng đầu óc, không nghĩ ngợi gì nữa, chỉ ngắm nhìn bầu trời, biển và mặt trăng.
Mùi gió tanh mặn, sóng xô vào bờ cát.
Mặt trăng như đi theo anh, dọc theo ranh giới giữa đất liền và biển cả.
Trong lúc nhàn nhã và thoải mái, Đỗ Yến Lễ đúng giờ sẽ gọi cho ông nội, thỉnh thoảng cũng nhớ đến Đan Dẫn Sanh.
Anh không biết Đan Dẫn Sanh sẽ lựa chọn thế nào, cũng hơi tò mò với điều đó. Sau khi kỳ nghỉ kết thúc, anh sẽ tìm cơ hội gặp hắn, quan sát kết quả.
Dù sao một đáp án chưa được hé lộ luôn làm người ta ngứa ngáy trong lòng.
Mình sẽ gặp Đan Dẫn Sanh khi mình kết thúc kỳ nghỉ, quay về công ty.
Đỗ Yến Lễ cảm thấy vậy, cũng có dự định như thế.
Nhưng buổi chiều ngày thứ năm ở đây, anh lại gặp Đan Dẫn Sanh trong trụ sở của hội tình nguyện.
10 phút trước, mặt trời hãy còn tỏa nắng, ai ngờ 10 phút sau mưa đã nặng nề giáng xuống hòn đảo nhỏ.
Màn mưa to ầm ầm kèm theo tiếng gió rít phẫn nộ, thổi mạnh đến mức hoa rơi lá rụng. Đường phố bị xối ướt, nước đọng trong những ổ voi ổ gà, du khách trốn đầy dưới mái hiên hai bên đường. Bên tai trừ tiếng mưa rơi và tiếng người nói chuyện, còn có cả tiếng sóng hòa quyện trong đó.
Mưa rơi xối xả, những cơn sóng dữ dội đập liên hồi.
Vào thời khắc này, đảo nhỏ giữa biển dường như bị mưa gió ôm vào lòng, lạc lõng không chỗ nương tựa, khiến người ta thêm phần bất an.
Mưa to nên số người còn đi lại trên phố có thể đếm bằng đầu ngón tay.
Đỗ Yến Lễ chính là một trong số đó.
Gió to xô nghiêng dù của anh, nước mưa bắn tung tóe làm ướt ống quần, anh vẫn không nhanh không chậm đi xuyên qua làn mưa, vượt qua những con phố, cho đến khi vào được trụ sở của hội tình nguyện.
Gian phòng nhỏ cũng đầy người chen chúc đứng tránh mưa.
Mọi người nói chuyện với nhau, không ai to tiếng nhưng từng âm thành rì rầm hợp lại cũng biến thành ong ong vang dội, bao phủ toàn bộ đại sảnh.
Trong sự hỗn loạn ấy, Đỗ Yến Lễ nghe thấy một giọng nói quen thuộc đang hỏi đường đi trên đảo.
Anh thuận thế ngước nhìn, góc mặt nghiêng của Đan Dẫn Sanh cứ thế đột ngột xuất hiện, đập vào mắt anh.
Lần này, Đỗ Yến Lễ thật sự không khống chế được nỗi kinh ngạc trong lòng mình, bao nhiêu cảm xúc đều thể hiện hết lên mặt.
Đan Dẫn Sanh đang đứng phía trước nói chuyện tựa hồ cũng cảm giác được điều gì.
Hắn quay đầu lại, lập tức nhìn thấy Đỗ Yến Lễ.
Trong đám đông, hai người bốn mắt nhìn nhau.
Ngạc nhiên và sung sướng đột ngột dâng trào, tràn ngập cõi lòng, giống như vận mệnh ngẫu nhiên chiếu cố bọn họ một lần vậy.
Thoắt cái, Đan Dẫn Sanh đã hành động.
Hắn nhanh chóng vọt tới chỗ Đỗ Yến Lễ, đám đông ngăn trở giữa cả hai cũng bị hắn tách làm đôi.
Gã đàn ông chạy thẳng đến trước mặt anh, giang hai tay ôm lấy anh.
Sự kinh ngạc tột độ khiến Đỗ Yến Lễ không kịp phản ứng. Anh cảm giác mình bị Đan Dẫn Sanh siết chặt, mùi mưa gió lập tức bủa vây xung quanh anh, lững lờ nơi đầu mũi.
Một mùi hương đắng chát.
Sau đó, giọng nói của Đan Dẫn Sanh cất lên: “…Cuối cùng cũng tìm được anh.”
Trong nháy mắt ấy, tiếng ai reo hò cũng vang vọng khắp sảnh: “Hết mưa rồi!”
Đỗ Yến Lễ giơ tay, ôm lấy bờ vai ướt đẫm vì mưa của Đan Dẫn Sanh, nhìn ra ngoài.
Mưa đã tạnh hẳn, ánh nắng chiếu rọi và cầu vồng xuất hiện.
Bảy màu tuyệt đẹp nhảy nhót giữa không trung, vươn thẳng về phía bầu trời xanh thẳm xa xôi.
————————————————
(1) Đá tourmaline màu xanh:
Bonus:
Anh Lễ học đua thuyền buồm kiểu như này