Ngăn việc tu hành, hai gái đẹp cố giữ viên ngọc
Thích họp bạn xấu, một con hư coi giữ việc nhà
Vương phu nhân sai người đi mời Bảo Thoa sang để bàn. Bảo Ngọc nghe nói có ông sư ở ngoài, một mình vội vàng chạy ra, gọi ồn lên
- Sư phụ ở đâu?
Gọi một hồi lâu, không thấy vị hòa thượng, Bảo ngọc phải chạy ra phía ngoài, thấy Lý Quý cản đường không để cho ông ta đi vào, liền nói
- Bà lớn bảo ta ra mời sư phụ vào.
Lý Quý nghe nói buông tay ra, ông ta bèn ngất ngưởng đi vào.
Bảo Ngọc trông thấy hình dáng vị hòa thượng này giống hệt như người mình đã trông thấy khi ngất đi, trong bụng đã hiểu một phần, liền đến trước mặt kính chào, nói
- Thưa sư phụ, đệ tử xin lỗi ra tiếp chậm.
- Ta không cần các người phải tiếp đón, chỉ cần đem số tiền ra đây là ta sẽ đi.
Bảo Ngọc nghe giọng nói này không giống giọng nói của người có đạo hạnh. Lại trông thấy ông ta khắp đầu chốc lở, đầy mình bẩn thỉu rách rưới, bèn nghĩ thầm
"Người xưa nói - là chân nhân, thì không lộ tướng, lộ tướng không phải là chân nhân. Nay ta đã gặp thì không nên bỏ lỡ. Ta cứ nhận đưa số bạc tạ ông ta để thử dò ý định ông ta như thế nào." Rồi anh ta nói
- Sư phụ không cần nóng vội, thân mẫu của đệ tử đang lo liệu số tiền. Mời sư phụ ngồi chở một lát. Đệ tử xin hỏi - có phải sư phụ từ Thái hư ảo cảnh đến đây không?
- Ảo cảnh nào? Chẳng qua là đến từ chỗ đến, đi từ chỗ đi mà thôi. Ta là người đưa trả viên ngọc. Vậy ta hỏi anh - viên ngọc ấy ở đâu mà đến?
Bảo ngọc trong chốc lát không thể trả lời được. Nhà sư cười
- Anh chưa biết từ đường nào đến đây, sao còn hỏi tôi. Bảo Ngọc vốn thông minh, lại từng được phép giác ngộ nên đã biết thấu cõi hồng trần, chỉ còn số phận của mình là chưa biết rõ. Nay nghe ông ta hỏi đến viên ngọc, cảm thấy như bị đánh một đùi trên đầu, nên trả lời
- Sư phụ không cần hỏi đến số bạc nữa, để đệ tử đem viên ngọc trả lại cho sư phụ.
Nhà sư cười nói
- Cũng nên trả lại cho ta rồi đấy.
Bảo Ngọc không đáp, chạy vào trong nhà, đến phòng mình, thấy Bảo Thoa và Tập Nhân còn sang bên Vương phu nhân, vội đến bên giường lấy viên ngọc rồi đi ra thì chạm phải Tập Nhân. Tập Nhân giật mình nói
- Bà bảo cậu ngồi tiếp ông sư là phải. Bà ở bên nhà thu xếp số bạc để đưa cho ông ta. Sao cậu lại vào đây làm gì?
- Chị mau mau đến trình bà, không cần sửa soạn số bạc, tôi cứ đem viên ngọc trả lại cho ông ta là xong.
Tập Nhân nghe vậy vội giữ lấy Bảo Ngọc nói
- Không được đâu? Viên ngọc ấy tức là bản mệnh của cậu, nếu ông ấy mang đi thì cậu lại ốm thôi.
- Giờ tôi không đau ốm nữa đâu. Tôi đã có quả tim rồi, còn dùng viên ngọc ấy làm gì.
Bảo Ngọc đẩy Tập Nhân rồi muốn chạy đi. Tập Nhân hoảng hốt vội kêu lên
- Thì cậu hãy trở lại để tôi nói với cậu một câu đã?
Bảo Ngọc quay cổ lại bảo
- Chẳng phải nói gì nữa.
Tập Nhân không ngần ngại gì nữa, vừa chạy theo vừa gọi to lên
- Lần trước mất viên ngọc, tí nữa là mất cả mạng tôi, rồi mới tìm thấy nó đấy. Nay cậu lại mang đi à. Thế thì cậu không sống được mà tôi cũng chết mất? Cậu muốn đem trả ngọc cho ông ấy thì hãy bắt tôi chết đi đã!
Nói xong. Tập Nhân chạy theo giữ lại. Bảo Ngọc điên tiết lên, bảo
- Chị chết haykhông cũng phải trả.
Rồi Bảo Ngọc thục mạng quay mình định chạy. Nhưng Tập Nhân hai tay cứ ôm lấy thắt lưng Bảo Ngọc, không chịu buông, vừa khóc vừa kêu, ngồi xệp xuống đất. Các a hoàn trong nhà nghe vậy, vội vàng chạy ra, trông thấy bộ dạng hai người rất
là ghê gớm, lại nghe Tập Nhân khóc và kêu
- Mau đi trình với bà lớn? Cậu Bảo định đem viên ngọc đi trả cho ông sư đấy!
A hoàn liền chạy ngay đi báo Vương phu nhân. Bảo Ngọc lại càng tức tối, ra sức bẻ tay Tập Nhân, nhưng Tập Nhân vẫn cứ cố cắn răng không chịu thả. Tử Quyên ở trong nhà nghe nói Bảo Ngọc định đem viên ngọc đi trả thì hoảng hốt hơn ai hết, tuy ngày thường chị ta tỏ ra lạnh nhạt với Bảo Ngọc. Nhưng lúc ấy quên đi đâu mất, vội vàng đến giúp sức ôm ghì lấy Bảo Ngọc. Bảo Ngọc tuy là con trai, đã cố sức giằng ra, nhưng bị hai người liều chết ôm chặt không thả, nên cũng khó thoát. Anh ta liền than thở
- Chỉ vì một viên ngọc mà các chị đều chết giữ lấy như thế. Nếu chính thân tôi bỏ đi thì các chị sẽ làm thế nào.
Tập Nhân và Từ Quyên nghe nói, bất giác khóc oà lên. Trong lúc đang giằng co như vậy thì Vương phu nhân và Bảo Thoa vội vàng chạy đến. Thấy quang cảnh ấy, Vương phu nhân khóc và quát
- Bảo Ngọc! mày điên rồi à?
Bảo Ngọc thấy Vương phu nhân đến, biết không thể thoát, liền đấu dịu cười và nói:
- Có gì cái chuyện ấy mà mẹ phải nóng nảy. Các chị ấy cứ làm nhớn nhác lên như thế đó thôi. Con nghĩ ông ấy không biết nể nang, cứ đòi một vạn lạng bạc, thiếu một lạng cũng không được. Con đâm tức, chạy về lấy viên ngọc định trả cho ông ta và sẽ nói đó là viên ngọc giả không dùng làm gì. Ông ấy thấy ta không quý viên ngọc thì ta có thể tùy trả cho ông ấy bao nhiêu cũng xong.
Vương phu nhân nói
- Ta tưởng mày muốn đem trả cho ông ấy kia. Thế thì cũng được. Nhưng sao không nói rõ cho chúng nó biết, để chúng nó kêu khóc ầm lên như thế còn ra thể thống gì nữa.
Bảo Thoa nói
- Cậu nói như vậy cũng được, chứ nếu đem viên ngọc trả cho ông sư thì không nên, xem ra ông ta cũng hơi kỳ quặc. Lỡ trả cho ông ta rồi, trong nhà xảy ra không yên, như thế chẳng lại sinh ra lắm chuyện! Còn như số bạc thì cứ đem những đồ trang sức của tôi cầm bán cũng còn đủ.
Vương phu nhân nghe vậy nói
- Thế cũng được, cứ làm như vậy.
Bảo Ngọc cũng không nói lại, Bảo Thoa đến cầm lấy viên ngọc trong tay Bảo Ngọc và nói
- Cậu cũng không cần đi ra, để tôi cùng mẹ đem bạc ra cho ông ta là xong.
Bảo Ngọc nói
- Viên ngọc không trả cho ông ta thì thôi, nhưng tôi cần phải gặp mặt ông ta một lần nữa mới được.
Bọn Tập Nhân vẫn không chịu buông ra. Cuối cùng, Bảo Thoa cả quyết nói
- Cứ buông ra để mặc cho cậu ấy đi.
Tập Nhân đành phải buông ra. Bảo Ngọc cười
- Té ra các chị chỉ trọng viên ngọc chứ không trọng người! Các chị buông tôi ra, tôi sẽ theo ông sư đi, xem các chị cứ giữ lấy viên ngọc, rồi sẽ ra sao?
Tập Nhân trong bụng hoảng sợ, muốn giữ Bảo Ngọc lại, nhưng vì trước mặt Vương phu nhân và Bảo Thoa, không tiện tỏ ra liều lĩnh. Vừa lúc đó, Bảo Ngọc được buông ra, liền bỏ chạy. Tập Nhân vội gọi a hoàn nhỏ ra cửa ngoài truyền lại cho bọn Bồi Dính
- Phải dặn ngoài kia trông nom cậu Hai. Cậu ấy hơi điên đấy?
A hoàn nhỏ vâng lời đi ra.
Vương phu nhân và Bảo thoa vào ngồi, hỏi Tập Nhân đầu đuôi ra sao. Tập Nhân bèn kể lại tỉ mỉ những câu nói của Bảo Ngọc. Vương phu nhân và Bảo Thoa rất là áy náy, lại bảo ra dặn mọi người phải lắng nghe xem vị hòa thượng nói những chuyện gì. Một lúc, a hoàn nhỏ vào trình với Vương phu nhân
- Cậu Hai quả là điên rồi! Các chú hầu nhỏ ngoài kia kể lại - trong nhà không chịu giao viên ngọc, cậu ấy không biết làm sao. Bây giờ cậu ấy tự đi ra, xin ông sư đem cậu ta đi.
Vương phu nhân nghe xong, nói
- Thế sao được! Ông sư ấy còn nói những gì?
- Ông sư bảo cần viên ngọc chứ không cần người.
Bảo Thoa hỏi
- Lại không đòi bạc nữa à?
- Không nghe nói. Sau rồi ông sư cùng cậu Hai vừa nói vừa cười, có nhiều chuyện lắm, nhưng các chú hầu nhỏ ngoài kia đều không hiểu hết.
Vương phu nhân nói
- Đồ ngu? Nghe không hiểu chứ kể lại thì kể được chứ.
Rồi bảo a hoàn nhỏ
- Mày đi gọi tên hầu nhỏ ấy vào đây.
A hoàn nhỏ vội đi gọi tên hầu nhỏ ấy vào. Nó đứng dưới hành lang từ ngoài cửa sổ chào Vương phu nhân. Vương phu nhân liền hỏi
- Vị hòa thượng và cậu Hai nói chuyện với nhau, chúng mầy không hiểu, chứ kể lại cũng không kể được à?
Tên hầu nhỏ thưa
- Chúng con chỉ nghe nói mấy tiếng như núi "Đại Hoang". đỉnh "Thanh Ngạnh" và "Cõi Thái hư", cắt đứt trần duyên" gì gì đó...
Vương phu nhân nghe cũng không hiểu. Bảo Thoa nghe xong khiếp sợ, trợn trừng trợn trạc, không nói ra được nửa lời.
Bảo Thoa đang định cho người dắt Bảo Ngọc vào, thì vừa thấy Bảo Ngọc cười hớn hở đi vào nói
- Tốt rồi! Tốt rồi!
Bảo Thoa vẫn còn sửng sốt. Vương phu nhân hỏi
- Mày điên điên dại dại nói những câu gì thế?
- Con nói đứng đắn. Mẹ lại bảo là điên. Ông ấy nguyên cớ kiếm con, chẳng qua ông ta muốn đến thăm con đó thôi. Có phải ông ta thật đến đòi bạc đâu? Ông ta chỉ đến bố thí cái thiện duyên đấy thôi. Vì thế sau khi nói rõ, ông ta liền vùn vụt
ra đi, thế không phải là tốt rồi à.
Vương phu nhân không tin, lại từ trong cửa sổ hỏi tên hầu nhỏ. Tên ấy vội vàng chạy ra hỏi người gác cửa rồi vào trình
- Ông ấy đi thực rồi và có dặn lại xin bà cứ yên tâm. Ông ấy không cần số bạc, chỉ cần cậu Hai thường năng tới chỗ ông ấy là được. Mọi việc đều phải tùy theo "nhân duyên", đã có cái lẽ nhất định.
Vương phu nhân nói
- Thế ra ông ấy lại là một ông sư phúc đức! Chúng mày có nhớ ông ấy ở đâu không?
Người canh cửa nói
- Cháu đã hỏi thì ông ta nói cậu Hai nhà ta có biết đấy.
Vương phu nhân liền hỏi Bảo Ngọc
- Vậy ông ta ở chỗ nào?
Bảo Ngọc cười
- Chỗ ấy bảo xa thì xa. Bảo gần thì gần.
Bảo Thoa không đợi Bảo Ngọc nói hết, liền bảo
- Cậu hãy tỉnh lại chứ? Đừng quá mê mẩn! Lâu nay bà và mẹ chỉ thương một mình cậu, cha lại còn bảo cậu lo theo đòi để lập công danh nữa đấy.
Bảo Ngọc đáp
- Chuyện tôi vừa nói không phải là công danh à? Các người chưa biết "một người con cháu đi tu, bảy ông tổ được lên chầu trời" hay sao?
Vương phu nhân nghe đến đó, bất giác đau lòng nói
- Vận nhà chúng ta không biết rồi sẽ ra sao. Con Tư đã luôn miệng đòi đi tu, bây giờ lại thêm một thằng nầy nữa. Đời ta như thế này, còn sống để làm gì!
Bà ta nói xong, khóc òa lên. Bảo Thoa thấy Vương phu nhân thương tâm, đem hết lời khuyên giải. Bảo Ngọc cười
- Con nói đùa một câu mà mẹ lại cho là thực.
Vương phu nhân mãn khóc hỏi lại
- Những câu mầy nói đều là nói bậy cả chứ?
Đang lúc ồn ào, bỗng thấy a hoàn vào trình
- Cậu Hai Liễn đã về, nhìn sắc mặt đổi hẳn. Cậu ấy bảo mời bà đến để thưa chuyện.
Vương phu nhân lại sợ hãi, bảo
- Cứ mời anh ấy vào đây. Cô em dâu cũng là họ hàng cũ, không cần phải tránh.
Giả Liễn vào chào hỏi Vương phu nhân. Bảo Thoa cũng ra chào, hỏi thăm Giả Liễn. Giả Liễn thưa
- Cháu vừa mới tiếp được bức thư của cha cháu, nói bị ốm rất nặng, bảo cháu đi ngay, nếu chậm thì e không được gặp mặt.
Hắn nói đến đó, liền rơi nước mắt.
Vương phu nhân hỏi
- Trong thư nói đau bệnh gì?
- Lúc đầu do cảm mạo phong hàn, nay đã thành ra bệnh lao. Hiện rất nguy cấp, nên cha cháu sai một người đi suốt ngày đêm về đây báo, nếu cháu còn chần chừ một vài ngày thì sẽ không được gặp mặt. Giờ cháu đến trình thím, cháu thế nào cũng
phải đi. Chỉ có điều là trong nhà không có ai trông nom. Cháu Tường, cháu Vân tuy dại dột, nhưng cũng là đàn ông, khi có việc gì ở ngoài, chúng nó còn có thể truyền lời vào được. Còn trong nhà cháu thì cũng chẳng có chuyện gì. Con Thu Đồng ngày nào cũng kêu khóc, không muốn ở lại, cháu đã cho người đi gọi người nhà mẹ nó đem nó về. Như vậy thì Bình Nhi cũng đỡ tức tối. Tuy cháu Xảo không có người chăm nom, nhưng may còn có Bình Nhi là người không đến nỗi hư hỏng. Cháu Xảo cũng thông minh, nhưng tính khí bướng bỉnh hơn cả mẹ nó. Mong thím luôn luôn dạy bảo cho.
Hắn nói xong, quầng mắt đỏ lên, vội lấy cái khăn lụa buộc bao cau trong lưng ra lau mắt. Vương phu nhân nói
- Bà nội nó ở đấy mà lại gửi nhờ ta?
Giả Liễn nói khẽ
- Thím nói thế thì tội cháu thật đáng chết. Không cần phải nói gì cả, chỉ mong thím thương đến cháu là được.
Nói đoạn, hắn quỳ xuống. Vương phu nhân mắt đỏ lên nói
- Anh hãy đứng dậy! Thím cháu chuyện trò với nhau sao lại làm thế? Chỉ có một điều con cháu cũng đã lớn rồi, nếu bác có rủi ro thế nào thì lại nhẹ nhàng cho nó. Khi gặp nhà môn đăng hộ đối đến hỏi thì phải đợi anh về, hay là do bác gái ở nhà làm chủ?
- Hiện có thím và mẹ cháu ở nhà, thì tất nhiên là do hai người làm chủ, không cần đợi cháu.
- Anh cần phải đi thì viết ngay một tờ trình đưa tin cho chú, nói rằng ở nhà đây không có người, bác lại chưa biết ra sao. Xin chú thu xếp việc lớn giúp bà cho nhanh chóng rồi về nhà gấp.
Giả Liễn vâng dạ, đang định đi ra, nhưng lại quay trở vào thưa
- Số người hầu hạ của phủ ta, trong nhà còn đủ sai phái. Nhưng bên vườn không có người, rất là trống trải. Bao Dũng đã đi theo chủ nó rồi. Tiết Khoa đã dọn ra ở nhà riêng. Không ở cái nhà dì Tiết ở lúc trước. Một dãy nhà trong vườn đều bỏ không, chẳng ai nhìn ngó. Thím nên thỉnh thoảng sai người dến xem. Am Lũng Thúy nguyên là đất của phủ ta. Nay cô Diệu Ngọc không biết đi đâu rồi. Bao nhiêu nhà cửa ở đó, ni cô giữ nhà cho Diệu Ngọc. không dám làm chủ, chỉ mong có một người trong phủ đến trông coi.
- Việc của mình lo chưa xong, còn cáng lấy những việc khác sao được. Việc này đừng để cho con Tư biết. Nếu nó nghe thấy lại om sòm lên, đòi di tu đấy. Anh thử nghĩ gia thế chúng ta như thế nào? Mà để một cô con gái đi tu thì còn ra sao nữa?
- Thím không nhắc đến thì cháu cũng không dám nói. Cô tư vẫn là người của phủ Đông, cha mẹ không có ; anh ruột lại phải đi ra tỉnh ngoài, chị dâu cũng không nói nổi. Cháu nghe nói cô ta đã đòi chết đến mấy lần rồi. Bụng cô ấy đã vậy, nếu cứ
khăng khăng giữ lại, sợ sau này cô ta chết thật thì tai hại hơn là đi tu nữa đấy.
Vương phu nhân nghe xong gật dầu bảo
- Việc ấy ta cũng khó gánh nổi. Ta không làm chủ được, chỉ đành để mặc chị dâu nó thôi.
Giả Liễn lại nói thêm mấy câu nữa, rồi mới đi ra gọi người nhà đến cắt đặt rõ ràng, viết một phong thư rồi thu xếp đồ đạc để lên đường. Bọn Bình Nhi tất nhiên cũng có nhiều câu dặn dò. Riêng Xảo Thư thì đau xót vô cùng. Giả Liễn lại muốn gửi cho Vương phu nhân trông nom. Nhưng Xảo Thư không thuận. Cô ta lại nghe nói đã nhờ bọn Giả Tường, Giả Vân coi việc bên ngoài, trong bụng càng khó chịu, nhưng không nói ra được. Cô ta đành phải tiễn cha đi rồi cùng sống với Bình Nhi cho qua ngày tháng.
Phong Nhi và Tiểu Hồng từ khi Phượng Thư mất rồi, người thì xin nghỉ, ngươi thì cáo bệnh. Bình Nhi muốn đón một cô nào trong phủ đến ở chung, trước là để làm bạn với Xảo Thư. Sau nữa, để kèm cặp cô ta. Nhưng nghĩ mãi không có người nào. Chỉ có Hỷ Loan và cô Tít là hai người trước kia được Giả mẫu yêu chiều. Cô Tư thì vừa mới đi lấy chồng. Còn Ỷ Loan thì cũng đã có nơi, không bao lâu sẽ phải về nhà chồng; nên Bình Nhi cũng đành chịu.
Giả Vân và Giả Tường tiễn chân Giả Liễn đi rồi, vào chào Hình phu nhân và Vương phu nhân. Hai người thấy nhau ở thư phòng ngoài. Ban ngày thì họ cùng bọn người nhà đùa nghịch, có lúc kéo bè bạn đến thay phiên nhau làm chủ bữa tiệc thậm chí họp nhau đánh bạc, nhà trong làm sao mà biết được.
Một hôm cậu cả Hình và Vương Nhân đến trông thấy Giả Vân, Giả Trang tại đó, biết rằng bọn họ vui nhộn nên cũng mượn tiếng trông nom dùm rồi thường đến thư phòng ngoài bày trò đánh bạc, uống rượu. Trong số những người nhà đứng đắn thì
Giả Chính đã đem đi mấy người. Còn mấy người theo Giả Liễn, chỉ trơ lại con cháu các nhà họ Lại, họ Lâm mà thôi. Bọn thiếu niên ấy, nhờ ơn cha mẹ, chỉ quen ăn uống chứ làm gì biết lo liệu việc nhà. Vả lại, cha anh của họ đều đi vắng, nên họ như ngựa không cương. Đã thế lại có hai ông chủ xúi giục thêm, thì chuyện gì mà họ không thích làm. Bọn chúng làm cho phủ Vinh thật là hỗn độn. Chẳng còn kể đến trật tự, thể thống gì nữa.
Giả Tường muốn lôi kéo cả Bảo Ngọc. Giả Vân can
- Cậu Bảo là người không có số tốt, đụng đến cậu ấy làm gì. Năm kia tôi mách mối cho cậu ấy một nhà rất xứng đáng. Ông cha làm quan coi thuế ở tỉnh ngoài, ở nhà gồm những mấy hiệu cầm đồ, còn cô con gái thì đẹp hơn tiên. Tôi vội vàng viết một bức thư rất tỉ mỉ đưa cho cậu ấy. Nào ngờ cậu ta không có số tốt...
Hắn nói đến đó, liếc nhìn hai bên thấy không có ai, lại tiếp
- Bụng cậu ta đã trót gắn bó với thím Hai nhà mình rồi? Anh chưa nghe nói đấy thôi. Còn cả cô Lâm nữa. Kết quả cô Lâm mắc bệnh tương tư mà chết, ai cũng biết đấy? Việc ấy đã đành, cũng là do số phận cả. Không ngờ vì bức thư ấy mà cậu ta giận tôi không để ý gì đến tôi. Cậu ấy xem chừng rồi đây biết ai phải nhờ đến thể diện của ai?
Giả Tường nghe xong gật đầu, mới từ bỏ ý định của mình. Họ có biết đâu Bảo Ngọc từ ngày gặp ông sư đã muốn cắt đứt trần duyên. Nhưng vì còn có Vương phu nhân nên không dám làm theo ý muốn của mình. Tuy vậy, anh ta cùng bọn Bảo Thoa, Tập Nhân đã không hòa hợp lắm. Bọn a hoàn không hiểu, còn muốn khêu gợi cậu ta, nhưng Bảo Ngọc vẫn không thèm nhìn đến. Thậm chí cũng không nghĩ gì đến việc nhà nữa. Vương phu nhân và Bảo Thoa vẫn thường khuyên bảo anh ta đọc sách. Anh ta cũng làm bộ giả học, nhưng bụng chỉ nghĩ đến vị hòa thượng đã dẫn anh ta đến cảnh tiên. Cho nên gặp ai anh ta cũng cho toàn là người tục cả. Vì ở nhà khó chịu, Bảo Ngọc lúc rảnh lại đến Tích Xuân nói chuyện suông. Hai người hợp ý nhau, nên ý nghĩ của anh ta lại thêm chắc chắn hơn. Do đó, không còn để ý gì đến bọn Giả Hoàn, Giả Lan nữa.
Giả Hoàn nhân lúc cha không ở nhà, dì Triệu đã chết. Vương phu nhân lại không để ý lắm, liền theo bọn Gia Tường. Chỉ có Thái Vân năng khuyên can, nhưng lại bị Giả Hoàn mắng át. Ngọc Xuyến thấy Bảo Ngọc càng điên dại quá, nên nói với mẹ, nói xin cho về. Bây giờ hai anh em Bảo Ngọc và Giả Hoàn mỗi người một tính khí riêng, làm cho ai cũng chẳng buồn nhìn đến. Chỉ có Giả Lan thì nghe lời mẹ, cố gắng đọc sách làm bài đưa đến nhà trường xin Đại Nho chấm hộ. Vì gần đây Đại Nho già yếu chỉ nằm trên giường, nên anh ta đành phải chịu khó học lấy Lý Hoàn vốn là người trầm lặng, ngoài việc đi thăm Vương phu nhân và qua lại với Bảo Thoa thì không đi đâu một bước. Chỉ trông coi cho Giả Lan đọc sách thôi. Vì vậy tuy số người trong phủ Vinh không phải ít. Nhưng người nào lo việc người ấy, không ai chịu làm chủ ai cả. Giả Hoàn và Giả Tường thì càng bừa bãi, không ra thể thống gì, thậm chí còn cầm vụng bán trộm lung tung. Giả Hoàn lại chơi gái, đánh bạc, không việc gì là hắn không làm.
Một hôm cậu cả Hình và Vương Nhân đến uống rượu ở thư phòng của phủ Giả. Trong lúc thích thú, hai người bảo mấy tên hầu rượu hát hò để mời rượu. Giả Tường liền nói
- Các ông chơi tục quá, để tôi ra một cái lệnh.
Mọi người nói
- Cũng được.
Giả Tường nói
- Chúng ta hò theo lôi "nguyệt tự lưu trường", rồi sẽ nói trước câu có chữ "nguyệt", rồi đếm đến người nào thì người ấy uống rượu. Lại còn những câu đầu câu cuối lúc uống rượu cũng phải theo người ra lệnh. Ai không đúng sẽ phạt ba ly rượu lớn.
Mọi người đều bằng lòng. Giả Tường uống một ly rượu lệnh và đọc câu "phi vũ trường nhi túy nguyệt" (cất chén lên say với bóng trăng). Rồi theo thứ tự đếm đến Giả Hoàn.
Giả Tường nói
- Câu đầu phải có chữ "quế".
Gả Hoàn liền đọc
- Lãnh lộ ô thanh thấp quế hoa" (sương lạnh không có tiếng làm ướt hoa quế) - - Nhưng còn câu cuối?
Giả Tường nói
- Phải đọc câu có chữ "hương".
Giả Hoàn đọc
- "Thiên hương vân ngoại phiêu" (hương trời bay bổng ngoài tầng mây).
Cậu cả Hình nói
- Chán lắm! Chán lắm? Các anh biết được mấy chữ, lại giả làm bộ văn nhân. Cách ấy không được vui lại làm khó cho người ta. Chúng ta hò lệnh ấy đi, chỉ chơi đánh toan là bỏ. Người thua phải uống rượu, lại phải hát. Như thế gọi là "khổ trong cái khổ". Nếu không ai biết hát thì nói câu chuyện vui cười cũng được chỉ cần cho vui thôi.
Mọi người đều nói
- Được đấy!
Mọi người đều đưa tay ra đánh toan ầm ì. Vương Nhân bị thua, uống một ly rượu, lại hát một bài. Mọi người đều bảo "được!". Rồi lại đánh toan nữa. Tên hầu rượu thua, hát câu, "tiểu thư, tiểu thư nhiều duyên dáng"gì ấy. Sau hết, cậu cả Hình thua, họ bắt ông ta hát một bài. Ông ta nói
- Tôi hát không được. Để tôi nói chuyện vui cười thôi.
Giả Tường nói
- Nếu nói chuyện mà người ta không cười được thì anh bị phạt đấy!
Cậu cả Hình liền uống một ly rượu rồi kể
- Xin quý vị lắng nghe - trong thôn trang nọ có một tòa miếu Huyền Đế bên cạnh lại có một ngôi đền thờ thần thổ địa. Đức Huyền đế thường gọi thần thổ địa đến nói chuyện. Một hôm trong miếu Huyền đế mất tiền. Ngài liền gọi thần thổ địa đến
hỏi. Thổ địa bẩm, "Trong xứ nầy không có kẻ trộm. Chắc là vì các thần tướng không cẩn thận, để bọn thần ở ngoài đến lấy mất đồ đạc đấy thôi." Huyền đế bảo, "Nói vậy, nhà ngươi là thân thổ địa, mất trộm không hỏi nhà ngươi thì còn hỏi ai? Nhà ngươi không đi lùng bắt kẻ trộm, lại nói thần tướng của ta không cẩn thận à?" Thổ địa bẩm, "tuy cũng vì tôi không cẩn thận, nhưng thực ra chỉ vì địa lý trong cái miếu không được hay." Huyền đế bảo, "nhà ngươi cũng biết xem địa lý à?" Thổ địa bẩm, "xin để tiểu thần xem thử". Thần thổ địa đi xem khắp nơi một lúc rồi trở vào bẩm, "sau lưng thần vị của ngài có hai cánh cửa đỏ, thế là không cẩn thận. Còn sau lưng chỗ ngồi của tiểu thần thì có tường xây, tất nhiên đồ vật không mất đi đâu được. Từ nay sau lưng thần vị của ngài cũng nên đổi lại xây tường thì được chắc chắn". Đức Huyền đế nghe nói có lý, liền gọi thần tướng sai người đi xây tường. Các thần tướng than thở, " hiện nay một nén hương cũng không ai thắp, còn lấy đâu ra ngói gạch và nhân công để xây tường." Đức Huyền đế không biết làm sao, bảo các thần tướng kiếm cách, nhưng vị nào cũng chịu. Lúc đó tướng rùa ở dưới chân Đức Huyền đế đứng dậy bảo, "các chú không làm được trò trống gì? Ta định như thế này - các chú mở hai bức cửa đỏ đem xuống, đến đêm thì lấy cái bụng của ta mà lấp vào lỗ cửa hở, không phải là thành một bứ tường à?" Các thần tướng đều nói, "đã không tốn tiền lại vững chắc!" Thế rồi tướng rùa nhận lấy công việc ấy, trong miếu lại được yên tĩnh. Không ngờ mấy hôm sau trong miếu ấy lại mất đồ đạc. Các thần tướng liền gọi thổ địa đến hỏi, " nhà người bảo xây được tường thì không mất đồ đạc nữa. Vì sao nay đã có tường rồi vẫn cứ bị mất?" Thổ địa nói, "cái tường ấy xây không được vững chắc!" Các thần tướng bảo, " Nhà ngươi thử xem". Thổ địa đến xem thì đó quả là một bức tường. Nhưng sao còn mất trộm? Thổ địa liền giơ tay sờ một cái rồi nói
"Tôi cứ tưởng là tường thật. Biết đâu lại là tường giả! " ( Đây là một lối chơi chữ. Cậu cả Hình lấy chữ "tường" ra chế diễu Giá Tường.) Mọi người nghe xong, cười ồ lên. Giả Trang cũng không nhịn được cười, liền nói
- Ông cả ngốc ơi! Ông giỏi nhỉ? Tôi không chế diễu ông. Sao ông lại chế diễu tôi Mau đưa ly rượu đây, phạt một chén lớn.
Cậu cả Hình uống xong, đã hơi say. Mọi người uống thêm mấy chén nữa, đều say nhừ. Cậu cả Hình thì nói chuyện người chị mình không tốt. Vương Nhân thì nói cô em mình hư. Rồi đều trách móc thậm tệ. Giả Hoàn nghe vậy cũng nhân lúc hứng rượu nói Phượng Thư không ra gì, nào là cay nghiệt với chúng tôi, nào là đạp lên đầu chúng tôi. Mọi người đều nói
- Người ta ở đời. Cần phải có lòng nhân hậu. Xem như chị Phụng của ông, nhờ thế cụ bà ghê gớm như thế. Đến nay cũng cụt đuôi rồi. Chỉ còn lại một chút con gái, e cũng là báo ứng trước mắt đấy!
Giả Vân nhớ lại việc Phượng Thư đối đãi với mình không tử tế lại nghĩ đến việc Xảo Thư hễ trông thấy mình là khóc, nên cũng luôn miệng nói hấy. Chỉ có Giả Trang nói
- Uống rượu đi thôi! Nói chuyện người ta làm gì?
Hai người hầu rượu liền hỏi
- Cô con gái ấy nay bao nhiêu tuổi? Nhan sắc ra sao?
Giả Tường nói
- Nhan sắc thì tuyệt đẹp. Nó cũng đã mười ba mươi bốn tuổi rồi.
Người kia nói
- Tiếng rằng người đẹp như thế mà lại sinh vào trong phủ này. Nếu sinh một nhà thường dân, thì cha mẹ anh em đều được làm quan, mà lại phát tài nữa kia.
Mọi người lại hỏi
- Sao thế?
Người kia nói
- Nay có một đức vương ở tỉnh ngoài, là người rất đa tình, muốn chọn một vị vương phi. Nếu cô nào làm ngài vừa ý thì cha mẹ anh em đều được đi theo. Thế không phải là sung sướng hay sao?
Mấy người khác không ai để ý lắm, chỉ có Vương Nhân hơi động lòng, nhưng vẫn cứ uống rượu. Bỗng thấy anh em họ Lại, họ Lâm từ ngoài đi vào nói
- Các ông, các cậu vui quá nhỉ?
Mọi người đứng dậy nói
- Anh Cả, anh Ba. Sao bây giờ mới đến? Để chúng tôi chờ mãi.
Hai người trả lời
- Sớm hôm nay nghe tin đồn, nói trong phủ chúng ta lại xảy ra việc. Chúng tôi sốt ruột, liền đi dò la, thì ra không phải việc trong phủ ta.
Mọi người hỏi
- Không phải việc trong phủ ta là được rồi. Vì sao lại không đến ngay?
Hai người ấy nói
- Tuy không phải là việc phủ ta, nhưng người ấy cũng có hơi dính dáng đến chúng ta. Các vị có biết là ai không? Chính là ông Giả Vũ Thôn đấy. Hôm nay chính tôi ra xem, thấy ông ta mang xiềng, nghe nói bị giải đến tòa tam pháp để xét tội. Chúng tôi thấy ông ấy thoáng qua lại trong phủ ta. Sợ có việc gì, nên đi theo để dò la xem sao?
Giả Vân nói
- Anh Cả để ý đến việc ấy là phải lắm. Anh hãy ngồi xuống uống một chén đã rồi sẽ nói chuyện.
Hai người từ chối một lúc rồi mới ngồi uống rượu và nói tiếp
- Ông Vũ Thôn ấy vẫn là tay cừ, có tài xoay xở, chức quan cũng không phải nhỏ. Chỉ phải cái bệnh tham tiền, nên bị người ta tâu vua kể tội sách nhiễu bọn thuộc hạ. Hiện nay đức hoàng thượng rất sáng suốt và nhân từ, chỉ nghe nói đến tham, hoặc làm hại dân chúng, hoặc cậy thế lừa dối dân là người rất giận, cho nên đã hạ chỉ truyền bắt xét hỏi. Nếu xét đúng sẽ nguy, nhưng không có tang chứng, thì người ấy cũng sẽ không yên. Hiện nay là một thời buổi tốt, chỉ cần có phúc làm được quan là sướng rồi.
Mọi người nói
- Ông anh của anh là người có phúc, hiện làm tri huyện. Còn không sướng à?
Người họ Lại nói
- Anh tôi tuy đã làm tri huyện, nhưng xem cách làm ăn của anh ấy sợ chưa biết rồi sẽ ra sao?
Mọi người hỏi
- Anh ta cũng hay vòi vĩnh à.
Người họ Lại gật đầu rồi cầm ly rượu uống. Mọi người lại nói
- Còn nghe được chuyện gì mới lạ nữa không?
- Không có việc gì khác, chỉ nghe nói bắt được nhiều tên kẻ cướp ở ven biển và giải đến tòa tam pháp để xét tội. Sau đó xét ra có nhiều tên ẩn nấp ở trong thành, dò la tin tức, rồi nhân lúc sơ hở vào cướp giật nhà người ta. Bây giờ nghe đâu các vị quan to trong triều đều là văn hay võ giỏi, hết sức báo đáp ơn vua. Cho nên các ngài đi đến đâu, đã trừ hết bọn cướp rồi.
Mọi người hỏi
- Các anh nghe nói có bọn cưp ở trong thành. Không biết họ đã tra ra vụ cướp trong phủ chúng ta hay chưa?
Hai người kia trả lời
- Vẫn chưa thấy gì. Nhưng nghe đâu có người đồn rằng có một tên quê ở xứ nầy đã phạm tội ở trong thành, rồi bắt một người con gái chạy xuống miền bể. Người con gái ấy không chịu theo, bị tên cướp giết chết. Tên cướp ấy muốn chạy trốn ra ngoài cửa quan. Nhưng bị quan quân bắt lại và hành hình ngay tại chỗ.
Mọi người nói
- Cái cô Diệu Ngọc nào đó tu ở trong am Lũng Thúy của phủ ta, chẳng phải đã bị người nào bắt đi đấy sao? Có phải người con gái bị bất ấy chính là cô ta không!
Giả Hoàn nói
- Chắc là cô ta!
- Sao cậu biết được?
- Cái con Diệu Ngọc ấy thực đáng ghét. Suốt ngày nó hay làm bộ, nhưng hễ thấy anh Bảo Ngọc là nó vui tươi hớn hở; có gặp tôi thì nó không thèm nhìn. Nếu quả thực nó bị giết thì tôi cũng thỏa lòng!
Mọi người nói
- Người bị bắt cũng nhiều. Sao lại chắc là cô ta?
Giả Vân nói
- Cũng có phần đáng tin. Hôm trước có người nói một đạo bà trong am ấy nằm mộng thấy Diệu Ngọc bị người ta giết chết rồi.
Mọi người cười nói
- Chuyện chiêm bao ấy kể làm gì?
Cậu cả Hình nói
- Mặc họ mộng hay không mộng, chúng ta đi ăn cơm đi, rồi đêm nay quyết sát phạt nhau một trận.
Mọi người bằng lòng, ăn cơm xong, họ mở cuộc sát phạt nhau rất to. Đánh đến quá trống canh ba bỗng nghe phía trong kêu ồn lên
- Cô Tư cùng mợ cả Trân cãi nhau. Cô ấy đã cắt hết mớ tóc rồi chạy đến bên Hình phu nhân và Vương phu nhân lạy xin để cho cô ấy làm sư cô. Xin ra ở một nơi khác, nếu không cho cô ấy đi tu thì cô dọa sẽ tự sát. Hai bà không biết quyết định ra sao, bảo mới cậu Tường và cậu Vân vào trong nhà.
Giả Vân nghe nói biết việc này là do ý định của cô ta khi người ta giao cho cô ta ở lại coi nhà một mình, và chắc là khuyên can không nổi, liền bàn định với Giả Tường
- Bà lớn gọi chúng ta vào. Nhưng chúng ta không làm chủ được mà cũng chẳng chủ chiếc làm gì. Ta chỉ nên khuyên can, nếu không nghe thì để mặc họ. Chúng ta chỉ nên bàn nhau viết một bức thư gửi cho chú hai Liễn. Thế là tránh khỏi tai tiếng.
Hai anh bàn định xong rồi vào hầu hai bà, lại giả cách khuyên can một lúc. Nhưng Tích Xuân cứ một mực đòi đi tu, nếu không được đi ra khỏi nhà, cũng xin cho ở một gian nhà sạch sẽ, để tụng kinh niệm Phật.
Vưu thị thấy hai người không dám làm chủ, lại sợ Tích Xuân tự tử, nên đứng ra nói:
- Việc tội lỗi nầy tôi đành gánh hết. Người ta sẽ bảo tôi làm chị dâu không rộng lượng với cô em chồng, để cô ta phải đi tu thế là hết chuyện? Cô ra ở ngoài thì quyết không được ; nhưng ở lại trong phủ thì được. Trước mặt hai thím đây cứ xem như là ý định của tôi vậy. Cháu Tường viết một bức thư gửi cho cậu Trân và chú Liễn là được.
Bọn Giả Tường vâng lời chưa biết hai bà có thuận hay không?
Truyện đánh dấu
Nhấn để xem...Truyện đang đọc
Nhấn để xem...