Giống như tôi dự đoán, đơn từ chức nhanh chóng được phê chuẩn. Thật sự tôi không muốn gặp Vu Viễn và Mộ Dung Nhã ở đài truyền hình thêm lần nào nữa, thế nên tôi đành làm phiền Triệu Kiết giúp tôi chuyển phát nhanh đồ đạc trên bàn làm việc đến nhà mình.
Đời người khó đoán, kẻ thù lúc ban đầu cuối cùng lại là bạn bè. Cho nên mới nói duyên phận thật kỳ diệu.
Triệu Khiết gọi điện đến, vẫn ham tám như xưa: “Ninh Chân, sao đột nhiên cô lại từ chức thế? Có người nói cô và chồng trước phục hôn, nên lại trở về làm bà chủ hả? Có phải thế không?”
Tôi bật cười.
Chức bà chủ đó quá khó làm, phải nấu thức ăn ngon, phải lau chùi phòng ốc sạch sẽ, phải phụng dưỡng cha mẹ chồng, sinh con rồi nuôi nấng, phải giữ được dáng người và nhan sắc, rồi bất cứ lúc nào cũng không thể tách khỏi chồng mình.
Tất cả các kỹ năng đều phải tinh thông, cho dù tích cóp bản lĩnh của cả hai đời tôi cũng không làm được.
Huống chi, với người mà ngay cả chén trà người khác uống rồi cũng không muốn lấy thêm như tôi, nói gì tới chuyện người đàn ông đã bị người ta chạm vào.
Triệu Khiết không tò mò nữa, thấm thía nói: “Ninh Chân, tôi nói thẳng này, cô nghe xong đừng giận. Vài năm nữa cô cũng 30 rồi, phụ nữ quá 30 đâu còn trẻ tuổi nữa, còn gì để kiêu ngạo nữa đâu. Tôi biết cô coi trọng tình cảm, cho nên mới ly hôn với chồng trước. Nhưng bây giờ đã qua hai năm rồi, cô cũng chứng kiến bản chất của xã hội này rồi đó, phải hiện thực lên thôi. Cô không thể độc thân cả đời, cô phải tìm bạn đời. Cô từng bị tổn thương, cho nên cô không muốn đặt quá nhiều tình cảm nữa, đồng thời mong muốn một đối tượng có điều kiện kinh tế như chồng trước. Một khi đã như vậy, chẳng thà cô phục hôn với chồng trước còn hơn. Nếu cô buông tay, khổ là cô, chồng trước vẫn thoải mái vui sướng. Tóm lại, ý tôi muốn nói, dù sao cũng là đồ của mình, có không thích thì cũng phải nắm chặt, tuyệt đối không thể để người khác được hưởng lợi.”
Tôi không hề giận, tôi biết những lời Triệu Khiết nói đều là muốn tốt cho tôi.
Gần đây, chuyện phục hôn xuất hiện bên tai tôi với tần suất khá lớn.
Cứ cách một hai tháng Đổng Thừa Nghiệp sẽ tới thăm Khỉ Con, mà lần gần đây nhất anh ta tới nhà tôi đột nhiên lại dịu dàng một cách khác thường, lời nói cũng có vẻ ái muội mập mờ hơn. Lúc ấy trong đầu tôi đều là chuyện của Vu Viễn, không để ý nhiều. Rồi sau đó tôi liên tục nhận được mấy cuộc điện thoại của bạn bè và người thân, nói Đổng Thừa Nghiệp gần đây có hứa hẹn với họ, nói muốn hàn gắn lại với tôi.
Sau khi chúng tôi ly hôn không lâu, Đổng Thừa Nghiệp bị điều khỏi thành phố D, nhưng mỗi dịp cuối tuần anh vẫn lái xe về thành phố D hẹn hò với Quyển Quyển và đánh cầu với mấy “anh em tốt”.
Ít nhất trong mắt tôi, tình cảm giữa anh ta và Quyển Quyển trông vô cùng kiên cố, không biết tại sao lại đột nhiên nảy ra ý định hàn gắn với tôi nữa.
Chị họ của Đổng Thừa Nghiệp cũng hy vọng chúng tôi nối lại, chị nói cho tôi biết hai ngày trước Đổng Thừa Nghiệp có nhắc với chị ấy rằng, anh ta chưa từng có ý định lâu dài với Quyển Quyển, chỉ là nhất thời cô đơn, hơn nữa cũng chưa từng muốn ly hôn với tôi, lúc trước chỉ vì tôi náo loạn quá nên anh ta giận dỗi đồng ý. Anh ta cảm thấy chuyện đã qua lâu như vậy rồi, tôi cũng bình tĩnh lại rồi, cũng đã hết giận, có lẽ có thể từ từ hàn gắn mối quan hệ của hai người, rồi nói tới chuyện phục hôn.
Tôi lạnh lùng nói với chị họ rằng, Đổng Thừa Nghiệp vẫn qua lại với Quyển Quyển như trước.
Chị họ là người thật thà, chị nói: “Ninh Chân, chị rất muốn hai đứa có thể phục hôn. Nhưng chị cũng không muốn lừa em, sau khi bọn em ly hôn, Đổng Thừa Nghiệp quả thật vẫn còn qua lại với cô gái đó. Ngày hôm qua, chị tình cờ thấy hai người nói chuyện trên mạng, bàn chuyện đổi xe. Chị cũng từng khuyên nó, nói nếu nó thật lòng muốn hàn gắn với em thì đừng liên lạc với người kia nữa, ngoài miệng nó đồng ý nhưng vẫn lén lút như thường. Ninh Chân, một thời gian nữa nó bị điều tới tổng công ty ở thành phố C rồi, hai em có thể ở bên nhau. E thử cho nó cơ hội xem, kiểm tra thử, nếu nó không còn qua lại với cô gái đó nữa thì hai người thử suy xét tới chuyện phục hôn xem.”
Tôi nhìn không được bật cười, không phải bởi vì chuyện chị họ nói, mà là vì chuyện đổi xe.
Lúc tôi ở cữ, Đổng Thừa Nghiệp và Quyển Quyển đã nói tới chuyện đổi xe rồi, thế mà giờ qua hai năm vẫn chưa đổi được, đề tài giữa hai người họ cũng không đổi mới gì.
Tôi biết, chị họ thương Khỉ Con nhất, mà điều chị ấy mong nhất là Khỉ Con có được một gia đình hoàn chỉnh. Bình thường tôi rất kính trọng chị ấy, nhưng lúc này đây, tôi lại không thể nghe lời.
Tôi tự hỏi một lúc lâu, rốt cuộc vẫn gọi điện thoại cho Đổng Thừa Nghiệp. Hình như anh ta đang ở trong KTV, bên cạnh rất ồn ào. Bởi vì bình thường tôi hiếm khi chủ động gọi điện thoại cho anh ta, cho nên giọng anh ta có phần kinh ngạc.
Tôi cũng không muốn quanh co lòng vòng nữa, trực tiếp hỏi thẳng: “Nghe nói anh nói với mọi người là muốn nối lại với tôi?”.
Anh ta cũng không phủ nhận: “Đúng thế, anh thấy bây giờ mọi người cũng đã tỉnh táo hơn nhiều, chuyện quá khứ thì nên quên đi, tập trung hướng về trước.”
Tôi hỏi lại: “Vậy tại sao còn tiếp tục lui tới với cô gái đó?”
Đổng Thừa Nghiệp ngớ ra, có lẽ cũng không hiểu được vì sao tôi ở tận thành phố C xa xôi mà vẫn biết được chuyện này.
Suy cho cùng trên đời này chẳng có bức tường nào mà không lọt gió, trước khi chị họ nói cho tôi biết, tôi đã biết chuyện này rồi. Thế gian này luôn có những người muốn kể mọi chuyện cho bạn, rồi xem bạn có khóc lóc không, có tức tối hay xịu má gì không. Họ không quan tâm bạn sẽ đau lòng khổ sở thế nào, chỉ biết thỏa mãn chính mình.
Đổng Thừa Nghiệp ấp a ấp úng nói: “Thật ra… em cũng biết, bây giờ anh… em không có ở đây… cho nên anh mới… đàn ông phải cần phụ nữ… Nhưng anh chưa từng có ý nghĩ lâu dài với cô ta…”
Tôi ngắt lời anh ta: “Chuyện anh không muốn tính chuyện lâu dài với cô ấy, cô ấy biết không?”
Tiếng Đổng Thừa Nghiệp càng ngày càng nhỏ: “Có lẽ là… Biết.”
Vậy nghĩa là không biết.
Cũng đúng, sao anh ta có thể nói thẳng trước mặt Quyển Quyển rằng “Anh chỉ chơi đùa với em thôi, sau này anh không cưới em được” chứ.
Nhưng tôi nghĩ, Quyển Quyển cũng không hy vọng gì quá nhiều ở anh ta. Hai người họ bây giờ cũng trở nên xa lạ, lúc trước có lẽ vì không chịu nổi cô đơn, có lẽ chỉ chỉ cuối tuần mới được ở cùng nhau, còn bình thường vẫn phải ở một mình. Họ và những người như họ, không nghĩ tới trách nhiệm, chỉ muốn hưởng thụ ngay tức thời.
Nói thật, trong lòng tôi thấy khá buồn cười. Lúc trước Đổng Thừa Nghiệp từng thề thốt nói rằng, ở cùng với Quyển Quyển, nếu có thể đơm hoa kết trái thì tới già chắc cũng được một tấm bảng hiệu tình yêu chân thành, nhưng mà hôm nay, cô ta không phải thê không phải thiếp thì là thứ gì đây?
Hôn nhân là một dải sương mù, sau khi ly hôn, tôi mới nhìn rõ được Đổng Thừa Nghiệp.
Trong lòng anh ta rất muốn ‘về nhà có hiền thê lương mẫu chăm sóc việc ăn-mặc-ngủ nghỉ của anh ta, ra ngoài thì có một người phụ nữa vui chơi cùng với mình’. Nay mỗi tuần anh ta quay về thành phố D, ở lại nhà ba mẹ mình, ăn mặc đều do bà chăm lo, vậy nên cũng chỉ cần một người bạn gái có thể chơi đùa, điều này, Quyển Quyển hoàn toàn có thể thỏa mãn. Nhưng qua mấy năm nữa? Ba mẹ Đổng Thừa Nghiệp không thể chăm sóc anh ta mãi được, đến khi đó Quyển Quyển cũng không thể thỏa mãn được hết những thứ anh ta cần, anh ta chỉ có thể tìm một hiền thê lương mẫu khác đến chăm sóc sinh hoạt của bản thân mình.
Khi đó Đổng Thừa Nghiệp vẫn sẽ không thể gây dựng được một gia đình yên ổn, cứ thế tiếp tục trình diễn một màn bi kịch khác.
Tôi hỏi: “Nếu không cắt đứt với cô ta, sao anh nghĩ rằng tôi sẽ đồng ý nối lại?”
Anh ta vâng vâng dạ dạ, kéo đông kéo tây hơn nửa ngày cũng không đề cập tới lý do.
Tôi chỉ âm thầm thở dài – đã nhiều năm như vậy, Đổng Thừa Nghiệp vẫn không hề hiểu tôi.
Trong tình cảm tôi là người không chịu được dù chỉ là hạt cát, nếu tôi đồng ý chấp nhận, lúc trước chúng tôi đã không đi tới bước ly hôn này.
Đồng thời tôi cũng không thích dây dưa lằng nhằng như vậy, cho nên nói thẳng: “Chúng ta ly hôn đã hai năm, cũng đã quen cuộc sống không có đối phương rồi. Tôi thấy câu nói kia của anh rất đúng, chúng ta nên nhìn về phía trước, quên quá khứ đi, tìm kiếm hạnh phúc của riêng mình.”
Thật ra tôi hiểu ra, lần này Đổng Thừa Nghiệp bỗng nhiên tới tìm tôi hàn gắn cũng chỉ là vì anh ta sắp chuyển tới thành phố C làm việc. Nếu nối lại với tôi, thì ở thành phố C anh ta sẽ có cuộc sống sẵn nhà ở, cũng có người chăm lo cuộc sống hàng ngày của anh ta, suy tính này thật tốt.
Người ta vẫn nói kẻ trong cuộc thì u mê, có thể nhìn thấu anh ta như vậy, tôi nghĩ tình cảm của mình với Đổng Thừa Nghiệp cũng đã tan thành mây khói hết.
“Thế sao? Tôi nói những lời này thật ra đều là vì lo cho con bé, không muốn con bé có một gia đình không hoàn chỉnh, nhưng nếu cô đã nói thế thì quên đi. Được rồi, tôi tắt máy đây.” Nghe thấy tôi từ chối, giọng điệu của Đổng Thừa Nghiệp cũng lạnh lùng cao ngạo hẳn lên, như một đứa trẻ không được thứ gì đó thì dứt khoát ném luôn xuống đất.
Tôi nghĩ, nếu anh ta thật sự yêu thương con bé thì chuyện gì cũng phải suy nghĩ cho con, lúc trước cũng sẽ không làm mấy chuyện phá hỏng gia đình rồi.
Hai năm trước Đổng Thừa Nghiệp rất thích trẻ con, thích những thứ đáng yêu mềm mại. Nhưng chỉ mới hai năm ngắn ngủi, bạn bè xung quanh đều nói anh ta thay đổi hoàn toàn, trở nên phản nghịch như bây giờ.
Trên thế giới này, chuyện đau khổ nhất chính là nhìn một người dần dần trở nên xa lạ.
Tôi nghĩ mình sẽ không quên Đổng Thừa Nghiệp, thời gian ở cũng anh cũng chính là tuổi thanh xuân tươi đẹp nhất của đời tôi. Nay tôi chỉ có thể nói với chính mình rằng, Đổng Thừa Nghiệp mà tôi yêu đã chết. Đổng Thừa Nghiệp bây giờ chỉ là cha của Khỉ Con mà thôi.
Triệu Khiết nói, đồ đạc của mình, cho dù không thích cũng phải nắm trong tay, nhất định không được để cho người khác hưởng lợi.
Tôi kể cho chị họ nghe, chị phản bác: “Ninh Chân, em phải nhớ, thức ăn nguội lạnh thì không được ăn, còn chuyện người kia có thích ăn lạnh hay không thì cứ mặc cho họ ăn, ăn đau bụng hay vui vẻ gì cũng là chuyện của họ, dù sao trong lòng em cũng rõ nhất, em không thích ăn đồ lạnh. Người em yêu rời xa em vì lý do gì đi chăng nữa thì cũng là quá khứ, cứ để cho người khác thích anh ta. Điều hiện tại em cần làm là phải toàn tâm toàn ý tìm bánh bao nóng hổi của riêng mình”.
Tôi sẽ không quên Đổng Thừa Nghiệp, cũng sẽ không quên Vu Viễn, dù rằng cuối cùng họ đã tổn thương tôi, nhưng trong quá trình yêu họ vẫn khiến tôi vui vẻ. Tôi vẫn nhớ nửa đêm trên xe lửa, Đổng Thừa Nghiệp dém góc chăn cho tôi, cũng nhớ đêm pháo hoa rực rỡ, Vu Viễn ôm tôi vào lòng.
Những điều đó đều đẹp đẽ, đáng để tôi khắc ghi trong lòng. Nhưng giờ tình cảm đã hết, cũng như đồ ăn lạnh, không cần phải cố chấp nữa. Tôi tự nói với mình, Ninh Chân, đừng sợ đói, vất đồ ăn lạnh đi, tìm cho mình một chiếc bánh bao nóng ấy.
Con người ta khi trưởng thành, có những nỗi đau tình cảm chỉ có thể chôn giấu dưới đáy lòng, bởi vì lớn lên sẽ biết, tình yêu không phải là toàn bộ cuộc sống. Cho nên sau khi thất tình, qua cơn say, hôm sau vẫn phải đứng lên đi làm như mọi ngày.
Còn phải nuôi nấng Khỉ Con, tôi không có tư cách để lạc giữa đau buồn. Sau khi từ chức ở đài truyền hình, tôi định nhờ bạn bè tìm giúp một công việc dạy học tư nhân, nhưng đúng lúc này, Hồ Hiểu lại tìm tới tôi.
Đối mặt với Hồ Hiểu, thật sự tôi có chút ngượng ngùng, bởi vì cô ấy biết rõ mối quan hệ giữa tôi và Vu Viễn, biết thân phận từng không quang minh chính đại của tôi.
Có lẽ Hồ Hiểu cũng hiểu tôi xấu hổ cho nên câu mở đầu đã giải thích rõ ràng: “Ninh Chân, có chuyện tôi phải giải thích với cô. Khi biết quan hệ giữa hai người, vì ngại tình cảm bạn bè nhiều năm với Vu Viễn nên tôi không thể nói rõ với cô được.”
Không biện hộ cho mình, cũng không đổ tội cho ai, Hồ Hiểu đúng là một người tử tế.
Đương nhiên tôi không trách cứ gì cô ấy, bởi lẽ chuyện tình cảm vốn là chuyện giữa hai người, một người ngoài như cô ấy lo nhiều chuyện cũng hơi bất tiện, chưa kể đến mấy năm bạn bè với Vu Viễn lại càng không hay.
Hồ Hiểu nói: “Dù quan hệ giữa cô và Vu Viễn thế nào, tôi vẫn hi vọng nó sẽ không ảnh hưởng tới chuyện hợp tác giữa chúng ta.”
Tôi đưa tay tán thành, giờ ra ngoài xã hội làm việc, công tư phải rõ ràng, không thể làm việc theo cảm tính.
Nếu đã nói rõ với nhau rồi, chuyện kế tiếp cũng sẽ thoải mái hơn. Hồ Hiểu nói, nhà xuất bản của họ gần đây muốn tung ra một bộ sách thiếu nhi, nhưng người vẽ tranh minh họa lại bỏ sang máng khác, cho nên hi vọng tôi có thể nhận dự án này.
Tuy rằng thời gian tương đối gấp, nhưng thấy khoản tiền nhuận bút khá dày, tôi quyết định nhận.
Sau đó, tôi tạm dừng tìm việc, bắt đầu ở nhà vẽ tranh. Mỗi sáng sớm, tôi mang Khỉ Con gửi cho cha mẹ, rồi ở nhà chuyên tâm bế quan vẽ vời, buổi tối lại đón Khỉ Con về. Mỗi ngày làm việc với một cường độ và áp lực lớn như thế, tóc tôi rụng ngày càng nhiều, gần như sắp trọc luôn rồi. Thời gian đó cứ mở mắt là vẽ tranh, tới khi ngủ thì mê mê mệt mệt, như có một tảng đá lớn đè nặng lên người. Có mấy lần trước khi đi vào giấc ngủ tôi lại lặng lẽ cầu nguyện ngày mai không cần tỉnh nữa. Cứ lên thẳng thiên đường luôn đi. Nhưng cho dù có bận rộn đi nữa, thời gian cấp bách, tôi vẫn phải cắn răng nhắc nhở bản thân, khó khăn vất vả ra sao cũng không thể làm cho qua loa cho xong việc. Lần vẽ tranh này xem như là một cơ hội, mà cơ hội thì như thể tình yêu, không nắm chặt sẽ không còn lần tiếp theo nữa.
Công việc và cuộc đời cũng thế, không thể qua loa đại khái.
Khoảng thời gian đó tôi không biết mình đã vượt qua thế nào, sau khi giao bản thảo xong cả người mềm nhũn, nằm trên giường hai ngày hai đêm, mấy ngày kế tiếp nhìn thấy bản vẽ là đau đầu ghê gớm.
Có lẽ trong tình cảm, có những cố gắng không nhất định sẽ được hồi đáp. Nhưng trong sự nghiệp, cố gắng rồi nhất định sẽ thu được về.
Nhà xuất bản khá vừa lòng với sản phẩm của tôi, tiếp tục giao thêm một dự án nữa.
Tôi suy tính vài ngày, cuối cùng quyết định không tìm việc nữa, tạm thời cứ ở nhà vẽ tranh làm nghề tự do. Vừa hay vẽ tranh minh họa cũng là sở thích, thời gian cũng khá tự do, tôi có thể dành nhiều thời gian ở bên Khỉ Con.
Trong lòng tôi vẫn luôn thấy hổ thẹn với con bé, bởi vì nó đã thiếu tình thương của cha, vậy bên tôi phải cố gắng ở bên con nhiều hơn.
Thật ra tôi là người khát vọng được ổn định, tất cả những chỗ ngoặt trong cuộc đời tôi đều đi từng bước – thi đậu giáo viên, trong thời gian tôi đặt ra, lấy chồng rồi sinh con.
Hai năm trước khi ly hôn, tôi chưa từng nghĩ mình sẽ bước vào con đường làm nghề tự do này. Nhưng mà cuộc hôn nhân đó đã làm rối loạn hết quỹ đạo cuộc tôi.
Hai năm qua, nhiều chuyện đã xảy ra, tôi cũng nhìn thấu được cuộc sống này. Có đôi khi không cần phải quá cố chấp, mình là một diễn viên đảm nhận vai trò quan trọng nhất trong cuộc đời mình, lúc vui vẻ thì hãy cười, đau khổ thì cứ khóc, khóc khóc cười cười rồi cuộc sống sẽ tiếp tục trôi qua.
Trước năm hai mươi sáu tuổi, tôi sống quá mức an nhàn ổn định. Sau năm hai mươi sáu tuổi, tôi bắt đầu lao vào cuộc đời xóc nảy gian truân.
Phải sống cuộc đời của cả hai người, phải tính thế nào, phải né ra sao.
Tôi bắt đầu ở nhà tiếp tục vẽ tranh, lúc rảnh thì mang Khỉ Con ra ngoài chơi. Khỉ Con hơn hai tuổi, đã biết đi biết nói, có đôi khi bỗng nhiên nói ra một hai câu khiến mọi người bật cười.
Khỉ Con lớn lên vẫn tròn vo như trước. Hơn nữa con bé cực kỳ háu ăn, mỗi lần ăn cơm là hoạt động cả hai tay, hiệu suất vô cùng lớn, chị họ nhìn thấy thì trợn mắt há mồm, hỏi: “Trên đời này có món gì nó không ăn không?”
Chị họ tôi tiếp tục nói: “Ninh Chân à, em nuôi một đứa con mà như người ta nuôi hai đứa, sức ăn khỏe quá đi.”
Lời còn chưa dứt, Khỉ Con thất tha thất thểu bước tới, chụp lấy bánh quy của chị tôi cho vào miệng. Chị tôi chỉ còn nước cúng bái nó.
Từ trước tới nay tôi chưa từng oán thán Thượng Đế bạc đãi mình, bởi vì ông đã ban cho tôi Khỉ Con như một viên minh châu vô giá. Giữa lúc tôi bi thương tuyệt vọng nhất, con là lý do để tôi tiếp tục kiên trì.
Xung quanh không ít người khuyên tôi còn trẻ thì tranh thủ tìm một người đàn ông mà lập gia đình đi, để Khỉ Con cho ba mẹ tôi nuôi. Nhưng đây là chuyện vĩnh viễn tôi không làm được.
Khỉ Con không phải là đồ vật, không phải là món đồ chơi để tôi đưa cho ba mẹ, con bé là một con người, là bảo bối của tôi, trước khi nó lấy chồng, tôi sẽ luôn ở bên làm bạn với con, chăm sóc con, trân trọng và dạy dỗ con.
Nghe tôi nói vậy thì có người khuyên: “Xã hội bây giờ, phụ nữ chưa lập gia đình thì dễ tìm đối tượng hơn phụ nữ đã ly hôn mà có con, người đã có con cũng dễ hơn người mang theo đứa bé bên mình. Đàn ông mà nghe cô nói mang theo con tới ở nhà anh ta, trong lòng nhất định sẽ không vui, dù sao cũng không phải cốt nhục của mình, khó mà thật lòng yêu thương đứa bé. Nói không chừng sau này cô không tìm được người thích hợp, chẳng lẽ cô thật lòng muốn hy sinh vì đứa trẻ sao?”
Tôi nghĩ, sao đây lại là hy sinh chứ? Tôi sinh Khỉ Con rồi thì nhất định phải có trách nhiệm với nó, nuôi nấng và dạy dỗ con bé, làm bạn với con cũng là trách nhiệm của tôi, là nghĩa vụ mà tôi phải làm. Hơn nữa, Khỉ Con mang đến cho tôi rất nhiều niềm vui. Sao lại là “hy sinh” được chứ?
Với lại bây giờ tôi đã học được cách thích ứng với mọi hoàn cảnh, bất cứ chuyện gì cũng tùy duyên, không quá cưỡng cầu. Tôi sẽ không thất vọng vì tình yêu, nhưng nếu sau này không gặp được người thích hợp, phải cô độc sống hết quãng đời còn lại, thì tôi cũng sẽ chấp nhận điều đó.
Truyện đánh dấu
Nhấn để xem...Truyện đang đọc
Nhấn để xem...