Scott Fitzgerald
Tài năng của ông tự nhiên như hoa văn bụi phấn trên cánh bướm. Đã có lúc ông cũng như bướm, không biết lúc nào hoa phấn sẽ bay đi hay tàn tạ. Sau này, ông ý thức hơn về đôi cánh bị tổn thương của mình và cấu trúc của chúng. Ông biết suy nghĩ hơn, nhưng không bao giờ bay được nữa vì niềm say mê bay lượn đã cạn, và ông chỉ còn biết nhớ về một thuở khi mọi thứ đến cứ nhẹ nhàng như không.
Lần đầu tiên tôi gặp Scott Fitzgerald đã xảy ra một chuyện quá đỗi lạ lùng. Có nhiều chuyện lạ lùng xảy ra với Scott nhưng chuyện này tôi không thể quên được. Anh đến quán bar Dingo trên phố Delambre khi tôi đang ngồi với một vài nhân vật cực kì nhạt nhẽo, anh tự giới thiệu mình và người đàn ông cáo ráo vui vẻ đi bên cạnh là Dunc Chaplin, cầu thủ ném bóng nổi tiếng. Tôi không xem đội bóng chày Princeton và cũng chưa từng nghe tên Dunc Chaplin bao giờ nhưng anh là một người rất dễ thương, thong thả, thư thái và thân thiện và tôi thấy thích anh hơn nhiều so với Scott.
Vào lúc ấy Scott đã là một người đàn ông nhưng trông như trai tơ với khuôn mặt phảng phất giữa đẹp trai và xinh xẻo. Anh có mớ tóc gợn sóng rất sáng màu, cái trán cao, đôi mắt phấn khích và thân thiện, còn cái miệng Ailen môi dài mềm mượt ấy cô gái nào có được thì phải gọi là mĩ nhân. Cái cằm anh chỉn chu, hai tai xinh xắn và chiếc mũi khiêm nhường đẹp đến mức thanh tú. Tất cả những chi tiết ấy hẳn là chưa đủ để làm nên một khuôn mặt đẹp, nhưng còn phải kể đến nước da, mái tóc rất sáng màu, và cái miệng. Cái miệng ấy khiến ta bối rối cho đến khi nào hiểu anh hơn, và đến khi hiểu anh hơn, ta sẽ còn bối rối hơn.
Tôi rất muốn được gặp anh, suốt ngày hôm nay tôi đã làm việc cật lực nên giờ thật tuyệt khi ngồi đây có Scott Fitzgerald và cả Dunc Chaplin vĩ đại, người tôi chưa từng nghe nói đến nhưng giờ là bạn tôi. Scott nói không ngừng và vì ngượng ngùng với những điều anh đang nói - về văn của tôi và ca ngợi hết lời - tôi chỉ quan sát anh thật kĩ và ghi nhận thay vì nghe. Cứ như thế chúng tôi tiếp tục, anh tán dương tôi thẳng mặt còn nỗi hổ thẹn của tôi theo đó mà tăng dần. Scott gọi sâm banh và anh, Dunc Chaplin và tôi cùng uống với mấy người mà tôi thấy nhạt nhẽo. Cả tôi và Dunc hẳn chẳng ai nghe bài diễn văn ấy, vì đích thị đấy là một bài diễn văn, và tôi tiếp tục quan sát Scott. Anh nhỏ người, không cân đối hoàn hảo cho lắm, và mặt hơi phì phị. Bộ com lê hiệu Brooks Brothers vừa khít và anh mặc chiếc sơ mi trắng cổ gập cài khuy, thắt chiếc cà vạt Cận vệ. Tôi định góp ý với anh về chiếc cà vạt ấy bởi ở Paris cũng có người Anh và họ có thể đến Dingo - lúc ấy cũng có hai người ngồi đấy - nhưng rồi tôi nghĩ mặc xác cái cà vạt ấy và tiếp tục quan sát anh thêm nữa. Về sau mới biết anh mua chiếc cà vạt ấy ở Rome.
Giờ thì sau khi đã quan sát anh một lúc tôi không biết thêm gì ngoài việc anh khá cân đối, hai bàn tay trông linh hoạt, không quá nhỏ và khi anh ngồi trên ghế quầy bar, tôi thấy anh có đôi chân rất ngắn. Nếu đấy là một đôi chân bình thường, hẳn anh phải cao thêm được năm phân. Chúng tôi uống hết chai sâm banh đầu tiên rồi bắt sang chai thứ hai và bài diễn văn của anh có vẻ như sắp kết thúc.
Cả Dunc và tôi thấy dễ chịu còn hơn cả trước khi uống chai sâm banh đầu tiên và thật tuyệt khi thấy bài diễn văn đi vào đoạn kết. Đến lúc đó tôi mới nhận thấy thì ra tay nhà văn vĩ đại ghê gớm là tôi ấy xưa nay chỉ biết sống kín bưng trong thế giới của hai vợ chồng cùng một vài người quen biết và nói chuyện được. Tôi vui sướng vì Scott đã cho cái tầm vóc có khả năng vĩ đại kia một cái kết có hậu, nhưng tôi còn vui sướng hơn vì anh bắt đầu nguôi cơn thuyết trình. Tuy nhiên, sau bài diễn văn lại đến phần đặt câu hỏi. Ta có thể quan sát anh tỉ mỉ để lờ đi bài diễn văn, nhưng không thể tránh các câu hỏi. Và tôi thấy Scott thật sự nghĩ rằng người viết tiểu thuyết nếu muốn biết những gì mình muốn thì chỉ cần hỏi thẳng bạn bè hay người quen biết là xong. Cuộc thẩm vấn thẳng tưng.
“Ernest,” anh nói. “Tôi gọi anh là Ernest có được không?”
“Hỏi Dunc xem sao,” tôi đáp.
“Đừng vớ vẩn. Nghiêm túc đấy. Này, anh và vợ có ngủ với nhau trước khi cưới không?”
“Tôi không biết.”
“Không biết nghĩa là sao?”
“Tôi không nhớ.”
“Làm sao không nhớ một chuyện quan trọng như thế?”
“Tôi không biết,” tôi đáp. “Kì quặc lắm sao?”
“Còn tệ hơn cả kì quặc,” Scott nói. “Anh phải nhớ chứ.”
“Tôi xin lỗi. Tệ thật, nhỉ?”
“Đừng có nói kiểu bọn Anh,” anh nói. “Nghiêm túc mà nhớ xem.”
“Chịu,” tôi nói. “Vô phương.”
“Anh thật lòng cố gắng thì sẽ nhớ thôi.”
Bài diễn văn lên đến đỉnh điểm đây, tôi nghĩ. Tôi tự hỏi chẳng lẽ gặp ai anh cũng cho một bài diễn văn vậy sao, nhưng e là không phải thế vì tôi thấy anh toát mồ hôi khi nói. Mồ hôi lấm tấm rịn ra trên mép môi trên, cái môi Ailen dài hoàn hảo, và tôi tránh nhìn mặt anh để đưa mắt kiểm tra độ dài của hai chân khi anh co lên lúc ngồi ở quầy bar. Rồi tôi nhìn mặt anh lần nữa và lúc ấy chuyện lạ lùng đã xảy ra.
Anh ngồi ở quầy, tay cầm li sâm banh, da mặt căng hết cỡ cho đến khi tất cả sự phì phị tan biến, rồi nó tiếp tục căng cho đến khi mặt anh trông như đầu một người đã chết. Đôi mắt anh chìm sâu như thể chết rồi và môi kéo giãn ra, sắc mặt biến mất chỉ để lại một màu như sáp nến đã dùng qua. Đấy không phải tôi tưởng tượng. Mặt của anh là của một người đã chết thật, hoặc đấy là chiếc mặt nạ người chết ngay trước mắt tôi.
“Scott,” tôi nói. “Anh không sao chứ?”
Anh không trả lời, cái mặt bị kéo giãn hơn bao giờ hết.
“Đưa anh ấy đi cấp cứu ngay,” tôi nói với Dunc Chaplin.
“Không, anh ấy ổn.”
“Trông như đang chết kia kìa.”
“Không sao. Anh ấy vẫn thế đấy.”
Chúng tôi đưa anh lên một chiếc taxi, tôi rất lo lắng nhưng Dunc bảo anh ấy ổn và đừng lo lắng gì. “Về đến nhà anh ấy sẽ bình thường lại thôi,” Dunc nói.
Có lẽ đúng như thế thật vì khi tôi gặp anh ở Closerie des Lilas vài ngày sau đó, tôi bảo rất tiếc vì những thứ ấy ảnh hưởng đến anh như thế và nguyên nhân có lẽ là do chúng tôi đã uống quá nhanh khi trò chuyện.
“Anh bảo rất tiếc nghĩa là gì? Cái thứ gì ảnh hưởng đến tôi là làm sao? Anh đang lải nhải gì thế, Ernest?”
“Tôi nói cái đêm ngồi ở Dingo ấy.”
“Tôi chẳng có vấn đề gì khi ở Dingo hết, đơn giản là tôi chán ngấy bọn người Anh chết tiệt đi cùng anh nên tôi bỏ về thôi.”
“Lúc anh ngồi đấy chẳng có người Anh nào cả. Có mỗi người pha rượu.”
“Đừng làm mọi chuyện bí hiểm nữa. Anh biết tôi nói đến bọn nào mà.”
“À,” tôi thốt lên. Hoặc anh sau đó quay lại Dingo. Hoặc anh đến đấy một lần khác. Không, tôi nhớ rồi, lúc ấy có hai người Anh, đúng thế thật. Tôi còn nhớ họ là ai. Đúng là họ có ở đó.
“Đúng rồi,” tôi nói. “Có.”
“Cái con bé làm bộ làm tịch cực kì thô lỗ ngồi cùng thằng say ngớ ngẩn ấy. Chúng bảo chúng là bạn của anh.”
“Vâng. Đôi khi cô ấy có thô lỗ cực.”
“Thấy chưa. Đừng thấy người khác uống vài li là vẽ chuyện qua mặt. Sao anh cứ thích vẽ chuyện thế nhỉ? Tôi không nghĩ anh lại như thế đấy.”
“Tôi không biết,” tôi muốn cho qua. Tôi đã nghĩ đến chuyện khác. “Thế họ tỏ ra thô lỗ với chiếc cà vạt của anh à?” tôi hỏi.
“Sao phải thô lỗ với chiếc cà vạt của tôi? Tôi đeo cà vạt đan đen tuyền với sơ mi trắng cổ đứng kia mà.”
Đến đấy thì tôi chịu thua và anh hỏi tại sao tôi thích chỗ này. Tôi kể cho anh nghe chuyện ngày xa xưa của quán và anh bắt đầu cố gắng thích nó, rồi chúng tôi ngồi đấy, tôi thích cái quán còn anh thì cố gắng thích nó, rồi anh đặt ra những câu hỏi và kể cho tôi nghe chuyện nhà văn và chuyện các nhà xuất bản, chuyện những người đại diện và chuyện những nhà phê bình, chuyện của George Horace Lorimer và hết chuyện ngồi lê đôi mách lại đến chuyện được mất của một nhà văn thành đạt, rồi anh giễu cợt, và khôi hài, và vui vẻ, và hấp dẫn, và đáng yêu đối với ngay cả những người vốn hay đề phòng những người bất chợt đáng yêu. Anh nói về những gì đã viết bằng một giọng coi nhẹ nhưng không cay đắng, và tôi biết quyển sách mới của anh hẳn là lí do để anh không quá khắc nghiệt khi nói về khiếm khuyết của những quyển trước. Anh muốn tôi đọc quyển sách mới, cuốn The Great Gatsby, ngay khi anh lấy lại bản cuối cùng và duy nhất mà ai đó đang mượn. Nghe anh nói về quyển sách, ta sẽ không biết nó hay đến độ nào, nhưng cái vẻ bẽn lẽn của anh khi nói về nó là cách những nhà văn khiêm tốn vẫn biểu lộ mỗi khi viết được một cái gì đó thật tuyệt, và tôi nôn nóng chờ anh lấy lại quyển sách để đọc ngay.
Scott nói với tôi rằng Maxwell Perkins bảo quyển sách bán không chạy nhưng được những bài phê bình nhận xét rất tốt. Tôi không nhớ là vào thời điểm ấy hay mãi sau đó, Scott có đưa tôi đọc một bài điểm sách của Gilbert Seldes, một bài không thể hay hơn được nữa. Nó chỉ có thể hay hơn chừng nào chính Gilbert Seldes hay hơn mà thôi. Scott ngạc nhiên và tổn thương vì sách không bán được nhưng, như tôi vừa nói, anh không hề cay đắng mà chỉ vừa bẽn lẽn vừa hạnh phúc vì có một quyển sách thật sự ngoại hạng.
Hôm ấy chúng tôi ngồi ngoài hiên Lilas ngắm trời tối dần, ngắm khách bộ hành qua lại trên vỉa hè và ánh chiều xám đang chuyển màu, chúng tôi đã uống hai li whisky pha sô đa nhưng khuôn mặt anh không hề biến đổi. Tôi quan sát thật kĩ nhưng không có biến đổi nào xảy ra. Anh cũng không hỏi những câu thô bỉ, không làm gì quá đáng, không đọc diễn văn, mà hoàn toàn là một người bình thường, thông minh và cuốn hút.
Anh kể với tôi rằng anh và Zelda, vợ anh, buộc phải để lại chiếc Renault nhỏ ở Lyon vì thời tiết xấu và hỏi tôi có thể cùng anh đáp tàu hỏa xuống Lyon để lấy xe và lái ngược về Paris không. Gia đình Fitzgerald thuê một căn hộ có sẵn đồ đạc ở 14 rue de Tilsitt không xa quảng trường Étoile. Lúc này đã cuối xuân, tôi nghĩ miền quê đang vào thời điểm đẹp nhất và chúng tôi sẽ có một chuyến đi rất tuyệt vời. Scott tỏ ra dễ thương chừng mực, tôi quan sát anh uống hai li whisky loại nặng mà không có chuyện gì xảy ra cả. Sự hấp dẫn cùng biểu hiện tinh tế của anh khiến cho cái buổi tối hôm trước ở Dingo chỉ như ở trong một cơn mộng mị. Thế là tôi đồng ý cùng xuống Lyon và hỏi khi nào thì anh muốn đi.
Chúng tôi thỏa thuận gặp nhau vào hôm sau rồi đi Lyon bằng chuyến tàu tốc hành sáng. Chuyến tàu này khởi hành vào giờ thuận tiện và chạy rất nhanh. Nó chỉ dừng ở một trạm, như tôi nhớ, tại Dijon. Kế hoạch của chúng tôi là đến Lyon kiểm tra xa, và nếu xe ngon lành, sẽ ăn một bữa tối đã đời rồi sáng hôm sau xuất phát về lại Paris.
Tôi rất phấn khích với chuyến đi. Tôi có bạn đồng hành là một đàn anh và là nhà văn thành đạt, và trong lúc trò chuyện khi lái xe thế nào tôi cũng được học hỏi nhiều điều hữu ích. Giờ nghĩ lại thấy thật lạ khi từng xem Scott là một nhà văn lớn tuổi, nhưng vào thời điểm ấy, khi chưa đọc The Great Gatsby, tôi nghĩ anh già hơn thế. Những truyện anh viết cho tờ Saturday Evening Post đọc cũng được nhưng tôi không xem anh là một nhà văn nghiêm túc. Ngồi ở Closerie des Lilas, anh kể tôi nghe anh đã viết những cái truyện theo anh là hay như thế nào, loại truyện nào thì thuộc gu tờ Post, và anh đã chữa lại những cái truyện ấy để gửi đi, anh rất biết cách thay đổi chúng thành những truyện dễ bán cho các tạp chí. Tôi đã choáng khi nghe thế, và nói, với tôi làm vậy là đánh đĩ. Anh bảo đúng là đánh đĩ nhưng phải làm thế để có nhuận bút đặng nuôi việc viết sách nghiêm túc. Tôi nói tôi tin chỉ có một cách duy nhất để viết mà không khiến tài năng mình bị hủy hoại, đấy là viết ra những gì hay nhất. Anh bảo trước tiên anh viết những truyện thật sự nghiêm túc, xong đâu đó rồi mới thay đổi cấu trúc và viết lại, nên chẳng suy suyển gì đến anh. Tôi không tin và muốn tranh cãi đến cùng, nhưng để hỗ trợ lập luận của mình, để chứng minh cho anh thấy và thuyết phục được anh, tôi cần phải có tiểu thuyết, nhưng tôi lại chưa từng viết cuốn tiểu thuyết nào cả. Từ khi tôi bắt đầu nghiên cứu phân tích những truyện của mình, tránh những gì dễ dãi có sẵn và cố gắng sáng tạo thay vì miêu tả, viết văn trở thành một công việc tuyệt vời. Nhưng đó là loại công việc nhọc nhằn và tôi không biết viết một cái gì đó dài như tiểu thuyết thì phải làm như thế nào. Tôi vẫn thường phải ngồi trọn cả buổi sáng để ra được một đoạn văn.
Vợ tôi, Hadley, mừng cho tôi vì được đi, dù nàng không xem những gì đọc được của Scott là nghiêm túc. Theo tiêu chuẩn của nàng, nhà văn giỏi phải như Henry James. Nhưng nàng nghĩ đây là một dịp tốt để tôi nghỉ ngơi không làm việc và đi chơi xa, dù cả hai chúng tôi từng mơ có đủ tiền mua xe và lái đi đây đó với nhau. Nhưng chuyện ấy với tôi là không tưởng, nhà Boni và Liveright vừa gửi cho tôi một khoảng hai trăm đô la tạm ứng cho tập truyện ngắn đầu tiên sẽ xuất bản ở Mĩ vào mùa thu tới, ngoài ra tôi còn viết truyện cho tờ Frankfurter Zeitung và Der Querschnitt ở Berlin, tờ This Quarter và The Transatlantic Review ở Paris và chúng tôi đang sống hết sức tằn tiện không tiêu xài gì, trừ những chi tiêu cần thiết, để có tiền tháng bảy đi nghỉ feria ở Pamplona và Madrid rồi sau đó là đi nghỉ ở Valencia.
Buổi sáng hẹn đi ở Gare de Lyon, tôi đến thật sớm và chờ Scott bên ngoài cửa ra tàu. Anh giữ vé. Gần đến giờ tàu chạy nhưng không thấy anh đến, tôi mua một vé qua cửa vào khu đường ray và đi dọc bên hông tàu tìm anh. Vẫn không thấy anh đâu, và khi còn tàu bắt đầu lăn bánh, tôi lên khoang đi suốt từ đầu đến cuối với hi vọng mong manh sẽ gặp anh trên đó. Con tàu dài và anh không có ở đó. Tôi trình bày với người bán vé rồi mua một vé hạng hai - vì không có hạng ba - và hỏi tên khách sạn hạng nhất ở Lyon. Không còn cách nào khác ngoài việc đánh cho anh một bức điện thông báo địa chỉ khách sạn ở Lyon nơi tôi sẽ chờ, khi tàu dừng ở Dijon. Anh có thể đã đi trước khi kịp nhận bức điện, nhưng vợ anh có lẽ sẽ chuyển tiếp nó cho anh. Cho đến lúc ấy, tôi chưa từng nghe chuyện một gã đàn ông đã trưởng thành lại để lỡ tàu, nhưng trong chuyến đi này tôi còn sẽ biết thêm nhiều điều khác nữa.
Những ngày đó tôi ở trong tâm trạng cáu bẳn tồi tệ, nhưng khi tàu đi qua Montereau thì mọi thứ lắng xuống và tôi không quá tức giận nữa mà chỉ ngắm nhìn và tận hưởng miền quê, đến trưa tôi dùng bữa ngon lành trong toa nhà hàng với một chai St-Émilion và nghĩ, cho dù tôi có là một thằng cực ngốc khi nhận lời đi chơi do người khác bao vé để rồi phải mua vé tàu bằng số tiền hai vợ chồng chắt chiu dành dụm để đi Tây Ban Nha thì đấy cũng là một bài học tốt. Trước đây tôi không bao giờ nhận lời đi đâu do người khác trả tiền nếu không được cùng chia sẻ chi phí, và trong chuyến đi này, tôi đã yêu cầu được chia đôi tiền ăn và tiền ở khách sạn. Nhưng giờ thì tôi không biết đến lúc nào Scott mới ló dạng. Khi nổi điên, tôi hạ cấp anh từ Scott xuống thành Fitzgerald. Một lúc sau tôi cảm thấy hài lòng vì đã tiêu được cơn giận ban đầu và chế ngự được nó. Chuyến đi này không thiết kế cho người dễ nổi điên.
Khi đến Lyon tôi được biết Scott đã rời Paris đi Lyon nhưng không để lại thông tin gì cũng như về nơi anh sẽ ở. Tôi nhắc lại địa chỉ của tôi và người hầu bảo sẽ nhắn nếu anh gọi về. Madame không khỏe và vẫn đang ngủ. Tôi gọi điện cho tất cả các khách sạn và để lại tin nhắn nhưng không truy được Scott, sau đó tôi ra quán để uống một chút và đọc báo. Ở quán, tôi gặp một người đàn ông kiếm sống bằng nghề nuốt lửa và bẻ cong đồng xu bằng hai ngón tay và cái hàm trụi răng. Khi biểu diễn, ánh mắt lão lộ ra sự đau đớn vì lợi răng nhưng vẫn rất kiên định, và lão bảo nghề này không phải là một nghề tồi. Tôi mời một li và lão vui vẻ đồng ý. Mặt lão đen mà đẹp và sáng bừng lên khi nhai lửa. Lão nói ở Lyon, cái trò ăn lửa lẫn màn biểu diễn kì công của ngón tay và lợi răng này chẳng kiếm được bao nhiêu. Mấy tay nuốt lửa bịp bợm đã hủy hoại cái nghề này và chừng nào còn có nơi cho phép chúng biểu diễn thì cái nghề này còn sẽ bị tiếp tục hủy hoại. Hôm nay, lão đã nhai lửa suốt buổi tối nhưng vẫn không đủ tiền để ăn một món gì khác. Tôi mời lão thêm một li nữa để gột sạch vị dầu đốt của món lửa, và nói chúng tôi có thể cùng ăn tối nếu lão biết nhà hàng nào vừa ngon vừa rẻ. Lão nói lão biết một chỗ cực kì.
Chúng tôi ăn rất bèo ở một nhà hàng Algeria và tôi thích thức ăn cũng như rượu Algeria. Lão nuốt lửa là người dễ thương và thật thú vị xem lão dùng nướu nhai thức ăn như người khác dùng răng. Lão hỏi tôi kiếm sống bằng nghề gì và tôi bảo tôi bắt đầu con đường viết văn. Lão hỏi tôi viết thể loại truyện gì và tôi kể cho lão nghe những truyện tôi viết. Lão bảo lão biết rất nhiều chuyện, có những chuyện kinh hoàng đến khó tin mà những truyện mọi người đã viết không thể sánh được. Lão sẽ kể cho tôi nghe và tôi có thể viết chúng và tiền kiếm được sẽ chia lại cho lão bao nhiêu thì tùy, miễn sao tôi thấy hợp lí là ổn. Còn không thì, tốt hơn hết nếu chúng tôi có thể làm một chuyến đến Bắc Phi, lão sẽ đưa tôi đến lãnh thổ của vị Sultan Xanh nơi tôi có thể nghe những chuyện chưa ai từng biết.
Tôi hỏi những chuyện ấy là loại chuyện gì và lão bảo đấy là chuyện đánh nhau, xử tử, tra tấn, xâm phạm, trụy lạc, những tục lệ kinh hoàng, những trò không thể tin được; có bất cứ gì tôi cần. Đã đến giờ phải về khách sạn kiểm tra xem tình hình Scott nên tôi thanh toán tiền ăn và nói chắc chắn thế nào chúng tôi cũng có dịp gặp lại nhau. Lão nói là sẽ đi làm ăn xuống dần phía Marseille và tôi bảo sớm muộn gì thì chúng ta cũng sẽ gặp nhau ở đâu đó và sẽ rất vui nếu lại được cùng ăn tối. Tôi đi bộ về khách sạn để lão ngồi đấy nắn lại những đồng xu bị bẻ gập và xếp chúng trên bàn.
Lyon không phải là một thành phố náo nhiệt về đêm. Đó là một thành phố rộng lớn, nặng nề và no đủ, cũng không sao nếu bạn có tiền và thích kiểu thành phố như thế. Đã nhiều năm nay tôi nghe tiếng món gà tuyệt hảo trong các quán ở đây, nhưng chúng tôi chỉ ăn thịt cừu. Thịt cừu thật tuyệt.
Không có tin gì của Scott nhắn đến khách sạn và tôi lên giường trong căn phòng mà với tôi thật sự là một sự xa xỉ bất thường và đọc tập đầu tiên quyển A Sportman’s Sketches của Turgenev mượn ở thư viện của Sylvia Beach. Ba năm qua tôi không hề ló mặt đến bất cứ khách sạn sang trọng nào và tôi mở rộng cửa sổ, gập gối kê đầu và vai rồi sung sướng theo Turgenev về nước Nga và đọc cho đến khi lăn ra ngủ. Buổi sáng khi tôi cạo râu chuẩn bị ra ngoài ăn sáng thì quầy tiếp tân gọi lên bảo có một quý ông đang chờ dưới sảnh.
“Vui lòng mời ông ấy lên đây,” tôi nói và tiếp tục cạo râu, lắng nghe tiếng thành phố sống động ầm ào vào buổi sớm mai.
Scott không lên phòng và tôi xuống gặp anh dưới quầy tiếp tân.
“Tôi vô cùng xin lỗi vì sự xáo trộn này,” anh nói. “Nếu tôi biết anh ở khách sạn nào thì đã đơn giản hơn nhiều.”
“Không sao hết,” tôi nói. Chúng tôi còn phải lái xe một chặng dài nên tôi chỉ muốn không khí bình yên. “Anh đến đây bằng chuyến tàu nào?”
“Không lâu sau chuyến tàu của anh. Chuyến ấy tiện nghi lắm và lẽ ra chúng ta đã đi cùng nhau rồi.”
“Anh ăn sáng chưa?”
“Chưa. Tôi chạy khắp thành phố để tìm anh.”
“Tệ thật,” tôi nói. “Thế người nhà không nói với anh là tôi ở đây à?”
“Không. Zelda bảo không được khỏe và lẽ ra tôi không nên đi. Cả chuyến đi đến giờ này là một thảm họa.”
“Thôi ăn sáng rồi xem chiếc xe thế nào để còn lên đường,” tôi nói.
“Tốt. Chúng ta ăn luôn ở đây chứ?”
“Ra quán ngoài kia ăn cho nhanh.”
“Nhưng ăn điểm tâm ở đây mới ngon.”
“Được thôi.”
Đó là một bữa ăn sáng kiểu Mĩ thịnh soạn với thịt lợn muối và trứng, một bữa rất ngon. Nhưng từ lúc gọi món, chờ bếp, ăn và đợi thanh toán, chúng tôi mất đứt gần một tiếng đồng hồ. Đến khi người phục vụ đem hóa đơn ra thì Scott quyết định đặt khách sạn làm đồ ăn đem theo. Tôi có thuyết phục anh rằng có thể mua một chai rượu Mâcon ở Mâcon và ghé một tiệm charcuterie (cửa hiệu bán đồ ăn, thường là đồ làm từ thịt) nào đấy mua đồ nguội ăn với sandwich. Hoặc nếu mọi nơi đều đóng cửa, thì vẫn còn khối quán mà chúng tôi có thể ghé vào trên đường đi. Nhưng anh bảo là có nghe tôi kể chuyện gà Lyon ngon tuyệt nên tất nhiên chúng tôi cần gói theo một con đem đi đường. Và thế là khách sạn chuẩn bị cho chúng tôi một bữa trưa với giá gấp bốn gấp năm lần nếu chúng tôi tự đi mua lấy.
Scott rõ ràng đã uống trước khi đến, và vì thấy mặt anh như muốn uống thêm nên tôi hỏi anh có muốn uống một li tại quầy bar trước khi lên đường không. Anh bảo anh không phải loại say sưa buổi sáng và hỏi tôi vẫn hay như thế à. Tôi nói chuyện đấy hoàn toàn tùy thuộc vào tâm trạng lúc ấy như thế nào và tôi đang làm việc gì, rồi anh bảo nếu tôi thấy cần uống thì anh sẽ tháp tùng để tôi khỏi phải uống một mình. Và thế là chúng tôi uống whisky pha Perrier ở quầy bar trong khi ngồi đợi nhà hàng làm bữa trưa và cả hai thấy dễ chịu hẳn.
Tôi trả tiền phòng và tiền rượu, dù Scott muốn giành trả tất. Ngay từ lúc bắt đầu chuyến đi, về tình cảm tôi đã thấy có chút lấn cấn, và hiểu rằng mình thanh toán nhiều chừng nào thì sẽ thấy dễ chịu hơn chừng ấy. Tôi đã tiêu hết số tiền hai vợ chồng dành dụm đi Tây Ban Nha, nhưng tôi biết mình có đủ uy tín để vay tiền của Sylvia Beach trả cho những khoản hoang phí lúc này.
Ở xưởng nơi Scott gửi xe để chữa, tôi ngạc nhiên thấy một chiếc Renault nhỏ không mui. Mui bị hỏng khi xe được dỡ xuống ở cảng Marseille, hoặc vì lí do nào đó mà bị hỏng ở Marseille và Zelda cho cắt bỏ luôn mà không thay bằng mui xe khác. Vợ anh ghét mui xe, Scott nói với tôi như thế, và với chiếc xe không mui, họ lái được đến Lyon rồi buộc phải dừng lại ở đó vì trời mưa. Chiếc xe trông vẫn tốt và Scott thanh toán hóa đơn sau khi tranh cãi rất nhiều về các khoản rửa xe, bôi dầu mỡ và hai lít dầu nhờn thêm vào. Người ở xưởng giải thích với tôi rằng chiếc xe cần thay bạc pít tông mới và chủ chiếc xe rõ ràng đã lái nó khi nó ở trong tình trạng không đủ dầu và thiếu nước. Anh chỉ cho tôi xem chiếc xe bị nóng lên như thế nào khiến lớp sơn bị tróc ra khỏi động cơ. Anh bảo khi về Paris, nếu tôi thuyết phục được Monsieur đây cho thay cái bạc pít tông thì chiếc xe, tuy nhỏ nhưng vẫn còn rất tốt, sẽ hoạt động hiệu quả đúng như thiết kế của nó.
“Monsieur không cho tôi thay cái mui xe.”
“Không à?”
“Đó là cái bắt buộc xe nào cũng phải có.”
“Xe nào mà chẳng có.”
“Quý ông không có áo mưa à?”
“Không,” tôi nói. “Tôi không biết chiếc xe này mất mui.”
“Thử thuyết phục Monsieur nghĩ kĩ xem,” anh ta van nài. “Nhất là chuyện xe cộ.”
“Ừm,” tôi đáp.
Chúng tôi phải nấp mưa chừng một tiếng đồng hồ ở phía Bắc Lyon.
Truyện đánh dấu
Nhấn để xem...Truyện đang đọc
Nhấn để xem...